Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B
Ngày 28/01/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Gíao xứ An Hòa

GIÁO HUẤN SỐ 9

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SỨ

Phúc thay những ai thương xót, vì họ sẽ được xót thương (tt)

Chúa Giêsu không nói : ‘Phúc cho những ai rắp tâm trả thù’. Người gọi là phúc đối với những ai tha thứ và ‘tha thứ ‘bảy mươi lần bảy’ (Mt 18,22). Chúng ta cần nghĩ về chính chúng ta như một đòan quân của những người được tha thứ. Tất cả chúng ta đều đã được lòng trắc ẩn của Thiên Chúa nhìn đến. Nếu chúng ta đến với Chúa với lòng chân thành và chăm chú lắng nghe, sẽ có những lúc nghe Người trách cứ : ‘Ngươi không phải thương xót đồng bọn như Ta đã thưuơng xót ngươi sao ‘ (Mt 18,13) ? Biết nhìn và biết hành động với lòng thương xót là thánh thiện (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 82).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA 

(Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28)

Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20

“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Mô-sê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Khô-rếp khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mê-ri-ba, như hôm ở Ma-xa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 32-35

“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con cái Thiên Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 21-28

“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

(Ðến thành Ca-phác-na-um) ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Hai cha Marques và Rhodes tới Cửa Bạng

Hãy hình dung đòan người Cửa Bạng (Thanh Hóa) kéo ra bờ biển nơi tầu buôn Bồ Đào Nha đậu : họ chỉ trỏ, hỏi nhau, bàn tán. Thế rồi, trong đoàn người Nước Ngoài kia, bỗng có kẻ lên tiếng bằng tiếng Việt, làm cho họ càng bỡ ngỡ. Kẻ đó là ai, ngoài Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), vì trong chuyến tầu này, chỉ có cha là người thông thạo tiếng Việt, hiểu biết phần nào phong tục và xã hội Việt Nam, nhờ đã sống ở Đàng Trong một năm rưỡi. Đàng khác, cha là người năng động, nhiệt tình, nên thừa dịp này, cha đã đối thoại ngay và đối thoại với dân Cửa Bạng.

Theo Rhodes thuật lại cuộc gặp đầu tiên và thú vị này, thì dân chúng hỏi : Đoàn người này là thứ người nào ? Từ đâu đến ? Mang hàng hóa gì tới ?… Nhà truyền giáo vừa trả lời họ, vừa thông dịch cho đoàn thương gia. Cha nói rõ đây là tầu Bồ Đào Nha mà khá nhiều nước Phương Đông biết đến, bây giờ họ chở đến Đàng Ngoài một viên ngọc quí, ai mua được nó sẽ trở nên giầu sang, hạnh phúc, giá lại rẻ, kẻ nghèo hèn nhất cũng mua được, chỉ cần có thiện tâm. Dân chúng nô nức, muốn nhìn cho được viên ngọc này. Nhưng cha phải nói ngay là, không thể nhìn được viên ngọc này bằng mắt thân xác, nhưng chỉ nhìn được bằng mắt tinh thần, tức là khi phân biệt được chánh tà. Thế rồi cha bắt đầu thao thao bất tận về Đức Chúa Trời đất…(Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Việt 1615- 1773, trang 128-129).

Bài giảng của cha Rhodes là bài giảng đầu tiên khi tới Cửa Bạng, BTM cũng là bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu ở Ca-phác-na-um.

Bài Tin Mừng (Mc 1,21-28) : BTM hôm nay là bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu. Cha Nguyễn Công Đoan viết : ‘Sau khi bố trí 4 môn đệ đầu tiên đi theo Đức Giêsu. Mc (Mác-cô) cho chúng ta chứng kiến ngày đầu tiên Người rao giảng trong hội đường của thành Ca-phác-na-um… Ca-phác-na-um là ngã tư quốc tế trên trục giao thương Đông-Tây, Nam-Bắc, nên là nơi thuận lợi để Tin Mừng có thể đi khắp bốn phương. Đức Giê-su sẽ đi khắp vùng Ga-li-lê, lên tới Tia và Si-đon, qua tới miền Thập Tỉnh ở bên kia Biển Hồ, nhưng Ngài đã chọn nơi này làm ‘trung tâm’, ‘nhà’ của Người ở đây (Người Này là Con Thiên Chúa, trang 40-41).

Đức Giáo hoàng Phanxicô thì giảng : ‘Phúc Âm Chúa nhật hôm nay (Mc 1,21-28) thuộc về một trình thuật rộng lớn hơn được gọi là ‘ngày làm việc tại Ca-phác-na-um’. Trọng tâm trình thuật hôm nay biểu thị cho biến cố trừ quỉ. Qua biến cố này, Đức Giêsu được giới thiệu như một vị tiên tri quyền năng trong lời nói và trong hành động (Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Tin Mừng Chúa Nhật  Năm B, trang 87).

Bài đọc 1 (Đnl 18,15-20) : Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết : ‘Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như Người để giúp chúng (c.18) ‘Ngôn sứ’ ở đây thật ra là cả một  hàng ngũ ngôn sứ sẽ xuất hiện để ngỏ lời với Ít-ra-en, như sẽ đọc thấy ở cuối đoạn văn (cc 20,22) Tuy nhiên Ít-ra-en còn chờ đợi một vị ngôn sứ nữa, cao trọng hơn tất cả và sẽ xuất hiện sau này, một vị ngôn sứ sẽ xuất hiện sau này, một vị ngôn sứ sẽ lãnh đạo toàn dân cũng như ông Mô-sê  đã làm. Khi ông Gio-an Tẩy Giả xuất hiện, một số người hỏi : : ‘Ông có phải là ngôn sứ không ? (Ga 1,21), và ngay từ thuở sơ khai, các Ki-tô hữu sẽ hiểu ra rằng  chính Chúa Ki-tô là vị ngôn sứ (Cv 3,22) (trang 292).

Bài đọc 2(1Cr 7,32-35) : Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết : Có lẽ thánh Phao-lô  ám chỉ những người ước muốn thử sống đời dâng hiến: đây là những trường hợp đã xảy ra  trong Giáo Hội sơ khai. Có những người cùng sống chung trong một mái nhà sau khi đã đính hôn với nhau, và cả hai thánh hiến mình cho Chúa, Nhưng họ cảm thấy khó giữ mình trinh khiết thì thánh Phao-lô khuyên họ  hủy bỏ lời cam kết ấy đi (trang 1980).

Sách ‘Thư Phao-lô’ của Matera viết : ‘Trọng tâm của bản văn là sự sùng kính Đức Chúa. Thánh Phao-lô muốn mọi tín hữu được giải thoát khỏi mọi nỗi lo âu đời thường vốn ngăn cản họ phụng sự Đức Chúa với lòng sốt mến. Trong khi những người không kết hôn được giải thoát khỏi  những lo âu như thế, thì những người đã kết hôn thường không được như vậy. Và ngay cả khi hôn nhân tạo ra những mối lo âu, thì đời sống hôn nhân của những người sống trong Đức Ki-tô vẫn là một cách diễn tả chân thật của  đời sống Ki-tô hữu (Nhóm Majorica dòng Tên chuyển ngữ, trang 120).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con

biết hết lòng thờ phượng Chúa

và thành tâm yêu mến mọi người.

Chúng con cầu xin

SUY NIỆM II

UY QUYỀN TRONG LỜI CHÚA

(Hội An 28/1/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

  Trước khi Chúa Giê-su đi rao giảng, giữa cộng đồng Israel có nhiều rabbi, nhiều kinh sư giảng dạy. Họ giảng dạy thế nào? Họ là những người rao giảng luật Môsê và nhân danh Mô-sê, chứ không do quyền năng của họ. Vả lại, như Chúa Giê-su nói về họ, họ là những người rao giảng nhưng không làm theo những lời họ giảng dạy, “họ nói mà không làm” (Mt 23,3). Vì thế, khi nghe Chúa Giê-su rao giảng, dân chúng đã so sánh vai trò thầy dạy của Chúa Giê-su với các kinh sư của họ, họ nói: “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Tại sao có sự khác biệt ấy? Tại sao lời rao giảng của Chúa Giê-su có uy quyền? làm thế nào để lời rao giảng của Giáo hội ngày nay có uy quyền?

  1. Chúa Giê-su giảng dạy như Đấng có uy quyền

            Người ta kinh ngạc về những lời Chúa Giê-su giảng dạy và những phép lạ Chúa làm. Thánh sử Mát-cô lưu ý đến cả hai, nhưng uy quyền ở lời giảng dạy của Chúa được chú trọng hơn. Trước hết, uy quyền trong lời Chúa xuất phát từ chính Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa, chứ không như các kinh sư phải dựa vào thế giá của Mô-sê. Uy quyền của Chúa không là sức mạnh của thiên nhiên, mà là uy quyền xuất phát bởi tình yêu trong Ngài.  Ngài là Đấng mà nhờ Ngài vạn vật được tạo thành, là Thiên Chúa xuống thế làm người tha thứ mọi tội lỗi của con người và chữa lành họ bằng tình yêu nơi chính Ngài. Quyền uy nơi Ngài là quyền uy Thiên Chúa và Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, nên lời của Ngài giảng dạy là lời có uy quyền của Thiên Chúa. Vì là Thiên Chúa, nên lời của Chúa Giê-su là lời của Thiên Chúa, lời chạm đến trái tim của người nghe và có quyền năng cứu rỗi người đón nhận. Satan cũng biết lời Chúa có quyền năng cứ rỗi con người, nên nói: “Ông đến tiêu diệt chúng tôi sao?” Satan biết Chúa đến trục xuất nó ra khỏi con người để cứu rỗi con người.

            Vả lại, một trong những đặc điểm của Chúa Giê-su là lời Ngài rao giảng là lời sự thật: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), lời hợp nhất với ý muốn của Chúa Cha. Ngài không tự mình mà nói, nhưng Chúa Cha, Đấng ở trong Ngài đang nói (x. Ga 14,10). Vì thế, lời Chúa Giê-su rao giảng luôn hợp với ý muốn của Chúa Cha. Đó là lý do những lời Chúa Giê-su rao giảng thì Ngài thực hiện và có uy quyền Thiên Chúa. Vì là sự thật , là lời Thiên Chúa, lời có quyền uy Thiên Chúa và là lời cứu độ, nên lời của Chúa Giê-su có quyền năng tha thứ, chữa lành và phục hồi người bị quỷ ám giữa hội đường, điều đó làm cho mọi người ngạc nhiên về lời của Ngài.

            Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn lời của Ngài rơi vào khoảng không thoáng qua, nhưng “như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất… thì lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh hoa kết quả” (Is 55,10-11). Chính Chúa dùng lời của Ngài bắc nhịp cầu băng qua mọi phân cách và cho chúng ta có khả năng biết nghe và đáp ứng lời Chúa, nên chúng ta không thể hiểu được tâm lòng của Thiên Chúa và không hiểu được chính mình nếu ta không chịu đón nhận cuộc đối thoại với lời Chúa.

  1. Để lời giảng dạy của Giáo Hội có uy quyền

            Giáo Hội càng hiểu uy quyền của lời Chúa bao nhiêu, Giáo Hội càng nỗ lực chu toàn sứ mạng loan báo lời Chúa bấy nhiêu. Giáo Hội tin lời Chúa có quyền uy thay đổi tâm hồn và cuộc đời con người, biến đổi lòng nghiêng chiều về những khuynh hướng xấu thành lòng khát khao những điều tốt lành, thiện hảo. Lời Chúa có quyền năng biến đổi con người. Vì thế, khi thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình, Ki-tô hữu loan báo lời Chúa cho người nghe, chứ không loan báo lời của mình, cha mẹ dùng lời Chúa dạy bảo con cái, chứ không dùng ý riêng của mình hay ý của đám đông thời đại, giáo lý viên dạy cho các học viên biết và tiếp xúc với lời Chúa, chứ giờ học giáo lý không là thời giờ giải trí vô bổ do tài hoạt náo của giáo lý viên. Chính đức tin đòi hỏi Giáo Hội và mỗi Ki-tô hữu trong vai trò của mình như thế, một đức tin đến từ lời Chúa Giê-su mà họ nghe được và suy niệm hằng ngày. Thật tai hại cho công cuộc loan báo Tin Mừng khi các Ki-tô hữu không khởi đầu từ nơi mình việc nghe và suy niệm lời Chúa hằng ngày và chúng ta không ngạc nhiên vì sao công cuộc loan báo Tin Mừng chưa gặt hái được nhiều kết quả. Cũng chỉ vì Ki-tô hữu chưa để uy quyền của lời Chúa thấm nhuần và biến đổi ta, nên lời loan báo của chúng ta không còn là lời đầy uy quyền biến đổi của Chúa, mà là lời của con người và là lời không phù hợp với lời Chúa dạy. Thánh kinh cho thấy chính vì tội lỗi trú ngụ và rình rập trong tâm hồn con người mà con người khước từ nghe lời Chúa.

Vì thế, để lời Giáo Hội rao giảng có uy quyền, để lời các mục tử và cha mẹ, các giáo lý viên và mọi Ki-tô hữu có uy quyền biến đổi tâm hồn người nghe, mọi tín hữu phải thường xuyên đọc Tin Mừng, vì Sách Tin Mừng là lời Chúa cung cấp dưỡng chất cho tâm hồn, là nguồn mạch trường tồn cho đời sống thiêng liêng và làm biến đổi người loan báo lẫn người nghe. Đó là lý do Đức Phanxicô khuyên nhủ mọi Ki-tô hữu đừng quên đọc lời Chúa hằng ngày, đi đâu cứ việc ưu tiên mang theo sách Phúc Âm trước các vật dụng khác. Nhờ đó, lời chúng ta loan báo đích thực là lời Chúa, lời có uy quyền biến đổi và là mật mã “password” để mở cửa cho mọi hoạt động và mọi bổn phận của ngày mới.

Lạy Chúa, xin cho lời quyền uy của Chúa chạm đến trái tim của Giáo hội, chạm đến trí khôn và nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng con, làm biến đổi chúng con theo lời Chúa. Xin cho chúng con say mê loan báo lời Chúa trong gia đình và mọi nơi chúng con hiện diện, để ai nấy được nghe lời Chúa và được hưởng uy quyền biến đổi của lời Chúa.

SUY NIỆM III

XIN CỨU CHÚNG CON KHỎI QUỶ DỮ

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trước hết, thiết tưởng cần phân biệt ma và quỷ khác nhau chứ không phải là một mà người Việt Nam chúng ta thường gọi chung với nhau là ma quỷ. Thật ra Ma, theo lối hiểu thông thường, là hồn người chết hiện về do sự cho phép đặc biệt của Chúa, để đương sự nhắn bảo một điều gì đó với người sống, hay do ủy nhiệm riêng Chúa trao phó cho đương sự, như thỉnh thoảng nghe nói linh hồn này hay linh hồn kia trở về dương gian trong một vài tích truyện. Còn Quỷ sách giáo lý dạy Qủy là loại thiên thần sa ngã không vâng lời Thiên Chúa, tự ý tách mình không muốn lệ thuộc Thiên Chúa, đã bị Thiên Chúa đày xuống hỏa ngục và thường cảm dỗ con người phạm tội, chống lại ý Chúa và làm cho ta mất ân nghĩa với Chúa. Cho nên, trong các Sách Tin Mừng luôn viết là quỷ dữ (an unclean spirit), như Máccô hôm nay gọi là thần ô uế.

Như vậy, quỷ có thật, chúng vẫn có mặt và hoạt động trên trần gian này. Nhưng sự xuất hiện của chúng tinh vi, kín đáo, khéo léo, nên người ta tưởng rằng dường như chúng không có nhưng chúng luôn cám dỗ, quấy nhiễu con người và làm cho con người sợ hãi mà bỏ Chúa và bỏ cả việc phụng sự Chúa… Thật ra chúng ta không nên sợ những con quỉ có sừng hay có đuôi đe dọa. Chúng ta nên sợ Satan đội lốt thiên thần ánh sáng, lắm mánh khóe và lắm trò bịp bợp. Nó biến chúng ta thành tay sai cho nó ngay chính lúc chúng ta tưởng rằng mình đang phụng sự Thiên Chúa.

Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác trước những quyến rũ ngọt ngào, những hứa hẹn hấp dẫn của nó. Con đường dẫn tới Nước Trời phải là con đường nhỏ hẹp khó đi. Thế nhưng có nhiều người tín hữu hôm nay không tin vào sự hiện diện của quỉ dữ.  Nếu đọc lại Phúc Âm, chúng ta sẽ thấy quỉ quả thực là một thực tại mầu nhiệm, đang hiện hữu và hoạt động nhằm làm băng hoại con người. Nó không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là một quyền lực cụ thể đang bành trướng trong thế giới. Chúng ta thấy trong Tin Mừng gọi quyền lực này là Belzebuth, là Lucifer, là con rắn xưa, là tên dối trá, là kẻ cám dỗ… Tất cả chỉ là một thực tại duy nhất muốn phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa và đưa con người vào vòng nô lệ tội lỗi. Cho nên, chúng ta cần phải nhận ra quyền lực của quỉ dữ để hiểu được cái mỏng giòn yếu đuối của thân phận con người, và từ đó đón nhận ơn giải thoát của Đức Kitô…vì chưng Đức Kitô là người có quyền năng phép tắc mạnh mẻ hơn chúng nhiều. Ngài đã phục sinh ngay lúc tử thần đang huênh hoang vì đã tiêu diệt được Ngài vì thế Satan đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi, còn Đức Kitô thì giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Chiến thắng của Ngài là bảo đảm cho chiến thắng của nước Thiên Chúa vào ngày sau hết và cũng là bảo đảm cho chiến thắng của chúng ta hôm nay, giữa những cuộc đối đầu với tên thủ lãnh của thế gian này là quỷ dữ.

Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy biết bao nhiêu hình thức nô lệ, biết bao nhiêu xiềng xích của ác thần đang trói buộc con người, mà nhiều lúc con người không nhận ra: nô lệ cho quyền lực, nô lệ cho tình dục, nô lệ cho ma túy, nô lệ cho cờ bạc, nô lệ cho rượu chè, nô lệ cho nghiện ngập điện thoại mà bỏ bê công ăn việc làm hay là bỏ cả Chúa nữa, nô lệ cho nghiện game, no lệ cho những thú vui tội lỗi…

Khi nhìn vào bản thân, chúng ta thấy mình cũng ít nhiều sống dưới sự thống trị của quỷ dữ hay ác thần, mặc dầu mỗi năm vào đêm Phục sinh, chúng ta vẫn lặp lại lời tuyên xưng từ bỏ quỷ dữ và những gì thuộc về nó. Trong thực thực tế thần ô uế vẫn còn cám dỗ chúng ta mỗi ngày qua giác quan, qua lời ăn tiếng nói, qua trí tưởng tượng, qua lòng tham lam, qua những tương quan lệch lạc, qua những lọc lừa gian dối, qua việc lừa biếng tham dự thánh lễ, qua những khinh khi những người khốn cực nghèo nàn đói rách khuyết tật… Chẳng hạn, con quỷ kiêu hãnh ở trong nhiều người chúng ta. Chúng ta phải đánh bại nó hoài và mọi lúc. Nhưng chúng ta phải luôn cảnh giác kẻo nó đưa chúng ta lên khi nghĩ rằng chúng ta thật là một nhân vật quan trọng do công nghiệp của riêng mình. Quỷ mê ăn uống, nó cố gắng làm chúng ta ăn uống thái quá, nhất là uống rượu quá độ. Nó không bao giờ từ bỏ ý định xô đẩy chúng ta ra khỏi tinh thần tiết độ. Quỷ khoái lạc là một con quỷ luôn cảm dỗ chúng ta xem  phim ảnh xấu, ra tòa án ly dị, sách báo đồi trụỵ…. Bất chấp quỷ dữ đến với chúng ta dưới hình thức nào. Chúng ta luôn luôn có thể nương tựa vào Đức Kitô, Chúa của chúng ta, Đấng toàn năng phép tắc, Đấng đã chiến thần dữ. Trên trần gian Chúa chúng ta đã trừ quỷ nhiều lần trong đời Ngài như trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng Satan vẫn trở lại, và thành công trong việc giết Đức Kitô trên thập giá. Xem như quỷ đã hoàn toàn thắng. Nhưng sự Phục Sinh đã đem lại cho Đức Kitô sự chiến thắng.

Trong mỗi thánh lễ, cuộc chiến long trời, lở đất này tái diễn: Đức Kitô chết – Đức Kitô sống lại, chúng ta được thêm sức mạnh và can đảm để xua đuổi thần ô uế, ác thần ra khỏi cuộc sống của mỗi người. Hãy chạy đến với Chúa và kêu cầu: xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

Nguồn: giaophancantho.org

  1. CHÚA GIÊSU GIẢNG DẠY VÀ HÀNH ĐỘNG CÓ UY QUYỀN

Kenneth L. Woodward viết trên tạp chí Newsweek, cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về ý nghĩa của sự xuất hiện của Chúa Giêsu trong thế giới chúng ta. Ông viết: “Cho dù chúng ta muốn hay không, cuộc đời Đức Kitô đã hoàn toàn biến đổi nền văn hóa của nhân loại trên khắp thế giới. Trước khi Chúa Giêsu đến, thế giới được cai trị bởi chủ  thuyết “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Nhưng lời dạy của Chúa Giêsu về sự khiêm nhường, về phục vụ, đưa luôn má kia… đã định lại cái nhìn của chúng ta về tính cách con người, về chiến tranh, về giới tính. Chúa Giêsu dấn thân phục vụ người nghèo, phụ nữ và trẻ em đã mở ra con đường cho các quyền con người và bình đẳng cho phụ nữ. Hôn nhân trở nên bình đẳng hơn. Ở La Mã cổ đại, việc giết trẻ sơ sinh nữ là một thói quen phổ biến trong các gia đình. Nhà xã hội học Rodney Stark cho biết rằng có bằng chứng cho thấy trong số khoảng 600 gia đình La Mã cổ đại, chưa đến một chục gia đình có nhiều hơn một con gái. Nhưng các Kitô hữu coi trọng mạng sống của tất cả mọi người, dù là nam hay nữ, và cấm giết bất kỳ trẻ em nào”.

* Nhưng cuộc canh tân này vẫn chưa hoàn tất. Chúng ta như còn đang sống trong một thế giới tiền Kitô giáo. Vẫn còn quá nhiều hận thù, bạo lực, nhân phẩm bị coi thường. Là người môn đệ Chúa Giêsu chúng ta hãy mạnh dạn dấn thân cho nỗ lực đổi mới này.

  1. THẾ GIỚI CỦA CHÚNG TA VẪN CÒN BỊ QUỶ ÁM?

Thế giới thời Chúa Giêsu là một thế giới bị bao trùm bởi quỷ ám. Đàn ông và phụ nữ trong thế giới cổ đại đều tin vào ma quỷ. Ma quỷ đối với họ là một quyền năng mạnh mẽ cụ thể. Thế giới trong những thế kỷ đầu tiên là một thế giới thống khổ và đau thương. Không có nhiều phương thế để giảm bớt đau khổ. Đó là một thế giới mà những thảm họa thiên nhiên đã gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống. Bệnh tật, ngay cả bệnh nhẹ nhất cũng có thể gây tử vong. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao. Tuổi thọ ở vào khoảng giữa bốn mươi. Bởi vì họ không biết nguyên nhân của thiên tai, tai họa và bệnh tật, người dân đã liên kết những tác họa này với ma quỷ. Chúng ta sống trong thế giới hiện đại khó có thể nhận ra sức mạnh và ảnh hưởng của ma quỷ đối với cuộc sống con người vào thế kỷ đầu tiên. Nhưng khi nói đến cái ác và ma quỷ, liệu có quá nhiều khác biệt giữa thế kỷ thứ nhất và thứ 21 chúng ta không? Chúng ta không thể coi cái ác như một hiện tượng của riêng thế kỷ thứ nhất. Nó vẫn còn hoạt động với sức mạnh hủy diệt trong thế giới cũng như trong tâm hồn chúng ta hôm nay. Trong một đời người, chúng ta đã chứng kiến những cuộc tàn sát trong Thế chiến II, thảm sát người Do Thái, diệt chủng ở Campuchia và ở Jonestown, thanh lọc sắc tộc ở Bosnia, lạm dụng trẻ em ở Mỹ, các vụ đánh bom tại Tháp đôi của New York và Thành phố Oklahoma. Nhóm khủng bố Boko Haram và ISIS tàn bạo… Ai có thể phủ nhận rằng thế kỷ của chúng ta không bị quỷ ám?

  1. SAO ÔNG KHÔNG BƯỚC RA KHỎI VÁN?

Stephen Brown kể về một người đàn ông đang ngồi trên một cái ván đóng đinh, và nó làm cho ông đau đớn. Một nhà tâm lý học đến và nói: “Thưa ông, lý do khiến ông bị tổn thương bắt nguồn từ những chấn thương thời thơ ấu. Ông cần trị liệu”. Sau đó, một nhà xã hội học đi đến, nhìn thấy người đang bị đau ông nói: “Bạn gặp vấn đề, và rõ ràng đó là hậu quả của môi trường mà bạn lớn lên. Tổn thương gây ra từ một môi trường không thích hợp.” Một nhà kinh tế tiếp theo đến và nói: “Tiền là gốc rễ của mọi tổn thương. Hãy để tôi giúp bạn kiếm tiền đầy ví của bạn”. Sau đó, một mục sư đi đến và nói: “Nếu ông học cách ngợi khen Chúa trong mọi hoàn cảnh, ông sẽ không bị tổn thương nhiều như vậy. Đời sống thiêng liêng của ông giúp đạt được điều gì đó mong muốn. Hãy bắt đầu đọc Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi ngày, rồi tình trạng sẽ trở nên tốt hơn”. Cuối cùng, một cô bé đến và nói: “Thưa ông, tại sao ông không xuống khỏi ván?”

* Một số người trong chúng ta không muốn nhìn thẳng vào vấn đề để giúp người khác. Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ ám ngay khi Người nhìn thấy ông này trong hội đường.

  1. UY LỰC CỦA LA MÃ

Antiôchô IV Ephiphanes, vua nước Syria, rất thèm muốn Ai Cập. Ông đã tập hợp một đội quân đông đảo và tiến chiếm đất nước đó vào năm 168 TCN. Nhưng ông đã bị bẽ mặt nặng nề: người La Mã yêu cầu ông trở về nước. Họ không cần phải gửi một đội quân nào để chống lại ông. Đó là sức mạnh của La Mã mà họ không cần đến ngay trong trường hợp này. Họ cử một viên chức viện nguyên lão tên là Popilius Laena với một nhóm tùy tùng không trang bị vũ khí. Popilius và Antiôchô gặp nhau tại ranh giới của Ai Cập. Họ cùng thảo luận; cả hai đều biết rõ La Mã và họ tỏ ra rất thân thiện. Sau đó, Popilius rất nhẹ nhàng nói với Antiôchô rằng La Mã không muốn vua tiếp tục chiến dịch và mong ông rút quân về nước. Antiôchô nói rằng để ông xem xét vấn đề này. Popilius lấy cây quyền trượng và vẽ một vòng tròn trên cát quanh chỗ Antiôchô đứng. Ông nói một cách lặng lẽ: “Hãy suy nghĩ ngay bây giờ; ông sẽ cho tôi quyết định của ông trước khi ông bước ra khỏi vòng tròn này.” Antiôchô suy nghĩ một lát và nhận ra rằng không thể thách thức La Mã. Ông nói: “Tôi sẽ về nước”. Đó là một nỗi nhục nhã cho một vị vua. Nhưng đó là quyền lực và thẩm quyền của Caesars La Mã.

* Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe biết về một Đấng thực thi uy quyền của mình- không phải quyền lực chính trị, mà là uy quyền của Thiên Chúa. Không phải để khuất phục bất kỳ ai khác mà để phục vụ và giải thoát con người.

  1. MA QUỶ HOẠT ĐỘNG

Một du khách đứng trước Nhà thờ Đức Bà Paris, chiêm ngưỡng công trình kiến ​​trúc nổi tiếng với các bức tượng tuyệt đẹp của nó. Một người dân Paris tiến lại gần và hỏi một câu có vẻ kỳ quặc: “Ông có thấy điều gì thú vị ở đó không?” Khách du lịch trả lời: “Tại sao không? Nó rất tạo ấn tượng và đem lại nhiều cảm hứng.” Người mới đến này hướng dẫn khách và chỉ vào một nhóm hoa văn khắc tạo một linh hồn đang được cân trong cái cân công lý: “Ông hãy nhìn kỹ vào những hình tượng kia”…Hãy để ý thiên thần đứng một bên và Satan ở bên kia. Ma quỷ có vẻ ngoài mong muốn sự công bằng, công lý và sự  trung thực, phải không?” Khách du lịch thừa nhận: “Đúng! nhưng tôi không thấy có điều gì khác thường về điều này.” Người Paris đề nghị: “Ông hãy nhìn kỹ hơn một chút, nhìn dưới cái cân đó.” Và khách du lịch đã nhận ra. Đúng rồi! Dưới cái cân bên phía Satan là một con quỷ nhỏ đang kéo cái cân xuống. Đó là cách hoạt động của ma quỷ. Nếu chúng ta quyết định từ bỏ một thói quen xấu nào đó, hoặc nếu chúng ta quyết định theo sát Chúa hơn, dường như Satan sẽ tránh sang một bên và thừa nhận thất bại của mình. Nhưng nó chỉ giả vờ. Thật sự nó luôn hoạt động bí mật từ một góc độ khác. Đây là lý do tại sao chúng ta là phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện. Cám dỗ có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào, ngay cả sau một chiến thắng về mặt thiêng liêng, vì trận chiến thiêng liêng không bao giờ kết thúc.

* Thánh Phêrô đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy dứng vững trong đức tin mà chống cự”. (1 Pr 5,8)

  1. DOSTOEVSKY VÀ CON QUỶ CỜ BẠC

Tiểu thuyết gia người Nga, Feodor Dostoevsky được mệnh danh là “bậc thầy về tâm hồn con người” nhờ những hiểu biết sâu sắc về tâm lý, nhưng ông lại gặp khó khăn trong việc làm chủ cam kết của chính mình. Một “con quỷ” đã làm phiền anh ta là thói nghiện cờ bạc. Cơn nghiện bắt đầu khi Dostoevsky bước vào một sòng bạc và đặt cược vào vòng quay roulette. Anh ấy đã thắng – và nhờ thế những khó khăn tài chính của anh đã kết thúc. Tuy nhiên, anh ta đã không dừng lại khi đang thắng; anh ấy tiếp tục chơi và cuối cùng lại mất tất cả. Trong cơn tuyệt vọng, anh ta đã cầm cố nhẫn, đồng hồ và áo khoác của mình. Rồi anh ta lại mất hết số tiền đó. Sau đó, anh ta cảm thấy đau khổ, không chỉ vì thua lỗ, mà vì nhận thấy mình sống thiếu lí trí khiến dẫn đến hành động mù quáng. Anh quyết tâm không bao giờ đánh bạc nữa. Anh thề với vợ sẽ bỏ cờ bạc, nhưng đó lại là một lời hứa mà chị đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Cờ bạc không chỉ khiến Dostoevsky chìm sâu vào nợ nần chồng chất mà còn đe dọa cuộc hôn nhân và gia đình của anh. Tình trạng này tiếp tục trong nhiều năm. Một ngày nọ, mọi thứ tưởng đã thay đổi. Nhưng Dostoevsky đã gom góp một số tiền tương đương vài trăm đô la. Anh tính toán cẩn thận phần nào mình sẽ mạo hiểm và phần nào để tiết kiệm. Nhưng cũng như mọi khi, sự điên cuồng đã lấn át anh ta, và anh ta không chỉ đánh cược mọi thứ mà còn hỏi mượn những người đánh bạc cho anh ta vay thêm tiền, trao cho họ một số quần áo làm tài sản thế chấp. Khoảng chín giờ rưỡi tối, anh ta bước ra khỏi sòng bạc, cảm thấy vô cùng hối hận. Ngay lúc đó, anh quyết định tìm đến một linh mục để xin xưng tội. Sau đó, anh viết: “Tôi như thể bị dội một gáo nước lạnh vào người. Tôi chạy về nhà…” Kể từ ngày đó trở đi, anh ta không bao giờ vào một sòng bạc nào nữa và đã sống những năm làm việc hiệu quả nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình.

* Chúng ta không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với Dostoevsky vào đêm hôm đó. Nhưng bằng cách nào cơn nghiện của anh ta đã bị cắt đứt thì chắc chắn có liên quan đến sự thôi thúc của anh muốn thú nhận tội lỗi và tìm sự tha thứ của Chúa. Và điều này như một con quỷ ô uế đã bị đuổi khỏi anh ta.

  1. SÁCH GIÁO LÍ NÓI VỀ BÙA NGẢI

Giáo hội luôn cảnh báo tất cả con cái của mình chống lại việc thử nghiệm các thực hành huyền bí. Những thứ này được phổ biến và chấp nhận trong xã hội của chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là nó vô hại cho đức tin của chúng ta. Sách Giáo lí Công giáo ghi: “Các thực hành ma thuật hay pháp thuật mà người ta muốn dùng để chế ngự các sức mạnh bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác – dù là để chữa bệnh – đều nghịch lại nhân đức thờ phượng cách nghiêm trọng. Các việc này càng đáng lên án hơn, khi có dụng ý làm hại người khác, hay cậy nhờ đến sự can thiệp của ma quỷ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường gồm các thực hành bói toán hay ma thuật. Hội Thánh cũng khuyên các tín hữu phải xa lánh việc đó. Khi dùng các phương thuốc gọi là gia truyền, không được kêu cầu các quyền lực sự dữ, cũng không được lợi dụng sự cả tin của những người khác.” (GLHTCG 2117)

* Khác xa với những trò tiêu khiển vô tội vạ, những hoạt động này mâu thuẫn trực tiếp với đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô, vì chúng tìm kiếm sự hoàn thiện, ý nghĩa và mục đích ngoài Thiên Chúa.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm