Chúa Nhật XXII TN – Năm C


Chúa Nhật XXII TN – Năm C

1-9-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Lệ Sơn

GÍAO HUẤN SỐ 40

Tiệm tiến trong mục vụ (tt)

Lịch Giáo phận trang 101

Theo hướng đó, Thánh Gioan-Phaolô II đề nghị điều gọi là “luật tiệm tiến”, với nhận thức rằng con gnười “hiểu biết, yêu mến và thực thi sự thiện luân lý theo những giai đoạn phát triển khác nhau”. Đó không phải là một “sự tiệm tiến của luật”, nhưng là một sự tiệm tiến trong việc thực hiện cách khôn ngoan những hành động tự do nơi những chủ thể không ở trong điều kiện hiểu biết, đánh giá hoặc thực hành cách đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật. Bởi vì ngay cả luật  cũng là quà tặng của Thiên Chúa nhằm để chỉ đường, một quà tặng cho tất cả mọi người không trừ một ai để người ta có thể sống với sự trợ giúp của ân sủng, dẫu rằng mỗi người ‘từ sự thăng tiến, bằng việc hội nhập dần dần giữa các ân huệ của Thiên Chúa  với những đòi hỏi của tình yêu dứt khoát  và tuyệt đối của Ngài vào trong toàn thể đời sống cá nhân và xã hội của con người” (Niềm Vui của Tình yêu, sồ 295)

——————————–

CN.22.TN.NĂM C

(Hc 3,17-18.20-28-29; Dt 12,28-19.22-24a; Lc 14,1.7-14)

Hằng năm Giáo Hội dành 2 tháng kính Đức Mẹ. Đó là tháng 5, tháng Hoa và tháng 10, tháng Mân Côi. Tuy nhiên tháng 8 cũng có nhiều ngày kính Đức Mẹ :

Ngày 5-8 lễ cung hiến Đền Thờ Đức Mẹ Cả ở Rôma,

Ngày 15-8 lễ Mẹ Lên Trời,

Ngày 22-8 lễ Nữ Vương Thiên Đàng.

Ngày 4-8 lễ thánh Gio-an Vi-a-nê, vị thánh yêu kính Đức Mẹ

Ngày 8-8 lễ thánh Đa-minh, vị thánh Đức Mẹ trao ban chuỗi Mân Côi

Ngày 14-8 lễ thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, người con điên của Đức Mẹ

Ngày 19-8 lễ thánh Gio-an Ơ-đơ, cổ võ lòng tôn kính Trái Tim Chúa và Đức Mẹ

Ngày 20-8 lễ thánh Bê-na-đô, ca ngợi Đức Mẹ là mật ngọt dịu dàng

Tháng 8 cũng là tháng nói nhiều về những người mẹ, về những phụ nữ

Ngày 9-8 lễ thánh nữ Bê-nê-đi-ta, nữ tu dòng kín, từ vô thần trở về với Chúa

Ngày 11-8 lễ thánh nữ Cla-ra, sáng lập dòng nữ Phan-sinh

Ngày 12-8 lễ thánh nữ Phan-xi-ca, sáng lập dòng Thăm Viếng. Đức cha Lambert,  trước khi sang VN, đã đến mộ thánh nữ cầu nguyện cho GHVN

Ngày 21-8 lễ thánh giáo hoàng Pi-ô X, có một người mẹ đạo đức

Ngày 23-8 lễ thánh nữ Rô-sa Li-ma, vị thánh đầu tiên của Nam Mỹ

Ngày 24-8, (15-7 âm lịch), lễ Vu Lan, lễ nhớ ơn các người mẹ

Ngày 27-8 lễ thánh nữ Mô-ni-ca

Lời Chúa thánh lễ Chúa nhật hôm nay nói đến đức khiêm nhường, hiền lành, là những nhân đức trổi vượt của người nữ.

Bđ1 : Sách Huấn Ca bđ1 khuyên dạy con cái sống nhũn nhặn, tự hạ : “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con cách nhũn nhặn. Càng lớn con càng phải tự hạ. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao : Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3,17-20).

Bài TM : Qua câu chuyện chọn chỗ ngồi trong tiệc cưới, Chúa Giêsu trong bài TM dạy chúng ta khiêm nhường tự hạ : “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa tôn lên” (Lc 14,11).

Bđ2 : Thư Do Thái bđ2 so sánh Thiên Chúa thời Cựu Ước và TC thời Tân Ước. Thời Cựu Ước, Thiên Chúa như là Đấng uy nghi, đáng sợ; còn thời Tân Ước, Thiên Chúa là Đấng gần gũi, dễ thương.

 Ở đời ai là người dịu đàng, ai là người hiền lành ? Phải chăng là người nữ.

Người ta thường nói “em hiền như ma sơ”, chứ chẳng thấy ai nói “anh hiền như ông cha”. Tuy đàn bà lắm mồm lắm miệng, song lại là người dịu dàng và hiền lành. Thiên Chúa tạo dựng đàn bà: hình dáng yêu kiều mảnh mai, da dẻ mịn màng, tiếng nói nhỏ nhẹ… đủ nói nên sự nhũn nhặn và hiền lành của người nữ.

Để đặt tên cho phụ nữ, người ta dùng tên của các loại hoa, hoa tuy đẹp, nhưng sớm nở chiều tàn, như : hồng , hường, cúc… Dùng những hình ảnh nhẹ nhàng dễ tan chảy để đặt tên, như : mây, sương, tuyết, thuỷ… Dùng những hình ảnh nhỏ nhoi tầm thường để đặt tên, như : kim, chi… Dùng các nhân đức để đặt tên, như : thảo, hiền, diễm, trinh …

Còn những tên mạnh mẽ, to lớn, cứng rắn, thì để đặt tên cho nam giới vai u thịt bắp, như : hùng, cường, sơn, thạch…

Vì thế, Lời Chúa thánh lễ hôm nay một phần nào cũng ca ngợi người phụ nữ dịu dàng, hiền lành.

Chúa nhật 15-8 lễ Mẹ Lên Trời, chúng ta nói đến công trạng của một người nữ nổi tiếng trong những ngày đầu thành lập GHVN. Đó là bà Minh Đức Vương Thái Phi. Hôm nay chúng ta nói đến một người phụ nữ khác : đó là bà Ma-đa-lê-na Huỳnh Thị Lựu.

Bà là giáo dân giáo xứ Gò Thị, giáo phận Qui Nhơn ngày nay, cùng quê với thánh An-rê Kim Thông. Năm 17 tuổi bà lập gia đình với ông Lựu. Ông Lựu là con ông Sĩ, một người giầu có và vị vọng trong làng. Nhà chồng của bà có tầu thuyền đi buôn bán tới Hà Nội và ra cả nước ngoài như Trung Quốc, Phi-lip-pin, Sin-ga-por, Ma-lay-si-a…

Năm 1861 là một trong những năm bắt đạo gắt gao của vua Tự Đức. Đức cha Cue-not, tên Việt là Thể, phải ẩn trốn nay đây mai đó. Cuối cùng, Đức cha và 3 người phụ việc là thày Giacôbê Tiên, chú Giuse Nghiêm và ông Giacôbê Quả, phải đến Gò Thị  ẩn trốn, vì  Gò Thị là xứ đạo toàn tòng và đạo đức. Người ta đưa Đức cha đến ẩn  núp nhà bà Mađalêna Huỳnh Thị Lựu. Chồng bà vừa qua đời, để lại 4 người con gái, đứa con gái út còn đang bú sữa. Ai cũng nghĩ quan quân không để ý đến ngôi nhà mẹ goá con côi này.

Sau 13 ngày bao vây, lục soát mọi nhà trong xứ không bắt được ai, quan quân mới tới nhà bà Lựu. Đức cha vừa dâng thánh lễ xong, chưa kịp dọn đồ lễ. Biết là có đạo trưởng trong nhà. Họ đánh bà 17 roi, bà vẫn không khai. Họ lục soát nhà bà hai ngày liền. Vì ở dưới hầm ngạt thở, Đức cha đành phải chui lên đầu thú. Bà bị bắt cùng với Đức cha, bị đeo gông và bị giải lên tỉnh Bình Định. Bị tù, bị đánh đòn, bị tra khảo, đủ mọi hình khổ, bà vẫn vững đức tin, không hề nao núng.

Trước toà, quan hỏi :

– Ai cho các đạo trưởng ẩn núp trong nhà ?

Không hề đổ tội cho một ai, bà thưa :

– Chính tôi.

Quan hỏi tiếp :

– Ai đào hầm cho chúng trốn ?

Bà cũng thưa :

– Chính tôi.

Bà bị kết án xử trảm. Khi bị kết án, bà còn đang bế đứa con gái út. Ngày 21-2-1862 bà bị điệu ra pháp trường Bình Định cùng với Đức cha. Cho con bú lần cuối, bà đưa con cho bà ngoại, xin bà nuôi giùm 4 đứa con gái của bà. Rồi bà đưa đầu cho lý hình chém. Đầu của Đức cha bị ném xuống sông. Còn đầu của bà bị treo trên cột tre bên đường 3 ngày, để cảnh cáo mọi người. Giáo dân đã an táng bà trong nhà thờ của giáo xứ, để mãi mãi ghi nhớ ơn bà.

Cảnh tử đạo của bà, tuy có vẻ can trường, mạnh mẽ; song nói đến tính chịu đựng, nhẫn nại, nhỏ nhẹ, khiêm tốn của người nữ.

Xin bà Ma-da-le-na Huỳnh Thị Lựu cầu cho chúng con. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành