Lễ Chúa Ba Ngôi


Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi

(Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18)

 

Ngày 5-8-1861 vua Tự Đức ban hành chiếu chỉ cấm đạo “Phân Sáp”. Chiếu chỉ gồm 5 nội dung chính : 1- Phân tán các làng Công giáo, 2- Sát nhập họ vào các làng lương, 3- Tịch thu tài sản ruộng nương, 4- Khắc trên hai má những chữ “tả đạo” và “tên làng”, 5- Giao cho lương dân quản thúc.

Trong năm đó, ngày 14-9-1861, năm thánh nông dân làng Ngọc Cục, Bùi Chú bị bắt, dù thánh Vinh Sơn Tương là chánh tổng, thánh Đaminh Nguyễn Đức Mạo là xã trưởng. Ba thánh khác là Anrê Tường, Đaminh Nhi, Đaminh Nguyên.

Quan phủ Xuân Trường ép các ngài lấy chân đạp Thánh Giá. Các môn đệ Chúa dũng cảm khước từ. Các ngài bị giam cầm, cổ mang gông, chân tay bị xiềng xích, hai má bị khắc những chữ “tả đạo”, “Ngọc Cục”. Hằng ngày các ngài lần chuỗi an ủi nhau, xin Chúa ban ơn trợ lực.

Ngày 15-6-1862 quan yêu cầu lần cuối các ngài đạp Thánh Giá. Bị từ chối, quan bắt các ngài phơi nắng, không cho ăn uống. Sáng hôm sau quan dụ ngọt các ngài chối đạo để được tha. Thánh Đaminh Đạo thay mặt anh em đáp : “Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy ? Chắc quan tưởng chúng tôi khiếp sợ đau đớn, nên dụ dỗ chúng tôi xúc phạm đến Thiên Chúa ? Nếu chối đạo để được tha, thì chúng tôi đã chối ngay khi bị bắt ở làng. dại gì phải trải qua những ngày tháng giam cầm,  tra tấn khổ cực. Chúng tôi không chối đạo đâu” .

Ngày 16-6-1862, năm ngài bị chém đầu. Các ngài xin chém ba nhát gươm : nhát thứ nhất kính Chúa Cha, nhát thư hai kính Chúa Con, và nhát thứ ba kính Chúa Thánh Thần (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, trang 167-171).

Khi sang Việt Nam truyền đạo, các cha thừa sai đã dùng những quan niệm của người Việt Nam để giải nghĩa về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là thuyết “Tam Phụ”, Ba Cha : Trời, vua và cha. Rồi thuyết  “Tam Tài” : Thiên, Địa, Nhân (Trời, đất, người); và thuyết : “Tam Cương” : cha, mẹ, và con cái.

Thuyết “Ba Cha”, “Tam Tài”, “Tam Cương” là những tương giao tình yêu. Những thuyết đó giúp diễn tả Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu. Thánh Âu-tinh nói : “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi, một ngôi yêu, một ngôi được yêu và một ngôi là nguồn mạch của tình yêu” (Youcat, trang 55)

Ngay từ ngày theo đạo, các ngài đã am hiểu và mến yêu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi..

Lời Chúa trong thánh lễ TCBN hôm nay nói đến tình yêu của Ba Ngôi.

Bđ1 : Câu 6 và câu 7 trong sách Xuất Hành nói đến long từ bi nhân hậu bao la của Chúa Cha : “Thiên Chúa nhân hậu từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” Xh 34,6-7).

BTM : Lời Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô diễn tả tình yêu tha thứ hy sinh của Chúa Con : “Thiên Chúa sai Con của Người  đến thế gian  không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17).

Bđ2 : Với thư Cô-rin-tô trong bđ2, thánh Phao-lô khuyên chúng ta noi gương Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau : “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa. Như vậy Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em“.

Như thế, Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu. Tin Thiên Chúa Ba Ngôi là sống yêu thương nhau (11-6-2017)

———————————

Thiên Chúa Ba Ngôi

Năm 1917 Đức Mẹ Fatima hiện ra với chị Luxia khi chị mới 10 tuổi.

Ngày 13-06-1929 trong dòng kín ở Tuy, Tây Ban Nha, Sơ Luxia 22 tuổi đã được mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Sơ Lucia kể lại như sau :

       «Tôi đã xin phép Mẹ Bề Trên và Cha Linh hướng, tôi được phép làm Giờ Thánh từ 11 giờ cho tới nửa đêm thứ năm rạng thứ sáu.

       Trong suốt cả đêm chỉ có mình tôi quỳ trước chấn song sắt ngăn cách Nhà Nguyện. Tôi cúi sấp mình đọc các lời kinh Thiên thần. Khi tôi cảm thấy mệt, tôi ngước mặt lên, vòng chéo tay trước ngực theo hình thánh giá vả cầu nguyện tiếp. Lúc bấy giờ trong Nhà Nguyện chỉ có một ngọn đèn chầu. Bổng chốc cả ngôi Nhà Nguyện bừng sáng lên bằng một ánh sáng siêu phàm, và trên bàn thờ xuất hiện một tượng Thánh Giá bằng ánh sáng, cao lên tận tới trần nhà. Trong một vùng ánh sáng còn chói lọi hơn nữa, người ta thấy phần trên tượng Thánh Giá có khuôn mặt một người đàn ông lộ ra từ đầu cho tới thắt lưng, trên ngực có hình một chim bồ câu, và cũng được bao phủ bởi ánh sáng, còn trên Thánh Giá thì có một người đàn ông khác bị đóng đinh vào đó. Lưng chừng giữa thắt lưng có một chén thánh đu đưa trên không với một bánh lễ to, và trên tấm bánh lễ to đó có những giọt máu chảy từ má và từ vết thương ở ngực của người bị đóng đinh. Từ tấm bánh lễ đó, những giọt máu lại chảy tràn vào trong chiếc chén thánh.

Đứng ở phía dưới tay phải tượng Thánh Giá là Đức Mẹ. Đó chính là Đức Mẹ Fatima với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, không có lưỡi kiếm đâm qua và không có các bông hồng, nhưng thay vào đó lại có một vòng gai và những ngọn lửa. Trên bức hình đó, người ta còn thấy Đức Mẹ cầm ở tay phải một tràng chuỗi Mân Côi.

Còn phía tay trái tượng Chúa Chịu Nạn có mấy chữ cái lớn, xem ra như thể làm bằng nước đá đông lại trong suốt và như chực chảy xuống trên bàn thờ. Những chữ cái lớn đó là chữ : «ƠN THÁNH và LÒNG THƯƠNG XÓT».

Tôi hiểu ngay rằng tôi đã được thị kiến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và tôi còn được mặc khải những điều khác nữa về mầu nhiệm đó, nhưng tôi không được phép nói ra!»

(Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima, Dịp kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima).

Thiên Chúa Ba Ngôi (TCBN) là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta tuyên xưng TCBN mỗi khi chúng ta làm dấu Thánh giá, mỗi khi đọc kinh Sáng Danh.

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay nói đến lòng yêu thương của mỗi Ngôi.

Bđ1 : Bđ1 nói đến Ngôi Cha. Ngôi Cha là một người cha “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và lòng thành tín” (Xh 34,6). Mặc dầu dân Ít-ra-en đúc con bò vàng để thờ phượng thay thế Thiên Chúa, đến nỗi ông Mô-sê nóng giận, cầm hai bia đá ném vào con bò vàng vỡ toang; còn Chúa thì tha thứ và cho lại hai bia đá khác, vẫn ký kết giao ước với lũ dân cứng đầu cứng cổ.

BTM : BTM nói đến Ngôi Hai là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Qua lời đó, thánh Gioan cắt nghĩa : “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).

Bđ2 : bđ2 nói đến Ngôi Ba. Chúa Thánh Thần là sự hiệp thông, hiệp nhất : “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13,13).

Để sửa soạn cho Ba Em Lu-xi-a, Phan-xi-cô và Gia-xin-ta lãnh nhận sứ điệp Đức Mẹ Fa-ti-ma, thiên thần đã hiện ra với Ba Em ba lần.

Lần thứ ba vào mùa thu tháng 9 hay tháng 10 năm 1916, thiên thần đã hiện ra với Ba Em chăn chiên tại đồng cỏ Ca-bê-cô. Các em đang quì cầu nguyện và đầu cúi xuống đất, một ánh sáng chói sáng chiếu chung quanh và trên người các em. Các em ngẩng đầu lên thì thấy Thiên Thần Hòa Bình. Thiên Thần dạy Ba Em lời cầu nguyện quan trọng này : “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, con thờ lạy Chúa. Con dâng Chúa Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô hiện diện trong các nhà chầu trên thế giới, và đền tội những xúc phạm, những bất kính, những khinh thường Chúa. Nhờ công ơn vô biên của Trái Tim rất thánh Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria, con xin Chúa thương cho những người tội lỗi được trở về”.

Chúng ta hãy noi gương Ba Em, theo lời thiên thần, cầu nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi cho những người tội lỗi được ơn trở về với Chúa (8-6-2014)

————————————————–

THIÊN CHÚA BA NGÔI

Đạo Công giáo có 3 mầu nhiệm chính : một là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, hai là mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, ba là mầu nhiệm Ngôi Hai cứu chuộc loài người. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là quan trọng nhất.

Sau khi cử hành các lễ về Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, Gíao hội hôm nay cử hành lễ Thiên Chúa Ba Ngôi để nhắc nhớ chúng ta mầu nhiệm quan trọng này.

Trong Cựu Ước, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chưa được mặc khải. Có thì cũng mù mờ, để dân Do thái khỏi nhiễm lây niềm tin đa thần của những dân chung quanh. Phải chờ đến Tân Ươc, chính Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết : Thiên Chúa  là Cha, là Con và là Thánh Thần.

Nhưng Chúa Giê-su không dùng từ “Ba Ngôi”. Đó là từ của ông Thê-ô-phi-lô,  một nhà văn thế kỷ thứ hai, ở thành An-ti-ô-khi-a, nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Lễ Chúa Ba Ngôi được cử hành vào thế kỷ VII. Đến thế kỷ X nhiều Giáo hội đã long trọng cử hành. Năm 1334 Đức Giáo hoàng Gio-an XXII  cho cử hành tại Rô-ma, và từ đó được cử hành trong toàn thể Giáo hội.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm có một Thiên Chúa, nhưng lại có ba ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. 1 là 3, 3 là 1. Thật là một mầu nhiệm nghịch lý, ngược đời, vì 1 là 1, 3 là 3. Chẳng ai cho vay 3 đồng mà lại chịu để người nợ trả lại 1 đồng; vay 3 thì phải trả 3, vay 1 thì trả 1. Có khi phải trả hơn, vì bị vay nặng lãi.

Đó là lãnh vực vật chất, lãnh vực tóan học thì 3 là 3, 1 là 1. Nhưng lãnh vực tinh thần, lãnh vực tình yêu thì khác : 3 mà là 1, 1 mà là 3.

Thi sĩ Tản Đà có câu thơ diễn tả sự đo đếm của tinh thần, của tình yêu, khác với sự đo đếm của vật chất, của toán học : “Ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai“. Yêu thì đòi phải có hai, nhưng có hai để hiệp nhất nên một.

Ca dao có câu : “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua“, nghĩa là yêu  nhau thì xa cũng là gần, ghét nhau thì gần cũng là xa. Chúng ta cũng thường nói : “Đi xa về gần”. Thời gian con tim, tình cảm khác với thời gian đồng hồ.

Trong sách Tin Mừng thánh Luca có câu chuyện “Hai đồng tiền nhỏ” của bà góa cho thấy : nhiều mà ít, ít mà nhiều. Nhìn những người bỏ tiền vào hòm cúng ở Đền thờ Giê-ru-sa-lem, những người giầu có và bà góa nghèo, Chúa Giê-su nói : “Bà góa này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Qủa vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sống” (21,3-4).

Sách Tin Mừng thánh Mát-thêu có câu chuyện “Những người thợ làm vườn nho”. Có 5 loại thợ : thợ làm từ sáng sớm, thợ làm từ 9 giờ sáng, thợ làm từ 12 giờ trưa, thợ làm từ 3 giờ chiều, và thợ làm từ 5 giờ chiều. Chiều đến, ông chủ trả lương bằng nhau. Thấy vậy, những người thợ làm từ sáng sớm cằn nhằn : “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (20,11-12). Song ông chủ nói : “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức” (20,15) ? Sách “Bốn Phúc Âm” của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ cắt nghĩa như sau : “Thiên Chúa làm gì cho ai cũng là bởi tình thương mà thôi…Kẻ không chấp nhận Người tỏ tình thương như thế, kẻ ấy mắc tội ghen tị. Khi người ta đặt nặng các ơn ban hơn là tình yêu ban ơn, cũng là hơn chính Đấng thương yêu, thì người ta không yêu mến mà chỉ ích kỷ” (trang 92).

Thiên Chúa là một, nhưng lại là ba, vì Thiên Chúa là tình yêu. Đó là mầu nhiệm. Mầu nhiệm không có nghĩa là không thể hiểu được, như câu chuyện mà người ta thường kể : một hôm, đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh Âu Tinh (Augustinô) thấy một em bé lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào cái lỗ của con dã tràng, thánh nhân nói :  Làm sao em múc hết được nước biển đổ vào cái lỗ nhỏ bé này“. Không ngờ đó là thiên thần, thiên thần trả lời : “Nhưng còn có thể được, chứ như ngài suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì không thể nào được“.

Mầu nhiệm không phải là không thể hiểu được, mà là không thể hiểu hết được. Đúng vậy, người ta có bao giờ hiểu hết được tình yêu, mỗi ngày hiểu một ít, chết cũng chưa hiểu hết. Thiên Chúa là tình yêu, mỗi ngày chúng ta hiểu một ít về Thiên Chúa. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng : “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng“. Khi người ta gọi ai là cha, thì người ta đã nhận người đó có lòng yêu thương, yêu thương như một người cha. Cha là người yêu thương. Thiên Chúa là cha toàn năng, nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa tòan năng, sức mạnh yêu thương của Thiên Chúa vô cùng.

 Bđ1 : Câu chuyện trong sách Xuất Hành thánh lễ hôm nay diễn tả lòng yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi ông Mô-sê lên núi Si-nai để lãnh hai bảng đá ghi 10 giới răn. Ông Mô-sê ở trên núi 40 ngày. Dân chúng thấy lâu qúa, xin phép ông A-ha-ron đúc một con bò bằng vàng và bảo nhau : “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai cập” (Xh 32,4). Rồi họ ăn uống và bày trò vui chơi. Thật là tệ bạc. Cả dám cho con bò vàng là Chúa. Công ơn của Chúa đem tặng cho con bò vàng. Nên Chúa bảo ông Mô-sê : “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xh 32,9-10). Nói thì xem ra cứng rắn như sắt thép, nhưng lòng thì mềm như cục bột. Ông Mô-sê mới chỉ đưa ra ba lý lẽ : một là công của Chúa đã đưa chúng ra khỏi Ai cập sẽ tiêu tan, hai là người Ai cập sẽ rêu rao là Chúa đưa vào sa mạc để tàn sát, ba là Chúa hãy nhớ lời Chúa thề hứa với các tổ phụ. Chỉ có 3 lý do đó mà Chúa đổi ý, không dánh phạt nữa, lại còn nói với ông Mô-sê : “Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi” (Xh 34,6-7). Lòng Chúa đã ra mềm, lòng Chúa đã chùng xuống, chỉ vì Chúa yêu thương. Thánh Gio-an bảo : “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).

Bài Tin Mừng :  Bản chất của Chúa là yêu thương, nên Chúa đã hy sinh, đã chịu mất mát, đã chịu thiệt thòi, đã chịu đựng. Chúa Giêsu nói với ông Ni-cô-đê-mô trong bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Người trần khi yêu thì không còn lý trí, không còn suy nghĩ, chỉ theo sự thúc đẩy của con tim. Đến nỗi ông Pascal bảo : “Con tim có những lý lẽ của nó”. Dường như Chúa cũng yêu như thế. Chúa yêu hóa điên hóa dại, nên mới hy sinh Con Một của mình cho lòai người. Thánh Âugustinô nói : “Chúa yêu mỗi người chúng ta làm như chỉ còn mỗi một chúng ta, nên Chúa phải yêu”. Nhà Kinh thánh William Barclay thì nói : “Cái thế gian mà Chúa yêu như thế không phải là một nước, không phải là những người tốt lành, cũng không phải là những người yêu Ngài, mà chỉ là lòai người mà thôi” (The Gospel of John, Tập I, trang 138).

Bđ2 :  Lời Chúa trong bđ2 thánh lễ hôm nay là đoạn kết lá thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi cho các tín hữu Cô-rin-tô. Thánh Phao-lô đã viết thư này, vì cộng đòan Cô-rin-tô có những vấn đề nan giải, trong đó có vấn đề chia rẽ, như ngài viết ở gần cuối trang thư : “Chớ gì giữa anh em đừng có chia rẽ, ghen tương, óan ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn lọan” (2Cr 12,20). Vì có sự chia rẽ, nên thánh Phao-lô đã phải khuyên dạy : “Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa” ((2Cr 13,11). Và thánh Phao-lô đã lấy Chúa Ba Ngôi để cầu chúc dân Cô-rin-tô : “Cầu chúc tòan thể anh em đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông  của Thánh Thần” (2Cr 13,13).

Lời cầu chúc này là một công thức trong phụng vụ, và thánh Phao-lô đã lấy để kết thúc bức thư. Như thế, Giáo hội đã sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo hội đã tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi trong khi cử hành phụng vụ, và lấy Ba Ngôi làm gương mẫu cho đời sống yêu thương (22-5-2005)

Linh mục Nguyễn Trung Thành