Mẹ Thiên Chúa


Mẹ Thiên Chúa

(Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21)

1-1-2015

 

Lễ Mẹ Thiên Chúa năm nay, chúng ta hãy đọc bài báo này, để thêm lòng yêu mến và tin cậy vào Mẹ.

National Geographic đã chọn “Maria, Người Phụ Nữ Đầy Quyền Năng nhất Thế Giới” trong ấn bản cuốiNational-Geographic năm 2015.
Becky Roach 2015 | Evangelization | Holy Mary16/12/2015 (phóng dịch by Oanh Tran)

Cho dù không phải là một độc giả thường xuyên của tạp chí National Geographic, bạn vẫn muốn có trong tay ấn bản của tháng Mười Hai này. Mẹ của chúng ta, Maria, chiếm toàn trang bìa với tiêu đề “Maria, Người Phụ Nữ Đầy Quyền Năng Nhất Thế Giới “. Thật thế, không phải là điều thông thường khi xã hội thế tục trao tặng một danh hiệu cao quý như vậy cho Mẹ Thiên Chúa đầy lòng khiêm nhường, Đấng mà những người Công Giáo yêu mến một cách rất sâu sắc. Có gì trong con người Maria mà đã làm cho niềm tin vào Đức Mẹ mạnh mẽ vĩ đại đến như thế?

Tôi đã không tin khi nhìn thấy tờ bìa này và thật sự cũng có thoáng chút âu lo về phong cách mà tác giả, Maureen Orth, sẽ mô tả về Đức Mẹ. Tôi đã đọc quá nhiều bài viết xuyên tạc và nhạo báng người Công Giáo về chính đức tin mà chúng ta đang gìn giữ. Ngạc nhiên thay, bài viết rất trang trọng, hấp dẫn, và đầy dữ liệu. Sau khi đọc được một phần tư bài viết này, tôi không thể cầm được nước mắt. Những câu chuyện của hàng triệu tín hữu hành hương đến những nơi Thánh Địa của Đức Mẹ để xin ơn chữa lành là những gì đã mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Cái gì về Mẹ mà đã thu hút mọi người về lại bên Mẹ đến như vậy?

Tác giả chia sẻ một số những câu chuyện cá nhân và dẫn đưa vào một hành trình rất chi tiết về những cuộc hiện ra hay hiển linh của Đức Mẹ. Tác giả viết không chỉ về việc tôn kính của người Công Giáo đối với Đức Mẹ, mà còn là sự tôn kính của người Hồi giáo với Người; Mẹ Maria được bày tỏ rất cao trọng trong kinh Koran và vì người Hồi giáo hay thường xuyên ghé thăm các nhà thờ Công Giáo để dành danh dự này cho Mẹ. Cái gì về một cô gái trẻ đến từ một thị trấn nhỏ nhiều thế kỷ về trước mà vẫn còn có ảnh hưởng cho đến nền văn hóa hiện nay?

Hình ảnh trong bài viết là những cảnh quang tuyệt vời làm gia tăng thêm nét lôi cuốn của nó. Lòng tôn kính của các tín hữu trong những hình ảnh đó đã bày tỏ hùng hồn hơn bất cứ từ ngữ nào trong bài. Tình yêu và niềm cảm xúc được thể hiện rõ trên khuôn mặt của họ khi họ tôn kính Đức Maria. Chỉ cần những bức ảnh cũng có thể được sử dụng như là những chứng cứ cho sức mạnh của Maria. Hãy dành ít phút để suy tư về những bức ảnh này. Cái gì về Đức Maria mà làm cho mọi người khụy gối của mình, rơi lệ, và cũng vừa được tràn đầy niềm vui?

Tiến sĩ Matthew Bunson, nguyên giáo sư tại Catholic Distance University, giải thích những điều quyến rũ về Mẹ Maria qua suốt nhiều thế hệ. ” Những cuộc hiện ra đã được chuẫn nhận của Đức Mẹ khắp nơi là những nhắc nhở hùng hồn nhất về vai trò đồng hành thường xuyên của Đức Mẹ trong đời sống của Giáo Hội”, ông Bunson nói. “Trong thông điệp của mình, Đức Mẹ mời gọi sự ăn năn, với lời hứa sẽ bảo vệ và chăm sóc chúng ta, Đức Mẹ như là mô hình của một môn đệ giúp chúng ta luôn tập trung vào Con của Người, Chúa Giêsu Kitô. Thông qua cuộc hiện ra của Mẹ, hàng triệu người đã hoán cải cuộc sống để từ bỏ tội lỗi và đã được về với Chúa Kitô. “

Tôi không phải là một chuyên gia thần học về Đức Maria vì vậy tôi không thể khẳng định chắc chắn rằng tất cả những gì được viết về Mẹ Maria trong bài viết này gắn liền với giáo huấn của Hội Thánh. Không phải tất cả các sự hiện ra đề cập trong bài viết này đều đã được sự chấp thuận của Giáo Hội Công Giáo. Đây đó vẫn có một vài cụm từ có lẽ đã chệch đi, và một tài liệu tham khảo ở cuối bài viết như có vẻ quảng bá về một loạt bài của tạp chí National Geographic như là một giáo phái riêng của Mẹ Maria, ngoài những điểm đó ra, bài viết đưa tới một cảm nhận của sự tôn kính và hoàn mỹ . Có cái gì đó về Đức Maria làm cho ngay cả thế giới trần tục cũng tò mò?

Hãy đọc bài viết và xem phần video trong tâm tình của nguyện cầu, và dùng nó như là một khí cụ để truyền giáo. Tờ hình bìa giúp khởi đầu cuộc đối thoại tuyệt vời với các bạn đồng nghiệp hay bạn bè. Đơn giản thì chỉ cần hỏi, “Anh có thấy hình bìa của National Geographic? Bạn nghĩ gì về Đức Maria là “một phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới?” Đó là một cách để có thể khởi đầu vào một cuộc thảo luận về Maria và đức tin. Vào phần cuối của mỗi đoạn văn trong bài này cũng có một câu hỏi có thể được sử dụng để nói về những đức tính mà Mẹ Maria chứng tá cho chúng ta.

Không có một ai khác mà sự vâng lời và lòng khiêm nhường lại đầy quyền năng đến như thế. Mẹ Maria thật khác xa với những con người quyền lực của thế giới hôm nay. Hãy chỉ rõ ra như thế với mọi người. Nhưng đồng thời, không gì khác hơn là sức mạnh của Thiên Chúa đã khiến cho Mẹ Maria có được nhiều ảnh hưởng. Có rất nhiều bài học mà chúng ta có thể rút tỉa trong bài tham luận này cho những hội đoàn của giáo xứ. Và sau cùng là cũng đừng ngại chia sẻ chính những câu chuyện của chúng ta về quyền năng và tình yêu của Mẹ.

Xin dành ít phút ngày hôm nay để nâng tâm hồn lên trong lời cầu nguyện cho tất cả những ai sẽ đọc bài viết này trong tạp chí National Geographic. Nó sẽ tự tìm đến với rất nhiều bàn tay, khối óc, và những con tim mà có lẽ chưa hoàn toàn hiểu thấu hoặc hiểu rõ được những ân phúc mà chúng ta đang có từ Đức Mẹ Maria. Hãy hiệp thông cùng nhau trong lời cầu nguyện cho ngay cả những trái tim khô khan nhất cũng dịu lại và mở ra đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu, qua Mẹ Maria. Hãy đặt Mẹ Maria là người phụ nữ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống của bạn và noi theo tấm gương khiêm tốn của Người về tình yêu, sự vâng phục, và niềm tin tưởng vào Chúa chúng ta.

Tôi hết sức khuyến khích nên đọc, nghiên cứu các hình ảnh và chia sẻ việc tông đồ về toàn bộ bài viết này từ tờ National Geographic (National Geographic, December 2015 issue).

————————————-

Mẹ Thiên Chúa

1-1-2006

Thánh Inhaxiô, đấng sáng lập Dòng Tên. Thời thanh niên rất bảnh trai. Ngài khiêu vũ rất điệu nghệ. Trí khôn thông minh, tính tình hài hước. Ngài vào quân đội, trở thành một sĩ quan gan dạ và cũng nổi tiếng ăn chơi. Năm 30 tuổi, trong cuộc chiến Pháp-Tây Ban Nha, ngài bị trúng đạn ca-nông, chân phải bị gẫy. Nên ngài phải đi khập khiễng. Khi nằm bệnh viện, thánh Inhaxiô được đọc hai tập sách “Cuộc đời Chúa Cứu Thế” và “Hạnh Các Thánh”. Hai tập sách làm lòng ngài rúng động. Ngài muốn sống một cuộc sống cao đẹp. Ngài muốn nên giống như thánh Phanxicô Khó Khăn sống thân mật với Chúa. Ngài muốn nên giống như thánh Đaminh nhiệt thành trong việc rao giảng Lời Chúa. Ngài muốn yêu mến Chúa Giêsu như các thánh yêu mến. Từ một người lính gan dạ ngài trở thành một chiến sĩ cầu nguyện tha thiết.

Thánh Inhaxiô tự nói với lòng mình : Ai biết Chúa bằng Mẹ của Chúa ?” Ngài qùi gối trước tượng Đức Mẹ và tha thiết cầu nguyện. Tập tiểu sử viết về ngài kể lại như sau : “Một tối kia thánh Inhaxiô không ngủ. Ngài thấy rõ Đức Mẹ bồng ẵm Chúa Giêsu hiện ra. Được trông thấy Đức Mẹ, lòng ngài an ủi vô cùng. Đồng thời ngài cảm thấy kinh tởm cuộc sống qúa khứ, nhất là những tội lỗi xác thịt…

Sau khi được thấy Đức Mẹ, cuộc sống ngài thay đổi. Những ai quen biết thánh Inhaxiô đều lấy làm ngạc nhiên về sự thay đổi  này. Người ta tự hỏi cái gì đã xảy ra làm ngài thay đổi đời sống ? Chính lòng mến yêu Đức Mẹ đã giúp ngài tha thiết với những gì Chúa muốn. Ngài phó thác cuộc đời cho Đức Mẹ. Ngài xin Đức Mẹ giúp ngài đến với Chúa Giêsu, mà ngài gọi là Vua của các vua, Chúa của các chúa.

Thánh Inhaxiô hành hương tới đền Đức Mẹ ở Montserrat. Ngài ở đó một đêm. Suốt đêm ngài không ngồi hay nằm, mà chỉ đứng và qùi trước bàn thờ Đức Mẹ. Ngài xin Đức Mẹ che chở ngài và giúp ngài sống khiêm nhường và trong sạch. Ngài dâng cho Đức Mẹ thanh kiếm của người hiệp sĩ, tượng trưng những gì là thế gian, để chỉ còn giữ lại đời sống mới. Ngài cởi bỏ bộ quần áo sang trọng đẹp đẽ và đem tặng cho người ăn mày. Ngài mặc bộ quần áo rách rưới vừa xin của người ăn mày. Ngài hứa với Đức Mẹ : từ nay trong đời ngài không còn một hình bóng phụ nữ nào nữa, ngoại trừ một hình bóng : đó là Đức Mẹ.

Tại sao Đức Mẹ giúp thánh Inhaxiô từ một tên lính chơi bời thành một chiến sĩ của Chúa ? Vì Đức Mẹ là mẹ : là mẹ của Chúa Giêsu và là mẹ của nhân loại. Lời Chúa trong ba bđ thánh lễ mừng kính Đức Mẹ hôm nay nói lên vai trò làm mẹ của Đức Mẹ.

Bài Tin Mừng : Bài TM lễ hôm nay kể lại câu chuyện các mục đồng hối hả đến hang Belem. Khi đến, họ “gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”  (Lc 2,16). Thánh Luca đã kể các mục đồng gặp Đức Mẹ trước thánh Giuse. Xã hội Do Thái cũng như xã hội Việt Nam ngày xưa : coi trọng vai trò người cha hơn người mẹ. Đức Mẹ được nhắc đến trước thánh Giuse đủ thấy rằng : việc Thiên Chúa giáng sinh làm người, Đức Mẹ giữ một vai trò quan trọng hơn thánh Giuse. Cụ thể như kinh Truyền Tin chúng ta đọc là “Đức Chúa Trời sai thánh thiên thần truyền tin cho Đức Bà Maria. Và Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.” Thánh Giuse không phải là cha ruột, mà chỉ là cha nuôi. Còn Đức Mẹ chính là Mẹ ruột.

Bài đọc 2 : Thánh Phaolô cũng tuyên xưng như thế, như ngài viết trong thư Galát đọc ở bđ2 thánh lễ hôm nay : “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình, sinh làm con một người phụ nữ” (Gl 4,4). Thánh Phaolô cũng không nói Chúa Giêsu sinh làm con một người nam.

Như thế, Lời Chúa xác định Đức Mẹ sinh Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa, thì Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Thế nhưng, niềm tin Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cũng gặp những người chống đối, tiêu biểu như ông Nestôriô. Họ cho rằng Đức Mẹ là người phàm làm sao có thể sinh ra Thiên Chúa. Vào năm 431 Giáo hội đã họp công đồng tại thành phố Êphêsô, nay thuộc nước Thổ Nhĩ Kỳ. Công đồng thứ ba này của Giáo hội tuyên bố rằng : “Đức Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Đức Mẹ.

Nghe công đồng tuyên bố, giáo dân ở thành phố Êphêsô vui mừng tuốn ra đường, tay cầm đuốc, miệng hô vang : “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội.”  Lời tung hô này của giáo dân Êphêsô về sau đã trở thành lời kinh trong kinh Kính Mừng mà hằng ngày chúng ta dâng lên Mẹ.

Niềm tin Mẹ là Mẹ Thiên Chúa có từ những ngày đầu của Giáo hội, nhưng lễ Mẹ Thiên Chúa mới được vua nước Bồ Đào Nha xin thiết lập vào năm 1751. Năm 1931, kỷ niệm 1500 năm công đồng Êphêsô, Đức giáo hoàng Piô X chính thức thiết lập lễ Mẹ Thiên Chúa, và lễ được cử hành trên toàn thể Giáo hội vào ngày 19-10 hằng năm.

Sau công đồng Vaticanô II, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã dời vào ngày đầu năm dương lịch 1-1, ngày thứ tám sau Giáng sinh. Đức giáo hoàng muốn lễ Mẹ vào Mùa Giáng Sinh, để nhắc nhớ  chúng ta vai trò của Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Mùa Giáng Sinh đến thờ lạy Chúa Giêsu Hài Đồng thì cũng nhớ đến công ơn làm mẹ của Đức Mẹ.

Ngày đầu năm mới dương lịch hôm nay cũng là ngày lễ Hoà Bình. Tiếng súng hận thù giết nhau vẫn còn nổ vang khắp nơi. Hãy nhớ lại lời của Đức Mẹ tại Fatima : “Hãy lần chuỗi hằng ngày để thế giới được hòa bình và chiến tranh chấm dứt.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội. Amen.

——————–

Mẹ Thiên Chúa

1-1-1992

Trong tập Phụng Vụ, cha giáo Trân Ngọc Quỳnh viết : “Trong ý hướng của Hội Thánh, hơn bất cứ mùa tháng nào khác trong năm, Mùa Giáng Sinh chính là tháng là mùa của Đức Mẹ” (trang 174).

Đúng vậy, qua các bài đọc Mùa Vọng, Giáo Hội đưa ra biết bao khuôn mặt đón chờ Đấng Cứu Thế ra đời, song chẳng có mẫu gương nào vượt trổi bằng Đức Mẹ. Vì thế, Chúa nhật IV.MV, Chúa nhật cuối cùng của MV, trong Bài Tin Mừng cả ba chu kỳ, đều đề cập đến Đức Mẹ. Chúa nhật IV.MV là Chúa nhật nói về Đức Mẹ.

Địa vị Đức Mẹ trong Mùa Vọng thật lớn, thì Mùa Giáng Sinh, mùa Đấng Cứu Thế hạ sinh, làm sao Giáo Hội không nhớ đến Đức Mẹ, một người đem Chúa Giêsu vào đời cho chúng ta, cho trần gian.

Chúng đọc hai bài đọc thánh lễ hôm nay, bài đọc 2 thư Galát và bài Tin Mừng theo thánh Luca, đủ thấy ngay từ những ngày đầu rao giảng Tin Mừng, thời Giáo Hội sơ khai, vai trò của Đức Mẹ đã được nhắc nhớ.

Thư Galát của thánh Phaolô viết vào năm 56-57. Trong thư ngài viết : “Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Ep 4,4).

Còn Tin Mừng theo thánh Luca viết vào năm 70-80, một Tin Mừng viết nhiều về Đức Mẹ. Ngài được mệnh danh là văn sĩ, họa sĩ về Đức Mẹ. Ngài viết : “Các mục đồng đến Belem họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”  (Lc 2,16), “Nghe các người chăn chiên thuật chuyện ai cũng phải ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,18), “Người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, tên mà sứ thần đã gọi trước khi đầu thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21).

Bài Tin Mừng chỉ có 5 câu, thì 3 câu nói về Đức Mẹ.

Các sách thánh đó viết về Đức Mẹ trong lúc Giáo Hội còn sơ khai, trong lúc Giáo Hội bị bắt bớ, thế mà vẫn nhắc đến địa vị Đức Mẹ. Khi được an lành, được tổ chức, có phẩm trật, các ngày lễ được cử hành, thì làm sao Giáo Hội quên Đức Mẹ.

Vì thế ngay khi Giáo Hội tổ chức lễ Giáng Sinh đã có lễ Mẹ Thiên Chúa. Ngày 25-12 Giáo Hội mừng kính Chúa giáng sinh, thì một tuần sau Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ.

Về sau lễ Mẹ Thiên Chúa bị bãi bỏ, thay vào đó là lễ Chúa Giêsu cắt bì. Đến Công đồng Vaticanô II lễ được phục hồi. Năm 1970 Đức Phaolô VI cho cử hành lại lễ Mẹ Thiên Chúa.

Đến máng cỏ chiêm ngắm Chúa Hài Đồng làm sai chúng ta không chiêm ngắm Đức Mẹ.

Hôm nay là ngày đầu năm dương lịch, ngày lễ Hòa Bình cũng là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa. Phải chăng Giáo Hội muốn nhắc nhớ chúng ta rằng : muốn sống hòa bình cần được Đức Mẹ thương giúp.

Linh mục Nguyễn Trung Thành