Chúa Nhật XIII TN – Năm C


CN 13 TN NĂM C

26-6-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Thuận Yên

GIÁO HUẤN SỐ 31

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Mạo hiểm cùng nhau (tt)

Trong Thượng Hội Đồng, một trong các bạn trẻ dự thính viên từ quần đảo Sa-moa đã nói về Giáo Hội như một chiếc thuyền trong đó người già giúp giữ đúng lộ trình bằng việc nhìn hướng các vì sao trên trời, trong khi người trẻ tiếp tục chèo và hình dung những gì đang chờ đón mình phía trước. Chúng ta đừng để bị lôi kéo bởi những người trẻ cho rằng người lớn chỉ là một quá khứ không còn ý nghĩa gì, và những người lớn luôn luôn chắc mầm họ biết cách mà người trẻ phải làm. Thay vào đó, chúng ta hãy lên cùng một chiếc thuyền, và cùng với nhau tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn, với sức đẩy không ngừng được đổi mới của Chúa Thánh Thần (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 201).

—————————-

CN 13 TN NĂM C

(1V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62)

Cha Louis Đoan

Lễ Thánh Tâm vừa qua, Đức cha Giuse phong chức linh mục cho 3 thầy. Chúa nhật hôm nay, các bài đọc nói đến ơn gọi tông đồ. Mở lại trang sử Đàng Trong, chúng ta hãnh diện với lm Đoan, người Phước Kiều.

Linh mục Louis Đoan là một trong 4 linh mục dầu tiên của Giáo phận Đàng Trong. Đức cha Lambert đã phong chức:

Năm 1668 cho hai cha Giuse Trang và Luca Bền

Năm 1672 cho cha Manuel Bổn

Năm 1676 cho cha Louis Đoan

(Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Gáo Việt Nam, trang 132)

 Cha Trương Bá Cần viết :: “Đây là linh mục Việt Nam thứ tư ở Đàng Trong. Trong thư đề ngày 20-6-1677, thừa sai Vachet viết : “Khi ở trong khu truyền giáo này về (Quảng Ngãi), Đức giám mục hiệu tòa Béryle (Lambert) đã phong chức linh mục cho Louis Đoan, một trong những thầy giảng kỳ cựu thông nho của vương quốc này… Trong thư gửi Đức Giám mục Lambert năm 1676, thừa sai Courtaulin viết : “Ngày lễ Sinh Nhật  Đức Mẹ (8-9), linh mục Louis Đoan đã làm lễ mở tay ở Cacham (Phước Kiều) trong nhà của người em út, được trang hoàng lộng lẫy, có khoảng 500 giáo hữu ưu tú của tỉnh này tham dự…Dưới bức thư của giáo hữu Đàng Trong gửi Đức Giáo hoàng  tháng 2 năm 1676 bằng Hán Nôm có tên linh mục Lu-y Đoan… Theo Paulus Tạo (báo Nam Kỳ Địa Phận) thì Phan Văn Cận  ở  Cái Mơn,  năm 1820, đã chép bản Sấm Truyền Ca, nói là của linh mục Lu-y Đoan soạn năm 1670, từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Bản quốc ngữ này được nhiều người sao chép lại chuyền tay nhau. Trong một tài liệu in Ronéô, ông Nguyễn Văn Trung cho biết là ông hiện có hai bản chép tay bằng chữ quốc ngữ… Linh mục Louis Đoan mất trước tháng 6-1678” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Gáo Việt Nam, trang 224).

Ông Cao Thế Dung viết về “Sấm Truyền Ca” của cha Đoan như sau : “Có thê nói thế kỷ XVIII văn thơ Nôm Công giáo nổi bật nhất với thi phẩm Sấm Truyền Ca của Linh mục Lữ Y Đoan. Sấm Truyền Ca là đỉnh cao của văn thơ Nôm, văn chương trác tuyệt, một tác phẩm lớn như Chinh Phụ Ngâm hay Cung Óan Ngâm Khúc về giá trị văn chương. Cha Lữ  Đoan phỏng dịch từ 5 sách đầu của Kinh Thánh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,.. viết bằng chữ Nôm vào khoảng năm 1670 theo thể lục bát, gồm 3596 câu” (Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, Quyên II, trang 1353).  

Cha Louis Đoan là con của ông bà Anrê, người Thanh Chiêm (Phước Kiều). Cha Nguyễn Hồng kể : “Một hôm quan trấn, ‘kẻ thù nổi tiếng của đạo Ki-tô’ cho lính đến khám các nhà đàn anh trùm trưởng trong họ và tịch thu các ảnh tượng. Ông Anrê và hai người con nhỏ với một số đàn anh bị trói dẫn ra cửa Hội An và bị phạt trượng (đánh roi) ở nơi công cộng” (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 151).

Cha Nguyễn Hồng kể tiếp về ông An-rê : “Tháng 7-1644, Tống Thị ra lệnh cho quan trấn Quảng Nam bắt giam thầy An-rê (Phú Yên)… Vừa giải tới dinh, quan trấn liền ra lệnh tống giam thầy. Vào tù, thầy gặp cụ già An-rê đã bị giam trong đó và cũng mới bị bắt ban chiều. Cả hai suốt đêm trao đổi những lời khuyến khích thúc giục nhau can đảm chứng minh đạo và trông đợi chóng đến sáng để được dâng lễ hi sinh cùng nhau lên hưởng triều thiên hạnh phúc trên Thiên quốc” (Sđd, trang 166).

Cha Hồng viết : “Ít lâu sau cụ già An-rê được thả về, không được may mắn phúc tử đạo như thầy An-rê, nhưng suốt đời cụ với bao thử thách giam cầm, cụ thật xứng tên vị minh chứng đạo.

Cha Nguyễn Hồng viết lại lời cha Đắc Lộ khen ngợi cụ : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo  trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía bên Thầy mình, vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (gông), huân công của người chiến sĩ Công giáo. Mỗi lần giao tranh, cụ đều thoát hiểm, và tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo. Phu nhân của cụ tên là Inhaxu, bà sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà. Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Cũng vì thế hai ông bà và các con luôn bị người ta làm phiền nhiễu, và khu nhà cụ cũng nhiều lần bị phá phách, nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giê-su Ki-tô. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự của xứ Ai Cập. Ông nghẻ đô tri, sau khi đã ngược đãi làm phiền cụ mãi, cũng phải chán tay, còn riêng cụ thì cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo. Từ đó cụ được yên tĩnh sống ớ nhà, và theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Sđd, trang 168-169).

Cha mẹ cha Louis Đoan chẳng những đạo đức thánh thiện, đăc biệt có lòng rộng rãi quảng đại : góp tiền làm việc tông đồ và dâng con cho Chúa:

“Linh mục Rhodes đến Đàng Trong lúc lệnh trục xuất các thừa sai mới ráo mực, nên ông phải rất thận trọng… Trước hết ông đến Hội An, để tìm sự che chở và giúp đỡ của các kiều dân Nhật. Viên quan đứng đầu cộng đồng người Nhật  không Công giáo và không mấy thiện cảm  với Công giáo., nhưng nhờ được quà cáp hậu hĩ ông đã giúp đỡ rất tận tình.

Viên quan Nhật Bản này đã hướng dẫn tôi một cách rất khéo léo và ông cũng nhờ bạn hữu của ông giúp tôi qua các cửa ải một cách dẽ dàng… Tôi ra mắt nhà vương với những lễ vật cao quí nhất có thể có được. Nói thực là để mua các lễ vật đó, tôi đã xử dụng hầu như tất cả  số tiền tôi mang theo để sống trong môt năm. Nhưng Thiên Chúa đã lo liệu cho, bởi vì một giáo hữu tốt lành tên là Anrê, cùng vời vợ, đã gửi cho tôi tất cả số tiền cần thiết để trang trải cho tôi (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt, trang 81).

Louis Đoan chẳng những là linh mục Quảng Nam đầu tiên, là người chuyển Kinh Thánh bằng thơ, mà còn có cha mẹ can đảm, tiếp nối dòng máu anh hùng cho con cái.

Ba bài đọc Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng đề cao ơn gọi làm tông đồ cho Chúa.

Bài đọc 1 (1V 19,16b.19-21): Bđ1 đọc sách Các Vua. Bài đọc kể lại ơn Chúa gọi ngôn sứ Ê-li-a. Cha Sullivan viết về ngài như sau : Ngài là ngôn sứ đầu tiên và vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Ngài làm nhiều việc và chịu nhiều đau khổ để bảo về đức tin cho Vương quốc miền Bắc Ít-ra-en. Thiên Chúa bảo ngài chọn Ê-li-sa làm ngôn sứ thay ngài. Ngài đã chọn. Ê-li-sa đã theo ngài và thi hành nhiệm vụ. Ê-li-sa bước theo chân thầy và làm được nhiều phép lạ trong gần 50 năm (The Sundays Reading C, trang 251)

Bài Tin Mừng (Lc 9,51-62) : Cha Nguyễn Công Đoan viết về BTM hôm nay như sau : “Tiếp theo lời về con đường Đức Ki-tô phải đi, Chúa Giê-su cũng nói ngay con đường mọi người phải đi để thành môn đệ: “Rồi Đức Giê-su nói với mọi người. Ai muốn đi theo tôi, phải từ bỏ chính mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Từ bỏ chính mình là kiểu nói trừu tượng. Vác thập giá là kiểu nói bằng hình ảnh. Thời Chúa Giê-su, nói đến thập giá thì ai cũng hình dung được nó là gì. Người bị kết án tử hình đã kề vai vác thập giá thì không còn gì là của mình và cũng không làm gì được cho mình nữa. Riêng sách Tin Mừng Lu-ca nói đến thập giá hằng ngày. Đã gọi là hằng ngày thì không phải là cái gì ngoại thường. Người tử tù vác thập giá một lần, không có lần thứ hai. Vậy thì thập giá hằng ngày là gì ?

Các môn đệ đã không hiểu thập giá của Chúa Giê-su thì làm sao hiểu thập giá của mình. Nhưng Chúa Giê-su kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại và giải thích, sửa dạy những gì nghịch với con đường thập giá. Sau khi Chúa loan báo cuộc thương khó lần thứ hai, các môn đệ không hiểu và không dám hỏi điều ấy, nhưng một câu hỏi chợt đến với các ông ai là người lớn nhất ? (9,46). Trong khi Chúa Giê-su đi tới thập giá thì các ông lại thắc mắc về địa vị, quyền lực giữa các ông. Quả là đi ngược chiều với Chúa. Cái nhìn che khuất về thập gia là chính cái đầu óc địa vị. Trong sách Tin Mừng Gio-an, Chúa Giê-su phanh phui tại sao người Do Thái không thể tin Chúa: Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm vinh quang từ Thiên Chúa duy nhất, làm sao các ông có thể tin được (Ga 5,44). Đó cũng là tình trạng các môn đệ.

Vậy tư bỏ mình là trở nên người phục vụ, tự cho đi từng ngày bằng sự phục vụ khiêm tốn…Chúa Giê-su đưa chính mình làm gương: ‘Thầy đây Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ’. Đó là cách vác thập giá hằng ngày (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Lu-ca, trang 104…106)

Cha Nguyễn Văn Thái viết : “Ở trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta có những lời phán dạy của Chúa với 3 người muốn lên đường thực hiện cuộc hành trình làm môn đệ của Ngài:

  1. Phải chấp nhận gian khổ: Lời khuyên cho người thứ nhất trước khi bước theo Ngài là phải chấp nhận gian nan thử thách ‘con chồn có hang, chìm trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu’(Lc 9,59)
  2. Phải quyết định ngay bây giờ: người thứ hai xin trở về chôn cất cha đã rồi mới theo. Chúa phán: ‘Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa’ (Lc 9,60).
  3. Phải dứt khoát từ bỏ : Chúa phán: ‘Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa’ (Lc 9,62). (Sống Lời Chúa, 236).

Bài 2 (Gl 5,1.13-18) Sách ‘Lời Chúa cho mọi  người’ viết : “Nếu tín hữu Ga-lát  đi tím những tập tục tôn giáo để tuân hành, đó chắc chằn một phần vì họ cảm thấy đức tin phải được biểu lộ cách cụ thể. Thánh Phao-lô ở đây nhắc nhở họ rằng nếu muốn tìm ‘đất dụng võ’, thì nên nhìn vào cuộc sống của họ. Chúng ta đã quen với lối sống ‘nói một đàng làm một nẻo’: một đáng chúng ta tuyên bố mình là con cái Thiên Chúa, chúng ta nói về ân sủng, về đời sống thiêng liêng, nhưng đàng khác chúng ta lại sống rất ư là tầm thường, có khi vô liêm sỉ và độc ác trong đời sống hằng ngày cũng như trong những vụ kèn cựa với nhau trong nội bộ Giáo Hội (trang 2025).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương

nhận chúng con làm nghĩa tử

để chúng con thành con cái ánh sang

xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc

nhưng xin gìn giữ chúng con

luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa

Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành