Lễ Chúa Thăng Thiên


LỄ THĂNG THIÊN.A

(Cv 1,1-11; Ep 17-23; Mt 28,16-20)

Hôm nay lễ Chúa Giêsu lên trời, Chúa Giêsu lên thiên đàng.

Nhưng có đời sau, có thiên đàng, có hoả ngục không ?

Ngày 6-8-1961, phi hành gia Titov của Liên Xô bay vào vũ trụ. Khi về lại trái đất, ông tuyên bố : “Không có Thiên Chúa, thần thánh nào trên  đó hết !

Sau đó một tờ báo LX viết : “Những dụng cụ tinh xảo của phi thuyền Spoutnik và những hỏa tiễn liên lục địa, đã không ghi nhận một dấu hiệu nào cho biết có Thiên Chúa và đạo quân trên trời của Người. Tôn giáo dạy rằng chỉ có thể lên trời sau khi chết. Nhưng sự thật là người đồng thời với chúng ta đã lên trời đang khi họ còn sống.

Ông Titov, phi hành gia và tờ báo của Liên Xô, tuyên bố là không có thiên đàng hỏa ngục, không có đời sau.

Trái lại, cha thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan thì tin là có, có thiên đàng, có hỏa ngục, có đời sau. Cha là cha sở Phúc Nhạc, Phát Diệm. Năm 1837, 66 tuổi, cha bị bắt và bị giam trong nhà tù tỉnh Ninh Bình. Quan tỉnh Ninh Bình khuyên cha bước qua Thánh Giá để được tha về. Cha thà chết, chứ không bước qua Thánh Giá.

Quan nói :

– Thế ông không muốn sống à ?

Cha đáp :

– Thưa quan, mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi là con người có suy nghĩ. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng, với người theo đạo Chúa, chúng tôi tin : chết thân xác đời này, nhưng sẽ có sự sống đời đời trên thiên đàng, do đó tôi không sợ chết vì đạo Chúa.

Quan hỏi :

– Ông tin có thiên đàng sao ? Ai bảo ông là có thiên đàng ?

Cha nói :

– Đó là chuyện đương nhiên. Như vua thưởng ban cho các trung thần, thì Chúa Trời Đất chả nhẽ không ban thưởng cho các tôi trung phục vụ Người đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó chúng tôi gọi là thiên đàng.

Quan hỏi :

– Nghe ông nói có lý, nhưng ai dạy ông biết là có Thiên Chúa ?

Cha trả lời :

  • Thưa quan, không cần phải ai dạy. Chính trời đất vũ trụ là cuốn sách mở ra dạy ta biết. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu của thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng sáng tạo. Chúng tôi gọi Đấng ấy là Thiên Chúa. Người không có đạo thường gọi là Ông Trời.

Khi Liên Xô dưới thời ông Gô-ba-chốp đổi mới, nhà văn Liên Xô, Valentin Raxputin, đã viết một tập truyện ngắn nhan đề là “Đám Cháy”. Trong đó ông viết một câu đầy ý nghĩa. Câu đó là : “Bắt buộc thỉnh thoảng phải nghĩ đến cái chết, để sống cho trong sạch hơn.

Không nghĩ đến cái chết, không tin có thiên đàng hoả ngục, người ta chẳng cần ăn ngay ở lành, cứ thoải mái  ăn chơi, tha hồ làm những điều thất đức.

Ngày 13-5-2017 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố : “Tất cả các tường thuật về Fatima chỉ là rác rưởi nếu chúng ta không dám nói rằng hỏa ngục là có thật

Trưa ngày 14-5-2010, chính phủ Ý đưa tin : cuối tháng 4 vừa rồi, chính phủ Ý trục xuất hai sinh viên ra khỏi nước Ý. Hai anh là người Marốc theo Hồi giáo, sang Ý học. Hai anh âm mưu giết Đức giáo hoàng. Khi được hỏi tại sao mưu sát Đức giáo hoàng, một anh trả lời : “Tôi muốn kiếm được một chỗ trên thiên đàng” !

Hai anh sinh viên Marốc giết người để được vào thiên đàng.

Còn Đức Mẹ thì bảo hãy lần chuỗi.

Thứ bảy vừa qua, 13-5-2017, chúng ta kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha. Trong lần hiện ra lần thứ nhất ngày 13-5-1917, khi thấy ba em Luxia, Phanxicô, Giaxinta sợ hãi, Đức Mẹ trấn an nói :

Đừng sợ, Ta không làm hại các con. Ta từ trời xuống.

Luxia run rẩy hỏi :

Thưa Bà Đẹp, con có được lên trời với Bà không ?

Đức Mẹ bảo :

Được !

Luxia hỏi tiếp :

Còn Phanxicô và Giaxinta có được Bà đưa về trời không ?

Đức Mẹ nói :

Cả hai đều được về trời với Ta; riêng Phanxicô phải lần chuỗi nhiều.

Đức Mẹ bảo lần chuỗi để được lên thiên đàng, vì chuỗi của Đức Mẹ sẽ ban cho chúng ta sức mạnh thiêng liêng, để chúng ta tránh những việc dữ, mà làm những việc lành, những việc đạo đức thánh thiện (16-5-2010/28-5-2017)

Thăng Thiên

Sau hai lần trở lại Đàng Trong (Miền Nam), cả hai lần cha Đắc Lộ đều bị trục xuất. Công cuộc truyền giáo mỗi ngày một khó khăn, và rất có thể một ngày gần đây sẽ không còn một nhà truyền giáo nào có thể đặt chân lên đất Việt. Giáo đoàn Việt Nam thiếu tổ chức, thiếu người cầm đầu sẽ dễ dàng bị tan rã, giống như giáo đoàn Nhật Bản.

Khi trở lại Đàng Trong lần thứ ba từ 1-1642 đến 9-1643, cha Đắc Lộ phải tổ chức Hội Thầy Giảng, như cha đã tổ chức ở Đàng Ngoài (Miền Bắc) vào năm 1630. Cha kể : “Đặc ân Chúa ban cho tôi trong thời kỳ này là thúc đẩy 10 người trai cộng tác với tôi trong công cuộc truyền giáo cho dân xứ của họ. Họ là những người ở những miền khác nhau, nhưng chung một lý tưởng hiến dâng tất cả cho Chúa và Giáo hội của Người. Trong số đó có ba người được Chúa dành cho vinh dự tử đạo : trước hết là thầy Anrê, mà tôi đã gặp và quen biết ở Phú Yên. Rồi đến thầy I-nha-xu, là người có địa vị, có thế giá trong nước. Thầy đã có chân trong hàng quan lại, lại có học thức uyên thâm, văn hay chữ tốt, nhất là có lòng đạo đức, hy sinh, thánh thiện… Từ khi trở lại và được rửa tội, thầy luôn sống bên tôi, không muốn rời tôi lúc nào. Thực ra, gặp một người như thầy quả là họa hiếm. Thứ ba là thầy Vinh Sơn, đã từ lâu thầy khẩn khoản yêu cầu tôi nhận thầy vào tổ chức Thầy Giảng…Thân phụ của thầy là một người đạo đức của tỉnh Quãng Ngãi. Tuy thầy là người con  có nhiều hy vọng hơn, và là chỗ nương tựa của cụ lúc tuổi già, cụ cũng bằng lòng dâng thầy vào tổ chức Thầy Gỉảng. Còn ơn gọi của 7 người kia cũng tương tự như 3 thầy đó.”

Trước khi xuống tầu tạm biệt rời khỏi Đàng Trong. Ngày 31-7 lễ thánh Inhaxu, đấng sáng lập Dòng Tên, cha tổ chức lễ khấn cho 10 thầy. Hôm đó giáo dân tề tựu đông chật nhà thờ Hội An. Quì trước bàn thờ Chúa, cầm nến cháy sáng trong tay, các thầy lần lượt tiến lên hiến dâng trọn đời để phụng sự Chúa và Giáo hội. Các thày khấn 3 lời khấn : 1- không lập gia đình, 2- vâng lời các thừa sai đến truyền giáo, 3- mọi của cải dùng chung. Lễ nghi đơn sơ và cảm động. Cha Đắc Lộ cũng không cầm được nước mắt trước ba lời khấn của các thầy (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 153-154).

BTM :  BTM hôm nay, thánh Mátthêu không chủ tâm tường thuật việc Chúa lên trời, cho bằng tường trình lại những điều Chúa căn dặn, dậy dỗ các tông đồ, những nhà lãnh đạo Giáo Hội phải làm, trước khi Chúa lên trời.

1- Điều thứ nhất là “đi tới miền Galilê” (Mt 18,16) tức là miền của dân ngoại, của những người còn “ngồi trong bóng tối”. Giáo hội Chúa phải ra đi giảng đạo, truyền giáo.

2- Điều thứ hai là “làm cho muôn dân thành môn đệ”, “rửa tội cho họ”, “dạy họ giữ các điều răn” (Mt 28,19-20). .

3- Điều thứ ba là “Thầy sẽ ở cùng anh em cho đến tận thế” (Mt 28,20b) , tức là Chúa không hiện diện bằng thân xác, nhưng hiện diện bằng Giáo hội của Chúa.

Hội Thầy Giảng cha Đắc Lộ tổ chức cho Giáo Hội Việt Nam tương tự như Các Tông Đồ Chúa Giêsu thiết lập. Các tông đồ Chúa có bổn phận truyền đạo dạy dỗ, thì các Thầy Giảng cũng có bổn phận truyền đạo dạy dỗ. Chúa ở với các Tông đồ mãi mãi, thì Chúa cũng ở với Các Thầy Giảng luôn mãi. Giáo Hội là sự hiện diện của Chúa.

Giáo Hội vẫn coi gia đình là  một “Hội thánh tại gia”. Chúa hiện diện trong gia đình như hiện diện trong Hội Thánh. Nêu chúng ta luôn nhớ Chúa hiện diện trong gia đình chúng ta, thì gia đình chúng ta sẽ tránh được những sứt mẻ, chia rẽ, bất hòa. Gia đình chúng ta được Chúa hiện diện, được Chúa dạy dỗ thì gia đình chúng ta sẽ êm thắm, thuận hòa (2014).

———————————–

LỄ THĂNG THIÊN

Hôm nay lễ Chúa Giêsu Lên Trời, cũng là chúa nhật đầu tháng Trái Tim Chúa.

Lễ Trái Tim Chúa và tháng Trái Tim Chúa xuất phát từ ba lần Chúa Giêsu hiện ra và tỏ Trái Tim Chúa cho thánh nữ Magarita Maria.

Thánh nữ sinh ngày 22-7-1647 tại Janots (Gia-nô) nước Pháp. Thánh nữ là con thứ năm của hai ông bà Claude Alacoque (Clốt À-la-cốc) và Philiberte Lamyn (Phi-li-béc La-min). Hai ông bà sinh được 7 người con : 4 trai và 3 gái. Tháng 6-1671, 24 tuổi, thánh nữ đi tu dòng Thăm Viếng. Chỉ hai năm sau vào dòng, thánh nữ Magarita Maria đã được Chúa Giêsu hiện ra, tỏ cho thấy Trái Tim Chúa. Cả thảy ba lần : lần I vào ngày 27-12-1673, lần II vào tuần bát nhật Lễ Mình Thánh Chúa năm 1674 không rõ ngày, lần III vào ngày 16-6-1675. Lần III này Chúa Giêsu muốn Giáo Hội thiết lập lễ Thánh Tâm (Émile Bougaud, The Life of Saint Magaret Mary Alacoue, trang 160-179)

Còn tháng Thánh Tâm do sáng kiến của cô Angèle de Sainte Croix (Ăng-gien đờ Sanh Croa), nữ sinh trường Oiseaux (Oi-dô) tại Paris. Đức Tổng Giám mục Paris De Quélen (Đơ Quê-lăng) chấp nhận sáng kiến này. Ngài nói : “Phải đặc biệt làm việc này để cầu cho các tội nhân ăn năn trở lại và cho xã hội được may lành. Tháng này sẽ kéo dài 30 ngày, để kính 33 năm Chúa sống tại thế”. Ngày 30-5-1902 Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã ban nhiều ân xá cho những ai tôn kính Trái Tim Chúa trong tháng Thánh Tâm (Louis Verheylezoon SJ, trang 141-145).

Thánh nữ Magarita Maria qua đời vào 7giờ chiều ngày 17-10-1690, sau 43 năm ở đời, 19 năm tu dòng Thăm Viếng, và sau 17 năm Chúa Giêsu hiện ra, tỏ Trái Tim cho thánh nữ.

Khi cha tuyên úy nhà dòng đến xức dầu cho thánh nữ. Thánh nữ kêu lên : “Ôi hạnh phúc biết bao được yêu mến Chúa ! Chúng ta hãy yêu mến Người ! Chúng ta hãy yêu mến Người hết lòng !” Thánh nữ ước ao được nhìn thấy Chúa trên thiên đàng. Một chị dòng nghĩ : “Niềm hy vọng của chị sẽ được toại nguyện! Đó sẽ là giây phút hạnh phúc nhất của đời chị. Đó là cửa vào niềm vui đời đời, là ngày sinh nhật của chị !

Thánh nữ khép mắt. Khuôn mặt tươi đẹp. Nét cười trên môi thánh nữ giống như của một đứa bé nằm ngủ. Thánh nữ  khẽ kêu lên : “Lạy Chúa Giêsu !”, rồi thánh nữ gục dầu tắt thở.

Bđ1 : Thiên đàng hỏa ngục, đâu phải mọi người đều biết. Khi chứng kiến Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ vẫn còn ngỡ ngàng. Sách CVTĐ trong bđ1 đã kể : “Và đang lúc các ông còn đăm nhìn lên trời phía Đức Giêsu đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : ‘Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông, và được rước lên trời” (Cv 1,10-11).

Người ta sẽ biết có thiên đàng hỏa ngục hay không, khi suy nghĩ đến sự chết. Trong tác phẩm “Đám Cháy”, nhà văn Nga Valentin Raxputin viết : “Cái chết đó là người thầy đầy quyền lực… Bắt buộc thỉnh thoảng phải nghĩ đến cái chết, để sống cho trong sạch hơn

Bđ2 : Nhìn thánh nữ Magarita Maria hấp hối, một chị dòng đã thốt lên “Niềm hy vọng của chị sẽ được toại nguyện”. Trong bđ2, thư gửi các tín hữu Êphêsô, một thành phố nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, thánh Phaolô cũng đã gọi niềm vui thiên đàng là niềm hy vọng. Thánh Phaolô viết : “Nguyện xin Chúa Cha soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ , đâu là niềm hy vọng anh em nhận được” (Ep 1,18).

BTM : Cũng chị dòng đó, khi nhìn thánh nữ Magarita Maria hấp hối  còn cho rằng thiên đàng là “giây phút hạnh phúc nhất trên đời, là cửa vào niềm vui đời đời, là ngày sinh nhật”. Trong BTM thánh Mt cho việc Chúa lên trời là cách hiện diện trong Hội Thánh của Chúa Giêsu : “Thầy ở cùng anh em đến tận thế” (Mt 28,20b). Lên trời là được ở với Chúa mãi mãi.

Hôm nay lễ Chúa Giêsu lên trời, đó là lẽ nhắc nhớ “niềm hy vọng”, “giây phút hạnh phúc nhất đời”, “niềm vui đời đời”, “ngày sinh nhật”, “ngày được ở với Chúa mãi mãi” của chúng ta (5-6-2011)

——————————.

THĂNG THIÊN

Thánh Luca đã tường thuật việc Chúa lên trời hai lần. Lần thứ nhất ở cuối sách Tin Mừng. Ngài viết : “Ngày thứ nhất trong tuân…Các ông đang nói, thì chính Đức Giêsu hiện ra… Sau đó, Đức Giêsu dẫn các tông đồ tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 24,1. 36. 50-53).

Lần thứ hai ở đầu sách Công Vụ Tông Đồ như chúng ta đọc trong bđ1 hôm nay là : “Trong 40 ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa…Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (Cv 1,3.9)

Biến cố Chúa Giêsu lên trời trong cuối sách Tin Mừng xảy ra ngay ngày chúa nhật phục sinh. Còn trong đầu sách Công Vụ Tông Đồ thì mãi 40 ngày sau phục sinh. Tuy thời gian khác nhau, nhưng không mâu thuẫn. Chúa Giêsu đã lên trời ngay khi sống lại, như Chúa đã nói với bà Maria Mácđala : “Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.” (Ga 20,17). Song trong 40 ngày, Chúa vẫn còn hiện ra để dạy dỗ, củng cố đức tin, và sửa sọan cho các tông đồ lãnh nhận nhiệm vụ, như xưa Chúa cũng đã ăn chay 40 ngày để chuẩn bị cho cuộc đời công khai.

Bản văn lên trời ở cuối sách TM là để nói lên việc Chúa kết thúc sự hiện diện hữu hình của mình với nhân loại và hoàn thành sứ vụ ở dưới đất. Còn bản văn lên trời trong đầu sách Công Vụ Tông Đồ nói lên việc Chúa hiện diện cách vô hình và khởi đầu sứ vụ của các tông đồ.

Địa điểm Chúa Giêsu lên trời cũng khác nhau. Thánh Gioan không tường thuật biến cố Chúa lên trời. Thánh Máccô thì không cho biết địa điểm. Theo thánh Luca thì Chúa lên trời ở thủ đô Giêrusalem; còn theo thánh Matthêu thì ở Galilê, miền Bắc. Sự khác biệt về địa điểm Chúa Giêsu lên trời không do sự lầm lẫn địa lý, cho bằng sự khác biệt về cái nhìn thần học.

Thánh Matthêu không thích Giêrusalem, vì Giêrusalem tượng trưng cho người Do thái đã phản bội Chúa. Thánh Mátthêu thích Galilê. Thánh Mt đã nhắc đến Galilê ba lần trong việc Chúa lên trời. Lần thứ nhất, Chúa nói với các tông đồ trong bữa Tiệc ly : “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép : Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em.” (Mt 26,31-32). Lần thứ hai thiên thần nói với các phụ nữ : “Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Galilê trước các ông.” (Mt 28,7). Lần thứ ba chính Chúa sống lại nói với các phụ nữ : “Chị em đừng sợ, về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10). Sở dĩ thánh Mt thích Galilê, vì như một nhà Kinh Thánh viết : “Giáo hội phải rời bỏ Giêrusalem mà về mặt địa lý cho tới lúc ấy vẫn được coi là trung tâm đức tin, nơi có Thiên Chúa hiện diện, để đi tới miền vốn được coi là ‘Galilê của dân ngọai’. Một Giáo hội được định nghĩa ngay là ‘một Giáo hội vì mọi người’ : đó chính là sứ mệnh của Giáo hội, điều mà không bao lâu sau Đức Giêsu sẽ nói rõ ràng.” (Fiches Dominicales. A. trang 360).

Giáo hội không phải chỉ là của người Do thái mà còn là của muôn dân, nên chỉ thị truyền giáo của Chúa Giêsu lên trời là : “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28,19). Trở thành môn đệ tức là trở thành người theo Chúa. Lúc đó chưa gọi là Kitô hữu, nghĩa là người có Chúa Kitô. Mãi hồi ở An-ti-ô-khi-a, nước Thổ Nhĩ Kỳ, mới được gọi là Kitô hữu.

Và cũng không phải là môn đệ một mình, mà môn đệ trong “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, nghĩa là trong sự hiệp nhất, hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ tình yêu, Ba Ngôi đã hiệp nhất nên một. Các người theo Chúa tiên khởi rất thương yêu nhau, đến nỗi người ngọai phải tấm tắc khen lao : “Kìa xem họ thương nhau biết dường nào !”.

 Khởi đầu sách Tin Mừng, thánh Mt viết : “Ông Giuse định tâm bỏ bà cách kín đáo … thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : Này ông Giuse, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về… Tấ cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ : ‘Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là TC-ở-cùng-chúng-ta.” (Mt 1,19.20.22-23).

Chúa Giêsu là “TC ở cùng chúng ta”, dù Người có về trời Người  vẫn ở cùng chúng ta. Vì thế, Chúa Giêsu nói : “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Đầu sách Chúa Giêsu là “Emmanuel”, cuối sách Chúa Giêsu là “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa Giêsu phải  ở với nhân lọai, ở với từng người, bởi vì con người là sợ sệt, là hòai nghi như các tông đồ : “Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hòai nghi.” (Mt 28,17). Nhóm PVCGK đã cắt nghĩa như sau : “Nhóm người đó đã nhận lệnh trở thành Hội Thánh của tòan cầu, nhưng Hội Thánh này luôn luôn bị cám dỗ tự khép mình lại…Chúa phục sinh đã hiển nhiên như vậy mà có kẻ vẫn do dự.” (Bốn Tin Mừng, Năm 2004, trang 130).

Qủa thật, trên đường về trời, chúng ta ngã lên ngã xuống. Vừa dốc lòng ban sáng, ban trưa đã lỗi lời thề ước. Mới sốt sắng một tí, lại nguội lạnh rồi. Chính vì thế, chúng ta cần có Chúa là “Emmanuel”, là “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”…

Ngày 3-5-2005 vừa qua, TT Mỹ đã chọn ngày 5-5 hằng năm làm ngày cầu nguyện. Ông viết trong tuyên cáo : “Dân Hoa Kỳ vẫn thường cầu nguyện lúc vui cũng như khi buồn. Trong bước hành trình đến Tân Thế Giới, các vị định cư tiên khởi đã cầu nguyện để được “cùng vui, cùng buồn, cùng lao động và cùng chịu đau khổ, lúc nào cũng nhìn thấy trước mắt sứ mệnh và cộng đồng trong công việc.” Từ ngày đó trở đi, kinh nguyện được dân chúng coi như một phương tiện để kết đoàn, hướng dẫn và chữa lành, Dù trong nghịch cảnh khó khăn bi thảm, hoặc khi sống trong cảnh thái bình thịnh vượng, kinh nguyện đã đem lại sự an thái,nâng đỡ và củng cố mục tiêu chung.” (8-5-2005)

 ——————————–

 Lễ Thăng Thiên

 

Có hai câu chuyện đáng chúng ta đọc :

1- Jeannette Vermersch : Ngày 12-4-1961 phi hành gia Gagarine, người đầu tiên bay lên vũ trụ. Trong một cuộc mít-ting mừng thành qủa khoa học này, bà JV, người Pháp, đã dõng dạc tuyên bố : “Hôm nay là lễ lên trời, không phải là lễ lên trời của một vật giả tưởng, bày đặt, bay lên một cách lạ lùng. Không, đây là một chàng thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai, mới 27 xuân xanh, tức là Gagarine, anh ta lên cao hơn trời.”

2- Phi hành gia Titov : Ngày 6-8-1961, phi hành gia Titov lại bay vào vũ trụ. Khi về lại trái đất, ông tuyên bố : “Không có Thiên Chúa, thần thánh nào trên  đó hết !

Sau này một tờ báo viết : “Những dụng cụ tinh xảo của phi thuyền Spoutnik và những hỏa tiễn liên lục địa, đã không ghi nhận một dấu hiệu nào cho biết có Thiên Chúa và đạo quân trên trời của Người. Tôn giáo dạy rằng chỉ có thể lên trời sau khi chết. Nhung sự thật là người đồng thời với chúng ta đã lên trời đang khi họ còn sống.

Hai câu chuyện vừa nhạo báng biến cố Chúa Giêsu lên trời mà chúng ta mừng lễ hôm nay, vừa không tin có đời sau. Khi người ta không tin có đời sau, thì đương nhiên người ta không tin thiên đàng hỏa ngục.

Chúa nhật tuần trước, ngày 13-5, chúng ta kỷ niệm 90 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đức Mẹ hiện ra cả thảy 6 lần, Hiện ra lần thứ ba, ngày 13-7, Đức Mẹ cho Ba Em thấy hỏa ngục. Em Luxia đã kể lại như sau : “Chúng em nhìn thấy một biển lửa bao la. Ma qủi và các linh hồn hư mất bơi lội trong đó. Các linh hồn trông như những thanh củi cháy đỏ rên xiết than van”. Thấy cảnh hỏa ngục, Ba em run sợ, la lên, nhìn lên Đứa Mẹ van xin. Đức Mẹ buồn bã nói : “Chúng con vừa thấy hỏa ngục nơi những người tội lỗi phải sa vào. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ được lòng sùng kính trên trái đất này. Nếu điều Mẹ bảo được thi hành, nhiều linh hồn được cứu thóat và hòa bình sẽ đến với thế giới… Mẹ xin dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ và rước lễ vào mỗi thứ bảy đầu tháng…

Hiện ra lần thứ hai ngày 13-6, Đức Mẹ bảo người ta lần hạt sau mỗi chục, đọc kinh : “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin gìn giữ chúng con cho khỏi lửa hỏa ngục, xin dìu các linh hồn lên thiên đàn, nhất là những linh hồn cần Chúa thương xót hơn.

Có hỏa ngục thiên đàng hay là không có ?

Người ta càng chối không có thiên đàng hỏa ngục thì người ta lại càng nói đến thiên đàng hỏa ngục, càng nói đến đời sau. Người ta chôn cất, cúng bái niệm hương trước thi hài người chết, lập bàn thờ để tưởng nhớ; người ta còn ướp xác để kính viếng.

Nếu không có đời sau, không có thưởng phat, chẳng có ai  muốn sống tốt đẹp, muốn sống hiền lành. Xã hội sẽ tràn đầy sự dữ, và thiếu vắng bóng các thánh nhân, những người hiền đức.

Nhà văn Nga, ông Valentin Raxputin, viết một tập truyện mỏng, nhan đề là “Đám Cháy”. Trong sách, ông có viết câu : “Bắt buộc thỉng thỏang phải nghĩ đến cái chết, để sống cho trong sạch hơn.

Thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển, người làng Ninh Cường, tỉnh Nam Định, chết rũ tù vào 3 giờ chiều ngày 4-7-1838, Đức Giáo hoàng Lêô XIII phong chân phước ngày 27-5-1950.

Quan Tổng đốc Hưng Yên bảo Thầy : “Ông Uyển hãy xuất giáo. Ta sẽ cho về với vợ con”.

Thầy đáp : “Tôi không có vợ con”.

Quan xuống giọng : “Bước qua thập giá, để giữ lấy mạng sống. Con chó còn ham sống dù chỉ một ngày, huống chi con người”.

Thầy trả lời : “Nếu quan để sống thì tôi cám ơn quan; còn việc bước qua thập giá thì nhất định tôi không làm”.

Quan cho đánh 18 roi, rồi vuốt ve : “Chỉ một bước là được sống, sao ông không chịu” ?

Thầy nói : “Tôi coi sự sống đời này chỉ lớn bằng cái móng tay thôi”.

Quan dọa : “Nếu không ta sẽ chém đầu”.

Thầy ôn tồn trả lời : “Bẩm quan lớn, tôi có chịu chém, mới mong được sống lại mai ngày”.

Một người lính rút gươm dọa chém, thầy bình tĩnh nói : “Hãy chém đi, đến ngày phán xét, tôi lại được cái đầu khác”.

Quan Tổng trấn kinh ngạc nói với các người dưới quyền mình : “Bề ngoài hắn như kẻ sắp chết, thế mà lòng dạ vẫn cương quyết lạ lùng”.

Vì thiên đàng hỏa ngục mà người ta sống trên đời phải tránh xa sự dữ và sống tốt lành.

Trong bđ1 thánh lễ hôm nay, sách Công Vụ Tông Đồ kể : “Đang lúc các tông đồ còn đăm đăm nhìn trời phía Chúa đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạn và nói : “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời ?” (Cv 1,10-11).

Các thiên thần nhắc các tông đồ phải trở về với cuộc sống trần thế, sống tốt đẹp để được lên trời như Chúa Giêsu đã sống tốt đẹp để hôm nay lên trời (20-5-2007).

Linh mục Nguyễn Trung Thành