Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa Tại Nhà Thờ Chính Tòa Giáo Phận Đà Nẵng


Ngày 23/4/1995, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa ngay tại Trung Tâm Lòng Chúa Xót Thương được thiết lập cho giáo phận Rôma tại thánh đường Chúa Thánh Thần ở Sassia; sau đó, vào ngày 30/4/2000 dịp Năm Thánh Cứu độ, Đức Thánh  GH Gioan Phaolô II  đã tôn phong nữ tu Faustina lên bậc hiển thánh và chính thức thiết lập và ấn định ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật II Phục Sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Kể từ đó việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) phát triển sâu rộng trên khắp Giáo hội hoàn vũ.

Tại Việt Nam, vào những năm đầu thập niên 90, phong trào sùng kính LTX Chúa bắt đầu hiện diện một cách âm thầm và tự phát. Tại giáo phận Đà Nẵng phong trào sùng kính LTX Chúa cũng xuất hiện vào những năm giữa thập niên 90, Cố LM Giuse Đinh Mạnh Phú đã phân phát các tài liệu về LTX Chúa cho các cha và từ đó các nhóm nhỏ tín hữu sùng kính LTX Chúa ra đời và phát triển ngày càng một nhân rộng. Hiện nay, hầu như các giáo xứ trong Giáo phận Đà Nẵng đều có phong trào sùng kính LTX Chúa với các nhóm tín hữu tổ chức giờ cầu nguyện trước Linh ảnh và lần chuỗi kinh Lòng LTX Chúa.

Vào lúc 15g00 ngày Chúa Nhật II Phục sinh mừng kính Lòng Thương Xót Chúa năm nay, tại giáo phận Đà Nẵng, các nhóm sùng kính LTX Chúa từ nhiều giáo xứ đã tề tựu về Nhà thờ Chính Tòa để cùng đọc kinh LTX Chúa và sau đó nghe huấn từ của cha Philipphê Trương Văn Long – phó ban đặc trách Giáo dân về Lòng Thương Xót của Chúa.

Trong bài huấn từ, Cha Philipphê khởi sự trình bày cho các tham dự viên LTX Chúa với việc nhấn mạnh đến cụm từ “Lòng Thương Xót” được nhắc trong Kinh Thánh đến 400 lần. Tiếp đến, ngài giải thích ý nghĩa của từ ngữ “Lòng Thương Xót” trong ngôn ngữ Do Thái, La-Tinh và cuối cùng là theo ngữ nghĩa của Tiếng Việt. Từ đó, ngài đi đến kết luận: “từ ngữ Thương xót luôn là đề tài quan trọng trong Cựu ước và trong Kitô giáo, vì từ ngữ này gắn liền với hình ảnh và bản chất của Thiên Chúa, cũng như thuộc về căn tính và bản chất của Kitô hữu. Vì thế, một cách nào đó, có thể nói rằng, từ ngữ ‘thương xót’ là từ ngữ điển hình của Kitô giáo.” Để làm sáng tỏ hơn, ngài đã trích dẫn các trình thuật trong Tin Mừng Nhất Lãm miêu tả Chúa Giêsu “trông thấy – chạnh lòng thương – và ra tay cứu giúp” với bộ ba cụm từ “đôi mắt – con tim – đôi tay” biểu hiện Lòng Thương xót, Từ đó, Cha Philipphê đã hướng dẫn các thành viên gia đình Lòng Thương Xót Chúa cách thức thực hành cụ thể trong đời sống trên nền tảng của kinh “thương xác 7 mối”.

Sau bài huấn từ, các thành viên gia đình LTX Chúa giải lao để chuẩn bị bước vào thánh lễ đồng tế Kính Lòng Thương Xót Chúa do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân – Giám mục giáo phận chủ sự cùng với 9 linh mục và 2 thầy phó tế và với sự tham dự hiệp thông đông đảo giáo dân trong giáo phận.

Trong bài giảng lễ, khởi đi từ bài Tin Mừng theo Thánh Gioan và bài sách Công vụ Tông đồ (bài đọc I) của Chúa Nhật II Phục Sinh, Đức Cha Giuse đã xác quyết rằng Lòng Thương xót Chúa có thể chạm tới được và phát sinh hiệu quả chứng tá bằng đời sống hiệp nhất, yêu thương nhờ sức mạnh từ nguồn sống phục sinh của Chúa Giêsu Kitô để tiếp tục sống trong can đảm, vui mừng và tràn đầy hi vọng. Tiếp đó, Đức Cha Giuse trình bày sơ lược lịch sử của phong trào Lòng Thương xót Chúa với lòng sùng mộ đặc biệt của Thánh Nữ Faustina. Ý nghĩa của linh ảnh Lòng Thương xót Chúa cũng được Đức Cha Giuse giới thiệu với lời đoan quyết của Thánh nữ Faustina: “dù chúng ta tầm thường, yếu đuối, nhưng nhờ sức mạnh của lòng TX Chúa, sẽ trở nên phi thường”. Tinh thần sùng kính LTX Chúa không dừng lại ở sự tha thứ, nhưng nhờ được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể sẽ kiến tạo tình hiệp nhất yêu thương. Trở lại với câu chuyện về Tông đồ Tôma trong bài Tin Mừng, Đức Cha chủ lễ nhấn mạnh rằng chính Tôma nhờ được đụng chạm tới Lòng TX Chúa đã đạt được sự thay đổi thẳm sâu từ tâm hồn để thốt lên lời tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” Bởi thế, theo dòng lịch sử đầy thử thách, khó khăn gây ra nhiều ngăn trở cho đức tin của dân Chúa trong Hội Thánh, cần thấy rằng, để có thể trở thành những chứng tá đích thực của Chúa Phục sinh, tín hữu Chúa cần phải “chạm tới Trái Tim của Chúa”. Chính mỗi người phải cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa và thực sự đụng chạm được LTX Chúa.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha Giuse đã chia sẻ với cộng đoàn câu chuyện về “bí kíp” của một người mẹ luôn mang lại hạnh phúc và an vui cho gia đình truyền lại cho cô con gái sắp lập gia đình của mình. Người mẹ đã trực tiếp nói “Bí kíp” này với con; đồng thời cũng cẩn thận viết lại trên một tấm giấy và đặt vào trong chiếc hộp nhỏ như món quà hồi môn cho con. Thực hiện lời chỉ dạy của mẹ bằng cách thỉnh thoảng âm thầm mở chiếc hộp xinh xắn mẹ cho, cô gái đã thực sự trở nên người vợ tốt lành đem hạnh phúc an vui không chỉ cho chồng mà còn tạo được một bầu khí an vui hạnh phúc cho gia đình chồng. Sau cùng, chính người chồng đã có dịp khám phá ra bí mật của người vợ hiền ngoan khi được đọc những dòng chữ của người mẹ viết cho con gái: “Con gái yêu quý của mẹ, nếu muốn có được cuộc sống gia đình hạnh phúc, chính con hãy luôn bắt đầu từ việc cầu nguyện liên lỉ. Dù làm bất cứ việc gì và trong từng giây phút hiện tại, con hãy biết đặt trọn vẹn TÌNH YÊU vào đó.” Bài học tu đức rút ra từ câu chuyện nhỏ được Đức Cha chủ tế chuyển thành lời mời gọi mỗi người hãy biết khám phá và đón nhận món quà của lòng thương xót Chúa và mang tới mọi nơi mình hiện diện và làm việc: gia đình, công sở, trường học… Hãy biết nỗ lực chạm tới tình yêu Chúa để được chúc phúc và được thôi thúc trong tin tưởng, yêu mến, phụng thờ và chứng tá: “Nguyện xin tình yêu và lòng Thương xót Chúa chạm tới, ban ơn và đem lại nghi lực trong hành trình sống ơn gọi kitô hữu để trở thành chứng nhân Lòng Thương Xót Chúa cho con người và cho thế giới hôm nay!”

Ban MVTT/GP & Pr. Nguyễn Toàn (ghi chép & hình ảnh)