Bài 27: Khái Quát Về Kinh Nguyện Thánh Thể


WHĐ (15.04.2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 27: KHÁI QUÁT VỀ KINH NGUYỆN THÁNH THỂ

I/ NGHI THỨC

Kết thúc lời nguyện tiến lễ, cộng đoàn tung hô Amen (NTTL 30). Sau đó, linh mục bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể (NTTL 31).

II/ CÁC KINH NGUYỆN THÁNH THỂ

Kinh Nguyện Thánh Thể còn được gọi là Kinh Nguyện Tạ Ơn/Kinh Tạ Ơn. Truyền thống phụng vụ Đông phương gọi Kinh Nguyện Thánh Thể là Anaphora (= Kinh Tiến Hiến), còn truyền thống phụng vụ Rôma gọi là Lễ quy của Thánh lễ (Canon Missae), một thuật ngữ được tìm thấy trong các Sách Lễ đầu tiên và ít nhất có từ thời Đức Giáo hoàng Vigilius (537-555) với hạn từ “prex canonica” (Vigilius, Ep. ad Profuturum, 5: PL 69,18).[1]

Trong Sách lễ Rôma hiện nay, chúng ta có tất cả 13 Kinh nguyện Thánh Thể như sau: (1) Kinh nguyện Thánh Thể I hay Lễ quy Rôma; (2) Kinh nguyện Thánh Thể II; (3) Kinh nguyện Thánh Thể III; (4) Kinh nguyện Thánh Thể IV; (5) Kinh nguyện Thánh Thể “Giao Hòa” I; (6) Kinh nguyện Thánh Thể “Giao Hòa” II; (7) Kinh nguyện Thánh Thể trong Thánh lễ dành cho Trẻ em I; (8) Kinh nguyện Thánh Thể trong Thánh lễ dành cho Trẻ em II; (9) Kinh nguyện Thánh Thể trong Thánh lễ dành cho Trẻ em III; (10) Kinh nguyện Thánh Thể dùng trong các dịp hội họp, mẫu I; (11) Kinh nguyện Thánh Thể dùng trong các dịp hội họp, mẫu II; (12) Kinh nguyện Thánh Thể dùng trong các dịp hội họp, mẫu III; (13) Kinh nguyện Thánh Thể dùng trong các dịp hội họp, mẫu IV.

Trừ ra Lễ quy Rôma, 12 Kinh nguyện Thánh Thể còn lại đều được soạn thảo từ sau Công đồng Vaticanô II để một cách nào đó bổ sung những khiếm khuyết của Lễ quy Rôma cũng như thêm vào những sắc thái phong phú khác của mầu nhiệm Thánh Thể mà một kinh nguyện không diễn tả hết. Khác với Sách Lễ 1570/1962 vốn chỉ có Lễ quy Rôma, 3 Kinh nguyện Thánh Thể mới là các Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV xuất hiện năm 1969/1970. Năm 1974, chúng ta có thêm 3 Kinh nguyện Thánh Thể nữa dùng cho Thánh lễ với trẻ em được công bố nhưng với Pronaetanda riêng xác định rằng chúng được tùy nghi sử dụng nơi nào Hội đồng Giám mục yêu cầu. Bởi vậy, Kinh nguyện Thánh Thể cho Thánh lễ với trẻ em thật ra chưa được Rôma phê chuẩn, chúng đã và vẫn còn trong tình trạng thử nghiệm (ad experimentum). Hiện nay, Kinh nguyện Thánh Thể cho Thánh lễ với trẻ em không có mặt trong ấn bản mẫu III của Sách lễ Rôma 2002 vì Hội Thánh muốn bản văn các kinh nguyện này phải được duyệt lại và sẽ được in riêng ra.[2] Nhân dịp Năm Thánh 1975, Hội Thánh cho ra đời 2 Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải. Tới năm 1995, 4 Kinh nguyện Thánh Thể dành cho Những Nhu cầu Khác nhau và các Dịp Đặc biệt được đưa vào sử dụng cho đến nay mà bản văn gốc của chúng đã được chuẩn bị từ năm 1972 nhân dịp Synod giám mục của các giáo phận thuộc Thụy Sĩ.[3] Bốn mẫu Kinh nguyện Thánh Thể này đều có kinh Tiền tụng riêng kèm theo và có tiêu đề/chủ đề riêng lần lượt là: (1) Mẫu I: Hội Thánh Trên Đường Hợp Nhất; (2) Mẫu II: Thiên Chúa Dẫn Đưa Hội Thánh Trên Đường Cứu Độ; (3) Mẫu III: Chúa Giêsu Là Đường Dẫn Đến Chúa Cha; (4) Mẫu IV: Chúa Giêsu Đi Khắp Nơi Ban Phát Ơn Lành.

Lễ quy Rôma là một bản văn được sử dụng tuyệt đối trong toàn Hội Thánh Công giáo ở Tây phương suốt gần 15 thế kỷ (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XX) và đã được chỉnh sửa chút ít thành Kinh nguyện Thánh Thể I để đưa vào trong Sách lễ Rôma 1970, cụ thể là làm cho những lời truyền phép trên rượu và trên bánh giống nhau ở tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể hầu giúp cho các vị đồng tế dễ dàng đọc chung với nhau.[4] Kinh nguyện Thánh Thể II chính là Anaphora trong sách Truyền thống Tông đồ của thánh Hippôlytô từ thế kỷ III nay được Đức Giáo hoàng Phaolô VI cho phục hồi cũng như đổi lại đôi chút, chẳng hạn thêm Sanctus và lời chuyển cầu, rồi đưa vào trong Sách lễ Rôma mới. Vì thế, giữa Anaphora của Hippôlytô và Kinh nguyện Thánh Thể II hiện nay có một sự nối kết với nhau rõ rệt và có khi giống nhau đến từng từ một.[5] Kinh nguyện Thánh Thể III được soạn thảo theo những đường hướng được đề nghị bởi tác giả Vagaggini: mang âm hưởng của các Anaphora theo nghi lễ Alexandria, Byzantine và Maronite, thậm chí vay mượn từ phụng vụ Gallican. Kinh nguyện Thánh Thể III diễn tả đạo lý về Hy tế Thánh Thể một cách tỏ tường cũng như tôn vinh một cách xứng hợp Chúa Thánh Thần bằng việc nhắc lại danh Ngài đến 4 lần hầu làm dịu bớt sự kinh ngạc của những anh em theo Lễ nghi Đông phương khi không thấy đề cập đến Chúa Thánh Thần trong Lễ quy Rôma ngoại trừ trong Vinh tụng ca.[6] Kinh nguyện Thánh Thể IV là một bản văn được soạn thảo mới vay mượn từ phụng vụ Đông phương, chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Hiến Chế Các Tông Đồ từ Antiokia. Nó gần tương tự như Anaphora của thánh Basil với nội dung tường thuật lại những khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử cứu độ và liên kết lịch sử riêng của chúng ta với trung tâm lịch sử cứu độ là chính Chúa Kitô.[7]

III/ Ý NGHĨA

Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Ðức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ (QCSL 78).

IV/ CÁC YẾU TỐ CỦA KINH NGUYỆN THÁNH THỂ

Tuy có 13 Kinh nguyện Thánh Thể khác nhau, nhưng tựu chung, mỗi Kinh nguyện Thánh Thể đều cơ bản có 8 yếu tố/thành phần khác biệt sau đây (QCSL 79):

1) Tạ ơn (đặc biệt được nêu rõ trong kinh Tiền tụng) khi linh mục nhân danh toàn thể dân thánh ngợi khen Thiên Chúa Cha và cảm tạ Ngài về tất cả công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hoá, hoặc vì lý do nào đặc biệt, tùy ngày, tùy lễ, tùy mùa khác nhau (x. GLCG 1352)

2) Tung hô: toàn thể cộng đoàn hợp cùng các Dũng thần trên trời, hát bài ca Thánh, Thánh, Thánh. Lời tung hô này là thành phần của chính Kinh nguyện Thánh Thể, nên cả cộng đoàn và linh mục cùng hợp tiếng.

3) Lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần: Trong lời kinh này, Hội Thánh dâng lời kêu cầu đặc biệt nài xin quyền năng Chúa Thánh Thần để các lễ vật do con người dâng lên được Ngài hiến thánh, nghĩa là làm cho trở thành Mình và Máu Đức Kitô, và để của lễ tinh tuyền được rước lấy trong khi hiệp lễ, đem lại ơn cứu độ cho những ai lãnh nhận cũng như để họ trở nên một thân thể và một tinh thần duy nhất trong Chúa Kitô (x. GLCG 1353).

4) Lời tường thuật việc lập bí tích Thánh thể và việc hiến thánh: hy lễ được thực hiện nhờ lời nói và hành động của Chúa Kitô, cũng như quyền năng của Thánh Thần, bánh rượu trở thành Mình và Máu Ðức Ki-tô, lễ vật chính Người đã dâng trên thập giá. Đó là hy lễ chính Chúa Kitô đã thiết lập trong Bữa tối sau hết, khi dâng hiến Mình và Máu Người dưới hình bánh và hình rượu, và ban cho các Tông đồ để ăn và uống, đồng thời truyền cho các ngài phải làm cho mầu nhiệm này được tồn tại mãi ((x. GLCG 1353).

5) Việc tưởng niệm: nhờ việc tưởng niệm, Hội Thánh thi hành mệnh lệnh đã lãnh nhận từ Đức Kitô qua các Tông đồ, khi kính nhớ chính Đức Kitô và đặc biệt tưởng niệm cuộc Thương khó hồng phúc, sự Phục sinh vinh hiển và Lên trời của Người.

6) Việc dâng tiến: nhờ việc dâng tiến trong cuộc tưởng niệm này, Hội Thánh, và đặc biệt cộng đoàn đang quy tụ tại đây và lúc này, trong Chúa Thánh Thần, dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền. Hội Thánh muốn các tín hữu không những dâng của lễ tinh tuyền, mà còn học cho biết dâng chính mình, và, nhờ Đức Kitô làm trung gian, mỗi ngày một hiệp nhất hơn với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người.

7) Lời chuyển cầu: các lời chuyển cầu cho thấy hy lễ Thánh Thể được cử hành, trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, cả thiên quốc lẫn trần gian, và cho thấy lễ vật được dâng tiến để cầu cho chính Hội Thánh và mọi chi thể, còn sống cũng như đã qua đời, là những chi thể đã được kêu mời thông phần ơn cứu chuộc và ơn cứu độ do Mình và Máu Đức Kitô đem lại.

8) Vinh tụng ca kết thúc: đây là bài chúc tụng tôn vinh Chúa Cha, qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, được lời tung hô Amen của cộng đoàn củng cố và kết thúc. Tung hô Amen long trọng của dân chúng đáp lại sau Vinh tụng ca là một từ quan trọng nhất trong toàn bộ phụng vụ và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tất cả những lời tung hô. Lời Amen này là sự xác nhận của Dân Chúa đối với toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể.

V/ KỶ LUẬT

1) Chỉ được sử dụng các Kinh Nguyện Thánh Thể có trong Sách Lễ Rôma hay đã được Tông Toà phê chuẩn cách hợp pháp, theo những thể thức và giới hạn đã định. “Người ta không thể tha thứ cho một vài linh mục tự cho mình cái quyền soạn các Kinh Nguyện Thánh Thể” hay sửa đổi bản văn đã được Giáo Hội phê chuẩn, hay nữa chấp nhận những Kinh Nguyện Thánh Thể khác được soạn riêng (BTCĐ 51; x. QCSL 147).

2) Việc công bố Kinh Nguyện Thánh Thể, tự bản tính, là tột đỉnh của cả sự cử hành, được dành riêng cho linh mục căn cứ vào việc ngài đã được truyền chức. Như vậy, là một lạm dụng để cho một phó tế, một thừa tác viên giáo dân, hay một tín hữu hoặc toàn thể tín hữu, đọc một số phần của Kinh Nguyện Thánh Thể. Cho nên, Kinh Nguyện Thánh Thể phải được đọc hoàn toàn bởi linh mục, và chỉ bởi ngài mà thôi (BTCĐ 52; x. QCSL 147; Inaestimabile Donum, số 4).

3) Trong khi linh mục chủ tế đọc Kinh Nguyện Thánh Thể, “không có đọc kinh, cũng không có hát gì khác, cũng thế, đại phong cầm và các loại nhạc cụ khác phải im tiếng”, ngoại trừ các lời tung hô của dân chúng được phê chuẩn hợp lệ (x. BTCĐ 53; QCSL 32, 78, 147).

VI/ MỤC VỤ

1) Chủ tế nên dừng lại giây lát giữa lời nguyện tiến lễ và Kinh nguyện Thánh Thể nhằm phân biệt mục đích của hai phần này và cho phép ngài hồi tâm trước khi bước vào phần tâm điểm và cao điểm của toàn bộ việc cử hành mà đòi hỏi ngài cũng như cả cộng đoàn phải toàn tâm toàn ý (x. QCSL 78).

2) Vì lý do mục vụ và vì có tới 13 Kinh nguyện Thánh Thể, cho nên nếu chủ tế có ý định chọn một Kinh nguyện Thánh Thể nào khác với Kinh nguyện Thánh Thể II và III là những Kinh Nguyện tín hữu quen thuộc hơn cả, chính ngài hoặc phó tế nên nói ít lời giới thiệu vào thời điểm trước kinh Tiền tụng để dẫn vào Kinh nguyện Thánh Thể, nhưng không bao giờ được nói lời giới thiệu trong chính Kinh nguyện Thánh Thể (x. QCSL 31, 171d).[8]

3) Kinh nguyện Thánh Thể là tâm điểm và đỉnh cao của toàn bộ việc cử hành Thánh lễ. Trong phần này, linh mục mời cộng đoàn hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Kinh nguyện Thánh Thể đòi mọi người cung kính và thinh lặng lắng nghe, nhưng không phải lắng nghe cách thụ động mà là tích cực tham dự vào những gì vị tư tế đang đọc rõ ràng nhân danh tất cả (x. QCSL 78, 147; GLCG 1352).[9]

4) Thánh lễ là hiến lễ tạ ơn của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha. Trong tư cách đại diện Chúa Kitô cách bí tích, “Đấng là Đầu của thân thể là Hội Thánh” (Cl 1,8), linh mục chủ tế đọc/hát toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể. Cộng đoàn tham dự tích cực bằng cách đáp lại lời xướng của chủ tế trong phần đối thoại mở đầu kinh Tiền tụng, bằng cách hát/đọc kinh Sanctus, kinh Anamnesis (tung hô tưởng niệm sau truyền phép) và Amen long trọng (QCSL 147). Trong Thánh lễ đồng tế, các vị đồng tế đọc riêng (đồng tế I và đồng tế II) hoặc đọc chung với chủ tế một số phần của Kinh nguyện Thánh Thể (x. QCSL 227).[10]

5) Về việc hát và đệm đàn Kinh nguyện Thánh Thể, cần lưu ý những điểm sau: [i] Đang khi tư tế đọc Kinh nguyện Thánh Thể, không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác [như thời kỳ trước Công đồng Vatican II nữa] trừ khi đệm đàn cho cộng đoàn hát các phần tung hô như: Sanctus, tung hô tưởng niệm, vinh tụng ca – Amen long trọng;[11] [ii] Nếu tư tế hát, thì đàn có thể đệm theo. Vì Kinh nguyện Thánh Thể là hành động trọng tâm của toàn bộ cử hành, thêm nữa, để tôn cao sự hợp nhất và tầm quan trọng của toàn bộ kinh nguyện này, vào ngày Chúa nhật và những dịp lễ trọng, linh mục nên hát toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể hoặc ít ra là những phần được trù liệu hát trong Sách Lễ Rôma. Các vị đồng tế nên đồng thanh hát lên những phần có ghi nốt nhạc trong Sách Lễ. Còn cộng đoàn nên thường xuyên hát bất cứ khi nào có thể/trong mọi Thánh lễ 3 tung hô thuộc Kinh nguyện Thánh Thể [là tung hô Sanctus; tung hô tưởng niệm; tung hô Amen long trọng] nhưng phải có tính duy nhất về thể loại cho những yếu tố âm nhạc trong kinh nguyện (x. NTTL 32; QCSL 147, 32; MVTN 169-172; CHTL 134, 186);[12] [iii] Dù đọc hay hát Kinh nguyện Thánh Thể chung với chủ tế [bao gồm cả vinh tụng ca], âm lượng của các vị đồng tế không được áp đảo tiếng nói/âm giọng của chủ tế, nghĩa là lời từ chủ tế phải chiếm ưu thế và được dân chúng nghe thấy rõ nhất (x. QCSL 218, 236).[13] Đặc biệt, mọi tư tế phải đồng thanh đọc lời truyền phép, đừng tư tế nào đọc những lời này nhanh hơn mọi tư tế khác hầu tránh tình trạng khó xử về phương diện thần học mà thánh Tôma Aquinô và nhiều tác giả khác từng phải đối mặt trong thời Trung Cổ: đó là ai đã truyền phép?[14]

6) Giọng đọc của chủ tế không nên quá chậm hay quá nhanh, nhưng cần bình thản, khoan thai, và rõ ràng để mỗi từ, mỗi phần của câu có thể đến với tâm trí người tham dự. Nghĩa là, linh mục chú ý trong cách đọc theo cách thức cầu nguyện, và giúp người tham dự có thể nghe, hiểu được lời kinh phát ra từ môi miệng ngài.[15]

7) Tư tế không nên đọc toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể với âm giọng đều đều như nhau mà nên sử dụng những sắc thái khác nhau trong cung giọng của mình khi công bố những yếu tố khác nhau của Kinh Nguyện này.[16]

8) Các giáo xứ/cộng đoàn nên có khóa học để giúp tín hữu: [i] quen thuộc và hiểu rõ hơn bản văn của các Kinh nguyện Thánh Thể; [ii] ý thức rằng Kinh nguyện Thánh Thể không phải dành riêng cho tư tế nhưng là “thuộc về” mọi người và Kinh nguyện Thánh Thể phải trở thành phần trọng tâm linh đạo trong đời sống cầu nguyện của mỗi Kitô hữu.[17]

[1] Mauro Gagliardi, “The Priest and the Canon of the Mass” (5 MARCH 2010), acc. 08/02/2024, https://www.ewtn.com/catholicism/library/priest-and-the-canon-of-the-mass-9235.

[2] X. Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1999), 275.

[3] X. Robert L. Tuzik, Praying the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 105-14.

[4] Lucien Deiss, The Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), 67.

[5] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986), 209; Paul Turner, At the Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 97.

[6] Vaggagini, The Canon of the Mass, 84-107, trích trong Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 354.

[7] John Baldovin, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 401-403; Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 94.

[8] Sacred Congregation for Divine Worship, Eucharistiae Participationem [Circular Letter to the Presidents of the National Conferences of Bishops on Eucharistic Prayers] (27/04/1973), no. 14, www.evangelizationstation.com (bản tiếng Việt trong Tạp chí Phụng Vụ, số 17 (08/1973): 12); Peter Elliot, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 280.

[9] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 78.

[10] Edward McNamara, “Eucharistic Prayer for the Celebrant(s) Alone?” (6 July 2004), acc. 29/12/2023, www.ewtn.com.

[11] X. Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 536.

[12] X. Keith F. Pecklers, SJ, “Presiding at the LitWHĐ (15.04.2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.