Luọc Sử Giáo Xứ An Hoà – Giáo Hạt Đà Nẵng


LƯỢC SỬ GIÁO XỨ AN HÒA – GIÁO HẠT ĐÀ NẴNG

Vào thập niên 1960, khách bộ hành đi trên đoạn đường quốc lộ 1A, cách ngã ba Huế khoảng 1,5 km về hướng Nam, ai cũng thấy ngôi thánh đường cùng với ngôi trường Trung Tiểu học Gioan XXIII của Giáo xứ An Hòa, một Giáo xứ mới do Cha Antôn Bùi Hữu Ngạn thành lập. Tuy nhiên ngôi thánh đường và ngôi trường này hiện không còn nữa. Giáo xứ đã xây dựng lại ngôi thánh đường mới tọa lạc tại địa chỉ 223/1 đường Trường Chinh, phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Địa bàn Giáo xứ trải rộng trên 06 đơn vị hành chính: Phường An Khê, Hòa Khê, Hòa An, Hòa Minh, Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông. Tuy nhiên giáo dân tập trung chủ yếu ở các phường: An Khê, Hòa Khê và Hòa An.

  1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giáo dân Giáo xứ An Hòa đa số tập hợp từ hai Giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu, di cư vào năm 1954 sau hiệp định Genève. Ban đầu, nhóm giáo dân này tạm trú tại Hòa Mỹ. Năm 1960 họ cùng khai hoang và định cư tại một vùng rừng thưa, thuộc ngoại ô thành phố Đà Nẵng, dọc theo quốc lộ 1A, giáp ranh với xã Hòa Phát, hình thành nên Giáo xứ An Hòa với diện tích khuôn viên nhà thờ ban đầu gần 15.000 m2, số giáo dân lên đến 3.000 người. Cha xứ tiên khởi là cha Antôn Bùi Hữu Ngạn.

Ban đầu, ngôi thánh đường được xây dựng bằng vật liệu thô sơ, cùng với nhà xứ, nhà các Soeurs… Năm 1960, ngôi thánh đường được nâng cấp thành bán kiên cố, vì phải chờ việc quy hoạch tổng thể, để có thể xây dựng một ngôi thánh đường khang trang hơn nhìn ra quốc lộ 1A trong tương lai.

Cũng trong thời gian này, nhu cầu học vấn của người dân là cần thiết và cấp bách, vì thế cha Antôn đã xây dựng ngôi trường Trung Tiểu học Gioan XXIII. Hơn nữa, để tạo công ăn việc làm cho khu dân sinh tân lập, năm 1965, Giáo xứ đã mở nhà in Thanh Công, trại chăn nuôi gà.

Năm 1972, một lần nữa cha Antôn đích thân lên cao nguyên tìm đất canh tác để có thể đưa giáo dân lên lập nghiệp. Thế nhưng Ngài đã bị tai nạn và qua đời trong chuyến đi ngày 20/7/1973. Giáo xứ tiếc thương vị mục tử trẻ đầy nhiệt huyết, Giáo phận cũng mất đi bậc đàn anh đã gầy dựng phong trào Hùng Tâm Dũng Chí tại Giáo phận.

  1. Các thời kỳ

* Năm 1973 – 1990: cha Giuse Đinh Công Hạnh được Tòa Giám Mục bổ nhiệm làm quản xứ An Hòa. Ngài tiếp tục công việc dang dở của Cha cố để lại cũng như dẫn dắt Giáo xứ vượt qua những ngày tháng khó khăn. Ngài phải chăm sóc giáo dân An Hòa tại hai nơi: Giáo xứ An Hòa và vùng kinh tế mới Hòa Trung – Hòa Vang.

Vào ngày ngày 21/8/1975: Nhà Nước đã trưng dụng Khu đất và các cơ sở trên Khu đất của Giáo xứ như: Nhà Thờ, nhà xứ, trường Gioan XXIII, trại gà, nhà in Thanh Công … với mục đích:

– để phát triển ngành Công nghiệp và Thủ Công nghiệp ở địa phương nhằm đem lại hạnh phúc cho đồng bào của tỉnh.

– để tạo điều kiện cho số đông giáo dân muốn tham gia sản xuất nông nghiệp, chung sức phục hưng nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.

Chính vì thế Khu đất của Giáo xứ bị thu hẹp lại. Giáo xứ phải tận dụng một căn nhà cấp bốn làm nhà thờ Giáo xứ. Lúc này giáo dân An Hòa chỉ còn vỏn vẹn 150 người. Mọi công việc của Giáo xứ dường như ngưng đọng, chỉ sinh hoạt trong âm thầm.

* Năm 1990 – 2003: Năm 1990, Cha Giuse được thuyên chuyển đến Giáo xứ Sơn Trà, và thay thế Ngài coi sóc Giáo xứ An Hòa là cha Louis Huỳnh Nhẫn. Số giáo dân lúc này khoảng 500 người. Một năm sau khi về nhậm xứ, Cha Louis đã chính thức bầu Ban Đại diện Giáo xứ, hoạt động xứ đạo bắt đầu năng động trở lại.

Năm 1999, Cha Louis cùng với giáo dân xây dựng lại ngôi thánh đường mới vì ngôi nhà thờ cũ đã xuống cấp và không đủ sức chứa cho giáo dân khi tham dự phụng vụ. Năm 2002, Ngài tiếp tục xây dựng nhà xứ, Đài Đức Mẹ, Đài Thánh Giuse và tôn tạo cảnh quan chung quanh nhà thờ. Năm 2003, sau khi hoàn thành sứ mạng Chúa trao, Cha Louis về nghỉ hưu tại Tòa Giám Mục.

* Năm 2003 – 2007: Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục làm quản xứ với số giáo dân tăng lên khoảng 600 người. Ngài tổ chức bầu Ban Đại diện khi hết nhiệm kỳ, củng cố lại các sinh hoạt mục vụ, đưa Giáo xứ đi vào nề nếp với những nghi lễ phụng vụ kỹ lưỡng trang trọng hơn. Tổ chức các lớp giáo lý căn bản cho Giới Thiếu nhi và Giới Thanh niên, chia Giáo xứ thành 8 giáo khóm, lập nhóm chia sẻ Lời Chúa, Giới Hiền Phụ, Giới Hiền Mẫu, Giới Thanh Niên và Ban Trợ Tang.

* Năm 2007 – 2014: Năm 2007, Cha Giuse Nguyễn Kim Nhật về quản xứ An Hòa, số giáo dân lúc này khoảng 800 người. Cha ưu tiên đào tạo nhân sự, nhất là đội ngũ Giảng viên Giáo lý, củng cố Giới Trẻ. Cha đã tôn tạo cảnh quang thiên nhiên, xây Đài Á Thánh Anrê Phú Yên, chỉnh trang gian cung thánh, mở rộng gian cộng đoàn, qui hoạch phòng ốc để đáp ứng nhu cầu học Giáo lý. Giáo xứ thường xuyên mở các lớp Dự Tòng và Hôn Nhân. Cha lập thêm Giới Cao Niên, Ban Trật Tự, Hội Lêgiô, Hội Lòng Chúa Thương Xót, Ca đoàn Hiền Phụ, Ca đoàn Hiền Mẫu, nhóm Bái Ái Têrêxa Calcuta, nhóm Mácta phục vụ.

* Năm 2014 – 2018: Cha Giuse Cao Văn Cường về quản xứ, số giáo dân lúc này trên 1000 người. Sau khi về nhận nhiệm sở An Hòa, Cha Giuse đã bắt đầu sửa chữa sân nhà xứ, hang đá Đức Mẹ, làm thêm mái hiên bên phải nhà thờ và các phòng Giáo lý, phòng tiếp khách, nhà bếp để thích hợp với sinh hoạt của cộng đoàn Giáo xứ.

* Năm 2018 đến nay: Cha Quản xứ Giacôbê Lê Quý Đạt củng cố lại Hội Đồng Mục Vụ, các Ban Ngành, Đoàn Thể trong Giáo xứ, giúp giáo dân cùng nhau sống tinh thần hiệp hành với các chiều kích: Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ. Số giáo dân lúc này là 1247 người.

  1. Hiện tình Giáo xứ

Như đã nói ở trên, vào ngày 21/8/1975, Nhà Nước đã trưng dụng Khu đất và các cơ sở trên Khu đất của Giáo xứ như: Nhà Thờ, nhà xứ, trường Gioan XXIII, trại gà, nhà in Thanh Công … Thế nhưng các cơ sở này hiện không còn. Hơn nữa, Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chuyển đổi, chuyển nhượng phần lớn Khu đất trưng dụng của Giáo xứ cho các Công ty tư nhân để phân lô bán nền. Đây là việc làm trái với mục đích trưng dụng ban đầu, trái với các quy định của luật đất đai năm 2013, trái với các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Nhà, Đất liên quan đến tôn giáo.

Vì thế Cha Quản xứ Giacôbê cùng với giáo dân làm Đơn Kiến Nghị và tiếp sau đó là 5 Đơn Khiếu Nại, 4 Đơn Yêu cầu gửi các cấp Chính quyền thành phố, yêu cầu dừng việc triển khai Đồ án quy hoạch Khu dân cư trên Khu đất trưng dụng của Giáo xứ và Đề nghị Chính quyền thành phố giao lại Khu đất nói trên cho Giáo xứ để xử dụng vào mục đích tôn giáo.

Giáo xứ An Hòa hiện có tổng số giáo dân là 1247 người, được chia ra thành 7 Giáo họ, 15 ban ngành đoàn thể. Hội đồng mục vụ Giáo xứ gồm 46 thành viên. Về Giáo lý, Giáo xứ hiện có 10 lớp, với 163 học viên và 14 giảng viên Giáo lý.

Với hiện tình như vậy, cho nên nhu cầu hiện nay của Giáo xứ là cần xây nhà thờ, nhà xứ, nhà mục vụ, Đài Đức Mẹ, Đài Thánh Giuse, sân đậu xe, và các lối đi kiệu xung quanh nhà thờ. Thế nhưng diện tích khuôn viên nhà thờ hiện nay chỉ có 1360 m2, không đủ để đáp ứng những nhu cầu nói trên. Vì thế cùng với việc gửi các Đơn nêu trên, Giáo xứ cũng đã làm Đơn Xin Mở Rộng Cơ Sở Thờ Tự gửi đến các cấp Chính quyền. Tuy nhiên cho đến nay, Giáo xứ đã gửi Đơn 13 lần mà Chính quyền thành phố vẫn chưa giải quyết.

  1. Lời kết

Nhìn lại chặng đường 62 năm qua từ khi thành lập, Giáo xứ An Hòa đã trải qua những bước thăng trầm, nhất là sau biến cố năm 1975, đất đai bị thu hẹp, các cơ sở và trường Gioan XXIII của Giáo xứ bị Nhà Nước trưng dụng, giáo dân đi tản cư khắp nơi … Nhưng rồi, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse, Quan thầy Bổn mạng Giáo xứ, bàn tay quan phòng của Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương nâng đỡ, dìu dắt, hướng dẫn Giáo xứ từng ngày. Vì thế, Giáo xứ đang dần hồi sinh khi con số giáo dân mỗi ngày một tăng, đời sống đức tin ngày càng trưởng thành.

Tất cả là hồng ân Chúa ban. Xin dâng lời tạ ơn Chúa và cám ơn các mục tử được sai đến chăm sóc đàn chiên Giáo xứ cho đến hôm nay. Ước mong Giáo xứ luôn an bình, hòa thuận trong hiệp nhất yêu thương, để thăng tiến bản thân, gia đình, phát triển Giáo xứ, sống chứng nhân và loan báo Tin mừng của Chúa cho đồng bào đang cùng chia sẻ cuộc sống quanh mình.