Chúa Nhật XIII Thường Niên – Năm B


CN 13 B

1-7-2018

—————————————–

Giáo Huấn

SỰ MỞ RỘNG PHONG NHIÊU

Niềm Vui Của Tình Yêu số 181

Lịch Giáo Phận trang 89

Cũng nên nhớ rằng sinh con và nhận con nuôi không phải là những cách thế duy nhất để sống tình yêu phong nhiêu. Ngay cả những gia đình nhiều con cũng được mời gọi ghi dâu của mình trong lòng xã hội nơi mình nhập cuộc, để phát huy các dạng thức phong nhiêu khác như một sự nối dài của tình yêu đang nâng đỡ gia đình. Các gia đình Kitô hữu không nên quên rằng “đức tin không tách biệt chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng hội nhập ta vào đó cách sâu xa hơn {…}. Thật vậy, mỗi người chúng ta có một vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị cho Nước Chúa trị đến. Gia đình không nên tự coi mình như một nơi trú ẩn để giữ mình lánh xa xã hội. Đừng ở lì trong chờ đợi, nhưng hãy đi ra khỏi chính mình và tìm cách sống tương trợ. Như thế, gia đình sẽ trở thành một nơi hội nhập con người với xã hội và một điểm nối kết giữa đời sống công cộng và riêng tư. Các đôi vợ chồng cần ý thức rõ ràng và xác tín về những nghĩa vụ xã hội của họ. Ý thức như thế, tình yêu kết hợp họ chẳng những không suy giảm, mà còn tràn ngập ánh sáng mới, như những vần thơ sau đây diễn tả :

“Tay anh âu yếm hồn em nồng ấm

Hòa điệu ngày dài đời em an vui

Em yêu anh lắm vì đôi tay ấy

Kiến tạo công chính đem đến hòa bình

Em yêu anh lắm tình yêu của em

Anh là người tình, là bạn đường và là tất cả

Đi bên nhau trên hành trình dài

Ta phong nhiêu không chỉ là hai.”

————————————–

CN 13 B

(Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43)

Trên mộ thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh ở xứ Kim Sen, nơi thi hài thánh nhân được an táng với tổ tiên dòng họ, người ta đã khắc ghi hai câu thơ :

Nghĩa khí nêu cao trên đất nước

Oai linh phù hộ khắp non sông

Ngày 19-6-2018, ngày khai mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tại sân Nhà Thờ Chính Tòa Đà Nẵng. Trên bàn kiệu trưng bày 4 thánh tích : Thánh linh mục Gioan Đoàn Trinh Hoan, Thánh trùm họ Matthêu Nguyễn Văn Phượng, Thánh y sĩ Nguyễn Hữu Quỳnh, và Thánh chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện.

Thánh y sĩ Nguyễn Hữu Quỳnh, người xứ Mỹ Hương, Quảng Bình. Thời niên thiếu, thánh nhân xin làm đệ tử Đức cha Labartette, tên Việt Nam là Bình, để đi tu làm linh mục. Nhưng vì hai anh trai đã đi, nên gia đình gọi Người về để nối dõi tông đường.

Năm 1800, Người gia nhập binh đội của Nguyễn Ánh đánh quân Tây Sơn. Năm 1802 đất nước hòa bình, Người xin giải ngũ, về gia đình, học nghề thuốc, trở thành một thầy thuốc cao tay.

Biết rằng tài năng là nhờ Chúa ban, Người chữa bệnh nhằm giúp đỡ hơn là kiếm tiền làm giầu. Vợ con kỳ kèo, Người bảo : “Tôi chưa thấy ai giúp đỡ người nghèo, lại túng nghèo. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa sao? Chúa cho chúng ta sống, Chúa quan phòng cho chúng ta đầy đủ.

Chẳng những thánh nhân có lòng thương người, lại đạo đức thánh thiện. Xứ Mỹ Hương bầu Người làm câu biện lo việc nhà Chúa. Đức cha giao cho Người dạy giáo lý trong toàn hạt.

Chúa nói : “Cây tốt thì sinh quả tốt, cây sâu thì sinh quả xấu” (Mt 7,17). Con gái lớn của Người đi tu dòng Mến Thánh Giá và trở thành bà nhất toàn thể dòng trong Địa phận. Những người con khác theo gương thánh nhân trung kiên với niềm tin, và cùng cha quên lợi riêng lo việc chung.

Năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh bắt đạo, truy nã các thừa sai, linh mục. Ông bà tổ tiên Người có một trang trại trên Kim Sen. Người đem các linh mục lên đó ẩn trốn. Biết tin, quan quân đến bắt. Các thừa sai linh mục trốn thoát. Họ bắt Người, đem về giam tại Đồng Hới. Dù 72 tuổi, dẫu bị tra tấn, Người  khẳng khái nói : “Thà chết, chứ không chối Chúa bỏ đạo, dù chỉ trong giây lát”.

Hai người con trai đến nhà tù thăm, Người nói những lời như trối trăng : “Cha gửi lời chào các chức sắc và anh chị em giáo hữu Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người bình an, trung thành giữ đạo”. Ông căn dặn : “Các con hãy thương yêu nhau, sống đạo đức. Các con sẽ gặp lại cha trên thiên đàng”.

Sau hai năm giam cầm tra tấn, ngày 10-7-1840 theo án lệnh của vua Minh Mạng, Thánh nhân bị xử giảo tại pháp trường Đồng Hới.

Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh đã sống Lời Chúa ngày Chúa nhật hôm nay :

Bđ1 : Sách Khôn Ngoan trong bđ1 là sách được viết cuối cùng trong bộ sách Cựu Ước. Sách được viết vào khoảng nửa thế kỷ I trước Công Nguyên. Sách được một người Do Thái đạo đức viết. Ông đã viết cho những người đồng hương Do Thái đang sống ở thành phố Alexandria của Ai Cập. Ông sợ họ bị tiêm nhiễm đạo lý Hy Lạp mà chối Chúa, bỏ đạo.

Đọan sách Khôn Ngoan chúng ta đọc nói về cái chết. Chết không do Chúa, mà do ma quỉ. Sách viết : “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong… Nhưng chính vì quỉ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 1,13.24).

Đọc lại sách Sáng Thế, khi đưa hai ông bà vào vườn địa đàng, Thiên Chúa đã cảnh cáo : “Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : ‘Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (St 2,16-17).

Đúng như lời Thiên Chúa cảnh cáo, sau khi hai ông bà ăn trái cấm, Thiên Chúa đã ra án phạt : “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng : ‘Ngươi đừng ăn’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,17-19)

BTM : Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay kể 2 phép lạ : phép lạ I là Chúa Giê-su chữa bà góa khỏi bệnh băng huyết (Mc 5,25-34), phép lạ II Chúa chữa con gái ông trưởng hội đường chết sống lại (Mc 5,35-43).

Trong tập sách “Người Này Là Con Thiên Chúa: Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mác-cô”, cha Nguyễn Công Đoan viết : “Đang lúc Người công khai giật được ‘bà lén’ {ta không biết tên bà, mạn phép gọi bà như thế} này ra khỏi tầm tay cái chết, thì có vẻ cái chết đã lén đi và ra tay trước tại nhà ông trưởng hội đường. Đang khi ‘bà lén’ được lời làm cho vững dạ an lòng, chỗi dậy ra về, thì tin sét đánh bên tai ông trưởng hội đường : ‘Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?’… Khi Người đến nhà ông trưởng hội đường thì cái chết có vẻ đắc thắng reo hò bằng ‘tiếng khóc kêu la ầm ĩ’… Bây giờ Mác-cô mới cho chúng ta biết tuổi của cô bé, ứng với số năm ‘bà lén’ mắc bệnh. ‘Bà lén’ thì bị cái chết đeo đuổi 12 năm, còn cô bé này bị cái chết bắt trộm khi 12 tuổi. ‘Bà lén’ ăn trộm được sự sống từ Đức Giê-su, còn cô bé thì bị cái chết ăn trộm, nhưng Đức Giê-su ban lại sự sống” (trang 92-93).

Bđ2 : Bđ2 đọc thư Cô-rin-tô của thánh Phao-lô. Cô-rin-tô là một thành phố cảng sầm uất của Hy Lạp. Trong hành trình truyền giáo thứ hai, Thánh Phao-lô đã đến đây rao giảng Tin Mừng. Người ở đây 18 tháng từ cuối năm 50 đến giữa năm 52. Bỏ Cô-rin-tô, Người đến Ê-phê-sô. Sau khi rời Ê-phê-sô trong một hoàn cảnh khó khăn trầm trọng, thánh Phao-lô đến Ma-kê-đô-ni-a. Tại đây Người được biết kết quả tốt đẹp của bức thư thứ I. Được tin này, Người viết thư Cô-rin-tô thứ II vào cuối năm 57. Sau đó, Người ghé qua Cô-rin-tô , rồi trở về Giê-ru-sa-lem và bị bắt .

Chế độ để chung của cải, rồi nạn đói khoảng năm 49-50 đã làm cho cộng đoàn Giê-ru-sa-lem lâm cảnh thiếu thốn. Ý nghĩa cuộc lạc quyên giúp Hội thánh Giê-ru-sa-lem là để thể hiện lời ngôn sứ Is 60,62 về sự hợp nhất dân Do Thái với dân ngoại. Thánh Phao-lô đã đứng ra lo giúp Hội Thánh này (Gl 2,10).

Lời Chúa trong thánh lễ đã đề cao lòng yêu thương gíup đỡ người đau yếu, người qua đời (BTM), và cả người nghèo đói (bđ2).

Vợ con kỳ kèo, Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh bảo : “Tôi chưa thấy ai giúp đỡ người nghèo, lại túng nghèo. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa sao ? Chúa cho chúng ta sống, Chúa quan phòng cho chúng ta đầy đủ.

Thánh An-tôn Nguyễn Hữu Quỳnh vừa để lại một gương sáng, vừa để lại một lời dạy tuyệt vời !

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xin thương nâng đỡ đức tin chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành