Một Vài Kỷ Niệm Về Chuyến Đi Dự Lễ Phong Chân Phước Cho Anrê Phú Yên Ngày 05/3/2000


Ngày 05/3/2000, tại Đền thờ Thánh Phê-rô, kinh thành Vatican, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolo II đã tôn vinh lên bậc Chân Phước cho Thầy Giảng An-rê Phú Yên, vị Tử Đạo tiên khởi của giáo hội Việt Nam (chịu trảm quyết vào ngày 26/7/1644 tại Phước Kiều, Quảng Nam thuộc giáo phận Đà Nẵng hiện nay). Hiện diện trong Thánh lễ tôn vinh long trọng này, có sự hiện diện của đại diện hàng giáo phẩm giáo hội Việt Nam cùng với các vị đại diện của 2 giáo phận (giáo phận Quy Nhơn, nơi sinh và giáo phận Đà Nẵng, nơi tử đạo) liên quan đến vị tân Chân Phước. Riêng giáo phận Đà Nẵng, vì lý do sức khỏe, nên ĐGM đương nhiệm Ph.X. Nguyễn quang Sách đã cử Cha Antôn Trần văn Trường, Tổng Đại Diện giáo phận chính thức tham dự Thánh lễ tôn phong này.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày tôn phong Chân Phước cho vị Tử Đạo đáng kính, đặc biệt trong bầu không khí u buồn, nặng nề tại giáo đô Vatican của Giáo hội Công Giáo do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, website giáo phận Đà Nẵng hân hạnh giới thiệu một số hình ảnh và bài viết của Cha Antôn Trần văn Trường, nguyên Tổng Đại diện giáo phận và cũng là người đại diện của giáo phận Đà Nẵng trong ngày lễ long trọng đó. Cũng nên lưu ý rằng, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục chính tòa đương nhiệm của giáo phận Đà Nẵng cũng đã hiện diện trong Thánh lễ này trong tư cách là Linh mục thư ký của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Kính giới thiệu.

Một Vài Kỷ Niệm Về Chuyến Đi Dự Lễ Phong Chân Phước Cho Anrê Phú Yên Ngày 05 Tháng 3 Năm 2000

Cùng tham dự vào chuyến đi lịch sử, đại diện Giáo hội Việt Nam,có Đức Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam; Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Thư ký HĐGMVN; Đức Cha Phêrô Nguyện Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn quê quán của Chân Phước (Mằng Lăng); và Linh mục Antôn Trần Văn Trường, Tổng Đại Diện giáo phận Đà Nẵng, được cử đi thay Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Giám mục giáo phận Đà Nẵng, nơi Vị Chân phước phục vụ và tử đạo (Hội An) vì đau yếu nên phải ở nhà. Cha Antôn Trần Văn Trường khởi hành trước một mình (28/02/2000) vì muốn ghé thăm lại Paris, nơi Cha đã du học và chịu chức Linh mục (1959) nên không đi chung với phái đoàn do Đức Hồng Y Phaol-Giuse dẫn đầu đến thẳng Roma.

Cha Antôn Trần văn Trường từ Paris đến Roma vào ngày 01/3/2000 (năm 2000 là năm nhuần nên tháng 02 có 29 ngày); còn phái đoàn của Đức Hồng Y tới Roma vào ngày 04/3/2000. Nhưng không biết vì lý do gì mà hành lý không đến kịp, bởi thế, Đức Hồng Y và các Giám mục đồng hành phải mượn phẩm phục để mặc đi dự lễ phong Chân phước vào ngày 05/3/2000. Đức Hồng Y, vì vóc dáng nhỏ nhắn, nên không mượn được phẩm phục Hồng Y đúng kích cỡ, đành phải mặc phẩm phục Giám mục (màu tím thay màu đỏ).

Thánh lễ phong Chân phước được khởi sự lúc 10g00, Chủa nhật 05/3/2000 và kết thúc vào lúc 12g50; liền sau đó, theo thông lệ, các vị Giám mục, Linh mục đồng tế, từng người một được lên gặp chào vắn gọn Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô Đệ Nhị chủ sự thánh lễ, rồi vào trong Đến thờ Thánh Phêrô cởi áo lễ, đang khi Đức Thánh Cha đi xe đặc dụng chào các tín hữu dự lễ.

Chúng tôi đi tìm chỗ ăn trưa như đã hẹn, nhưng vì chỗ đậu xe mới nên phải đến 13g30 mới có thể ăn trưa, rồi chuẩn bị đi dự Nghi lễ suy tôn Vị tân Chân Phước tại Nhà Nguyện Dòng Tên lúc 15g00.

Ngày hôm sau 06/3/2000 lúc 10g00, phái đoàn đi viếng Đền Thờ Thánh Phêrô (vì năm 2000 là năm Đại Năm Thánh).

Ngày 07/3/2000, cùng với Cha thư ký của Đức Hồng Y,  là Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục đương nhiệm của giáo phận Đà Nẵng đến 02 cơ quan báo chí đã được đặc ân chụp hình các nghi lễ chính thức của Giáo Triều Roma là Felici và Osservatore Romano để chọn và xin rửa hình, ngày hôm sau sẽ nhận.

Không biết Cha văn phòng của Đức Hồng Y chọn được bao nhiêu mẫu ảnh; riêng tôi thầm nghĩ rằng: Người ta chụp hình các bậc vị vọng là các Giám Mục Hồng Y, còn mình chỉ là Linh mục thường, may ra được “chụp dính” vào các vị khác là may; ai ngờ, người chụp hình lại nghĩ khác, chắc vậy: Làm kinh tế thì chỉ cần ai sang hình nhiều thì có lợi hơn; có lẽ, vị linh mục “lạ lẫm” sẽ là người sang hình nhiều? Bởi thế, xem ra tôi là người được chụp nhiều hình hơn các vị Giám mục!

Ngày thứ Tư Lễ Tro, 08/3/2000, Phái đoàn cùng với quý Cha ở “Foyer Phát Diệm” dâng Thánh lễ xức Tro cho các người ở Foyer, sau đó, đi viếng 3 nhà thờ còn lại để được hưởng ân xá Năm Thánh là Nhà thờ Đức Bà Cả, Laterano và Thánh Phaolô ngoại thành. Vào buổi chiều, lúc 16g00 – vì (Siesta Romana nổi tiếng là lâu) đi lấy hình chụp trong thánh lễ phong Chân phước và buổi gặp Đức Thánh Cha tại Nhà khách Phaolô Đệ Lục.

Ngày 11/3/2000, Đức Cha thư ký HĐGMVN và Đức Cha Quy Nhơn về lại Việt Nam. Đức Hồng Y ở lại tới ngày 13/3 mới hồi hương; còn tôi, thì tiếp tục đi Canada thăm thân nhân.

Một suy nghĩ cứ mãi ghi trong trí tôi là: tại sao Chân phước Anrê Phú Yên không được tôn phong cùng với 117 Vị Tử đạo tại Việt Nam? Lý do “lọt sổ” là gì ?

Phải chăng là vì các Vị Thừa Sai Paris (MEP) không nắm nhiều tài liệu về Vị Chân Phước, bởi ngài là thuộc quyền các Cha Dòng Tên?

Thế nhưng, như vậy lại cũng hay! Vì vị Tử Đạo Tiên khởi phải có gì đặc biệt chứ: đó là được “mừng riêng” vào ngày 26/7, thay vì mừng chung vào ngày 24/11.

L.M. Antôn Trần văn Trường

Nguyên Tổng Đại Diện GP. Đà Nẵng

 
Failed to get data. Error:
Invalid album ID.