Chương IV: Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng


Chương IV
DỤ NGÔN NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG

5.Tương tự

Ngay ở ngưỡng cửa Tân ước, Tin Mừng theo thánh Luca làm nổi bật một tương ứng đáng chú ý giữa hai lời nói về Thiên Chúa thương xót, trong đó toàn bộ truyền thống Cựu Ước vang dội mạnh mẽ. Ý nghĩa những từ được dùng trong các Sách Cũ được nói lên đầy đủ ở đây. Như trường hợp của Đức Maria, khi vào nhà Giacaria, Mẹ tôn dương Chúa hết tâm hồn mình “vì lòng thương xót” Ngài ban “đời nọ tới đời kia” cho những người sống trong sự kính sợ Ngài. Ít lâu sau, nhắc lại việc tuyển chọn Israel, Đức Maria công bố lòng thương xót mà mãi mãi từ trước Đấng đã chọn Mẹ vẫn “nhớ tới”. Về sau, lúc Gioan Tẩy Giả sinh ra, và vẫn trong chính ngôi nhà đó, thân phụ của Gioan là Giacaria, khi chúc tụng Thiên Chúa của Israel, đã ca ngợi lòng thương xót của Ngài “sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước”.

 Trong lời giảng dạy của chính Đức Kitô, hình ảnh ấy do Cựu Ước  để lại trở nên đơn giản và đồng thời trở nên sâu sắc. Điều đó có lẽ hiển nhiên nhất là trong dụ ngôn người con hoang đàng, nơi mà yếu tính của lòng Thiên Chúa thương xót được diễn đạt một cách đặc biệt rõ ràng, cho dầu từ “lòng thương xót” không thấy ở đây. Điều đó không do từ ngữ như trong các Sách Cựu ước, cho bằng do dụ ngôn được dùng để cho hiểu rõ mầu nhiệm lòng thương xót hơn, tấn bi kịch sâu sắc diễn ra giữa tình thương của người cha và sự hoang phí cùng tội lỗi của người con.

 Người con đã nhận phần gia sản cha chia và bỏ nhà ra đi để tiêu pha hoang phí ở một xứ xa xôi bằng lối “sống trác táng”. Theo một nghĩa nào đó, người con này là con người mọi thời đại, kể từ người đầu tiên đã làm mất gia tài ân sủng và sự công chính nguyên thuỷ. Như vậy có sự tương tự cực kỳ rộng rãi. Một cách gián tiếp, dụ ngôn có liên quan đến từng vụ cắt đứt giao ước yêu thương, từng vụ làm mất ân sủng và từng tội lỗi. Sự bất trung của dân Israel không được làm nổi rõ ở đây cho bằng trong truyền thống các ngôn sứ, mặc dù dụ ngôn người con hoang đàng có thể cũng áp dụng được cho trường hợp ấy. Người con, “khi đã tiêu sạch cả rồi…. bắt đầu cảm thấy túng thiếu”, hơn nữa lại xảy ra nạn đói kém khủng khiếp “trong vùng ấy”, nơi hắn đã tới sau khi bỏ nhà Cha ra đi. Và khi đó “hắn như chỉ muốn có gì cho no” dẫu là “đậu muồng heo ăn”, heo mà hắn chăn cho “một người dân trong vùng ấy”. Nhưng cả đến điều ấy cũng không được.

Sự tương tự được chuyển rõ ràng về phía nội tâm con người. Gia sản người cha chia cho chỉ gồm những của cải vật chất, nhưng điều còn quan trọng hơn những của cải này là phẩm cách làm con trong nhà cha. Hoàn cảnh mà người con rơi vào khi mất hết các của cải vật chất khiến hắn ý thức về sự mất mát phẩm cách kia. Trước đây hắn đã không nghĩ tới khi hắn xin cha chia phần gia sản cho hắn để đi xa. Và xem ra hắn vẫn chưa ý thức được sự mất mát phẩm giá làm con vào lúc hắn tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói”. Hắn tự đo lường theo mức độ những của cải hắn đã mất, mà hắn không “có” nữa, trong khi những người làm công trong nhà cha hắn thì họ lại “có” những của ấy. Những lời nói kia bộc lộ đặc biệt thái độ hắn đối với các của cải vật chất. Tuy nhiên bên dưới bề mặt những lời nói, còn ẩn khuất bi kịch phẩm giá đã mất, ý thức về tư cách làm con đã hỏng.

Và chính lúc đó hắn lấy quyết định, “Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Những lời này bộc lộ vấn đề cốt yếu càng sâu đậm hơn. Nhận thức về phẩm giá bị mất cũng đã chín muồi trong hoàn cảnh vật chất khó khăn mà người con hoang đàng đã phải rơi vào vì sự nhẹ dạ, vì tội lỗi của hắn. Khi hắn quyết định trở về nhà cha, xin cha nhận hắn không phải vì hắn có quyền làm con mà như một người làm công, thì bề ngoài xem ra hắn chỉ do nạn đói và cảnh cùng cực thúc đẩy mà hành động, dầu vậy lý do này lại được thâm nhập bởi ý thức về một sự mất mát sâu xa hơn: là một người làm thuê trong nhà của chính cha mình chắc chắn là điều rất nhục nhã và rất đáng xấu hổ. Tuy nhiên, người con hoang đàng sẵn sàng đón chịu điều nhục nhã và xấu hổ ấy, hắn nhận thấy rằng hắn không còn một quyền nào ngoài cái quyền là người làm thuê trong nhà cha hắn. Nó lấy quyết định trong ý thức đầy đủ về những gì nó đã đáng chịu và về những gì nó còn có thể có quyền được theo các tiêu chuẩn của công bình. Cách suy luận kia chứng tỏ rằng, ở trong tâm thức người con hoang đàng, đã xuất hiện nhận thức về phẩm giá bị mất, về phẩm giá phát xuất từ tương quan giữa người con và cha mình. Và chính sau khi lấy quyết định kia mà hắn lên đường.

 Trong dụ ngôn người con hoang đàng, người ta không tìm ra từ “công bình” một lần nào cả, mà cũng chẳng có từ “lòng thương xót”, trong nguyên bản. Tuy vậy, tương quan giữa công bình và tình thương tự biểu lộ như lòng thương xót được khắc ghi ở đó thật rõ nét. Điều rõ ràng là tình thương biến thành lòng thương xót khi cần phải vượt qua tiêu chuẩn chính xác của công bình, chính xác và thường quá khít khao. Một khi đã tiêu sạch của cải cha cho, người con hoang đàng sau lúc trở về chỉ đáng kiếm sống bằng cách làm việc trong nhà cha như một kẻ làm thuê, và may ra kiếm lại dần dà một số của cải vật chất nào đó thôi, nhưng chắc hẳn không bao giờ bằng được số đã phung phí trước kia. Đây là theo đòi hỏi trong trật tự đức công bình, nhất là vì người con này chẳng những đã phá tan phần gia sản của hắn, mà còn đụng chạm nặng nề và xúc phạm đến cha hắn vì cách hắn ăn ở. Cách ăn ở này như chính hắn phải thú nhận đã khiến hắn mất phẩm giá làm con, và cách ăn ở này đã xúc phạm cha hắn, người cha phải đau khổ và cảm thấy bị liên lụy. Và dầu vậy, xét cho cùng hắn vẫn là con của ông, và không một lối cư xử nào có thể biến đổi hay phá hủy tương quan này. Người con hoang đàng ý thức điều ấy: và chính ý thức này cho hắn thấy rõ phẩm giá đã mất và khiến hắn suy xét đúng về cái chỗ còn có thể là chỗ của hắn trong nhà cha hắn.

 6. Phẩm giá con người được đặc biệt làm nổi rõ.

 Việc mô tả chính xác tâm trạng người con hoang đàng cho phép chúng ta hiểu một cách đúng đắn lòng thương xót của Thiên Chúa hệ tại những gì. Không còn nghi ngờ gì nữa là trong sự tương tự đơn giản và sâu xa này, khuôn mặt người cha mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha. Lối cư xử của người cha trong dụ ngôn, cách ông hành động, biểu lộ thái độ nội tâm của ông và cho chúng ta gặp lại những khía cạnh khác nhau của cái nhìn Cựu Ước về lòng thương xót trong một tổng hợp hoàn toàn mới mẻ, thật đơn giản và sâu sắc. Người cha của đứa con hoang đàng trung thành với tư cách làm cha, trung thành với tình thương dồi dào ông đã dành cho người con từ trước đến nay. Sự trung thành ấy không phải chỉ được nói lên trong dụ ngôn bằng việc mau mắn đón tiếp người con trở về nhà sau khi đã phung phí phần gia sản của hắn, nhưng còn được nói lên nhiều hơn bằng niềm vui, bằng việc ăn khao thật hào phóng để mừng kẻ hoang đàng trở về, đến nỗi gây nên sự chống đối và ghen tức nơi người anh cả là kẻ đã không hề xa cha và không hề bỏ nhà bao giờ.

Sự trung thành của người cha đối với chính mình – một khía cạnh đã từng được từ Cựu Ước hesed cho biết – đồng thời được diễn tả một cách đặc biệt chứa chan thương mến. Quả thế chúng ta đọc được rằng người cha khi thấy con hoang đàng về nhà thì “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để”. Ông làm như vậy hiển nhiên do một niềm thương mến sâu xa thúc đẩy, và điều đó cũng có thể giải thích sự hào phóng của ông đối với con ông, sự hào phóng sẽ gây phẫn nộ biết bao cho người anh cả. Tuy nhiên, cần phải tìm cho sâu hơn các nguyên nhân đã khiến ông xúc động: người cha ý thức rằng một giá trị căn bản đã được cứu vãn là nhân tính của con mình. Mặc dầu người con này đã phung phí hết phần gia sản của hắn, tuy nhiên nhân tính của hắn vẫn còn nguyên. Hơn nữa nhân tính này như được tìm thấy lại. Những lời người cha nói với con cả cho chúng ta biết vậy: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy !”. Cũng như trong chương XV của Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta được đọc dụ ngôn về con chiên lạc, rồi dụ ngôn đồng bạc tìm lại được. Mỗi lần lại thấy làm nổi rõ cũng một niềm vui như trong trường hợp người con hoang đàng. Sự trung thành của người cha với chính mình được tập trung hoàn toàn vào nhân tính của người con hư hỏng, vào phẩm giá của hắn. Như thế điều được hiểu hơn hết chính là niềm xúc động vui mừng của ông khi con trở về nhà.

Đi xa hơn, người ta có thể nói rằng tình thương đối với người con, tình thương tuôn lên từ chính yếu tính tư cách làm cha, như ép buộc người cha phải lo cho phẩm giá con mình. Mối quan tâm này là mức đo tình thương của ông, tình thương như thánh Phaolô sẽ viết về sau: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu… không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật… hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả và không bao giờ mất được”. Lòng thương xót – y như Đức Kitô đã trình bày trong dụ ngôn người con hoang đàng – mang hình thái nội tâm của tình thương mà Tân ước gọi là agapê. Tình thương này có thể đoái hoài đến từng người con hoang đàng, từng nỗi khốn khổ của con người, và nhất là đến từng nỗi khốn khổ tinh thần, đến tội lỗi. Trong tình huống như thế, kẻ bị thương xót không cảm thấy bị hạ nhục, nhưng như được tìm thấy lại và “phục hồi giá trị”. Người cha tỏ cho hắn thấy trước tiên là lòng ông vui vì hắn “được tìm thấy lại” và “trở lại sự sống”. Niềm vui này tỏ cho thấy rằng một thứ tài sản vẫn còn nguyên vẹn: một người con, cho dầu hoang đàng, vẫn không ngừng thực sự là con của cha mình ; ngoài ra niềm vui ấy còn đánh dấu một thứ tài sản đã tìm lại được, mà trong trường hợp người con hoang đàng, thứ tài sản này là việc quay trở lại với sự thật về chính mình.

Trong dụ ngôn của Đức Kitô, điều gì đã xảy ra giữa hai cha con không thể nhìn “từ bên ngoài” mà thấy được. Các thành kiến của chúng ta về lòng thương xót thường là hậu quả của một cách đánh giá hoàn toàn theo bề ngoài. Khi xem xét như vậy, có khi chúng ta chỉ thấy trên hết trong lòng thương xót một mối tương quan bất bình đẳng giữa kẻ cho và người nhận. Và vì thế, chúng ta sẵn sàng suy ra rằng lòng thương xót xúc phạm đến người nhận, xúc phạm đến phẩm giá con người. Dụ ngôn người con hoang đàng chứng tỏ thực tại lại khác hẳn: tương quan lòng thương xót dựa trên kinh nghiệm chung về con người được xem như một thứ tài sản, trên kinh nghiệm chung về phẩm giá đặc biệt của con người. Kinh nghiệm chung này khiến cho người con hoang đàng bắt đầu thấy chính mình và các hành động của mình trong tất cả sự thật (thấy trong sự thật như vậy là khiêm tốn một cách đích thực) ; và chính nhờ thế, anh ta lại trở nên một thứ tài sản mới đối với người cha: người cha thấy rất rõ cái tài sản đã được hoàn thành nhờ sức tỏa huyền diệu của sự thật và tình thương đến nỗi ông như quên hết tất cả sự dữ mà con ông đã làm.

Dụ ngôn người con hoang đàng nói lên một cách đơn giản, mà sâu sắc, thực tại việc trở lại. Việc trở lại này biểu hiện cách cụ thể nhất cho công cuộc của tình thương và sự hiện diện của lòng thương xót trong thế giới loài người. Ý nghĩa thực sự và đặc biệt của lòng thương xót không chỉ hệ tại ở cái nhìn, dẫu sâu xa và đầy trắc ẩn, hướng về phía sự dữ luân lý, thể xác hay vật chất : lòng thương xót tự biểu lộ trong khía cạnh đặc biệt và thực sự của mình khi nó khôi phục trở lại, khi nó khuyến khích, và khi nó rút ra được sự thiện từ mọi hình thức của sự dữ có trong trần gian và trong con người. Hiểu như vậy lòng thương xót là nội dung căn bản sứ điệp Cứu thế của Đức Kitô và là sức mạnh xây dựng của sứ mệnh Người. Chính như thế mà các tông đồ và các môn đệ của Người đã hiểu và thực hành lòng thương xót. Lòng thương xót không ngừng tự mạc khải, trong lòng dạ cũng như trong các hành động của họ, như là một chứng minh cho tính năng động của tình thương không “đừng để cho sự ác thắng được” mình, nhưng “lấy thiện mà thắng ác”. Bộ mặt đích thực của lòng thương xót cần phải được luôn luôn thấy rõ lại. Mặc dầu có đủ thứ thành kiến, lòng thương xót tỏ ra đặc biệt cần thiết cho thời đại chúng ta.

Thông điệp

Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Dives in misericordia

Chương I

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Ga 14, 9)

Chương II

Sứ điệp cứu thế

Chương III

Lòng thương xót trong Cựu Ước

Chương IV

Dụ ngôn người con hoang đàng

Chương V

Mầu nhiệm Phục Sinh

Chương VI

Lòng Thương Xót suốt đời nọ đến đời kia

Chương VII

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong sứ mạng của Giáo Hội

Chương VIII

Lời cầu nguyện của Giáo Hội hôm nay