Mồng Một Tết – Cầu Bình An Năm Mới


Thứ Bảy. 10/02 : MÙNG MỘT TẾT GIÁP THÌN

CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

St 1,14-18; Cl 3,12-17; Mt 6,25-34

BÀI ĐỌC I: St 1,14-18

“Những vật sáng hãy trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng”.

Bài trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm. Và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 2. 3-4. 5-6. 12-13. 14. 16

Ðáp: Lạy Chúa, xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng tôi làm ra. (17c)

1) Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở nầy qua thuở kia, vẫn có Ngài.

2) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: “Hãy trở về gốc, hỡi con người”.

3) Chúa khiến họ trôi đi, họ như kẻ mơ màng buổi sáng, họ như cây cỏ mọc xanh tươi. Ban sáng cỏ nở hoa và xanh tốt, buổi chiều nó bị xén đi và nó héo khô.

4) Xin dạy chúng tôi biết đếm ngày giờ, để chúng tôi luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài.

5) Xin cho chúng tôi sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng tôi mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng tôi. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài.

 

BÀI ĐỌC II: Pl 4,4-8

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!”

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Phi-lip-phê.

Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:

All. All. – Trải qua mọi ngày, chúng tôi chúc tụng Chúa; và chúng tôi ca ngợi danh Chúa tới muôn đời. – All.

 

PHÚC ÂM: Mt 6,25-34

“Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con. Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đóa hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin? Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: “Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc?” Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Đó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM

Lm.Giuse Nguyễn Trung Thành

Những ngày Tết thời tiên khởi của Giáo hội Việt Nam

-Tới ngày đầu năm chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay cửa nhà, chúng tôi khuyên họ đặt cây Thánh Giá. Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành người ta trông thấy biểu hiệu đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao vót mái nhà làm cho ma quỉ sợ hãi và các thiên thần vui mừng. Chúa Trịnh Tráng cũng nhận thấy khi vào ngày đầu năm ngài đi qua phố trong đám rước long trọng, thấy Thánh Giá cắm cao chót vót thì ngài nói : đây là biểu hiệu của giáo dân. Trong ba ngày đầu năm, chúng tôi đã cho huấn dụ và gửi thư sau : ngày mùng một Tết kính công việc tạo thành và gìn giữ (muôn loài), kinh dâng Thiên Chúa Cha. Ngày mùng hai, nhận biết ơn cứu chuộc cao cả và khôn sánh, kính dâng Con Thiên Chúa; và ngày mùng ba khiêm tốn cảm tạ Chúa Thánh Thần vì ơn được gọi vào đạo Đức Kitô. Không ai là không hăm hở làm việc này, không ai là không vui mừng sung sướng  (Alexandre de Rhodes, Nguyễn Khắc Xuyên chuyển dịch, Lịch  Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, trang 211-212).

-Ba ngày năm mới, ngay từ năm đầu tiên đến truyền giáo, cha Rhodes đã để ý, thánh hóa hiến dâng ba ngày đó để tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngày mùng một kính Chúa cha, Đấng dựng nên và quan phòng vũ trụ; ngày thứ hai kính Chúa Con xuống thế làm người để cứu nhân loại đã sa ngã, ngày mùng ba kính Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa. Cây nêu được thay thế bằng cây Thánh Giá và hình cung nỏ trừ tà được thay thế bằng những hình Thánh Giá ở trên cửa nhà (Nguyễn Hồng, Lịch  Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, quyển 1, trang 117).

-Đến Đàng Ngoài n  ăm 1627, tới đầu năm 1628 là Tết Mậu Thìn, cha Rhodes bảo các tân tòng khi ‘lên nêu’, thay vì treo vàng mã, trầu cau, thì treo Thánh Giá trên ngọn nêu, để mọi người biết là mình theo đạo Đức Chúa Trời. Năm đó chúa Trịnh Tráng khi rước vua Lê Thần Tông đi tế Nam Giáo, đã nhìn thấy cây nêu loại này, và ngài nhận biết đó là dâu chỉ những người theo đạo Đức Chúa Trời. Thời ấy toàn dân ‘lên Nêu’ vào ngày Táo quân về chầu Ngọc Hoàng để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết với con cháu  trong đêm giao thừa, vì vậy mới treo trầu cau  để mời và vàng mã để tổ tiên có tiền đi đường. Việc cha Rhodes cho thay mấy thứ trên bằng Thánh Giá chẳng còn .ý nghĩa xum họp giữa kẻ sống và kẻ chết trong đêm giao thừa. Sự thường vào cuối thế kỷ 17 , bổn đạo vẫn ‘lên Nêu theo kiểu mới. Dịp tết Kỷ Dậu 1-2-1669, anh em bổn đạo ở kinh thành Thăng Long đều ‘lên Nêu’ có Thánh Giá. Chính ông già Diêu là quan lớn dưới quyền chúa Trịnh Tạc, cũng hãnh diên làm như thế, mâc dâu ông chưa được chịu phép rửa, vì muốn giữ lại bà vợ hai và cũng vì sợ chúa Trịnh Tạc lúc ấy đang ác cảm với Đạo Hoa Lang, sẽ truất chức quan của ông (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã hội Việt, trang 477-478).

Baì đọc 1 (Ds 6,22-27)

Chúc lành không phải chỉ dành cho giới tư tế. Tất cả những ai có quyền  đều có thể chúc lành cho kẻ dưới quyền; chẳng hạn : người cha chúc lành cho con cái (St 27), anh em trai chúc lành cho chị em gái (St 24,60), nhà vua chúc lành cho dân chúng (2Sm 6,18; 1V8,55). Tư tế có vai trò quan trọng trong truyền thống tư tế, thường chúc lành cho dân chúng (Lv 9,22). Nhưng người ta cũng không qui định rõ tư tế phải chúc lành lúc nào. Có lẽ khi dân chúng tụ họp ở Thánh Điện (Tv 115,12-15 và 118,26). Ở đây dân chúng giữ luật thanh sạch, nên Đức Chúa đáp lại tấm lòng tinh tuyền của họ mà ban phúc lành cho họ qua ông A-ha-ron và các con ông. Bản văn này có thể do truyền thống  truyền khẩu trước thời lưu đày, nhưng được chải chuốt cho thi vị hơn (Tv 67,2; Hc 50,20-21) (nhóm CGKPV, Ngũ Thư 2010, trang 380).

Bài Tin Mừng (Mt 5,1-10) : Một khi người ta đã gia nhập Nước Trời bằng lòng tin vào Lời Chúa Giêsu, các mối phúc trở thành chương trình sống như sau : Nếu tin vào Chúa Giêsu  thì nghèo khó, hèn mọn, sầu khổ không hẳn là bất hạnh, mà trái lại, của cải, danh vọng và sung sướng lại có thể trở thành trở ngại cho con người tiến lên hạnh phúc. Ba mối phúc đầu dạy phải vượt qua được những trở ngại đó. Ba mối phúc tiếp theo giúp xây dựng đời sống trên ba cơ sở vững chắc, theo ba hướng căn bản : Thiên Chúa (khao khát sự công chính), tha nhân (xót thương người), và bản thân (tâm hồn trong sạch). Phúc thứ bảy nói đến sứ mạng hòa giải của người môn đệ : biến cả thế giới thành một gia đình, trong đó mọi người đều là anh em cùng một Cha với nhau trong Chúa Giêsu. Cuối cùng phúc thứ tám là tuyệt đỉnh  đời sống người môn đệ :

được đồng hóa với Thầy (Nhóm CGKPV, Tân Ước năm 2008, trang 65).

Bài đọc 2 (1Tx 5,16-26.28) : Thánh Phaolô dạy giáo hữu Thê-xa-lô-ni-ka: ‘Anh em đừng dập tắt Thần Khi. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy căn nhắc mọi sự : điều gì tốt thì giữ; còn điều gì xấu dưới bất cứ hình thức nào thì tránh cho xa’. Năm mới hãy sống lời thánh Phaolô dạy.

Cầu nguyện

 Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung

là căn nguyên và cùng đích vạn vật

Trong giờ phút Giao Thừa này

chúng con hướng tâm hồn lên Chúa.

Cầu xin Chúa rộng ban cho chúng con

một năm dồi dào phúc lộc,

và đầy lòng hăng hái làm việc lành

để tôn vinh Danh thánh.

Chúng con cầu xin

 

SUY NIỆM II

BÌNH AN TRONG NĂM MỚI

(Hội An 10/2/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Năm mới Giáp Thìn đến. Hội Thánh Việt Nam đã hướng dẫn tâm tình của tín hữu Việt Nam về ba ngày Tết cổ truyền như sau: ngày mồng Một nhớ dâng năm mới cho Chúa, ngày mồng Hai hướng lòng đến và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ còn sống hay đã qua đời và ngày mồng Ba cầu xin Chúa thánh hóa công việc làm ăn, nghĩa là có công việc làm sáng danh Chúa và nuôi sống bản thân cùng gia đình. Vì vậy, Tết đến không chỉ là dịp dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, một việc cần thiết mà đôi khi trong suốt năm ta không lưu tâm; không chỉ là dịp gặp gỡ, thăm viếng hỏi han nhau, một việc mà trong năm quá bận rộn khiến chúng ta thiếu sót, nhất làm thăm viếng, hỏi han những người sinh thành và thân tộc, mà nhất là, Tết đến là dịp chúng ta xin ơn bình an Chúa ban trong suốt năm mới.

Bình an là gì? Làm sao được ơn bình an của Chúa?

  1. Bình an là có Chúa ở với

            Các nước có tục lệ khác nhau để tìm bình an cho cả năm. Người Nhật thường ăn cá đầu năm mong tìm bình an, vì con cá có sức bơi ngược dòng, nên người ăn cá đầu năm sẽ có sức vượt mọi thử thách trong những ngày tháng của năm mới. Người Hungary ăn thịt heo quay với trái táo ngậm miệng, tin rằng điều này sẽ mang lại may mắn và sức khỏe tốt cho năm mới. Người Việt cấm kỵ nói và làm điều gở vào những ngày đầu năm, sợ làm mất bình an trong năm mới. Quả thật, ai cũng muốn được bình an, nhưng ít người hiểu được bình an. Mọi người cần nhận biết chỉ nơi Chúa mới có sự bình an.

            Chúng ta biết rằng không có thức ăn gì hay sự kiêng kỵ gì có thể đem lại bình an cho chúng ta trong 12 tháng sắp đến. Đối với Ki-tô hữu, chỉ Thiên Chúa mới là sự bình an của con người.  Khi ban bình an cho các nhân vật lớn trong thánh kinh, Thiên Chúa luôn bảo đảm “Ta ở với con.” Để bảo đảm bình an cho Abraham trong hiện tại và những ngày tháng tới, Thiên Chúa nói với Abraham: “Đừng sợ, Ta ở với ngươi” (St 26,24). Thiên Chúa khẳng định như thế với vua Đa-vít: “Ngươi đi đâu, Ta cũng ở với ngươi” (2Sm 7,9). Gio-suê trước nhiệm vụ gian truân đưa dân vào Đất Hứa, ông được Thiên Chúa trấn an “Ta sẽ ở với ngươi” (Gs 1,5). Trước nỗi sợ hãi và bất an phải rao giảng lời Chúa cho người đời đang chống đối, ngôn sứ Giêrêmia muốn thoái thác, Thiên Chúa đã trấn an và ban bình an cho ngôn sứ Giêrêmia với lời cam kết “Ta ở với ngươi.” Vẫn một lời bảo đảm như thế khi Chúa Giê-su hứa ban bình an cho những ai đi theo Ngài: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) và trong thánh lễ, Chúa quả quyết: “Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14,27). Có Chúa ở với là có bình an.

Vì vậy, chúng ta không thể tìm gặp được bình an trong năm mới ở nơi đâu khác ngoài Chúa Giê-su, Thiên-Chúa-ở-với-chúng-ta. Thánh Phaolô đã kinh nghiệm với niềm xác tín: “Thiên Chúa của tôi sẽ cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự phú túc vinh sang của Ngài trong Đức Ki-tô” (Pl 4,19).

Vậy, làm thế nào đón nhận được sự bình an Chúa ban trong năm mới này? Làm thế nào được Chúa cung cấp cho mọi nhu cầu của chúng ta như thánh Phaolô xác tín?

  1. Chúa Giê-su Thánh Thể là bình an của nhân loại

            Thông thường, khi nói về bình an là chúng ta nghĩ đến tình trạng yên ổn, không có chiến tranh. Ví dụ, các nước không có chiến tranh, trong gia đình không gây gỗ nhau là có bình an. Tuy nhiên, cần vượt qua những hời hợt bên ngoài đó để hiểu bình an sâu xa hơn theo thánh kinh. Theo thánh kinh, bình an là hiệp nhất với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ mất đi bình an khi chúng ta biến mình thành kẻ thù nghịch với Thiên Chúa. Tội lỗi làm mất sự bình an trong chúng ta. Đức cha Fulton Sheen cho một so sánh rất chí lý: quả bom nguyên tử trong tay người nhân đức sẽ không gây tang tóc, nhưng một khẩu súng ngắn trong tay một người ác tâm sẽ tác hại vô lường. Điều khiến quả bom nổ hay khẩu súng khai hỏa không phải do chất nổ hay viên đạn trong nó, mà là do con người sử dụng nó. Vì vậy, không bình an, nếu chúng ta không có tâm hồn bình an.

Do đó, để hưởng bình an, trước hết chính con người phải được làm lại từ bên trong, phải hoán cải tâm hồn, phải từ bỏ tội lỗi và trở lại sống với Đấng đã tạo tâm hồn con người theo hình ảnh thánh thiện của Ngài. Thật vậy, trong Chúa Giê-su, nhờ Chúa Giê-su và với Chúa Giê-su chúng ta mới được bình an, bởi chính Chúa Giê-su là “Đấng đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách” giữa chúng ta và Thiên Chúa (Ep 2,14), để con người được sống trong bình an của Thiên Chúa.

            Hôm nay, tìm đâu được bình an? Trong tông huấn Bí Tích Tình Yêu, Đức Bênêđictô XVI viết: “Tự bản chất, bí tích Thánh Thể là bí tích bình an.” Trong thánh lễ, trước Mình Máu Thánh Chúa, chủ tế lặp lại lời Chúa Giê-su: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Như vậy, rước lấy Chúa Giê-su Thánh Thể và sống với Chúa Giê-su Thánh Thể là nhận được bình an của Chúa, “vì Ngài là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Đừng mơ sống xa Chúa hay thù nghịch với Chúa mà có bình an! Tiếp đến, chủ tế mời mọi người “chúc bình an cho nhau”, nghĩa là đem bình an từ Thánh Thể Chúa làm lan tỏa đến mọi người bên cạnh.

            Nếu chúng ta năng đến với Chúa Giê-su Thánh Thể, nghĩa là năng tham dự thánh lễ và biết đem bình an cho nhau, thì làm sao cuộc sống chúng ta thiếu sự bình an được? Chỉ khi nào chúng ta xa tránh Chúa và thù nghịch với Chúa, chắc chắn trong chúng ta hay trong gia đình và thế giới giới này không có bình an. Vì vậy, xin cho chúng ta đừng bao giờ thù nghịch với Chúa, hầu xứng đáng rước lấy Đấng ban bình an vào lòng.

Cây mọc gần suối nước thì sẽ xanh tươi và sinh hoa trái. Xin Chúa giúp sức cho mỗi người, mỗi gia đình chúng con trong năm mới này gần gũi với Chúa, siêng năng cầu nguyện và tham dự thánh lễ để nghe được Chúa nói: “Ta ở cùng con,” nhờ đó đời chúng con được bình an và làm lan tỏa lời nói bình an, cử chỉ thân thiện, ánh mắt thân thiện đối với anh chị em. Xin Chúa ban bình an cho chúng con. Lạy nữ vương ban sự bình an, xin cầu cho chúng con.