Chúa Nhật V Thường Niên – Năm C


CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – NĂM C

6-2-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Hòa

GIÁO HUẤN SỐ 11

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Tuổi trẻ và dấn thân (tt)

Cha muốn khích lệ tất cả các con trong nỗ lức này, vì cha biết rằng: ‘Trái tim trẻ trung của các con muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Cha vẫn theo dõi những tường thuật tin tức về nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới xuống đường để bày tỏ khát vọng về một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Ngưới trẻ xuống đường! Người trẻ muốn thành những tác nhân chính đem lại sự thay đổi. Xin các con đừng đun đẩy cho ai khác vai trò tác nhân của thay đổi. Các con là những người nắm giữ tương lai! Xuyên qua các con, tương lai đi vào trong thế giới. Cha cũng mời gọi các con trở thành những tác nhân của cuộc chuyển hóa này. Các con nắm giữ tương lai! Hãy tiếp tục chiến đấu chống lại sự thờ ơ, và đưa ra câu trả lời của Ki-tô giáo cho các hỗn loạn chính trị và xã hội đang nổi lên tại nhiều vùng trên thế giới. Cha kêu gọi các con xây dựng tương lai, phụng sự cho một thế giới tốt đẹp hơn. Các bạn trẻ thân mến, cha xin các con đừng làm những khách bàng quan trong cuộc sống. Các con hãy dấn thân! Đức Giê-su không hề là khách bàng quan. Người đã dấn thân. Các con đừng chỉ đứng xa xa, nhưng hãy lặn ngụp vào trong thực tế của cuộc sống như Đức Giê-su đã từng. Trên hết bằng cách này hay cách khác, các con hãy chiến đấu cho thiện ích chung, hãy phục vụ người nghèo, hãy là những tác nhân chính của cuộc cách mạng yêu thuơng và phục vụ, có khả năng đề kháng các căn bệnh của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân thiển cận (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 174).

——————-

CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Is 6,1-2a.3-8; 1Cr 15,1-11; Lc 5,1-11)

Về ơn gọi của Đức giáo hoàng Phan-xi-cô, ông Kevin Cotter viết : “Đức giáo hoàng Phan-xi-cô là một người được giáo dục khuôn mẫu. Người sống đàng hoàng. Người thích những thú vui mà các chàng trai thời đó ưa thích như bóng rổ, nhạc kịch, chiếu bóng…. Gần 17 tuổi, người nhận được tiếng gọi khác xa đời thường – tiếng gọi làm thay đổi người mãi mãi.

Vào một ngày đầu mùa xuân, trên đường đi gặp gỡ bạn bè mừng ngày Lễ Sinh Viên, một ngày nghỉ ở nước Argentina. Khi đi ngang qua nhà thờ của giáo xứ, bỗng người cảm thấy như bị thúc đẩy phải vào nhà thờ.

Vào nhà thờ, người thấy một linh mục. Người bị thúc giục phải đến xưng tội. Xưng tội xong, người bị quay cuồng bởi lòng thương xót và dịu dàng của Chúa. Không những cảm nhận sự quan phòng của Chúa đem người đến nhà thờ và xưng tội, mà còn cảm nhận có một điều gì đó đánh động người rất sâu xa. Người quyết định không đi gặp bạn bè nữa. Người về nhà. Người suy gẫm những điều vừa xảy ra. Người cảm nhận: người được gọi dâng hiến đời mình cho Chúa trong thiên chức linh mục.

Đó là ngày 21-9, ngày lễ thánh Mát-thêu. Đức giáo hoàng sánh cuộc gặp gỡ thiên chức linh mục của người với cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với thánh Mát-thêu, khi Chúa “nhìn ông, yêu ông, và nói … ‘hãy theo tôi'” (Mc 10,21).

Cảm nghiệm lòng Chúa thương xót đã in sâu vào cuộc đời Đức Phan-xi-cô, làm nên cuộc đời của người. Lòng thương xót trở nên đề tài trong cuộc đời giáo hoàng của người. Cách rao truyền Tin Mừng của người, không do cảm nghiệm cá nhân của người, nhưng do người xác tín rằng lòng thương xót Chúa mong ước người đi gặp gỡ mọi người. Trong bài giảng ngày 17-3-2013, người nói : “Tôi nghĩ và tôi nói với lòng khiêm nhường rằng: sứ điệp hiệu năng nhất là lòng thương  xót” (Kevin Cotter, A Year O Mercy With Pope Francis, trang 7-8).

Ba bài sách thánh thánh lễ hôm nay cũng kể lại những ơn Chúa gọi : ơn gọi ngôn sứ I-sai-a (bđ1), ơn gọi thánh Phao-lô (bđ2), và ơn gọi bốn tông đồ đầu tiên (BTM).

Bài đọc 1 (Is 6,1-2a.3-8): Mạng CGKPV viết về ngôn sứ I-sai-a như sau :

“Qua những dấu vết tiểu sử của vị ngôn sứ trong sách I-sai-a, chúng ta biết được ông là một người thân cận với nhà vua, có thể là một vị quan trong triều (7,3-4 ; 38,1-8). Ông tỏ ra rất sành sỏi về chính trị, biết rõ cuộc sống thành thị (7,1-9 ; 3,18-23 ; 22,20-25). Ông có một người vợ mà ông gọi là “bà ngôn sứ”. Ông kể đến hai người con mang hai cái tên có ý nghĩa tượng trưng (7,3 và 8,1), loan báo những biến cố quan trọng sẽ xảy ra. Theo truyền thuyết, ông đã bị vua Mơ-na-se xử tử bằng cách cưa thân.

Có thể nói rằng đối với người đương thời thì cuộc đời I-sai-a là một thất bại: mọi tai hoạ ông muốn ngăn chặn đều đã xảy ra. Nhưng chính sự thất bại ấy lại chứng thực cho sứ mạng của ông và cho giá trị lời rao giảng của ông : ông đúng là người được Thiên Chúa sai đến, và Thiên Chúa đã nói qua miệng ông. Trong cơn nguy biến, vua Khít-ki-gia-hu sai người đến xin ông dâng lời cầu nguyện cho số còn sót lại. Những điều này cho thấy I-sai-a được coi là “vị ngôn sứ giống như Mô-sê” mà Thiên Chúa đã hứa trong sách Đệ nhị luật (18,18-19). Chính vì thế mà “dòng dõi tinh thần” của ông đã nối dài nhiều thế kỷ trong lịch sử thăng trầm của dân Chúa, và sách I-sai-a được mọi thế hệ Do-thái và Ki-tô giáo trân trọng.

Ông là người được thị kiến (1,1 và 2,1). Lời văn của ông đa dạng và phong phú, không có sách nào trong Sách Thánh có thể sánh ngang. Chương đầu mang hình thức cáo trạng trước toà, ch.2 mở đầu với một cảnh thị kiến; ch.5,1-7 cho ta một mẩu trữ tình tuyệt vời; ch.9 thật trang trọng, ch.11,6-9 lại có vẻ như chuyện kể cho trẻ em; ch.28,7-13 thì châm biếm cay chua. Ông thích kiểu nói nghịch lý và bất ngờ (1,2-3; 7,7-9; 9,1-3), thích chơi chữ, âm thanh. Lời văn của ông súc tích và gãy gọn, khiến ta dễ phân biệt với những câu được thêm vào sau”.

 Qua bài đọc 1, ngôn sứ I-sai-a thấy Chúa xuất hiện trên một ngai rất cao. Tà áo của Chúa bao phủ Đền Thờ. Có các thần Xê-ra-phim đứng chầu và tung hô: “Thánh! Thánh! Chí thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,1-3).

Lời tung hô của các thần Xê-ra-phim được chúng ta hát lại trong các thánh lễ. Ngôn sứ kể: “Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp đền thờ tỏa khói mịt mù. Bấy giờ tôi thốt lên: ‘Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy đức vua là Đức Chúa các đạo binh” (Is 6,4-5).

Ngôn sứ kể tiếp: “Một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía tôi, tay cầm một than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: Đây cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi được tha lỗi và xá tội”. Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ? Tôi thưa : Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,6-8).

 BTM (Lc 5,1-11): Bài Tin Mừng thuật lại ơn gọi của bốn tông đồ, nhất là thánh Phê-rô. Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết như sau : “Được Đức Giê-su mời gọi thả lưới, mặc dầu suốt đêm không bắt được con cá nào, Simon-Phêrô và các môn đệ khác, vì tin tưởng vào lời của Chúa, nên đã đánh được một mẻ lưới ngoài sức tưởng tượng. Khi đối diện với một điều kỳ diệu như thế, Simon-Phêrô không bá cổ Đức Giêsu để nói lên niềm vui vì có được mẻ lưới ngoài sức mong đợi, nhưng như thánh sử Luca kể lại, ông quì sụp dưới chân Chúa mà thưa: “Lạy Chúa, xin hãy xa con, vì con là kẻ có tội”. Lúc đó Đức Giêsu trấn an ông: “Đừng sợ, vì từ nay con sẽ chài lưới người ta” (x.Lc 5,10) và ông, sau khi từ bỏ mọi sự, liền đi theo Đức Giêsu” (Lê Văn Lộc chuyển dịch, Huấn Từ Của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, trang 145).

Bđ2 (1Cr 15,1-11): Bài đọc 1 là thư thứ nhất Cô-rin-tô thuật lại ơn gọi của thánh Phao-lô. Đức giáo hoàng Bê-nê-đic-tô viết về ơn gọi của thánh Phao-lô như sau : “Về phần thánh Phao-lô cũng thế, khi nhớ lại mình đã bách hại Giáo hội, người cho rằng mình không đáng được gọi là Tông đồ, nhưng nhìn nhận ơn Chúa đã thục hiện nơi người những điều kỳ diệu, và mặc dầu có giới hạn, nhưng Thiên Chúa vẫn giao cho người bổn phận và vinh dự rao giảng Tin Mừng” (Lê Văn Lộc, sđd, trang 145).

Đức Giáo hoàng kết luận : “Qua ba kinh nghiệm này, chúng ta đã thấy được làm sao sự gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa đã giúp con người nhận ra sự nghèo hèn và thiếu khả năng, cũng như những giới hạn và tội lỗi của mình. Mặc dầu mỏng dòn, nhưng Chúa là Đấng giầu lòng nhân hậu và hay tha thứ, đã biến đổi cuộc sống của con người và mời gọi họ đi theo Chúa. Sự khiêm nhường của I-sai-a, Phê-rô và Phao-lô mời gọi tất cả những ai được Chúa kêu gọi không nên quá bận tâm đến những giới hạn của mình, nhưng luôn nhìn lên Chúa và lòng nhân hậu đáng ngạc nhiên của Người. Có như thế tâm hồn của họ mới được biến đổi, và họ mới có thể tiếp tục vui vẻ “từ bỏ tất cả” mà đi theo Người. Vì chưng Thiên Chúa không nhìn điều gì là quan trọng theo kiểu con người : “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy sâu tâm hồn” (1Sm 16,7), và Thiên Chúa biến đổi những con người nghèo hèn và yếu đuối, nhưng biết tin tưởng nơi Người thành những Tông đồ quả cảm và những sứ giả loan báo ơn cứu độ” (Lê Văn Lộc, sđd, trang 145).

700 thanh nam muốn trở thành linh mục và 650 thanh nữ muốn trở thành nữ tu : Một ngày sau Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Panama kết thúc, hoa trái từ tuần này bắt đầu nở rộ. Trong thời gian hội nghị này được tổ chức bởi Neocatechumenal Way, khoảng 700 chàng trai, 650 cô gái và 600 gia đình, đã quyết định hiến cuộc đời mình cho Chúa.

Đó là một cuộc gặp gỡ hướng nghiệp trong đó khoảng 25.000 thanh niên từ khắp nơi trên thế giới tham gia. Hội nghị này được chủ trì bởi Đức Hồng y Boston, Sean O’Malley, người đã lắng nghe Kiko Argüello, đồng sáng lập Neocatechumenal Way.

Ngài nói với những người tham dự rằng chiều nay sẽ thay đổi nhiều cuộc đời của họ để trở thành một cuộc phiêu lưu hấp dẫn.

Kiko Arguello, đồng khởi xướng Neocatechumenal Way: “Thiên Chúa cần những Kitô hữu làm thay đổi thế giới, để Tin Mừng được công bố cho tất cả các quốc gia, bởi vì điều quan trọng nhất trong thế giới này và trong cuộc đời này là loan báo Tin Mừng.”

Sau đó, anh yêu cầu các chàng trai tự hỏi mình nếu Thiên Chúa đang kêu gọi họ đến chức tư tế. Sau khi cầu nguyện, 700 người đứng dậy và chấp nhận lời yêu cầu.

Tiếp theo, anh hỏi các thanh nữ câu hỏi tương tự: Họ có đồng ý nếu Thiên Chúa yêu cầu họ dâng hiến cuộc đời cho Người không?  Khoảng 650 người trả lời khẳng định, một số người rất xúc động và trả lời “có.”

Kiko Arguello, đồng khởi xướng Neocatechumenal Way: “Đối với người đã vô cùng sao lãng, Thiên Chúa nói, ‘Này con. Hãy tỉnh thức.’ Đối với một người nữ khác, Người nói, ‘Này con, hãy thức dậy đi.’ Thậm chí cô ấy có thể có bạn trai bên cạnh.”

Đức Hồng y Sean O’Malley, Tổng Giám mục Boston: “Sự chuyển đổi của Kiko đã dẫn đến và cho phép nhiều người chuyển đổi. Chúng tôi rất biết ơn về sự chuyển đổi của anh ấy, và cho Neocatechumenal Way. Đó là một món quà, một ân sủng rất đặc biệt cho Giáo hội.”

Ngoài ra, Kiko Argüello đưa ra đề xuất tương tự cho các gia đình. Anh bảo họ hãy suy ngẫm nếu Chúa kêu gọi họ đi truyền giáo ở một đất nước khác. Khoảng 600 đã chấp nhận.

Do đó, để tán dương những cử chỉ hào phóng này, hội nghị đã kết thúc với màn bắn pháo hoa (Jos.Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn – Mạng Lưới Cầu Nguyện).

Sứ Điệp Tình Thương

Giảng cho dân chúng vừa xong

Chúa liền tư biệt đám đông lên thuyền

Môn đồ được lệnh Chúa truyền\

Cho dân giải tán cho thuyền ra khơi

Rằng : nhân buổi đẹp trời

Ta đi đánh cá cho vơi hết ngày

Phẹ-rô thưa : suốt đêm nay

Chúng con vất vả trắng tay ra về

Những toan gác lưới dẹp nghề

Đã lời Thầy dạy mọi bề xin vâng

Lạ thay lưới bủa mấy đàng

Cá đâu như kiến sắp hàng chui vô

Đầy thuyền dậy tiếng hoan hô

Kẻ thâu tay lái người xô tay chèo

Mấy thuyền đồng nghiệp đi theo

Giúp vào kéo lưới thả neo liền liền

Cá thu đầy khẳm hai thuyền

Đưa nhau cập bến bình yên vui vầy

Phê-rô sụp lạy : Trình Thầy

Xin rời khỏi kẻ hèn này cho xa

Chúa rằng : Thôi hãy theo Ta

Bỏ nghề lưới cá học khoa lưới người

Anh em hớn hở nhận lời

Quyết tâm theo Chúa trọn đời từ đây

Chia cay sẻ đắng cùng Thầy

Nước non là bạn trời mây là nhà

(Nguyễn Xuân Văn, SĐTT, trang 61-62)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành