Chúa Nhật XXII Thường Niên – Năm C


CN.22.C

(Hc 3,19-21.30-31; Dt 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14)

29-8-2010

Hằng năm Giáo Hội dành 2 tháng kính Đức Mẹ. Đó là tháng 5, tháng Hoa và tháng 10, tháng Mân Côi. Tuy nhiên tháng 8 cũng có nhiều ngày kính Đức Mẹ :

Ngày 5-8 lễ cung hiến Đền Thờ Đức Mẹ Cả ở Rôma,

Ngày 15-8 lễ Mẹ Lên Trời,

Ngày 22-8 lễ Nữ Vương Thiên Đàng.

Ngày 4-8 lễ thánh Gioan Vianê, vị thánh yêu kính Đức Mẹ

Ngày 8-8 lễ thánh Đaminh, vị thánh Đức Mẹ trao ban chuỗi Mân Côi

Ngày 14-8 lễ thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kônbê, người con điên của Đức Mẹ

Ngày 19-8 lễ thánh Gioan Ơ-đơ, cổ võ lòng tôn kính Trái Tim Chúa và Đức Mẹ

Ngày 20-8 lễ thánh Bênađô, ca ngợi Đức Mẹ là mật ngọt dịu dàng

Tháng 8 cũng là tháng nói nhiều về những người mẹ, về những phụ nữ  

Ngày 9-8 lễ thánh nữ Bênêđita, nữ tu dòng kín, từ vô thần trở về với Chúa

Ngày 11-8 lễ thánh nữ Clara, sáng lập dòng nữ Phansinh

Ngày 12-8 lễ thánh nữ Phanxicca, sáng lập dòng Thăm Viếng. Đức chaLambert,  trước khi sang VN, đã đến mộ thánh nữ cầu nguyện cho GHVN

Ngày 21-8 lễ thánh giáo hoàng Piô X, có một người mẹ đạo đức

Ngày 23-8 lễ thánh nữ Rôsa Lima, vị thánh đầu tiên của Nam Mỹ

Ngày 24-8, (15-7 âm lịch), lễ Vu Lan, lễ nhớ ơn các người mẹ

Ngày 27-8 lễ thánh nữ Monica

Lời Chúa thánh lễ chúa nhật hôm nay nói đến đức khiêm nhường, hiền lành.

Bđ1 : sách Huấn Ca bđ1 khuyên dạy con cái sống nhũn nhặn, tự hạ : “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con cách nhũn nhặn. Càng lớn con càng phải tự hạ. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao : Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3,17-20).

Bài TM : Qua câu chuyện chọn chỗ ngồi trong tiệc cưới, Chúa Giêsu trong bài TM dạy chúng ta khiêm nhường tự hạ : “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị TC hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được TC tôn lên” (Lc 14,11).

Bđ2 : Thư Do Thái bđ2 so sánh Thiên Chúa thời Cựu Ước và TC Tân Ước. Thời Cựu Ước, Thiên Chúa như là Đấng uy nghi, đáng sợ; còn thời Tân Ước, Thiên Chúa là Đấng gần gũi, dễ thương.

Ở đời ai là người dịu đàng, ai là người hiền lành ? Phải chăng là người nữ. Người ta thường nói “em hiền như ma sơ”, chứ chẳng thấy ai nói “anh hiền như ông cha”. Tuy đàn bà lắm mồm lắm miệng, song lại là người dịu dàng và hiền lành. Thiên Chúa tạo dựng đàn bà: hình dáng yêu kiều mảnh mai, da dẻ mịn màng, tiếng nói nhỏ nhẹ… đủ nói nên sự nhũn nhặn và hiền lành của phụ nữ. Để đặt tên cho phụ nữ, người ta dùng tên của các loại hoa, hoa tuy đẹp, nhưng sớm nở chiều tàn, như : hồng , hường, cúc… Dùng những hình ảnh nhẹ nhàng dễ tan chảy để đặt tên, như : mây, sương, tuyết, thuỷ… Dùng những hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường để đặt tên, như : kim, chi… Dùng các nhân đức để đặt tên, như : thảo, hiền, diễm, trinh …

Còn những tên mạnh mẽ, to lớn, cứng rắn, thì để đặt tên cho nam giới vai u thịt bắp, như : hùng, cường, sơn, thạch… Vì thế, Lời Chúa thánh lễ hôm nay một phần nào cũng ca ngợi người phụ nữ dịu dàng, hiền lành.

Chúa nhật 15-8 lễ Mẹ Lên Trời, chúng ta nói đến công trạng của một người nữ nổi tiếng trong những ngày đầu thành lập GHVN. Đó là bà Minh Đức Vương Thái Phi. Hôm nay chúng ta nói đến một người phụ nữ khác : đó là bà Mađalêna Huỳnh Thị Lựu.

Bà là giáo dân giáo xứ Gò Thị, giáo phận Qui Nhơn ngày nay, cùng quê với thánh Anrê Kim Thông. Năm 17 tuổi bà lập gia đình với ông Lựu. Ông Lựu là con ông Sĩ, một người giầu có và vị vọng trong làng. Nhà chồng của bà có tầu thuyền đi buôn bán tới Hà Nội và ra cả nước ngoài như Trung Quốc, Philippin, Singapore, Malaysia…

Năm 1861 là một trong những năm bắt đạo gắt gao của vua Tự Đức. Đức cha Cuenot, tên Việt là Thể, phải ẩn trốn nay đây mai đó. Cuối cùng, Đức cha và 3 người phụ việc là thày Giacôbê Tiên, chú Giuse Nghiêm và ông Giacôbê Quả, phải đến Gò Thị  ẩn trốn, vì  Gò Thị là xứ đạo toàn tòng và đạo đức. Người ta đưa Đức cha đến ẩn  núp nhà bà Mađalêna Huỳnh Thị Lựu. Chồng bà vừa qua đời, để lại 4 người con gái, đứa con gái út còn đang bú sữa. Ai cũng nghĩ quan quân không để ý đến ngôi nhà mẹ goá con côi này.

Sau 13 ngày bao vây, lục soát mọi nhà trong xứ không bắt được ai, quan quân mới tới nhà bà Lựu. Đức cha vừa dâng thánh lễ xong, chưa kịp dọn đồ lễ. Biết là có đạo trưởng trong nhà. Họ đánh bà 17 roi, bà vẫn không khai. Họ lục soát nhà bà hai ngày liền. Vì ở dưới hầm ngạt thở, Đức cha đành phải chui lên đầu thú. Bà bị bắt cùng với Đức cha, bị đeo gông và bị giải lên tỉnh Bình Định. Bị tù, bị đánh đòn, bị tra khảo, đủ mọi hình khổ, bà vẫn vững đức tin, vẫn không hề nao núng.

Trước toà, quan hỏi :

– Ai cho các đạo trưởng ẩn núp trong nhà ?

Không hề đổ tội cho một ai, bà thưa :

– Chính tôi.

Quan hỏi tiếp :

– Ai đào hầm cho chúng trốn ?

Bà cũng thưa :

– Chính tôi.

Bà bị kết án xử trảm. Khi bị kết án, bà còn đang bế đứa con gái út. Ngày 21-2-1862 bà bị điệu ra pháp trường Bình Định cùng với Đức cha. Cho con bú lần cuối, bà đưa con cho bà ngoại, xin bà nuôi giùm 4 đứa con gái của bà. Rồi bà đưa đầu cho lý hình chém. Đầu của Đức cha bị ném xuống sông. Còn đầu của bà bị treo trên cột tre bên đường 3 ngày, để cảnh cáo mọi người. Giáo dân đã an táng bà trong nhà thờ của giáo xứ, để mãi mãi ghi nhớ ơn bà. Xin bà Madalena Huỳnh Thị Lựu cầu cho chúng con. Amen.

———————————

CN.22.C

1-9-2007

 

Bài TM chúa nhật vừa qua Chúa Giêsu bảo : “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24). Bài TM chúa nhật hôm nay Chúa Giêsu bảo : “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

Người Do Thái cũng giống như người VN tôn kính tên của các bậc trên, không dám gọi tên. Họ dùng thể thụ động. Thay vì nói : bị Thiên Chúa hạ xuống, được Thiên Chúa tôn lên, thì họ nói : “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.   

Như vậy muốn vào Nước Thiên Chúa thì phải qua cửa hẹp, phải khiêm nhường.

Có lần quỉ Satan hiện ra nói với tu sĩ Makasius rằng : “Hết mọi điều ngài làm, tôi đây cũng làm được cả. Ngài ăn chay tôi còn ăn chay hơn ngài, vì tôi có ăn tí gì đâu. Ngài thức khuya dậy sớm, tôi còn hơn ngài, vì tôi nào đâu có ngủ suốt ngày suốt đêm, từng giây từng phút tôi đi mọi nơi để cám dỗ người ta. Ngài từ bỏ của cải, tôi còn hơn ngài, vì từ hồi nào tới giờ tôi có của cải đâu. Chỉ có một điều ngài có thì tôi không có; ngược lại điều tôi có thì ngài không có. Chính vì điều đó mà ngài là thánh, còn tôi là quỉ.

Tu sĩ Makasius ngạc nhiên hỏi : “Vậy là điều gì ?”.

Quỉ đáp : “Đó là lòng khiêm nhường hiền lành. Ngài có tôi không có. Điều tôi có mà ngài không có, đó là tội kiêu ngạo” (Góp Nhặt 4).

Kiêu ngạo đã làm cho thiên thần thành quỉ, đã làm cho Ađam và Evà mất địa đàng, và để lại tội lỗi cho con cháu loài người.

Bđ1 : Sách Huấn Ca bđ1 kể : ông Si-rác sống vào cuối thế kỷ III và đầu thế kỷ II trước CN, thời người Do Thái bị nước Syri xâm chiếm, ông đã dạy cho con ông biết hậu quả tai hại của tính kiêu ngạo : “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3,28).

Ông Si-rác cũng dạy cho con ông biết Thiên Chúa yêu thích người khiêm nhường : “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3,17-18).

Trong kinh “7 mối tội đầu”, kiêu ngạo là tội đầu tiên, và khiêm nhường là nhân đức đứng đầu.

Bài TM : Bài TM thánh lễ hôm nay kể : ông thủ lãnh của một nhóm Pharisêu mời Chúa Giêsu dùng bữa. Bữa tiệc vào ngày sabát, tức là ngày nghỉ giống chúa nhật ngày nay. Bữa tiệc vào ngày sabát thịnh soạn hơn ngày thường. Ông cũng mời bạn bè của ông. Chúa Giêsu thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, Chúa bèn dạy họ : “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phai xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn” (Lc 14,8-10).

Sau khi dạy bài học khiêm nhường cho các thực khách, Chúa Giêsu cũng dạy cho ông chủ tiệc : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối… hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù…Ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại “ (Lc 14,12.14).

Sách Lêvi  chép rằng : “Bất cứ người nào có tật không được lại gần để tiến dâng thức ăn dành cho Thiên Chúa : đui mù, què quặt, dị tướng, dị hình, người bị gãy chân gãy tay, gù, còi, bị đốm ở mắt, ghẻ , hắc lào…(Lc 21,17-18).

Những người tàn tạt tật ám chỉ đến những người hèn hạ tội lỗi. Thời sách Lêvi, thời Cựu Ước : những người hèn hạ tội lỗi bị loại bỏ; trái lại thời Chúa Giêsu, thời Tân Ước : họ được quan tâm.

Bđ2 : Chúa Giêsu không chỉ dạy, mà còn sống khiêm nhường hiền lành.

Thư Do Thái trong bđ2 đã so sánh TC của Cựu Ước với TC của Tân Ước. TC Cựu Ước người ta không được đến gần, chỉ đứng xa xa mà nhìn : “Khi tới cùng TC, anh em đã chẳng tới quả núi sờ thấy được” (Dt 12,18).

Núi là núi Xinai, núi TC ban 10 giới răn cho ông Môsê. TC bảo ông Môsê : “Hãy xuống cảnh cáo dân đừng kéo nhau lên để xem Đức Chúa, kẻo nhiều người phải lăn ra chết” (Xh 19,21). Còn TC Tân Ước rất gần gũi, loài người đến được với Người : “Anh em đã tới núi Sion, tới thành đô TC hằng sống, là Giêrusalem trên trời…Anh em đã tới dự hội vui…Anh em đã tới cùng TC” (Dt 12,22.23).

Với Chúa Giêsu, TC khiêm nhường hạ mình, trở nên con người để ở với loài người, và còn trở nên của ăn cho loài người.

Bánh Thánh Thể, Mình Thánh Chúa là gương mẫu của lòng khiêm nhường hiền lành mỗi người phải noi theo.

——————

CN.22.C

29-8-2004

Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật tuần trước nói đến tinh thần công giáo, tinh thần phổ quát, tinh thần sống chung của Giáo hội. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay kêu gọi chúng ta sống khiêm nhường. Như vậy, khiêm nhường là nhân đức, là điều kiện cho việc chung sống, cho tinh thần phổ quát, tinh thần hòa hợp. Người ta chỉ có thể chấp nhận nhau, sống chung với nhau khi người ta khiêm nhường.

Bài đọc 1 : Sách Huấn Ca trong bđ1 đã khuyên dạy : “Con ơi…Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao : Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3,18-28).

Theo sách Huấn Ca, khiêm nhường đem lại những lợi ích : Thứ nhất là đẹp lòng Chúa. Lòng của Chúa thì khiêm nhường, như Chúa Giêsu nói : “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,28-30), thì  lòng Chúa chỉ hợp vơi những tấm lòng khiêm cung. Ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã nhắc lại nhân đức khiêm nhường mà Thiên Chúa đòi dân Chúa phải có  : “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ, chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa” (Xp 3,12). Lợi ích thứ hai của khiêm nhường là được người ta mến yêu : “Con hãy hòan thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng” (Hc 3,17).  Trái lại kêu ngạo thì “vô phương cứu chữa”.

Bài Tin Mừng : Đức khiêm nhường lại được Chúa Giêsu đề cao trong bữa tiệc tại nhà một người lãnh đạo nhóm Pharisêu. Thánh Luca kể : “Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người” (Lc 14,1). Ngày sabát của người Do Thái cũng giống như ngày chúa nhật của chúng ta hôm nay. Sau khi đi lễ về, lễ vào ban sáng, họ về nhà và có thể mời bè bạn đến dùng cơm. Ông không chỉ mời một mình Chúa Giêsu, mà còn mời nhiều người Pharisêu. Họ mời Chúa Giêsu dùng cơm tại không phải vì qúi mến Chúa Giêsu; trái lại còn tìm cách để hại Chúa. Chính bữa cơm hôm nay là dịp để họ bắt bẻ Chúa : “Họ cố dò xét Người”. Biết lòng dạ tự tôn tự đại, kiêu căng, khoe khoang của những người Pharisêu, nhất là qua cử chỉ “chọn cỗ nhất mà ngồi “,  Chúa Giêsu dạy cho họ bài học : “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng :’Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn” (Lc 14,8-10).

Đây không phải là ý tưởng mới mẻ của Chúa Giêsu mà là là giáo huấn lâu đời của người Do Thái. Sách Châm Ngôn đã từng dạy : “Trước long nhan đừng lên mặt kiêu kỳ, chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo : ‘Xin mời ông lên trên’ còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng” (Cn 25,6-7). Sách Huấn Ca cũng đã dạy : “Khi người quyền thế mời gọi con, con hãy lẩn đi, như thế, người ta càng mời mọc con hơn nữa. Đừng vồ vập kẻo bị tống cổ ra ngòai, cũng đừng đứng xa kẻo bị quên mất” (Hc 13,9-10). Sách Huấn Ca cũng còn dạy : “Đừng xin Đức Chúa Trời cho con quyền cao, cũng đừng xin vua cho con chức trọng”. Những người Pharisêu tự hào mình là người tuân giữ Luật tỉ mỉ, không bỏ sót một điều luật nhỏ mọn nào, thế mà nay họ đã quên luật khiêm nhường. Họ dùng bữa cơm để hạ nhục Chúa, không ngờ chính bữa cơm lại khiến họ phải thẹn thùng, vì họ, như Chúa Giêsu đã từng nhận xét : “Thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc” (Lc 20,46).

Những người Pharisêu chẳng những thiếu tư cách khi ăn, mà cả lòng dạ, tinh thần của họ cũng bủn xỉn, chẳng rộng rãi gì. Chúa Giêsu bảo : “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc” (14,13). Tiệc mà Chúa Giêsu nói đến chính là bữa đại tiệc của Nước Trời. Tiệc Nước Trời mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, không có gì đáp lễ. Chúa Giêsu nói với hai môn đệ của ông Gioan Tẩy gỉa : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7,22).

Bài đọc 2 : Thư Do thái trong bđ2 hôm nay so sánh hai thứ đạo : đạo Do Thái và đạo của Chúa Giêsu. Biểu tượng của đạo Do Thái là cảnh Thiên Chúa ban cho ông Môsê 10 giới răn ở trên núi Sinai. Đó là cảnh uy nghi, hãi hùng : “Anh em phải coi chừng không được lên núi và chạm đến chân núi. Ai chạm đến núi thì sẽ bị giết” (Xh 19,12). Trái lại, đạo mới, đạo của Chúa Giêsu là đạo của gần gũi, của hiền lành : “Chúng ta có một vị Thượng tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa…Vị Thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của  ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,14-16).

Nếu Thiên Chúa không gần gũi hiền lành và xót thương, thủ hỏi làm sao chúng ta dám lên rước Chúa vào lòng. Chúa đã hạ mình xuống với con cái lòai người, chả nhẽ con cái lòai người lại  cứ kiêu kỳ, xa cách với nhau ?

Linh mục Nguyễn Trung Thành