Chúa Nhật I Mùa Chay Năm A


CN I MÙA CHAY

26-2-2023

St 2,7-9. 3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11

CHẦU THÁNH THỂ

Gíao xứ Nội Hà

GIÁO HUẤN SỐ 14

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Sứ Mạng Của Bạn Trong Đức Kitô (tt)

Sứ mạng ấy nhận ý nghĩ trọn vẹn trong Đức Ki-tô., và chỉ có thể được hiểu qua Người. Ở cốt lõi của nó và trong sự kết hợp với Đức Ki-tô, sự thánh thiện là kinh nghiệm những mầu nhiệm của đời sống Người. Nó hệ tại việc kết hợp chính mình với cái chết và sự phục sinh  của Chúa trong một cách thế độc đáo riêng tư, không ngừng chết đi và sống lại với Người. Nhưng nó cũng có thể tái lập trong đời sống chúng ta những khía vạnh khác nhau trong cuộc đời dương thế của Đức Giê-su, đời sống ẩn dật của Người, đời sống của Người trong cộng đồng, sự gần gũi của Người với những người tội lỗi, sự nghèo khó của Người và những cách khác nữa, qua đó Người diễn tả tình yêu quên mình. Việc chiếm ngắm các mầu nhiệm này, như thánh I-nha-xi-ô Lo-yo-ta cho thấy sẽ dẫn chúng ta đến chỗ hội nhập các mầu nhiệm ấy trong các chọn lựa và các thái độ của chúng ta. Vì mọi sự nơi cuộc đời Đức Giê-su đều là một dấu hiệu diễn tả mầu nhiệm của Người, nên toàn thể đời sống Đức Ki-tô là một mặc khải về Chúa Cha. toàn thể đời sống Đức Ki-tô là một mầu nhiệm cứu chuộc, toàn thể đời sống Đức Ki-tô là một mầu nhiệm thu hợp. Đức Ki-tô giúp ta sống trong Người, tất cả những gì chính Người đã sống, và Người sống những điều ấy trong ta (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 20).

 

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Thánh Phê-rô Đa-mi-a-nô

Thánh Phê-rô Đa-mi-a-nô được Giáo hội mừng kính ngày 21-2. Ngài sinh năm 1007 tại Ra-ven-na, nước Ý. Nghĩ đến hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình, mẹ ngài không muốn ngài sống; không cho ngài bú, để ngài chết. Bà hàng xóm phải nói : “Những con báo, con cọp không bỏ con, trong khi chúng ta là những Ki-tô hữu lại bỏ rơi con cái mình sao ? Đứa bé bị bỏ rơi, biết đâu một ngày kia là niềm hân hoan cho gia đình”.

Năm năm sau, Phê-rô Đa-mi-a-nô mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngài được trao cho một người anh chăm sóc. Ngài phải chăn heo, ngủ chuồng súc vật, mặc áo rách, ăn uống thiếu thốn. Một ngày kia, có người thương cho tiền, ngài không dùng, mang tiền xin lễ cho cha mẹ.

Đa-mi-a-nô có người anh làm linh mục, đưa về nuôi, cho ngài ăn học. Không ngờ ngài có trí thông minh, chăm chỉ học hành, trở thành giáo sư. Ngài tự nhủ : “Ích lợi gì nếu tôi dính bén vào những của cải chóng qua, bởi vì một ngày kia tôi phải giã từ tất cả, tại sao tôi không dâng hiến cho Thiên Chúa ? Ngài đi tu. Năm 1043, ngài được chọn làm tu viện trưởng. Ngài mặc áo nhặm, ăn chay 3 ngày mỗi tuần: ngày thứ tư ăn chay kính thánh Giu-se, thứ sáu kính cuộc tử nạn Chúa và thứ  bảy kính Đức Mẹ.

Năm 1057 Đức giáo hoàng Tê-pha-nô IX đặt ngài làm giám mục, ngài từ chối, nhưng vì vâng lời ngài đảm nhận. Ngài thức khuya dậy sớm cầu nguyện, săn sóc những người bất hạnh, thăm viếng các bệnh nhân.

Ngày 22-2-1072 ngài qua đời. Ngài muốn người ta viết trên mộ ngài câu này : “Mọi sự hôm nay đều qua đi để cho điều tồn tại mãi tới gần. Hãy mộ mến những sự trên trời hơn những sự dưới đất, mộ mến điều tồn tại hơn diều chóng qua. Ước gì tinh thần bạn đạt tới những đỉnh cao, mộ mến điều tồn tại hơn cái rữa tàn, tới những nơi phát ra sự sống bạn.” (Theo Vết Chân Người, tập 1, trang 96-100). 

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay : bđ1 kể cơn cám dỗ của ông bà tổ tiên : A-đam và Evà; BTM kể 3 cơn cám dỗ của Chúa Giê-su; Bđ2 thánh Phao-lô dạy chúng ta cậy dựa vào ơn Chúa. Để được ơn Chúa, hãy noi gương thánh Phêrô Đamianô ăn chay cầu nguyện,

Bđ1 (St 2,7-9. 3,1-7) : Ma quỉ không tha ông A-dam và bà E-và, thủy tổ của loài người. Bđ1 hôm nay, sách Sáng Thế kể cuộc cám dỗ mà ma quỉ cám dỗ hai ông bà : “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi loài hoang dã, mà TC đã làm ra… Nó đã khôn khéo dụ dỗ người đàn bà bất tuân lệnh Chúa ăn trái cây giữa vườn. Nó dụ : “Chẳng chết chóc  gì đâu. Nhưng TC biết ngày nào mà ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ nên như những vị thần biết thiện ác” (St 3,4-5).

BTM (Mt 4,1-11): Ma quỉ không ngừng cám dỗ con người chúng ta, mà còn cám dỗ cả Chúa Giêsu-su nữa. Sách TM thánh Mt đã thuật lại 3 cuộc cám dỗ của Chúa Giê-su : cám dỗ I là miếng ăn, cám dỗ II là nghi ngờ TC, cám dỗ III là ham mê vinh hoa thế gian, chối bỏ TC.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu-su cũng là ba cơn cám dỗ của dân Ít-ra-en trong hoang địa trên đường về Đất Hứa.

– Cám dỗ miếng ăn xảy ra ở sa mạc Sin. Sách Xuất Hành kể : “Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. Con cái Ít-ra-en nói với các ông : phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi khỏi đó mà vào sa mạc này, dể bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16,2-3).

Với cơn cám dỗ về miếng ăn, Chúa Giêsu-su đã chiến thắng, Người nói với ma quỉ : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời TC phán ra”.

– Cám dỗ thứ hai là nghi ngờ Thiên Chúa : Sách Xuất Hành kể : “Ở Ri-phi-dim không có nước cho dân uống. Dân chúng gây sự với ông Mô-sê và nói : ‘cho chúng tôi nước uống đi’. Ông Mô-sê nói : ‘tại sao anh em lại gây sự với tôi ? Tại sao lại thử thách Thiên Chúa ?’” (Xh 17,1-2).

Với cơn cám dỗ thử thách nghi ngờ TC, Chúa Giêsu-su nói với ma quỉ : “Ngươi chớ thử thách TC là TC của ngươi”.

– Cám dỗ thứ ba là ham mê vinh hoa thế gian, mà chối bỏ Chúa; Dưới núi Si-nai, dân Ít-ra-en đã bỏ Chúa, đúc một con bò vàng và thờ lạy con bò vàng (Xh 32).

Với cơn cám dỗ ham mê vinh hoa trần thế, mà bỏ Thiên Chúa, CG nói với ma quỉ : “Ngươi phải thờ lạy TC là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Dân Ít-ra-en đã sa ngã trước ba cơn cám dỗ của ma quỉ, còn Chúa Giê-su đã chiến thắng.

Bđ2 (Rm 5,12-19) : Trước những cơn cám dỗ chúng ta sa ngã, vì chúng ta yếu đuối. Hạnh phúc thay nhờ cái chết của Chúa Giêsu-su, chúng ta trở nên mạnh mẽ, để chống lại những cơn cám dỗ.

Vì thế, thánh Phaolô-lô, trong bđ2, đã viết cho các tín hữu Rô-ma : “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã mà muôn người phải chết, thì ân sủng của TC ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15).

Để được ơn Chúa, chúng ta cần ăn chay, như Chúa Giê-su đã vào sa mạc ăn chay 40 ngày và như Thánh Phêrô Đamianô và Đức cha Lambert de la Motte (Lăm-be đờ la Mốt-tơ), giám mục đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam. Tòa Thánh phong chức gm cho ngài ngày 17-8-1658. Ngài đã sống ăn chay đánh tội hằng ngày kể cả ngày chúa nhật: không nằm giường nệm, kiêng thịt, không uống rượu suốt đời.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

hằng năm Chúa ban cho chúng con

bốn mươi ngày chay tịnh

để tôi luyện hồn xác chúng con.

Xin giúp chúng con sống nhữngngày khắc khổ ấy

mà học biết Đức Ki-tô

và dõi theo gương Người

hầu xứng đáng hưởng ơn Người cứu độ.

SUY NIỆM II

THEO CHÚA GIÊ-SU VÀO SA MẠC

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú.

            Bốn mươi ngày vào sa mạc của Chúa Giê-su làm vang lại hành trình 40 năm của dân Israel trong sa mạc. Từ hôm nay, Hội thánh cũng sống lại hành trình thiêng liêng 40 ngày theo gương Chúa Giê-su và sống lại kinh nghiệm 40 năm sa mạc xưa của dân Chúa.  Vậy, Thiên Chúa muốn gì khi đưa dân Chúa vào sa mạc? Chúa Giê-su muốn gì khi muốn mỗi chúng ta đi vào sa mạc cùng với Ngài trong mùa Chay thánh này?

  1. Thiên Chúa dẫn đưa dân Chúa vào sa mạc

             Dân Israel vui mừng vì được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập. Suốt 400 năm trong thân phận nô lệ khốn khổ, họ kêu van Thiên Chúa cứu giúp, nên ngày được Thiên Chúa giải thoát ra khỏi Ai-cập là ngày họ hân hoan ca ngợi Thiên Chúa: Chúa là Đấng cao cả uy hùng, Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, là Đấng cứu độ chúng tôi, là Thiên Chúa của tổ tiên chúng tôi. Họ tin rằng sau khi cứu thoát họ, Thiên Chúa sẽ đưa họ vào nơi thừa mứa vật chất để bù lại những tháng năm túng đói, vào đất hứa theo như lòng mong muốn nặng tính hưởng thụ thế gian của họ, thay cho một quá khứ dài đăng đẳng không có được tự do sống thỏa thích như ý muốn. Nhưng Thiên Chúa cứu thoát họ không nhằm cho họ có cuộc sống tiện nghi và thỏa mãn thị hiếu hay cung cấp cho họ những mối lợi trần thế, mà Ngài lại dẫn đưa họ vào sa mạc, để họ kinh nghiệm về sự khổ chế, từ bỏ, cô tịch, thinh lặng và chiến đấu chống lại satan, kẻ làm cho họ trở nên nô lệ cho thế gian và tội lỗi. Trong sự khổ chế và cô tịch của sa mạc, dân Chúa khám phá họ cần Thiên Chúa hơn bao giờ hết, cần lắng nghe lời Chúa và gìn giữ Luật Chúa.[1] Đó là mục đích Thiên Chúa dẫn dân Ngài vào sa mạc.

            Dân Israel đã bỡ ngỡ trước quyết định của Thiên Chúa dẫn họ vào sa mạc. Họ phản đối Thiên Chúa, gay gắt chất vấn Mô-sê là người Thiên Chúa sai đến: “Tại sao đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập?” (Ds 21,5), “cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập” (Xh 14,12). Họ bị cám dỗ rời bỏ sa mạc. Họ không muốn đi vào sa mạc, nhưng Thiên Chúa muốn dẫn dắt dân Chúa đi vào hành trình sa mạc là hành trình có ý nghĩa trong đời sống của họ, nên không phải một vài ngày chiếu lệ, mà là 40 năm dài sống trong cô tịch và thanh vắng của sa mạc mới nhận ra chỉ Thiên Chúa là Đấng đồng hành, là Đấng giải thoát và cưu mang họ, Đấng mà họ phải nương tựa để được sống. Đức Bênêđictô giải thích: “Không phải tình cờ. Sa mạc là nơi niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất được sinh ra, là nơi ân sủng ngự trị. Ở đó, con người được giải thoát khỏi mọi vướng bận, họ gặp gỡ Đấng Tạo Hóa. Điều vĩ đại khởi đầu trong sa mạc, trong thinh lặng và khó nghèo.”[2]

            Vậy, hành trình 40 ngày chay thánh cũng cho chúng ta cảm thấu được kinh nghiệm của dân Israel trong sa mạc. Dân Israel xưa bị cám dỗ rời bỏ sa mạc, vì họ không muốn sống đời khổ chế và thinh lặng của sa mạc; nhiều Ki-tô hữu hôm nay cũng dễ để mình rơi vào cám dỗ đó. Khởi đầu ngày mùa Chay, chúng ta hăm hở như dân Do Thái bắt đầu đi vào sa mạc, nhưng có thể chúng ta sẽ do dự hay chống đối lại ý muốn của Thiên Chúa khi mời gọi chúng ta đi sâu vào mùa Chay thánh. Chúng ta muốn trở lại lối sống ươn hèn quen thuộc nặng tính thế gian, quen với tội lỗi, mà không muốn Chúa dẫn vào mùa Chay thánh để biết Chúa là ai trong cuộc đời chúng ta, không cho Chúa cơ hội giải thoát ta khỏi tội lỗi hay thói hư tật xấu đang giam hãm chúng ta. Mô-sê đã quả quyết: Thiên Chúa dẫn chúng ta vào sa mạc để biết lòng dạ chúng ta có giữ mệnh lệnh của Ngài hay không. Vì thế, phải giữ mệnh lệnh của Đức Chúa (Đnl 8,2-6). Đó cũng là mục đích Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đi vào sa mạc cùng với Ngài.

  1. Chúa Giê-su dẫn những người theo Ngài vào sa mạc

            Trước khi thi hành công khai sứ mạng cứu độ được Chúa Cha trao, Chúa Giê-su đi vào sa mạc. Đây là thời gian Chúa Giê-su dành để cầu nguyện, để sống thân tình và chuyện trò với Cha của mình. Cơn đói nơi thể xác gợi nhớ đến cơn đói khát Thiên Chúa Cha; cơn cồn cào trong linh hồn được diễn tả mạnh mẽ hơn trong những lời Chúa Giê-su trích từ Thánh Kinh như là lương thực của Ngài trước những cơn cám dỗ của satan. Trong sa mạc, Luật Chúa được nhắc nhớ; trong khi bị cám dỗ trong sa mạc, Chúa Giê-su nhấn mạnh nhớ lại lời Chúa và sống lời Chúa là cách sống thân thiết với Chúa Cha. Ghi nhớ và giữ lời Chúa là yêu mến Chúa. Chúa Giê-su đã nêu gương.

Và đối với chúng ta đang muốn đi vào sa mạc cùng với Chúa Giê-su, đây là thời gian chúng ta được mời gọi sống lời Chúa trong đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn. Công đồng Vatican II quả quyết: Trong Thánh Kinh, Cha trên trời đến gặp con cái và chuyện trò với họ. Trong đó, lời Thiên Chúa có năng lực lớn lao nâng đỡ và ban sinh lực cho Giáo Hội, thành sức mạnh đức tin, lương thực thiêng liêng, tinh tuyền và trường tồn cho con cái Giáo Hội (DV 21). Đọc lời Chúa là đi vào mối tương quan thân thiết với Chúa, diện đối diện với Chúa, một cuộc gặp gỡ của trái tim với trái tim, là để Chúa nuôi sống chúng ta bằng lời Chúa. Sống lời Chúa là cho phép bản thân ta được thắp sáng bởi ngọn lửa tình yêu của Chúa.

Xin Chúa cho ngọn lửa từ lời Chúa khởi sáng lại tâm hồn và cuộc đời chúng con, không chỉ lúc này, mà còn kéo dài suốt mùa Chay thánh, trở nên cơn ghiền lời Chúa trong mỗi chúng con. Xin cho mỗi cá nhân và gia đình cùng cộng đoàn chúng con theo gương Chúa nhớ đến lời Chúa và sống lời Chúa, nhất là những lúc bị thử thách hay bị cám dỗ.

 

 

SUY NIỆM III

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Thánh Gioan Phaolô II  nói rằng: “Thành công lớn nhất của một cuộc đời là nên thánh”. Song, để đi đến thành công đó cần phải trải qua một chặng đường dài, phải biến đổi bản thân, không ngừng rèn luyện, tập tành các nhân đức… Nói chung trước khi là ‘Thánh’ thì hãy là ‘Người’ cho ra người đã. Tức là một con người sống có nhân bản, trưởng thành về các mặt: thể xác, tinh thần, tâm lý và tâm linh. Tuy nhiên, là con người thật không dễ gì ngày một ngày hai có thể sống nhân bản, mà phải trải qua nhiều khổ luyện mới nên người được. Việc phát triển nhân cách và luyện tập các đức tính tốt là điều kiện căn bản của đạo làm người, điều quan trọng và thiết yếu nhất là phải biết mình. Bởi vì làm sao có thể tập luyện nếu chưa biết mình có những ưu, nhược điểm nào? Chưa biết khả năng mình ra sao? Có tu thân được chưa thì mới có thể “tề gia, trị quốc và bình được thiên hạ” được.  Vì vậy, Trong Binh Pháp Tôn Tử có nói: “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bách thắng” (Biết mình biết người, trăm trận thắng trăm) . Còn Socerte, triết gia người Hylạp thì dạy “Nosce teipsum” (hãy biết mình) và coi đó là nguồn gốc của sự khôn ngoan. Còn Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14, 38).

Tất cả chúng ta đều yếu đuối và dễ sa ngã. Đây có thể là một sự thật gây bối rối, nhưng trong khi liều lĩnh, chúng ta lại không biết đến điều này. Vấn đề lớn trong thời đại của chúng ta là chúng ta đã thất bại trong việc nhận biết chính mình, trong việc nhận ra sự dữ và đối phó với sự dữ ở ngay trong con người mình. Tuy nhiên, khi nhận biết và chấp nhận sự thật thấp hèn này, thì chúng ta có được một niềm an ủi và sự tự do.

Chúng ta phải đấu tranh chống lại sự dữ nơi những người khác và nơi xã hội, nhưng cuộc đấu tranh gay go nhất là chống lại sự dữ phát xuất từ ngay bên trong con người của chúng ta. Bản chất của chúng ta là có những xung đột nội tâm cứ thúc giục chúng ta, làm cho chúng ta luôn luôn có thể thực hiện được điều tốt lành, nhưng điều đó không bao giờ là dễ dàng cả. Chiến thắng gay go nhất chính là chiến thắng chính bản thân mình.

Chước cám dỗ của Đức Giêsu hôm nay không phải là đóng kịch, mà là sự thật. Những cám dỗ của Đức Giêsu là những chước cám dỗ của các Kitô hữu thuộc tất cả mọi thời đại: sống chỉ vì vật chất; tìm kiếm vinh quang cho bản thân mình, hơn là vinh quang cho Thiên Chúa; và từ bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa, để tôn thờ quyền lực và sự nổi tiếng theo thế gian.

Chiến thắng của Đức Giêsu vượt lên trên Satan không phải là chiến thắng một lần cho tất cả. Người đã chiến thắng một cuộc chiến đấu, chứ không phải là một cuộc chiến tranh. Còn có những lần tấn công khác mà chúng ta cần phải cự tuyệt. Một số người cho rằng mình sẽ đạt được một cấp độ, khi họ vượt ra ngoài chước cám dỗ. Đức Giêsu không bao giờ đạt được một cấp độ, các thánh cũng vậy. Thiên Chúa ở với chúng ta trong những cuộc đấu tranh của chúng ta, giúp đỡ chúng ta chế ngự nó.

Thánh Augustinô nói: “Chính thông qua chước cám dỗ, mà chúng ta nhận biết được bản thân mình. Chúng ta không thể chiến thắng đạt được triều thiên của mình, trừ phi chúng ta vượt qua được chước cám dỗ đó, và chúng ta không thể vượt qua được, trừ phi chúng ta đi vào cuộc chiến đấu, và không có cuộc chiến đấu, trừ phi chúng ta có một kẻ thù và những chước cám dỗ mà kẻ thù đó mang lại”.

Cuộc sống của chúng ta luôn đối diện trước cám dỗ của ba thù là thế gian, quỷ dữ và xác thịt. Nó cám dỗ con người xoay quanh 3 điều mấu chốt là tiền, tình, quyền. Đây là cuộc chiến đòi hỏi con người luôn phải tỉnh thức để chiến đấu, để chiến thắng cám dỗ. Nhưng đôi khi “lực bất tòng tâm” nên con người luôn bị thất bại bởi 1 trong 3 cám dỗ. Có người vì tiền mà gian tham. Có người vì tình mà mê muội. Có người vì quyền mà độc ác, mưu hèn… Đam mê nào cũng là thất bại của đời người. Đam mê nào cũng có thể gây thiệt hại cho mình, gia đình, giáo hội và xã hội. Và người đau khổ vì những đam mê lầm lạc của chúng ta là chính người yêu thương chúng ta nhất đó chính là Thiên Chúa. Chẳng hạn, Chúa Giê-su trong thân phận con người cũng trải qua cuộc chiến của cám dỗ. Qủy dữ cũng cám dỗ về nhu cầu cuộc sống, về danh vọng trần gian và nhất là về tự do cá nhân để loại Thiên Chúa Cha ra khỏi cuộc sống của mình.

Con người hôm nay cũng đang nhân danh tự do cá nhân để sống theo sở thích của mình. Một thế giới mà ai cũng muốn sống theo sở thích của mình là một thế giới vô tổ chức, hỗn loạn và sẽ dẫn đến bại hoại luân lý, sẽ làm suy đồi những thuần phong mỹ tục, sẽ là một chiến trường cấu xé tranh dành và xung đột với nhau. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng vạn vật và ra những định luật tự nhiên để hướng dẫn vạn vật đi đến vẹn toàn. Do đó, mọi vật và mọi loài đều phải quy hướng về Thiên Chúa mới mong có một cuộc sống hòa thuận, yêu thương thanh bình và hạnh phúc. Chúng ta thử gẫm xem nếu trái đất không đi đúng quỹ đạo mà Thiên Chúa đã vạch ra thì vạn vật sẽ tan thành mây khói. Chúng ta thử gẫm xem nếu con người không sống theo luân thường đạo lý là lương tâm ngay lành mà Thiên Chúa đã phú bẩm trong con người thì xã hội sẽ loạn lạc, đấu đá tranh hùng và huỷ diệt lẫn nhau.

Khởi đầu mùa chay, chúng ta cần nhìn lại xem mình còn đi theo đường lối Chúa hay không? Thế giới đang bị tai hoạ nhiều vì đã phá huỷ công trình của Chúa, còn chúng ta có còn trung tín với giáo huấn của Chúa hay không? Ở khởi đầu mùa chay, khi cho chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu chiến thắng quỷ cám dỗ, Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức về thân phận yếu đuối của mình và sức mạnh của sự dữ luôn rình rập để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa, đi trong tối tăm của đam mê lầm lạc. Và qua gương Chúa Giêsu hôm nay, Giáo hội dạy chúng ta rằng: “Với ơn Chúa thì lời cầu nguyện và chay tịnh sẽ là khí giới giúp chúng ta chiến thắng được mưu mô của qủy dữ”. Xin Chúa là Đấng đã chiến thắng cám dỗ giúp chúng ta học nơi Chúa để sống quy phục Thiên Chúa và thực thi theo thánh ý Ngài trong mùa chay thánh này: Chya tịnh, cầu nguyện và bác ái. Amen

 

 

[1] Robert Cardinal Sarah, Catechism of the Spiritual Life (Alabama: EWTN: 2022), 3-4.

[2] Ibid, 105.