Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B


CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM B

Ngày 14/4/2024

 

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Hải

 

GIÁO HUẤN SÔ 20

TIÊU CHUẨN LỚN

Ở chương 25 của Tin Mừng Mát-thêu (31-46), Chúa Giê-su mở rộng về lòng thương xót. Nếu chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện làm Thiên Chúa vui lòng, bản văn này cung cấp cho chúng ta một tiêu chuẩn rõ ràng mà chúng ta được phán xét dựa vào đó. ‘Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống. Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta ốm đau, các ngươi đã chăm sóc; Ta ngồi tù, các ngươi đã viếng thăm (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 95).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Cv 3,13-15. 17-19; 1G a 2,1-5a; Lc 24,35-38)

Bài Ðọc I: Cv 3, 13-15. 17-19

“Ðấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.

“Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 4, 2. 7. 9

Ðáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con!

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu!

Xướng: Nhiều người nói: “Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?” Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con!

Xướng: Ðược an bình, con vừa nằm xuống, thoắt ngủ ngon, vì lạy Chúa, duy có Chúa cho con yên hàn.

 

Bài Ðọc II: 1 Ga 2, 1-5a

“Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính, làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: x. Lc 24, 32

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Giêsu, xin giải thích cho chúng con những lời Thánh Kinh; xin làm cho tâm hồn chúng con sốt sắng khi nghe Chúa nói với chúng con. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 24, 35-48

“Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Đức cha Lambert de la Motte ở Thái Lan

Ngài thụ phong giám mục ngày 11-6-1660 tại nhà thờ dòng Thăm Viếng. Pháp

Ngày 27-11-1660 ngài lên tầu đi Việt Nam với cha Jacques de Bourges và cha Francois Deydier.

Ngày 22-8-1662 phái đoàn tới Ayutthaya (Thủ đô cũ của Thái Lan), sau 2 năm, 1 tháng, 4 ngày,

Cộng đoàn Công giáo ở đây có 11 linh mục, quá dư thừa với cộng đoàn chỉ có từ 2.000 đến 3.000 người, gồm người Bồ, người lai và người Nhật trốn chạy cuộc bách hại. Đức cha viết thư cho Đức giáo hoàng : ‘Về các Ki-tô hữu, họ sống bừa bãi, đến độ gương xấu của họ là một nguy hiểm làm cản trở việc theo đạo cũa phần còn lại trong vương quốc này (Francoise Fauconnet Buzelin, Cao kỳ Phương phiên dịch, Pierre Lambert De La Motte. 1624-1679, NXB Tôn giáo, trang 62).

Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối, đổi thay  :

Bài đọc 1 (Cv 3,13-15.17-19) : Hai thánh Phê-rô và Gio-an lên Đền thờ cầu nguyện giờ thứ chín (3g chiều). Một người què từ khi lọt lòng mẹ, ngày ngày được người ta khiêng tới đặt ở cửa Đền thờ có tên là Cửa Đẹp để xin kẻ ra vào Đền thờ bố thí.

Cách trả lời của ông Phê-rô thật lạ, kéo sự chú ý của người què và chúng ta : ‘Anh nhìn chúng tôi đây. Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, anh hãy đứng dậy mà đi’ (3,4.6).

Thánh Phê-rô kêu gọi : ‘Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa. Người xó bỏ tội lỗi cho anh em’ (3,19).

Bài Tin Mừng (Lc 24,35-38: BTM kể : Hai môn đệ (có lẽ trong nhóm 72) được gặp Chúa Giê-su sống lại trên đường Em-mau, trở về báo tin cho nhóm mười một, Chúa Giêsu cũng trở lại hiện ra và nói : ‘Có lời Kinh thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được tha tội’ (24,46-47).

Bài đọc 2 (1G 2,1-5a) : Bđ2 thánh Gio-an viết : ‘Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ  các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thật sự nên hoàn hảo’ (1Ga 2,4-5a)…

Cầu nguyện

Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt qua,

Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con trẻ lại,

và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa.

Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban

và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.

Chúng con cầu xin.

SUY NIỆM II

NGƯỜI CHỨ KHÔNG PHẢI MA

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

 

Thình lình Người có mặt…

Tin Mừng Luca thuật lại ở đây một trong những lần Ðấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ  Các ông khiếp đảm và không thể nào chấp nhận nổi sự kiện, mặc dù các ông đã nghe lời thuật chuyện của các phụ nữ, của ông Simon, và nhất là của hai môn đệ từ Emmau trở về  Các ông không hiểu, cứ ngỡ Ðức Giêsu là ma, nên Người nói với các ông: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như Thầy có đây?”

Dù vậy, hình như các môn đệ vẫn không tin và không dám nhìn thẳng vào thực tế trước mắt  Ðức Giêsu nói với các ông: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Thế rồi Người đã ăn trước mặt các ông  Và các ông không còn nghi ngờ gì nữa: chính là Người, Ðấng chịu đóng đinh và nay đang sống  Người đứng trước mặt các ông, hoàn toàn khác, nhưng cũng là người đã từng sống với các ông  Người “mở lòng mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” để soi sáng quá khứ và loan báo tương lai: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47)

Vậy, Phục Sinh là gì? Người ta vẫn không ngừng nêu lên câu hỏi ấy  Phải chăng đó là sự hiện diện hoàn toàn thuộc về ý tưởng? hay là sự hiện diện thể lý? Giữa hai lãnh vực đó, không có giải pháp thứ ba

Tin Mừng không trực tiếp trả lời câu hỏi này  Ðúng hơn, Tin Mừng thuật lại sự kiện này trong những trình thuật có vẻ như mâu thuẫn nhau: bất thình lình, Ðức Giêsu có mặt tại một nơi, không bị ràng buộc gì về thể lý  Nhưng Người lại để cho các môn đệ chạm đến Người, và xin các môn đệ cái gì đó để ăn

Trong thực tế, trình thuật Luca đưa ra một câu trả lời khác, đầy bất ngờ và khó có thể hiểu được  Tin Mừng thứ ba quả quyết rằng sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh giữa các môn đệ được diễn tả bằng sự truyền thông

Cộng đoàn Giêrusalem lặp lại một cách chính xác kinh nghiệm hai người môn đệ đi làng Emmau vừa trải qua: cộng đoàn ấy bước vào thế giới tinh thần của Ðức Giêsu, một thế giới cho đến lúc này còn khép đối với họ; cộng đoàn ấy cũng cùng với Ðức Giêsu đọc lại lịch sử của Người và của dân Israel, và sau hết cùng bẻ bánh với Người

Khi sống như thế, cộng đoàn Giêrusalem khám phá nơi Ðức Giêsu sự hiện diện siêu thực  Ðó là một thế giới không ai có thể nghĩ tới, nhưng nay đang mở ra, một thế giới mà con người ngày nay không thể nào cảm nghiệm nổi bắt đầu từ những kinh nghiệm thông thường của mình

Thế nhưng, sự khám phá này chỉ có thể xảy ra nơi những người đã trải qua một kinh nghiệm nào đó về cái chết  Cái chết này dứt người ta ra khỏi những ước muốn, những ảo vọng của mình, ra khỏi tất cả những gì đóng khung người ta lại trong thế giới mà người ta gọi là thế giới thực, trong khi nó chỉ là bề ngoài  Sự thay đổi cái nhìn bắt đầu từ sự thay đổi trong tâm hồn  Chính sự thay đổi này giúp người ta hiểu được Ðức Kitô Phục Sinh là ai

Ðó là sứ điệp các tông đồ và mỗi người cần có để chuyển giao cho thế giới

… trong bóng chiều

Phần cuối Tin Mừng Luca gợi lên ánh mặt trời lúc ban chiều  Tác giả đã từng thuật lại cách tuyệt vời cảnh ban chiều trong câu chuyện người con hoang đàng: người cha đứng bên cửa, tay cầm bó đuốc, trông giống như một vị ngôn sứ, đợi chờ người con yêu dấu trở về  Vào phần cuối này, tác giả trình bày cuộc Tiến lên của Ðức Giêsu – Vị Vua – Mặt Trời đích thực – từ giữa cõi chết  Bất thình lình Người đứng đó, trong khu vườn, rồi buổi chiều, Người lại có mặt trên đường, trước khi tiến thẳng lên cõi trời trong cuộc Thăng Thiên

Những lần hiện ra của Ðấng Phục Sinh diễn ra trong ánh sáng vui tươi của việc tìm thấy, trong bầu không khí đầm ấm yêu thương: đó là cô Maria Mácđala, người bạn trung tín đã đón tiếp Ðức Giêsu vào buổi sáng sớm; đó là hai người môn đệ, lòng nặng trĩu u buồn, đã mời Người Khách Lạ đầy bí nhiệm vào quán trọ lúc xế chiều, để rổi sau đó khám phá ra chân dung Người Khách qua cách bẻ bánh

Thực vậy, chính trong một bữa ăn, Ðức Giêsu đã tự bày tỏ, người khách được mời lại ban tặng bữa tiệc vượt qua, mở đầu cho cuộc Vượt Qua vĩnh cửu  Còn trước các môn đệ đầy nghi ngờ, Ðức Giêsu sẵn sàng để các ông giám định: “Cứ rờ xem”  Tuy nhiên, các ông vẫn không tin  Chỉ cần một khúc cá nướng và một mẩu bánh thì sự thật được mở ra, và ánh sáng bùng lên trong căn nhà u tối  Ngay sau đó, Ðức Kitô, Ðấng đã tái sinh các môn đệ trong đức tin, đã xác nhận các ông là những nhân chứng của mầu nhiệm Phục Sinh: “Chính anh em làm chứng về những điều này”

Vào buổi sáng sớm, Ðức Giêsu đã đứng trong khu vườn  Buổi chiều, Người đứng trên đường đón chờ hai người môn đệ  Chính Người đã tự nhận là Ðường, này đây Người đang đứng trên đường  Có lẽ Người cũng đứng trong khi ăn miếng cá nướng, tương tự như thái độ của các tổ phụ: quay lưng về Ai Cập và hướng nhìn về thành Giêrusalem  Chính Người là Con Người của cuộc Vượt Qua Mới, cuộc Vượt Qua vĩnh cửu; Người luôn tiến bước

Này là Người! Ðây là Con Người luôn đứng thẳng, Con Người của cuộc xuất hành  Có xây cho Người một nhà tù – dù là cái chết – thì ba ngày sau Người cũng thoát ra khỏi đó để gửi các nhân chứng của Người đi khắp mọi nẻo đường của mặt đất, bắt đầu từ những đường phố Giêrusalem

Quả thế, bắt đầu từ Giêrusalem, Thần Khí của Ðức Giêsu sẽ thúc đẩy những người đã gặp Ðức Giêsu đang đứng đây đến tận cùng thế giới

… và giữa cộng đoàn chúng ta

Các ông vẫn chưa dám tin vì mừng quá

Chúng ta là những người thường ngập ngừng giữa nghi ngờ và tin tưởng, liệu chúng ta có tin vào Ðấng đang sống khi mà sự hiện diện lúc này của Người hoàn toàn khác hẳn với con người làng Nadarét? Hiến lễ tạ ơn ngày Chúa nhật chính là môi trường trong đó Hội Thánh nhìn nhận “Ðấng khơi nguồn sự sống” (Cv 3,15), nhìn nhận hy lễ được tiến dâng để xoá bỏ tội lỗi trần gian  Trong hiến lễ này, chúng ta quy tụ dưới sự chủ toạ của Ðấng Phục Sinh, chúng ta cùng nhau nhớ lại lời Người, tức là Thánh Kinh, thuật lại chứng từ của những người đã thấy, cùng nhau bẻ bánh trong niềm vui, và sau đó lại ra đi khắp thế giới để thắp lên ngọn lửa chứng từ đã được thắp lên vào ngày Phục Sinh  Từ nay, những điều này sẽ là những dấu chỉ về cuộc Phục Sinh, bởi vì những chứng cớ về sự sống sẽ chẳng có ở một nơi nào khác ngoài cuộc sống

Ngày nay, cuộc Phục Sinh của Ðức Kitô ghi lại dấu ấn gì trên cuộc đời người tín hữu chúng ta? Việc hiểu biết về Thánh Kinh chiếm vị trí nào khi chúng ta nhìn lại cuộc đời mình trong Ðức Giêsu Kitô? Qua việc gặp gỡ Ðấng Phục Sinh khi chúng ta đón nhận bí tích Thánh Thể, liệu chúng ta có trở nên những tôi tớ hăng say loan báo Tin Mừng, một Tin Mừng cần được vang lên trong nơi sâu nhất của tâm hồn con người, trong mọi ngõ ngách của thế giới?

SUY NIỆM III

BÌNH AN CỦA CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Không biết ông bà anh chị em có để không chứ tôi thấy có một điều kỳ lạ rằng sau khi sống lại, mỗi lần Chúa hiện ra với các môn đệ luôn có câu chúc: “Bình an cho anh em” mà khi sống Ngài không nói câu chúc này? Tại sao? Bởi vì Chúa Giêsu Kitô đã sống lại, Ngài đã đánh bại thần chết, giải thoát con người khỏi ách thống trị tội lỗi và cái chết. Qua sự Phục Sinh của Chúa, kinh hoàng sợ hãi và sự chết từ nay đã bị khử trừ, bình an và sự sống mới được trao ban lại cho con người. Cho nên, chúng ta thấy với trang Tin mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại rất rõ ràng, Chúa Giêsu Phục Sinh khi hiện ra với các tông đồ, Ngài đã trao ban bình an cho các ông. Chúa Giêsu nói: “Bình an cho anh em”(Lc 24, 36). Và để trấn an Chúa Giêsu nói tiếp: “Chính thầy đây mà, hãy sờ xem” (Lc 24, 39). Rồi để chứng minh Chúa Giêsu cho các ông xem tay chân Người.

Vậy bình an của Chúa Giêsu phục sinh là bình an nào? Đó là một ân huệ phục sinh của Người, đây là sự bình không theo kiểu thế gian, cho nên Chúa Giêsu không ban cho các môn đệ bất cứ đảm bảo nào là các ông sẽ sống yên ổn suốt đời, các ông sẽ có một cuộc sống luôn luôn huy hoàng, không phải thiếu thốn, đau khổ hay lo lắng gì. Chính Người là Đấng Kitô chịu đóng đinh, đã không được gìn giữ khỏi đau khổ và thiếu thốn, khỏi bị từ khước và thù nghịch, khỏi những đau đớn và cái chết. Ngài cũng chịu đóng đinh, chịu nạn, cũng run rẩy khiếp sợ và cũng chịu chết. Nay Người sống lại và đang đứng trước mặt các ông như là Đấng Vẫn Sống, Đấng đã vượt thắng cái chết và nay không thể chết nữa và vẫn đang bình an. Vì thế, lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời : “Bình an cho anh em!” vì lúc này các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng và rất cần có bình an của Chúa Giêsu dù có đau khổ, sợ hãi hay thử thách.

Bình an của Chúa phục sinh có ở với chúng ta không? Thưa có vì Đức Giêsu hứa với chúng ta: «Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài cũng nói với Chúa Cha: «Con ở trong họ và Cha ở trong con» (Ga 17,23). Thánh Phaolô nhắc lại sự hiện diện ấy: «Chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người » (Cl 3,11); «Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em» (Gl 4,6). Như vậy, theo lời Ngài đã hứa thì Ngài vẫn ở với và ở trong chúng ta. Cho nên, sự hiện diện của Ngài trong chúng ta có tính hoạt động và có khả năng biến đổi ta hay không, điều đó còn tùy thuộc vào ý thức và sự tự do cộng tác của chúng ta nữa. Nếu chúng ta không tin hoặc không ý thức sự hiện diện bình an của Ngài trong chúng ta, thì sự hiện diện ấy chỉ giống như sự hiện diện của xác Ngài trong nấm mồ: một thân xác vô hồn, bất động, không có khả năng gì cả. Chính ý thức sống động của ta về sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong bản thân ta làm cho Ngài «sống lại» trong ta và hoạt động hữu hiệu trong đời sống đức tin của chúng ta làm cho chúng ta bình an trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, đúng như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi»(Gl 2,20).

Bình an là khát vọng thâm sâu của mọi người, mọi nơi mọi lúc. Không có bình an, không có hạnh phúc! Trong Thánh Lễ, lúc sắp rước Thánh Thể, chủ tế cầu xin cho cộng đoàn được bình an của Chúa và mọi người chúc bình an cho nhau. Đó là chính sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, sự bình an luôn kèm theo sứ mạng rao giảng cho muôn dân sám hối, làm chứng cho họ về Đức Ki-tô Phục Sinh. Sự bình an của Chúa kèm theo sứ mạng này không chước miễn, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc…

            Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được. Chỉ có Bình An của Chúa phục sinh mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể chúc bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.

Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, họ hoảng hốt tưởng là thấy ma. Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng. Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Ngài còn ăn một miếng cá nướng để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma. Khi các môn đệ yếu đức tin, họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma. Nhưng khi đức tin của họ được củng cố, họ mới thấy Ngài đã sống lại thực. Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa, vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ, giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược, hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau khổ triền miên. Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến. Ngài đem bình an nghị lực đức tin cho chúng ta, giúp chúng ta vượt qua muôn ngàn nguy khó để rồi chúng ta cũng phải làm chứng nhân cho Ngài và Đấng phục sinh chiến thắng thế gian, Đấng cứu độ duy nhất. Như thế, Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng chúng ta không sợ rơi vào nguy cơ là bị hủy diệt hoàn toàn. Ngay cái chết cũng không thể làm hại chúng ta vĩnh viễn, phương chi các thiếu thốn khác làm gì có thể gây hại cho đời sống chúng ta!

Hôm nay mỗi người chúng ta hãy vui mừng hân hoan! Vui mừng vì Chúa đã sống lại. Vui mừng vì Chúa Phục Sinh đang đến với ta. Ngài đến đem lại bình an và sự sống mới cho ta. Dường như nhiều người trong chúng ta chưa nhận thấy vì còn chậm tin. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ các ông sợ hãi vì tưởng thấy ma! Chúa nói: “Sao anh em lại hoảng hốt?” (Lc 24, 38). Cũng như các tông đồ, chúng ta còn sợ hãi là tại vì chúng ta còn ngờ vực, tối dạ, chưa tin Chúa. Chúng ta còn bất an là vì cuộc đời chúng ta thiếu vắng Chúa và Ngài cũng ban bình an cho chúng ta.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, ân huệ phục sinh của Đức Giêsu để lại cho chúng ta trong Thánh lễ này là Mình Thánh Ngài, cũng chính là bình an của Chúa phục sinh. Đó chính là sự bình an được sống trong hiệp thông, sự quan phòng, che chở, ủi an, nâng đỡ và yêu thương của Chúa Giêsu phục sinh. Vì thế, chúng ta hãy siêng năng tích cực tham dự thánh lễ và rước Mình Máu thánh Ngài để được bình an ấy. Amen.

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

(Nguồn: giaophancantho.org)

  1. CHUYỆN BÁC SĨ PASTEUR

Trong một chuyến tàu chạy về Paris có hai người đàn ông ngồi đối diện nhau trong một toa hành khách. Một người là nghiên cứu sinh y khoa, anh đang cảm thấy buồn chán vì hành trình dài; người kia là một ông già thì lim dim mắt đọc kinh Mân Côi. Anh sinh viên trẻ bắt đầu chế giễu ông lão vì niềm tin mê tín của ông. Đoạn anh tiếp tục kể về những điều kỳ diệu của nền y khoa hiện đại. Ông lão chỉ gật đầu, mỉm cười và tiếp tục lời cầu nguyện của mình bất chấp những lời bình phẩm thầm lặng của người khách trẻ. Khi họ đến nhà ga Paris, ông già hỏi cậu ta đi đâu. Chàng trai tự hào cho biết anh sẽ tham dự buổi thuyết trình của một nhà khoa học nổi tiếng thế giới là Louis Pasteur. Ông lão lấy trong túi ra một tấm cạc vidít (carte de visite), đưa cho người thanh niên và từ biệt. Tấm thẻ ghi: “Dr. Louis Pasteur, Viện sĩ Hàn Lâm viện Khoa học Paris!”

* Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

  1. LÒNG TRUNG THÀNH QUA ĐÔI BÀN TAY

Đại văn hào Tolstoy đã kể một câu chuyện về Sa hoàng và Hoàng hậu Nga, những người muốn tôn vinh các thành viên trong triều đình của họ bằng một bữa tiệc. Họ gửi giấy mời và yêu cầu khách đến dự tiệc mang theo giấy mời. Khi bước vào bàn tiệc, các vị khách ngạc nhiên nhận thấy rằng các tiếp viên không hề nhìn vào giấy mời của họ. Thay vào đó, họ kiểm tra bàn tay của khách. Các vị khách thắc mắc về điều này, nhưng họ cũng tò mò muốn biết xem ai sẽ được Sa hoàng và Hoàng hậu mời làm khách danh dự trong bữa tiệc. Họ ngạc nhiên khi thấy rằng chính người phụ nữ già đã làm công việc lau dọn cung điện hoàng gia trong nhiều năm được chọn hôm đó. Các tiếp viên, sau khi kiểm tra tay bà, tuyên bố: “Bà có đủ tư cách thích hợp để trở thành khách mời danh dự hôm nay. Chúng tôi có thể chứng nhận tình yêu và lòng trung thành của bà qua đôi tay chai sạn này.”

* Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ không tin Chúa sống lại: “Hãy xem tay và chân Thầy…” để xóa bỏ nghi ngờ mê tín rằng Người là ma.

  1. BỘ SƯU TẬP VĨ CẦM

Đó là câu chuyện về ông Luiqi Tarisio, người cách đây mấy năm được tìm thấy đã chết đơn độc trong một căn phòng mà hầu như không có bất kỳ sinh vật nào, ngoại trừ sự có mặt của 246 cây vĩ cầm hết sức quý giá. Ông ta đã thực hiện bộ sưu tập những cây đàn này suốt cuộc đời của mình. Tất cả chúng đều được cất trên gác mái. Một số cây vĩ cầm giá trị nhất thì được cất trong ngăn dưới cùng của một phòng nhỏ ọp ẹp cũ kỹ. Tuy nhiên cây đàn huyền thoại trong bộ sưu tập này có tên là Stradivarius. Khi nó ngân lên âm thanh kỳ ảo cuối cùng thì đã cách đó 147 năm rồi! Một số người lên tiếng phê phán  rằng với niềm say mê đến tôn sùng đối với đàn vĩ cầm, Tarisio đã lấy đi khỏi thế giới âm nhạc những dòng âm thanh tinh xảo nhất.

* Có nhiều Kitô hữu hôm nay giống như ông Tarisio? Đừng chôn vùi Tin Mừng phục sinh của Chúa Kitô dưới đáy của một văn phòng cũ ọp ẹp. Hãy để mọi người nghe âm thanh tuyệt vời của Tin Mừng: “Người đã sống lại thật, Alleluia!”

  1. CHÚNG TÔI SẼ CHO BẠN SỐNG LẠI

Vị pháp sư của một ngôi làng nhỏ theo đạo Hindu thuộc một bộ lạc ở Ấn Độ, đã được một số nhà truyền giáo thuyết phục theo đạo. Ông ta lắng nghe một lúc rồi nói với họ: “Thưa quý ông, hãy nghe tôi đây, tôi có một đề xuất thế này: ở đây tôi có một ly thuốc độc mà tôi dùng để diệt chuột. Nếu các ông uống chất độc này mà vẫn sống như Chúa Giêsu của các ông đã hứa, tôi sẽ gia nhập tôn giáo của quý ông, và không chỉ bản thân tôi, mà toàn bộ ngôi làng Hindu của tôi nữa. Nhưng nếu các ông không uống thuốc độc, thì tôi chỉ có thể kết luận rằng các ông là những người truyền đạo giả dối, bởi vì các ông không tin Chúa của các ông sẽ không để các ông bị chết.” Chuyện này làm cho những truyền giáo hết sức bất ngờ, lúng túng và bối rối. Họ trao đổi với nhau: “Chúng ta phải làm gì bây giờ?” Cuối cùng, họ đã đi đến một quyết định đối phó. Họ quay sang vị pháp sư Hindu nói: “Đây là kế hoạch của chúng tôi. Ông cứ uống thuốc độc đi, chúng tôi sẽ khiến ông sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Giêsu!”

– Quả thật tin và sống mầu nhiệm Phục sinh là một thách đố lớn đối với Kitô hữu.

  1. CHUYỆN BÁN CÁ

Để bán cá một ngư dân đã sơn một tấm bảng ghi: “Ở đây bán cá tươi”. Một đối thủ muốn “guậy phá” công việc buôn bán của anh, nói: “Ông không bán cá ươn, phải không? Vậy tại sao lại viết ‘tươi’ làm gì?” Ngư dân nghĩ vậy có lý bèn viết một tấm bảng mới với dòng chữ: “Ở đây bán cá”. Một lần nữa, đối thủ của anh ta lại đề nghị: “Rõ ràng là ông đang bán cá ở đây, chứ có phải ở đâu khác!” Gật đầu đồng ý, ngư dân quay trở lại với một tấm biển mới: “Bán cá!” Bây giờ, đối thủ xuất hiện lần thứ ba và nói: “Bất kỳ ai tinh mắt sẽ thấy rằng ông đang bán cá chứ đâu có bán thịt! Bỏ từ ‘cá’ đi!” Người ngư dân cả tin bối rối đến mức muốn làm một tấm biển khác mà quên mất rằng mình đang thật sự bán cá!

 * Nếu có điều gì đó mà người ta thực sự tin tưởng vượt khỏi sự nghi ngờ, thì chắc chắn họ phải bám chắc vào sự thật đó ngay cả khi có những lời khuyên, đề xuất và thậm chí là đe dọa muốn thay đổi niềm tin của họ. Đó là đức tin của các tông đồ khi họ đã xác tín mầu nhiệm Chúa sống lại. Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy hành trình đức tin của họ từ nghi ngờ, sợ hãi đến xác tín.

  1. SỐNG SỨ ĐIỆP PHỤC SINH

Đó là Chúa Nhật đầu tiên của một linh mục đến nhận một giáo xứ mới. Trong thánh lễ nhận xứ, giáo dân chăm chú từng chút một để đưa ra nhận xét ban đầu về cha xứ mới của họ. Bài giảng của ngài thật xuất sắc! Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm, hào hứng, tin tưởng. Chúa nhật sau đó, giáo dân tăng lên đáng kể, có lẽ là do tin tốt đã lan ra trong giáo xứ. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của những người đã dự lễ Chúa nhật trước, vị linh mục lại giảng bài giảng giống hệt như lần trước. Họ bênh vực cho ngài nghĩ rằng sáng nay có rất nhiều người mới đến, nên cần phải nghe lại bài giảng có nhiều ý nghĩa thâm sâu. Mọi việc có vẻ vẫn tốt đẹp cho đến Chúa nhật tuần sau, Chúa nhật tiếp theo, và quả thật, cả Chúa nhật tuần sau nữa, bài giảng cũng giống hệt như vậy! Đến lúc này, một nhóm giáo dân quyết định gặp cha xứ với những lời lẽ khiêm tốn hết mức có thể, để thưa với ngài về chuyện bài giảng. Họ đã sử dụng ngôn từ ngoại giao cực kỳ tốt: “Đó là một bài giảng rất hay, thưa cha.” “Ồ, cảm ơn ông bà rất nhiều. Tôi rất vui vì cộng đoàn nhận thấy nó hữu ích.” “Nhưng thưa cha, chúng con chỉ tự hỏi tại sao cha đã giảng cùng một bài giảng trong suốt năm Chúa nhật vừa qua?” Vị linh mục trả lời: “Ồ, vâng, tôi có biết điều đó”, “Vậy thưa cha, dù không muốn làm cha khó chịu, chúng con cũng muốn có câu trả lời cho những người đã nhờ chúng con đến đây, cha có bài giảng nào khác không ạ?” Cha xứ trả lời: “Ồ, tất nhiên, tôi có rất nhiều bài giảng khác chứ!” “Vậy khi nào thì có bài giảng mới, thưa cha?” “Tôi hứa với quý ông bà rằng tôi sẽ chuyển sang bài giảng tiếp theo- ngay khi tôi thấy cộng đoàn thực hiện điều gì đó về bài giảng đầu tiên của tôi!”

* Sứ điệp Phục sinh là để sống chứ không phải để nghe suông. Ơn phục sinh chỉ xảy ra khi chúng ta sống thực sứ điệp này trong đời sống hằng ngày.

  1. NHÀ THẦN HỌC BỐN CHÂN

Người đàn ông gầy yếu nắm chặt lấy tay bác sĩ nói: “Tôi sợ chết lắm. Xin bác sĩ cho tôi biết, điều gì đang chờ đợi tôi sau khi tôi chết? Ở bên kia sẽ như thế nào?” Bác sĩ trả lời: “Thật sự tôi cũng không biết.” Người sắp chết lẩm bẩm: “Ông mà lại không biết!”. Không trả lời thêm, bác sĩ mở cửa bước ra ngoài hành lang. Một con chó lao tới, nhảy chồm tới chỗ ông đang đứng và biểu hiện tất cả niềm vui khi nó được gặp lại chủ. Ngay lúc đó, bác sĩ quay lại người bệnh và nói: “Ông có thấy con chó cư xử thế nào không? Nó chưa bao giờ ở trong căn phòng này trước đó và cũng không hề biết những người ở đây. Nó chỉ biết chủ của mình đang ở phía bên kia cánh cửa, và vì vậy nó vui mừng nhảy bổ vào ngay khi cánh cửa mở ra. Bây giờ hãy xem: tôi cũng không biết chính xác điều gì đang chờ đợi chúng ta sau cái chết, nhưng khá đủ để tôi biết rằng chủ nhân của tôi là Chúa Phục Sinh đang ở phía bên kia. Vì vậy, một ngày nào đó, khi cánh cửa mở ra, tôi sẽ bước vào với niềm vui sướng tột độ.”

  1. LỜI NÓI CỦA ĐÔI BÀN TAY

Một anh thanh niên rất yêu quý cha mình, vốn là người phải đi làm thuê suốt cả đời. Khi cha anh qua đời anh rất đau buồn. Anh lặng lẽ đứng nhìn chiếc quan tài nơi đặt thi hài cha anh, và anh đặc biệt bị thu hút bởi đôi bàn tay của cha mình. Ngay cả những điều thầm kín nhất của người quá cố cũng được tỏ lộ qua đôi bàn tay này. Sau này anh nói: “Tôi sẽ không bao giờ quên đôi bàn tay gầy guộc tuyệt vời ấy. Nó cho tôi thấy tất cả câu chuyện về cuộc đời của một người miền quê bằng ngôn ngữ hùng hồn của những nếp nhăn, những đường gân, vết sẹo cũ và mới. Đôi bàn tay của cha tôi luôn mang một vài vết xước hoặc vết cắt mới như một thứ để tô điểm, đó là kết quả mới nhất của việc chỉnh sửa lại một đoạn dây điện, một cái ống nước rỉ sét, một chậu cảnh bị nứt… Trong cái chết, nó đã không gian dối dù chỉ một chi tiết nhỏ lẻ và cá biệt. Không phải chỉ để cho con trai biết mọi thứ về cha mình, nhưng qua đôi bàn tay ấy, tôi lưu giữ trong ký ức của mình bằng chứng về bổn phận ông đã dành cho tôi, những giọt mồ hôi ông đã cống hiến, lòng trung thực mà ông đã sống. Và bằng cách nhìn vào đôi bàn tay đó, người ta có thể đọc được chính tâm hồn của ông già!”

* Không phải không có lý do khi Chúa Phục Sinh cho các tông đồ xem tay và cạnh sườn của Người: “Hãy xem tay và chân Thầy…”

  1. ĂN TRƯA VỚI CHÚA GIÊSU

Xưa có một cậu bé luôn muốn gặp Chúa Giêsu. Một ngày nọ, cậu đi bộ về nhà từ một lớp học ngày Chúa nhật. Khi đi qua công viên, cậu để ý thấy một bà già đang ngồi trên ghế đá. Trông bà có vẻ cô đơn và đói ăn, vì vậy cậu ngồi xuống và đưa cho bà một phần thanh sô cô la mà cậu đã để dành. Bà đón nhận với một nụ cười niềm nở. Cậu đưa thêm cho bà nhiều kẹo, và bà cũng trao lại cho cậu một chai nước ngọt. Họ ngồi với nhau rất thân tình, ăn uống và cười nói với nhau rất tự nhiên. Khi cậu bé đứng dậy để đi về, cậu vươn người qua người phụ nữ và ôm bà thật chặt. Cậu mỉm cười bước về nhà. Mẹ cậu nhận thấy nụ cười tươi và niềm hạnh phúc trên gương mặt con thì hỏi: “Hôm nay con đã làm gì mà vui thế?” Cậu nói: “Con đã ăn trưa với Chúa Giêsu. Và bà ấy trao cho con một nụ cười tuyệt vời!” Còn bà cụ trở về căn hộ nhỏ ở chung với chị gái cũng cứ tủm tỉm cười một mình. Chị bà gặng hỏi tại sao bà lại hạnh phúc như thế. Bà trả lời: “Em vừa ăn trưa với Chúa Giêsu. Và người ấy trẻ hơn rất nhiều so với em mong đợi”.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm