Suy Niệm Tuần Thánh – Lm Giuse Nguyễn Văn Thú


YÊU NHƯ ĐƯỢC YÊU

Thứ Năm Tuần Thánh (Hội An 28/3/2024)

            Cũng như hơn 2.000 năm cách đây tại phòng Tiệc Ly, hôm nay chúng ta được tụ họp quanh Chúa Giê-su trong bầu khí ấm cúng và luyến nhớ trước khi Chúa chịu khổ nạn và chịu chết, để cử hành tình yêu đến cùng của Chúa Giê-su dành cho chúng ta qua các sự kiện: rửa chân và lập bí tích Thánh Thể cùng bí tích Truyền Chức Thánh.

  1. Chúa yêu ta đến cùng

            Tin Mừng cho biết, Chúa Giê-su yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13,1) và chúng ta là những người được Chúa yêu đến cùng.

            Để diễn tả tình yêu đến cùng của mình, trong đêm Tiệc Ly, Chúa Giê-su đứng dậy, rời bàn ăn, đổ nước vào chậu và rửa chân cho từng tông đồ. Việc rửa chân là việc của từng người, đi đường xa, biết chân mình bụi lấm, mỗi người phải tự rửa chân mình cho sạch trước khi vào bàn ăn. Trong những gia đình giàu sang có nhiều đầy tớ, thì đầy tớ làm công việc rửa chân cho khách mời. Tất cả cốt để mọi người được sạch trước khi vào bàn dự tiệc. Thế nhưng ở đây, chính Chúa Giê-su đứng lên cởi chiếc áo vinh quang thần linh của Ngài, cúi xuống thanh tẩy chúng ta. Sự thanh tẩy này là quà tặng yêu thương đến cùng Chúa đã dành cho chúng ta trong bí tích Rửa Tội và thanh tẩy cho ta hằng ngày trong bí tích Giải Tội. Mỗi khi như thế, Chúa Giê-su lại một lần nữa quỳ xuống rửa chân cho chúng ta.

            Chưa hết. Để diễn tả tình yêu đến cùng của Ngài cho chúng ta, Chúa Giê-su đã lập bí tích Thánh Thể và lập bí tích Truyền Chức thánh để có người tiếp tục Ngài cử hành các bí tích qua mọi thời, không ngừng diễn tả tình yêu đến cùng của Ngài cho đến tận thế. Dĩ nhiên, các bí tích khác cũng là cách thế Chúa diễn tả tình yêu đến cùng của Ngài, là quà tặng của Thiên Chúa, nhưng trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được nhận lấy chính Thiên Chúa, Tác Giả của tình yêu đến cùng. Làm sao nhận ra được tình yêu? – Thưa, bằng những gì tình yêu ban cho. Vậy, chúng ta hãy nhìn quà tặng Chúa Giê-su ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể, đó là Ngài ban cho chúng ta chính Thân Mình Ngài, nguồn của mọi quà tặng thánh thiện. Vì thế, để nhận lấy bí tích Thánh Thể cho xứng đáng, chúng ta cần được Chúa thanh tẩy qua bí tích rửa Tội và bí tích Giải Tội đồng thời có lòng mến Chúa đến cùng như Chúa yêu thương ta.

  1. Hãy yêu Chúa như được Chúa yêu

            Ai ngờ tình yêu đến cùng của Chúa Giê-su bị tông đồ Ngài khước từ! Có hai cuộc khước từ Chúa rửa chân cách công khai, một của Giu-đa và một của Phê-rô. Tin Mừng tường thuật, Chúa Giê-su biết rõ ý định bán Chúa của Giu-đa, nhưng Chúa vẫn đến cúi xuống rửa chân cho Giu-đa, vì Ngài yêu thương Giu-đa đến cùng. Chúa cho Giu-đa biết Ngài không chỉ rửa chân, mà rửa cả bên trong tâm hồn của Giu-đa nữa: “Không phải các con đều sạch cả đâu” (Ga 13,11). Giu-đa bấy giờ chắc chắn hiểu rằng Chúa biết tà ý bên trong ông, nhưng Chúa vẫn muốn tẩy sạch cho ông để ông đáng dự Tiệc của Ngài. Đáng tiếc, Giu-đa khăng khăng khước từ được Chúa rửa sạch! Theo Đức Bênêđictô, Giu-đa là đại diện cho loại người không muốn được yêu, mà chỉ nghĩ đến sở hữu, nghĩ đến vật chất.

            Đến lượt mình, Phê-rô cũng khéo léo từ chối được Chúa rửa chân. Chúa Giê-su nói rõ: “Nếu Thầy chẳng rửa chân cho con, con chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,8). Rửa chân là ước mong tận đáy trái tim của Chúa dành cho các tông đồ, bởi chỉ qua đó, các tông đồ được thánh thiện để có thể hiện diện trong tình yêu viên mãn của Chúa Giê-su (Cl 1,19). Nói cách khác, từ chối được Chúa tẩy sạch tội lỗi là khước từ tình yêu đến cùng của Chúa và từ chối tham dự mầu nhiệm chết, sống lại và phục sinh của Chúa, trước mắt, từ chối tham dự Tiệc Thánh Thể.

            Chúng ta cần lưu ý, trước khi cử hành rửa chân và lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, Chúa chưa nói với chúng ta hãy yêu Thầy như Thầy yêu các con và cũng chưa nói hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, bởi các môn đệ Chúa không thể hiểu nổi tình yêu đến cùng của Chúa. Nay, họ đã hiểu Chúa yêu họ, xem họ như bạn hữu và hiểu được Ngài muốn họ yêu Ngài đến cùng như họ được yêu.

            Lạy Chúa Giê-su, khởi đầu ba ngày thánh này, Chúa mời gọi chúng con hiểu rõ Chúa yêu chúng con đến cùng. Xin cho chúng con mau đến với bí tích Giải Tội để được Chúa thanh tẩy hầu xứng đáng tham dự Tiệc Thánh Thể của Chúa. Xin cho chúng con đáp lại tình yêu của Chúa bằng tình yêu lớn lao của chúng con qua việc siêng năng tham dự thánh lễ, rước Chúa xứng đáng và yêu thương Giáo Hội là thân thể của Chúa qua việc quảng đại phục vụ Chúa.

NỤ HÔN DÀNH CHO CHÚA HÔM NAY

Thứ Sáu Tuần Thánh (29/3/2024)

            Vào thứ Sáu tuần thánh, Mẹ Hội Thánh mời gọi chúng ta khiêm cung chiêm ngắm và suy tôn thánh giá Chúa Giê-su, trên đó, Chúa đã chịu chết để cứu độ chúng ta. Sau khi trưng cao thánh giá, vị chủ sự mời gọi mọi người: “Ta hãy đến thờ lạy.” Sau đó lần lượt, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân tiến đến bày tỏ lòng tôn kính thánh giá bằng cách khiêm cung hôn kính thánh giá. Việc hôn kính thánh giá của mỗi chúng ta hôm nay cần thể hiện tâm tình gì với Chúa?

            Nụ hôn nào chúng ta dành cho Chúa? Thánh Kinh thuật lại có nụ hôn của Giu-đa. Vào buổi tối Tiệc Ly. Chúa bị một người môn đệ phản bội, người từng ba năm theo Chúa, từng nghe lời Chúa giảng dạy, từng chứng kiến phép lạ Chúa làm, từng sống gần gũi với Chúa và được gọi là bạn hữu của Chúa. Suy gẫm về điều này, tu sĩ Thomas à Kempis đã viết: “Con ngợi khen và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã kiên nhẫn chịu đựng người môn đệ bất trung của Chúa, dù Chúa đã thấy trước kẻ ấy sẽ ghét bỏ và bội phản Chúa. Chúa cũng không tỏ ra giận dữ hay nói lời nào gay gắt với kẻ ấy. Chúa cũng không tỏ cho người khác biết ý định xấu của kẻ ấy và vẫn không cách chức người ấy.”

            Không lâu sau khi đồng ý làm kẻ chỉ điểm cho người Do Thái đến bắt Chúa Giê-su, Giu-đa nói với họ: “Hễ tôi hôn ai, thì chính là người ấy. Hãy bắt lấy!” Thánh Tôma More đã khiếp sợ viết rằng: “Dấu hiệu khủng khiếp của sự phản bội.” Chúa thinh lặng và dịu dàng đón nhận, nói với Giu-đa: “Anh dùng nụ hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48).

            Bao nhiêu năm ở giữa các tông đồ, Giu-đa không bị lộ dã tâm của mình. Nhìn bên ngoài, ông ở trong cộng đoàn tông đồ, nhưng trong lòng Giu-đa thì không. Nụ hôn đáng buồn của Giu-đa là kết quả của những chuỗi năm tháng sống giả hình với Chúa và cộng đoàn. Nụ hôn nào bạn dành cho Chúa hôm nay?

            Chúa đã từng nói với Giu-đa: “Này bạn!” Lúc chúng ta cúi xuống hôn thánh giá, Chúa cũng nói lại với chúng ta những lời thân thiết ấy: “Này bạn!”, bởi vì Chúa đã cho chúng ta là bạn hữu của Chúa. Vậy, nụ hôn chúng ta đặt xuống thánh giá có phải là nụ hôn của người yêu Chúa không? Từ đáy lòng, bạn hôn kính bày tỏ lòng yêu mến của bạn đối với Chúa Giê-su, Đấng chịu chết vì tội lỗi bạn không? Nụ hôn của bạn vào những vết thương của Chúa Giê-su có làm biến đổi đời sống của bạn như tình yêu của bạn dành cho Chúa không? Ước gì khi cúi xuống hôn Chúa, chúng ta trao chúng ta cho Chúa tình yêu của chúng ta như tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

            Trong khi giảng tại Paris vào khoảng năm 1272, vị giảng thuyết đã mời mọi người nhìn vào thánh giá và nói: “Hỡi Ki-tô hữu, hãy nhìn kìa! Hãy nhìn Chúa Giê-su đã nghiêng đầu xuống để hôn các bạn, hai tay Ngài giang rộng để ôm bạn!” Khi chúng ta cúi hôn Chúa, Chúa cũng hôn chúng ta. Thánh Têrêxa có lý khi nhận ra tiếng kêu: “Ta khát!” của Chúa trên thánh giá không chỉ là cơn khát thể lý, mà còn là cơn khát tình yêu của chúng ta. Vì thế, khi chúng ta cúi xuống hôn kính Chúa, chúng ta cũng đừng tránh né nụ hôn của Chúa cho chúng ta để biểu hiện tình yêu của Ngài.

            Hôm nay, chúng ta nhìn lên Đấng bị đâm thâu, thì xin cho chúng ta đừng tránh né cái nhìn xuống của Chúa trên chúng ta.

            Lạy Chúa, bước theo Chúa, đi đằng sau Chúa, con chỉ thấy thánh giá của Chúa. Xin cho con yêu quý thánh giá của Chúa.

SỨC MẠNH CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Vọng Phục Sinh (Hội An 30/3/2024)

            Những người theo Chúa Giê-su, sớm hay muộn, cũng gặp tình cảnh rã rời trong cuộc đời mình như tình cảnh của những phụ nữ Galilê trên đường ra mộ Chúa. Đó là một sáng sớm khi trời còn đang tối, một buổi sáng không chút hy vọng, trống rỗng, một buổi sáng không có ánh bình minh cho ngày mới. Lòng mọi người chết lặng, chỉ còn chút than hồng của lòng thương nhớ với vài thứ hương liệu ra xức xác Chúa. Thế mà sự đời vẫn cứ tàn nhẫn dập tắt chút thương nhớ còn lại trong họ với câu hỏi: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ cho chúng ta?” Nỗi chán chường không của riêng ai!

  1. Tảng đá ngăn cách

            Tảng đá lấp cửa mồ cũng là tảng đá lấp đức tin và mọi hy vọng của những người tin theo Thầy Giê-su của mình. Nó không chỉ là khối đá nặng đòi hỏi vài người đàn ông mạnh mẽ mới có thể di chuyển, mà sức nặng của nó còn khủng khiếp dường như không thể lăn chuyển được, vì nó bị quân lính Rôma niêm phong. Lăn chuyển tảng đá là đối đầu với quyền lực của đế quốc Rôma. Vì vậy, mấy người phụ nữ ra viếng mộ tỏ ra bất lực trước tảng đá là điều dễ hiểu, đồng thời tảng đá cũng dập tắt hy vọng cuối cùng diễn tả tình yêu của họ đối với Thầy Giê-su. Chút hương liệu bày tỏ lòng yêu mến trở nên vô tích sự. Mọi sự chấm dứt!

            Nếu mọi sự dừng lại ở biến cố Chúa chịu khổ hình và chịu chết với tảng đá lấp cửa mộ, thì hành trình mùa Chay của chúng ta cũng dừng lại trong tâm trạng trống trải đi vào ngõ cụt sao? Suốt đời theo Chúa, nay cuối cùng tảng đá tàn nhẫn đặt dấu chấm hết cho đức tin của Mười Hai tông đồ và mười hai chi tộc Israel, nghĩa là tảng đá lấp mồ đặt dấu chấm hết cho niềm hy vọng của dân Chúa vào lời hứa cứu độ của Chúa. Tảng đá còn là biểu tượng bức ngăn tồi tệ, nó giam hãm Chúa Giê-su và ngăn cách Ngài với chúng ta, bởi nó là biểu tượng của sức nặng tội lỗi thế gian, tội lỗi của mỗi cá nhân. Tảng đá còn là biểu tượng của sự chết, đến nỗi trong tội lỗi, con người dường như không còn hy vọng từ bỏ tội lỗi quay trở lại sống tình thân với Chúa. Tảng đá đóng kín làm con người thời đại này mất đức tin vào Thiên Chúa và chẳng hy vọng vào lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa. Như những phụ nữ lo âu về sức nặng của tảng đá, chúng ta bất lực trước tội lỗi nơi chúng ta và trong xã hội. Mùa Chay chấm dứt trong thất vọng sao?

  1. Trước quyền năng Đấng Phục Sinh, tảng đá bị hất sang bên

            Điều bất ngờ là ngay trong đêm tối lo âu và bất lực của con người, thì đó là lúc Thiên Chúa ra tay. Tảng đá lấp cửa mồ được lăn sang một bên, bất chấp quyền lực của sự dữ niêm phong. Thế gian tưởng rằng đã loại trừ được Chúa ra khỏi thế giới này, không còn phải nghe nói về Chúa Giê-su, chẳng còn bị lời Chúa Giê-su làm phiền và con người sẽ chỉ biết thế gian này, thỏa thích trong mọi ý hướng thấp hèn, nhưng “Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha” (Rm 6,4). Thánh Phaolô tuyên xưng đức tin như thế. Sức mạnh của quyền năng Thiên Chúa đã hất tảng đá tội lỗi và sự chết sang một bên, khai mở con đường sự sống và thánh thiện cho nhân loại, Ngài đến cứu độ con người. Sức mạnh đó chính là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mạnh hơn sự chết. Trên thánh giá, Chúa Giê-su đã kêu với Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”, thì cuộc phục sinh của Chúa là câu trả lời của Chúa Cha và là câu trả lời cho những ai tin vào Ngài trong mọi hoàn cảnh.

            Vì thế, những người có lòng tin cần theo bước các phụ nữ trở lại để gặp Chúa Giê-su. Không phải trở lại với quá khứ hay với miền đất nơi xảy ra biến cố sống lại, mà là trở lại với tình yêu thuở ban đầu với Chúa, để được Đấng phục sinh làm cho mới mẻ trở thành con người chứng nhân của Đấng phục sinh. Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Ơn cứu độ luôn khởi sự một cách mới mẻ nơi mỗi người, chứ nó không đơn giản đã sẵn có. Nó không do từ bên ngoài hay quyền lực mà có, nhưng chỉ bước vào khi có tự do của ta mở cửa. Nhưng trên hết và trong mọi chuyện vẫn là Chúa, Ngài đi với ta và cho ta hy vọng, hy vọng này mạnh hơn mọi phá hoại và nó giúp con người trở nên hoàn thiện.”

            Với sức mạnh của Chúa Giê-su phục sinh, tảng đá ngăn cách bị hất sang bên, niềm hy vọng được sống lại và nói kết mối tương quan thân thiết của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sức mạnh tình yêu của Đấng phục sinh đã tẩy sạch tội lỗi của chúng ta qua bí tích Rửa Tội và Giải Tội, sức mạnh thần linh này cũng thúc giục chúng ta hằng ngày đến tham dự thánh lễ là nơi Chúa Giê-su phục sinh hiện diện. Sức mạnh của Đấng phục sinh thôi thúc chúng ta làm chứng cho Chúa ở mọi nơi chúng ta hiện diện. Vậy, chúng ta hãy thể hiện sự biến đổi nhờ Chúa phục sinh ngay từ lúc này.

            Xin Mẹ Maria đồng hành với chúng ta trong niềm vui phục sinh.