Giáo Sĩ Đoàn Giáo Phận Đà Nẵng Tĩnh Tâm Năm


Hôm nay, thứ Hai 19/02, giáo sĩ đoàn Giáo phận Đà Nẵng đã tập trung về Trung tâm Mục vụ Giáo phận (TTMV GP) để bước vào tuần tĩnh tâm năm 2024 theo như chương trình đã định. (19/02 – 23/02/2024).

Đúng 17g00, tất cả các linh mục phó tế đã có mặt đầy đủ tại nhà nguyện để bắt đầu giờ kinh chiều và sau đó Chầu Thánh Thể khai mạc tuần tĩnh tâm. Trước khi bước vào giờ kinh, Đức Cha Giuse, Giám quản Tông tòa Giáo phận đã giới thiệu với giáo sĩ đoàn Đức Cha giảng phòng năm nay, Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, Chủ tịch Ủy ban Đặc trách Đời sống Thánh hiến của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN). Đức Giám quản tin tưởng với khả năng và kinh nghiệm và trách vụ, Đức Cha Phê-rô sẽ giúp cho chúng ta có được tâm tình cần thiết qua tuần tĩnh tâm này.

Đáp từ, Đức Cha Phê-rô cũng nói lên niềm vui và sự ngỡ ngàng của ngài khi lần thứ hai đến với Đà Nẵng sau 10 năm, nhất là khi nhận thấy sự thay đổi quá lớn về cơ sở vật chất tại đây.

Chủ đề xuyên suốt của tuần tĩnh tâm năm nay mà Cha giảng phòng trình bày: BƯỚC THEO CHÚA GIÊ-SU TRÊN ĐƯỜNG SỨ MẠNG và lần lượt được khai triển qua các bài chia sẻ đi kèm:

1/ Vào hoang địa với Chúa Giê-su (Mt 4,1-11)

Với đoạn TM này, không chỉ dừng lại việc trình bày cơn cám dỗ về luân lý và đạo đức nhưng nó còn trình bày cơn cám dỗ về phép lạ, mầu nhiệm và quyền lực…..

Từ trong Tin mừng, qua cuộc đời thơ ấu lẫn khi thực hiện sứ vụ công khai, cụ thể trong biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa và chịu cám dỗ, đó là cơn cám dỗ về đường lối cứu độ.

Lưu ý: Lạm dụng quyền lực khi thi hành sứ vụ và cám dỗ thứ hai chính là thói thế gian núp bóng thiêng liêng.

Kết luận: Chúa Giê-su vào sa mạc chịu ma quỹ cám dỗ và đã chiến thắng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đã hướng dẫn Chúa Giê-su vào sa mạc và gìn giữ. Đức Cha cũng mong ước mỗi người được Thánh Thần đến hướng dẫn chúng ta trong ánh sáng của Người.

2/ Loan báo Tin mừng Nước Trời (Mc 1,14-15)

Loan báo Tin mừng là sứ mạng lớn nhất chưa nói là duy nhất của Đức Ki-tô. Sứ mạng này tiếp tục trong Giáo hội từ việc chọn và sai các Tông đồ.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khi cải tổ Giáo triều Rô-ma, ngài đã đặt Bộ Loan báo Tin Mừng là quan trọng nhất, thế chỗ cho Bộ Giáo lý Đức tin. Đường hướng Hiệp hành của Giáo hội đang hướng tới đều quy về sứ vụ này.

Những linh mục của Chúa, khi nhìn vào Giáo hội hôm nay với những vấn đề hiện tại do xu thế thời đại, tác động xã hội và tác động của các giáo thuyết, chúng ta không được phép mặc cảm bi quan nhưng là dấn thân hơn nữa. Việc Tân Phúc Âm hóa mà ĐTC Bê-nê-đic-tô nói đến không phải là rao giảng một Phúc âm mới nhưng là loan báo Tin mừng với nhiệt thành mới, phương pháp mới.

3/Cầu nguyện (Mc 1,32-39)

Với câu Lời Chúa: “ Thầy ra đi cốt để làm việc ấy”, Đức Cha đã nhấn mạnh : Cầu nguyện vô cùng quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. “ Sáng sớm, Chúa Giêsu đã ra đi một nơi hoang vắng để cầu nguyện” Dù việc loan báo Tin mừng là lý do để Chúa Giê-su hiện diện trong cuộc đời này nhưng ngài vẫn không quên việc cầu nguyện.

Khi nhắc lại những lần mà Tin mừng nói đến việc Chúa Giê-su sống đời sống cầu nguyện, Đức Cha nhấn mạnh  Chúa Giê-su sống thân mật với Chúa Cha, để đàm đạo, để nên một với Chúa Cha và tìm thánh ý Chúa Cha để thi hành. Đặc biệt, cơn hấp hối của Chúa Giê-su trong vườn cây dầu là một cuộc chiến đấu giằng co đầy khó khăn. Nếu chúng ta sống đúng tinh thần này, chúng ta sẽ biến đổi cách nghĩ, cách nhìn và cách sống…

Đức Cha kết luận: Là Con Thiên Chúa làm người, Chúa Giê-su không quên ưu tiên cho việc cầu nguyện trong cuộc đời của Ngài. Cho nên chúng ta những con người cần phải nhận ra sự cần thiết của cầu nguyện để cầu nguyện nhiều hơn. Đức Cha nói rõ: (1) Cầu nguyện để ở với Chúa như người bạn thân tình. (2) Cầu nguyện để cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình (Kinh nghiệm hồi tưởng). (3) Cầu nguyện để lắng nghe và phân đinh Ý Chúa.

4/ Sống tinh thần hiệp nhất (Ga 17, 17-23)

ĐGH Bê-nê-dic-tô khi nói về đề tài này: “Chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất, nhưng là sự hiệp nhất nào”. Không phải theo kiểu toan tính, chính trị. Sự hiệp nhất này chỉ đem lại đau thương, mất mát cho con người. Chúng ta cần nói đến sự hiệp nhất trong Giáo hội là sự hiệp nhất đến từ Thiên Chúa và lấy Thiên Chúa làm mẫu gương. Chính sự hiệp nhất này liên quan đến sứ vụ loan báo Tin mừng.

Chức linh mục là thừa tác vụ của chính Hội thánh và chúng ta chỉ có thể chu toàn khi hiệp thông với Hội thánh. Cụ thể:

  • Hiệp thông với Giám mục bằng sự vâng phục. Vâng phục Giám mục như vâng phục chính Thiên Chúa.
  • Hiệp thông với nhau: Trong Giáo phận các linh mục phải sống sự hiệp thông trong tình huynh đệ.
  • Hiệp thông với giáo dân qua tinh thần chịu đựng và sự tha thứ.

Người linh mục của Chúa phải vâng phục Lời Chúa, lấy tinh thần đức tin để vâng phục và lấy tình yêu thương để giúp đỡ lẫn nhau.

5/ Tham gia với Chúa Giê-su trên đường truyền giáo (Mt 23, 1- 12)

Thông thường, trong Giáo triều Rô-ma Các Bộ trưởng thường là Hồng y Giám mục. Thế nhưng hiện tại, người đứng đầu Truyền thông lại là một giáo dân. Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới (THĐGMTG) trong truyền thống là cuộc hội họp của các hồng y, giám mục. Song THĐGMTG lần này, theo ý của Đức Thánh  Cha Phan-xi-cô lại là tập hợp ý kiến của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Chưa nói ngày nay, người giáo dân trong THĐGM không chỉ có quyền tham dự mà còn có quyền bỏ phiếu. Đến lúc, Giáo hội càng quan tâm hơn đến BT Rửa tội hơn là BT Truyền chức thánh và vai trò người giáo dân được nhấn mạnh.

Với chức linh mục được nhìn nhận như là một tác vụ hơn là chức thánh.

Hiện tại Giáo hội Việt Nam đang sống tinh thần  năm thứ II của THĐGMTG: Cổ võ sự tham gia.

Như vậy Giáo hội được nhìn nhận như là một cộng đoàn bình đẳng về phẩm giá và hoạt động. Nghĩa là cùng được chia sẻ một đức tin, chia sẻ một trách nhiệm và có một cái gì đó để trao ban. Khi làm mục vụ, các linh mục cần lưu ý điều này.

6/ Hủy mình ra không để loan báo Tin mừng (Pl 2,5-11)

Thánh thi này khi đối chiếu với Tin mừng Gioan trong tường thuật về bữa Tiệc ly (Ga 13,1-15) đề diễn tả mầu nhiệm nhập thể.

Yêu cho đến cùng chính là động lực để dám hủy mình ra không. Hủy mình ra không là cốt lõi của nhập thể và cứu độ. Đây cũng chính là linh đạo của Ki-tô giáo.

Đức Cha Phê-rô đã mượn câu nói của ĐHY Tagle để nói về vấn đề này: “Giáo hội muốn khơi dậy tinh thần truyền giáo nhất thiết cần phải có 03 phẩm chất: Khiêm tốn, đơn sơn và thinh lặng”. Cho nên, sự hủy mình ra không của linh mục là cần thiết để thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng qua tinh thần khó nghèo và đời sống độc thân”.Ngài nhấn mạnh:  Theo nhà thần học Karl Rahner: “Khó nghèo là sử dụng các thụ tạo trong chân trời tuyệt đối”. Thụ tạo chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Đồng thời sự khó nghèo được thể hiện qua lối sống giản dị, gần gũi với người nghèo.

Đặc biệt, khi sống đời sống độc thân, là sống niềm tin vào Thiên Chúa. Hay nói mạnh mẽ hơn: Độc thân là tử đạo trắng, là nhìn nhận Thiên Chúa là viên ngọc quý, là tất cả những gì chúng ta cần. Muốn vậy, người linh mục cần biết “ranh giới” về thời gian và không gian trong đời sống của mình, nhằm để sống sứ vụ tốt hơn và để công cuộc loan báo Tin mừng hiệu quả hơn.

7/Đối thoại cứu độ (Ga 4, 1-10)

Năm 1964, khi Đức Cố Giáo Hoàng Phao-lô VI sang thăm Philipphin, gặp gỡ các Giám mục Á Châu và định hướng mục vụ cho Giáo hội Á châu bằng con đường đối thoại. Và đường hướng này vẫn được tiếp tục trong Giáo hội cho đến ngày nay. Bởi vì, Châu Á là một châu lục nhiều quốc gia nghèo, đa tôn giáo và đa văn hóa.

Chia sẻ đầy tâm tình và sâu sắc, Đức Cha đã giúp cho người nghe nhận thấy trong đối thoại:

  • Đức Giê-su là người đi bước trước, dám vượt qua rào cản của văn hóa tôn giáo lúc bấy giờ giữa Do Thái và Samari trong tinh thần khiêm nhường.
  • Trong đối thoại, ĐGS luôn lắng nghe. Hành động lắng nghe của ngài là một nghệ thuật lắng nghe được cả “ ngôn ngữ không lời” của người nói.
  • Trong sự lắng nghe của ĐGS bao gồm cả chất vấn người nói. Đây không phải là sự tấn công nhưng là giúp cho người nói nhận ra sự thật của Lời Hằng Sống, từ đó thay đổi lối sống.
  • Đức Cha lưu ý: Người linh mục khi đối thoại không phải là bằng lý luận nhưng là đối thoại bằng con tim và bằng cuộc sống theo gương Chúa Giê-su.

Trong suốt 7 bài chia sẻ lẫn những bài giảng trong các Thánh Lễ mỗi ngày, không ai không ghi nhận Đức Cha Phê-rô quả là một nhà giảng thuyết. Với khả năng chuyên môn, với trách vụ đang đảm nhận trong đời sống Giáo hội với cách trình bày khúc chiết, cô đọng sâu sắc, với giọng nói chậm rãi trầm ấm, ngài đã đã thu hút người nghe một cách chăm chú đem lại sự đánh động cho những người tham dự tuần phòng.

Đặc biệt, dù bề bộn với công việc và trách vụ tại Tổng Giáo phận Huế, Đức Cha Giuse, Giám quản Tông Tòa vẫn  hiện diện trong suốt tuần phòng với linh mục đoàn đã nâng đỡ khích lệ các cha rất nhiều. Ai cũng thấy được tâm tình mục tử của ngài. Như lời Cha Đại diện Giám quản trong lời cảm ơn đã khẳng định “ Chúng con vẫn không thấy khác những lần tĩnh tâm trước bao nhiêu dù lúc này Đức Cha chỉ là Giám quản. Thậm chí cảm thấy bầu khí ấm cúng hơn, tuần tĩnh tâm hiệu quả hơn”. Xin cảm ơn Đức Cha.

Thật ngưỡng mộ tấm gương sáng cho những linh mục đang còn làm mục vụ là sự hiện diện của các Cha Cố đã nghỉ hưu, tuy mắt đã mờ, chân đã chậm, thế nhưng vẫn tham dự trọn vẹn, đầy đủ trong suốt mấy ngày qua.

Xuyên suốt tuần phòng, một bầu khí hiệp thông được thể hiện một cách rõ nét nơi những sinh hoạt đi kèm cùng với người tham dự và tâm tình khi tham dự.

Từ các giờ kinh nguyện, Thánh lễ mỗi ngày, đi Đàng Thánh Giá vào tối thứ Năm đều có sự hiện diện đầy đủ của mọi thành phần: từ Giám mục đến linh mục  cả dòng lẫn triều, quý thầy phó tế. Đồng thời, công việc tĩnh tâm năm của hàng giáo sĩ hằng năm vẫn luôn có sự cộng tác của quý thầy, quý chú của Tiền Chủng viện, quý Srs Tòa Giám mục, nhà Hưu dưỡng trong khâu chuẩn bị phòng ấp, cũng như một số chị em nhóm phục vụ của Giáo xứ Chính Tòa lo lắng cho những bữa ăn ngon. Chưa nói, tinh thần trách nhiệm đóng góp thêm cho các bữa ăn từ các giáo xứ và cá nhân.

Trong những ngày tĩnh tâm này, ngoài những việc đạo đức thiêng liêng, còn có những chương trình liên quan đến sinh hoạt của giáo phận. Sáng thứ Sáu, ngày 23/02, buổi cuối cùng của tuần phòng, ngoài việc Cha Quản lý nhắc lại và báo cáo đến một số vấn đề tài chính của Giáo phận,  cũng như Cha Marcello Đoàn Minh và Cha Phê-rô Trần Đức Cường trình bày về Hiệp hội Công Nữ tỳ Thừa sai Thánh Giá Đà Nẵng, Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận cũng đã lắng nghe ý kiến đóng góp chân thành, trách nhiệm của các Cha và ghi nhận bầu khí huynh đệ, hiệp thông của tuần tĩnh tâm.

Những ngày tĩnh tâm khép lại, trở về với giáo xứ, giáo họ của mình, với công việc mục vụ của mình, tin tưởng tuần tĩnh tâm đã đem lại một nguồn năng lượng mới giúp cho mỗi người tìm thấy được niềm vui trong phục vụ và đem lại nhiều hiệu quả thiêng liêng.

BTT/GP