Chúa Nhật XXVII Thường Niên – Năm B


CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – NĂM B

3-10-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xư`Nhượng Nghĩa

GIÁO HUẤN SỐ 45

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Ki-tô (tt)

Với một người bạn, chúng ta có thể nói và chia sẻ những bí mật sâu xa nhất. Với Đức Giê-su cũng vậy, chúng ta luôn luôn có thể trò chuyện. Cầu nguyện vừa là một thách đố vừa là một cuộc phiêu lưu Và cuộc phiêu lưu ấy thú vị biết bao! Dần dần, Đức Giê-su giúp ta trân trọng sự cao cả của Người và kéo ta lại gần Người hơn. Việc cầu nguyện cho phép ta chia sẻ với Người mọi khía cạnh trong đời sống mình, và an tâm nghỉ ngơi trong vòng tay của Người. Đồng thời, cầu nguyện giúp ta tham dự vào chính sự sống và tình yêu của Người. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cởi mở mọi điều ta làm cho Người, và chúng ta dành chỗ cho Người để Người có thể hành động, có thể đi vào, và có thể chiến thắng (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 155).

—————

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – NĂM B

(St 2,18-24; Dt 2,9-11; Mc 10,2-16)

Thánh Louis và Zélie Martin, ba má thánh Tê-rê-sa Hài Đồng

Ông Louis Martin sinh tại Bordeaux, Pháp ngày 22 tháng 8-1823 trong một gia đình có 5 người con, ông lớn lên ở nhiều nơi, trước khi gia đình định cư hẳn ở Alençon. Louis Martin muốn vào tu viện Thánh Cả Bernard để dâng mình cho Chúa nhưng trình độ học la tinh của ông không đủ để đi theo con đường này. Năm 1850, ông mở tiệm đồng hồ. Đức tin của ông vẫn vững mạnh. Ông vào nhóm Vital Romet quy tụ các tín hữu trẻ chung quanh cha xứ Hurel. Nhờ mẹ của mình giới thiệu, ông gặp cô Zélie Guérin và tháng 7- 1858 ông lập gia đình với cô.

Zélie Guérin sinh ngày 23 tháng 12-1831 ở Saint-Denis-Sarthon, vùng Orne nơi cha của bà đóng quân trong quân đội. Chị cả của bà là một nữ tu. Bà muốn đi tu và bà mong vào được nhà dòng Hôtel-Dieu ở Alençon, nơi gia đình bà về ở năm 1844, nhưng mẹ bề trên từ chối. Năm 1853, bà Zélie mở một xưởng thêu, xưởng do gia đình tự làm và rất thịnh vượng.

Một gương mẫu của gia đình truyền giáo

Từ năm 1860 đến năm 1873, ông bà có 9 người con, trong đó có bốn người con chết từ khi còn nhỏ. Người con út là thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Một đức tin sâu đậm ngự trị trong gia đình. Một tình yêu mến sâu đậm kết nối hai vợ chồng như các bức thư của bà Zélie Martin viết cho chồng.

Trong bài diễn văn đọc ngày chúa nhật 19 tháng 10-2008 khi dâng thánh lễ phong chân phước cho hai ông bà, hồng y Martins, bộ trưởng danh dự bộ Phong Thánh, đã tuyên bố: “Đời sống của ông bà chân phước Louis và Zélie Martin là mẫu gương cho gia đình truyền giáo, là “ơn” cho các cặp vợ chồng ở mọi lứa tuổi, cho các bậc cha mẹ, cho những người đã mất bạn đời của mình, cho những người đối diện với bệnh tật và với cái chết.”

Sau một thời gian dài bị bệnh, ngày 28 tháng 8-1877 bà Zélie Martin qua đời, ông Louis ở Lisieux, thành phố của gia đình bên vợ đang ở. Mười năm sau và sau khi Têrêxa vào Dòng Kín, ông Louis vào ở nhà Bon Sauveur ở Caen. Ông cũng bị bệnh nhưng ông cũng săn sóc các bệnh nhân khác khi có thể. Ông chết ngày 29 tháng 7 năm 1894, thọ 71 tuổi.

Gia đình hai thánh Louis và Zélie Martin là hình ảnh Lời Chúa về gia đình trong thánh lễ hôm nay.

Bài đọc 1 (St 2,18-24) : Sách KT của nhóm CGKPV viết : “Trình thuật việc dựng nên người nữ (2,18-24) đi ngay sau các câu 2,7-8 (Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên sinh vật. Rồi Đức Chua là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra).

Câu 18a diễn tả lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với con người đầu tiên : Thiên Chúa không muốn con người sống cô đơn; con người sinh ra trên đời là để sống chung với ngưới đồng loại. Vì thế, ý của Thiên Chúa là làm cho con người một trợ tá… thích hợp với con người, có thể thông chia những tư tưởng, tâm tình, những nỗi lo âu về đời sống vật chất và tinh thần, về cuộc sống chung và như thế bổ túc cho con người. Dã thú, chim trời không phải là trợ tá tương xứng với con người (cc.19-20).

Người nam tiên khởi không được chứng kiến hoạt động của Thiên Chúa. Như thế, công cuộc Thiên Chúa dựng nên người nữ là một tác động thuộc lãnh vực mầu nhiệm. Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành (xây dựng) một người đàn bà (2,22). Có thể đây là một loại trình thuật mang tính cách tầm nguyên nhằm cắt nghĩa tại sao ở dưới ngực không có xương sườn. Mục tiêu chính vẫn là làm nổi bật mối tương quan giữa người nam và người nữ: hai bên có cùng một bản tính, thuộc cùng một loài, hết sức mật thiết vói nhau, vì được dựng nên với cùng một chất liệu; vì thế, hai bên đều bình đẳng. Tác giả ghi tiếp : Thiên Chúa dẫn người đàn bà đến với con người (c 22b). Hành động đó của Thiên Chúa tương tự như hành động của người làm mai, làm mối (môi giới) của người làm chủ hôn trong hôn lễ tiên khởi. Trong bầu khí tràn ngập hân hoan phấn khởi, con người như xướng lên bài tình ca đầu tiên gồm hai câu với ba từ “nàng” (“người này”), một đại từ chỉ định ở giống cái chỉ phái nữ. Đó là hai câu : “Phen này nàng là xướng bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì nàng đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,23). Trong tiếng Do Thái, thành ngữ “là xương thịt của ai” (St 29,14; 37,27; Tl 9,2; 2Sm 5,1; 19,13.14) được hiểu theo nghĩa: có họ hàng với. Tiếng Việt cũng diễn tả cách tương tự: có liên lạc máu mủ với, có liên hệ ruột thịt, thân thích với… Từ sự kiện vừa kể (cc 21-23a), lời của người đàn ông đầu tiên đưa tới kiểu chơi chữ nhằm cho biết gốc của tên isha (đàn bà) do ish (đàn ông). Cũng có chuyện tương tư trong một vài ngôn ngữ virago do vir (La-tinh), épouse do époux (Pháp), woman do man (Anh). Tên cũng diễn tả một tương quan mật thiết giữa ‘đàn ông’ và ‘đàn bà’ (Kinh Thánh 2011, trang 34).

Bài Tin Mừng (Mc 10,2-16) : Về bài Tin Mừng hôm nay, Đức cha Lâm viết : “Chúng ta không hiểu rõ hoàn cảnh vì sao các Biệt phái lại chọn vấn đề rẫy vợ để thử Đức Giê-su. Họ muốn thử gì ? Để xem ý kiến của Người về vấn đề ly dị ư ? Không chắc ở thời đó vấn đề có sôi bỏng như thời ta không, cho dù luật Rôma bấy giờ cũng cho ly dị và tâm tư đạo đức của người Do Thái có vẻ không rõ ràng. Đúng hơn họ muốn gài bẫy Người để xem Người có kính trọng luật Mô-sê không? Nhưng luật này nói thế nào ? Họ chỉ có thể trích một câu trong sách Thứ Luật  (24,1) cấm lấy lại một người đàn bà đã bị rẫy, và nói đến việc viết thư, chứ không có chỗ luật nào nói rõ về việc được phép ly dị… Chính các Biệt phái cũng nhận rằng Mô-sê chỉ cho phép viết ly thư chứ không ra lệnh làm việc này. Dựa vào chỗ đó, Đức Giê-su làm cho họ hiểu rằng: vì lòng dạ lì lợm của họ mà Mô-sê đã phải cho phép như vậy. Đó là một nhượng bộ bất đắc dĩ, không thể kéo dài mãi mãi. Nước Thiên Chúa đã đến rồi, con người phải dùng sức mạnh mà vào, người ta phải trở về với Thiên Chúa và lệnh truyền của Người. Thế mà từ nguyên thủy nam nữ đã khắng khít với nhau và đàn ông đã bỏ cả cha mẹ mình để nên một thân một thịt với bạn mình. Đức Giê-su giải thích việc đó là ý của Thiên Chúa muốn phối hợp hai người lại với nhau, và không ai được phép phân ly. Về nhà Người còn dạy rõ hơn, không ai được rẫy vợ mình để cưới vợ khác. Ai làm như vậy sẽ phạm tội ngoại tình…

Phụng vụ và đoạn Phúc Âm hôm nay để thấy việc vợ chồng khắng khít với nhau là một cái gì nằm sâu trong bản chất nam nữ mà Thiên Chúa đã dựng nên từ nguyên thủy. Đó là ý muốn của Tạo Hóa và của bản tính con người. Nếu điều này có lúc khó chấp nhận, thì chúng ta đọc tiếp đoạn Phúc Âm trên.

Thánh Mác-cô nói đến việc Đức Giê-su yêu quí trẻ nhỏ và dạy chúng ta phải đón lấy Nước Trời như một trẻ nhỏ. Câu nói này có thể có hai nghĩa :

  • Hoặc là người ta phải đơn sơ như trẻ nhỏ khi đón nhận Nước Trời, không xét nét, không do dự vì trẻ nhỏ cho gì chúng cũng lấy.
  • Hoặc là người ta phải coi Nước Trời như hồng ân tốt đẹp, tinh sạch mà người ta phải đón lấy như đón một trẻ nhỏ (Lời Chúa Các Chúa Nhật Năm B, trang 436-437).

Bài đọc 2 (Dt 2,9-11) : Bài đọc 2 đọc lá thư Do Thái (Híp-ri). Sách “Lời Chúa Cho Mọi Người” của hai anh em Bernard và Louis Hurault giới thiệu lá thư như sau : “Thời các Tông Đồ, người ta gọi những người Do Thái sống ở Pa-lét-tin là người Hip-ri, để phân biệt với đa số đồng bào của họ đã di cư đến các xứ khác trong khắp đế quốc Rô-ma. Lá thư này được viết cho các cộng đoàn Ki-tô giáo tiên khởi  đã hình thành tại Pa-lét-tin sau lễ Ngũ Tuần, gồm những người Do Thái thuần thúy. Họ đã bị bách hại vì là môn đệ Chúa Ki-tô, có những người bị tịch biên tài sản. Họ chẳng còn gì nữa ở đời này và phải đùm bọc lấy nhau với niềm xác tín rằng, một khi cuộc lưu đày chấm dứt, họ sẽ được hưởng quê thật là nơi Chúa Giê-su đã về, sau cuộc Thương Khó của Người. Như thế, hoàn cảnh của họ, những người đã từng rong ruổi trong sa mạc, mong mỏi tìm về Đất Hứa” (Nhóm CGKPV chuyển ngữ, trang 2091).

Đức cha Lâm giải nghĩa đoạn thư chúng ta đọc trong bđ2 : “Như vậy, ở đây tác giả thư Híp-ri đã nhấn mạnh đến sự khắng khít giữa Đức Ki-tô và loài người trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh… Người đang kêu gọi chúng ta không những kết hiệp bất khả ly với Người mà còn với nhau nữa. Người đang khuyến khích riêng các gia đình đang gặp khó khăn… Với ơn của Người, chúng ta sẽ lướt thắng mọi khó khăn trong tương quan xã hội và đặc biệt trong quan hệ gia đình, để khi mến Chúa nhiều, chúng ta cũng đoàn kết yêu thương nhau nhiều (Lời Chúa Năm Phụng Vụ B, trang 438).

Sách Giáo Lý viết : “Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội. Gia đình là một xã hội tự nhiên, trong đó người nam và người nữ được kêu gọi trao tặng bản thân mình trong tình yêu và trong việc trao tặng sự sống… Gia đình phải sống thế nào để các thành viên của gia đình học biết quan tâm và biết đảm nhận việc chăm sóc những người trẻ và những người già, người đau yếu, người khuyết tật và người nghèo khổ” (số 2207).

Thánh vịnh 127,3-5 :

Hiền thê bạn trong cửa trong nhà

Khác nào cây nho đầy hoa trái

Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn

Xúm xít tại bàn ăn

Đó là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người

Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc

Thánh Vịnh 71(70),18 :

Cả lúc con già nua da mồi tóc bạc

Lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành