Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B

Ngày 03/12/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Trung Tâm Mục Vụ

GIÁO HUẤN SỐ 1

Trong Ánh sáng của Tôn Sư

Phúc thay những ai hiền lành,

vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp (tt)

Đức Kitô nói : ‘Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 29). Nếu chúng ta thường xuyên khó chịu và nóng nảy với người khác, chúng ta sẽ đi đến kiệt quệ và mệt mỏi. Nhưng nếu chúng ta đối diện những sai lỗi và những giới hạn của người khác với sự dịu dàng và biến hóa, không ra vẻ kẻ cả, thì chúng ta có thể thục sự giúp ích họ và không còn phí  năng lực vào việc phàn nàn vô ích. Thánh Têrêsa Lisieux nói với chúng ta rằng : ‘Đức ái trọn hảo hệ tại ở việc đón nhận những sai lỗi của kẻ khác, và không bị vấp ngã vì những lỗi của họ’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 72).

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37)

 

Bài Ðọc I: Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8

“Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.

Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Ðó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.

Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.

Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống

Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Ít-ra-en, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 3-9

“Chúng ta mong chờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giê-su Ki-tô.

Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 13, 33-37

“Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Mùa Vọng

Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai  trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như là mùa sốt sắng và hân hoan trông đợi (Lịch GP. Đà Nẵng năm 2024, trang 23).

Bài đọc 1(Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7) : Cha Đặng Quang Tiến viết về bđ1 : “Trong bđ1 hôm nay, chúng ta nghe lời kêu cầu : ‘Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63,19). Dân Chúa than khóc vì ngoại bang chiếm đóng Giêrusalem. Họ tàn phá Đền thờ và chiếm đóng đất Giuđa. Họ than khóc cùng Thiên Chúa và kể lại cho Người những việc Người đã làm cho họ trong quá khứ, những điều Người đã làm cho họ trong thời lưu đày, dưới sự hướng dẫn của ông Môsê và việc vào chiếm đất hứa (Is 63,10-14). Dân Chúa ý thức là họ đã không đáp lại các ơn lành của Người ban một cách tương xứng . Do đó, họ nhận ra  họ đang chịu khổ vì họ bất trung” (Hãy Tìm Chúa, trang 14).

Bài Tin Mừng (Mc 13,33-37) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM : Đức Giê-su dùng hình ảnh cây vả: mùa đông thì nó trơ trụi như đã chết, nhưng đến mùa xuân cành nó mềm trở lại và bắt đầu đâm chồi nẩy lộc. Khi nó xanh tươi trở lại là sắp đến mùa hè. Cũng vậy, khi những điều kề như dấu hiệu xảy ra thì biết là ‘Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi’. Điều làm cho chúng ta thắc mắc là Người nói : ‘Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra’. Ở đây có hai loại biến cố lồng vào nhau: biến cố Giê-ru-sa-lem bị phá hủy đã xảy ra trong thế hệ đang nghe Ngưới nói, còn biến cố sau cùng thì vẫn phải chờ, vì thuộc về những gì nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha, không  thuộc về những gì mà Đức Giêsu, trong tư cách là Con được sai đến với chúng ta, có thể cho chúng ta biết.

Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các ngôn sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi’ (Mc 13,32).

 Lời Chúa Giêsu nói là lời Thiên Chúa, nên ‘trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu’.Trong Tin Mừng Mát-thêu’, Đức Giêsu nói về Luật: ‘Vì Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một phẩy trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành (Mt 5,18; Lc 16,17).

Một đàng thì chắc chắn Chúa sẽ đến trong vinh quang để hoàn tất ơn cứu độ, đàng khác ngày giờ thì chúng ta không được biết, chúng ta chỉ có một thái độ đúng, đó là coi chừng, tỉnh thức. Coi chừng để đừng bị lừa gạt, và tỉnh thức để Chúa đến thì mở cửa đón. Điều này không chỉ áp dụng cho thế hệ cùng thời với Đức Giê-su, nhưng cho mọi người, cả thời đại chúng ta, cho bản thân chúng ta. Phải tỉnh thức chờ Chúa đừng ngủ mê (Tĩnh Tâm với sách Tin Mừng Mác-cô, trang 197-198).

Bài đọc 2 (1Cr 1,3-9) : Cô-rin-tô thời thánh Phao-lô là một thuộc địa của Rôma, một hải cảng phồn thịnh và là một trung tâm thiếu đạo đức nổi tiếng. Thánh Phao-lô rao giảng  Tin Mừng ở đây trong 18 tháng (50-52 sCN). Ngài đã lôi kéo được vài người  trong số những người Do Thái. Sau đó ngài rời Cô-rin-tô đi rao giảng những nơi khác, ở đó xảy ra những tranh luận và những khó khăn giữa những tân tòng. Thư này là sự đáp trả những tranh luận và khó khăn mà ngài nghe thấy. Thư này được viết vào năm 57 tại Ê-phê-sô. Đọc vài câu đầu, chúng ta gặp được lòng biết ơn Thiên Chúa nhờ món quà siêu nhiên của đức tin. Như những Ki-tô hữu Côrintô, khi đón nhận bí tích thánh tẩy, chúng ta là những đứa con nuôi của Thiên  Chúa và là anh em của Chúa Ki-tô, Đức tin Ki-tô không chỉ là câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi mà mỗi người tự hỏi : ‘Tại sao tôi hiện hũu’ (Kevin O’Sullivan, The Sunday Readings, năm B, trang 4-5).

Cầu nguyện

Đường đời đầy cạm bẫy, lại mang thân xác mỏng dòn yếu đuối, nhất là tội nguyên tổ và tội riêng mỗi người càng làm chúng con yếu đuối hơn. Nếu không có ơn Chúa, nếu thiếu sự ân cần săn sóc dìu dắt của Chúa, chúng con khó vượt thoát lưới dò satan giăng mắc khắp nơi, chúng con khó vượt thoát khuynh hướng thích làm điều xấu hợp với bản chất chúng con, khiến chúng con ngày càng xa tình Chúa. Xin Chúa giúp chúng con (Antôn Trần Văn Kiên, Suy niêm Lời Chúa trong Thánh lễ, trang 6).

 

 

SUY NIỆM II

TỈNH THỨC ĐÓN CHÚA

(Hội An 3/12/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

Hôm nay Giáo Hội đưa dẫn chúng ta đi vào năm phụng vụ mới. Ước gì mỗi chúng ta có niềm vui “mừng năm mới”, “happy new year.” Nếu trong năm vừa qua, chúng ta như những đứa trẻ không chịu lớn, thì năm phụng vụ mới này là cơ hội tốt cho chúng ta lớn lên. Cha mẹ buồn lo biết bao khi cung cấp cho con cái lương thực bổ dưỡng dồi dào, nhưng con cái không lớn lên về thể chất cũng như trí khôn; cũng vậy, Thiên Chúa buồn biết mấy khi nuôi dưỡng chúng ta bằng lời Chúa và Thánh Thể cùng các bí tích suốt năm phụng vụ vừa qua, nhưng tín hữu không chịu lớn. Chậm lớn vẫn còn an ủi, đôi lúc chúng ta không chịu lớn về đời sống thiêng liêng! Vì thế, năm phụng vụ mới được mở đầu với mùa Vọng là cơ hội mới cho ta lớn lên về đời sống thiêng liêng.

  1. Mùa Vọng, mùa tỉnh thức

            Mùa Vọng là mùa ngóng đợi Ngôi Lời Thiên Chúa đến. Một số người nghĩ rằng mùa Vọng là mùa ngồi chờ đợi, mang tính thụ động. Để đánh tan lối hiểu lệch lạc đó, Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Điều Ta bảo các con là: “Hãy tỉnh thức!” (Mc 13,37). Nếu có ai nghĩ mùa Vọng là mùa thụ động ngồi chờ, thì hãy nhìn nỗ lực của thánh Gioan Tẩy giả, mặc áo lông lạc đà, ăn uống đạm bạc với châu chấu và mật ong rừng, đứng sâu dưới dòng sông kêu gọi mọi người tích cực đón Chúa: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1,3). Nếu ai đó cho rằng mùa Vọng là mùa dẫm chân tại chỗ trong cuộc sống và bất động trong lòng, thì nên đọc lại Tin Mừng để khám phá niềm vui của Mẹ Maria khi chờ đợi Hài Nhi Giê-su sinh ra. Mẹ nhận ra lời Thiên Chúa hứa với dân Israel từ ngàn xưa là đến ở giữa dân Ngài, nay Thiên Chúa thực hiện lời hứa đến trong lòng Mẹ, vì thế Mẹ tích cực thưa: “Này tôi là tỳ nữ của Thiên Chúa, tôi xin vâng lời thiên sứ truyền.” Các vĩ nhân thánh kinh cho chúng ta gương mẫu sống mùa Vọng, không phải là mùa thụ động chờ đợi, mà là mùa tích cực chờ đợi, là mùa tỉnh thức đón Chúa vào trong tâm hồn và cuộc đời.

            Đức cha Fulton Sheen chia sẻ kinh nghiệm đức tin như sau: có hai cuộc sinh hạ của Chúa Giê-su, một cuộc sinh hạ tại hang đá Bê-lem và một cuộc sinh hạ trong tâm hồn mỗi người. Người ta nghĩ đến cuộc sinh hạ tại Bê-lem hơn và cử hành hằng năm, nhưng cuộc sinh hạ trong tâm hồn mỗi con người quan trọng không kém, vì đây là Bê-lem thứ hai, một cuộc tương quan của trái tim mỗi người với Chúa Giê-su. Vì thế, theo Đức Bênêđictô XVI, mùa Vọng không hề thụ động hay im lìm, mà là mùa đánh thức trí nhớ sâu thẳm của chúng ta về Thiên Chúa trở thành Hài Nhi. Đây là ký ức giúp trái tim mỗi tín hữu nhận ra lúc này Hài Nhi Giê-su đang đến với chúng ta. Ngài không muốn ở ngoài hang lừa máng cỏ lần nữa, nhưng muốn đến ngự trong lòng của mỗi chúng ta, để lời hứa “Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” được thực hiện nơi mỗi chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy mở lòng đón Chúa. Làm sao mở lòng đón Chúa vào tâm hồn, vào gia đình và cộng đoàn chúng ta?

  1. Tỉnh thức đón Chúa

            Chúng ta đang ở trong tháng 12, là tháng bận bịu với công ăn việc làm và bận rộn mua sắm, những cuộc vui chơi và ngay cả việc chuẩn bị cho những bữa tiệc, mọi thứ trang trí cho lễ giáng sinh có thể đang ru ngủ chúng ta quên mất ý nghĩa thiêng liêng của biến cố Thiên Chúa giáng sinh. Hãy biết rằng xã hội hôm nay đang đề nghị với ta mọi thứ thuốc an thần: có những youtube đang làm rối loạn khả năng phân định đâu là thánh ý Chúa, có những facebook hay trang mạng xã hội cho những tin tức làm nhiễu sự nối kết của chúng ta với Thiên Chúa, có những trào lưu hấp dẫn đến nỗi chúng ta quên mất Chúa Giê-su đang viếng thăm chúng ta hằng ngày. Quả thật, chúng ta đang bị hôn mê, bị rơi vào tình trạng vong thân, không biết chúng ta là ai và phải sống thế nào cho xứng đáng. Nói cách khác, chúng ta đang bị các trào lưu xã hội ru ngủ, không còn biết Chúa đang đến với ta hằng ngày và muốn ta thuộc về Ngài. Vì thế, Chúa dạy “hãy tỉnh thức.”

Đức Phanxicô chia sẻ kinh nghiệm đức tin như sau: “Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta mối nguy, đó là không nhận ra Chúa đang đến, nên không chuẩn bị đón Chúa.” Thánh Augustinô cũng chia sẻ: “Tôi sợ Chúa đi qua gần tôi mà tôi không nhận ra Ngài”. Thánh Phaolô cho biết, trong những ngày mong đợi Chúa đến, chúng ta được Chúa ban không thiếu ơn nào: lời Chúa và các mầu nhiệm của Chúa (x. 1Cr 1,5-7), nghĩa là Chúa ban quà tặng lời Chúa, quà tặng Thánh Thể và các bí tích, quà tặng Thánh Thần. Vậy, bạn có tỉnh thức nhận ra Chúa đang đến và mang ơn của Ngài cho bạn và gia đình bạn không? Bạn có để phụng vụ mùa Vọng đánh thức, mang bạn ra khỏi cơn mê ngủ, để bạn nhận ra Chúa đang đến và tích cực đón Chúa vào gia đình, vào tâm hồn của bạn không? Đây không là sự tỉnh thức thụ động, mà là hành động tỉnh thức tích cực đón Chúa. Tỉnh thức như người mẹ hằng đêm nguyện cầu cho gia đình sống trở lại với Chúa và nêu gương tham dự thánh lễ. Tỉnh thức như người cha dù mệt nhọc với công việc vẫn nêu gương ngồi trước bàn thờ dành thời giờ lắng nghe lời Chúa. Tỉnh thức như một học sinh tuy bận rộn vẫn dành thời giờ gặp Chúa cách cá vị. Tỉnh thức như một tội nhân mạnh dạn bước đến tòa giải tội và quỳ gối. Tỉnh thức như cộng đoàn giáo xứ phản ứng trước sự nguội lạnh khiến cộng đoàn mất nhuệ khí ban đầu. Tỉnh thức như một giám mục đã về hưu không buông tiếng thở dài trước đời sống sa sút của giáo sĩ, trái lại khích lệ anh em mình đứng dậy nhiệt tình làm chứng nhân Chúa Giê-su. Tỉnh thức sẽ thấy Chúa đang muốn chúng ta làm gì để đón Chúa.

Xin Chúa cho mỗi chúng ta tích cực đón Chúa, dọn tâm hồn và gia đình cùng cộng đoàn đón Chúa.

 

SUY NIỆM III

Hãy tỉnh thức đợi chờ

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Một ngày trong tháng 12, cậu Gary Schneider 16 tuổi và hai người bạn lên đường để leo núi Mt.Hood dự tính trong vòng 4 ngày. Lên được gần 3 km, ba cậu bé bị một cơn bão tuyết có lẫn đá thổi tới và vùi lấp. Chẳng bao lâu tuyết đã ngập khỏi đầu các cậu. Các cậu bèn đào hầm chui vào đống tuyết để thoát khỏi những luồng gió lạnh buốt thổi tới và để chờ đợi cho qua trận bão tuyết. Mười một ngày sau, trận bão tuyết vẫn còn tiếp tục thổi dữ tợn. Các túi dùng để chui vào ngủ của các cậu đã bị ướt và đông cứng lại. Thức ăn dự trù chỉ còn đủ cho mỗi người mỗi ngày được hai muỗng bột làm bánh. Nguồn an ủi duy nhất của các cậu bây giờ là cuốn Thánh Kinh gọn nhỏ mà một cậu đã mang theo trong túi hành trang. Các cậu mở sách Thánh Kinh và đọc mỗi ngày tám tiếng ngày này qua ngày khác, cùng nhau lắng nghe Lời Chúa bất chấp tiếng gió hú bên trên.Các cậu chỉ còn biết cầu nguyện, hy vọng cơn bão tuyết sẽ chấm dứt và sẽ có người tới cứu giúp. Cuối cùng, vào ngày thứ 16, bầu trời trong sáng trở lại, các cậu bò ra khỏi hầm tuyết với thân thể yếu đuối nên chỉ bước đi được một vài bước rồi nằm thoi thóp. Ngày hôm sau có một nhóm người cứu trợ bắt gặp các cậu và đã cứu các bé thoát chết trong gan tấc.

Mùa vọng nhắc lại thời gian chờ đợi lâu dài của dân Do Thái mong mỏi Đấng Cứu Thế đến. Họ không biết làm gì để cho Đấng Cứu Thế mau đến hơn họ chỉ biết chờ đợi và cầu nguyện y như các cậu bé kia. Dân Do Thái chỉ còn biết tin tưởng và chờ đợi Thiên Chúa sẽ đến để giải cứu họ. Một trong những bài Thánh vịnh mà ba cậu bé cứ đọc đi đọc lại để cầu nguyện trên ngọn núi tuyết là thánh vịnh 130, trong đó có một câu như sau: “Tôi mòn mỏi trông chờ Chúa cứu độ, và tôi tin tưởng ở lời Ngài. Tôi mòn mỏi trông chờ Chúa còn hơn người lính gác mong chờ hừng đông”. Nếu không có Lời Chúa nâng đỡ tinh thần, thì các cậu dễ dàng thất vọng buông xuôi. Dân Do Thái cũng như vậy khi họ mong chờ Đấng Cứu Thế, nếu không có Lời Chúa ủi an họ, thì họ cũng sẽ thất vọng ê chề. Qủa thế, Lời Chúa trong bài đọc 1, Tiên tri Isaia viết: “Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài? Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài,xin Ngài mau trở lại”.

Còn chúng ta hôm nay, Mùa vọng không hẳn là thời gian để chúng ta nhớ lại và sống lại việc người Do Thái trông chờ Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu mà Mùa vọng là thời gian để chúng ta tưởng nhớ việc Đức Giêsu sẽ trở lại vào thời cuối cùng của lịch sử, lúc chúng ta ít mong đợi và ít tỉnh thức nhất. Chính vì thế mà Chúa Giêsu hôm nay kêu gọi chúng ta: “Anh chị em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”.

Vì thế, thái độ chờ đợi và tỉnh thức của chúng ta phải sống động và đầy tính chất kiên nhân, có nghĩa là chúng ta phải luôn luôn hiệp thông với Thiên Chúa và cởi mở lòng để lắng nghe Lời Ngài và sẵn sàng thi hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh trong cuộc đời ta. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải không ngừng chiến đấu trước mọi cơn cảm dỗ và trung thành đọc và suy niệm Lời Chúa khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ôm đau cũng như lúc mạnh khỏe. Cho nên, Lời Chúa tron bài đọc 2, Thánh Phaolô xác quyết: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người”.

Chúng ta hãy nhìn vào Đức Maria là người đã biết nghe Lời Chúa, đã “tin” (x. Lc 1, 45) và luôn nghiền ngẫm Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2, 19.51). Đức Maria luôn cố gắng khám phá ý nghĩa của từng biến cố cuộc đời bằng đức tin. Việc suy ngẫm, tìm hiểu và sống thánh ý Chúa giúp Mẹ đón nhận những thăng trầm vui buồn, hạnh phúc của cuộc đời bằng một lòng tín thác vào kế hoạch của Chúa. Đức Maria còn là của một người luôn tuân giữ và thực hành Lời Chúa (x. Lc 8,21; 11,27-28). Như vậy, chúng ta hãy lấy đức tin làm nền móng vững chắc mà đức tin ở đây được thể hiện qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Lời Chúa rất cần thiết cho đời sống đức tin của chúng ta bởi vì Lời Chúa là lời tình yêu và lời hằng sống đối với loài người. Vì vậy, mỗi lần đọc Thánh Kinh, chúng ta hiểu được tình yêu ấy như thế nào và càng thấm thía hơn tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, từ đó chúng ta biết sống tình yêu cho Chúa và tha nhân qua việc siêng năng phụng thờ Ngài và phục vụ yêu thương hết mọi người như Chúa yêu thương phục vụ chúng ta.  Thật thế, chúng ta chỉ có thể sống yêu thương, hy sinh, hoà thuận, tha thứ, bình an và sẵn sàng thi hành Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh khi chúng ta biết lấy Chúa và Lời Ngài làm trọng tâm trong tư tưởng, lời nói việc làm của chúng ta hằng ngày. Nhưng nguyên thái độ tỉnh thức cũng chưa đủ, tâm tình tỉnh thức còn đòi mỗi tín hữu chúng ta phải biết năng cầu nguyện như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ” (Mc 14,38). Chúng ta thường bị cám dỗ ngủ quên trong những thành công, trong các tiện nghi hưởng thụ, mà quên đi giờ Chúa đến bất ngờ. Bước vào Mùa Vọng, chúng ta cần mang tâm tình thức tỉnh và cầu nguyện như Chúa Giêsu đã mời gọi để chờ đợi Chúa đến vào giờ chết mỗi người, hoặc đến chung trong ngày cùng tận của thế giới. Cho nên, chúng ta phải luôn mang cây đèn đức Tin trên tay đầy dầu ân sủng đức Cậy nhờ chuyên cần thực hành Lời Chúa và năng dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày. Nhờ đó, chúng ta mới có thể tỏa sáng đức Mến qua thái độ năng nghĩ đến người khác, lời nói dễ thương, hành động quên mình phục vụ tha nhân vô vụ lợi, sẵn sàng quảng đại chia sẻ cơm bánh thuốc men cho người nghèo đói bệnh tật… Nhờ đó ánh sáng của chúng ta sẽ chiếu tỏa ra trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt lành chúng ta làm mà ngợi khen Cha chúng ta trên trời (x Mt 5,16).

Vậy ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho mỗi người chúng ta tỉnh thức chờ đợi Chúa đến bằng việc siêng năng đọc và sống Lời Chúa mỗi ngày,  đồng thời luôn cầu nguyện với Chúa sáng tối mỗi ngày để “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (1Cr 1,8-9). Amen.