Ngày 4/12: Thánh Gioan Đamaxênô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh.


I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ nhớ thánh Jean Damascène được mừng vào ngày Giáo Hội Byzantin cử hành lễ an táng ngài, diễn ra trong tu viện Thánh Sabas, gần Giêrusalem, có lẽ là ngày 4 tháng 12 năm 750. Lễ nhớ này được đưa vào lịch Rôma năm 1890. Trước cuộc cải cách phụng vụ, lễ này được mừng ngày 27 tháng 3, là ngày kỷ niệm Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên phong thánh Jean Damascène làm tiến sĩ Hội Thánh.

Ngài sinh ở Đamas khoảng năm 650, trong một gia đình Ả Rập theo Kitô giáo. Ngài còn có tên là Mansour giống như tên ông nội ngài, một viên chức cao cấp trong triều đình. Khi cha mất, ngài thay cha trông coi công việc tài chính của hoàng cung. Nhưng đến năm 710, ngài lui về sống đời đan tu trong tu viện Thánh Sabas, một loại tu viện – pháo đài nằm giữa Bethlehem và Giêrusalem. Được thụ phong linh mục do giáo chủ Giêrusalem là Đức Gioan V, từ đó ngài chỉ chuyên chăm cầu nguyện, rao giảng và viết các tác phẩm thần học, cho tới khi ngài đột ngột qua đời tại tu viện Thánh Sabas khoảng năm 750, hưởng thọ khoảng một trăm tuổi. Ít năm sau, công đồng bài trừ ảnh tượng (iconoclaste) năm 754 ra vạ tuyệt thông cho ngài, nhưng về sau ngài sẽ được phục hồi ở Công đồng chung thứ bảy, năm 787.

Công lao to lớn của thánh Jean Damascène là đã bảo vệ việc tôn kính ảnh tượng chống lại hoàng đế Byzantin là Lêô III người Isaurien (717-740), là người đã liên minh với phe bài bác ảnh tượng thánh để phát động cuộc tranh luận về Ảnh tượng thánh (726). Ngài cũng đã anh dũng đối đầu với hoàng tử kế vị Lêô III là Constantinô V. Ba Luận văn Hộ giáo (726-730) của ngài là một sự biện hộ hùng hồn cho việc tôn kính ảnh tượng và chứng tỏ cho thế giới Kitô giáo thấy tài năng của một nhà thần học và nhà hộ giáo lỗi lạc. Nhưng tác phẩm chính của thánh nhân là Ngọn Nguồn Tri Thức, một tổng luận thần học đầu tiên. Vào thời Trung cổ, tác phẩm này được dùng làm sách giáo khoa ở phương Đông, còn ở phương Tây, tác phẩm này được dịch sang tiếng la-tinh đã giúp ích rất nhiều cho công việc của thánh Thomas Aquin và các nhà thần học kinh viện.

Thánh Jean Damascène được mệnh danh là Chrysorrhoas (nghĩa là Giòng Sông vàng) vì những thiên khiếu phi thường của ngài về thần học và thi thơ, “óng ánh như vàng, rực chiếu trong lời giảng dạy cũng như trong đời sống của ngài.”

Khoa tranh ảnh thánh vẽ hình thánh nhân được Đức Mẹ chữa lành bàn tay phải mà hoàng đế bài bác ảnh thánh Lêô III – theo truyền thuyết – đã chặt đứt của ngài.

II. Thông điệp và tính thời sự

Lời Nguyện của ngày đề cao thánh Jean Damascène như “bậc thầy lỗi lạc” của đức tin chân chính. Ngài được coi là vị Giáo phụ Hi Lạp cuối cùng và được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tôn phong tiến sĩ Hội Thánh năm 1890. Ngài đã tận hiến đời sống đan tu và linh mục của mình để phục vụ đạo lý chính truyền và bảo vệ đức tin.

Sống trong thời đại nhiễu nhương, đặc biệt trong cuộc tranh cãi về Ảnh thánh, ngài đã viết ba khảo luận để bảo vệ việc tôn kính ảnh thánh và giải thích ý nghĩa của việc tôn kính này, dựa trên việc Nhập Thể của Chúa Giêsu Kitô, qua đó Đấng Vô Hình “trở nên hữu hình cho chúng ta.” “Tôi không tôn kính vật thể – ngài viết – nhưng tôi tôn thờ Đấng sáng tạo vật thể, Đấng đã trở nên vật thể vì tôi. . . và cứu tôi nhờ vật thể.” Khi bảo vệ ảnh tượng, thánh Jean Damascène đã cứu nghệ thuật Kitô giáo thời đó đang bị đe doạ cả bởi Hồi giáo lẫn trào lưu Byzantin chống ảnh tượng thánh.

– Trong phần Trình bày về đức tin chính truyền là phần cơ bản của tác phẩm Ngọn Nguồn tri thức, ngài diễn tả một cách cao siêu ý nghĩa của Nhập Thể: “Hoàn toàn, Người (Đức Giêsu Kitô) đồng hóa với tôi hoàn toàn. Hoàn toàn, Người kết hợp với tôi hoàn toàn, để ban cho tôi ơn cứu độ hoàn toàn.” Bằng cách đó, nhân tính được biến đổi bởi thiên tính, và con người nhận được trong Hội Thánh “vinh quang của thân xác” và sự tự do đích thực, nghĩa là được gắn liền với sự dịu hiền của Thiên Chúa tỏ lộ trong Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Thiên Chúa, tự bản chất là “Đấng không thể biết”, đã trở nên một cách nào đó “có thể thông dự” trong kinh nghiệm của Hội Thánh nhờ vẻ đẹp của phụng vụ và ảnh tượng thánh. Trong Bài giảng về Chúa Biến Hình, thánh Damascène nhấn mạnh rằng việc Chúa Kitô biến hình, “thân thể phàm nhân của Người chói lọi vẻ rực rỡ thần linh”, mời gọi mọi người trở nên thần hóa, được biến hình trong Người và với Người. Sự biến hình này cũng được thể hiện trong kinh nghiệm phụng vụ mà việc tôn kính ảnh thánh là một phần cốt yếu trong đó.

Là nhà thần học và thi sĩ, thánh Gio-an Đa-mát đã làm giàu cho nền phụng vụ Byzantin bằng nhiều soạn tác gọi là các “kinh qui điển”. Đó là các thánh thi ca mừng ý nghĩa thiêng liêng của các ngày lễ phụng vụ. Nổi tiếng nhất là kinh qui điển lễ Phục Sinh: “Dân thánh hỡi, nào hãy hân hoan – Mừng lễ Vượt qua, Vượt qua của Chúa, ! – Đức Ki-tô là Thiên Chúa, Người đã đưa chúng ta – từ cõi chết bước vào sự sống – Trời, đất và địa ngục – Tất cả ngợp ánh sáng!

Là văn sĩ viết rất nhiều và đa dạng, thánh Jean Damascène đã dành cho Đức Mẹ rất nhiều bài giảng, khiến ngài trở thành một trong số các tiến sĩ thần học về Đức Mẹ. Chúng ta đặc biệt nhớ tới bài giảng về Giáng sinh, và ba bài khác về Giấc ngủ và Lên Trời của Đức Mẹ. Vai trò của Đức Mẹ được ngài đặt trong toàn thể công trình Cứu chuộc và lệ thuộc vào công trình của Con Mẹ. Sứ mạng của Đức Maria chỉ có thể hiểu được trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và trong ánh sáng của Kinh Thánh. “Hỡi Trinh nữ đầy ơn phước, Đền thờ của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần đã làm cho Mẹ nên rực rỡ sáng ngời. . . Thiên Chúa Cha là Thánh, đã muốn nhờ Mẹ và trong Mẹ thực hiện mầu nhiệm mà Người đã tiền định trước muôn thế kỷ” (Bài giảng về Giáng sinh, 10).

Phụng vụ Giờ Kinh Sách trích đọc một đoạn trong phần Trình bày đức tin chính truyền:

 “Lạy Chúa, xin cho con mạnh dạn nói lời của Chúa… Xin hãy là mục tử của con, để quả tim con không lạc qua bên phải hay bên trái… còn ngươi, hỡi đại hội cao quí của Hội Thánh, hãy đón nhận giáo huấn đức tin không lầm lạc của tôi. Đây chính là giáo huấn do Tổ tiên chúng ta truyền lại, làm nên sức mạnh của Hội Thánh.”

Thiên Chúa đã nghe lời câu nguyện của thánh nhân và làm cho ngài trở thành “một bậc thầy về lòng đạo đức và thánh thiện, một người khôn ngoan được Thiên Chúa linh hứng để soi sáng cho toàn thế giới, một cây đàn huyền của Chúa Thánh Thần. . . “(Phụng vụ phương Đông).

Enzo Lodi