Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B


CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM B

Ngày 10/3/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Ngãi

GIÁO HUẤN SỐ 15

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc cho những ai xây dựng hòa bình

vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (tt)

Thật không dễ ‘tạo ra’ sự bình an này của Phúc Âm, sự bình an vốn không loại trừ ai nhưng đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền  hay khó tính, những người khắt khe, lập dị, những người bị đời làm cho thê thảm, hay đơn giản chỉ là những người ta không ưa. Thật là một việc khó; nó đòi ta phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra ‘một sự đồng thuận trên giấy tờ hay một sự giàn hòa tạm bợ cho một số hài lòng’, cũng không phải một kế hoạch ‘của một số người cho một số ngưới’. Đấy cũng không phải là một sự cố gắng phớt lờ hay coi nhẹ sự xung đột, trái lại người ta phải thẳng thắn  đối diện xung đột, giải quyết nó, và biến nó thành nghệ thuật của hòa bình, vì xây dựng hòa bình là một nghệ thuật đòi phải có sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo. Gieo rắc sự bình an khắp chung quanh mình, đó là thánh thiện (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 89).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-210

Bài Ðọc I: 2 Sb 36, 14-16. 19-23

“Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc”.

Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, tất cả những đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.

Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người, và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá huỷ tường thành Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat trọn bảy mươi năm trường.

Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua xứ Ba-tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện, thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6

Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi (c. 6a).

Xướng: Trên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.

Xướng: Vì nơi này, quân canh ngục đòi chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho chúng ta nghe điệu ca Sion!”.

Xướng: Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.

Xướng: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm vui thoả.

Bài Ðọc II: Ep 2, 4-10

“Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người, đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu, hầu chúng ta đem ra thực hành.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 3, 16

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.

 

Phúc Âm: Ga 3, 14-21

“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Thánh Giá

1.Năm 1523 Duarte Coelho được sai làm sứ giả đến điều đình một cuộc liên lạc thương mại giữa người Việt và Bồ Đào Nha. Gặp lúc trong nước đang rối loạn, không hy vọng có thể gặp nhà vua để điều đình, Duarte Coelho đành rút lui và có ghi ở vùng biển một hình Thánh Giá lớn làm kỷ niệm.

Tháng 6-1536, 33 năm sau Fernao Mendes Pinto, một giáo sĩ dòng Tên qua vùng biển Việt Nam gặp hình Thánh Giá nói trên ở Cù lao Chàm, người Mã Lai gọi  Poulo Champelho. Thánh Giá được khắc trên một tảng đá lớn, ngoai bốn chữ INRI, còn ghi năm và tên tác giả (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam,t.1, trang 33).

2. Ngày 12-3-1627 cha Marquez và De Rhodes (Đắc Lộ) lên tầu rời Macao, sau 6 ngày thuận buồm xuôi gío, thoát được vùng Hải Nam bão gió, thì gặp bão. Suốt một đêm đương đầu với sóng gió, sáng ngày 19-3, lễ thánh Giuse, tầu dạt vào Cửa Bạng (Thanh Hóa). Thời gian chờ ở Cửa Bạng, nhằm vào Tuần Thánh, cha Marquez tổ chức lễ dựng Thánh Giá. Hai cha vác Thánh Giá lên núi, theo sau là các thương gia Bồ (Bùi Đức Sinh, sđd, trang 125).

xxx

Hai câu chuyện ‘Thánh Giá’ đủ nói lên tầm quan trọng của Thánh Giá. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay, đã nói lên ‘ơn cứu rỗi’ xuất phát từ Thánh Giá. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có nghi thức ‘Suy tôn Thánh Giá’ với lời kêu mời : ‘Đây là cây Thánh Giá. Ta hãy đến tôn thờ’.

Bài đọc 1 (2Sb 36,14-16.19-23) : Câu chuyện bất tín nhà thờ của dân Ít-ra-en, vì nhà thờ là nơi Chúa ngự và Thánh Giá là biểu tượng ởn cứu rỗi của Chúa. Bđ1 lên án thái độ khinh thường nhà thờ : ‘Tất cả các thủ lãnh, các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà thờ Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế.  Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ, vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người (2Sbn 36,14-15).

Bài Tin Mừng (Ga 3,14-21) :  ‘Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an đã ghi lại : như Mô-sê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị hủy diệt, nhưng được sông đời đời’.Gio-an dùng câu chuyện này như một loại dụ ngôn để chỉ về Chúa Giê-su. Ông nói : ‘Con rắn bị treo lên, người ta nhìn nó hướng về Chúa, do quyền phép của Chúa, Đấng họ tin cậy, thì họ được lành bệnh. Chúa Giê-su cũng bị treo lên như thế, để khi loài người hướng về Ngài thì sẽ được sự sống đời đời.

Một điểm gợi ý rất lạ ở đây . Động từ ‘treo lên’ được dùng cho Chúa Giê-su  theo hai nghĩa. Một là Chúa bị treo lên thập giá, hai là việc Chúa được cất lên để vào vinh hiển lúc Ngài về trời. Nó được dùng để chỉ thập giá trong Ga 8,28; 12,32, và được dùng chỉ Chúa Giê-su lên trời vinh quang trong Cv 2,23; 6,31; Pl 2,9.’

Có 2 lần Người được đưa lên : lần bị đưa lên thập giá và lần được đưa vào cõi vinh quang. Cả hai lần liên hệ với nhau không thể tách rời. Thập giá là con đường dẫn tới vinh quang, cả hai liên hệ với nhau’ (lm Giuse Đỗ Thụy và Giuse Văn Tuynh, Tin Mừng Chúa Nhật Năm B, trang 83).

Bài đọc 2 (Ep 2,4-10) : Thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng ở Ê-phê-sô (Thổ Nhĩ Kỳ) trong cuộc hành trình truyền giáo thứ 3 trong hơn 2 năm (54-57). Nhiều người ở đây đã trở lại. Thư này được viết trong tù ở Rôma (64-63). Thư Ê-phê-sô trong bđ2, thánh Phao-lô đề cao ơn cứu thoát của Chúa : ‘Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thưc hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta’ (Ep 2.10).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, từ lòng mẹ, chúng con đã phải mang án chết do tội A-đam truyền lại, nhưng nhờ mầu nhiệm Thiên Chúa chịu khổ hình, Chúa đã tiêu diệt sự chết. Vậy giờ đây xin Chúa ban ơn thánh hóa biến chúng con nên giống hình ảnh A-đam mới là Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời (Lời nguyện thứ sáu Tuần Thánh).

SUY NIỆM II

NHÌN LÊN THÁNH GIÁ

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

          Mấy ngày qua, người dân cả nước xôn xao và theo dõi phiên toà xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội: Tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản lên đến 304.000 tỷ đồng, thiệt hại 129.372 tỷ đồng. Trước đó, Nhà nước kêu gọi 5 người bị truy nã và các bị cáo ra đầu thú và yêu cầu họ giao nộp 2/3 tài sản đã chiếm đoạt giao lại cho Nhà nước để được hưởng khoan hồng, nhưng đến nay chưa ai ra đầu thú. Như vậy, họ còn trong bóng tối tội lỗi chưa chịu nhìn về ánh sáng công lý, thì họ vẫn còn là tội nhân, tù tội và cái chết.

      Hôm nay các bài Lời Chúa cũng nói về cách thế để Dân Chúa thời Cựu ước, Tân ước và cả chúng ta nữa, tất cả đều tội nhân nếu ai nhìn lên Thánh giá, nhìn về Ánh sáng sẽ được sống muôn đời. Qủa thế, sách Xuất Hành trong Cựu ước, kể lại cuộc hành trình về đất hứa của dân Do thái, có câu chuyện con rắn đồng. Khi dân Do Thái lang thang trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, họ đã nhiều lần kêu trách Thiên Chúa, họ nói rằng: tại sao lại đưa họ vào sa mạc để họ phải khổ như thế này? Số người Do Thái lúc đầu ra khỏi Ai Cập khoảng hơn hai triệu người, con số không phải nhỏ bé, họ được Chúa ban manna ăn mỗi ngày, nhưng rồi họ cũng chán ngán, họ phàn nàn: chẳng có gì vui, chẳng có gì ngon, chỉ có mỗi manna chán ngắt. Khi họ kêu trách Chúa, không tin tưởng Chúa nữa, họ muốn quay trở về với kiếp nô lệ để được ăn củ hành củ tỏi, họ đã mất niềm tin vào Chúa. Có lần Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện khắp nơi và cắn chết nhiều người, khi đó họ mới nhớ ra tội mình bội tín, bất trung với Chúa, họ ăn năn và cầu cứu với ông Môsê xin Chúa tha thứ. Chúa động lòng thương bảo ông Môsê làm một con rắn bằng đồng treo lên cây cao, để bất cứ ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng này thì được cứu sống.

Thật ra con rắn đồng kia chỉ là một thứ kim loại vô tri vô giác, tự nó không có khả năng hay quyền hành gì để cứu giúp người ta lúc ấy, yếu tố cứu giúp người ta chính là đức tin. Việc nhìn vào con rắn đồng kia là biểu hiệu một lòng tin vào Thiên Chúa, niềm tin từ bên trong phát ra bên ngoài bằng cái nhìn, nhờ đức tin mà Thiên Chúa đã cứu họ. Và đó là ý nghĩa của câu Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng, Ngài nói với ông Nicôđêmô: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. Nói vậy là Chúa có ý ám chỉ cái chết của Ngài, Ngài sẽ chết cách nào, Ngài sẽ bị treo lên thập giá để chuộc tội cho nhân loại và bất cứ ai nhìn lên đó và tin, thì sẽ được Thiên Chúa cứu sống. Vì thế, Chúa Giêsu quả quyết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời”.

Quả thật, thập giá của Chúa Giêsu đem lại sự sống đích thực, sự sống đời đời cho những ai tin tưởng, cậy trông vào Chúa. Bằng chứng cụ thể là người trộm lành trong Tin Mừng: khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá trên núi Sọ, thì có hai phạm nhân khác là hai tên trộm cướp, cũng bị đóng đinh như thế ở hai bên Chúa: Đích-ma bên phải và Ghét-ta bên trái. Khi ba thập giá được dựng lên, treo ba thân xác chơ vơ giữa nền trời, người ta nghe tiếng tên trộm Ghét-ta chửi bới, nguyền rủa, nói những lời xúc phạm và đòi xuống khỏi thập giá. Trái lại, tên trộm Đích-ma, như được ánh sáng từ thập giá ở giữa chiếu soi, anh buồn rầu, hối hận tội lỗi tầy trời của mình và quay sang Chúa Giêsu, anh tha thiết thưa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Trước lời khẩn nài đầy tin tưởng ấy, Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Như vậy, trên núi Sọ, đám đông dân chúng đòi Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, thì tên trộm lại đòi được đưa lên. Dân chúng cầu mong Chúa Giêsu thuyết giảng một thứ tôn giáo không thập giá, còn tên trộm lại tìm được niềm tin khi bị treo trên thập giá bên Chúa Giêsu.

Kể từ khi thập giá của người Rôma được áp đặt cho Chúa Giêsu, thì thập giá đã trở thành Thánh giá và bóng Thánh giá của Ngài đã bao trùm cả trái đất. Không ai có thể đứng ngoài bóng mát của Thánh giá. Không ai có thể ở ngoài vòng lôi kéo của Chúa Giêsu. Cho nên, ngày nay Thánh giá không chỉ được dựng lên trên nóc nhà thờ, trong cung thánh hay trên bàn thờ trong nhà của chúng ta… Chúa Giêsu bị treo lên Thánh giá để cho mọi người đều nhìn thấy. Ngài đã chết trước sự chứng kiến của mọi người. Ngài đã chết cho mọi người. Ngài đã chết cho từng người trong nhân loại. Ngài đã chết nhân danh chúng ta để chúng ta được qui tụ vào gia đình con cái của Thiên Chúa và sống muôn đời. Vậy, mỗi khi ngước nhìn Thánh giá, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ Thánh giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu thương cao cả dành cho tất cả chúng ta, đồng thời nhắc nhở về những tội lỗi chúng ta đã phạm mà Ngài chết thảm sầu trên thập giá hầu thúc giục chúng ta ăn năn sám hối và trở về để được sống như Lời Chúa trong bài đọc 2 Thánh Phaolô xác quyết: “Anh em đã chết vì những sa ngã và tội lỗi của anh em. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô”.

Đúng thế, ở trần gian chỉ có một điều xấu xa hơn tội lỗi, đó là không nhìn nhận tình trạng tội lỗi của mình. Không có bệnh, chẳng ai tìm đến bác sĩ. Cũng vậy, không nhận mình tội lỗi, chẳng ai đi tìm Chúa Cứu thế và nhìn lên Đấng đã bị đóng đinh. Chỉ khi nào nhìn lên Thánh giá mới thấy mình là kêu ngạo và mình là người tội lỗi, đó là lúc khởi sự bước vào con đường sám hối ăn năn và quyết tâm chừa tội và khi ấy: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải” (Lc 15,7).

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn hoán cải khi ngước nhìn Thánh giá để rồi khiêm nhường nhìn nhận mình là kẻ có tội lỗi và tin tưởng vào lòng khoan dung của Chúa, thì dù cả trong tình trạng xấu xa nhất, chúng ta quyết tâm lãnh nhận Bí Tích giao hoà để được Chúa thương yêu tha thứ và cứu rỗi. Amen.

SUY NIỆM III

NHÌN LÊN ĐẤNG BỊ ĐÂM THÂU

(Hội An 10/3/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Rắn là loài quỷ quyệt, ngụy trang rất tốt, kín đáo trườn sát đất, người ta khó phát hiện, vì thế, nó rất nguy hiểm đối với con người. Sách Sáng Thế còn nói đến loài rắn khác, con rắn Satan. Nó chuyên cám dỗ con người cách ngọt ngào bất tuân lệnh Thiên Chúa, đến nỗi con người đầu tiên cứ tưởng việc chống lại Thiên Chúa là quyền tự quyết, quyền tự do của con người và biến con người đầu tiên cũng như con cháu thành kẻ phạm tội. Sách Dân Số thuật lại, khi dân Israel mất kiên nhẫn về hành trình đến đất Chúa hứa, họ đã quên mọi ân huệ Thiên Chúa ban, nên đã phàn nàn trách móc chống Thiên Chúa và Mô-sê, rắn lại xuất hiện cắn chết nhiều người. Chính những con rắn này làm cho họ nhớ đến tội lỗi của họ. Họ đã thống hối, kêu nài Mô-sê xin Thiên Chúa thứ tha. Thiên Chúa tỏ lòng thương xót, truyền lệnh cho Mô-sê đúc một con rắn bằng đồng treo lên cây cột, hễ ai nhìn lên rắn đồng, hối cải tội lỗi sẽ được cứu sống. Đây là hình ảnh báo trước cuộc hiến tế thập giá của Chúa Giê-su để cứu độ chúng ta.

  1. Nhìn lên thánh giá để thấy tội lỗi con người

            Nhìn lên rắn đồng, dân Israel nhớ đến tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và cái chết là điều phải trả giá. Trong cuộc chuyện trò với Nicôđêmô, Chúa Giê-su đã báo trước Ngài phải chịu treo trên thập giá như con rắn đồng bị treo lên. Bất cứ ai nhìn lên rắn đồng, họ sẽ nhận ra tội đáng chết của họ là chống lại Thiên Chúa.

Nhìn lên thánh giá, chúng ta phải nhận ra tội đáng chết bên trong chúng ta. Nọc độc của tội lỗi từ A-đam và E-và chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngấm ngầm trong chúng ta. Trong tôi và trong bạn có nó. Con cháu chúng ta cũng có thứ nọc độc ấy. Đó là lý do trong chúng ta có oán ghét, hận thù, ích kỷ, ngoại tình, hư đốn, trộm cắp, tham lam, xa lánh thờ phượng Thiên Chúa và phản ứng trước lời Chúa dạy. Xu hướng vô thần từ đâu xuất hiện trước khi trở thành chủ nghĩa? Trào lưu tục hóa từ đâu sinh ra trước khi trở thành lối sống thực dụng hiện nay? Do tội lỗi bên trong mỗi người, mỗi gia đình và mỗi cộng đoàn. Vì nọc độc tội lỗi bên trong chúng ta, nó đang giết chết linh hồn chúng ta và tàn phá gia đình, xã hội. Nói cách khác, trong con mắt Thiên Chúa, không chỉ Satan là con rắn, mà tất cả những ai phạm tội đều là những con rắn mang nọc độc chết người.

Nhìn lên Chúa Giê-su trên thánh giá, chúng ta sẽ nhận ra chính tội lỗi của chúng ta đã đóng đinh Ngài vào thánh giá, đồng thời nhận biết Ngài đang mang lấy tội chết của chúng ta vào thân thể của Ngài trên thánh giá. Tuy nhiên, điều Chúa vẫn mong mỏi chúng ta ngay lúc này khi nhìn lên thánh giá, là hãy có tâm tình thống hối như “viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Chúa Giê-su: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39), hay như đám đông dân chúng khi thấy cảnh tượng Chúa chịu chết “đều đấm ngực trở về” (Lc 23,48).

  1. Nhìn lên thánh giá để thấy Đấng bị đâm thâu vì yêu thương nhân loại

            Mùa Chay thúc giục chúng ta yêu mến thánh giá và can đảm nhìn lên thánh giá. Sở dĩ phải có can đảm mới có thể nhìn lên thánh giá, bởi vì tội lỗi nơi chúng ta khiến chúng ta không dám nhìn vào thánh giá. Nhưng thánh giá đang mang lấy Đấng Cứu Độ là niềm vinh dự và hạnh phúc của Ki-tô hữu, bởi khi nhìn lên thánh giá, không chỉ nhận thấy tội lỗi của chúng ta gây nên cái chết cho Chúa Giê-su, mà hơn hết, với đức tin, chúng ta thấy:

– Tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha dành cho chúng ta. “Thiên Chúa yêu thương chúng ta “đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) cho chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa không thể đo lường được. Tình yêu của Ngài không chỉ dành cho dân Israel hay dân trong Hội Thánh, mà còn cho muôn người đang ở ngoài Hội Thánh. Không phải vì chúng ta thánh thiện đáng yêu, hay đáng được yêu, nhưng khi ban Con Một của Ngài cho chúng ta, Thiên Chúa cho biết nơi Ngài chỉ có tình yêu.

– Chúa Giê-su, Con Một yêu dấu của Chúa Cha. Tác giả thư gởi tín hữu Do Thái xác tín ông biết con người cam chịu khổ hình trên thập giá: “Con người đó chính là Chúa Giê-su” (Dt 2,9). Đức Bênêđictô quả quyết: “Từ trên thánh giá, Chúa Giê-su đón chờ mọi người với lòng thương xót vô biên.” Thánh Têrêxa Calcutta cảm nghiệm: “Đối với Chúa Giê-su, tôi đáng quý. Ngài đã gọi tên tôi, tôi là của Ngài. Ngài yêu thương tôi và để chứng tỏ tình yêu ấy, Ngài đã chịu chết trên thánh giá.” Khi sống lại, Chúa Giê-su sẽ ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta.

Những người theo Chúa làm gì để đáp lại tình yêu của Chúa khi nhìn lên thánh giá? Thánh Phaolô thì vui mừng reo lên: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14), bằng cách: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê-su vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,19-20). Về phần chúng ta? Chúa muốn chúng ta mau hồi tâm nhớ lại tội lỗi của chúng ta, không phải để thất vọng, nhưng chạy đến với bí tích Giải Tội để hưởng ơn tha thứ từ Chúa Giê-su thập giá. Chúa còn muốn chúng ta siêng năng đến dự thánh lễ, ở đó chúng ta sẽ tham dự vào hy tế thập giá của Chúa và nhận biết Chúa yêu thương ta biết bao. Nhìn lên thánh giá chúng ta sẽ thấy Chúa Giê-su mời gọi chúng ta luôn sống thánh thiện xứng với ơn cứu độ của Chúa trên thánh giá, ra sức phục vụ Giáo Hội, giáo xứ và phục vụ anh chị em đang lâm cảnh ngặt nghèo.

Xin Chúa cho chúng con luôn nhìn lên thánh giá Chúa, để yêu mến Chúa trên hết mọi sự và cảm nghiệm sâu xa lòng thương vô điều kiện của Thiên Chúa. Xin cho chúng con hằng ngày biết hôn lấy thánh giá, để học đóng đinh tính xác thịt của chúng ta và yêu thương nhau như Chúa yêu.

SUY NIỆM IV

CON NGƯỜI ĐƯỢC NÂNG CAO

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật. OP

Thế gian không bị từ bỏ

Trong phần thứ hai của cuộc đối thoại với Ðức Giêsu, ông Nicôđêmô không nói gì nữa, tuy vậy, phần này vẫn như là Ðức Giêsu đang ngỏ lời trực tiếp với ông  Qua vài hàng ngắn gọn, tác giả sách Tin Mừng tóm tắt toàn bộ chương trình yêu thương của Thiên Chúa được thực hiện trong Ðức Giêsu Kitô

Thiên Chúa và thế giới

Thiên Chúa hằng mong muốn liên kết con người với toàn bộ công trình sáng tạo, để các công việc họ làm cũng phải là công trình của Thiên Chúa  Chính vì thế, Thiên Chúa không kết án thế gian: ngược lại, Người mong muốn thế gian được cứu thoát  Khát vọng này của Thiên Chúa được diễn tả qua dấu chỉ hữu hình là Chúa Con được sai đến thế gian

Thế nhưng, thế gian, tức là con người, là một thực tại đầy những xáo trộn, trong đó có một số người ưa thích bóng tối hơn là ánh sáng  Thái độ này không được diễn tả qua ngôn ngữ hay tình cảm, nhưng là qua chính cuộc sống của con người, tức là qua cách thức họ sống, qua công việc họ làm 

Người Con và hai chiều hoạt động

Ðức Kitô, Con Thiên Chúa đã được sai đến trần gian, Người đã từ trời xuống  Người là dấu chỉ về ơn cứu độ được ban tặng cho hết mọi người, là dấu chỉ của sự sống được trao ban  Ý nghĩa này cũng giống như dấu chỉ Thần Khí được ban xuống trong cuộc sáng tạo và khi ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Ðức Giêsu  Thế nhưng, Người Con đã được nâng lên cao, và đưa tất cả những ai tin vào Người cùng lên cao, hướng về trời  Việc nâng cao này là một cuộc thăng thiên nhờ cây thập giá được dựng lên trước mặt nhân loại

Ánh sáng và bóng tối

Trong mối tương giao với Chúa Con, không thể có chuyện lấp lửng hay mưu mô lắt léo: hoặc là tin vào Người và được sống, hoặc là không tin và bị kết án  Sự lựa chọn của con người có nghĩa là chấp nhận ánh sáng hay bóng tối, là có thái độ mở rộng hay khép kín  Ai chấp nhận bóng tối tức là để cho bóng tối vây phủ, không để ai có thể nhìn thấy, cả Thiên Chúa lẫn người khác  Ai chấp nhận bóng tối tức là không sống vì tình yêu, không có sự sống đích thực: như vậy họ đã bị loại trừ và kể như đã chết

Ngược lại, ai chấp nhận ánh sáng là người sẵn sàng nhận ra rằng những công việc mình làm chính là những công trình của Thiên Chúa  Họ là người luôn sống hoà hợp với tình yêu được tỏ bày trong Ðức Kitô, mặc dù họ chưa gặp thấy Người  Bài Tin Mừng là một hình thức diễn tả về cuộc phán xét, nhưng cũng rất gần với Mátthêu chương 25

Dấu chỉ của tình thương

Hình ảnh Ðức Giêsu tắt thở, thân treo trên thập giá vẫn là một dấu ấn đậm nét trong tâm hồn và trí nhớ những tín hữu thời đầu  Năm này qua năm khác, họ cố gắng khám phá và đánh giá lại hình ảnh này

Theo họ, trong dấu chỉ thập giá, Thiên Chúa có mặt trọn vẹn và bày tỏ toàn bộ bí mật của Người  Nhưng thật là khó mà hiểu thấu được dấu chỉ này  Không thể nào không nối kết hình ảnh Ðức Giêsu được giương cao trên thập giá với hình ảnh con rắn đồng được ông Môsê treo lên trong sa mạc  Trong cuộc hành trình gian khổ tại sa mạc, người Do Thái đã chống đối Thiên Chúa và họ đã bị rắn độc cắn  Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương họ như Người vẫn yêu thương  Nếu ai bị rắn độc cắn mà nhìn lên con rắn đồng, người ấy được chữa lành  Nhờ vậy dân Do Thái đã được cứu thoát

Trong khi tìm hiểu về dấu chỉ thập giá, họ cũng cảm nhận được rằng Ðức Giêsu chịu treo trên thập giá, không phải chỉ có mục đích cứu thoát một dân tộc, nhưng là toàn thể nhân loại  Về phần mình, thánh Gioan cũng ghi khắc trong tâm khảm mình dấu chỉ về con rắn và dấu chỉ về Con Người được giương cao trên thập giá, bởi vì ông xác tín rằng “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi…”

Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban tặng phần quý giá nhất, tức là Người Con duy nhất  Ban tặng và để Người Con ấy phải chết, chết đau thương trên thập giá  Thiên Chúa quả là còn đi xa hơn tổ phụ Ápraham  Tất cả những ai không làm điều ác và sống theo sự thật thì dần dần có thể hiểu được dấu chỉ mang đầy nghịch lý tức là cây thập giá  Nhờ bước đi theo ánh sáng, họ hiểu được thập giá muốn ám chỉ điều gì  Quả thế, cây thập giá là dấu chỉ về một Thiên Chúa hết lòng yêu thương nhân loại  Người yêu thương nhân loại với tất cả sức lực của trái tim, với tất cả tình thiết tha  Người đã bày tỏ điều sâu kín nhất cho nhân loại là không kết án họ, không muốn họ phải chết, nhưng là làm tất cả để họ được sống, sống hạnh phúc và mãi mãi  Người đã liều mình trao phó trọn vẹn cho con người và chờ mong con người đáp trả

Thập giá cũng là dấu chỉ về sự điên cuồng do tình yêu dẫn dắt  Thiên Chúa làm người, mặc xác phàm nhân loại: đó là điều không ai có thể tưởng tượng nổi  Vì yêu mến, Thiên Chúa đã từ bỏ quyền năng tuyệt đối của Người, hay nói cách khác, Người đã sử dụng quyền năng ấy để phục vụ con người  Vì yêu mến, Thiên Chúa đã muốn đón nhận tất cả những khổ đau của nhân loại, và nhất là, đã đi đến tận cùng, tức là đón nhận cái chết    Quả là một mầu nhiệm không ai hiểu thấu  “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta”  (Ep 2,4)

Gieo mình vào trong tình thương

Bài Tin Mừng đem lại cho chúng ta một an ủi lớn lao: tội lỗi của chúng ta không bao giờ có thể lớn hơn tình yêu của Thiên Chúa  Không khi nào tình yêu của Thiên Chúa chịu thua trước tội lỗi của chúng ta  Tất cả chúng ta đều được cứu: tình yêu của Thiên Chúa sẽ không chịu nhường bước trước tội lỗi của con người  Quả thật, nếu để tâm suy niệm, chúng ta sẽ hiểu rằng thập giá là dấu chỉ ban ơn cứu thoát, chứ không phải để kết án

Đôi khi chúng ta bằng lòng với quan niệm xem thập giá của Ðức Kitô là một biến cố hoàn toàn có tính cách lịch sử  Thật ra, thập giá vẫn luôn là một biến cố giữa Ðức Giêsu và

Chúa Cha  Với cái nhìn đức tin, thì thập giá là sự dâng hiến của Ðức Giêsu và Chúa Cha trao tặng chính Người Con duy nhất của mình  Trên thập giá, Ðức Giêsu chịu chết và Chúa Cha đón nhận cái chết đó  Thập giá vừa là một sự từ bỏ, vừa là một sự hiệp thông: xem như Chúa Cha từ bỏ Người Con yêu dấu của mình, nhưng thật ra là một sự hiệp thông sâu xa  Xem như Ðức Giêsu từ bỏ cuộc sống của mình, nhưng lại đón nhận sự sống một cách mãnh liệt và trọn vẹn

Trong con người và cuộc đời của mỗi chúng ta, vẫn có những bóng tối và ánh sáng  Ông Nicôđêmô đã ngần ngại, không dám mở rộng tâm hồn trước ân huệ của Thiên Chúa  Chúng ta có thái độ nào? Chúng ta có sẵn sàng thực hiện một bước nhảy trong đức tin để được cứu thoát không? Chúng ta có dám gieo mình vào trong tình yêu của Ðức Kitô, một tình yêu sẵn sàng đi đến cùng và chịu chết vì chúng ta không? Chúng ta có muốn tiến bước theo ánh sáng, mỗi lúc một rạng rỡ hơn, hay cứ thích bước đi trong bóng tối của tội lỗi, của đam mê   ?

Nhờ Ðức Kitô chịu chết trên thập giá, tất cả nhân loại đã được đón nhận trong Người để cùng chịu chết  Nhưng mầu nhiệm này còn có ý nghĩa sâu xa hơn  Con Người đã đón nhận tất cả nhân loại vào mình lại bị nhân loại bỏ rơi  Con Người của toàn thế giới lại chịu chết một mình  Ðức Giêsu đã đi đến tận cùng của việc tự huỷ và đã dâng một của lễ tuyệt vời  Người đã chấp nhận sự từ bỏ này để thực hiện việc quy tụ tất cả nhân loại về một mối

Sự cô đơn của Ðức Kitô đã đem lại hiệu quả là quy tụ trong hiệp nhất  Người đã để cho lưỡi đòng đâm thấu tim để rồi  Người có thể xuyên thủng những bức tường cứng ngắc trong mọi tâm hồn  Người đã dang tay ra để nối lại những bến bờ, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa ở trên tất cả và ở trong tất cả

 

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

(Nguồn: giaophancantho.org)

  1. THẢ NGƯỜI TỘI LỖI RA

Một ngày nọ, vua Frederick II, vua nước Phổ vào thế kỷ 18, đến thăm một nhà tù ở Berlin. Các tù nhân đã chớp lấy cơ hội để trực tiếp đệ đạt các vụ việc của họ với nhà vua. Tất cả đều đã ngỏ lời với nhà vua, ngoại trừ một người. Có một tù nhân cứ ngồi lặng lẽ trong góc tối. Điều này đã khơi dậy sự tò mò của nhà vua. Ông ra lệnh cho các tù nhân khác im lặng và đến gần người đàn ông trong góc đó. Vua hỏi: “Mày vào đây vì tội gì?”. “Thưa ngài, cướp giật có vũ trang.” Nhà vua hỏi tiếp: “Vậy mày có đáng tội không?” Anh ta trả lời: “Vâng, thưa ngài, tôi hoàn toàn xứng đáng bị trừng phạt.” Sau đó, thật bất ngờ nhà vua ra lệnh cho người lính canh: “Hãy thả kẻ có tội này ra. Ta không muốn nó làm hỏng tất cả những người vô tội này!”

 * Thật lạ lùng! Chỉ khi chúng ta nhìn ra và thừa nhận tội lỗi của mình, chúng ta mới có thể sám hối và quay trở lại với Chúa để nhận được sự tha thứ và rửa sạch tội lỗi. Nhận biết tội lỗi và ăn năn sám hối là những bước đầu tiên để thực hiện việc tái sinh được nói tới trong Tin Mừng hôm nay.

  1. ĐIỀU ĐÓ THẬT CHÍNH XÁC

Một cô bé đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe. Khi bác sĩ bước vào phòng khám, cô ấy giơ cả hai tay lên để thu hút sự chú ý của ông, sau đó cô nói: “Thưa bác sĩ, cháu biết ông sẽ làm gì. Ông sẽ làm 5 điều này: ông sẽ kiểm tra mắt, tai, mũi, họng và tim của tôi”. Bác sĩ mỉm cười và nói: “Chà, Sarah, điều đó thật chính xác. Vậy có một thứ tự cụ thể nào khác tôi nên làm hay không?” Sarah nói: “Ông có thể làm theo bất kỳ thứ tự nào ông muốn … nhưng nếu cháu là ông, cháu sẽ bắt đầu bằng trái tim !!!”

* Đó là những gì Chúa Giêsu đã làm, phải không? Người bắt đầu bằng trái tim. Người bắt đầu với Tình yêu…và đó cũng chính là những gì Người muốn chúng ta làm!

  1. TÌNH YÊU CHỈ CÓ THỂ NHÂN LÊN

Một trong những người làm từ thiện của một giáo hội địa phương thực hiện việc cung cấp các bữa ăn cho các gia đình tại một thị trấn nhỏ. Công việc có tên gọi là “Bữa ăn trên thùng xe”. Ngày hôm đó anh ta đưa thức ăn đến nhà của một người phụ nữ có đứa con duy nhất. Anh chúc mừng người phụ nữ có một cậu con trai kháu khỉnh dễ thương và nói: “Tôi cũng có tám đứa con riêng của mình.” Người phụ nữ thốt lên: “Những tám đứa trẻ! Tôi yêu con trai mình đến nỗi tôi không thể tưởng tượng được tình yêu phải chia thành tám”. Người đàn ông nhẹ nhàng nói: “Thưa bà, bà đừng chia cắt tình yêu, bà hãy nhân rộng nó lên!”

* Tình yêu của Chúa Giêsu không phải dựa trên kiểu tính toán thế gian: càng cho đi nhiều, càng mất đi. Không, tình yêu của Chúa Giêsu có giá trị vĩnh cửu: càng cho nhiều, chúng ta càng có nhiều thứ để cho. Và càng cho đi chúng ta càng chạm gần Thiên Chúa, vì Ngài là Tình Yêu.

  1. TÔI ĐÃ SỐNG CUỘC SỐNG TỐT NHẤT CÓ THỂ

Có lẽ bộ phim cảm động nhất mà tôi từng xem là Saving Private Ryan (Cứu sống Private Ryan). Tom Hanks, trong vai Đại úy Miller, cùng với một đội biệt động thiện chiến, hy sinh mạng sống của họ tìm kiếm Binh nhì Ryan để anh ta có thể được trở về với cha mẹ của mình. Cha mẹ của binh nhì Ryan đã mất những người con trai khác của họ trong cuộc chiến khủng khiếp và tàn bạo của Thế chiến thứ hai. Khi tiến hành cuộc tìm kiếm Binh nhì Ryan, họ đã tranh luận với nhau và đôi khi cãi vã với nhau: “Tại sao chúng ta lại phải liều mạng vì Binh nhì Ryan? Dù sao có lẽ anh ấy cũng không đáng để chúng ta hi sinh như thế”. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục. Cuối cùng tại trận đánh khốc liệt ở tại một cây cầu, từng người một, họ hi mạng sống của mình cho người vô danh này được gọi là Binh nhì Ryan. Người cuối cùng là Đại úy Miller, cũng bị thương nặng và sắp chết. Trước khi trút hơi thở cuối cùng ông nhìn lên mắt của Binh nhì Ryan, chỉ nói ba từ: “Kiếm được rồi!”  Phim tua nhanh và giờ Ryan đã là một ông già. Một lần nọ, ông đi qua những hàng thập tự giá trong nghĩa trang, tất cả cảnh tượng này đã làm ông nhớ lại cái giá đắt của sự sống và sự tự do ông được hưởng. Cuối cùng ông tìm thấy phần mộ của Đại úy Miller, ông vội quỳ mọp xuống và nói: “Mỗi ngày tôi đều nghĩ về những gì bạn đã nói với tôi ngày hôm đó tại cây cầu. Tôi đã sống cuộc sống của tôi tốt nhất có thể. Tôi hy vọng như vậy là đủ.

* “Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa Kitô, vì Chúa đã dùng Thánh giá và sự phục sinh để cứu độ chúng con”.

  1. ĐIỀU KÌ DIỆU CỦA SỰ CHÀO ĐỜI MỚI

Một buổi chiều chủ nhật mưa to, một cậu bé cứ liên tục quậy phá và cha cậu lại đang buồn ngủ. Người cha quyết định tạo ra một hoạt động gì đó để làm cho đứa trẻ bận rộn. Vì vậy, ông đã tìm thấy một tờ báo buổi sáng trên đó có in một bản đồ thế giới lớn. Ông lấy kéo và cắt nó thành nhiều hình dạng bất thường để bắt cậu bé chơi trò chơi ghép hình. Sau đó, ông nói với con trai mình: “Cha đố con có thể ghép các hình nhỏ này lại với nhau. Và đừng làm phiền cha cho đến khi con ghép xong.” Rồi ông nằm ngả người trên đi văng, nghĩ rằng điều này sẽ thu hút cậu bé trong ít nhất một giờ. Trước sự ngạc nhiên của ông, mười phút sau cậu bé lắc vai ông nói với ông rằng công việc đã xong. Người cha thấy rằng mọi mảnh bản đồ đã được khớp với nhau một cách hoàn hảo. Ông hỏi: “Con đã làm thế nào mà nhanh vậy?”- “Thật dễ dàng, bố ạ. Có một bức ảnh của một người đàn ông ở phía cạnh bên kia. Khi con xếp cho ông ấy đúng vị trí, thì bản đồ thế giới cũng đúng”.

* Thế giới của một người không bao giờ có thể đúng cho đến khi người đó đúng, và điều đó luôn đòi hỏi phải tái sinh. Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được tái sinh” (Ga 3,3).

  1. TRỞ VỀ NHÀ

John Voigt và Jane Fonda đóng vai chính trong bộ phim Coming Home (Trở về nhà) kể về một người lính Mỹ tàn tật suốt đời vì chiến tranh Việt Nam. Bộ phim tập trung vào tâm lý cũng như những thử thách về thể chất mà người lính tàn tật này phải chịu- cách anh ta đấu tranh với sự giúp đỡ của một người phụ nữ để chấp nhận khuyết tật của mình; rồi xây dựng lại ước mơ và tạo dựng tương lai cho bản thân. Hoàn cảnh của bác sĩ thú y trong Chiến tranh Việt Nam này rất giống với người Do Thái trong bài đọc thứ nhất. Thiên Chúa thường sai người đến giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng: cha mẹ và con cái thường là những người chia sẻ và tận tâm giúp đỡ; một người bạn đến thăm bất ngờ khi không ai khác ngõ ngàng tới; đôi khi chính một linh mục, một giáo viên hoặc một giáo dân đã giúp chúng ta lấy lại can đảm.

* Giống như những người Do Thái lưu vong, hay giống như bác sĩ thú y Việt Nam trong phim Coming Home, chúng ta phải chịu những cái chết nhỏ trong cuộc sống bằng nhiều cách. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy cuộc sống mới nhờ đức tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu.

  1. CON RẮN VÀ CÁI THANG

Thổ dân ở Ấn Độ có một cách chữa rắn cắn rất tài tình. Một lần ở làng Magathara, phía Nam Gujarat, có một bé gái Nimmi 8 tuổi bị rắn hổ mang cắn. Cô gái khóc lóc thảm thiết. Makhabhai, bố của Nimmi, trưởng làng, rạch một đường gần vết rắn cắn. Sau đó, ông ta bắt một con gà mái và ấn trực tràng của nó vào chỗ máu đang chảy ra. Trực tràng của gà mái hoạt động giống như một cái bơm hút và nó bắt đầu hút nọc rắn độc ra. Tôi thấy con gà mái từ từ chuyển sang màu xanh. Nimmi đã được cứu. Con gà mái chết. Thời thơ ấu, tôi rất thích chơi trò “rắn và thang”. Con xúc xắc được tung lên và một người nào đó  hy vọng sẽ đến được “Nhà”, tức là trèo lên thang trước khi những người khác làm rắn chụp bắt. Một số con rắn lớn; một số, nhỏ. Ngay cả khi gần đến “thang”, một người có thể bất ngờ bị rắn cắn và ngã nhào xuống đất. Rất là thú vị!

* Như con rắn đồng đem lại sự chữa lành cho dân Israel, Thánh giá Chúa chữa lành và ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm