Chúa Nhật XXVIII TN – Năm C


Chúa Nhật XXVIII TN – Năm C

13-10-2019

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Nhượng Nghĩa

GIÁO HUẤN SỐ 46

Những hoàn cảnh giảm khinh trong việc phân định mục vụ (tt).

Lịch Giáo Phận trang 110

Về những yếu tố điều kiện hóa này, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo diễn tả rõ ràng ; “Việc qui tội và trách nhiệm một hành động nào đó có thể được giảm thiểu và thậm chí có thể  được loại bỏ vì lý do không biết, không chú ý, do áp lực, do cưỡng ép, do sợ hãi, do thói quen, do quá gắn bó và do các nguyên nhân khác về tâm thần hoặc xã hội”. Trong một đoạn văn khác sách Gíao Lý cũng đề cập đến những hoàn cảnh làm giảm nhẹ trách nhiệm luân lý, và đề cập khá dài, về những thiếu trưởng thành tình cảm, áp lực của các thói quen thủ đắc, tâm trạng lo âu hoặc các yếu tố khác, về tâm lý hoặc xã hội. Do đó, một phán quyết tiêu cực về một hoàn cảnh khách quan không bao hàm một phán quyết về việc qui trách nhiệm hoặc mức phạm lỗi của người liên hệ. Trong bối cảnh của những xác tín này, tôi xét thấy rất thích hợp những điều mà nhiều Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã muốn ủng hộ : “Trong một số hoàn cảnh nhất định người ta thấy rất khó hành động cách nào khác {…}. Việc phân định mục vụ, trong khi có lưu ý đến lương tâm được đào tạo của con người, còn phải xét đến những hoàn cảnh này nữa. Những hậu quả về những hành vi đã làm cũng không nhất thiết phải giống nhau trong tất cả các trường hợp “ (Niềm Vui của Tình Yêu số 302).

——————————————–

CN 28 TN NĂM C

(2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19)

Hôm nay là ngày 13-10, ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fa-ti-ma lần cuối, và cũng là ngày trọng đại nhất.

Ngày 13-9 Đức Mẹ tiên báo với chị Lu-xi-a : “Mọi người hãy tiếp tục lần chuỗi hằng ngày. Tháng 10 tới, Mẹ sẽ làm một phép lạ để mọi người tin Mẹ hiện ra…Thánh Giuse cùng với Chúa Giêsu Hài Đồng cũng hiện ra và sẽ ban bình an cho thế giới. Đức Mẹ Mân Côi và Sầu Bi cũng hiện ra”.

Đúng như lời Đức Mẹ tiên báo. Một tháng sau, ngày 13-10 Đức Mẹ hiện ra, với phép lạ mặt trời và thánh Giuse cùng Chúa Hài Đồng ban phép lành.

Chị Lu-xi-a kể lại cho Đức cha giáo phận Fa-ti-ma như sau : “Hôm đó chúng con ra khỏi nhà thật sớm, vì sợ có chuyện gì trục trặc xảy ra dọc đường. Trời mưa tầm tã. Má con đi bên cạnh luôn sợ hãi. Má con cứ nghĩ hôm nay là ngày cuối đời của con…Dù đường đi lầy lội bẩn thỉu, đám đông (gần 70.000 người) quì gối xuống đất cầu nguyện…Khi đến cây sồi, con xin mọi người hạ dù xuống và lần chuỗi. Một lát sau, con nhìn thấy một tia sáng lóe lên và Đức Mẹ đứng trên cây sồi.

Con hỏi Đức Mẹ : Mẹ muốn con làm gì ?

Đức Mẹ trả lời : Mẹ muốn người ta xây ở đây một nhà thờ kính Mẹ. Mẹ là Đức Bà Mân Côi. Người ta hãy lần hạt hằng ngày…

Con nói với Đức Mẹ : Con xin Mẹ nhiều điều. Xin Mẹ thương chữa lành các bệnh nhân và cho các tội nhân ăn năn trở lại…

Đức Mẹ đáp : có người được ơn Mẹ ban, có người không. Họ phải sửa đổi đời sống và xin ơn tha thứ.

Bỗng Đức Mẹ buồn và nói : Người ta đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Người ta xúc phạm đến Thiên Chúa nhiều lắm rồi.

Sau đó Đức Mẹ mở rộng hai bàn tay. Một luồng sáng rực rỡ từ hai bàn  tay chiếu lên mặt trời (Lm Nguyễn Hữu Thy, Sứ Điệp Fatima, trang 76-78)

       Tiến sĩ José kể cảnh mặt trời quay như sau : “Khoảng 2 giờ chiều mặt trời giống như một cái đĩa sáng rực rỡ, nhưng không làm lóa mắt…Cái đĩa quay tròn với tốc độ nhanh khủng khiếp, sà xuống đất… Mọi người sợ hãi, kêu la thất thanh. Rồi mặt trời trở lại bầu trời…Quần áo, cây cối, đất đai khô ráo, không còn một giọt nước” (Lm Nguyễn Hữu Thy, Sđd 78)

         Chị Lu-xi-a kể tiếp với Đức giám mục : “Đứng bên cạnh mặt trời là thánh Cả Giuse với Chúa Hài Đồng và Đức Mẹ mặc áo trắng khoác áo choàng mầu xanh. Thánh Giuse và Chúa Hài Đồng giơ tay làm dấu Thánh Giá ban phép lành” (Nguyễn Hữu Thy, sđd, trang 78).

 Như thế, ngày 13-10, trước khi phép lạ mặt trời diễn ra. Đức Mẹ đã buồn và nói : “Người ta đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Người ta xúc phạm đến Thiên Chúa nhiều lắm rồi”, nghĩa là người ta vô ơn bội nghĩa với Chúa nhiều rồi.

 BTM : BTM thánh lễ hôm nay kể Chúa Giê-su cũng nói đến thái độ vô ơn của con người. Chúa chữa 10 người phong hủi được lành, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa. Người đó lại là người xứ Sa-ma-ri, người ngoại đạo. Còn 9 người Do Thái, người có đạo, thì vô ơn, không trở lại cám ơn. Chúa Giêsu nói : “Không phải cả 10 người được sạch sao ? Thế thì 9 người kia đâu ? Sao không thấy họ tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ? (Lc 17,17).

         Bđ1 : Sách Các Vua bđ1 cũng đề cao lòng biết ơn của ông Na-a-man, một ông tướng ngoại giáo của nước A-ram, tức là nước Sy-ri. Ông bị bệnh phong hủi. Theo lời dạy ngôn sứ Ê-li-sa, ông đã dìm mình xuống sông Gióc-đan và ông được khỏi. Ông lấy 300 ký bạc, 60 ký vàng và 10 bộ quần áo đa tạ ngôn sứ Ê-li-sa. Ngôn sứ không nhận.

Giê-kha-di, chú tiểu đồng của ngôn sứ tiếc rẻ, chạy theo xin lại 30 ký bạc và 2 bộ quần áo. Tướng Na-a-man cho gấp đôi : 60 ký bạc, và 2 bộ quần áo. Khi về, ngôn sứ hỏi : “Giê-kha-di mày đi đâu về ?”. Chú nói dối : “Tôi tớ ngài không đi đâu cả.” Ngôn sứ liền lên án tội tham lam của chú : “Bệnh phong của ông Na-a-man mãi mãi bám lấy mày và dòng dõi mày” (2V 5,1-27).

         Bđ2 : Bđ2 thư Ti-mô-thê cho chúng ta biết lòng biết ơn của thánh Phao-lô. Sau khi được gặp gỡ Chúa Giê-su phục sinh trên đường đi bắt đạo ở Đa-mát, thánh Phao-lô tạ ơn Chúa không chỉ bằng của cải vật chất, mà bằng cả cuộc đời. Thánh nhân viết : “Anh Ti-mô-thê thân mến, anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo. Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi” (2Tm 2,8-9).

Có lẽ vì đã chứng kiến quá nhiều sự vô ơn trong xã hội và cuộc sống của con người, nên nhà văn người Nga Dostojewski đã mỉa mai nói rằng: « Tôi nghĩ rằng, câu định nghĩa hay nhất về con người là : Con người là con vật hai chân vô ơn ».

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành