Lược Sử Giáo Xứ Hà Tân – Giáo Hạt Trà Kiệu


Lịch sử giáo xứ Hà Tân là một lịch sử thăng trầm gắn liền với lịch sử của vùng đất lũ lụt, nhiều bất ổn nhưng cũng đầy tâm huyết để loan báo Tin mừng.

  1. Vị trí địa lý và lịch sử vùng đất

Nhà thờ Hà Tân thuộc thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Địa bàn giáo xứ gồm ba xã: Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn, núi non bao quanh, nên năm nào bà con cũng có ngày hội lũ lụt. Đời sống người dân khó phát triển ổn định.

Mặc dù, có địa thế vùng đất lũ nhưng bù lại, có thể nói, nơi đây là vùng đất hiếu học. Bốn dòng họ nổi tiếng về học: họ Lương, Ngô, Trà, Quách, Nguyễn. Người đỗ học vị cao nhất là Thị lang Lương Thúc Kỳ, đỗ cử nhân năm 1900. (Chức “Thị lang” tương đương Thứ trưởng ngày nay).

Con người nơi đây chân chất, đượm chữ “người”, đúng như Khổng Tử nói: tìm người nhân đức thì lên núi, bởi người nhân đức vui thích núi cao. “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”. Có lẽ vì thế, nơi đây, rất nhiều người đi tu: Sư thầy, Sư cô, Mục sư, Nữ tu, Linh mục và có nhiều tôn giáo hiện diện. Ngoài ra, cảnh đẹp của vùng đất với hai con sông: sông Kôn và sông Vu Gia lượn quanh những rặng núi: tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình.

Cảnh đẹp, tình người đẹp, nhưng vùng đất này cũng nằm ở vị trí quân sự trọng yếu: đồi Thường Đức máu chảy thành sông. Từ năm 1954, Hà Tân chuyển sang một giai đoạn mới: thời chiến. Sự kiện ghi dấu đậm nhất thể hiện một giai đoạn ác liệt của vùng đất mà hầu như người lớn tuổi nào cũng biết, đó là: Cha Giuse Nguyễn Hữu Ngợi bị bắn chết vào ngày 19/12/1962. Cùng với đó, trận lũ lịch sử năm Thìn 1964, mực nước ở hạ lưu dâng cao đến Thánh giá trên nóc của nhà thờ Vĩnh Điện, cũng để lại một ký ức khó phai mờ của người dân nơi đây. Dân làng và giáo dân bỏ quê chạy xuống Đà Nẵng sinh sống khoảng những năm 1964–1975. Ký ức chiến tranh và lũ lụt xảy ra hằng năm có thể là câu tóm kết cho vùng đất được biết đến là lòng chảo lũ này. Vùng đất thơ mộng, xinh đẹp, hiếu học, tình quê ấm áp, nhưng chưa trọn vẹn.

  1. Hạt giống Tin mừng được gieo và các giai đoạn thăng trầm

Với bối cảnh lịch sử đó, hạt giống Tin mừng gieo vãi nơi đây và cũng chịu thăng trầm theo thời cuộc.

Theo lời kể của một người cháu trong gia đình tộc Vương gia giáo, bà cố của ông đã xuống giáo xứ Trà Kiệu gặp Cha cố Tây xin giúp đỡ can thiệp cho chồng trong một nghĩa vụ. Xong việc, bà cố đã theo Đạo và đem đạo về làng Hà Tân.

Còn theo ghi chép của giáo xứ Hoằng Phước, khoảng năm 1918, khi cha Phêrô Nguyễn Ninh làm quản xứ Hoằng Phước, ngài đi qua vùng đất Hà Tân thăm viếng, dạy giáo lý và rửa tội khoảng vài ba chục người.

Năm 1957, vì giáo xứ Hoằng Phước với số giáo dân lên đến chừng 5,000 người, nên Đức cha quyết định tách vùng Hà Tân ra khỏi Hoằng Phước. Năm 1958, giáo xứ Trước Hà (thuộc thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng ngày nay) được thành lập với cha xứ tiên khởi là Cha Giuse Lê Văn Ly. Lúc bấy giờ, người ta theo Đạo cả làng. Số giáo dân chiếm khoảng 60-70% số dân trong vùng, khoảng 5,000 giáo dân.

Tuy nhiên, khi nhà thờ vừa mới xây dựng, thì đã bị bom đạn đánh sập vào năm 1964. Cha xứ Giuse chuyển đến giáo họ Hà Tân (thuộc thôn Hà Tân) và từ đó tên gọi giáo xứ Hà Tân mới xuất hiện. Ngài dựng mới nhà thờ gỗ. Năm 1978, sau biến cố Cha Phaolô Nguyễn Văn Thái bị bắt khi dâng Thánh lễ tại làng Hà Dục Tây, thì đoàn chiên cũng trở nên tan tác. Nhiều giáo dân sợ hãi không đủ can đảm tuyên xưng đức tin. Dân Chúa đến nhà thờ phải gói chiếc áo dài và giấu trong giỏ đi chợ. Từ năm 1978–1988, người dân không còn thấy hình bóng chiếc áo chùng thâm của Linh mục. Ngôi nhà thờ Hà Tân trở nên hoang tàn với những vết đạn trên những cây cột gỗ Lim, là nơi giáo dân qui tụ cầu nguyện mỗi đêm. Những năm sau đó, dân Chúa được nghe giảng Lời Chúa ngày Chúa nhật bởi một thầy chủng viện được sai đến hằng tuần. Số người qui tụ cầu nguyện không đến bốn mươi người trong suốt thời gian mười năm.

Những thay đổi xã hội khi tách tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt tôn giáo. Dân Chúa trở lại nhà thờ. Những năm 1997-2000: Số giáo dân khoảng 900 người.

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa, người trẻ bỏ làng quê đi làm khắp nơi, dân số vùng đất này giảm dần: các thôn, các trường mẫu giáo, các trường Cấp một sáp nhập lại. Tính đến tháng 9 năm 2022, số giáo dân là 717 người.

Một giáo xứ được sinh ra trong chiến tranh, loạn lạc, lụt lội, đức tin chưa kịp bén rễ, thì đã gặp quá nhiều thử thách. Hạt giống Tin mừng cần đợi chờ thời gian.

  1. Hướng đến tương lai: Sứ mạng loan báo Tin mừng

Giáo xứ hiện diện là để loan báo Tin mừng. Vì thế, lịch sử của một Giáo xứ luôn là lịch sử gắn liền với công cuộc loan báo Tin mừng. Với đặc thù của vùng đất, với lịch sử thăng trầm của hạt giống Tin mừng ở nơi đây, với cơ sở hiện tại của giáo xứ: một ngôi thánh đường khang trang lớn nhất vùng Vu Gia, một ngôi nhà Hiếu dành riêng tôn kính tổ tiên, một Điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung tại giáo họ Hà Hưng, với những hoa trái ơn gọi: 5 Nữ tu, 1 Thầy Dòng, 2 Cha Dòng, 1 Cha Giáo phận, 3 dự tu giáo hạt, với các Hội đoàn: Ca Đoàn, Caritas, Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, Lòng Chúa Thương Xót, Legio Mariae, Đạo Yêu Thương, Ban Giáo Lý, Giới Trẻ (Thiếu Nhi) Thánh Thể, với sự đồng trách nhiệm trong HĐMVGX, lắng nghe góp ý từ nhiều hướng nhìn, với trách nhiệm lớn hơn của BĐH Giáo họ, đường hướng loan báo Tin mừng của giáo xứ là:

– Từng nhóm nhỏ đọc, cầu nguyện, ở lại với Lời Chúa, để làm Bạn và hưởng Niềm vui của Lời. Nhóm nhỏ trở thành Cộng đoàn vui, có sức thu hút người khác nhận ra Chúa Giêsu. Cộng đoàn sống tình làng nghĩa xóm, liên đới tôn giáo bạn.

– Chầu Mình Thánh Chúa. “Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.” (Mt 16,18) Xây dựng Giáo xứ trên nền đá Chúa Giêsu hiện diện nơi Lời, nơi Bí tích Thánh Thể, nơi Cộng đoàn…

– Bác ái: Bếp Yêu Thương nấu ăn phục vụ quý cụ già neo đơn,…

Lịch sử giáo xứ Hà Tân có lúc thăng lúc trầm. Những thế hệ đi trước, ân thân nhân, máu và nước mắt đã đổ xuống trên mảnh đất này sẽ đến ngày trổ sinh bông hạt trong công cuộc loan báo Tin mừng: lan tỏa yêu thương, giúp nhau làm người. Đó là niềm hy vọng của dân Chúa lữ hành, bởi Thiên Chúa mới là Chủ của lịch sử nhân loại này.