Ngày 30/4: Thánh Piô V, Giáo hoàng


Ðây là vị giáo hoàng mà công việc của người là thi hành nghị quyết của Công Ðồng Tridentinô cách đây bốn thế kỷ. Nếu chúng ta nghĩ các giáo hoàng đương thời phải gặp những khó khăn nào trong việc thi hành nghị quyết của Công Ðồng Vatican II, thì Ðức Piô V lại gặp nhiều khó khăn hơn sau công đồng lịch sử đó.

Ðức Piô V sinh trong một gia đình nghèo ở Bosco, nước Ý. Tên rửa tội là Antôniô Micae và vì gia đình quá nghèo nên cậu phải đi chăn cừu. Trong dịp gặp gỡ hai tu sĩ dòng Ða Minh, vì thấy sự thông minh cũng như nhân đức của cậu, họ đã xin phép gia đình đưa cậu về sống với họ, lúc ấy cậu mới 12 tuổi. Sau một thời gian tu tập, Antôniô Micae được thụ phong linh mục năm 1528, sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư triết và thần học ở Genoa. Trong mười sáu năm kế đó, Cha Micae đi khắp các cơ sở của nhà dòng để khuyến khích việc tuân giữ Quy Luật Dòng cách nghiêm nhặt qua lời nói cũng như hành động của người.

Năm 1555, Cha Micae được tấn phong làm Giám Mục của Nepi và Sutri, và năm 1557, người được nâng lên hàng Hồng Y. Năm 1566, Ðức Giáo Hoàng Phaolô IV từ trần và Ðức Hồng Y Micae được chọn làm người kế vị, lấy tên là Piô V.

Trong nhiệm kỳ giáo hoàng của người, 1566 — 1572, Ðức Piô V phải đối diện với một trách nhiệm thật lớn lao đó là phục hồi một Giáo Hội vụn vỡ và phân tán. Dân Chúa thời ấy bị rúng động bởi sự thối nát của hàng giáo sĩ, bởi cuộc Cải Cách Tin Lành, bởi sự đe dọa xâm lăng thường xuyên của người Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1545, vị giáo hoàng tiền nhiệm triệu tập Công Ðồng Tredentinô nhằm cố giải quyết các vấn đề khẩn trương nói trên. Trong vòng 18 năm, các Giáo Phụ thảo luận, lên án, xác nhận và quyết định trong một chuỗi hành động. Và Công Ðồng kết thúc năm 1563.

Năm 1566, Ðức Piô V lên ngôi giáo hoàng và phải đảm nhận công việc cải cách tức thời do Công Ðồng đưa ra. Người ra lệnh thành lập các chủng viện để huấn luyện các linh mục một cách thích hợp. Người cho công bố sách lễ mới, kinh nhật tụng mới, sách giáo lý mới và thiết lập quy chế giáo lý cho trẻ em. Ðức Piô cương quyết áp dụng kỷ luật đối với những lạm dụng trong Giáo Hội. Người kiên trì phục vụ người nghèo và người đau yếu qua việc xây cất các bệnh viện, cung cấp thực phẩm cho người nghèo đói và lấy tiền quỹ thường để tổ chức tiệc tùng cho đức giáo hoàng mà giúp đỡ các người tân tòng nghèo ở Rôma.

Trong cố gắng cải tổ Giáo Hội và Tòa Thánh Vatican, Ðức Piô gặp sự chống đối mãnh liệt của Nữ Hoàng Elizabeth của Anh và Hoàng Ðế Maximilian II của Rôma. Các khó khăn ở Pháp và Hòa Lan cũng cản trở cho sự hợp nhất Âu Châu để chống với Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến giây phút cuối cùng người mới có thể tổ chức được một đạo quân và chiến thắng ở Vịnh Lepanto gần Hy Lạp vào tháng Mười 1571.

Sự hoạt động không ngừng của Ðức Piô trong việc canh tân Giáo Hội được dựa trên cá tính của người là một tu sĩ dòng Ða Minh. Người dành nhiều giờ để cầu nguyện với Thiên Chúa, nghiêm nhặt chay tịnh, tự thoái thác những thói quen xa hoa của giáo hoàng thời ấy và trung thành tuân giữ quy luật cũng như tinh thần của Dòng Ða Minh.

Ðức Piô từ trần năm 1572.

Lời Bàn

Trong đời sống cá nhân và trong hành động của các giáo hoàng, cả Ðức Piô V và Phaolô VI đều dẫn dắt gia đình Thiên Chúa trong một tiến trình cải tổ nội bộ nhằm đáp ứng với những thúc giục của Thần Khí trong các Công Ðồng chính yếu. Với sự hăng say và kiên nhẫn, Ðức Piô và Phaolô theo đuổi những thay đổi do các Giáo Phụ trong Công Ðồng đề ra. Cũng như Ðức Piô và Phaolô, chúng ta cũng được mời gọi để liên tục thay đổi tâm hồn và đời sống.

Lời Trích

Trong đại hội toàn cầu này, trong thời gian và không gian đặc ân này, quá khứ, hiện tại và tương lai như quy tụ lại. Quá khứ: vì ở đây, tụ họp ở địa điểm này, chúng ta có Giáo Hội của Ðức Kitô với truyền thống, lịch sử, các Công Ðồng, các tiến sĩ và các thánh của Giáo Hội; hiện tại: chúng ta đang từ giã nhau để đi vào thế giới ngày nay với những bất hạnh, đau khổ, tội lỗi của nó, nhưng cũng có những thành công, giá trị và đức tính của nó; và tương lai ở đây trong lời kêu gọi khẩn trương của những người dân trên thế giới muốn được công bình hơn, trong ý muốn hòa bình, trong khát khao có ý thức hay vô thức về một đời sống cao đẹp hơn, một đời sống mà Giáo Hội của Ðức Kitô có thể đem lại và muốn trao ban cho họ” (trích từ diễn văn bế mạc Công Ðồng Vatican II của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI).