Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A


CN.1.MV.A

(Is 2,1-5; Rm 13,11-14a; Mt 24,37-44)

Khi quân đội Pháp, năm 1861, thôn tính Sài Gòn – Gia Ðịnh và sẵn sàng tấn công Vũng Tàu Bà Rịa, quan quân triều Nguyễn đã bắt giam các tín hữu cư ngụ tại địa hạt Bà Rịa vào bốn trại giam:

  1. Trại giam chính ở Bà Rịa giam cầm 300 đàn ông. Ngày nay còn di tích là Nhà Mồ các vị tử đạo Bà Rịa.
  2. Trại giam thứ hai ở Long Ðiền, giam cầm 135 người. Còn vết tích là cây Thánh giá ở đất thánh họ Long Ðiền bây giờ.
  3. Trại giam thứ ba ở họ Long Tân giam cầm 140 người.
  4. Trại giam thứ tư là ở Ðất Ðỏ giam cầm 125 phụ nữ và trẻ em. Bây giờ còn mộ bia tại công viên Ðất Ðỏ.

Ngày 07 tháng 01 năm 1862, từ Vũng Tàu quân đội Pháp tiến công về Bà Rịa, quan quân triều Nguyễn trước khi rút lui đã thiêu sống các tín hữu ở cả bốn trại giam trên. Tổng số giáo dân bị chết thiêu là 444 người gồm có 288 đàn ông và 156 phụ nữ và trẻ em. Linh mục JB. Errard đã ghi bia đá danh sách 300 người và an táng chung tại huyệt mộ Bà Rịa. Ngôi Nhà thờ Mồ các vị tử đạo Bà Rịa vẫn tồn tại với năm tháng nơi quê hương này và đã trở thành chứng tích hào hùng của các chiến sĩ đức tin lấy máu mình làm nảy sinh các tín hữu, lấy mạng sống mình để vun đắp sự sống cho con cháu, là đức tin sống động đang lưu thông trong huyết quản từng tín hữu Bà Rịa hôm qua, hôm nay và mãi về sau (mạng Giáo Phận Bà Rịa, lịch sử)

Các anh hùng đức tin Bà Rịa khi bị bắt biết mình sẽ chết, nhưng chết lúc nào, chết cách nào thì không thể biết. Tuy nhiên các ngài chắc chắn chuẩn bị sẵn sàng.

BTM : Chúa Giêsu dạy chúng ta trong BTM thánh lễ CN Mùa Vọng hôm nay : “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).

Ngày Chúa đến rất là bất ngờ. Chúa Giêsu dùng ba sự bất ngờ để diễn tả ngày Chúa đến :

– Bất ngờ thứ I là lụt thời ông Nô-ê : “Trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tầu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy” (24,38-39).

– Bất ngờ thứ II là giờ chết  : “Hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại” (24,40-41).

– Bất ngờ thứ III là kẻ trộm đến : “Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu” (24,43).

Bđ2 : Thư gửi các tín hữu Rôma trong bđ2, thánh Phaolô chỉ cho chúng ta cách tỉnh thức, sẵn sàng, để đón chờ ngày Chúa đến : “Hãy ăn ở cho đứng đắn : không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13,13).

Bđ1 : Cải đổi tính hư nết xấu, trở về với Chúa, để đón Chúa thì được ích lợi gì ? Ngôn sứ I-sai-a trong bđ1 trả lời : “Chúa sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4).

Đó chính là bình an và hạnh phúc, như lời các thiên thần trong đêm Giáng sinh loan báo : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình anh dưới thế cho loài người Chúa thương.”

Cụ thể trong bài tham luận của Đức cha Hoàng Văn Đạt tại Đại Hội Dân Chúa ngày 22-11-2010, Đức cha đã đưa ra những lợi ích của Đạo Công giáo đem lại cho đồng bào trong nước : “Suốt hơn 4 thế kỷ hiện diện, Gíao Hội đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Trước hết, chính những người Công giáo đầu tiên đã tạo ra Chữ Quốc Ngữ mọi người VN hiện đang sử dụng. Rồi không thể quên được các trường Công giáo đã đào tạo bao nhiêu nhân tài cho đất nước. Về việc từ thiện, không thể đếm được bao nhiêu người Công giáo gây dựng và phục vụ trong các bệnh viện, nhà nhi viện, nhà dưỡng lão, trại phong, phòng phát thuốc… Người Công Gíao cũng đưa vào quê hương một mẫu người mới : yêu mến và phục vụ, theo gương lành và lời dạy của Chúa Giêsu, thay thế cho quan niệm xưa và lỗi thời. Xã hội VN hiện nay đã tiếp nhận nhiều quan niệm sống do GH mang lại : nhân phẩm, bình đẳng, bác ái, phục vụ, hy sinh. Tóm lại người CGVN đã và đang thực hiện TM của Chúa trong lòng dân tộc. Đức Thánh Cha Benêđíctô XVI đã nói với các GMVN trong buổi tiếp kiến dịp Ad Limina năm 2009 : Một tín hữu tốt sẽ là một công dân tốt“.

Mùa Vọng không những sửa soạn tâm hồn mừng lễ Chúa giáng sinh, mà còn sửa soạn tâm hồn đón Chúa đến trong giờ chết.

Đọc thêm : Tập sách “100 Truyện Tích Chuỗi Mân Côi”. Truyện số 18 kể rằng : Thế chiến thứ hai, quân Đức và Pháp đánh nhau. Một người lính Pháp bị trọng thương sắp chết. Cô y tá là một nữ tu đưa cho anh chuỗi Mân Côi, và bảo anh lần chuỗi xin Đức Mẹ cứu chữa. Anh hứa với Đức Mẹ : Nếu Đức Mẹ chữa anh, anh sẽ lần chuỗi bù lại những năm tháng anh làm biếng không lần chuỗi. Đức Mẹ chữa anh, mỗi ngày anh lần 20 chuỗi. Đến chuỗi thứ 21.900, tức là 3 năm sau, anh qua đời (27-11-2016).

______________________

CN.1.MV.A

Hôm nay bắt đầu Mùa Vọng. Mùa Vọng là những ngày tháng chờ mong, chờ đợi Chúa đến. Nhưng cuộc đời chúng ta có cần Chúa thật không ? Hay chỉ cần những thứ gì khác thôi ? Lời Chúa trả lời cho chúng ta.

Bài đọc 1 : Sau khi miền Bắc bị quân Babylon xâm chiếm và bắt đi lưu đày vào năm 721 trước Công Nguyên, thì miền Nam Giuđa cũng bị đe dọa. Để được đứng vững, thay vì tìm nương tựa vào Chúa, Giuđa lại cầu viện nơi người Ai Cập. Hậu qủa là năm 587 trước Công Nguyên Giuđa đã lọt vào tay quân Babylon và bị bắt đi lưu đày như miền Bắc trước kia.

Trong hoàn cảnh đen tối bi thương đó, ngôn sứ Isaia đã thắp lên ngọn lửa sưởi ấm. Ngôn sứ nói : “Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên mọi ngọn đồi” (Is 2,2).

Giêrusalem đã bỏ Chúa, nhưng Chúa không bỏ, Chúa thương. Chúa xây dựng Nhà Chúa trên núi Sion, tức là Đền Thờ Giêrusalem. Người  xưa tin các thần ngự trên các núi. Thần nào quyền lực hơn hết thì ngự trên ngọn núi cao nhất. Nhà Chúa “đứng vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên mọi ngọn đồi”. Như vậy Chúa không những là Chúa thương, mà còn là Chúa quyền lực cao cả.

Đền thờ Giêrusalem ngày xưa chỉ có một phần dân chúng miền Nam đến thờ lạy Chúa, Đền thờ Chúa xây dân chúng cả miền Bắc lẫn miền Nam đều đến thờ lạy. Họ bảo nhau : “Đến đây ta cùng lên núi Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp” (2,3). Đền thờ Chúa là của Giacóp, cha chung của cả hai bên, chứ không phải của Ítraen hay của Giuđa.

Dân Do Thái tới thờ kính Chúa, mà cả mọi dân trên mặt đất đều đến : “dân dân lũ lượt  đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi” (2,2-3).

Tới Nhà Chúa, Chúa lấy lời dạy dỗ : “Vì từ Xion, thánh Luật ban xuống, từ Giêrusalem, Lời Chúa phán truyền” (2,3).

Chúa không những dạy dỗ, mà Chúa còn làm “trọng tài giữa các quốc gia, và phân xử cho muôn dân tộc” (2,4).

Sống dưới sự chỉ dạy của Chúa, các dân sẽ không còn chinh chiến đánh nhau, song “sẽ đúc guơm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (2,4).

Bài Tin Mừng : Để được cảnh thái bình và lòng đạo đức như ngôn sứ Isaia nói, Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giêsu xuống trần để dạy dỗ loài người, nhưng loài người vẫn quay lưng chống lại Chúa. Tuy nhiên Chúa vẫn không bỏ. Chúa sẽ đến  để cứu loài người, để lập một Nước hoà bình thịnh trị.

Các tông đồ đã hỏi Chúa Giêsu khi nào ngày đó đến, thì Chúa bảo : “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24,42). Chúa đến bất thình lình như lụt đến trong thời ông Nôê (24,37-39), Chúa đến bất thình lình như kẻ trộm đến ăn cắp (24,43).

Khi Chúa đến, ai sẵn sàng thì được Chúa cứu, như hai ông làm ruộng thì một ông được Chúa đem về trời, còn một ông bị Chúa từ chối để lại; như hai bà xay bột thì một bà được Chúa đem về trời, còn một bà bị Chúa bỏ lại (24,40).

Bài đọc 2 : Thánh Phaolô khi được biết Chúa rồi thì ngài cũng muốn cho mọi người được biết Chúa như ngài. Nên ngài đi rao giảng Tin Mừng ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Hy Lạp, những thuộc địa của đế quốc Rôma ngày xưa. Ngài cũng biết thủ đô Rôma đã được biết Chúa. Nên ngài muốn đến thăm hỏi các tín hữu ở Rôma, rồi từ Rôma đi truyền giáo Tây Ban Nha. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình này, năm 58 khi ở Côrintô, ngài đã viết cho giáo đoàn Rôma một lá thư. Bài đọc hai được lấy trong lá thư này.

Qua chính cuộc đời đầy sóng gió của mình, thánh Phaolô đã cảm nghiệm nỗi gian lao vất vả khi sống đời Kitôhữu, khi phải chiến đấu với những tính hư tật xấu : “chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương, chiều theo tính xác thịt” (13,13.14). Ngài thường diễn tả sự chiến đấu gay go bằng hình ảnh binh sĩ ở chiến trường “cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12),  hay hình ảnh người lực sĩ ở thao trường “tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2Tm 4,7-8).

Cũng qua chính sự yếu đuối của mình, tự mình không thể cứu mình, phải nhờ ơn Chúa giúp, thánh Phaolô đã bảo các tín hữu Rôma : “Anh em hãy mặc lấy Chúa Kitô

Tối thứ bảy ngày 24-11-2007, ngày lễ Các ThánhTử Đạo VN, cựu thủ tướng nước Anh Tony Blair đã nói trên đài phát thanh BBC : “Thành thật mà nói, những xác tín tôn giáo là một điều quan trọng đối với tôi trong suốt thời gian nắm giữ chức vụ thủ thướng” (1997-2007 :10 năm). Lâu nay người ta đồn thổi, nay ông tuyên bố công khai trên đài là ông sẽ theo đạo Công giáo.

Chẳng phải chỉ có một thủ tướng Blair, mà nhiều người bình dân cũng như trí thức đã minh chứng niềm tin tôn giáo rất cần thiết cho cuộc sống.

    Mùa Vọng là mùa đợi mong Chúa. Chúng ta xin Chúa ban thêm sức mạnh để chúng ta chiến đấu với tội lỗi ma qủi, hầu Chúa đến ở với chúng ta (2-12-2007)

________________________

CN.1.MV.A

Hôm nay bắt đầu một năm phụng vụ mới, một năm phụng thờ Thiên Chúa. Thế nhưng nhìn chung quanh, người có đạo cũng như không có đạo, được bao nhiêu người phụng thờ Chúa ?  Hôm nay cũng là chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, cuả mùa đợi mong Chúa đến, chờ mong Chúa giáng sinh trong chính cuộc sống mỗi người. Song được bao người mong Chúa và đợi Chúa ?  Đây là một câu chuyện thật và cảm động.

Ngay từ buổi học đầu tiên, khi Tommy nghêng ngang bước vào lớp Thần Học Đức Tin, với mái tóc bù xù, dài cả tấc, giảng sư John Powell của Đại Học Loyola ở Chicago ngỡ ngàng. Vẫn biết mái tóc, dáng bộ bên ngoài không đáng kể, những gì trong đầu mới quý, nhưng thầy vẫn thấy Tommy sao sao đó. Thầy lại càng ngỡ ngàng khi biết Tommy là một người vô thần, vô thần hạng gộc. Tommy luôn phản đối, chống lại mọi tư tưởng đề cao tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Tommy thật là một cái gai trong lớp. Vào cuối khóa, Tommy đến hỏi thầy:

– Thầy có tin là một ngày nào đó con sẽ gặp Chúa không ?

– Không, không bao giờ.

– Thế ư! Thế mà con vẫn tưởng đó là món hàng thầy muốn quảng cáo cho con bấy lâu nay!

Đợi khi Tommy đi được năm bước ra khỏi cửa lớp, giáo sư Powell mới nói thật to:

-Tommy, thầy nghĩ con sẽ không bao giờ tìm thấy Chúa đâu, nhưng thầy tin chắc thế nào Chúa cũng đi tìm con.

Tommy nhún vai, rồi bình thản tiếp bước. Tommy đã tốt nghiệp ra trường, đi vào cuộc sống. Bỗng một hôm, Tommy trở lại mái trường xưa, đến gặp thầy cũ. Giờ đây, mái tóc dài thuở xưa đã rụng gần hết vì Tommy đang phải chữa trị bệnh ung thư giai đoạn cuối.

– Tommy, thầy vẫn hằng nghĩ đến con. Thầy nghe con bệnh nặng lắm.

– Vâng, nặng lắm. Con bị ung thư cả hai lá phổi. Chắc chỉ còn sống được vài tuần.

– Con có thể nói cho thầy biết về chuyện ấy được không?

– Thầy muốn nghe chuyện gì?

– Một chàng trai trẻ 24 tuổi xuân xanh sắp chết có cảm nghĩ gì?

– Tệ lắm, đau lắm.

– Đau như thế nào ?

– Như một người 50 tuổi đời mà chẳng có lý tưởng. Như một người 50 tuổi mà chỉ biết xem uống rượu, gái đẹp, tiền bạc là những gì cần thiết, quan trọng cho cuộc đời.

Giáo sư Powell ngạc nhiên lắm, hình như Chúa đang gởi những đứa học trò ngỗ nghịch, dị hợm quay trở lại để dạy mình.

– Mà thầy ạ, con không đến đây để nói những chuyện này. Con đến đây để nói về câu cuối cùng thầy nói vọng cho con hôm con rời lớp thầy. Thầy có nhớ hôm con hỏi thầy là thầy có tin con sẽ gặp Chúa một ngày nào đó không. Thầy khẳng định, “Không! Không bao giờ.” Nhưng rồi thầy lại bảo, “Chúa sẽ gặp con.” Con suy nghĩ nhiều lắm, tuy đầu con cũng chẳng mấy chú tâm tìm Chúa. Nhưng từ khi bác sĩ mổ con và bảo con bệnh nặng, thì con mới bắt đầu cố gắng đi tìm Chúa. Rồi khi ung thư lan tràn sang những bộ phận chủ yếu, con mới bắt đầu kêu gào cùng Chúa, nhưng thiên đàng vẫn im thin thít. Con gõ cửa trời đến chảy máu tay, nhưng Chúa vẫn chẳng chịu ra. Con đâm ra chán nản, ngã lòng, rồi buông xuôi. Thế rồi, con quyết định dẹp chuyện kêu cầu Chúa sang một bên, chẳng thèm nghĩ đến Chúa, đến đời sau gì nữa cả. Con quyết tâm dùng thời gian quý báu còn lại để làm chuyện gì có lợi hơn. Con nhớ đến thầy và lớp của thầy. Con nhớ lời thầy dạy : “Cái đau buồn nhất đời là sống mà không yêu. Cũng thật đau buồn nếu mình phải rời thế giới này mà chưa kịp nói cho những người mình yêu biết là mình yêu họ.” Thế là con đi tìm làm một chuyện khó nhất: Gặp ba con! Con rón rén đến bên cạnh ba con khi ba con đang đọc báo:

– Ba.

– Ừ, có gì vậy?

Ba con buông lời một cách vu vơ mà chẳng thèm buông tờ báo xuống nữa.

– Ba. Con nói chuyện với ba được không?

– Ừ, thì nói đi.

– Mà… có chuyện rất quan trọng ba à.

Ba con khi ấy mới hạ tờ báo xuống thấp một tí và hỏi:

– Chuyện gì vậy?

– Ba. Con thương ba. Con chỉ muốn ba biết là con thương ba.

Ném tờ báo xuống, ba con ôm chầm lấy con và khóc. Cả đời con, chưa bao giờ con thấy ba con làm hai điều này: khóc và ôm con. Rồi cha con chúng con nói chuyện suốt đêm, mặc dầu ngày mai ba con còn phải đi làm. Con sung sướng lắm. Con sung sướng nhìn giòng lệ tuôn rơi trên gò má ba con, cảm nhận vòng tay ấm áp của ba con, và nghe ba con bảo rằng ba thương con rất nhiều. Đối với mẹ con, mấy chuyện này quá dễ. Mẹ vẫn thường ôm con, và nghe con chia sẻ, tâm sự. Với em con cũng thật dễ. Nhưng với ba con, quả thật là một chuyện phi thường. Bây giờ con chỉ tiếc một điều : con đã chờ đợi quá lâu mới đến cùng ba con, mới tỏ bày nỗi lòng cho tất cả mọi người thân yêu. Rồi, thầy biết không, một ngày nọ, con mở mắt ra và CHÚA đang ở ngay đó. Chúa đã không đến khi con kêu gào Ngài. Hình như Ngài có cách cư xử của Ngài. Nhưng điều quan trọng nhất là Ngài ở đó. Ngài đã tìm gặp được con. Thầy nói đúng, Ngài tìm gặp con ngay cả khi con quyết tâm không tìm Ngài nữa.

-Tommy, theo như con nói, thì con đường chắc nhất để tìm thấy Chúa là đừng biến Ngài thành kẻ giải quyết khó khăn, biến Ngài thành lời an ủi, hay biến Ngài thành cái gì mình muốn chiếm đoạt, trái lại phải bỏ ngỏ con tim cho yêu thương trào dâng. Thánh Gioan Tông Đồ đã dạy, Thiên Chúa là Tình yêu, ai sống trong tình yêu thì sống trong Chúa, và Chúa sống trong kẻ ấy. Tommy, thầy nhờ con điều này được không? Xưa con là cái gai trong lớp thầy, nay con có chịu đền lại không? Con có thể trở lại lớp Thần Học Đức Tin của thầy và chia sẻ cho các sinh viên những gì con vừa kể cho thầy được không? Vì thầy có kể lại cũng không có hiệu nghiệm bằng chính con đích thân kể.

– Dạ, kể cho thầy thì được, nhưng con không chắc có sẵn sàng để kể cho lớp thầy đâu.

-Gắng đi con. Con về nghĩ lại đi, rồi khi nào sẵn sàng thì gọi điện thoại cho thầy.

Vài ngày sau, giáo sư Powell nhận được điện thoại của Tommy báo tin chàng sẽ đến chia sẻ cùng lớp học, để làm sáng danh Chúa cũng như vui lòng thầy. Thầy trò hẹn ngày. Thế nhưng, Tommy chẳng bao giờ giữ hẹn. Tommy đã hẹn với Người khác mất rồi. Tommy đã nhảy vọt từ niềm tin đến chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền. Trước khi Tommy qua đời, chàng đã xin thầy kể lại cho mọi người nghe chuyện của chàng, và cha Powell đã kể lại chuyện này cho chúng ta, cho mọi người.

Câu chuyện cho chúng ta thấy : không phải chúng ta đi tìm Chúa, mà chính Chúa đi tìm chúng ta, Chúa tìm gặp chúng ta. Chính những lúc người ta ăn uống say sưa, cưới vợ gả chồng, tưởng là Chúa không đến, song Chúa lại đến. Người ta làm ruộng, người ta xay cối tưởng Chúa không đến thì Chúa lại đến. Chúa đến vì Chúa yêu chúng ta, Chúa thương chúng ta. Càng bỏ Chúa, Chúa càng thương, Chúa càng đến, để vực chúng ta dậy, để kéo chúng ta khỏi vực sâu tăm tối. Chúa là Cha, chứ đâu phải là bạo chúa, mà bỏ chúng ta.

Chúng ta đâu mong Chúa giáng sinh ra đời. Chúng ta đâu ngờ Chúa sinh ra ở Belem.

Mùa Vọng mùa chờ mong Chúa. Hãy chờ đón Chúa đến. Xin Chúa đến với mỗi phút giây cuộc sống vui buồn sướng khổ của chúng ta (PH.28-11-2004)

Linh mục Nguyễn Trung Thành