Năm Kỷ Hợi, Tản Mạn Về Heo – Lợn


Tổng Quát Về Heo

 Nguồn Gốc Heo

Heo là một chi móng guốc, có nguồn gốc ở đại lục Á-Au, được ghép vào nhóm tên khoa học là Sus. Heo rừng đã được thuần dưỡng như gia súc từ rất sớm trong lịch sử lòai người để lấy thịt, da … Lông cứng của heo còn được xử dụng để làm bàn chải. Ngòai ra phân heo cũng được dùng làm phân chuồng để cải tạo đất.

Heo là lòai ăn tạp, ăn cả thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật cũng như thức ăn thừa của con người. Trong điều kiện hoang dã, heo thích đào bới, và khứu giác rất nhạy, luôn nhũi đất để tìm thức ăn. Nên ở một số nơi như Au Châu, người ta dùng heo để tìm nấm. Heo mọi còn được nuôi làm cảnh, đặc biệt ở Mỹ.

Một lứa heo thông thường có 6-12 con. Heo không có tuyến bài tiết mồ hôi, vì thế thường tìm nơi râm mát hay ẩm ướt (các nguồn nước, vũng bùn…) để tránh nóng nực. Heo dùng bùn làm áo giáp để bảo vệ da khỏi cháy nắng. Điều này giải thích vì sao heo khóai lăn vào những vũng bùn. (Già Xinh, Pháp Luật Xuân Đinh Hợi 2007, trang 40-41)

Heo đủ món ăn chơi

Thịt heo là nguồn thực phẩm lâu đời ở VN. Nên được phân lọai chi li như nạc, mông, ba rọi, ba chỉ, thịt nọng, thịt nách, mỡ, đùi, sườn…Chân heo được gọi là chân giò. Đầu heo trước đây khi thịt còn đắt đỏ chỉ dành cho tầng lớp chiếu trên tại nhiều vùng quê. Nội tạng của heo như tim, gan, phèo non, phèo già, bao tử, cật … cũng được bán. Thậm chí đuôi heo, huyết heo người ta cũng dùng.

Thực đơn của người Việt phong phú nhờ nhiều món chế biến bằng thịt heo, từ thịt heo kho đông đến thịt trong bánh chưng, bánh tét, thịt luộc trong món gỏi, món cuốn, món xáo, trong lẩu mắm, giò chả, bánh cuốn, bún giò heo, heo quay… Da heo được chế biến khô thành bóng bì, một nguyên liệu để chế biến các món canh, trong món hủ tiếu xào, mì xào dòn.

Trước đây khi dầu ăn chưa thông dụng, mỡ heo được thắng thành mỡ nước để dùng khi chiên xào. Tép mỡ (tóp mỡ) là món ăn đạm bạc nhưng nhiều năng lượng. Mỡ heo còn trong bánh trung thu hay một vài lọai bánh đặc sản như bánh gai Ninh Giang (Già Xinh, Pháp Luật Xuân Đinh Hợi 2007, trang 40-41)

Rabelais, nhà văn Pháp thế kỷ XVI, nói : “Con heo có ích số một, vì thịt nó ngon.” Nhà văn kiêm đầu bếp người Pháp, Maurice des  Ombiaux, đã khen : “Heo là con vật bách khoa”, vì theo ông tất cả các bộ phận đều được dùng, không bỏ một thứ nào cả. Nhà văn đồng thời là nhà tự nhiên học người Pháp, Buffon (1701-1788) cho rằng : “Vì người Trung Hoa ưa thích thịt heo nên họ không theo đạo Hồi.” Theo sách dạy gia chánh của VN thì các bà nội trợ có thể chế biến 50 món ăn bằng thịt heo. Người Trung Quốc thì cho là có thể chế biến hơn 500 món. (Hoàng Nghĩa, Kiến Thức Ngày Nay, số 594  10-2-2007, trang 98-101)

Heo là ngân hàng nhà nông

Nhờ con heo, người nhà nông trang trải được mọi thứ chi phí trong đời. Từ quần áo, giày dép, tiền chơi tết, lễ vật biếu tặng, tiền đi học, tiền cưới hỏi, tiền ma chay … đều nhờ con heo.

Heo trong lễ hội

Với người Roma lợn là lễ vật chính để dâng lên các vị thần khi con người tỏ lòng biết ơn, cầu mong sự phù trợ. Trong phong tục cưới không  thể thiếu heo, vì heo tượng trưng cho hạnh phúc, tính mắn đẻ.

Người da đỏ Equateur ở Brazil có tập tục cưới hỏi cũng lạ đời, gia đình nhà gái phải đem đến nhà trai rất nhiều lễ vật, trong đó không thể thiếu một chiếc răng lợn rừng. Chàng trai được quyền đòi hỏi lễ vật, nếu không đủ lễ vật đáp ứng, cô gái như đã có một đời chồng và sẽ ở giá suốt đời.

Cư dân ở đảo Wariso thuộc quần đảo Polynesia trên Thái Bình Dương coi lợn là con vật tốt đẹp, cao qúi, lương thiện và là biểu tượng của hạnh phúc. Lợn được coi rất trọng, khi có việc vui người ta đều mổ lợn để ăn mừng, cầu an, hy vọng có cuộc sống hạnh phúc, sung túc. Lợn được dùng để xứ án, nếu có việc tranh chấp kiện cáo, vị tù trưởng sẽ thả chó săn để bắt về một con lợn, sau đó mổ lợn, và yêu cầu các bên thề trước con lợn đã mổ. Cuối cùng hai bên tranh chấp sẽ về nhà chọn lấy con lợn nặng nhất của mình đến, tù trưởng đem lợn ra cân, lợn nhà ai nặng hơn bên đó sẽ thăng kiện.

Một số nơi ở Trung Quốc, người làm nghề giết mổ lợn, có tục thờ tổ sư. Từ đời Tống,người ta bắt đầu thờ Phàn Khóai, một tướng của Hán Cao Tổ (Lưu Bang) làm thần giết mổ. Từ đời Thanh, người ta lại thờ Trương Phi, gọi là sư phụ mổ lợn và suy tôn là Tỉnh Hầu Đế. Hiện ở Tứ Xuyên vẫn còn ngôi miếu tổ sư thờ Trương Phi được xây thời Càn Long với tên gọi là miếu Trương Gia.

Trên bàn ăn ngày Tết của người Cuba có một món ăn không thể thiếu : món lợn quay. Lợn được làm sạch, quay cả con và ướp với tỏi. Người Cuba quan niêm ăn món ăn này sẽ đem lại sức khỏe, may mắn.

Bulgari trong năm mới người ta thường tặng nhau những món qùa để chúc nhau hạnh phúc và phát đạt. Món đồ được tặng nhiều nhất là tượng một chú lợn con hoặc tượng một người dọn ống khói.

Người Đức vào năm mới trên bàn tiệc luôn có một món thịt lợn hun khói. Người ta quan niệm con lợn không bới đất kiếm ăn như con gà, vì vậy ai ăn thịt lợn vào đầu năm thì không phải vất vả trong năm mới.

Nước Pháp vào ngày 21 tổ chức Tết Lợn.

Theo phong tục người Dao , khi trẻ sơ sinh được ba ngày thì gia đình lập đàn cúng mụ gọi là làm lễ “nam han”. Người ta thường mổ một con lợn, một con vịt để tạ ơn bà mụ ở động Đáo Hoa Lâm Châu đã cho họ đứa trẻ và cầu mong mụ phù hộ.

Hằng năm khi xuân về người Nùng mở hội cúng rừng. Có hai mâm cỗ. Mâm trên gọi là mâm đất nước. Trong số lễ vật có một bát thịt lợn gồm thịt nạc, gan, tim, tiết lợn, bát này gọi là bát bảo vệ đất nước. Mân dưới, mâm bảo vệ làng, Mâm gồm một con gà sống gáy, một miếng thịt lợn, năm xâu thịt heo. Thày cúng qùi vái bốn phương xin nguồn nước mẹ về cho bà con dân bản an cư lạc nghiệp.

Trong đám cưới của người Eđê lợn được mổ để lấy máu thoa vào chân cô dâu, chú rể, rồi cúng tổ tiên cầu cho hai trẻ được sống hạnh phúc. Tiếp đến ông mai xúc cho cô dâu chú rể mỗi người hai miếng cơm và ba chén rượu. Rồi mọi người có mặt ăn một miếng thịt và một miếng ruột lợn. Sau đó ông trưởng họ cầm chiếc vòng đồng, cô dâu chú rể sờ vào thể hiện sự gắn bó lâu dài mãi mãi.

Người kinh, trong các nghi thức cổ truyền, kèm theo hương hoa, bánh trái, không thể thiếu thịt lợn. Lợn được làm đồ cúng tế như mâm xôi, thủ lợn. Đặc biệt là chân giò heo trên bàn thờ cúng Tết

Ngòai ra có tục rước lợn thờ như ở Gia Thanh, Phong Châu (Phú Thọ), săn lợn thờ ở Thái Tổ, Phong Châu (Phú Thọ), chém lợn và múa thủ lợn ở Khai Quang, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), thi nuôi lợn ở Trực Chính (Nam Định).

Đua Heo  là một lễ hội tuyền thống xuất hiện từ thế kỷ XVII ở Nga. Nay phổ biến khắp thế giới. Việt Nam nay cũng đua heo : một ở khu du lịch sinh thái Yan Bay (Khánh Hòa), hai ở làng du lịch sinh thái Cử Chi, ba ở sân đua Long Bình.

Hùng Phong, Thế Giới Mới Xuân Đinh Hợi 2007, trang 48-51.

Heo Trong Lục Súc Tranh Công

Kìa những việc hôn nhân gía thú

Không heo ra tính đặng việc chi

Dầu cho mời năm bảy chuyến đi

Cũng không thấy một người thấp thóang

Việc hòa giải heo đầu công trạng

Thấy mặt heo người dạ óan thù

Nhân đến khi ngu phụ ngu phu

Giận nhau đánh giập đầu chảy máu

Làng xã tới lao đao láu đáu

Nào thấy ai gỡ rối cho xong

Khiêng heo ra để lại giữa dòng

Mọi việc rối liền xong trơn trải

Phải chăng chẳng phải

Nghĩ lại mà coi

Việc quan hôn tang tế vô hồi

Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.

Các loại heo

Heo nái : heo cái nuôi đẻ con

Lợn sề   : heo nái … bà ngọai

Lợn bột (heo sữa) : lợn con đang bú mẹ

Heo nọc : he đực để gieo giống

Lợn hạch : heo nọc đã thiến

Lợn ỷ : giống lợn nhỏ con

Heo lang : heo lông đốm đen trắng

Heo mọi : heo giống nhỏ con

Lợn nòi : heo rừng

(Pháp Luật Xuân Đinh Hợi 2007, trang 41)

Heo trong Kinh Thánh

Heo đồ ô uế

vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại : các ngươi phải coi là đồ ô uế. (Lv 11,7)

(Một số luật lệ thật ra là những tiêu chuẩn vệ sinh, cho dù người ta nại vào những lý do tôn giáo. Chẳng hạn luật cấm ăn thịt heo là một cách phòng ngừa bệnh, vì heo là vật mang mầm bệnh ở những vùng không có vệ sinh tốt – Lời Chúa Cho Mọi Người, trang 187)

Ông E-la-da tử đạo

Có một người tên là E-la-da, một trong những kinh sư quan trọng trong những kinh sư quan trọng, tuy tuổi cao nhưng trông rất đẹp lão. Ong bị ép phải há miệng ăn thịt heo. Nhưng ông thà chết vinh hơn sống nhục, nên đã tự ý tiến ra nơi hành hình, sau khi đã khạc nhổ hết thịt ra.  Ong đã làm như vậy theo thói thường của những người can đảm là từ chối những thứ Luật Lệ không cho phép ăn, dù phải ăn để sống. Vì quen biết ông E-la-da đã lâu năm, nên những người chủ tọa bữa tiệc cúng thần trái với Lề Luật, kéo riêng ông ra một chỗ. Họ khuyên ông nói với người ta đem thịt đến, thứ thịt được phép dùng, tự tay ông dọn lấy, rồi giả vờ như thể mình đang ăn thịt cúng do vua truyền. Làm như vậy ông mới thóat chết, lại còn được đối xử nhân đạo, vì trước kia ông đã xử tốt với họ. Nhưng ông đã có một quyết định dứt khóat, thật xứng với tuổi cao, và uy thế của bậc lão thành, với vẻ khả kính của mái tóc trắng phau vì lao tâm khổ tứ, với tác phong hòan hảo từ buổi thiếu thời, nhất là phù hợp với Luật thánh do chính Thiên Chúa lập ra. Ong trả lời họ thật đích đáng là cứ việc đưa ngay ông xuống âm phủ. Ong nói : “Ở tuổi chúng tôi, gỉa vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi đầu, mà còn những lề thói của dân ngọai. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già. Dù hiện nay tôi có tránh được hình phạt của người ta, thì sống hay chết tôi cũng sẽ không thóat khỏi bàn tay của Đấng Tòan Năng. Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già, và để lại cho đám thanh niên một tấm gương cao đẹp về cái chết tự nguyện và cao qúi, vì đã trung thành với các Lề Luật đáng kính và thánh thiện.

Nói thế rồi, ông đi thẳng đến nơi hành hình. Những người điệu ông đến nơi đó đổi thiện cảm của họ vừa có đối với ông thành ác cảm, vì họ cho những lời ông nói là điên khùng. Khi sắp chết vì đòn vọt, ông vừa rên vừa nói : “Đức Chúa là Đấng thông suốt mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thóat chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những lằn roi gây đau đớn dữ dằn trong thân xác, còn trong tâm hồn, tôi vui vẻ chịu khổ vì lòng kính sợ Người.

Con người ấy giã từ cuộc đời như thế đó. Cái chết của ông để lại không những cho các thanh niên, mà còn cho đại đa số dân chúng một tấm gương về lòng cao thượng và một hình ảnh đáng ghi nhớ về nhân đức. (2Mcb 6,18-31)

Cuộc tử đạo của bảy anh em

Có bảy anh em bị bắt với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm. Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói : “Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì ? Vua muốn biết điều gì ? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luât pháp của cha ông chúng tôi.” Vua tức giận, ra lệnh nung một cái chảo lớn. Nung xong, vua liền ra lệnh cắt lưỡi người vừa nói thay cho anh em, lột da đầu và chặt cụt chân tay của anh ngay trước mắt các em và bà mẹ. Chặt chân tay anh rồi, vua truyền lệnh đưa anh còn đang thở thoi thóp đến lò lửa mà nướng. Khi khói trong chảo bốc lên, lan tỏa ra xa, bà mẹ và các anh em khích lệ nhau chết cho anh dũng. Họ nói : “Đức Chúa là Thiên Chúa, Người thấy rõ, và chắc chắn Người rủ lòng thương chúng ta, như ông Mô-sê nói trong bài ca của ông, để làm chứng cho mọi người rằng : Đức Chúa sẽ rủ lòng thương hàng tôi tớ.

Người thứ nhất bị giết như thế rồi, chúng điệu người thứ hai đến chỗ hành hình. Sau khi lột da đầu và tóc của anh, chúng hỏi : “Mày có muốn ăn trước khi thân xác bị chặt ra từng mảnh không ?”  Nhưng anh dùng tiếng của cha ông trả lời rằng : “Không.” Vì thế, anh liền phải chịu các cực hình y như người thứ nhất. Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói : “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.

Sau người này, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra, và khẳng khái nói : “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì Luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được. Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ.

Người này chết, người ta cũng tra tấn hành hạ người thứ tư như vậy. Khi sắp tắt thở, anh nói như sau : “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu.

Sau đó, người ta điệu người thứ năm ra hành hạ. Anh nhìn thẳng vào vua và nói : “Dù vua thuộc lòai hư nát, vua lại có quyền trên người ta, vua muốn làm gì thì làm. Nhưng vua đừng tưởng Thiên Chúa đã bỏ rơi nòi giống chúng tôi. Còn vua, hãy kiên nhẫn mà ngắm nhìn quyền năng cao cả của Người, xem Người sẽ hành tội vua và dòng giống vua thế nào ?

Sau người này, người ta điệu người thứ sáu đến. Khi sắp chết anh nói : “Vua đừng có lừa dối mình mà chi ! Qủa thật chúng tôi phải chịu cực hình như thế này cũng là tại chúng tôi, vì chúng tôi đắc tội với Thiên Chúa, nên mới gặp phải những điều quái gở này. Còn vua, đừng tưởng rằng vua sẽ không bị trừng phạt, vì vua đã dám đứng lên chống lại Thiên Chúa.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con : “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ đặt các phần cơ thể  cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên lòai người , và đã sáng tạo nên nguồn gốc muôn lòai. Chính Người do lòng thương xót cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.

Vua An-ti-ô-khô cho là ngươi mẹ sỉ nhục mình nhưng vẫn khinh thường những lời mạt sát đó. Bởi vậy chẳng những vua khuyên người con trai út còn sống sót, mà lại thề hứa làm cho anh được giầu sang hạnh phúc, nếu anh bỏ tục lệ tổ tiên. Ngòai ra, vua còn coi anh là bạn hữu và trao cho anh những chức vụ quan trọng. Nhưng vì người thiếu niên không thèm để ý gì tới, nên vua mới gọi bà mẹ đến và nhờ bà khuyên nhủ hầu cứu mạng cho anh. Vua phải mất nhiều lời bà mới bằng lòng thuyết phục người con. Nghiêng mình về phía anh, bà chế nhạo tên bạo Chúa và dùng tiếng mẹ đẻ nói với anh những lời sau đây : “Con ơi, con hãy thương mẹ : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn lòai trong đó, mà nhận biết rằng Thien Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và lòai người cũng đựơc tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.

Bà vừa dứt lời thì người thiếu niên nói : “Các người còn chờ đợi gì nữa, tôi chẳng nghe theo lệnh vua đâu, nhưng tôi chỉ vâng theo lệnh của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho cha ông chúng tôi qua ông Môsê. Còn vua đã bày ra đủ thứ trò độc ác để hại người Híp-ri; vua chẳng thóat khỏi bàn tay Thiên Chúa.. Chúng tôi phải khổ là vì tội của chúng tôi. Nếu Đức Chúa hằng sống đã giáng cơn thinh nộ xuống chúng tôi trong chốc lát, để sửa phạt và giáo huấn, thì Người lại cho các tôi tớ được hòa giải với Người. Còn vua, hỡi kẻ vô đạo và đê tiện nhất  trong lòai ngừơi, vua đừng có tự cao tự đại hão huyền, mà nuôi những hy vọng viễn vông, và đang tay hành hạ các tôi tớ Chúa Trời. Vì vua sẽ không thóat khỏi án phạt của Thiên Chúa tòan năng, là Đấng thấu suốt mọi sự. Còn các anh của chúng tôi, sau khi đã chịu cực hình trong giây lát vì lòng trung thành với Giao Ước của Thiên Chúa thì giờ đây đang được hưởng sự sống đời đời. Còn vua, khi Thiên Chúa xét xử, vua sẽ phải chuốc lấy án phạt vì tội kiêu ngạo. Phần tôi cũng như các anh tôi, tôi xin phó dâng xác hồn theo luật pháp của cha ông, và khẩn cầu Thiên Chúa sớm thương đến dân tộc chúng tôi. Tôi cũng xin Người cho vua khi gặp thử thách và tai họa, phải tuyên xưng rằng chỉ có Người là Thiên Chúa. Chớ gì tôi và các anh tôi là những người cuối cùng phải gánh chịu cơn thịnh nộ mà Đấng Tòan Năng và Công Minh đã giáng xuống trên dân tộc chúng tôi.

Bấy giờ vua nổi giận và phải ngậm đắng nuốt cay vì những lời lăng nhục ấy, nên đã trừng trị anh tàn bạo hơn những người khác. Vậy anh đã chết vẫn hòan tòan trong sạch và một niềm tin cậy vào Đức Chúa. Sau cùng bà mẹ cũng đã chết theo các con. (2Mcb 7,1-42)

Dân ngỗ nghịch

“Chúng sống trong mồ mả, qua đêm nơi hang hốc, ăn thịt heo và bát đĩa của chúng đầy những món ăn ô uế.” (Is 65,4)

Kẻ sát tế bò cũng là kẻ sát nhân

Người hiến tế chiên cũng là là người giết chó

Kẻ  dâng lễ phẩm lại là kẻ dâng máu heo.

(Is 66,3)

Những kẻ ăn thịt heo, thịt các thú vật kinh tởm

Và thịt chuột đều sẽ chết cả lũ

(Is 66,17)

Quỉ nhập bầy heo

Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị qủi ám từ trong đám mồ mả ra đón Người…Bọn qủi nài xin Người rằng : Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia… (Mt 8,28-34)

Chớ liệng cho heo

Của thánh đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em. (Mt 7,6)

Người con hoang đàng

…Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho… (Lc 15,11-32)

Heo  Trong Ca Dao Tục Ngữ

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn tỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

Con mèo mày trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đường xa

Mua Măm muamuối giỗ cha con mèo.

Trông mặt mà bắt hình dong

Con lợn có béo thì lòng mới ngon

Mẹ em tham thúng xôi vò

Tham con lợn béo một vò rượu tăm

Mẹ em tham thúng xôi dền

Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng

Tôi đã bảo mẹ rằng đừng

Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng mâm vào

Bây giờ chồng thấp vợ cao

Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.

Con lợn trắng mắt thì nuôi

Con người trắng mắt là người bỏ đi.

Lòng vả cũng như lòng sung

Một trăm con lợn cũng chung một lòng

Đầu gà má lợn

Lợn ăn xong lợn nằm lợn béo

Lợn ăn xong lợn réo lợn gầy

Lợn bột thì thịt ăn ngon

Lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời

Lợn chê chó có bọ

Lợn cưới áo mới

Lợn đầu cau cuối

Lợn đói một bữa

Bằng người đói cả năm

Lợn đực chuộng phệ

Lợn sề chuộng chõm

Lợn không cào

Chó nào sủa

Lợn kia trắng mắt thì nuôi

Người kia trắng mắt là người bỏ đi

Lợn giò bò bắp

Lợn lành chữa thành lợn què

Lợn nhà gà chợ

Lợn nước mạ cá nước tươi

Lợn rọ chó thui

Lợn thả gà nhốt

Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi

Nuôi heo chọn nái, lựa gái chọn mông

Nuôi heo ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng

Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo

Cám treo heo nhịn đói

Mượn đầu heo nấu cháo

Đầu gà má lợn

An như heo

Bẩn như lợn

Mèo tha miếng thịt xôn xao

Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi.

(Làng Cười Xuân Đinh Hợi 2007, trang 13)

Những Vị Thuốc Heo

1- Thịt lợn (trư nhục) : Thịt lợn nạc giã nhuyễn, nặn viên rồi nấu với rau ngót thành vị thuốc cổ truyền phổ biến để bồi bổ sức khỏe cho người đang chữa bệnh, người mới khỏi ốm, người già yếu và phụ nữ mới sinh. Còn nếu lấy miếng thịt lợn nạc để sống, thái mỏng, đắp vào vết thương đang chảy máu thì máu sẽ cầm lại ngay.

2- Mỡ lợn (trư cao) : rán thành mỡ nước bôi ngòai da chữa bỏng, lở lóet, mụn nhọt, rụng tóc. Lấy mỡ trộn với bột hạt lai, đốt thành than, đem đắp chữa được trốc đầu.

3- Tiết lợn (trư huyết) : trị các chứng hoa mắt, chóng mặt, trúng gió, chướng khí, phạm phòng (thượng mã phong), băng huyết.

4- Oc lợn (trư não) : có tác dụng bồi bổ, thông kinh, tĩnh trí, chữa suy nhược thần kinh, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và mụn nhọt.

5- Tim lợn (trư tâm) : bổ tâm, bổ huyết, an thần, suy nhược thần kinh và cơ thể. Dùng tim lợn đực (1 qủa) cùng nhân sâm và dương quy (mỗi thứ 10g) đem luộc lên ăn sẽ đặc trị bệnh mất ngủ, chứng ra mồ hôi trộm.

6- Gan lợn (trư can) : dưỡng huyết, tiêu độc, bổ gan, sáng mắt, huyết hư, vàng da, quáng gà, phù thũng, cước khí, bạch đới, đại tiện lỏng kéo dài. Gan lợn (5phần) băm nhỏ với cây chó đẻ (1 phần) nấu nhiều lần, lấy nươc đặc uống mỗi ngày vài lần sẽ chữa được viêm gan. Còn sơ gan thường xuyên ăn gan lợn (3 phần) nấu với vỏ dưa hấu (10 phần). Dùng gan lợn (1 phần) thái miếng  nấu với lá dâu (2 phần) thành canh ăn chữa viêm giác mạc, đau mắt.

7- Phổi lợn (trư phế) : mát phổi, giảm ho, trừ đờm; trị hen phế quản, ho lâu ngày, ho ra máu. Lấy phổi lợn (10 p) rửa sạch, thái nhỏ, bóp hết bọt nước, đem nấu với rau diếp cá (3 p) ăn chữa được viêm phế quản mãn tính; còn nấu với ý dĩ (5 p) ăn sẽ trị ho, khó thở, đau vùng ngực.

8- Xương lợn (trư cốt) : tiêu khát, giải độc, họat huyết, nhuận sắc; chữa đồi sán, tiểu đường, khô da. Lấy xương sống lợn (10 p) rửa sạch, chặt nhỏ nấu với gạo nếp (15 p) và gia vị thành cháo, ăn trong ngày sẽ làm da mặt trơn bóng, hồng hào. Dùng xương sống lợn (12 đốt), đại táo (49 qủa), liên nhục (49 hạt), chích cam thảo (60g), mộc hương (6g) tất cả cho vào 5 bát nước , sắc lấy khỏang 3 bát, uống trong một ngày chữa bệnh tiểu đường.

9- Tủy lợn (trư tủy) : bổ âm, ích tủy, chữa hư lao, lở lóet. Trộn tủy lợn sấy khô (80g) với ý dĩ (80g), cát căn (80g), hòai sơn (120g) tán thành bột, ngày uống 20-40g chữa bệnh tiểu đường.

10- Mật lợn (trư đởm) : giảm đau, tiêu sưng, sát khuẩn, thông đại tiện, kích thích tiêu hóa và bài tiết mật; trị ho gà, hen suyễn, suy gan, vàng da, ú mật, chậm tiêu hóa, táo bón. Nước mật lợn để nguyên hoặc cô đặc phối hợp với hòang bá dùng bôi chữa bỏng; với nghệ vàng hoặc gừng tươi trị chốc đầu, nhọt độc; với hành tươi, tỏi, lá trầu, lá ớt trị rắn cắn.

11- Bầu dục lợn (trư thận) : bổ thận, ích khí, giảm đau, lợi bàng quang; chữa bạch biến, ù tai, đau lưng, phù thũng, di tinh và ra mồ hôi trộm. Bầu dục lợn (2 cái) khía đôi cho bột đỗ trọng (20g) và ít muối vào trong, ninh thật nhừ, ăn cả nước lẫn cái vào lúc đói sẽ trị thận hư, đau lưng, chân tay nhức mỏi. Lấy bầu dục lợn (1 qủa) thái nhỏ, trộn với bột cốt tóai, xào chín, ăn nóng sẽ chữa tiêu chảy cấp tính; còn nếu xào với lá hẹ (100g) rồi nấu canh ăn trị thận hư, đau lưng, tai nghễnh ngãng.

12- Răng lợn (trư nha) : chữa trẻ em lên cơn co giật, trợn mắt, nghiến răng, có thể kèm răng chó mài uống vài ngày; cũng có thể dùng răng lợn đốt cháy (12p) và kinh giới (40p), câu đằng (12p), tòan yết (12p), thuyền thóai (8p), sấy khô, sao giòn, tất cả đem tán mịn, trộn đều, luyện với hồ, viên thành hạt để uống.

13- Lưỡi lợn (trư thiệt) : trị chứng khí anh (mọc u sau gáy).Lấy lưỡi lợn sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần uống 4g với rượu trước khi ngủ.

14- Da dày lợn (trư vị) : bổ trung, ích khí, kiện tỳ vị, chữa khát, chảy máu cam, hư lao, di tinh, đái dầm, tiêu chảy, kiết lỵ. Dạ dày lợn thái nhỏ nấu với củ mã thầy, ăn sẽ trị bệnh vàng da. Dạ dày lợn (1 cái) làm sạch, cho hồ tiêu trắng đã nghiền (15g) vào trong, ninh nhừ bằng lửa nhỏ, ăn nóng và cách 3 ngày ăn 1 lần, sẽ chữa đươc đau dạ dày dạng hàn (lạnh bụng). Lấy dạ dày lợn nhồi hạt sen, nấu chín ăn, hoặc ninh cho thật nhừ, giã nát trộn với hồ, viên bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 50 viên với nước ấm vào lúc đói, sẽ trị đái rắt.

15- Ruột non lợn (trư tiểu tràng) : bổ tâm, thanh nhiệt, hòa tạng; trị viêm dạ dày, di tinh, viêm âm hộ. Dùng ruột non (1 bộ), gừng tươi (5 lát), hồ tiêu (10 hạt), rửa ruột với dấm, bỏ hạt tiêu, gừng vào, hấp cách thủy, chia ăn hai lần trong ngày sẽ chữa chứng đau dạ dày lâu ngày.

16- Bong bóng lợn (trư bàng quang) : tăng sữa, lợi tiểu, chữa đái dầm, đái buốt, đái rắt, di mộng tinh, bìu dái sưng đau, ngọc hành lở lóet. Bong bóng lợn nấu nhừ với lá đinh năng và gạo nếp thành cháo ăn. Bong bóng lợn (1 cái), dạ dày lợn (1 cái) nấu cháo với gạo nếp ăn hàng ngày sẽ trị đái dầm.

17- Ruột già lợn (trư đại tràng)bổ hạ, tiêu viêm, đại tiện ra máu, viêm đại tràng mãn tính. Nấu với củ gió đất, ăn chữa bệnh trĩ. Lấy 1 đọan ruột già, rửa sạch, nhồi đầy hoa hòe, buộc lại, cho vào nồi đất, hầm nhừ, rồi viên thành những hạt ngô, mỗi lần uống 1 hạt với nước sắc duơng quy, ngày uống 2 lần trị đại tiện ra máu.

18- Bộ phận sinh dục lợn : tăng cường sinh dục, chữa phạm phòng, đau ngọc hành. Am hành lợn cái đặc trị liệt dương (dùng 3 âm hành lợn cái sấy khô tán bột, mỗi lần uống 4g với rượu).

19- Chân giò lợn (trư đề) : dưỡng thai, tăng sữa, làm đẹp da. Chân giò lợn (2-3 cái) nấu chín nhừ với lôi thông thảo (10-20g) và gạo nếp (30-50g) thành cháo, ăn trong 1 ngày, sẽ là thuốc đặc trị cho phụ nữ mới sinh và thiếu sữa.

20- Phân lợn : phơi khô, đốt thành than, tán bột, có tác dụng cầm máu, lành da, trị lở lóet, mụn nhọt, chảy máu cam, rong huyết, viêm phần phụ.

21- Da lợn (trư bì) : giải nhiệt, tiêu độc, dưỡng da, trị bỏng, khát, chốc đầu, rắn cắn. Dùng miếng da lợn tươi, mỏng, rửa sạch và ướp lạnh đắp lên vết thương rất mau lành.

22- Lông lợn (trư mao) : đốt thành than, tán bột, sát khuẩn, cầm máu, nhiễm trùng, mụn nhọt, xây xát. Dùng bột than lông lợn hòa vào rượu hoặc trộn với mật ong, bôi chữa muỗi cắn, rết cắn.

(An Hòa, Phụ Nữ & Thể Thao Xuân Đinh Hợi 2007, trang 34-35.)

Năm Hợi Trong Lịch Sử

– Đinh Hợi  214 tCN : TầnThủy Hòang đánh Bách Việt và Au Lạc

– Qúi Hợi  514 : Lý Bôn (Lý Nam Đế) đuổi giặc Lâm Ap

– Kỷ Hợi  939 : Ngô Quyền xưng vương ở Cổ Loa.

– Tân Hợi  951 : Ngô Xương Văn và Ngô Xương Lập của Hậu Ngô đem quân sang đánh Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, nhưng thất bại.

– At Hợi  1275 : Trần Thái Tông cự tuyệt sứ nhà Nguyên đòi đặt quan giám trị nước ta

– Đinh Hợi  1287 : Quân Mông Cổ do Thóat Hoan cầm đầu đem quân đánh nước ta lần thứ hai

– Tân Hợi  1311 : Vua Trần Anh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được Chế Chi

– Đinh Hợi  1407 : Nhà Hồ mất về tay quân Minh

– Kỷ Hợi  1419 :  Lê Lợi đánh đồn  Nga Lạc, Thanh Hóa, giết tướng Nguyên Sao của nhà Minh

– Kỷ Hợi  1479 : Vua Lê Thánh Tông đánh dẹp quân Lào sang quấy nhiễu

– Đinh Hợi  1527 : Mặc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê

– Tân Hợi  1611 : Nguyễn Hòang đánh chiếm Phú Yên của Chiêm Thành

– Qúi Hợi  1623 : Trinh Tùng đau giao quyền cho con là Trịnh Tráng

– Qúi Hợi  1643 : Nguyên Hữu Cầu giết Trịnh Bằng, tướng của Trịnh Doanh

– Đinh Hợi  1667 : Trịnh Doanh mất. Trịnh Sâm lên ngôi

– At Hợi  1695 : Nguyễn Phúc Chu mở khoa thi Phủ Chúa

– Tân Hợi  1729 : Chân Lạp cướp phá Gia Định

– At Hợi  1755 : Nguyễn Cư Trinh đuổi Nặc Nguyên ra khỏi Nam Vang

– Đinh Hợi  1827 : Phan Bá Vành nổi lọan

(Công An, Xuân Đinh Hợi 2007, trang 9)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành (sưu tầm)