Chúa Nhật XXVI Thường Niên – Năm A


CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A

27-9-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Trung Phước

GIÁO HUẤN SỐ 43

SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI KHỦNG HOẢNG (tt)

Có những lúc, nỗi đau nơi một số người trẻ thật xé lòng, một nỗi đau sâu thẳm không thể diễn tả bằng lời. Họ chỉ có thể nói với Chúa rằng họ đang đau khổ nhiều lắm, rằng họ thật khó đứng vững, vì họ không còn tin vào ai nữa. Nhưng trong lời cầu xin thống thiết đó, họ sẽ vang vọng những lời của Đức Giêsu: “Phúc cho ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5,4). Một số bạn trẻ nam nữ có thể bước tới nhờ nghe lời hứa ấy của Chúa. Ước gì các bạn trẻ đang đau khổ cảm nhận được sự gần gũi của một cộng đoàn Kitô hữu có sức làm hiện thực lời hứa ấy bằng các hành động của mình, bằng sự bao bọc và sự trợ giúp cụ thể của mình (Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 77).

———————————–

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32)

Thầy Tôma Toán sinh năm 1764 tại làng Cẩn Phán, Thái Bình. Thầy là thầy giảng đồng thời là hội viên Dòng Ba Đaminh. Thầy được tín nhiệm trao nhiệm vụ quản lý xứ Trung Linh.

Trong làng có ông lang Tư vì ham tiền tố cáo với quan phủ Xuân Trường là trong làng có đạo trưởng (linh mục). Ngày 16-12-1839, quan sai lính đến lục soát. Thầy già Toán bị bắt, ra ngồi chung với dân ở đình làng. Tuy không phải là linh mục, nhưng ông lang Tư tưởng thầy có nhiều tiền, muốn ăn hối lộ, nên tố cáo thầy.

Sau 1 tháng bị đánh đập, tra khảo, ngày 19-1-1840 thầy bước qua Thánh Giá chối đạo. Quan Trịnh Quang Khanh chưa tin thầy thật lòng, bắt giam thầy lại. Trong tù thầy được gặp cha Hiển. Cha an ủi, thầy ăn năn hối cải.

Ngày 18-4-1840, quan Trịnh Quang Khanh cho hai người giáo dân đã bỏ đạo cám dỗ thầy. Nếu cám dỗ thầy được thì được tha. Hai người khóc lóc than van, phải bỏ vợ con gia đình. Thầy thương, thầy bước qua Thánh Giá. Quan chưa cũng tin thầy thật lòng, thầy vẫn bị nhốt lại. May phúc thầy được gặp cha Đaminh Trạch vừa bị bắt giam trong tù với thầy. Cha an ủi và giải tội cho Thầy.

Ngày 19-5-1840, quan Nam Định đem cha Hiển và thầy Toán ra tòa xét xử. Hai ngài cương quyết không bước qua Thánh Giá. Quan ra lệnh đem thầy vào tù lại; còn cha Hiển đem ngay ra pháp trường chém đầu.

Một hôm quan nói với thuộc hạ: “Đem lão Toán ra đây để lão bước qua Thập giá, kẻo lão quên!”. Lần này, thầy quì xuống ôm hôn Thánh Giá. Quan truyền lột áo quần thầy và phơi nắng. Lính vây quanh trêu chọc : giật tóc, bứt râu, nhéo tai, vuốt mũi… Sau 13 ngày, quan cho dọn một mâm cơm ngon và nói : “Ăn đi, rồi bước qua thập giá !”. Thầy đáp : “Ăn mà bỏ đạo, tôi không ăn”. Nghe vậy, quan tức giận  truyền ném thầy vào nhà tù,  bỏ đói. Thầy chết ngày 27-6-1840, thọ 76 tuổi.

Thầy Tôma Toán là người con thứ hai trong bài Tin Mừng: nói không đi làm, rồi đi làm.

Bài Tin Mừng: Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm viết về bài Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay như sau: “Chúa lấy thí dụ về hai người con để ám chỉ. Kìa hạng thu thuế và đàng điếm trước kia không giữ luật pháp nay nghe lời Yoan, họ trở lại hối hận tội lỗi mình. Còn các ông thượng tế và niên trưởng, cứ bảo mình giữ luật Chúa, thế mà chẳng ăn năn thống hối gì theo lời rao giảng của Yoan. Ai là người con thứ nhất, và ai là người con thứ hai ? Người ta cứ tưởng người con thứ nhất khó bảo; còn đứa con thứ hai thường được thương hơn nên dễ vâng lời. Nhưng vâng lời đích thực không phải ở ngoài miệng, mà ở việc làm. Hạng thu thuế và đàng điếm đang đến với Yoan để xin rửa: họ làm sự công chính. Còn nhiều kẻ vỗ ngực tự xưng là giữ luật pháp thì lại không làm gì cả” (Giải Nghĩa Lời Chúa Năm Phụng Vụ A, trang 332).

Bài đọc1: bđ1 đọc sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Cha Nguyễn Ngọc Rao giới thiệu ngôn sứ như sau: “Ê-dê-ki-en có nghĩa là ‘Thiên Chúa dũng mãnh’ hay là ‘Thiên Chúa làm cho vững mạnh’. Ông ra đời quãng năm 623 tCN, thuộc gia đình tư tế. Năm 598 tCN Giê-ru-sa-lem bị tấn công lần thứ nhất, ông cùng nhiều người bị phát lưu sang Ba-by-lon. Tại đây ngày 31-7-593 tCN, sau 5 năm rời Đất Thánh, ông được Thiên Chúa gọi làm ‘người canh gác cho nhà Ít-ra-en (3,17). Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ trong 20 năm. Chúng ta không rõ ông mất năm nào. Theo một truyền thống Do Thái, ông bị kết án tử hình bởi một vị thẩm phán đã từng bị ông khiển trách (Cách Sách Ngôn Sứ trang 228).

Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ của hai anh em Bernard và Louis Hurault do nhóm CGKPV chuyển ngữ viết: “Công lý dành cho những người công chính, và tai họa cho những kẻ phản bội: mỗi người sẽ lãnh theo tội phúc của cá nhân mình. Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm, nó sẽ sống. Những người ban đầu là hư hỏng, nhưng rồi quyết định sống tử tế, thì Thiên Chúa sẽ đợi họ ăn năn trở lại và sẽ tính theo ý hướng cuối cùng của họ” (trang 1426).

Làm sao thầy Tôma Toán đã 2 lần bước qua Thánh Giá chối đạo, mà sám hối trở lại đạo? Trong bài đọc 1, làm sao kẻ gian ác bỏ đường tội lỗi? Những kẻ ban đầu là hư hỏng, nhưng rồi quyết sống tử tế? Trong bài Tin Mừng, làm sao những người thu thuế và những cô gái điếm tin vào đường công chính thánh Gioan rao giảng? Đó là lòng khiêm nhường. Lòng khiêm nhường giúp họ nhận ra tội lỗi của mình, mà hối cải, trở về.

Bài đọc 2: Bài đọc 2 trong thư gửi công đoàn Phi-líp-phê, thánh Phaolô viết: “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.” (Pl 2,2-3).

Nhất là theo gương khiêm nhường của Đức Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô viết: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giê-su Ki-tô:  Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết chết trên cây thập tự (Pl 2,5-8).

Chúa khiêm nhường biến mình thành nô lệ giống phàm nhân, hạ mình đến nỗi chết trên cây thập tự; còn chúng ta là chi mà kiêu căng, khinh người ?

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp chúng con khiêm nhường, để nhận ra tội lỗi và sự hèn yếu của mình, mà trở về với Chúa, và với nhau.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành