Chúa Nhật II Thường Niên B


CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN B

Ngày 14/01/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phú Hương

GIÁO HUẤN SỐ 7

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc cho những ai thương xót, vì họ sẽ được thương xót

Lòng thương xót có hai phương diện : nó liên quan đến việc chia sẻ , giúp đỡ và phục vụ người khác, nhưng nó cũng bao gồm sự tha thứ và cảm thông. Mát-thêu đặc biệt trong một qui tắc vàng : ‘Trong mọi sự, hãy làm cho người khác những gì bạn muốn họ làm cho mình’ (Mt 7,12) trong mọi trường hợp’. Sách giáo lý nhắc chúng ta rằng luật này phải được áp dụng ‘trong mọi trường hợp’, nhất là khi chúng ta ‘đứng trước những hoàn cảnh làm cho phán quyết luân lý ít chắc chắn và làm cho việc quyết định trở thành khó khăn’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 80).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a; Ga 1,35-42)

Bài Ðọc I: 1 Sm 3, 3b-10. 19

“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Ngày ấy, Sa-mu-en ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Sa-mu-en; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hê-li và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hê-li trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Sa-mu-en đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Sa-mu-en lần nữa, và Sa-mu-en chỗi dậy, chạy đến Hê-li và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hê-li trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Sa-mu-en chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hê-li và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hê-li biết Chúa đã gọi Sa-mu-en, nên nói với Sa-mu-en: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe’”. Sa-mu-en trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Sa-mu-en như những lần trước: “Sa-mu-en, Sa-mu-en!” Và Sa-mu-en thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Phần Sa-mu-en ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa

Xướng: Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.

Xướng: không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

Xướng: Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Bài Ðọc II: 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20

“Thân xác anh em là chi thể của Chúa Ki-tô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại.

Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Ki-tô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 11, 23

Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. – Alleluia.

Hoặc đọc:

Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a, nghĩa là đấng Ki-tô, ân sủng và sự thật thì nhờ Người mà có. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 35-42

“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Khi ấy, Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giê-su đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giê-su. Chúa Giê-su ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Ráp-bi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

An-rê, em ông Si-mon Phê-rô, (là) một trong hai người đã nghe Gio-an nói và đã đi theo Chúa Giê-su. Ông gặp Si-mon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a, nghĩa là Ðấng Ki-tô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giê-su. Chúa Giê-su nhìn Si-mon và nói: “Ngươi là Si-mon, con ông Gio-an, ngươi sẽ được gọi là Kê-pha, nghĩa là Ðá”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Đức cha Lambert de la Motte

Tuổi thơ ấu và thời niên thiếu

Có những người đã được hạnh phúc lúc chào đời. Bỏi vì Thiên Chúa muốn dùng họ để thực hiện điều vĩ đại nào đó cho Giáo hội Người, nên Người đã liệu trước cho họ bằng những ân huệ thật đặc biệt. Đó là trường hợp của ngài Pierre Lambert de la

Motte, xuất thân từ một gia đình rất quí phái. Song thân ngài đã qua đời trước khi ngài đến tuổi tự lập. Bà nội của ngài ở đất La Boissìere cách Caen vài dặm cũng trong giáo phận Lisieux, đã thay mặt cha mẹ ngài chăm sóc ngài. Tuy mới 9 tuổi, người ta đã nhận thấy ngài chữ trò trò chơi hoặc trò đùa trẻ con nào khiến ngài ng chạc, trưởng thành đến lạ lùng; ngay từ thời thơ ấu, không chơi hoặc trò đùa trẻ con nào khiến ngài mất đi vẻ nghiêm nghị đúng đắn. Tính nghiêm trang khiến ngài thích những việc đạo đức, đến nỗi trong nhà và hàng xóm láng giềng gọi ngài là ‘ông thánh nhỏ’. Lòng đạo đức tăng dần theo tuổi tác, đến mức bà nội ngài những muốn nuỗi dạy ngài  để sống đời trần tục, vì ngài là trưởng nam của gia đình, đã bắt đầu e sợ ngài sẽ đi tu. Nhưng bà vẫn thán phục khuynh hướng tự nhiên ngài vốn dành cho lòng đạo đức. Ngài đã nêu gương tuyệt vời trong thời gian học phổ thông, và khi ngài kết thúc môn triết, người ta cố ý chuyển ngài vào khoa luật hoặc vào giới văn chương. Ngài có vẻ thích hợp với ngành luật hơn, nên ngài chăm chỉ học tập  và gặt hái được nhiều kết quả  phi thường. Chính vào thời kỳ này ngài phải chọn lựa bậc sống. Ngài rút lui về ở với bà nội và sống ẩn dật cách biệt với mọi người để hồi tâm và rảnh rang tìm hiều ý định Thiên Chúa  dành cho mình. Thế là ngài đã trở thành nhà chiêm niệm mà không cần người trợ giúp (Benigne Vachet, Cao Kỳ Hương dịch thuật, Chuyện Đức Cha Lambert, trang 5-6)…

Chức linh mục

Thông thái cho bản thân mình như thế là đù, nhưng ngài cần phải trở nên thông thái cho những người khác nữa. Chỉ trong vài năm người ta ngạc nhiên nhận thấy ngài từ một luật gia thuần túy chưa biết gì về giáo sử, đã trở thành nhà thân học tài ba, hiểu biết thấu đáo Kinh Thánh và thư quy của các giáo phụ. Đức cha Hurlay, Tổng giam mục Rouen, đã phong chức linh mục cho ngài Lambert. Sau này chính cháu của Đức tổng, nổi tiếng là con người thông thái có cảm tình sâu đậm với ngài Lambert đến mức không muốn rời xa, để ngài kề cận với mình. Dường như công việc này chưa đủ quyết liệt để gắn bó ngài. Đức cha còn cử ngài làm giám đốc Trung tâm xã hội (sđd, trang 7).

Lời Chúa, qua 3 bài đọc trong thánh lễ nói về ơn gọi : Bđ1, sách Sa-mu-em, nói về ơn gọi ngôn sứ của Sa-mu-en; BTM nói về ơn gọi của hai anh em thánh An-rê và thánh Phê-rô; bđ2 nói về ơn gọi sống thánh thiện của người tín hữu.

Bài đọc 1 (1Sm 3,3b-10.19) : Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết ; ‘Bài trình thuật này là một trong những trang viết rất có duyên trong Kinh Thánh, và sức gợi cảm của nó vẫn chưa cạn. Thiên Chúa có trăm ngàn phương cách để kêu gọi chúng ta, khi kín đáo khi rõ ràng, ở một chiều sâu tâm hồn nào đó. Điều mà Người cho thần trí ta hiểu được còn xác thực hơn nhiều so với những gỉ tai nghe được. Bức thư gửi tín hữu Do Thái (12,18 tt) nhắc nhớ ta rằng không thể học đạo nếu không có một kinh nghiệm về Thiên Chúa. Tiếng Chúa gọi và lời xin vâng, đó là tất cả niềm vui trong biến cố Truyền Tin, Ai không được trao cho sứ mạng nào thì sớm muộn gì thì cũng tự hỏi đời mình có ích chi không (trang 393).

Bài Tin Mừng (Ga 1,35-42) : Cũng sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’viết vế BTM hôm nay như sau : ‘Ông Gioan muốn chúng ta hiểu ý nghĩa sâu xa của các việc Chúa Giêsu làm nên cường điệu các chi tiết mà chúng ta có khi không chú ý tới. Ví dụ Kinh Thánh bắt đầu bằng một bài thơ về cuộc sáng thế, được phân bổ trong thời gian 7 ngày (số 7 là con số hoàn hảo).

Vào ngày đầu tiên, ông Gioan Tẩy Giả khẳng định: Có một vị đang đứng giữa các ông mà các ông không biết. Trong tuần ấy, ông Gioan Tẩy Giả sẽ là người đầu tiên khám phá Chúa Giêsu. Sau đó đến lượt các ông Gioan, Anrê và Simôn. Ngày cuối của tuần lễ đầu tiên là ngày lễ cưới tại Cana, thì chính Chúa tỏ vinh quang của Người ra cho họ.

Ông Gioan Tẩy Giả không đố kỵ. Ông mời hai môn đệ của mình đi theo Chúa Giêsu, và chính hai ông sẽ đưa các ông khác đến. Với chúng ta cũng thế : những tình huống và những cuộc gặp gỡ xảy ra đúng lúc để đưa chúng ta đến với Chúa Kitô.

Các anh tìm gì ? Ông Gioan đâu đã quên lới đầu tiên này  Chúa nói với hai ông. Chúng ta muốn biết Chúa Giêsu là ai, nhưng Người lại hỏi chúng ta đi tìm gì; bởi vì tìm thấy Người chẳng đưa ta tới đâu nếu lòng chúng ta không có chút khát vọng nào.

Hai ông này bắt đầu sống với Chúa, Với thời gian, họ sẽ khám phá ra Người là Thầy, là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa. Và chúng ta cũng thế : cùng tiến lên trên con đường di theo Chúa Giêsu Kitô  thì chúng ta ngày càng hiểu biết Người sâu xa hơn.

Hai môn đệ này đã nhận ra Chúa Giêsu . Nói rằng Người đã nhận ra những ai Chúa Cha giao phó cho Người thì cũng đúng không kém. Người đã nhận ra ông Nathanaen như thế đó khi ông còn ở dưới cây vả. Cũng thế, Chúa Giêsu nhận ra ông Smôn, người được Chúa Cha chọn làm tảng đá hàng đầu để xây dựng Hội Thánh (Mt 16,18).

Các anh sẽ thấy trời mở ra (c,51) X.St 28,12, Chúa Giêsu là cầu nối  giữa Thiên Chúa và loài người. Chính từ Chúa Giêsu mà Thiên Chúa thông ban cho nhân loại mhững kho tàng phong phú của Người (trang 1814-1815).

Bài đọc 2 (1Cr 6,13c-15a) : Cũng sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết về bđ2 như sau : ‘Tôi được phép làm mọi sự 6,12 : Lời này chắc hẳn Phao-lô đã nói ra và một số người hay nhắc đi nhắc lại để biện minh cho những thói hư tật xấu của mình. Vì thế, thánh Phao-lô bổ sung và xác định : không phải mọi sự đều có ích.

Thức ăn dành cho bụng (c.13) : có lẽ người ta cũng hay nhắc lại lời này để nói rằng tự do tình dục là chuyện tự nhiên. Nhưng thánh Phao-lô nói thêm ngay: thân xác con người là để phụng sự Chúa.

Thánh Phao-lô phân biệt cái gì là thuần túy sinh lý trong thân xác cái gì có liên hệ đến toàn thể con người. Ăn uống là nhu cầu của ‘cái bụng’, của thân xác. Nhưng trong sự kết hợp tính dục, người ta trao hiến ‘thân xác của mình’ và ở đây thánh Phao-lô hiểu thân xác theo nghĩa của tiếng Híp-ri tức là ‘bản thân con người’ : người ta trao thân , tự hiến chính mình. Nói rõ ra, những gì thuộc về Chúa Ki-tô  thì không thể hiến mình cho một gái mại dâm (trang 1976).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu

Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất

xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu

mà ban cho thời đại chúng con được bình an

Chúng con cầu xin.

 

SUY NIỆM II

GIỚI THIỆU

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trong bài Tin Mừng chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Lời giới thiệu này chứng tỏ Gioan biết Chúa Giêsu là ai và cũng chứng tỏ ông ý thức sứ mệnh tiền hô của mình, ông đã chỉ lối cho hai môn đệ đến gặp Chúa Giêsu và hai ông đã tin theo Chúa. Đây là lời giới thiệu trung thực, đầy can đảm và có mãnh lực thôi thúc hai môn đệ đi theo Chúa. Liền sau đó, Anrê lại giới thiệu cho em mình, và Phêrô cũng tin theo Chúa.

Điều đáng chú ý ở đây khi các ông tin theo Chúa rồi, tại sao Chúa Giêsu quay trở lại hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Các môn đệ trả lời mà phải là câu trả lời nhưng là câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Câu trả lời hỏi ấy vắn gọn nhưng biểu lộ lòng trìu mến gắn bó muốn dấn bước theo Thầy, muốn chia sẻ nếp sống của Thầy. Giống như trường hợp Đức Mẹ khi Thiên Thần truyền tin, Đức Mẹ hỏi như câu trả lời: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”, nghĩa là Mẹ hàm chứa sẵn sàng xin vâng. Quay trở lại câu trả lời hỏi của hai môn đệ kia. Chúa cũng không nói địa chỉ, tên đường, số nhà, vì Ngài “Không có nơi gối đầu”. Ngài chỉ bảo: “Hãy đến mà xem”. “Hãy đến” là lời mời gọi của trái tim rộng mở. Hãy đến mà xem tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi con người của Đức Giêsu. Đến với Chúa chắc chắn dẫn đến một kinh nghiệm về một tình yêu sâu thẳm nhất. Các môn đệ đã đến, đã nhìn thấy nơi Chúa ở. Đây không phải là ngôi nhà vật chất, đây là chính Thiên Chúa. Đến với Chúa Giêsu là đến với Thiên Chúa. Ngài ở với Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa. Đến với Chúa Giêsu là gặp gỡ chính Thiên Chúa: “Ai thấy Thầy là thấy Đấng đã sai Thầy”. Các môn đệ đã kinh nghiệm được điều ấy, nên đã ở lại với Chúa. Ở lại với Chúa là gắn bó với Chúa, kết hợp với Chúa, ở lại trong tình yêu của Chúa. Tình yêu làm cho môn đệ gần gũi với Thầy và sự gần gũi làm tăng thêm tình yêu Chúa và rồi cả ba môn đệ cũng như tất cả các môn đệ khác đã biết Chúa, sống với Chúa và vâng lệnh truyền của Chúa đi giới thiệu Chúa cho muôn dân: “Anh em hãy đi khắp nơi rao giảng cho mọi người”.

Đối với chúng ta hôm nay, một khi đã chịu phép rửa tội và gia nhập vào Giáo Hội, chúng ta đều có nhiệm vụ giới thiệu Chúa cho anh em. Trước hết, cần giới thiệu cho những người chưa biết Chúa vì chưng, Chúa Giêsu nói: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Vì vậy, thánh Phaolô xác tín rằng tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng” (Rm 10,11.13-15a). Cho nên, để người ta tin vào Đức Giêsu, cần có người giới thiệu Ngài cho họ. Người giới thiệu hết sức cần thiết. Trong thương trường, để bán được hàng hóa, người ta phải tìm mọi cách, bằng quảng cáo, tiếp thị, để giới thiệu cho mọi người biết trên thị trường có loại hàng hóa ấy, chất lượng nó ra sao, nó cần thiết cho đời sống thế nào. Có lẽ nhiều người tín hữu có mặc cảm vì thấy mình non yếu về đức tin, về giáo lý, về Thánh Kinh, hình như chúng ta chỉ đủ đức tin để giữ đạo cho mình mà không truyền thụ được cho ai, vì vốn liếng kiến thức giáo lý, Thánh Kinh quá ít. Nhưng nói như vậy không phải để chúng ta bi quan, mặc cảm, nhưng để chúng ta cố gắng thêm, dù chúng ta không biết về Chúa cho đủ, nhưng Chúa cũng sai chúng ta đi giới thiệu Chúa cho mọi người. Cách giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống Đạo tốt đẹp của chúng ta, đó chính là lời giới thiệu Chúa cho mọi người hữu hiệu và giá trị hơn nhiều bài giảng. Vì thế, Đức Phaolô VI đã nói: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” còn ông bà ta dạy: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Xin hãy nhớ: không phải ai cũng có thể làm việc lớn, nhưng tất cả mọi người có thể làm được điều thiện, mà điều thiện thì luôn có trong đời thường, và việc thường thì luôn có bên cạnh. Không phải ai cũng là thánh ở đời này, nhưng tất cả đều có thể là một người lành, người tốt, vì thế, với việc thường ngày, dù có nhạt nhẽo, nhàm chán với đắng cay, chúng ta cũng hãy tích cực tham gia góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng Giáo Hội và thế giới như Thư chung các Đức giám mục mời gọi năm nay.

Cuồi cùng cần giới thiệu lại Đức Giêsu cho người đã biết và tin Ngài. Hiện nay, chung quanh ta có biết bao người mang danh là tin Ngài, nhưng thật sự chỉ là tin trên danh nghĩa, vì trong thực tế họ chỉ biết về Ngài rất mơ hồ, sự biết ấy không đủ sức mạnh để thúc đẩy họ sống và hành động theo đức tin họ đã lãnh nhận. Chính vì thế, Giáo Hội ngày nay mời gọi chúng ta “phúc âm hóa mới”, hay “tái phúc âm hóa”, nghĩa là giới thiệu lại Đức Giêsu cho những người đã biết Ngài, đã mang danh là tin Ngài, để họ tin Ngài một cách đích thực hơn. Qủa đúng như lời Thánh Phaolô trong bài đọc 2 dạy: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em”.

Lạy Chúa Cha từ ái, chúng con biết Cha là nhờ Đức Giêsu giới thiệu và biết Đức Giêsu là nhờ Giáo Hội giới thiệu. Nhờ đó, chúng con được diễm phúc biết và yêu mến Cha, biết và tin theo Đức Giêsu để được cứu độ. Vì thế, chúng con cảm thấy mình thật ích kỷ nếu không tiếp tục giới thiệu cho những người khác nữa biết về Cha, về Đức Giêsu. Xin Chúa ban  cho chúng con ơn hiểu biết và niềm tin đích thực, đồng thời sống thật sự niềm tin trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa Cha tuôn đổ Thần Khí dũng mãnh trên chúng con để chúng con nhiệt huyết tham gia tích cực vào công cuộc truyền giáo và tái phúc âm hóa môi trường chúng con đang sống. Amen.

 

SUY NIỆM III

CHÚA GIÊSU LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA

(Hội An 14/1/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Hôm nay, chúng ta ở giữa ranh giới của phụng vụ Mùa Giáng Sinh và phụng vụ thường niên. Hang đá, cây cảnh Noel vừa rời đi, lễ phục xanh của phụng vụ thường niên vừa tới. Tuy nhiên, các bài đọc, nhất là bài Tin Mừng tiếp tục mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa giáng sinh là Hài Nhi Giê-su, đi vào thế giới và hôm nay khi thấy Chúa Giê-su đi về phía mình, thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giê-su cho các môn đệ mình và mọi người Do Thái “Đây Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).

  1. Được báo trước trong Thánh Kinh

            Theo một nhà thần học, lời giới thiệu “Đây Chiên Thiên Chúa” tóm gọn toàn bộ Phúc Âm, nói về Ngôi Hai Thiên Chúa làm người cứu độ nhân loại.

            Đối với người Do Thái, con chiên rất quen thuộc và có ý nghĩa trong đời sống tôn giáo của họ. Con chiên là con vật được ưu tiên chọn làm lễ vật sát tế dâng lên Thiên Chúa. Trong Cựu ước, sau khi A-Đam và E-và phạm tội, họ thấy mình trần truồng và xấu hổ trốn khỏi mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho họ chiếc áo bằng da của một con vật chịu sát tế để mặc. Đến thời của Abraham hiến tế Isaac, Thiên Chúa đã ban cho Abraham một con chiên để sát tế thay cho Isaac. Trong các trường hợp này, có một con chiên chịu sát tế thay cho một cá nhân. Vào thời dân Do Thái chuẩn bị vượt qua khỏi Ai-cập, họ được lệnh sát tế một con chiên không tì vết, lấy máu của nó bôi lên cửa, nhờ vậy, con đầu lòng và gia đình họ thoát khỏi cái chết. Trong trường hợp này, con chiên chết thay cho một gia đình. Vào ngày lễ Xá Tội của người Do Thái, người ta bắt một con chiên lành mạnh đem đến cho tư tế. Bấy giờ tư tế đọc danh sách tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó, tư tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết các thứ tội lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc, như thể con chiên mang lấy hết tội của dân và dân Israel được tha thứ. Trong trường hợp này, một con chiên chịu sát tế thay cho toàn dân.

Tất cả mọi trường hợp đó báo trước và hướng mọi người về Con Chiên Thiên Chúa là chính Chúa Giê-su, Đấng đến mang lấy tội lỗi của toàn thể nhân loại. Ngôn sứ Isaia đã tóm tắt mầu nhiệm Chiên Thiên Chúa như sau: “Sự thật, chính Ngài đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Ngài bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính Ngài đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành… Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh… nhờ Ngài, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu” (Is 53,4-5.7.10). Thánh Gioan Tẩy Giả loan báo Chiên Thiên Chúa là Đấng xóa tội trần gian, nghĩa là trên thánh giá, máu Chúa đổ ra xóa sạch và giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi.

  1. Chúa Giê-su Thánh Thể là Chiên Thiên Chúa

            Đấng là Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian được Cựu ước và Tân ước loan báo, thì nay trong đức tin của mình, Giáo Hội tin nhận Đấng là Chiên Thiên Chúa xóa tội trần gian chính là Chúa Giê-su Thánh Thể. Thấy Chúa Giê-su tiến về phía mình, thánh Gioan đã hô lớn “đây Chiên Thiên Chúa”, nay Chiên Thiên Chúa không chỉ tiến về phía chúng ta, mà còn ở giữa chúng ta hằng ngày.

            Trong mọi thánh lễ, cộng đoàn tuyên xưng 3 lần Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa: “Lạy Chiên Thiên Chúa”, đoạn chủ tế nâng Thánh Thể lên tuyên xưng “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Giáo Hội tin bí tích Thánh Thể vừa là bữa tiệc, vừa là cuộc hiến tế của Chúa Giê-su Chiên Thiên Chúa, nghĩa là vừa nhấn mạnh đến hiến tế của Chúa Giê-su và chiều kích cứu độ của Ngài. Thân Mình hy tế của Chúa Giê-su là Chiên hiến tế nay trao ban làm lương thực thần linh nuôi sống chúng ta trong bữa tiệc Thánh Thể. Vì thế, khi chủ tế nâng Mình Thánh Chúa và xướng lên: “Đây Chiên Thiên Chúa”, cộng đoàn nhìn vào bí tích Thánh Thể và nhận ra đây là Chiên Thiên Chúa từng được thánh Gioan và thánh kinh báo trước. Chủ tế tiếp tục dùng lời Chúa trong sách Khải Huyền mời gọi: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Rước lấy Thánh Thể Chúa cách xứng đáng là chúng ta nhận lấy của ăn là Chiên Thiên Chúa và được kết hiệp với Ngài.

            Bạn có nhận ra Hài Nhi Giê-su là Chiên Thiên Chúa và đang là bí tích Thánh Thể không? Hoặc là bạn cứ ở lì trong tội lỗi và tội lỗi đè nặng trên cuộc đời bạn; hoặc là bạn dựa vào Chúa Giê-su Chiên Thiên Chúa để được ơn tha thứ và cứu độ. Nếu bạn dựa vào cái lưng của bạn, bạn sẽ mạng lấy gánh nặng tội lỗi và bạn sẽ chết vì tội lỗi, nhưng nếu bạn trao hết cho Chúa Giê-su, Đấng xóa tội trần gian thì bạn được giải thoát và được sống trong tự do của người làm con Chúa. Bạn chần chờ gì nữa?

            Ước gì chúng ta hiểu sâu xa Hài Nhi Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, là Thánh Thể hôm nay. Ngài là Chiên Thiên Chúa chịu hiến tế, điều đó nói với chúng ta chính Ngài cứu độ chúng ta, chứ không phải những người đóng đinh Ngài hay ai khác. Xin Chúa cho chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm hiệp thông trong bí tích Thánh Thể và tận dụng mọi cơ hội Chúa ban trong các bí tích để sống tình thân với Chúa trong niềm vui được rước Đấng xóa tội trần gian vào lòng.