Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm A


CN.12.A

(Gr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-33)

Hôm nay chúng ta đọc cuộc đời thánh Mác-ti-nô Thọ và thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta Cỏn. Hai ngài là người xứ Kẻ Báng, thuộc giáo phận Thái Bình. Nghe tin xứ Kẻ Báng có linh mục ẩn trốn, quan Nam Định Trịnh Quang Khanh cho cả ngàn lính tới vây bắt. Ngày 30-8-1840, cuộc vây bắt thành công. Ông bắt được ba linh mục : cha Nghi, cha Ngân và cha Thịnh.

Để linh mục trốn trong làng, quan Nam Định bắt cả thánh Cỏn, lý trưởng và thánh Thọ, người thu thuế trong làng. Quan cho đánh 50 roi, rồi phơi nắng. Chưa hả giận, hôm sau quan còn cho lính đánh hai ngài tùy thích. Thánh Cỏn chịu được 60 roi thì kiệt sức. người mềm ra, máu me đầy mình. Lính khiêng ngài vất vào nhà tù. Thánh Thọ chịu được 150 roi. Ngài nói với vợ con : “50 roi đầu đau đớn khôn tả, còn 100 roi sau, nhờ ơn Chúa, bố thấy nhẹ nhàng như gió thoảng vậy” (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, trang 381-382).

Cuộc tử đạo và những lời thánh Thọ nói chứng tỏ cuộc đời con cái Chúa gặp nhiều đau khổ, nhưng “nhờ ơn Chúa” mọi sự sẽ qua đi.

BTM : BTM thánh lễ hôm nay kể : khi sai 12 tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa căn dặn các ông : “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10, 17-18). Rồi Chúa an ủi : “Vậy anh em đừng sợ người ta” (Mt 10, 26). Chúa còn nói rõ : “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10,28).

Bđ1 : Chẳng phải thời các Thánh Tông Đồ, thời Các thánh Tử Đạo Việt Nam, mà từ thời Cựu Ước, các thừa sai của Chúa đều bị bách hại, nhưng có “Chúa hằng ở bên“, thì “nhẹ nhàng như gió thoảng vậy” .

Bđ1 nói đến cuộc đời khổ đau của ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Năm 626 tCN, khi 24 tuổi, ông được Thiên Chúa sai làm ngôn sứ, và suốt đời làm ngôn sứ, ngài bị “biết bao người vu cáo…tất cả bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã” (Gr,20.10).

Thế nhưng, ngôn sứ vững bước, như ngôn sứ thưa : “Chúa hằng ở bên con như một trang dũng sĩ oai hùng. Vì thế, những kẻ từng hại con sẽ thất thiên bát đảo, sẽ không thắng nổi con” (Gr 20, 11)

Bđ2 : Thư Rô-ma trong bđ2, thánh Phao-lô đã so sánh hậu quả của tội lỗi mà A-đam gây ra với ơn của Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô viết : “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15).

Thời nào, gia đình cũng gặp những khó khăn. Thời cha ông vượt qua được. Thời chúng ta khó vượt qua. Hậu quả là chia rẽ, là ly dị. Tại sao thời cha ông vượt được qua, thời chúng ta không vượt qua được ? Phải chăng gia đình ngày nay không có Chúa, thiếu cầu nguyện ?

Ngày 26 tháng 8 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô.  Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình.  Ngài giải thích về tầm quan trọng của việc Cầu Nguyện trong gia đình như sau.

Sau khi suy nghĩ về cách các gia đình sống thời gian nghỉ lễ và làm việc, giờ đây chúng ta xét đến thì giờ cầu nguyện.  Lời than phiền thông thường nhất của các Kitô hữu về thì giờ là: “Tôi đáng lẽ phải cầu nguyện nhiều hơn…; tôi muốn làm điều ấy, nhưng tôi thường không có thì giờ.”  Chúng ta thường xuyên nghe thấy lời than ấy.  Sự hối tiếc này chắc chắn là chân thành, bởi vì tâm hồn con người luôn luôn tìm cách cầu nguyện, ngay cả khi không ý thức điều ấy; và nếu không tìm được nó thì không thấy bình an.  Nhưng để chúng ta gặp nhau, chúng ta phải vun trồng trong tâm hồn mình một tình yêu “nồng nàn” với Thiên Chúa, một tình yêu trìu mến…

Cầu nguyện phát sinh từ việc lắng nghe Chúa Giê-su, từ việc đọc Tin Mừng.  Anh chị em đừng quên đọc một đoạn Tin Mừng mỗi ngày. Cầu nguyện phát sinh từ lòng tin tưởng vào Lời Chúa.  Chúng ta có lòng tin tưởng này trong gia đình của mình không?  Chúng ta có sách Tin Mừng trong nhà không?  Chúng ta có đôi lúc mở nó ra để đọc với nhau không? Chúng ta có suy niệm về nó khi đọc kinh Mân Côi không? Tin Mừng được đọc và suy niệm trong gia đình giống như một bánh bổ dưỡng nuôi tâm hồn mọi người.  Vào buổi sáng và buổi tối, và khi chúng ta ngồi vào bàn ăn, chúng ta học cách cùng nhau đọc một lời cầu nguyện, rất đơn sơ: chính là Chúa Giêsu đến giữa chúng ta, như Người đã đến với gia đình cô Mar-tha, Ma-ri-a và anh La-za-rô.  Có một điều mà tôi giữ mãi trong lòng vì tôi đã nhìn thấy trong thành: có những trẻ em đã không học làm Dấu Thánh Giá! Nhưng anh chị em, bậc cha mẹ, hãy dạy con con cái mình cầu nguyện, làm Dấu Thánh Giá: đây là một nhiệm vụ cao quý của các bà mẹ và các người cha!

Trong lời cầu nguyện của gia đình, trong những lúc mạnh mẽ cũng như những khi khó của nó, chúng ta được Chúa trao phó cho nhau, để mọi người trong gia đình được tình yêu của Thiên Chúa che chở (25-6-2017).

 ————————————

CN.12.A

Chúng ta vẫn còn đang sống trong tháng Thánh Tâm, tháng Trái Tim Chúa Giê-su. Lời Chúa, đặc biệt là những bài Tin Mừng chúa nhật vừa qua, đều nói đến lòng xót thương của Chúa, lòng xót thương xuất phát từ một trái tim yêu thương.

Bài TM chúa nhật X kể chuyện Chúa thương gọi ông Mát-thêu, một người thu thuế tội lổi, làm tông đồ. Bài TM chúa nhật XI, chúa nhật vừa qua, thấy dân chúng như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa chạnh lòng thương chọn 12 tông đồ để chăm dắt. Bài TM chúa nhật hôm nay thấy con cái Chúa lo sợ đủ điều trong cuộc sống, Chúa thương an ủi bảo : “Đừng sợ”. Chúng ta đọc cả ba bài đọc của thánh lễ hôm nay, mới thấy lòng thương của Chúa trước những nỗi lo sợ của con người.

 Bài đọc 1 :  Bđ1 thánh lễ hôm nay nói đến nỗi lo sợ khổ đau của ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Nhóm CGKPV đã viết về ngôn sứ Giê-rê-mi-a như sau : “Giêmia chào đời quãng năm 650 trước CN, hơn một thế kỷ sau ngôn sứ I-sai-a. Thân phụ và gia đình là tư tế, cư ngụ ở A-na-thốt cách Giêrusalem độ 5 km…Năm thứ 13 triều vua Giô-si-gia-hu (640-609) tức là năm 626 trước CN, Giêmia mới 24 tuổi đã được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ…Đó là thời kỳ sôi động và bi đát nhất của lịch sử nước Giu-đa…Tính tình ông dịu dàng và nhạy cảm, vậy mà ông được gọi để nhổ, để lật, để hủy, để phá (1,10). Thích yên hàn mà cứ phải đấu tranh, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gỗ với mình (15,10). Yêu quê hương yêu đất nước, mà không được cầu nguyện cho đồng bào (14,11), cứ phải cổ vũ sự thần phục ngọai bang, để bị lên án là kẻ phản quốc (20,8; 38,4). Ông không thể tin ai, ngay cả những người thân thích của ông (12,6); không thể hội nhập với người ta, dù trong tang chế hay lễ hội (16,5-9); ngay cả niềm vui của một tổ ấm riêng cũng không được hưởng (16,1-4). Tóm lại ông phải sống như một kẻ đơn chiếc nhất  trên đời, luôn luôn phải ngồi riêng một mình (15,17)… Cuối cùng ông bị đồng bào ông lôi sang Ai cập, rồi ném đá ông chết…Đúng là một thảm kịch.” (trang 224).

Những lời than vãn của ngôn sứ đã được thu tập lại với nhan đề là “Những tâm sự của Giêmia” (Confessions de Jérémie). Ông luôn hỏi Chúa : “Tại sao con cứ phải đau khổ hòai ?” (15,18).

Bđ1 thánh lễ hôm nay là những lời tâm sự cuối cùng. Chúng ta hãy nghe ngôn sứ than thở : “Con nghe biết bao người vu cáo…Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã…” (20,10).

Dù đau khổ đến thế, dù tủi nhục như vậy, ngôn sứ cũng đã cất tiếng reo vui, và ca khen Chúa, chỉ vì : “Đức Chúa hằng ở bên con, như một trang dũng sĩ  oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con, sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề : đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.” (20,11) Ngôn sứ đã cảm nhận lòng Chúa thương. Càng đau khổ Chúa càng thương. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a xác quyết : “Người đã giải thóat kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.” (20,13)

 Bài Tin Mừng : Sau khi tuyển chọn 12 tông đồ, Chúa Giê-su dạy dỗ các ông. Những tông đồ Chúa cần có nhân cách và nhân đức. Có những đức tính tự nhiên làm người, và có những nhân đức siêu nhiên làm tông đồ. Nhất là: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.” (Mt 10,24)

Chúa đã nhìn thấy trước con đường gập ghềnh chông gai các tông đồ phải đi, gánh nặng thánh giá các ông phải vác, nên Chúa đã bảo : “Đừng sợ”. Chỉ trong những lời giáo huấn vắn vỏi hôm nay, Chúa phải nhắc đến 4 lần “sợ” : lần thứ nhất là : “Đừng sợ người ta…Hãy lên mái nhà rao giảng” (10,26); lần thứ hai là : “Đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (10,28a); lần thứ ba : “Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (10,28b); và lần thứ bốn là : “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn qúi giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (10,30)

Kiểu nói “Tóc trên đầu anh em Người cũng đếm cả rồi” là kiểu nói thường dùng trong Cựu Ước, để nói đến sự săn sóc quan phòng của Chúa. Sách Sa-mu-en kể rằng : Ông Giô-na-than, con vua Sa-un, bốc thăm phải chết, thì dân chúng can thiệp nói : “Không đời nào, có Đức Chúa hằng sống. Không một sợi tóc nào trên đầu Giônathan sẽ rụng xuống đất.” (1Sm 14,45).

Tha chết cho Áp-sa-lôm, vua Đavít nói với bà Tơ-cô-a : “Có Đức Chúa hằng sống ! Không một sợi tóc nào con trai ngươi sẽ rơi xuống đất.” (2Sm 14,11).

Trong sách Công vụ Tông Đồ, thánh Luca kể : trên đường đi Rôma, tầu bị  gặp bão lênh đênh trên biển cả, đến ngày thứ 14, thánh Phaolô bảo 276 người trên tầu : “Tôi khuyên các bạn nên ăn uống, vì có thế các bạn mới được cứu. Không ai trong các bạn sẽ mất một sợi tóc trên đầu.” (Cv 27,34).

Trong tất cả nỗi sợ của đời người, không có nỗi sợ nào khủng khiếp cho bằng sợ chết. Một khi người ta không sợ chết, thì người ta chẳng còn gì phải sợ. Có hai lọai người không sợ chết : một là kẻ cướp giết người, coi mạng mạng người bằng không; hai là các thánh. Các thánh không sợ chết, vì các ngài không có tội. Chết là được lên thiên đàng, được về với Chúa. Chết là được hưởng niềm vui, hạnh phúc. Nên các thánh không sợ chết.

Hôm nay ngày 19-6, Giáo hội mừng kính thánh Ray-mun-đô, tu sĩ. Ngài sinh tại Ra-ven-na, nước Ý năm 906. Cha là bá tước giầu sang, phú qúi. Nên ngài cũng sống sa hoa, phóng túng. Năm 20 tuổi, chứng kiến cha mình chỉ vì tranh giành phần đất với một người bà con trong gia tộc mà giết người, thánh Ray-mun-đô cảm thấy đời chẳng là gì, nên bỏ nhà, vào sa mạc tu với vị ẩn sĩ Ma-ri-nô. Vị ẩn sĩ mỗi ngày bắt ngài học thuộc lòng các thánh vịnh. Không thuộc, vị ẩn sĩ lấy roi đánh vào đầu phía bên tai trái.  Có lần ngài thưa: “Thưa thầy, từ nay, xin thầy đánh con bên tai phải, vì tai trái con thầy đánh hòai gần điếc rồi.” Thánh Ray-mun-đô cũng muốn cho nhiều người ăn chay hãm mình để đền tội, nên ngài xin phép về lại thành phố đi rao giảng và lập tu viện. Biết mình sắp chết, ngài đóng cửa lại, không cho ai vào, để ngài được yên tĩnh dọn mình chết. Hôm sau, các thầy dòng đẩy cửa vào, thấy ngài đã chết, nằm sõng xòai dưới đất.

Bài đọc 2 : Thánh Phaolô trong thư Rô-ma, chúng ta đọc trong bđ2 thánh lễ hôm nay, đã cho chúng ta thấy lòng thương của Chúa : là cứu chúng ta khỏi tội, khỏi chết. Do ông A-đam tội đã xâm nhập vào thế gian và tội đã làm cho người ta phải chết. Nhưng nhờ Chúa Ki-tô tội đã được xóa bỏ và sự chết không còn thống trị, không còn làm cho người ta sợ hãi nữa. Tội ông A-đam qủa là nặng, nhưng sánh làm sao nổi với ơn cứu độ của Chúa. Thánh Phao-lô viết : “Sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5,15)

Lòng Chúa xót thương thật bao la. Cảm tạ lòng Chúa xót thương (19-6-2005)

———————————–   

CN.12.A

 

Trong BTM hôm nay chỉ có 7 câu, thế mà Chúa Giê-su nói với các tông đồ 4 lần từ  sợ” :

1- Đừng sợ công bố Lời Chúa : Chúa dạy : “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà mà rao giảng” (Mt 10,27).

2- Đừng sợ chết, sợ được tử đạo : Chúa dạy : “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10,28a).

3- Còn nếu có sợ, thì Chúa nói : “Đúng hơn anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10.28b).

Đừng sợ, vì có Chúa quan phòng, có Chúa che chở, có Chúa giữ gìn. Ba hình ảnh nói lên sự quan phòng che chở của Chúa :

1- Chim sẻ : Chúa phán : “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em” (10,29).

Người ta thường hiểu từ “rơi xuống đất” có nghĩa là chết; nhưng theo từ Hi Lạp, rơi xuống đất có nghĩa là nhẩy nhót trên mặt đất. Như vậy, từng động tác sinh hoạt của con chim đều được Thiên Chúa canh phòng bảo vệ.

2- Tóc trên đầu : Chúa phán : “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10,30).

Sách Sa-mu-en, quyến 1, kể rằng : dân Do Thái đánh thắng quân Phi-li-tinh. Họ thu các chiến lợi. Vì quá đói dân đã giết chiên bò mà ăn thịt còn máu. Dân Do Thái đã phạm tội, vì luật không cho phép uống máu, máu thuộc về Thiên Chúa. Họ bốc thăm xem ai phải chết để chuộc tội. Ông Gio-na-than, con vua Sa-un, bắt trúng thăm. Nhưng dân nói : “Ông Gio-na-than đã thực hiện cuộc chiến thắng vĩ đại này mà phải chết ư ? Không đời nào ! Có Đức Chúa hằng sống, không một sợi tóc nào trên đầu Gio-na-than sẽ rụng xuống đất, vì hôm nay ông đã hành động cùng với Thiên Chúa. Thế là dân đã giải thoát cho ông Gio-na-than và ông không phải chết” (1Sm 14,36-46).

3- Chúa Giê-su có quyền thưởng phạt : Chúa phán : “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự tr6n trời” (Mt 10,32).

Bđ1 và bđ2 cũng giúp an ủi chúng ta khi phục vụ Chúa mà gặp đau khổ .

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong bđ1 thưa Chúa : “Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con” (Gr 20,11).

Còn khi chúng ta đau khổ vì phạm tội, thì thánh Phao-lô trong bđ2 khích lệ chúng ta : “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15).

Thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la, vị thánh cải tổ dòng kín. Trên đường đến Bur-gos, nước Tây Ban Nha, để lập một nhà dòng kín, bị trượt chân, ngã xuống suối. Thánh nữ thưa Chúa : “Sao Chúa đặt nhiều khó khăn trên đường con đi vậy ?” Chúa hiện ra nói : “Đó là cách Ta thích xử với bạn bè Ta.” Bà hóm hỉnh thưa lại : “Thả nào Chúa có ít bạn !” (23-6-2002).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành