Chúa Nhật V Mùa Chay Năm A


CN 5 MÙA CHAY

26-4-2023

Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Cồn Dầu

GIÁO HUẤN SỐ 18

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Hoạt Động Có Năng Lực Thánh Hóa

 

Bạn không thể hiếu Đức Ki-tô nếu không đặt trong bối cảnh vương quốc của Người đem đến; cũng vậy, sứ mạng riêng của bạn  không thể tách rời khói việc xây dựng vương quốc ấy : Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài (Mt 6,3). Sự đồng hóa của bạn với Đức Ki-tô và ý muốn của Người liên can tới một cam kết dấn thân với Người xây dựng nước của tình yêu, công lý và hòa bình phổ quát ấy. Chính Đức Ki-tô muốn kinh nghiệm điều này với bạn, trong mọi cố gắng và hy sinh gắn liền với nó, và cả trong mọi niềm vui và sự phong phú mà nó đem lại. Bạn không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không dấn thân thân xác và linh hồn, để cống hiến hết mình cho công cuộc này (Tông huấn Hãy Vui Mừng và Hoan Hỉ, số 25).

 

SUY NIÊM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Trong tác phẩm ‘Hành Trình Và Truyền Giáo, Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) kể người một phép lạ sống lại như sau : “Có một nữ giáo dân rất đạo đức tên là Benoite, mẹ cậu thanh niên mới được rửa tội ít lâu nay tên là Benoit, bà này chết khi tôi đi vắng, vì thế không được xứng tội. Người con hết sức đau khổ vì mất mẹ, nhất là mẹ chưa được xưng tội trước khi chết. Cậu khóc lóc thảm thiết, thật là sầu khổ đôi đường. Do ơn Chúa thúc đẩy, cậu xin giáo dân tới chia buồn đọc kinh cầu nguyện bên giường người chết, xác đã cứng lạnh và bất động từ sáu giờ đồng hồ. Họ đến quì gối, Benoit đọc lớn tiếng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, rồi rẩy nước thánh lên mặt mẹ, tức thì bà mở mắt, không những bà sống lại mà còn hoàn toàn khỏi bệnh. Bà chỗi dậy rồi cùng quì xuống với mọi người khác đồng thanh ngợi khen Chúa đã ban cho phép lạ rất hiển nhiên. Mấy ngày sau khi tôi tới thôn đó thì cả mẹ cả con đều kể cho tôi nghe về ơn họ đã nhận được” (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, sđd, trang 75).

xxx

Bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước Chúa làm phép lạ chữa người mù được sáng mắt, Chúa là ánh sáng (Ga 8,12). Bài Tin Mừng Chúa nhật tuần này Chúa làm phép lạ cho anh La-da-rô chêt 4 ngày được sống lại, Chúa là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25).

Bài đọc 1 (Ed 37,12-14) : Bài đọc 1 đọc câu chuyện “Những Bộ Xương Khô” trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Ê-dê-ki-en có nghĩa là “Chúa làm cho mạnh sức”. Người được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ tại đất khách lưu đày.

Sách Kinh Thánh ấn bản 2011 của nhóm CGKPV giải nghĩa câu chuyện ‘Những Bộ Xương Khô’ như sau : “Chương 37 này là đỉnh cao của lời loan báo : thời lưu đày chấm dứt, thời mới đã khởi đầu. Đồng thời đây cũng là lời giải đáp những thắc mắc nghi ngại có thể có từ phía những người đang lưu đày  khi nghe ngôn sứ loan báo, ví dụ : làm sao Giu-đa lại có ngày phục hưng được hoàn toàn tự do, trước hiện tại quyền lực của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo vẫn kể như bá chủ ? Và như thế tình cảnh lưu đày sẽ còn tiếp tục hết đời này sang đời khác. Ngôn sứ xác nhận rằng dân Ít-ra-en  hoàn toàn không còn khả năng phục hồi, ví như bộ xương khô đét, nhưng quyền năng vô song của Thiên Chúa có thể phục hồi sinh lực cho những khúc xương khô ấy. Nhờ quyền năng đó, Ít-ra-en sẽ được phục hưng, trở thành  một dân tộc thống nhất, không còn chia cắt như xưa” (Sđd trag 1871).

Bài Tin Mừng (Ga 11,1-45) : Sách Tin Mừng thánh Gioan kể 7 phép lạ. Phép lạ anh La-da-rô chết 4 ngày sống lại là phép lạ thứ 7. Vì phép lạ này, các nhà lãnh đạo Do Thái quyết định giết Chúa Giêsu : “Trong số những người Do Thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói : ‘Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma  sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta… Từ ngày ấy, họ quyết định giết Đức Giê-su” (Ga 11,45-48.53).

Cha Hoàng Đắc Ánh chia sẻ : “Đứng trước cái chết của người bạn và sự đau đớn của người thân, Đức Giê-su đã phản ứng như một con người : Người xao xuyến (Ga 11,33), Người khóc (Ga 11,35). Nhưng đồng thời, Người cũng phản ứng như Người Con Thiên Chúa : Người đã cho ông La-da-rô sống lại, vì Người xin điều gì, Chúa Cha ban cho điều ấy.

Đối với chúng ta và nhất là người thời Đức Giê-su, một phép lạ như thế thật là tuyệt đẳng. Lúc ấy người ta chưa biết rõ sẽ có sự sống lại hay không. Thực thì, từ thế kỷ 2 và thứ 1 trước Công Nguyên đã xuất hiện một niềm tin thật kỳ diệu và mới mẻ, là dù có chết, con người cũng sẽ sống lại ngày sau hết (Đn 12,1-3; 2Mcb 7,9-14.22-24;12,43-45). Nhưng niềm tin này chưa được mọi người chia sẻ. Nhóm tư tế thì không tin, còn nhóm Pha-ri-sêu thì tin (Cv 23,6-9; Mt 22,23-33) . Cô Mát-ta cũng tin như nhóm thứ hai (Ga 11,24). Nhân dịp ông La-da-rô đau và chết, Đức Giê-su đã biến hy vọng của nhân loại thành sự thực : cho ông La-da-rô sống lại. Người tiên báo Người sẽ ban sự sống cho nhân loại đã phải khổ đau chết chóc vì tội lỗi. Người sẽ giải thoát, chỉ đòi nhân loại tin Người là Con Thiên Chúa” (Tin Mừng Theo Thánh Gio-an trang 186).

Bài đọc 2 (Rm 8,8-11) : Tội lỗi đem sự chết đến cho con người. Chúa Ki-tô đã chết trên Thánh Giá để đem lại sự sống cho con người. Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô đưa ra phương thế để được sự sống. Sách Kinh Thánh ấn bản 2011 của Nhóm CGKPV viết : “Thánh Phao-lô trở lại với đề tài đã bỏ lửng ở 5,1-11. Sau khi đã thắng tội lỗi (ch.5), sự chết (ch.6)…nhờ liên kết với chiến thắng của Chúa Ki-tô, một đời sống mới đã khai mạc. Tất cả ch.8 này là cao điểm của thư Rô-ma và nói lên nền tảng đời sống mới của người tín hữu : sống theo sự tác động của Thấn Khí, chứ không theo sự thúc đẩy của tội lỗi (8,1-13), được Thiên Chúa nhận làm con, bảo đảm được sống đời đời với Chúa Ki-tô (8,14-17); tin chắc sẽ được hưởng vinh quang Thiên Chúa dành cho con cái Người (8,18-27) (Sđd trang 2498).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại

Đức Giê-su Ki-tô đã hiến thân chịu khổ hình;

xin ban ơn trợ giúp,

để chúng con biết noi gương Người

mà tận tình yêu thương mọi anh em.

Chúng con cầu xin

 

SUY NIỆM II

“Đức Giêsu liền khóc” (Ga 11,35)

Lm. Đaminh Phạm Văn Tụ (SSS)

Đứng trước đau khổ tận cùng là cái chết của La-da-rô, Chúa Giêsu đã khóc! Những giọt nước mắt của Ngài trước hết là một sự sẻ chia niềm đau với hai cố Mátta và Maria khi phải đối diện với cảnh vực chia ly trong gia đình, vì cái chết đã tạo nên sự ngăn cách thật xa giữa hai bờ sinh-tử, làm cho gia đình cô Mátta và Maria đang nồng ấm bỗng chốc trở thành một gia đình tẻ lạnh vắng bóng người thân. Chúa Giêsu khóc vì thương tiếc một tình bạn chân thành- nước mắt ấy đã diễn tả sự cảm thông trước sự mong manh của phận người và cũng là sự liên hệ sâu đậm nhất trong mối tương quan tình bạn.

Đặc biệt hơn nữa, nước mắt ấy còn là một sự thổn thức, tiếc nuối của Chúa Giêsu trước sự chai lì, cứng lòng tin của nhóm lãnh đạo tôn giáo Do Thái- họ đã không thể nhận ra Ngài là sự bình an, là Thiên Chúa của sự sống có quyền quyết định sinh tử trên thân phận con người cả đời này lần đời sau.

Giống như câu chuyện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, Ngài đã phải khóc. Nước mắt từ trái tim của một Thiên Chúa xót xa trước một tương lai của đền thờ sẽ bị phá hủy mà Ngài đã biết trước. Vì nơi đền thờ ấy, niềm tin và lòng mến của con người đã bị phai nhạt, không còn nguyên vẹn như mối tình thuở ban đầu, đang trở thành một niềm tin máy móc, khô cằn của sự lệ luật, mất nhạy bén trước tình thương của Thiên Chúa và cũng trở nên cằn cỗi, vô cảm trước nỗi đau khổ của con người. Nên người ta không thể nhận ra được thời giờ của Thiên Chúa đến viếng thăm qua sự hiện diện của Chúa Giêsu là đền thờ đích thực mang lại bình an cho họ. “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi. ” ( Lc 19, 42 ).

Nước mắt của Chúa Giêsu trước cái chết của La-da-rô đã cho thấy sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Ngài đến để giải thoát con người ra khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết, nhưng đồng thời, Ngài cũng là một Thiên Chúa luôn lắng nghe, thấu hiểu tận cùng đau khổ của kiếp người. “ Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, Lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài lắng tai để nghe lời con tha thiết nguyện cầu.” ( Tv 129,1-2)

Nước mắt của Ngài là một bằng chứng hùng hồn về tình yêu Ngài dành cho nhân loại, nước mắt ấy biểu lộ sự kiên quyết chống lại án tử của kiếp người, kéo con người ra khỏi quyền lực thống trị của sự chết để đưa con người về miền đất của sự sống vĩnh cửu. Nước mắt ấy đã làm bật tung cửa huyệt của sự chết, thay vào đó là thần khí của Ngài, được thổi vào để làm cho những bộ xương khô được hồi sinh. X. ( Ed 37,14)

Nước mắt ấy đã kéo La-da-rô ra khỏi nấm mồ của sự chết và cũng là kéo chúng ta ra khỏi nấm mồ của sự chết trong viễn tượng tương lai, để ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Người. Chúa Giêsu đã khẳng định với cô Mátta: “ Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, thì dù có chết, cũng sẽ được sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” .

Nước mắt ấy đã dẫn đến cơn khát của Chúa Giêsu trên đỉnh cao của thập giá là hiến mình chịu chết cho nhân loại. Chính lúc Ngài chịu treo cao giữa trời và đất, Ngài đã nối kết giữa đất trời trong niềm vui òa vỡ nơi chính bản thân Ngài, để trong Ngài, cho dù thân xác chúng ta có phải chết vì tội đã phạm, Thần khí cũng sẽ ban cho chúng ta được sống. X. ( Rm 8,10)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nhiều lúc chúng con cũng đã khóc, nhưng những giọt nước mắt ấy chưa hẳn đã là một sự rung động trước nỗi khổ đau của anh chị em mình, cũng chưa hẳn đã là một sự thức tỉnh ăn năn sau những lần phạm tội mất lòng Chúa, cũng chưa hẳn đã là nước mắt của niềm vui, hạnh phúc được hồi sinh sau mỗi lần lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa. Xin cho chúng con biết hiệp thông trong những giọt nước mắt của Chúa- giọt nước mắt như một dòng suối tình yêu đổ vào trái tim khô cằn, chai sạn của mỗi chúng con, chữa lành và nâng đỡ, an ủi chúng con trong những lúc đau khổ của phận người và cũng là lời mời gọi chúng con ra khỏi nấm mồ của sự ích kỷ, hưởng thụ, để lên đường đáp trả lời mời gọi của Chúa, dấn thân phục vụ con người như lòng Chúa mong ước. Amen.

 

SUY NIỆM III

CHÚA GIÊ-SU LÀ SỰ SỐNG NGAY HÔM NAY

(Hội An 26/3/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Lazarô chết đã bốn ngày rồi Chúa Giê-su mới đến! Hai chị em Mát-ta và Maria không khỏi hờn trách Chúa. Vì khi em của họ đau yếu, họ đã nhờ người cấp báo cho Chúa biết. Nơi Chúa ở không xa nhà họ lắm. Vả lại, họ nại vào tình thương đặc biệt Chúa dành cho gia đình họ, nên thông báo cho Chúa: “Lạy Thầy, người thầy yêu đau liệt.” Ai đọc Tin Mừng đều biết mối tương quan gần gũi giữa Chúa Giê-su với gia đình chị em Mát-ta. Họ là những người bạn thân thiết của Chúa. Chúa từng nhiều lần đến lưu lại tại nhà họ. Nhưng nay, khi Chúa đến thì người em Lazarô của họ đã chết bốn ngày rồi! Vì thế, khi Chúa đến, Mát-ta thưa với Chúa: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết.” Quả thật, đức tin của Mát-ta và Maria bị thách đố.

  1. Hậu quả của loại đức tin có nhiều chữ “nếu”

            Đức tin của họ bị thách đố dữ dội do chữ “nếu”: “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết.” Còn nhiều tiếng “nếu” khác nữa. “Nếu” Chúa có mặt ở đây lúc Lazarô đang đau thì Lazarô được có đủ sự sống vượt qua sự chết. “Nếu” Chúa có mặt ở đây đúng lúc thì gia đình chúng con không phải đau khổ. “Nếu” Chúa đừng đến trễ thì gia đình con lúc này, trong hiện tại này có được bình an rồi. Chữ “nếu” của Mát-ta hàm ý sự bất an và thất vọng trong cô và gia đình của cô trong hiện tại.

            Sự bất an và thất vọng của Mát-ta đặt ra câu hỏi cho mỗi chúng ta: “Đức tin của chúng ta thế nào khi gặp hoàn cảnh khổ đau?” Câu hỏi thường được chúng ta đặt ra: Tại sao Chúa để tôi phải thế này? Chúa yêu thương tôi, tại sao Ngài không đến cứu tôi khỏi cảnh khốn đốn này? Chúa ở đâu khi tôi phải khốn đốn? Chúng ta dễ dàng có kinh nghiệm của Mát-ta và Maria, bất an và thất vọng.

            Đối với Mát-ta và chúng ta, Chúa Giê-su có ý nghĩa hơn nếu Chúa hiện diện thể lý ở bên cạnh họ trong cơn thử thách ấy. Nếu Đấng Cứu Thế vắng mặt thể lý cạnh họ thì Đấng Cứu Thế có ý nghĩa rất ít hoặc chẳng ích gì đối với họ. Chúa Giê-su có ảnh hưởng với họ nhiều nếu hiện diện thể lý đúng lúc Lazarô đau yếu, họ nghĩ thế, nay em của họ chết rồi, sự hiện diện của Chúa ít ảnh hưởng trong họ.

            Mát-ta còn có vấn đề khác về đức tin. Bà tin Chúa Giê-su là sự sống lại và có quyền năng làm cho Lazarô cũng như cho mọi người được sống lại, nhưng vào ngày sau hết, vào thời tương lai, chứ không phải bây giờ, trong hiện tại. “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Đức tin của Mát-ta dựa vào sách Đaniel (12,1-2) và trả lời như một giáo thuyết, còn trong hiện tại, niềm tin Chúa là sự sống lại và là sự sống không có chỗ đứng trong lòng bà.

            Loại đức tin có nhiều chữ “nếu’ của Mát-ta đã đưa Mát-ta đến tình trạng không nhận ra Đấng là sự sống lại và là sự sống đang đứng trước mặt cô, cũng như chúng ta không nhận ra sự hiện diện đầy quyền năng và lòng thương xót của Chúa trong hiện tại.

  1. Chúa Giê-su là sự sống ngay hôm nay

            Điều Chúa muốn chúng ta tin nhận sự thật trong hiện tại này, ngay trước mặt chúng ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Chúa không chỉ là sự sống lại và là sự sống của chúng ta trong tương lai, mà còn là Đấng hằng sống và ban sự sống cho chúng ta ngay trong hiện tại, mà những lời Ngài nói và những việc Ngài làm trở thành nền tảng cho đức tin mọi người tin vào sự sống lại của Ngài ban trong ngày sau hết. Ngài đã cho Lazarô sống lại, đã cho con trai bà góa Naim sống lại và cho con gái ông Gia-ia sống lại. Quyền năng và lòng thương xót của Chúa bảo đảm cho mọi người tin Chúa là sự sống lại và là sự sống của họ, dù Chúa hiện diện thể lý hay thiêng liêng.

            Đức Bênêđíctô giải thích, trái tim của Chúa Giê-su vừa thần linh vừa nhân loại, vì thế, khi thấy những dòng nước mắt thương khóc của Mát-ta, Maria và những người đến chia sẻ với gia đình họ, Chúa Giê-su đã thổn thức, xúc động. Nơi Chúa Giê-su, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người duy nhất trong chính Ngài, không có sự phân cách, do đó, sự hiện diện thể lý hay thiêng liêng của Chúa Giê-su cũng chính là sự hiện diện thực sự của Ngài, sự hiện diện của Đấng là sự sống lại và là sự sống. Vì thế, Chúa Giê-su đã hỏi Mát-ta đức tin đó: “Con có tin điều đó không?” Mát-ta thưa: “Thưa Thầy, vâng, con tin.”

Câu hỏi của Chúa Giê-su và lời tuyên xưng đức tin của Mát-ta vào Chúa Giê-su đã đưa cô thực hiện một bước quyết định: từ hiểu biết giáo thuyết đến đức tin sống động trong hiện tại, tin Chúa là sự sống và có quyền năng ban sự sống cho em cô và cho mọi người. Đức tin cho cô xác tín Chúa Giê-su không chỉ là Đấng ban sự sống, mà còn là sự sống. Vì thế, bất cứ ai tin vào Ngài thì được sự sống Chúa ban. Đó là mục tiêu Chúa nhập thể làm người, như Chúa nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Và hôm nay Chúa Giê-su cũng hỏi mỗi chúng ta như thế: “Con có tin điều đó không?”, nghĩa là có tin Chúa Giê-su hiện tại là sự sống của chúng ta không? Có tin Chúa Giê-su có quyền năng ban cho chúng ta sự sống đời đời của Ngài không? Chúng ta có sống đức tin ấy cách sống động trong hiện tại không hay chỉ trả lời theo sách giáo lý đã được học? Có tin khi chúng ta thành tâm thống hối đến quỳ và xưng tội thì được Chúa ban lại sự sống của Chúa cho chúng ta không? Có tin mỗi khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa thì chúng ta lãnh nhận sự sống của Chúa Giê-su không?

Mát-ta thưa với Chúa: “Thưa Thầy, vâng, con tin.” Chúa chờ đợi chúng ta thưa: “Vâng, con tin” với trọn trái tim chân thành, một đức tin vững mạnh xây trên đá, đủ đưa chúng ta đến tòa Giải Tội để nhận ơn sống lại Chúa ban như Ngài đã ban cho Lazarô và được sự sống của Chúa ban trong Thánh Thể. Một đức tin như thể làm nền để Chúa xây nhà của Chúa trong tâm hồn ta, trong gia đình và giáo xứ chúng ta.

 

SUY NIỆM IV

HÃY KHÓC VÌ TỘI CHÚNG TA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Đức Giêsu Kitô không chỉ là một vị Thiên Chúa uy quyền, mà còn là một người như chúng ta. Ngài cũng có một trái tim và trái tim ấy cũng biết rung động, cũng mang lấy 7 tình cảm dạt dào nơi mỗi con người. Bảy tình cảm ấy là hỷ,nộ,ái,ố,ai,ô,dục (vui mừng, giận hờn, thương yêu, ghét ganh, buồn sầu, sợ sệt và ham muốn). Chẳng hạn, tính nóng của Chúa Giêsu: trước sự ngoan cố của những biệt phái, Ngài đã nổi tức giận, Ngài đã răn đe: “khốn cho  ngươi, quân đạo đức giả…”.  Rồi, trước sự buôn bán làm mất sự thánh thiêng nơi Đền thờ, Chúa Giêsu đã nổi nóng và xua đuổi. Rồi, tính thương người, trước cảnh bơ vơ của dân chúng, Ngài đã động lòng thương xót. Trước đám đông đang đói khát vì đã theo Ngài những ba ngày rồi, Ngài thương làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để nuôi dưỡng họ. Rồi, tính vui vẻ, Ngài đã vui khi thấy trẻ con đến với Ngài và chúc lành cho các em nhỏ, đã chữa khỏi những bệnh hoạn tật nguyền để xoa dịu nỗi đớn đau của dân chúng. Nơi vườn cây dầu, Ngài đã buồn sầu đến nỗi mồ hôi máu chảy ra nhỏ xuống đất. Đặc biệt hơn cả, hôm nay Ngài đã khóc. Khóc vì Giêrusalem sẽ bị đổ vỡ hoang tàn. Khóc vì thương xót anh Ladarô, người bạn thân thương của Chúa mà Tin Mừng chúng ta vừa nghe kể lại.

Tuy nhiên, Chúa luôn giữ được thế quân bình trong con người của Ngài với 7 tình cảm, Ngài đã để cho chính Thần Khí chi phối mọi hành động hay hay lời nói của mình, chứ không hành xử theo bản năng. Chẳng hạn, trước tình thế căng thẳng nơi vườn cây dầu, Ngài vẫn sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha. Lúc phải đau khổ tới tột cùng, Ngài kiên trì, đầy ý chí và nghị để đạt được mục đích mình theo đuổi là cứu độ mọi người. Ngài đã bình tĩnh trước phong ba bão táp của tự nhiên hay chính trong cuộc đời của mình, đặc biệt Ngài đã tha thứ cho kẻ thù trong cơn hấp hối. Tóm lại, đời sống 7 tình cảm của Chúa Giêsu hoàn toàn khác xa chúng ta. Ngài luôn làm chủ được bản năng của mình trong mọi hoàn cảnh. Những 7 tình cảm của Chúa Giêsu hướng thiện, hướng về Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ. Chẳng hạn khi Ngài khóc thương trước nấm mồ Ladarô, thì người Do Thái đã coi đó là dấu chỉ Chúa yêu thương ông cách riêng. Không! Chúa khóc vì thần chết đang khống chế loài người. Chúa khóc vì sự ngoan cố của các người biệt phái, phủ nhận uy quyền toàn năng và vinh quang của Thiên Chúa. Chúa khóc vì lòng tin của chị em Mátta chưa được hoàn hảo ở chỗ là khi Đức Giêsu nói với chị em chị sẽ sống lại!” nhưng cô chỉ tin rằng em cô sẽ sống lại trong ngày sau hết” mà chưa tin rằng Đức Giêsu chính là sự sống lại và là sự sống đang nói với chị đây. Cho nên, Chúa Giêsu củng cố đức tin của chị hoàn hảo ở chỗ là Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Chúa, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.

Chúa Giêsu ngày xưa khóc vì thương, còn chúng ta, chúng ta cũng khóc, ấy như khóc như thế nào? Trong đời này, chúng ta thường khóc rất nhiều từ khi sinh ra cho tới về với Chúa. Rồi trong cuộc sống, vui chúng ta cũng khóc mà buồn khóc, chưa có chồng cũng khóc, có chồng rồi cũng khóc, nghèo cũng khóc, người giàu cũng khóc, chưa say cũng khóc, say xỉn bí tỷ cũng khóc… khóc như thế thì chỉ là khóc bên ngoài mà thôi cũng giống kiểu khóc của các bà phụ nữ thành Giêrusalam theo Chúa Giêsu trên đường đi chịu chết ngày xưa mà nay chúng ta thấy trong chặng đàng thứ tám của đàng thánh giá chúng đọc: “Chúa thấy những người nữ nhân đức thành Giêrusalem đi theo Người, và than van kêu khóc, thì Người đoái lại mà rằng :“Ớ con thành Giêrusalem, chớ khóc thương Ta làm chi, hãy khóc thương các ngươi cùng con cháu các ngươi mà chớ. Ấy Chúa dạy tôi cho biết, nếu tôi chẳng khóc tội tôi, là cội rễ những sự cực Chúa chịu, một khóc Chúa bề ngoài mà thôi, thì Chúa chẳng sá kể”.  Rõ ràng những giọt nước mắt bên ngoài mà thôi thì chưa không thật lòng, Chúa nào sá kể. Cho nên, ông bà ta nói đó là: “Nước mắt cá sấu”. Tại sao gọi là nước mắt cá sấu bởi vì cá sấu có một điểm đặc biệt là sau khi nuốt chửng con mồi, khoé mắt cá sấu lại chảy nước tương tự như con người chảy nước mắt khóc thương ai đó. Vì sự tương quan này người ta nghĩ là cá sấu đã khóc cho là kẻ vừa bị nó ăn thịt. Dựa vào tính cách khóc thương kiểu của cá sấu này, người ta liên tưởng đến những hạng người giả dối trong xã hội một mặt hại người, hại bạn, một mặt thì nói lời tử tế hiền lành yêu thương, khóc thương bên ngoài mà thâm hiểm bên trong. Vì vậy, Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta rằng tiếng khóc trong lòng, khóc tiếc vì đã phạm tội, khóc tiếc vì đã xúc phạm với nhau gây đau khổ buồn sầu cho nhau trong gia đình, giáo xứ hay ngoài xã hôi khóc tiếc vì mình chưa yêu Chúa giữ giới răn Người dạy cho nên chưa yêu người thật lòng. Tóm lại, khóc là một nhu cầu, chúng ta khóc phần lớn là do kết quả của một nỗi khổ trong lòng hay niềm vui nào đó. Thế nhưng, điều quan trọng đó là hãy biết khóc cho cuộc đời tội lỗi của mình. Chính cuộc đời tội lỗi này đã làm cho Chúa phải khóc, chịu nạn chết trên cây thánh giá, làm mất tình nghĩa anh chị em trong gia đình và gây nhiều đau thương cho nhiều người trong xã hội. Đây mới chính là những giọt nước lệ làm mờ nhạt đôi mắt nhưng lại làm sáng tâm hồn. Vì vậy, Mùa Chay, Chúa và Hội Thánh mời gọi biết khóc lóc ăn năn tội lỗi của mình để được thứ tha.

Trong đêm Chúa tra tấn đánh đòn, Thánh Phêrô chối Chúa và Chúa Giêsu quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Nước mắt của ông Phêrô không chỉ dừng lại ở việc nhận ra lầm lỗi của mình mà còn là niềm vui vì được thứ tha. Một niềm cảm xúc dâng trào trong con tìm tan nát nay được chữa lành. Cảm nhận được tha thứ nên Phêrô đã khóc. Vâng, giọt nước mắt ăn năn của chúng ta phải phát xuất từ một tấm lòng nát tan vì tội lỗi. Đúng như lời ngôn sứ Gio-en nói: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo. Bởi chưng, một tấm lòng tan nát dày vò Chúa chẳng nở chối từ bao giờ”. Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta đừng để để giọt nước mắt hối tiếc xảy bằng cách ngay bây giờ hãy sống yêu thương, tha thứ, hiền lành, công bằng và công mình chính trực với mọi người đồng thời yêu Chúa một cách chân tình qua việc giữ các giới răn của Người một cách hoàn hảo. Amen.