Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm A


CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A

17/9/2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Sơn Trà

Giáo xứ Thánh Giuse Lao công

GIÁO HUẤN SỐ 43

HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Một giáo huấn của Giáo Hội thường bị bỏ qua (tt)

Đây là một trong những giáo lý quan trọng mà Giáo hội vẫn giữ vừng. Nó được diển tả rõ ràng trong Lời Chúa đến nỗi không thể nào bị chất vấn. Giống như điều răn trọng nhất về yêu thương, chân lý này phải tác động đến cách sống của chúng ta vì nó chảy từ cốt lõi Tin Mừng và đòi ta không chỉ chấp nhận nó trong trí năng, mà còn biến nó thành một niềm vui lan tỏa. Tuy nhiên chúng ta không thể mừng món quà tặng nhưng không này, tức tình bạn với Chúa, trừ phi chúng ta nhận ra rằng đời sống của mình trên dương thế này và những khả năng của mình thiết yếu là một quà tặng, và nhận ra rằng sự tự do của mình là một ân sủng. Điều này thật không dễ hôm nay, trong một thế giới vốn nghĩ rằng tự nó có thể có được điều gì đó, như là do sáng kiến  hay tự do của nó (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 55).

 

LỜI CHÚA

Hc 27,30-28,7; Rm 14,7-9; Mt 18,21-35

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 – 28, 9

“Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha”.

Trích sách Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Xướng: Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.

 

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9

“Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

“Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

“Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

“Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Đức giáo hoàng GP 2 tha thứ

Ám sát : ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Gioan-Phaolô II bị ám sát ở Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma. Mehmet Ali Ağca là xạ thủ đã để trong xách của ông khẩu súng bán tự động Browning nòng 9mm, chờ xe giáo hoàng đi qua.

Mehmet Ali Ağca đã học xong khóa huấn luyện trong số các nhóm băng đảng Đông Âu dưới bàn tay của KGB và tổ chức Hồi giáo và quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ của “Những con sói xám”. Hôm đó chiếc xe giáo hoàng mở rộng ra, giáo dân bồng trẻ em đưa đến tay giáo hoàng và ngài tươi cười ban phép lành, ôm chào. Khi Đức Giáo hoàng chỉ cách tên sát nhân ba mét thì y bắn hai đến sáu phát. Oral Çelik, tên tòng phạm ở cách đó hai mươi mét có nhiệm vụ gieo hỗn loạn, ném lựu đạn và bắn súng. Để nương theo hoảng loạn, hai kẻ sát nhân sẽ trốn vào tòa đại sứ Bungari. Nhưng hai phụ nữ đã lật ngược dự trù thảm sát này.

Sự tiết lộ của Fatima trở thành thực tế

Oral Çelik chỉ bắn một phát và chạy trốn, không làm nổ lựu đạn. Mehmet Ali Ağca chạy trốn thì bị một nữ tu dí xuống đất… Nhưng một viên đạn đã trúng thẳng vào Đức Gioan-Phaolô II, viên đạn thứ nhì lướt qua cùi chỏ và trúng hai phụ nữ khác, Ann Odre người Mỹ và Rose Hill, người Jamaicain. Sự việc xảy ra giống lời tiết lộ một cách kỳ lạ. Năm 1917, Đức Mẹ nói với ba mục đồng: “Một giám mục mặc áo trắng (…) bị một nhóm lính bắn nhiều phát bằng súng và tên”…

Trước khi nữ tu khống chế tên sát nhân thì có một phụ nữ khác, người này chưa bao giờ được nhận diện, đưa tay ra hất tên sát nhân hoặc làm thay đổi hướng đi của các viên đạn. Một cử chỉ bí ẩn nhưng như được quan phòng.

Đức Giáo hoàng bị mổ trong tình trạng nguy kịch 5 tiếng đồng hồ, trong khi đám đông giáo dân đến trước bệnh viện cầu nguyện. Ngài sống sót trước sự ngạc nhiên vô cùng của Mehmet Ali Ağca. Ngày 23 tháng 12 năm 1983, khi Đức Gioan-Phaolô II vào tù thăm tên sát nhân, hắn hỏi ngài: “Vì sao ông còn sống, tôi đã nhắm bắn chính xác và viên đạn giết người cực mạnh”. Đức Thánh Cha trả lời: “Một bàn tay bắn, một bàn tay dẫn đường”, ngài muốn ám chỉ đến “bàn tay vô hình của Mẹ Maria” đã làm lệch đường đi của viên đạn.

Viên đạn giết người ở trên vương miện của Nữ vương Hòa bình

Theo lời yêu cầu của Đức Gioan-Phaolô II, viên đạn sau đó được gắn vào triều thiên của Đức Mẹ Fatima. Bởi vì viên đạn đã chạm đến “bàn tay vô hình của Đức Mẹ”, nên nó thành thánh tích.Cũng như các thánh tích của Sự Thương Khó Chúa Kitô – mũ gai và đinh – các dụng cụ giết người trở thành biểu tượng của cứu rỗi, viên đạn “giết người” trở thành một trong các hạt châu báu trên vương miện của Nữ vương Hòa bình.

Lòng kính mến Đức Mẹ Fatima

Tuy nhiên Đức Gioan-Phaolô II không bắt đầu kính mến Đức Mẹ từ năm 1981. Ngài mất mẹ lúc lên 9 tuổi. Mẹ Maria như trở thành người mẹ thay thế mẹ ruột. Năm 15 tuổi, Karol Wojtyla đứng đầu một hiệp hội thanh niên thánh hiến cho Mẹ Maria. Tuy nhiên ngài chưa bao giờ đặt chân đến Fatima trước ngày 13 tháng 5-1981. Ngày ngài bị mưu sát trùng với ngày tiết lộ bí mật thứ nhì nên đã thuyết phục ngài đi hành hương đến đền thánh Đức Mẹ. Ngài đến Fatima ba lần và theo lời xin của Đức Mẹ, ngài bằng lòng nêu lên “dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ”. Lời dâng hiến này được dâng ngày 25 tháng 3 năm 1984 và bao gồm “toàn thế giới, kể cả nước Nga”, lúc đó nước Nga còn sống những năm cuối cùng dưới ách cộng sản (Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch).

Tóm lại :

13 tháng 5 năm 1981

Lúc 5 giờ 19 chiều, một thanh niên người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Alì Agca dùng súng bắn Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô.II vào bụng và tay trong lúc Ngài đi quanh quảng trường Thánh Phêrô. Ngài bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện Gemelli và trải qua cuộc giải phẫu trong 5 tiếng đồng hồ. Ngài phải ở laị trong bệnh viện này trong 20 ngày.

17 tháng 5 năm 1981 (4 ngày sau)

Đức Giáo Hoàng đọc kinh truyền tin tại bệnh viện Gemelli. Ngài nói: Xin mọi người hãy cầu nguyện cho người anh em đã bắn tôi, tôi thực tâm tha thứ cho anh.

23 tháng 12 năm 1983. (hơn 2 năm sau)

Trước lễ Giáng Sinh hai ngày, Ngài vào nhà tù Rebibbia để thăm anh Alì Agca, đã sát hại Ngài vào ngày 13 tháng 5 năm 1981. Ngài xin chính phủ Ý tha thứ cho anh và thả anh về Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong biến cố khủng bố tháp đôi tại Hoa Kỳ, ngày 11-9-2001, Đức Giáo hoàng GP.II nói : “Thế giới không thể có hòa bình nếu thiếu sự tha thứ.”.

Đức Giáo hoàng đã sống tha thứ, theo Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay

Bài đọc 1 (Hc 27,30-28,7) : bđ1 đọc sách Huấn Ca. Ông Ben Xi-ra, tác giả sách Huấn Ca, sống vào cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ II trước Chúa giáng sinh. Ông là một nhà trí thức, một bậc thầy khôn ngoan ở Giêrusalem. Ông sợ dân Do Thái của ông tiêm nhiễm văn hóa Hy Lạp, mà lơ là với đạo Chúa. Giáo huấn của Chúa còn qúi giá hơn văn hóa Hy Lạp. Ông đã viết sách Huấn Ca khoảng năm 180. Và 50 năm sau, cháu ông đã dịch sang tiếng Hy Lạp.

Ông Ben Xira đã coi việc oán hờn và giận dữ là điều ghê tởm. Chỉ những kẻ tội lỗi mới có biệt tài oán hờn và giận dữ. Trong sách Huấn Ca ông viết : “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài.” (27,30) Chẳng những là điều ghê tởm, mà khi cầu khẩn cũng chẳng được Chúa nhậm lời. Sách Huấn Ca viết : “Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành ! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình ! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó ?” (28,3-5) Sách Huấn Ca còn chỉ cho cách để biết tha thứ, đó là nghĩ đến cái chết. Sách viết : “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn.” (28,6).

Bài Tin Mừng (Mt 18,21-35) : Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV giải nghĩa : “Mỗi nén vàng thời xưa là 6.000 quan, tương đương với 6.000 ngày công.  10.000 nén là qúa nhiều so với 100 quan là 100 ngày công. Chúa Giêsu có ý làm  nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác. Điều cần lưu ý là : trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương  hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải  vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp lỗi lầm của họ” (trang 2167).

Bài đọc 2(Rm 14,7-9) : Trong bđ2 thánh Phaolô dạy : “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa. Vậy dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa… Thế mà bạn, sao bạn lại xét đóan người anh em ? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em ?” (Rm 14,8.10).  Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết : “Thân phận chúng ta đã là những tên nô bộc sống hoàn toàn dưới quyền của Chúa thì chúng ta không còn quyền đoán xét và xét xử nhau nữa. Mọi xích mích giữa chúng ta bây giờ phải được đệ lên trước mặt Chúa để tùy Người phân xử. Chúng ta chỉ còn phận sự chu toàn trách nhiệm của mình và sẽ phải trả lẽ về chính mình ở trước mặt Chúa” (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm Phụng Vụ A, trang 321-322). Như vậy, chúng ta có bổn phận “sửa lỗi”, chứ không phải ‘xét đoán”, “kết án”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Đấng sáng tạo

và điều khiển muôn loài,

xin nhìn đến chúng con,

xin cho chúng con biết tận tình thờ phượng Chúa

hầu luôn được cảm thấy rõ ràng

lòng Chúa yêu thương.

Chúng con cầu xin.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin giúp chúng con nên giống như Mẹ biết “thương yêu, sửa lỗi”, chứ không phải “kết án, rêu rao.”

SUY NIỆM II

HÃY THỨ THA ĐỂ ĐƯỢC THA THỨ

(Hội An 17/9/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Bức tranh “Bữa Tiệc Ly” là bức tranh nổi tiếng vào thế kỷ 15 của danh họa người Ý Leonardo da Vinci. Đồng thời với Leonardo da Vinci có một nhà điêu khắc nổi tiếng là Michelangelo. Theo nhà viết sử Vasari, cả hai rất ghét nhau và công khai phê phán tác phẩm của nhau. Tương truyền, vì ghét Michelangelo, Da Vinci đã lấy gương mặt của Michelangelo để vẽ mặt của Giu-đa, kẻ phản bội. Da Vinci hả dạ vì ai nhìn vào Giu-đa cũng nhận ra đó là Michelangelo. Nhưng sau đó, Da Vinci không thể nào vẽ được gương mặt của Chúa Giê-su hiền hành và có lòng thương xót, bởi lòng giận ghét đã chiếm đầy chỗ trong tâm trí của Da Vinci. Bấy giờ Da Vinci cầu xin Chúa cho ông vẽ được gương mặt của Chúa. Một lời vang lên trong tâm trí ông: “Con sẽ không bao giờ vẽ được gương mặt Chúa Giê-su, cho đến khi con thay đổi gương mặt của Giu-đa. Quả thật, Da Vinci hiểu được lòng thương xót Chúa khi xóa gương mặt Michelangelo và ông đã vẽ được gương mặt đầy thương xót và thứ tha của Chúa Giê-su. Người ta chỉ thấy được gương mặt Chúa với điều kiện họ biết thứ tha người anh chị em mà mình giận ghét, vì Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ.

  1. Thiên Chúa là Đấng hằng tha thứ

            Tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người ngay từ khi Ngài sáng tạo vụ trụ, bởi mọi công trình tạo dựng, đặc biệt tạo dựng con người, là do lòng thương của Thiên Chúa dành cho. Vì lòng yêu thương, Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh của Thiên Chúa với một trái tim biết thương xót và cho con người tham dự vào sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, người ta không thể nghĩ đến sự hiện hữu của vũ trụ và con người mà lại không nhớ đến lòng yêu thương của Thiên Chúa dành cho. Đặc biệt, con người nhớ mình xuất phát từ lòng yêu thương của Thiên Chúa và nhận biết ý định nhân lành của Thiên Chúa khi tạo dựng trái tim con người biết xót thương.

            Tuy nhiên, ngay từ đầu lịch sử, ma quỷ lôi kéo con người nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa và con người đã tách rời khỏi tình yêu Thiên Chúa, trở thành kẻ phản bội Thiên Chúa. Thiên Chúa phản ứng thế nào trước sự bội phản của con người? Thiên Chúa không để mặc con người trong tội lỗi, bất chấp cái nhìn của con người về Ngài đã bị ma quỷ bóp méo như thể Ngài không có lòng thương tha thứ, Thiên Chúa đã cho lòng thương xót và thứ tha của Ngài nhập thể làm người, đó chính là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã xuống thế làm người, đã chịu chết và sống lại để tha thứ và phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa của chúng ta, đang khi con người lên án và giết Chúa. Thánh Phaolô đã tóm tắt lòng tha thứ của Thiên Chúa như sau: “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời (Ep 2,4-6). Đối với thánh Phaolô, cuộc nhập thể, thập giá, chết và sống lại của Chúa Giê-su là kết quả của lòng Thiên Chúa thương xót thứ tha và con người là đối tượng được hưởng lòng thương xót và thứ tha của Ngài.

            Quả thật, đây là món nợ ân tình vô giá, tựa món nợ 10.000 yến vàng mà tên đầy tớ không có lòng thương xót không thể trả nổi. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có một trái tim biết thương xót và phục hồi trái tim ấy bằng lòng thương xót hòan hảo của Ngài. Vì thế, Thiên Chúa có quyền để chất vấn mỗi chúng ta: “Sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” (Mt 18,33).

  1. Được tha thứ để sống tình thứ tha

            Lý do chúng ta phải có lòng thương xót và tha thứ cho mọi người, vì chúng ta được Thiên Chúa thương xót thứ tha. Thánh Phaolô khẳng định: “Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không” (Rm 3,10). Tất cả mọi người đều được ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, nền tảng của tinh thần tha thứ là kinh nghiệm về ân sủng thần linh Thiên Chúa ban, đó là kinh nghiệm chúng ta được cứu độ. Vì vậy, thương xót và tha thứ cho tha nhân là cách biểu đạt lòng biết ơn của chúng ta với Thiên Chúa về ơn chúng ta nhận được; trái lại, những ai xem ơn được tha thứ là đương nhiên, thì họ không bao giờ rộng lượng tha thứ cho anh chị em mình và họ là kẻ vô ơn đối với Thiên Chúa.

            Vậy, “tại sao ngươi không chịu thương bạn ngươi?” Tại sao bạn không chịu thương chồng bạn, không chịu tha thứ cho vợ bạn, không chịu cảm thông cho cha mẹ bạn, không chịu làm hòa với người bạn đang căm giận vì xúc phạm hay gây thiệt hại cho bạn? Có lẽ bởi trái tim chúng ta chứa đầy ghen ghét căm thù, nên nó không thể chứa sự thứ tha, bao dung. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng mình không thể tìm lại được trái tim thánh thiện như thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng và được Chúa Giê-su tái tạo. Nói cách khác, bấy giờ chúng ta nghĩ rằng sự dữ đã thống trị tôi rồi, còn tôi cứ đi theo hướng dẫn của sự dữ. Nhưng muốn hạnh phúc vĩnh viễn thì thực hành tha thứ, vì “anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” và chúng ta vẫn nài xin ơn tha thứ hằng ngày trong lời kinh Lạy Cha.

            Xin Chúa phục hồi trí nhớ chúng ta, để chúng ta nhớ rằng mình được Chúa thương tha thứ. Xin Chúa phục hồi trái tim chúng ta, để chúng ta biết yêu thương và tha thứ cho anh chị em chung quanh. Và xin Chúa cho chúng ta chia sẻ món quà tha thứ được Chúa ban, để chúng ta minh chứng mình là con cái của Đấng có lòng thương xót và thứ tha.

 

SUY NIỆM III

“NHÂN” VÀ  “QUẢ”

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Mấy ngày vừa qua, người dân  vẫn chưa hết phẫn nộ hành vi dã man của người con gái khi hành hạ, đánh đập mẹ già ở Long An. Thật phẫn nộ và tội nghiệp cho bà cụ gần đất xa trời mà vẫn phải chịu cực hình do chính đứa con ruột của mình gây ra. Vì bất kỳ một lý do gì thì cũng không thể chấp nhận một người con đối xử với mẹ như thế. Con gái ruột mà đi đánh đập, đổ đất cát có phân lên đầu mẹ già 88 tuổi. Dẫu mẹ bệnh hoạn, mất tỉnh táo thì cũng là mẹ, con cái không được phép hỗn hào bất hiếu chứ đừng nói đánh đập hành hạ đến nỗi vài ngày sau cụ bà đã chết dù được nhiều người thương tâm đưa cụ vào bệnh việnh cấp cứu chữa trị. Mọi người dân khi thấy sự việc như vậy ai cũng tức giận và mắn chửi cô con gái và nguyền rủa cô sẽ bị quả báo vì gieo sao gặt vậy.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không nói luật nhân quả là sai nhưng Ngài cho biết căn nguyên của luật ấy là chính Thiên Chúa và mỗi người đều đã nhận được cái “nhân” tối thượng là ơn tha thứ và bao dung nhờ lòng thương xót của Ngài: “Tôn chủ” đã tha nợ cho người đầy tớ món nợ vô cùng lớn chỉ vì “anh đã van xin Ngài.” Vì thế từ cái “nhân” tốt lành đó mỗi người sẽ phải sinh “quả ngọt” bằng cách “thương xót người khác như chính Chúa đã thương xót mình”. Ngược lại, người ta sẽ nhận phải cái kết là “trái đắng” nếu họ cư xử nghiệt ngã vô cảm với anh chị em mình. Vì thế, Lời Chúa trong Sách Huấn Ca dạy: “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa,
tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,
thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha”.

          Trong cuộc sống chung đụng thường phải có va chạm với nhau, cãi vả, có lỗi với nhau… Cho nên, hôm nay Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau không phải là để cho qua chuyện hay nhịn đi cho xong, mà tha thứ cho nhau, là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. Vì chưng, tất cả chúng ta đều là con nợ của Chúa. Chúng ta nợ Thiên Chúa sự sống, nợ ân tình. Đã nhiều lần chúng ta khất lần khất lượt với Chúa, van xin Chúa hãy tha thứ, cứu giúp mình tai qua nạn khỏi sẽ trả nợ Chúa, sẽ dành vốn sống của mình để làm theo ý Chúa, để phụng thờ Chúa, yêu thương mọi người. Hứa đó rồi quên. Quyết tâm rồi lại không làm. Thế mà Chúa vẫn yêu thương và tha thứ cho chúng ta.

     Chúa Giêsu đã từng nói với chúng ta: anh em đã lãnh nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, thì cũng hãy tha thứ cho nhau. Không phải là một lần hay chỉ “quá tam ba bận” mà là tha thứ mãi mãi. Như vậy, tha thứ đòi hỏi sự kiên nhẫn vì chưng kiên nhẫn là để cho người xúc phạm đến ta có cơ hội, có thời giờ sửa đổi và làm lại cuộc đời. Đừng như ông quan độc ác kia đã đối xử quá khắt khe với những con nợ của mình. Ông đòi tính sổ với các con nợ và đòi cho đến đồng bạc cuối cùng. Đó cũng là cách đối xử chung của con người hôm nay. Người ta đòi công lý phải được báo thù. Người ta đòi mắt đền mắt răng đền răng. Người ta khó chấp nhận một sự bao dung tha thứ đối với kẻ thù của mình. Cũng như Cô con gái bà cụ kia đã gieo sự bạo lực độc ác với mẹ mình giờ đây phải gặt lấy đau khổ mẹ chết và sự bất an trong tâm hồn suốt cuộc đời trước pháp luật và lương tâm.

        Là con cái của Chúa Cha giàu lòng yêu thương và khoan dung, chúng ta phải sống yêu thương và khoan dung. Giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng bạo lực, khủng bố, bằng súng đạn, người Kitô hữu phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung, tha thứ và xót thương vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa, chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì Chúa, chúng ta vẫn có thể thương xót và bao dung tha thứ cho nhau. Tha thứ và yêu người để được sự bình an tâm hồn. Vì nếu không bao dung, tha thứ thì “oán báo oán, oán lại chập chùng”. Vì vậy, chúng ta hãy thương xót và Tha thứ cho nhau để được nên nghĩa tử và là môn đệ chính danh của Chúa Giêsu, từ đó người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là “yêu thương nhau”. Một tình yêu đích thực luôn bao hàm sự bao dung, thương xót và tha thứ cho nên, ca dao tục ngữ có câu: “Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”. Vì vậy, những việc lành phúc đức của chúng ta, việc chúng ta bao dung thương xót và tha thứ cho người khác đó là những “nhân” tốt lành để chúng ta gặt được quả phúc mai sau, nhưng, chúng ta nhớ rằng đó cũng là việc chúng ta phải làm để đáp lại việc trước đó Thiên Chúa đã xoá cho chúng ta món nợ vô cùng lớn là tội lỗi mà chúng ta đã xúc phạm đến Chúa và anh chị em. Vì thế Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

          Trong kinh Lạy Cha chúng ta thường xin rằng: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho  mỗi người chúng ta quyết tâm thi hành Lời Chúa mời gọi sống khoan dung, tha thứ và nhân ái đối với những người chung quanh để rồi chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng khoan dung, tha thứ và nhân ái của Thiên Chúa. Amen.