Chúa Nhật Phục Sinh Năm B


CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Ngày 31/3/2024

GIÁO HUẤN SỐ 18

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính,

vì Nước Trời là của họ.

Dù chúng ta có thể kinh nghiệm sự mệt mỏi và khổ sở nào đi nữa trong việc sống huấn lệnh yêu thương và theo đuổi con đường công lý thì thập giá vẫn là nguồn tăng triển và thánh hóa của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên rắng khi T6an Uớc bảo chúng ta sẽ phải chịu khổ sở vì Tin Mừng, thì đó chính là nói đến sự bách hại (x. Cv 5,41; Pl 1,29; Cl 1,24; 2Tm 1,12; 1Pr 2,20.4,14-16; Kh 2,10).

Ở đây chúng ta đang nói về sự bách hại không tránh được, chứ không phải loại bách hại mà có thể chúng ta tự gây cho mình qua việc ngược đãi của người khác. Nên thánh không phải là trở nên kỳ quặc và xa cách làm cho người ta không thể chịu nổi do thói kiêu căng, do tính chất tiêu cực và sự cay đắng của mình. Các tông đồ của Đức Ki-tô không giống như thế. Sách Công vụ Tôn đồ lặp đi lặp lại rằng các ngài ‘được toàn dân yêu mến’ (2,47;4,21-33; 5,13), mặc dù một số giới cầm quyền  gây phiền nhiễu và bách hại các ngài (x. 4,1-3; 5,17-18) (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 92&93).

LỜI CHÚA

(Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Lc 24,13-35)

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phê-rô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê-a, khởi đầu từ Ga-li-lê-a, sau khi Gio-an rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giê-su thành Na-da-rét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giê-ru-sa-lem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Ít-ra-en, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

 

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Ki-tô ngự”.

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Ki-tô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Ki-tô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Ki-tô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Ki-tô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Ki-tô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Ki-tô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Ki-tô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Ma-ri-a, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Ki-tô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Ga-li-lê-a.

Chúng tôi biết Ðức Ki-tô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

 

Alleluia: 1 Cr 5, 7b-8a

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Ki-tô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Ngày đầu tuần, Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Si-môn Phê-rô và người môn đệ kia được Chúa Giê-su yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phê-rô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phê-rô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Si-môn Phê-rô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

 Lễ Phục Sinh 1657

Từ khi lãnh nhận trách nhiệm chỉ huy giáo đoàn xứ Nam thay cha Saccano, cha Rivas làm hết cách để có thể đi thăm các họ đạo một lượt suốt từ Bắc xuống Nam. Biết ý Hiền Vương muốn các cha làm trung gian để nối lại liên lạc với người Bồ, cha Rivas vịn cớ đó lên Cát Dinh nơi Hiền Vương đang đóng quân. Trên đường cha sẽ thăm các họ đạo . Cha Rivas đến họ Trà Bát vào đúng dịp lễ Phục Sinh 1657. Giáo dân ở vùng chung quanh đến gặp cha rất đông. Đêm thứ bảy Tuần Thánh có tới 400 người đến dự lễ. Cha phải bỏ thuyền lên bộ, bí mật hội họp giáo dân  ở trong một nhà đúc súng gần đấy. Hôm ấy là phiên gác của một quân nhân có đạo. Ngày lễ Phục Sinh cha rửa tội cho một quân nhân có tên tuổi trong quân đội, lấy tên thánh Phaolô, và một bà chị quan cai bạ, tên thánh Maria.

Sau lễ Phục Sinh cha ở lại Cát Dinh để nhận lệnh vào yết kiên Hiền Vương. Đang khi chờ đợi cha nhận được thư của một quan lớn trong triều yêu cầu cha đến chữa  một vết thương cho ông. Là cố vấn tin tưởng của Hiền Vương, vương đã sai nhiều danh y đến chữa, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Một thầy giảng tên là Phaolô giới thiệu, ông được biết cha Rivas đang ở Cát Dinh, biết nhiều phương pháp trị bệnh  của Tây phương. Được vương cho phép, cha bỏ Cát Dinh đến tư thất.  Đến nơi cha lập bàn thờ và dâng thánh lễ. Vừa săn sóc trị bệnh cho quan, cha vừa giảng đạo cho vợ con và gia nhân của ông. Được tin báo, vương bằng lòng cho cha trở về Macao, để thương thuyết với người Bồ, cha liền biên thư cho cha Marquez ở Cửa Hàn lên tiếp tục săn sóc quan cố vấn.

Kỳ Phục Sinh vừa qua Cha Marquez cũng tổ chức lễ long trọng ở Cửa Hàn. Trong nhà bà Maria (Ngọc Liên) gần đấy (Thanh Chiêm) có gần 500 giáo dân  đến dự các nghi lễ Tuần Thánh. Họ cảm động sốt sắng, nhất là trong nghi lễ rửa chân. Cha Marquez thay cha Rivas đến săn sóc quan cố vấn. Trong 3 tuần lễ bệnh tình thuyên giảm rất nhiều. Vương biết tin liền gọi cha Marquez đến ban khen. Được tín, vương mời cha đến chữa bệnh cho quan Quảng Nam. Quan trấn Quảng Nam khỏi bệnh, đã cho phép cha đi thăm các họ đạo…

Các cha và giáo dân được qua một thời kỳ yên ổn dễ thở. Nhà ở Hải Phố bị tịch thu được trả lại và một nhà thờ được xây cất (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 209-211).

Bài đọc 1 (Cv 10,34a.37-43) : Ông Phê-rô ở lại với cộng đoàn Gia-phô khá lâu. Một sự việc mới mẻ đánh dấu bước tiến mới trong việc loan báo Danh Chúa Giê-su : một viên sĩ quan của quân đội Rô-ma thường trú tại cảng Xê-da-rê được ơn đón nhận Tin Mừng và chính ông Phê-rô là người xác nhận ơn Chúa ban cho người dân ngoại này. Trình thuật rất tỉ mỉ (suốt chương 10) về việc gia đình viên sĩ quan Cô-nê-li-ô  được ơn cứu độ đặt ông Phê-rô vào vai trò bản lề giữa hai giai đoạn loan báo ơn cứu độ : loan báo cho dân Cựu Ướcloan báo cho dân ngoại. Ở đây khác với ở Sa-ma-ri. Thánh Thần xuống trên dân ngoại đang khi ông Phê-rô giảng và biểu lộ như đã xảy ra tại Giê-ru-sa-lem hôm lễ Ngũ Tuần khiến ông và 6 người tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đi với ông, nhận ra ý Thiên Chúa là ban Thánh Thần xuống trên các dân ngoại nữa’ (Nguyễn Công Đoan, Sách Công Vụ Tông Đố, trang 117-118).

Bài Tin Mừng (Lc 24,13-35) BTM nói cuộc hiện ra của Chúa Giê-su sống lại. Hai tông đồ trên đường về Em-mau nhận ra Chúa qua Thánh lễ : 1/ Kinh Thánh : “Khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao” (Lc 24,32) và 2/ Thánh Thể : “Khi dồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24, 30-31);

Bài đọc 2 (Cl 3,1-4) : Thư thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Cô-lô-sê nói về bí tích rửa tội. Dấu hiệu rửa tội thời các tông đồ là dìm xuống nước. Những người nghe Tin Mừng, tin một Thiên Chúa thật : ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần. Người tân tòng dìm xuống nước là được sạch tội, được chôn xuống mồ với Chúa Ki-tô, lên khỏi nước là được sống lại với Đức Ki-tô sống lại (Kevin O’Sullivan, The Sunday Readings B, trang 163)

Cầu nguyện

Lạy Cha từ ái,

Ngày hôm nay, Đức Giê-su Ki-tô đã đánh bại thần chết,

khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời

Nay chúng con đang hoan hỉ mừng Người sống lại,

xin ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới,

để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Đấng Phục Sinh,

Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

SUY NIỆM II

CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH HÔM QUA VÀ HÔM NAY

(Hội An 31/3/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú.

            Mỗi thánh sử tường thuật biến cố Chúa sống lại theo mỗi cái nhìn của mình, nhưng có một điểm chung của các bài tường thuật, đó là không một ai tin vào Tin Mừng Chúa sống lại khi lần đầu được nghe nói. Không một ai. Ngay cả các tông đồ là những người có nhiều năm tháng gần gũi với Chúa Giê-su, được nhiều lần nghe Chúa nói ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại, họ vẫn nghi ngờ khi nghe loan báo Chúa đã sống lại. Dù con người có sẵn sàng đón nhận Tin Mừng Chúa sống lại hay không, Chúa Giê-su vẫn sống lại từ cõi chết.

  1. Chúa Giê-su đã sống lại

            Không một ai vui mừng chào đón Chúa vào ngày Chúa sống lại từ cõi chết. Bà Maria Mađalêna và các phụ nữ ra mộ sớm chỉ để xức xác Chúa, chứ không ai trong họ sẵn sàng đón cuộc sống lại của Chúa. Các thánh sử tóm tắt tâm trạng của họ bấy giờ với quả quyết: “họ không tin”, “họ nghi ngờ.” Những phụ nữ này không chối bỏ Chúa như Phê-rô chối bỏ. Họ cũng không tránh né cuộc khổ nạn thánh giá của Chúa Giê-su, nhưng họ lại chạy khi thấy mồ trống. Vì thế, nếu chúng ta cũng như họ sợ hãi chạy trốn khỏi cuộc phục sinh của Chúa, tránh né gặp Đấng Phục Sinh, chúng ta sẽ chỉ thấy ngôi mộ trống, sẽ làm cho chút tình yêu Chúa trong chúng ta chết yểu.

            Dù vậy, dù chúng ta có sẵn sàng đón Chúa sống lại hay không, Chúa Giê-su vẫn sống lại như lời thánh kinh. Chúa không chờ đợi cho đến khi chúng ta sẵn sàng hay để cho chúng ta có đủ thời giờ chuẩn bị hơn rồi mới sống lại. Chúa cũng không chờ cho mọi cuộc khủng hoảng trong gia đình qua đi hay mọi sự trong cuộc đời chúng ta ổn định bấy giờ mới phục sinh. Hôm nay, dù chúng ta sẵn sàng hay chưa, Chúa đã sống lại. Và Chúa mời gọi chúng ta trong hoàn cảnh của mình hãy tin vào Ngài, Đấng đã sống lại và đang sống với chúng ta.

  1. Chúa Giê-su đang sống giữa chúng ta

            Trong Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan cho biết ngài đã tin Chúa Giê-su sống lại như thế nào. Thánh Gioan đã thấy và đã tin. Thánh sử Gioan thuật lại câu chuyện đức tin của mình với mấy từ vắn gọn như thế, “đã thấy và đã tin”, nhưng tường thuật với niềm đam mê, phấn khích đầy xác tín của một người có mặt tại mồ trống hôm ấy và đã tin. Câu chuyện đến với đức tin của Gioan không giống ai, gợi lên sự ngạc nhiên cho con người mọi thời đại: làm sao một người trí thức như Gioan lại dám sống cho đức tin và chết cho đức tin ấy chỉ vì nhìn thấy mồ trống? Mồ trống, không phải có ai đó đã lấy trộm xác Chúa như các phụ nữ nghi ngờ sao? Mồ trống không phải Chúa Giê-su chưa chết thật nay Ngài tỉnh dậy sao? Nhiều câu hỏi đặt ra để ngạc nhiên tại sao đức tin Ki-tô hữu dựa vào mồ trống?

            Ki-tô giáo không phải tôn giáo của mồ trống. Đức tin Ki-tô hữu vào Chúa Giê-su sống lại không dựa vào mồ trống, nhưng tin vào Chúa Giê-su hằng sống. Điều đó không có nghĩa họ không cần dấu hiệu mồ trống, vì mồ trống là dấu hiệu cần thiết giúp Gioan và các môn đệ nhớ lại lời Chúa đã báo trước ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Thánh Gioan đã thấy mồ trống và đã nhớ lại lời Chúa và đã tin Chúa sống lại. Thánh Phaolô chỉ nhớ lại lời Chúa và tin Chúa đã sống lại: “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3-4).

Nhưng, ngôi một trống không đủ. Các môn đệ và các tín hữu tiên khởi tin Chúa sống lại không phải vì không tìm thấy thi hài của Chúa, nhưng vì họ đã gặp Chúa Giê-su phục sinh. Chúa Giê-su sống lại là Đấng họ gặp nên họ tin yêu Ngài. Ngài đến với môn đệ Tôma để biến đổi con người cứng lòng tin của Tôma. Ngài ở giữa các môn đệ khi họ đang thu mình lại bên nhau trong nỗi sợ hãi người Do Thái, để minh chứng tảng đá cửa mộ không thể giam giữ Ngài trong mộ sâu và then cửa đóng kín phòng của họ không thể ngăn Ngài bên ngoài cuộc đời họ. Ngài cho họ thấy thân xác phục sinh của Ngài và Ngài đang ở giữa họ, thúc bách họ mở cửa ra loan báo Tin Mừng Chúa đã sống lại. Vì tin và gặp Chúa Giê-su phục sinh là Thiên Chúa hằng sống, nên cái chết và sự sống lại của Ngài đem lại ơn tha thứ và cứu độ cho toàn thể nhân loại. Trong đức tin đó, thánh Gioan muốn mọi người có được đức tin như ngài, nên thánh Gioan đã tâm sự: “Những lời này được viết ra ở đây để anh em tin rằng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống đời đời” (Ga 20,31).

Như thánh Gioan, chúng ta, những người đã được sống lại nhờ sự sống lại của Chúa Giê-su, chúng ta có bổn phận loan báo Tin Mừng Chúa sống lại trong mỗi chúng ta. Thiên hạ sẽ thấy đức tin của chúng ta vào Chúa sống lại khi thấy chúng ta rước lấy Mình Thánh Chúa, là rước lấy Thân Mình vinh quang của Chúa Giê-su phục sinh hôm nay như giáo lý Hội Thánh dạy. Họ sẽ thấy đức tin vào Chúa phục sinh đã làm biến đổi chúng ta, từ nay trở thành những người cha mẹ dũng cảm dùng lời Chúa dạy dỗ con cái, trở thành những người con biết hướng lòng và cuộc đời vào Chúa, những người trẻ mạnh mẽ đứng lên khỏi những dính bén giải trí bẩn thỉu và vô bổ để sống với Chúa phục sinh, những linh mục trở thành người say mê Chúa Giê-su và các linh hồn.

Dù chúng ta có sẵn sàng hay không, Chúa Giê-su vẫn sống lại và đang sống với chúng ta. Nhưng xin Chúa Giê-su phục sinh cho chúng ta tin yêu Thánh Thể là Chúa Phục Sinh hôm nay, để chúng ta say mê rước lấy Thánh Thể và loan báo Thánh Thể là Chúa Giê-su Phục Sinh đang ở giữa thế giới hôm nay, nhờ đó được sống với Chúa Giê-su Phục sinh và có nền văn minh Thánh Thể.

SUY NIỆM III

CHÚNG TÔI XIN LÀM CHỨNG

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Buổi sáng vội vã

Vào buổi sáng ngày lễ Vượt Qua này, theo các trình thuật Tin Mừng, dường như mọi người đều ở trong tâm trạng bồn chồn, có vẻ rất vội vã  Ngay từ sáng sớm, đã có nhiều người tìm đến một ngôi mộ, mỗi người có hoàn cảnh và mục đích riêng

Theo Tin Mừng Máccô, “sáng tinh sương, ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc   ”, các phụ nữ đã chứng kiến việc an táng Ðức Giêsu vào ngày thứ sáu, đã ra mộ, mang theo dầu thơm để ướp xác Ðức Giêsu    Sau đấy, khi đã nhìn thấy ngôi mộ trống, và gặp một nhân vật lạ, các bà đã rời nơi ấy, “cắm đầu chạy, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía”

Còn theo Tin Mừng Gioan, cô Maria Mácđala ra thăm mộ và “thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”  Mấy ngày trước đây, cô đã trải qua những giờ phút đầy phiền muộn khi chứng kiến Vị Thầy yêu quý của mình chịu chết và được an táng trong mộ  Lúc này, cô cảm thấy sợ hãi: cô nghĩ rằng ai đó đã lấy cắp thi thể của Ðức Giêsu và đem đi mất  Trong đầu cô xuất hiện một mối hoài nghi: Ðức Giêsu đã là nạn nhân của lòng thù ghét, phải chăng Người còn bị truy đuổi ngay cả khi đã nằm trong

mộ? Thế là cô chạy về báo tin cho những người bạn của Ðấng đã từng giải thoát cho cô

Nghe lời thuật lại của cô Maria Mácđala, hai ông Phêrô và Gioan liền đi ra mộ  Cả hai người đều chạy  Tới mộ, các ông đã nhìn thấy “những băng vải, và khăn che đầu Ðức Giêsu, được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”  Trước bằng chứng này, các ông gạt bỏ giả thuyết thi thể Ðức Giêsu bị đánh cắp

Nhưng trong khi ông Phêrô còn phân vân, chưa hiểu được sự kiện xảy ra có ý nghĩa gì, thì người môn đệ Ðức Giêsu yêu quý đã hiểu rõ: ông nhận ra rằng không có chuyện đánh cắp thi thể Ðức Giêsu  Qua các tấm khăn được xếp lại và để riêng, ông đọc thấy những dấu chỉ về một cuộc Phục Sinh đích thực; sự sống đã đánh bại Vương Quốc tử thần  Chỉ có tình yêu mới đem lại cho người môn đệ ấy cặp mắt sáng ngời, biết nhìn ra mầu nhiệm giấu ẩn đằng sau những sự kiện  Nhờ tình yêu ấy, ông đã nhìn và đã tin, đồng thời khám phá ý nghĩa trọn vẹn của con người Giêsu – Ðấng đang sống

Trở lại chuyện với cô Maria Mácđala, cũng do tình yêu thúc đẩy, cô đã tìm đến mộ mà than khóc  Nhờ đó, cô là người đầu tiên được gặp gỡ Ðức Giêsu Phục Sinh, và sau đó trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh

Quả là một buổi sáng nhiều vội vã, dồn dập sự kiện quanh một ngôi mộ  Nhiều người đã tìm đến ngôi mộ, và rồi lại từ đó ra đi, bắt đầu một hành trình mới, tin tưởng hơn, hăng hái hơn

Phục Sinh, một hứng khởi kỳ diệu

Nếu không có Phục Sinh thì cuộc đời Ðức Giêsu đã chấm dứt với một thất bại rõ ràng: chết trên thập giá, những người bạn thân tín bỏ trốn hết

Tuy nhiên, vấn đề được nêu lại là làm sao có thể giải thích được cái chết ấy là khởi đầu cho một hứng khởi kỳ diệu là niềm tin Kitô giáo? Trong thế kỷ đầu, mặc dù những cuộc bách hại khốc liệt diễn ra khắp nơi, nhưng Ðức Giêsu đã được biết đến, được yêu mến, được tiếp nối và thờ kính ở khắp vùng ven Ðịa Trung Hải và cả những miền lân cận

Về vấn nạn này, các tông đồ và các môn đệ đã giải thích: “Ðức Kitô đã sống lại  Chúng tôi xin làm chứng”  Cụ thể như trường hợp ông Gioan: “Ông đã thấy và đã tin”  Khởi đầu từ những yếu tố khác nhau như ngôi mộ trống và những lần Ðức Giêsu hiện ra, tất cả trở nên sáng tỏ trước mắt ông: ông nhớ lại những điều Ðức Giêsu nói, những việc Người làm, và ông tin  Nhờ ánh sáng của Thần Khí, ông cảm nghiệm được rằng: Ðức Giêsu đã chỗi dậy, Người đang sống

Với tất cả các tông đồ khác cũng vậy  Các ông xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh và xác tín này làm thay đổi cuộc đời các ông: thái độ sợ hãi được nhường chỗ cho thái độ can đảm trong lòng tin  Các ông sẵn sàng làm chứng về Ðức Giêsu Phục Sinh, dù phải hy sinh tính mạng  Cũng nhờ xác tín đó, nhờ thái độ can đảm và kiên quyết, các ông đã lôi kéo cả một đám người, mỗi ngày một đông hơn, Do Thái lẫn dân ngoại, đi theo các ông và cùng tin như các ông  Sau đó, đến lượt mình, những người này cũng quả quyết Ðức Giêsu đã sống lại, Người là Chúa

Thật thế, sự chỗi dậy từ cõi chết là đỉnh cao trong cuộc đời Ðức Giêsu, giúp cho các tông đồ thấy rõ cuộc đời và con người Ðức Giêsu  Ðối với các ông, những lời Người nói, những việc Người làm, lời Người cầu nguyện, nhất là cái chết của Người,

tất cả đều có ý nghĩa thâm sâu và phong phú  Sự Phục Sinh này đã mở mắt các ông, cho các ông nhận ra Ðức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa, Người là ánh sáng trần gian

Do đó, cái chết của Người trên thập giá có ý nghĩa đặc biệt: đó không phải là dấu chứng về thất bại, nhưng là chứng tá tuyệt vời về tình yêu  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13)  Trước mắt các ông, Ðức Giêsu thật là Ðấng Cứu Thế  Mở đường hướng tới tương lai

Cuộc Phục Sinh của Ðức Giêsu cũng soi chiếu cuộc đời chúng ta và lôi kéo chúng ta  Ðức Giêsu, Ðấng đã trải qua cái chết, chính Người là Thiên Chúa, đồng thời cũng vẫn là một người như chúng ta, là anh em của chúng ta  Lễ Phục Sinh đem lại cho chúng ta biết bao hứng khởi để cố gắng bênh vực con người, để mỗi người cũng được phục sinh như Ðức Kitô

Quả thế, lễ Phục Sinh cho thấy tất cả mọi khía cạnh trong câu nói của Ðức Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong tình thương của Thầy… hãy yêu thương nhau…”

Những việc Ðức Giêsu làm, những lời Người nói giúp chúng ta nhìn cuộc đời theo một cách thức mới; chính Người là Thầy, nhưng lại sống trong thân phận một tôi tớ  Người đã nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó    ai hiền hòa    xây dựng hoà bình   ” và Người đã sống đến cùng  Chính Thiên Chúa nói trong Ðức Giêsu Kitô và thúc đẩy chúng ta bước theo Người, hành động như Người

Lễ Phục Sinh còn mở ra cho chúng ta những cánh cửa hướng tới tương lai  Phục Sinh, đó là vượt qua  Ðức Giêsu là người đầu tiên vượt qua để làm cho chúng ta cũng vượt qua với Người  Phục Sinh, đó là cánh cửa hướng đến sự sống không bao giờ tận: từ nay cuộc đời trần thế của chúng ta đã có một chiều kích mới, chiều kích vĩnh cửu

Với Ðức Giêsu Phục Sinh, không có con đường nào là con đường cùng, không lối ra; cái chết không còn phải là rào cản; tội lỗi có thể được thứ tha và tội nhân có thể được giải thoát  Chúng ta luôn có thể lên đường lại, và không bao giờ thất vọng về chính mình cũng như người khác, bởi vì từ nay, Ðức Giêsu đã làm nảy sinh tình yêu, khởi đầu từ những hận thù đổ xuống trên chính Người

* * * * *

“Này Maria,  hãy mau tìm các môn đệ của Thầy,  hãy cất tiếng hát đem lại bình an  cho những người bạn của Thầy đang sợ hãi,  để họ thức dậy và đến gặp Thầy,  để họ thắp lên những ngọn đuốc. Này các Tông Ðồ,  hãy xua đi mọi ưu sầu phiền muộn,  vì Thầy đã chỗi dậy và đem lại sự sống  cho loài người đang tuyệt vọng”.

(theo Romanos le Melode)

 

SUY NIỆM IV

NIỀM TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Trong Cựu ước niềm tin về sự phục sinh dường như xuất hiện rất muộn, song Dân Chúa luôn tin vào sự tồn tại của con người sau cái chết sinh học. Vì thế, Dân Chúa lúc ấy tin rằng rồi ra ai cũng sẽ phải đi vào “âm phủ” (shéol). Sách Gióp nói đây là “nơi tăm tối”, “trước khi con ra đi, không hẹn ngày trở lại, đi về nơi tăm tối, dưới bóng tử thần” (G 10,21). Còn Thánh Vịnh nói nơi đây con người bị rơi vào quên lãng. Chẳng hạn, Tv 88 viết: “Chúa hạ con xuống tận đáy huyệt sâu, giữa chốn tối tăm, giữa lòng vực thẳm. Bủa vây con suốt ngày ngần ấy thứ, dồn dập tư bề như nước bao la. Cận thân Chúa khiến lìa xa, chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm”. Thế rồi, đến Ngôn sứ Êdêkien đã loan báo rằng Đức Chúa sẽ mở huyệt cho những kẻ bị lưu đày và sẽ đưa họ về đất của họ để được an nghỉ trong bình an (x. Ed 37,12-14). Mong ước của Dân Chúa lúc này là được an nghỉ cùng với cha ông là niềm khao khát về một “quê hương” nơi họ được đón nhận sau khi trải qua cõi đời dương thế. Ý niệm này hàm chứa sự phục sinh từ cõi chết, bắt đầu xuất hiện.

Rồi đến, Tân ước, thời Chúa Giêsu, không phải tất cả mọi người Do Thái đều chấp nhận ý niệm phục sinh, ngay cả các Kitô hữu, niềm tin về sự phục sinh và đời sống vĩnh cửu vẫn còn gây ra nhiều nghi ngờ, khó hiểu bởi sự phục sinh đề cập đến một thực tại vượt quá những giới hạn của lý trí chúng ta ch nên đòi hỏi một niềm tin vào sự phục sinh còn rất hồ nghi. Chúng ta nhớ lại Tin mừng Gioan  thuật lại việc anh Lazaro được phục sinh. Chúa Giêsu nói: “Em chị sẽ sống lại!” Cô Mácta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11,23-24). Nhưng Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25-26). Đây chính là điều mới mẻ và vượt qua mọi rào cản. Chúa Kitô đánh đổ bức tường sự chết, nơi Ngài chứa đựng sự viên mãn của Thiên Chúa, Đấng là sự sống, sự sống vĩnh cửu. Vì thế, sự chết không còn quyền năng gì trên Người nữa.

Hôm nay, thánh sử Gioan kể cho chúng ta một câu chuyện thật lạ lùng nhưng cũng rất ấm áp tình người. 3 ngày trước đây anh chị em tham dự các nghi thức tam nhật thánh, chúng ta thấy Chúa Giêsu bị bắt, bị đánh đòn dã man, đóng dinh trên cây thập giá, chết và táng xác rõ ràng. Tin Mừng Gioan đã kể rõ ràng nhờ quen biết nên mới xin được chôn cất Chúa Giêsu vào ngôi mộ đá mới. Thế nhưng, việc “nghĩa tử nghĩa tận” này cũng phải làm vội vội vàng vàng vì 6 giờ chiều hôm đó đã bắt đầu một ngày quan trọng, cấm làm việc xác, cấm đi quá một cây số. Rồi! Ngày Sabat tới, một ngày nghĩ ngơi, sao lại dài dằng dặc đối với các bà. Các bà trông cho ngày mau qua, đêm chóng tàn để sáng mai đến táng xác Chúa lại, xức thêm thuốc thơm, cột lại các tấm vải quấn xác cho tươm tất hơn. Thế nhưng, câu chuyện lại diễn tiến theo một hướng thật bất ngờ, vượt khỏi những dự tính của các bà. Các bà tới mộ thì thấy tảng đá lắp mộ lăn ra một bên, các bà sợ quá liền chạy đi báo cho các môn đệ. Các ông vội chạy ra mộ. Ông Phêrô vào mộ không thấy Chúa sống lại mà thấy các băng vải liệm Chúa để ở đó. Còn môn đệ Chúa thương mến không có tên (Gioan – cũng có thể là mỗi người chúng ta) cũng thấy khăn xếp gọn gàng không lẫn khăn nào với khăn nào, ông đã thấy và tin Thầy đã sống lại. Và các Sách Tin Mừng còn kể, các bà là những người thấy Chúa phục sinh đầu tiên, sau đó là các tông đồ và điều đáng chú ý là các ông cả khi đứng trước mặt Chúa Giêsu phục sinh, các ông vẫn còn nghi ngờ, vì đối với các ông việc tự phục sinh thân xác là không thể xảy ra cho nên họ xem đó là ma. Còn riêng ông Tôma nói tôi không tin khi nào tôi sờ tay vào lỗ đinh, tôi thọc bàn tay vào cạnh sườn tôi mới tin Chúa sống lại thật. Ông đã làm trước mắt các tông đồ kia và ông tin lạy Chúa là Thiên Chúa của con. Như vậy, niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu nơi các tông đồ phát xuất từ kinh nghiệm trực tiếp thực tại con người Chúa Giêsu ăn uống nói chuyện như trước khi chịu nạn chịu chết.

          Sách giáo lý Hội Thánh có câu hỏi và trả lời rằng tại sao ta tin Chúa Giêsu sống lại? Ta tin Chúa Giêsu sống lại dựa vào lời chứng của các tông đồ và sự lan rộng nhanh chóng lạ lùng của Tin Mừng phục sinh. Qủa thật, ta thấy từ ngày Chúa sống lại năm ấy cho tới hôm nay, từ thành phố Giêrusalem nhỏ bé đến 204 quốc gia trên thế giới và Tin mừng phục sinh của Chúa vẫn còn lan truyền nữa cho đến khi Chúa Giêsu đến trong vinh quang. Cụ thể, theo thống kê mới nhất về Giáo hội Công giáo năm 2022, hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ 378 triệu tín hữu Công giáo, tức là tăng thêm 18 triệu người so với năm trước đó trong khi đó dân số thế giới hơn 8 tỷ người.

 Qua bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được thông phần vào sự sống phục sinh của Đấng Kitô khi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô nói, “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi”(2 Cr 5:17). Vì vậy, trong cuộc sống, chúng ta luôn nói “vâng” với Chúa Giêsu trong mọi hoàn cảnh và đón nhận Người trong việc cử hành các bí tích, như thế chúng ta trở nên giống Người hơn. Vì Thánh Phaolô nói: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3,18). Chúa Giêsu phục sinh hôm nay đến với chúng ta với mong muốn làm cho chúng ta tràn đầy sự sống mới. Nhiệm vụ của chúng ta đơn giản chỉ là cầu xin Ngài ban ban thêm niềm tin cho chúng ta và chúng ta hãy đón nhận. Cuộc sống vĩnh cửu bắt đầu ngay bây giờ qua Chúa Giêsu, Đấng vẫn mãi mãi là con đường, là sự thật và là sự sống. Chúng ta trung tín chọn Ngài là con đường của chúng ta, sự thật của chúng ta và sự sống của chúng ta.

Ước gì qua Lời Chúa trong ngày Đại lễ Mừng Chúa phục sinh hôm nay, xin Chúa Giêsu phục sinh ban thêm niềm tin, giúp chúng con nhận ra Ngài nhiều hơn và trải nghiệm sức mạnh của sự phục sinh của Ngài trong cuộc sống bằng chính đời sống thiêng liêng của chúng con qua việc đọc kinh, đọc và thi hành Lời Chúa, nhất là siêng năng tham dự các Bí tích. Chính lúc ấy, Chúa Thánh Thần sẽ đến và đổ đầy niềm tin, hy vọng và tình yêu cho chúng ta để chúng ta có thể trở thành ánh sáng Chúa Kitô phục sinh, những chứng nhân niềm tin Chúa sống lại cho những ai chưa tin vào phục sinh Chúa Giêsu. Amen.

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

(Nguồn: giaophancantho.org)

“Chúng ta là những người muốn nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như về đời sống đức tin…Các câu chuyện đi sâu vào những nơi kín ẩn nhất trong chúng ta và mở ra cho chúng ta những cách thế mới và thân tình để hiểu nhau – Nuala Kenny

  1. NGƯỜI KHÔNG CÒN Ở ĐÂY

Kim tự tháp ở Ai Cập là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Nhưng nó thực sự chỉ là những ngôi mộ khổng lồ chứa xác ướp của các Pharaô Ai Cập. Tu viện Westminster, Anh quốc cũng nổi tiếng, hàng ngàn người đến thăm nó mỗi năm, vì ở đó xác chết của các nhà văn, triết gia và chính trị gia nổi tiếng được chôn cất. Có một Đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, cũng rất nổi tiếng. Tuy nhiên những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng ngôi mộ đó, thì gặp dòng chữ ở lối vào ghi rằng: “Người không còn ở đây.” Nó nổi tiếng vì Chúa Giêsu, Đấng đã từng được chôn cất ở đó, đã sống lại từ cõi chết, để lại ngôi mộ trống như Người đã báo trước với các môn đệ. Chúa Giêsu đã làm phép lạ quan trọng nhất trong cuộc đời Người, để chúng ta nhận biết Người là Thiên Chúa. Chúng ta vui mừng trước biến cố trọng đại và độc đáo này bằng lễ mừng Phục Sinh.

  1. CHIM PHƯỢNG HOÀNG

Cố Tổng Giám mục Công giáo của bang Hartford, John Whealon, (mất ngày 2 tháng 8 năm 1991), đã trải qua cuộc phẫu thuật ung thư dẫn đến cắt bỏ ruột già vĩnh viễn. Trước biến cố cuộc đời này ngài đã viết những lời rất tâm tư trong sứ điệp Phục sinh cuối cùng của mình: “Bây giờ tôi là thành viên của hiệp hội những người ung thư. Hiệp hội đó có biểu tượng là chim phượng hoàng, một loài chim trong thần thoại Ai Cập. Nhà thơ Hy Lạp Hesiod, người sống tám thế kỷ trước Chúa Giêsu ra đời, đã viết về loài chim huyền thoại này trong bài thơ của mình. Khi con chim cảm thấy cái chết gần kề (cứ sau 500 đến 1461 năm), nó sẽ bay đến Phoenicia, xây một cái tổ bằng gỗ thơm và tự thiêu. Khi con chim bị ngọn lửa thiêu rụi, một con phượng hoàng mới bay ra từ đống tro tàn. Vì vậy, phượng hoàng tượng trưng cho sự bất tử, sự phục sinh và cuộc sống sau khi chết. Nó tóm tắt sứ điệp Phục sinh một cách hoàn hảo. Chúa Giêsu đã từ bỏ mạng sống của Người, và từ ngôi mồ niêm kín Người đã sống lại vào ngày thứ ba. Cuộc sống mới trỗi dậy từ đống tro tàn của cái chết. Hôm nay, chúng ta đang kỷ niệm chiến thắng của Đức Kitô trên nấm mồ và sự chết, hồng ân của sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Người. Đó là lý do tại sao chim phượng hoàng là một trong những biểu tượng sớm nhất của Chúa Kitô Phục Sinh. Phượng hoàng cũng tượng trưng cho sự vươn lên hàng ngày của chúng ta trong cuộc sống mới. Mỗi ngày, giống như chim phượng hoàng, chúng ta trỗi dậy từ đống tro tàn của tội lỗi để được Chúa hằng sống và Đấng Cứu Thế phục hồi và đổi mới bằng sự tha thứ của Người và sự bảo đảm rằng Người vẫn yêu thương chúng ta và sẽ tiếp tục ban cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta cần.”

* Đức Tổng Giám mục John Whealon có thể đã sống trong một ngôi mộ u ám của sự cô đơn, đau đớn  nơi thân xác và nỗi buồn tinh thần, nhưng đức tin vào Chúa Phục sinh đã mở ra cho ngài tầm nhìn mới về cuộc sống.

  1. MŨI HẢO VỌNG

Chúng ta có thể nhớ một bài học địa lý từ trường tiểu học, khi đó chúng ta biết rằng điểm cực phía nam của châu Phi là một khu vực mà trong nhiều thế kỷ đã trải qua những cơn bão lớn. Trong nhiều năm, không ai biết điều gì nằm ngoài cái mũi đó, vì không có con tàu nào đi vòng qua điểm đen đó mà có thể quay trở lại để kể câu chuyện của nó. Theo lời kể của người xưa, nó được gọi là “Mũi Bão” chính vì lý do để nhắc nhở cho các thủy thủ và thuyền trưởng. Nhưng một thời gian sau đó, một nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVI, Vasco De Gama, đã du hành thành công về phía Đông,  quanh chính tử điểm đó và ông nhận thấy ngoài những cơn bão dữ dội hoành hành, có một vùng biển êm đềm trải dài đến khu vực xa hơn nữa là bờ biển Ấn Độ. Tên của mũi đất đó đã được đổi từ “Mũi Bão” thành “Mũi Hảo Vọng”.

* Cho đến khi Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, cái chết đã là “Mũi Bão” đối với nhân loại. Không ai biết điều gì về thế giới mai sau cho đến khi vào buổi sáng phục sinh, Chúa Giêsu xuất hiện. Người nói: “Vì Ta sống, nên các con cũng sẽ được sống.”

  1. CHỌN CÁI CHẾT BĂNG TUỔI GIÀ

Cách đây khá lâu, có một tên hề cực kỳ thông minh phục vụ trong hoàng cung, bị đem xử tại tòa án của vua Hồi giáo tại Baghdad. Trong nhiều năm, anh ta chưa bao giờ làm triều đình thất vọng bất cứ khi nào họ gọi anh ta đến. Nhưng một ngày nọ, trong một tích tắc bất cẩn, anh ta đã tỏ thái độ xúc phạm đến nhà vua, và ông đã ra lệnh xử tử anh. Nhà vua nói: “Tuy nhiên, vì nhận thấy nhiều năm anh phục vụ tốt đẹp và trung thành, tôi sẽ cho phép anh chọn cách anh muốn chết.” “Ồ, muôn tâu đức vua”, gã hề đáp. “Tôi cảm ơn lòng tốt của ngài. Tôi chọn cái chết…bằng tuổi già”.

* Ai trong chúng ta cũng muốn sống! Nhưng điều đó chỉ làm trì hoãn câu hỏi lớn: sau đó nữa thì sao? Chỉ có Chúa Giêsu mới có câu trả lời, Người nói: “Tôi là sự sống lại và sự sống. Ai tin Tôi, thì dù có  chết, cũng sẽ được sống.”

  1. ANH ẤY LUÔN HUÝT SÁO

Bạn đã nghe câu chuyện về một người đàn ông có sở thích trồng hoa hồng chưa? Khi làm việc trong vườn hồng của mình, anh ấy luôn huýt sáo. Đối với mọi người, dường như anh ta đang huýt sáo to hơn nhiều so với mức cần thiết để làm cho anh ta thích thú. Một ngày nọ, một người hàng xóm hỏi anh tại sao anh luôn huýt sáo rất to. Người đàn ông sau đó đưa người hàng xóm vào nhà để gặp người vợ. Người phụ nữ đó không chỉ là một người tàn tật mà còn hoàn toàn bị mù. Bạn thấy đấy, người đàn ông huýt sáo, không phải vì khoái cảm của mình, mà là vì lợi ích của vợ anh ta. Anh muốn người vợ mù của mình biết rằng anh đang ở gần đây, và cô ấy không đơn độc.

* Lời loan báo “Chúa Kitô đã sống lại!” nhắc nhở chúng ta rằng Chúa luôn gần gũi chúng ta. Kinh nghiệm về sự hiện diện của Người củng cố con người yếu đuối của chúng ta trong cuộc đời.

  1. TÔI MUỐN THẤY SỰ PHỤC SINH CỦA BẠN

Cha Basil Pennington, một tu sĩ Công giáo, kể về cuộc gặp gỡ mà ngài từng có với một thiền sư. Cha Pennington đang thực hiện thời gian linh thao. Theo chương trình, mỗi người có thể gặp vị thiền sư là một phần cuộc cuộc tĩnh tâm. Cha Pennington nói rằng trong cuộc gặp gỡ của mình, vị thiền sư đã ngồi đó trước mặt ngài, ông ta mỉm cười chào đón, nói khá nhỏ và vui vẻ lắc người qua lại… Cuối cùng, vị thiền sư nói: “Tôi yêu mến Kitô giáo. Nhưng tôi sẽ không thích Kitô giáo nếu không có sự Phục sinh. Tôi muốn nhìn thấy sự Phục sinh của chính ngài!”

* Cha Pennington muốn nói rằng: “Với tính bộc trực của mình, vị thiền sư đã nói điều mà mọi người khác ngầm nói với các Kitô hữu: Bạn là một Kitô hữu, bạn đã sống lại với Đức Kitô, hãy chỉ cho tôi thấy điều này có ý nghĩa thế nào đối với bạn trong cuộc sống của bạn để tôi có thể tin Chúa.

  1. CÓ HI VỌNG

Khi Thế chiến thứ hai mới bùng nổ, một tàu ngầm Hải quân Mỹ bị đánh chìm dưới đáy bến cảng ở Thành phố New York. Dường như tất cả thủy thủ đã chết. Bởi không có điện và oxy lại nhanh chóng cạn kiệt. Trong một nỗ lực cuối cùng để giải cứu các thủy thủ khỏi chiếc quan tài thép khổng lồ này, Hải quân Hoa Kỳ đã gửi gấp một con tàu được trang bị các thợ lặn thiện nghệ tới vị trí chiếc tàu ngầm bị chìm. Một số thợ lặn Hải quân đã bơi qua mạn tàu xuống một độ sâu nguy hiểm trong nỗ lực cứu hộ cuối cùng. Các thủy thủ bị mắc kẹt nghe thấy tiếng ủng kim loại của thợ lặn trên bề mặt bên ngoài, và họ mau mắn di chuyển đến nơi mà họ nghĩ rằng sẽ có người cứu hộ. Trong bóng tối, họ gõ vào bản mã Morse: “Có hy vọng nào không?” Người thợ lặn ở bên ngoài nhận ra thông báo, báo hiệu lại bằng cách gõ mạnh vào mạn ngoài con tàu: “Có, có hy vọng.”

* Đây là bức tranh về tình cảnh thế giới của chúng ta. Nhân loại đang bị chìm đắm trong một hoàn cảnh vô vọng, đầy đe dọa. Xung quanh chúng ta đang cạn kiệt niềm hy vọng; chỉ một Đấng từ bên ngoài mới có thể giải cứu chúng ta. Đó chính là Chúa Kitô phục sinh.

  1. MƯỢN ĐẾN CUỐI TUẦN (Chuyện vui)

Ông Giuse thành Arimathê là một người Pharisêu rất giàu có, thành viên của Thượng Hội đồng, và là một môn đệ bí mật của Chúa Giêsu. Chính ông đã đến gặp Philatô và xin hạ xác Chúa Giêsu xuống sau khi Người chết. Và cũng chính Giuse là người cung cấp ngôi mộ để chôn cất Chúa Giêsu. Có ai đó đã kéo riêng ông ấy ra một nơi và hỏi: “Giuse, đó là ngôi mộ đục bằng tay quá đẹp và đắt tiền. Tại sao anh lại để nó cho người ta mượn chôn?” Ông Giuse đã trả lời. “Tại sao không nhỉ? Ngài chỉ cần nó vào tới cuối tuần thôi mà!”

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm