Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B


CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM B

KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Chúa Nhật, Ngày 07/4/2024

CHẦU THÁNH THÊ

Giáo xứ Hoàng phước

Giáo họ Thạnh Mỹ

GIÁO HUẤN SỐ 19

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ (tt)

Bách hại không phải là chuyện quá khứ, vì hôm nay chúng ta cũng kinh nghiệm nó, hoặc là qua việc đổ máu, như điều xảy ra với rất nhiều vị tuẫn đạo thời nay, hoặc bằng những cách tinh tế hơn, như bị vu khống và bị lừ dối. Chúa Giê-su gọi chúng ta là ‘có phúc’, khi người ta ‘vu khống anh em đủ điều xấu xa vì Thầy’ (Mt 5,11). Có những lúc khác, bách hại có thể mang hình thức chế diễu, trong đó người ta phỉ báng đức tin của chúng ta và cố biến chúng ta thành như trò cười. Chấp nhận sống con đường của Tin Mừng hằng ngày, dù có thể phải trả giá, đó là thánh thiện (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 94).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31

Bài Ðọc I: Cv 4, 32-35

“Họ đồng tâm nhất trí”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế, trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các tông đồ. Và người ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 16ab -18. 22-24

Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hỡi nhà Ít-ra-en, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà A-ha-ron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.

 

Bài Ðọc II: 1 Ga 5, 1-6

“Mọi cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ.

Các con thân mến, ai tin rằng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Ðấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người. Vì chưng, lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người, và giới răn của Người không nặng nề.

Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giê-su Ki-tô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20, 29

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Tô-ma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau Chúa Giê-su hiện đến”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giê-su lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tô-ma gọi là Ði-đy-mô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giê-su hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tô-ma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giê-su hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giê-su nói với ông: “Tô-ma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Chúa Giê-su còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giê-su là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Lòng thương xót của Đức cha Lambert de la Motte

-Ngài rất thương người nghèo, đến nỗi đôi lúc làm người quản gia phải cáu gắt vì ngài cứ đòi bánh mì để đem biếu tặng họ. Những lúc đó ngài phải trổ đủ mọi tài khéo léo để làm dịu cơn bực bội của người quản gia. Và khi được lòng ông rồi, ngài mới thuyết phục chiều theo ý mình. Khi có được một ít tiền trong túi, ngài sung sướng phân phát cho bất kỳ người cùng khôn nào ngài gặp, cho dầu vì vậy ngài không còn gì để vui chơi giải trí. Và nếu còn dư đôi chút, ngài thản nhiên đặt hết vào tay vị gia sư, xin ông ta cứ tiêu dùng tùy thích, bởi vì ngài không cần đến nó (Francoise Fauconnet-Buzelin, Cao Kỳ Hương dịch, Đức cha Pierre Lambert De La Motte, trang 24).

-Nhưng vị tân ủy viên (thẩm phán) Lambert không có chút hứng thú nào với cuộc sống thế gian hoặc văn hóa thế tục. Ngài thích dành thời gian nghỉ ngơi cho hoạt động xã hội trong Hiệp hội Thánh thể  mà ngài là một trong các trụ cột. Tất cả thời gian rảnh rỗi của ngài được san sẻ giữa suy gầm và cầu nguyện, ngay từ thời kỳ này  ngài đã đọc kinh nhật tụng đều đặn và thực hiện nhiều công việc từ thiện  khác nhau : bố thí cho người nghèo, thăm viếng bệnh nhân, hỗ trợ pháp lý cho tù nhân, hoàn lương cho gái mại dâm (Sđd, trang 27)

Ba bài đọc trong thánh lễ đều nhấn mạnh đến giới răn yêu thương :’kính Chúa yêu người’.

Bài đọc 1 (Cv 4,32-35) : Bài đọc 1 đọc sách Công Vụ Tông Đồ. Đoạn sách nói đến tinh thần tương trợ, giúp đỡ lần nhau của cộng đoàn : ‘Các tín hữu thời bấy giờ đông

đảo mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự đếu là của chung… Tiền được  phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cv 4,32.45). 

Bài Tin Mừng (Ga 20,19-31) : Cha Nguyễn Công Đoan viết : ‘Trong nhóm mười hai, Gio-an cho chúng ta ba nhân vật đặc biệt : Giu-đa bán Thầy, Phê-rô chối Thầy, Tô-ma cứng lòng tin…Tám ngày sau, vẫn căn phòng ấy, vẫn cửa đóng then cài. Ông Tô-ma có mặt. Chúa lại đến, đứng giữa các ông và ban bình an. Sự hiện diện của Chúa là bình an. Cà tuần lễ chẳng có ai gặp Chúa để mách cho nhau. Nhưng Chúa đâu cần ai mách, Chúa nói ngay với Tô-ma để cho mọi người thấy rằng Chúa đến lần này chỉ vì Tô-ma : ‘Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Các bức họa thường vẽ Tô-ma thọc tay vào cạnh sườn Chúa, nhưng bản văn không kể như vậy mà kể ngay lời tuyên xưng của ông Tô-ma ; ‘Lạy Chúa của con ! Lạy Thiên Chúa  của con ! Cần đọc lại lời tuyên xưng này trong bối cảnh Giao Ước đã mở ra  cho ta từ bữa Tiệc Ly cho tới khúc ca khải hoàn với hình ảnh sách Diễm Ca diễn tả Giao Ước Mới đã hòan thành rồi Chúa Giê-su đến ban Thánh Thần cho các môn đệ  để tha tội mà nhận người ta vào Giao Ước Mời, lời tuyên xưng của ông Tô-ma lại mang ý nghĩa đặc biệt như lời đón nhận Giao Ước Mới , tuyên xưng  Đức Giê-su là ‘Chúa của tôi, Thiên Chúa của tôi’, vọng như tiếng đáp lại lời Thiên Chúa ở Xi-nai : ‘Các ngươi thấy’. Vậy giờ đây thật sự ý Ta đã xử với Ai Cập  thế nào, và đã mang các ngươi trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây nếu các ngươi thật sự  nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, cá ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta, vì toàn cõi đất là của Ta (Xh 19,4-5)  và Thiên Chúa công bố điều răn thứ nhất : ‘Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi (Xh 20,2). Tông đồ Tôma trở thành đại diện cho những người đã thấy mới tin (Chiên Vượt Qua Của Chúng Ta, trang185-186)

Bài đọc 2 (1Ga 5,1-6) : Bđ2 đọc thư 1 của thánh Gio-an. Thư này viết vào giưa năm 90 và 100 sau CN cho các giáo đoàn Tiêu Á. Thư viết : ‘ Ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra’ (1Ga5,1).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa to,àn năng hằng hữu,

chúng con được phúc gọi Chúa là Cha,

xin cho chúng con ngày càng thên lòng hiếu thảo

hầu đáng được hưởng gia nghiệp Chúa hứa ban.

Chúng con cầu xin.

SUY NIỆM II

HÃY NĂNG CHẠM VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

  Chúa Nhật II Phục sinh trước đây được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Vả lại, đó cũng chính là ước muốn của Chúa Giêsu đã mặc khải với Thánh Faustina. Qủa thế, năm 1980,  với tông thư “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chọn Chúa Nhật II Phục sinh là ngày kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót Chúa.

Khi nói đến Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), Thánh Kinh Cựu ước viết: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Ngài đã làm ra” (Kn 11:24). Hay “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31:3)… Còn Tân ước thì kể: dụ ngôn về đứa con hoang đàng (Lc 15,14-32), dụ ngôn Con Chiên Lạc (Lc 15,4-7) và dụ ngôn Đồng Bạc Bị Mất (Lc 15,8-9)… Nhưng, tựa trung LCTX được mặc khải qua cái chết và Phục sinh của Chúa Giêsu, có nghĩa là LCTX của Chúa thể hiện nơi mỗi người chúng ta đó là ơn tha thứ và cứu độ.

Qủa thế, Chúa Giêsu thực hiện LCTX bằng việc “thi ân giáng phúc, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế” (Cv 10,38), “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35), cho kẻ chết sống lại (Ga 11,1-44)  và rồi chính Ngài Ngài để mình bị bắt, bị đối xử tệ, bị kết án, bị đánh đòn, đội vòng gai, bị đóng đinh vào Thập giá, chết và sống lại. Như vậy, Thập giá và phục sinh của Chúa Giêsu là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa muôn đời dành cho con người. Qủa thế, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Cho nên, Lòng Thương Xót Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tin vào Chúa Con bị đóng đinh, chịu chết và sống lại là được thấy Chúa, vì Chúa đã sống lại và chúng ta cũng sẽ được sống (Ga 14,9), nghĩa là tin tình yêu đó hiện hữu trong thế giới này sẽ làm cho chúng ta được cứu độ ngay đời này và đời sau. Cứu độ là gì? Cứu là cứu lấy, độ là đưa qua. Chúa cứu chúng ta tội lỗi đưa ta đến sự thánh thiện, Chúa cứu lấy cái chết phần hồn đưa ta đến phục sinh cả hồn lẫn xác.

          Cụ thể, trang Tin Mừng hôm nay kể Chúa Giêsu tỏ các vết sẹo tình yêu Chúa, tức là các vết sẹo của LTXC ngang qua cho các tông đồ, đặc biệt ông Tôma đã xem tận mắt và tận tay đụng vào những vết sẹc của Chúa. Người ta nói: “tốt khoe, xấu che”, hơn nữa theo tâm lý thường tình khi nhìn lại những vết sẹo, gợi lại nỗi đau đớn khổ sở nên chẳng ai muốn nhìn, chẳng ai dám khoe, ấy vậy mà Chúa Giêsu hôm nay khoe, tại sao? Vì đưa xem vết sẹo tình, Chúa Giêsu mời chúng ta đụng vào trái tim Đức Giêsu, một Chúa có trái tim đầy tình yêu tha thiết, sẵn sàng hy sinh cho tình yêu. Cho xem và đụng vết sẹo tình là cho biết và đụng vào Chúa Giêsu Phục sinh đang hiện diện giữa họ cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá, máu và nước đổ ra để chúng ta được chữa lành, biến đổi tận cân từ tâm hồn ra thể xác nhờ tình yêu và quyền năng của Chúa. Xem và đụng vào sẹc tình là đụng đến Chúa phục sinh, chính nguồn bình an đương nhiên, chúng ta cũng chạm và có được bình an của Chúa. Xem và đụng vào sẹo tình là đụng đến Chúa phục sinh, tin vào Ngài chúng ta sẽ được phục sinh đồng hình đồng dạng và đồng tư tưởng, lời nói và việc làm như Ngài.

          Cho nên, bài đọc 2, Thánh sử Gioan nói: “Ai tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra” (1 Ga 5:1). Chúng ta được Thiên Chúa tái sinh, vậy chúng ta phải yêu thương yêu thương nhau, nếu không thì chúng ta là những người ích kỷ và nói dối. Yêu thương cũng là thương xót.  Vì vậy, Thánh Gioan nói: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Ngài. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian” (1Ga 5,2-4). Vì vậy, chẳng lạ chi, bài đọc hai kể “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”.

Vậy, LTXC thật tuyệt với biết bao! Chúng ta được tận hưởng LTXC thì chúng ta phải thực thi LCTX với tha nhân: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32). Trong tâm tình đó, Tông đồ Giuđa gởi lời chúc tới tất cả chúng ta: “Chúc anh em được đầy tràn lòng thương xót, sự bình an và tình thương” (Gđ 1,2), và “hãy cố gắng sống mãi trong tình thương của Thiên Chúa, hãy chờ đợi lòng thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời” (Gđ 1,21).

Cho nên, ngày 13 tháng Ba 2015, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố mở một “Năm Thánh đặc biệt” gọi là “Năm Thánh Lòng Thương xót”. Năm Thánh bắt đầu với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08-12-2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, và kết thúc vào ngày 20-11-2016, Đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ. Với “Năm Thánh Lòng Thương xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mời gọi các tín hữu trở về với Người. Gặp gỡ Chúa sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng thương xót.

 Đức Kitô phục sinh là hiện thân cuối cùng của LCTX, dấu hiệu sống động trong lịch sử nhân loại cho đến tận thế. Xin cho mỗi người chúng biết chạy đến đụng chạm vào LTXC qua việc sống Lời Chúa và Rước Mình Máu Ngài để được Chúa xót thương chữa lành hồn xác chúng ta hằng ngày.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu, xin thương xót chúng con. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Đức Giêsu Kitô, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin Thánh Faustina và Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng đỡ chúng con luôn. Amen.

 

 SUY NIỆM III

PHỤC SINH KHÔNG PHẢI ĐIỀU TƯỞNG TƯỢNG

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

 

Chúng tôi đã thấy Chúa và vui mừng

Chỉ sau khi được gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh, các môn đệ của Ðức Giêsu mới tin rằng Người đã sống lại thật  Có thể nói, sau cái chết đau thương của Ðức Giêsu, tất cả các ông đều sợ; các ông tụ họp nhau và đóng kín cửa  Trong bối cảnh đó, các ông cảm thấy tràn ngập vui mừng vì gặp lại Ðức Giêsu vẫn đang sống, đang hiện diện giữa các ông  Các ông nhận ra Ðức Giêsu bằng xương bằng thịt, chứ không phải là ma, cũng không phải do ảo giác  Các ông đã nhận ra Ðức Giêsu với những thương tích trên mình: Người đã chết thật, nhưng đã sống lại  Các vết thương làm chứng Người đã chết; nhưng con người đang chịu những vết thương ấy bây giờ đang sống giữa họ đây  Người đã sống lại thật  Các môn đệ tin như thế

Tin Mừng Phục Sinh quả là Tin Mừng đúng nghĩa, Tin Mừng lớn lao nhất  Có lẽ các môn đệ chưa hiểu được tất cả ý nghĩa sâu xa của biến cố này, nhưng ít ra trong lúc này, các ông cũng hiểu lờ mờ về những điều Ðức Giêsu đã nói trước với các ông: Ðức Kitô phải chịu đau khổ  “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi”  (Ga 12,24)  Những điều ấy nay đã được thực hiện cách trọn vẹn

Các môn đệ vui mừng vì cảm nhận được sức mạnh của Lời Chúa: thế lực thù nghịch Thiên Chúa và con người đã bị đánh bại; sự sống đã chiến thắng sự chết, tình yêu đã vượt lên trên hận thù, đem lại ơn tha thứ và sự sống mới  Nhờ cảm nhận được sức mạnh này, các ông sẽ can đảm dấn mình vào công trình cứu độ của Ðức Giêsu, và làm cho công trình ấy nảy sinh kết quả nơi nhiều người

Ngoài ra, các môn đệ vui mừng vì các ông được biến đổi để thành con người mới  Các ông đón nhận từ Ðấng Phục Sinh một luồng khí mới, một luồng khí làm cho các ông trở thành những con người can đảm và hăng say làm chứng về Ðấng Phục Sinh tại khắp mọi nơi trên thế giới

Như thế, nhờ cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh, các môn đệ bắt đầu một hành trình mới của lòng tin  Các ông sẽ dần dần gắn bó sâu xa hơn với Ðức Giêsu: các ông tin Người là Chúa bởi vì Người đã chiến thắng sự chết, đồng thời sẵn sàng chia sẻ thân phận của Người  Các ông biết chắc rằng, sau khi đã cùng bước đi với Ðức Giêsu trên con đường thập giá, các ông sẽ được tham dự vào cuộc chiến thắng của Người  Nói cách khác, các ông hiểu rằng chính mình cũng sẽ được phục sinh như Ðức Kitô nếu như các ông chu toàn trách vụ được giao phó, dù có những gian truân, dù phải hy sinh mạng sống

“Tôi chỉ tin… nếu…”

Niềm vui của các môn đệ, bằng chứng các ông đưa ra không thể thuyết phục ông Tôma, người môn đệ vắng mặt khi Ðấng Phục Sinh hiện đến

Thật ra, thái độ của ông Tôma cũng dễ hiểu  Tự nhiên ông cảm thấy mình thiệt thòi và thua kém  Trước đây, chính ông đã từng lên tiếng thúc giục các môn đệ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16)  Ông nghĩ mình có quyền được xem thấy Ðấng Phục Sinh, ít ra như mọi anh em, thế nên ông đã đưa ra điều kiện: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người    tôi chẳng có tin”  Ông quả là một người chính trực và thẳng thắn

Nhìn từ một góc cạnh khác, thái độ không dễ tin của ông Tôma lại là một cơ hội để mầu nhiệm Phục Sinh được chứng thực một cách rõ ràng hơn  Biết đâu các anh em muốn đùa với ông một chút, hay là câu chuyện các anh em kể lại chỉ là một thứ ảo giác tập thể  Vậy thì tốt hơn hết là khôn ngoan  Và nhờ vậy, người ta có dịp kiểm chứng về lời loan báo của các môn đệ

Ðàng khác, có lẽ ông Tôma là người duy nhất nghĩ đến việc tổ chức lại sinh hoạt cá nhân cũng như cộng đoàn sau khi Ðức Giêsu chịu chết  Ông đã đi ra ngoài vì ông không sợ  Ông phản ứng dường như Ðức Kitô đã rời bỏ trần gian và chỉ trở lại vào ngày cuối cùng  Trong khoảng thời gian này, ông nghĩ rằng cần phải sống điều được gọi là sự vắng mặt của Thiên Chúa  Do đó ông đã ra ngoài, đi đâu đó, và không có mặt cùng với các môn đệ trong căn phòng

Cuối cùng, ông Tôma đã được gặp gỡ với Ðức Kitô Phục Sinh và đang sống  Tám ngày sau, Người hiện đến và đáp ứng những yêu cầu của ông: “Ðặt ngón tay    và hãy nhìn xem    Ðừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin”  Ông Tôma hẳn là cảm thấy mình kỳ cục khi Ðức Giêsu sẵn sàng đáp ứng đòi hỏi của ông  Ông chỉ còn biết lắp bắp thưa: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”

Trước chứng cớ rõ ràng, mọi nghi ngờ của ông đều tan biến, ông chỉ có thể bày tỏ sự thần phục của mình  Lời tuyên xưng phát xuất từ đáy lòng cho thấy tất cả niềm tin của ông vào Ðấng Phục Sinh  Ông đã đi xa hơn các môn đệ khác về những bằng chứng làm nền tảng cho lòng tin, nhưng có lẽ ông cũng đã vượt lên trên thái độ vui mừng của các môn đệ, để đi đến một lòng tin sâu sắc: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”

Lời tuyên xưng của ông đã trở thành khuôn mẫu, là tiêu biểu cho cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai cũng như sau này  Mọi người, mọi thế hệ cũng đều thưa lên như thế để bày tỏ niềm tin sống động vào Ðấng Phục Sinh

Như vậy, xét cho cùng, thái độ của ông Tôma chẳng có gì là đáng trách: ông có lý do để nghi ngờ, nhưng một khi đã được mặc khải, ông sẵn sàng tin và tin đến cùng

Lòng tin bắt đầu từ cộng đoàn

Ngày nay, có khá đông tín hữu chấp nhận thái độ như ông Tôma  Họ thích lặp lại câu nói: Chúng tôi chỉ tin điều chúng tôi thấy  Hơn thế, người ta còn hành động như thể đời sống trần gian này chỉ tuỳ thuộc vào con người mà thôi  Người ta vẫn quả quyết rằng Ðức Giêsu Kitô đang sống, mỗi người vẫn đang tìm kiếm khuôn mặt của Người trong cuộc sống, trong cuộc gặp gỡ với người khác  Thế nhưng, khi hành động, người ta lại làm khác đi và từ tận đáy lòng vẫn vang lên câu hỏi: “Thiên Chúa của bạn ở đâu?”

Thật ra, những người này nên nhớ rằng cuộc gặp gỡ riêng tư giữa Ðức Giêsu và ông Tôma, trong đó ông Tôma tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, đã diễn ra trong một cộng đoàn, khi các môn đệ đang tụ họp với nhau  Xưa cũng như nay, không khi nào Ðức Kitô hiện diện mà không có chứng tá của những cộng đoàn làm nên Giáo hội  Có Ðức Kitô là phải có Giáo hội

Nhưng tại sao họ lại không tin vào lời chứng của cộng đoàn tín hữu?

Trong niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô, đây là một đòi hỏi luôn có tính thời sự  Tin vào Ðức Kitô Phục Sinh và đang sống là một hành vi riêng tư chiếm lĩnh toàn bộ con người  Tuy thế, hành vi này phải dựa trên lòng tin và chứng tá của một cộng đoàn tín hữu  Hơn nữa, hành vi này chỉ thực sự có ý nghĩa một khi nó được diễn tả qua việc loan báo Tin Mừng, vượt ra khỏi căn phòng đóng kín cửa  Vì vậy, nguy cơ lớn của thời đại hôm nay là người tín hữu muốn coi kinh nghiệm về Ðức Giêsu là của riêng mình và muốn giữ riêng cho mình, đóng kín tâm hồn

Tin vào Ðức Kitô Phục Sinh là một niềm vui, đồng thời cũng là một cuộc phiêu lưu  Ðó là người ta có thể tin vào điều không thể và đem hết nỗ lực làm cho điều ấy được thực hiện

“Chúng ta là những người thích nghe những câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như về đời sốngđức tin…Các câu chuyện đi sâu vào những nơi kín ẩn nhất trong chúng ta và mở ra cho chúng ta những cách thế mới và thân tình để hiểu nhau” – Nuala Kenny

SUY NIỆM IV

CHÚNG TA – CỘNG ĐOÀN PHỤC SINH

(Hội An 7/4/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Sau khi Chúa Giê-su bị bắt ở vườn Cây Dầu và chịu chết, cộng đoàn môn đệ của Chúa Giê-su rã rời. Nỗi sợ hãi không chỉ vây bủa chung quanh họ, mà còn ăn sâu tận bên trong mỗi người, làm mất sự hăng nồng thuở ban đầu theo Chúa, mất niềm vui sống và làm việc chung với nhau như một cộng đoàn đức tin, mất phương hướng cho tương lai. Vậy, nhờ đâu mà các môn đệ rã rời của Chúa Giê-su tìm lại được mối liên kết giữa họ với nhau? Điều gì đã qui tụ họ lại thành một cộng đoàn? Tin Mừng hôm nay trả lời: nhờ Chúa Giê-su phục sinh hiện diện giữa cộng đoàn.

  1. Chúng ta – cộng đoàn phục sinh

             “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa” (Ga 20,19-20). Cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên được sinh ra từ quyền năng và lòng thương xót của Chúa Giê-su phục sinh. Chúa đến giữa họ không phải để làm tăng nỗi sợ hãi, mà để ban bình an trong tâm hồn mọi người đang tụ họp. Chúa cho họ thấy Ngài đã sống lại không phải đến để phán xét họ, nhưng để thương xót và tha thứ, kiến tạo họ thành cộng đoàn phục sinh và cộng đoàn loan báo Tin Mừng Chúa sống lại. Đấng phục sinh tụ họp họ lại trong niềm vui và cho họ kinh nghiệm gặp gỡ Ngài.

Cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên còn là cộng đoàn đầy sức sống của Thánh Thần Đấng phục sinh. Chúa Thánh Thần dạy cho mọi người nhớ lại lời Chúa Giê-su đã nói và giữ những lời Chúa dạy để trở thành cộng đoàn đức tin, hiệp nhất với Chúa Giê-su phục sinh. Như vậy, cộng đoàn của Chúa phục sinh là cộng đoàn có đặc ân sống cùng nhau và có khả năng loan báo niềm vui Chúa đã sống lại. Không có ân sức Thánh Thần của Đấng phục sinh, cộng đoàn này không thể tồn tại.

            Vì thế, kể từ ngày Chúa sống lại đến nay, các tín hữu không ngừng tụ họp vào ngày thứ nhất trong tuần là ngày Chúa Nhật, ngày Chúa sống lại và ở giữa họ. Từ tuần này đến tuần khác, cộng đoàn trung thành tụ họp nghe lời Chúa Giê-su phục sinh và gặp gỡ Ngài trong bí tích Thánh Thể. Trong cộng đoàn tín hữu, Chúa phục sinh hiện diện và ban bình an. Có những cuộc gặp gỡ riêng tư, chẳng hạn cuộc gặp gỡ của Chúa với Maria Mađalêna, nhưng Mađalêna được Chúa phục sinh kêu gọi trở về với cộng đoàn, sống đức tin trong cộng đoàn, bởi Chúa Giê-su phục sinh không rong chơi nơi này nơi khác, mà Ngài ở giữa cộng đoàn sống đức tin. Ki-tô hữu không thể sống đức tin một mình. Những Ki-tô hữu tách rời cộng đoàn là những Ki-tô hữu đơn độc, từ chối gặp gỡ và sống ân phúc của Chúa phục sinh ban cho cộng đoàn và dẫn đến tình trạng mất đức tin. Trường hợp của Tôma cho chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của cộng đoàn đức tin.

  1. Đắp đầy chỗ trống trong cộng đoàn phục sinh

            Cộng đoàn hôm ấy có hai chỗ còn trống: một của Giu-đa và một của Tôma. Giu-đa thì không còn là thành phần của cộng đoàn nữa rồi! Còn lại Tôma, không biết vì lý do gì mà vắng mặt. Một mặt, có lẽ do không sống đức tin, do chán nản, thất vọng đã lôi kéo ông rời xa cộng đoàn đức tin. Vì vắng mặt, Tôma rơi vào tâm trạng cô độc, không diễm phúc gặp Chúa phục sinh và được hưởng lòng thương xót của Chúa ban cho cộng đoàn. Mặt khác, các tông đồ không khỏi buồn lòng khi nhìn vào chỗ trống giữa cộng đoàn và tự hỏi: “Người anh em đi đâu khi Chúa Giê-su phục sinh đến giữa cộng đoàn?”

            Chúng ta cũng không khỏi buồn bã khi nhìn có một, hai chỗ trống hoặc hơn nữa giữa cộng đoàn trong ngày Chúa Nhật họp mừng Chúa sống lại và những ngày trong tuần. “Người thân của chúng ta, người anh chị em và bạn hữu chúng ta ở đâu khi Chúa Giê-su đến ở giữa cộng đoàn đang tụ họp đây?” Họ đang đóng vai Tôma vắng mặt khi Chúa đến với cộng đoàn. Họ đang bỏ mất đặc ân sống đời cộng đoàn và ở với Chúa trong ngày hội ngộ. Bởi sự vắng mặt trong cộng đoàn, Tôma mất đức tin; cũng vậy, bởi sự vắng mặt, người anh chị em chúng ta rơi vào tình trạng mất đức tin. Trong tám ngày vắng mặt đó, Tôma có thể loan báo Chúa Giê-su là Đấng cứu độ cho bao nhiêu người thân cận? Điều tệ hại xảy ra cho Tôma và cho những những người bỏ trống chỗ trong cuộc tụ họp ngày Chúa Nhật là thế đó: họ mất đức tin và không thể chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa phục sinh.

            Thật may mắn! Tôma đã chộp lấy cơ hội hiện diện giữa cộng đoàn và đã được phục sinh đức tin nhờ gặp gỡ, nghe và chạm vào Chúa Giê-su phục sinh, bấy giờ Tôma hạnh phúc reo lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).

Ơn phục sinh cho cộng đoàn không phải tạm thời, mà là vĩnh cửu. Chúa Giê-su phục sinh rất chân thành và trung thành hiện diện với chúng ta trong thành lễ. Ngài không hề muốn có một chỗ trống nào trong cộng đoàn tụ họp. Một chỗ trống của Tôma giữa cộng đoàn đã làm Chúa xót thương, vì thế, Chúa không muốn chúng ta bỡn cợt với Ngài, khi đầy, khi vơi, khi chật chỗ, khi trống chỗ trong cộng đoàn tụ họp. Chúa muốn chúng ta trở thành một cộng đoàn phục sinh, cộng đoàn đức tin, như cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, nhưng đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ.”

Đức tin vào Chúa Giê-su phục sinh không chỉ vang lên trong ngày đại lễ Chúa sống lại, mà còn thể hiện trong mọi thánh lễ. Và đó là lúc Chúa Giê-su phục sinh hiện diện và ban ơn cho cộng đoàn. Ước gì cộng đoàn giáo xứ chúng ta nỗ lực sống niềm vui gặp gỡ Chúa và tìm cách dẫn đưa nhiều anh chị em mình điền vào các chỗ trống trong cộng đoàn tụ họp dâng thánh lễ.

  GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

(Nguồn: giaophancantho.org)

LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG HÀNH ĐỘNG

Tạp chí TIME năm 1984 đã in hình một trang bìa rất đáng chú ý: trong một phòng giam có hai người đàn ông ngồi trên hai chiếc ghế xếp bằng kim loại. Chàng trai trẻ mặc một chiếc áo len cổ lọ màu xanh, quần jeans xanh và giày màu trắng. Người đàn ông lớn tuổi mặc một chiếc áo choàng trắng đội một chiếc mũ sọ màu trắng trên đầu. Họ ngồi đối mặt với nhau, cận cảnh và rất riêng tư. Họ nói nhỏ để người khác không nghe thấy cuộc trò chuyện. Người thanh niên đó tên là Mehmet Ali Agca, kẻ ám sát Giáo hoàng (hắn đã bắn và làm ngài bị thương vào ngày 13 tháng 5 năm 1981); người đàn ông kia là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nạn nhân chủ mưu của tên ám sát. Đức Giáo hoàng nắm lấy bàn tay đã cầm khẩu súng mà viên đạn của nó đã găm vào cơ thể của ngài. Đây là một biểu tượng sống động của lòng thương xót. Sự tha thứ của Đức Gioan Phaolô II mang đậm dấu ấn tình yêu Kitô giáo. Hành động của ngài với Ali Agca đã nói thay cho hàng nghìn lời diễn đạt. Ngài ôm lấy kẻ thù của mình và xin ân xá cho anh ta. Vào cuối cuộc gặp mặt kéo dài 20 phút của họ, Ali Agca đã cầm tay Đức Giáo hoàng và đặt lên trán của mình như một biểu hiệu của sự tôn kính. Đức Giáo hoàng dịu dàng bắt tay anh. Khi rời phòng giam, Đức Giáo hoàng nói: “Những gì chúng tôi đã nói với nhau phải được giữ bí mật. Tôi đã nói chuyện với anh ấy như một người anh em mà tôi đã tha thứ và anh là người đã hoàn toàn tin tưởng tôi”.

* Đây là một mẫu gương thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đó chính là Lòng Thương Xót mà thánh Faustina đã cảm nghiệm và chia sẻ với chúng ta.

  1. “VẬY THÌ TÔI SẼ THƯƠNG XÓT”

Hoàng đế Napoléon đã tỏ ra rất xúc động trước lời cầu xin ân xá của người mẹ cho đứa con trai là quân nhân của bà. Tuy nhiên, Hoàng đế nói rằng vì đây là lần phạm tội nặng thứ hai của người lính, nên công lý đòi hỏi anh ta phải chết. Bà mẹ van nài: “Tôi không yêu cầu công lý, tôi xin lòng thương xót.” Nhưng hoàng đế nói: “Nó không đáng được thương xót!” Bà mẹ kêu lên: “Thưa ngài, sẽ không cần  lòng thương xót vì nó đáng bị như vậy, nhưng lòng thương xót là tất cả những gì tôi cầu xin với ngài.” Vẻ đau khổ và cách biện luận rạch ròi của người mẹ đã thúc đẩy Napoléon trả lời: “Vậy thì, tôi sẽ thương xót.”

* Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, như được trình bày trong Kinh Thánh và như Chúa Giêsu đã sống, giảng dạy, cũng như thực hành qua sứ vụ của Người.

  1. THƯA ÔNG ĐÓ LÀ ĐIỀU TÔI SỢ

Có một câu chuyện về một người lính nọ được đưa đến trước mặt đại tướng Robert E. Lee. Anh bị buộc tội đã hành động vi phạm quân luật, người lính run rẩy sợ sệt. Vị tướng nói với anh ta: “Anh đừng sợ. Ở đây bạn sẽ được công lý soi tỏ”. Người lính nhìn viên tướng và nói: “Thưa ngài, đó chính là điều tôi sợ.” Giống như người lính đó, ông Phêrô có lý do để run sợ. Ông đã khoe khoang về lòng dũng cảm của mình, rằng ông sẽ luôn sát cánh và bảo vệ Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu cần ông nhất, thì ông đã bỏ rơi Chúa. Có lẽ người ta có thể tha thứ cho ông vì ông đã bị cơn thèm ngủ đè nặng. Nhưng sau đó với tất cả ý thức, ông đã chối bỏ Chúa Giêsu ba lần, với cùng một lời khẳng định: “Tôi không biết người ấy. Một tảng đá mà như thế! Theo công lý nghiêm minh, Phêrô lẽ ra phải bị trừng phạt, ít nhất, bị tước bỏ tư cách người đứng đầu Giáo hội. Tuy nhiên, qua cuộc khổ nạn, Chúa Kitô đã mở ra một công lý sâu xa hơn, vượt qua những khuôn khổ cố hữu của con người. Đó là những gì chúng ta sẽ khám phá và trải nghiệm về Lòng Chúa Thương Xót này.

  1. NÂNG CAO TINH THẦN CHO NHAU

Bạn đã bao giờ nhìn thấy đàn ngỗng bay theo hình chữ V chưa? Đó là một điều tuyệt vời khi người ta tìm hiểu để biết rằng cấu hình đó là điều hết sức cần thiết để những con ngỗng có thể sống còn. Nếu chú ý lắng nghe, chúng ta có thể nhận thấy tiếng đập cánh của chúng đồng loạt bật lên tiếng rít mạnh trong không khí. Và đó chính là bí mật về sức mạnh của chúng: ngỗng đầu đàn cắt ngang sức cản của không khí, tạo ra lực đẩy giúp cho những con chim phía sau nó mất ít năng lượng hơn. Đổi lại, việc đồng loạt vỗ cánh giúp những con chim phía sau bay dễ dàng hơn, v.v. Mỗi con chim sẽ lần lượt làm đầu đàn. Những con bị mệt thì dạt ra rìa của chữ V để nghỉ, và những con còn lại lao về phía điểm đầu của chữ V để dồn thúc bầy ngỗng bay tiếp. Nếu một con ngỗng trở nên quá kiệt sức hoặc bị bệnh và phải bỏ ra khỏi đàn, nó không bao giờ bị bỏ rơi. Một thành viên mạnh hơn trong bầy sẽ theo con yếu hơn đến chỗ nó nghỉ và đợi cho đến khi con chim đủ khỏe để bay trở lại. Cùng nhau hợp tác thành đàn, ngỗng có thể bay ở cự ly xa hơn 71%, với công việc ít hơn tới 60% năng lượng.

  1. CHỮA BỆNH CHO NỖI BUỒN

Có một câu chuyện cổ của Trung Quốc về một người phụ nữ có đứa con trai duy nhất đã chết. Trong nỗi đau buồn tột độ, bà đến gặp một vị đạo sư và nói: “Lời cầu nguyện nào, câu thần chú huyền diệu nào có thể làm cho con trai tôi sống lại được?” Thay vì đuổi bà ấy đi hoặc cố gắng giải thích cho bà ấy, đạo sĩ nói: “Bà hãy đi tìm cho tôi một hạt cải từ một ngôi nhà chưa bao giờ biết đến nỗi buồn. Tôi sẽ dùng để xua đuổi nỗi buồn của bà ra khỏi cuộc sống”. Người phụ nữ tất tả đi ngay để tìm hạt mù tạt kỳ diệu đó. Trước tiên, bà ấy đến một ngôi biệt thự lộng lẫy, gõ cửa và nói: “Tôi đang tìm một ngôi nhà chưa bao giờ biết đến nỗi buồn. Đây có phải là một nơi như vậy không? Điều này rất quan trọng đối với tôi”. Họ nói với bà ấy: “Chắc bà đã đến nhầm chỗ rồi!” Và họ bắt đầu mô tả tất cả những điều bi thảm gần đây đã xảy ra với gia đình họ. Người phụ nữ tự nhủ: “Ai có thể giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh này hơn tôi, những người cũng gặp bất hạnh như tôi?” Bà ta ở lại một thời gian để an ủi họ, rồi lại tiếp tục đi tìm một căn nhà chưa bao giờ biết đến nỗi buồn. Nhưng ở bất cứ nơi nào bà ấy đến, từ những căn nhà nhỏ tồi tàn đến những nơi nơi sang trọng khác, bà ấy đều nghe thấy hết những chuyện bất hạnh này đến nỗi buồn khác. Mỗi lần như vậy bà lại tìm cách lan tỏa những năng lượng tích cực để xua tan nỗi đau của người khác, đến nỗi cuối cùng bà ấy đã quên đi cuộc tìm kiếm hạt cải kỳ diệu, và cũng quên luôn nỗi buồn trong việc mất đứa con yêu dấu.

  1. DỤC TỐC BẤT ĐẠT

Một người đàn ông nhìn thấy một tổ kén của một con bướm. Một lát sau, anh ta thấy có một lỗ nhỏ xuất hiện. Anh ngồi và quan sát con bướm trong nhiều giờ và thấy nó cố gắng ép cơ thể mình chui qua cái lỗ nhỏ đó. Nhưng dường như không tiến thêm được chút nào, như thể nó đã bò xa nhất có thể rồi. Vì vậy, người đàn ông quyết định giúp nó, anh lấy một cái kéo và cắt bỏ phần còn lại của tổ kén. Con bướm sau đó nhô ra khỏi tổ một cách dễ dàng. Nhưng nó có một cơ thể sưng tấy và đôi cánh nhỏ, teo tóp. Người đàn ông tiếp tục quan sát con bướm vì anh ta mong đợi rằng, bất cứ lúc nào, đôi cánh sẽ dang rộng và nở ra để có thể nâng cơ thể của nó lên. Nhưng cả hai điều đều không xảy ra! Thật sự, con bướm đã phải dành phần đời còn lại của mình để bò xung quanh với cơ thể sưng tấy và đôi cánh teo tóp. Chứ không bao giờ có thể bay được. Điều mà người đàn ông, với lòng tốt và sự vội vàng của mình, đã không hiểu là cái tổ kén gò bó đó và sự nỗ lực chui ra là cần thiết đối với con bướm. Chui qua lỗ nhỏ là cách mà quy luật tự nhiên đã sắp đặt để ép một chất lỏng từ cơ thể nó vào đôi cánh, tạo cho nó có thể sẵn sàng cho chuyến bay khi nó thoát ra khỏi kén.

* Đôi khi những nỗ lực và phấn đấu chính là thứ chúng ta cần trong cuộc sống. Nếu Chúa cho chúng ta đi qua cuộc đời mình mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, điều đó có thể khiến chúng ta tê liệt. Chúng ta sẽ không thể mạnh mẽ như chúng ta có thể; chúng ta không bao giờ có thể bay! Vì vậy, những thử thách trong cuộc sống có thể là một dấu chỉ của lòng Chúa thương chúng ta.

  1. MỌI SỰ LÀM CỦA CHUNG

Theo sách Công vụ Tông đồ những Kitô hữu đầu tiên đều “một lòng một ý”. Họ chia sẻ tài sản của mình cho nhau, để không ai thiếu thốn. Một số thậm chí đã bán đồ đạc của họ và gom vào quỹ chung để chu cấp cho mọi người trong cộng đoàn. Tinh thần bác ái cao quý này không tồn tại lâu lắm, bởi vì trong những năm sau đó, những đấng lập ra các dòng tu đã phải khôi phục lại tình trạng sở hữu chung như một phần của luật dòng của họ. Vì vậy, khi thánh Bênêđictô (Biển Đức) viết điều luật cho các tu sĩ của mình vào thế kỷ thứ sáu, ngài đã ra lệnh: “Hãy để mọi sự làm của chung cho tất cả mọi người.” Con người vốn mang bản tính sở hữu. Do đó không phải tất cả các tu sĩ Bênêđictô đều sống theo lý tưởng nghèo khó cá nhân. Một lần kia một tu sĩ đã đi giảng tĩnh tâm cho một tu viện nữ gần đó. Để bày tỏ lòng cảm ơn, các nữ tu đã trao cho thầy dòng vài chiếc khăn tay. Mặc dù tu luật ghi rằng không một tu sĩ nào được nhận bất cứ thứ gì mà không qua tu viện trưởng, nhưng thầy dòng này quyết định giữ món quà nhỏ lại cho riêng mình mà không thông qua bề trên. Anh chỉ đơn giản là nhét chiếc khăn tay vào trong tu phục của mình. Nhưng việc này không bị bỏ qua. Khi anh trở lại tu viện, bề trên Bênêđictô đã mắng anh: “Làm sao mà ma quỷ lại tìm được đường đi vào tâm hồn anh như thế?” Thầy dòng này vô cùng bối rối, vì anh ta đã quên chiếc khăn tay mình đã giữ lại. Nhưng lỗi của anh đã bị tiết lộ cho tu viện trưởng Bênêđictô. Ngài nói mạnh: “Có phải vì tôi không có mặt, nên anh mới nhận những chiếc khăn tay đó phải không?” Ngay lập tức vị tu sĩ nhận biết mình có lỗi, anh quỳ xuống trước vị thánh, xin ngài tha thứ và trao món quà lại cho bề trên.

* Khi nói về cộng đoàn tín hữu đầu tiên đây là một nét son của họ, nhưng chắc chắn mỗi thành viên phải phấn đấu rất nhiều mới có thể duy trì được lí tưởng ấy. Tham vọng của cộng sản nguyên thủy: “các tận sở năng, các mãn sở nhu” (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu) đã hoàn toàn thất bại, và bị coi là hão huyền!

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm