Đại Hội Cho Tín Hữu Di Dân Lần Thứ Hai Tại Giáo Phận Đà Nẵng


Ngày 27/5/2019, nhân ngày Thế giới về Người Di dân và Tỵ nạn lần thứ 105 (được cử hành vào Chúa Nhật 29/9/2019), Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp về di dân và tỵ nạn bày tỏ sự quan tâm mục vụ và liên đới của Giáo Hội cách đặc biệt với anh chị em di dân.

Tại Giáo phận Đà Nẵng, khi thành lập tân Giáo xứ An Ngãi Đông và giao cho Dòng Thánh Thể phụ trách, Bản quyền giáo phận cũng chọn tân giáo xứ này và quý Cha Dòng Thánh Thể phụ trách việc mục vụ Di dân tại giáo phận và thường xuyên tổ chức những cuộc gặp gỡ anh chị em di dân từ các nơi đến làm việc và tạm cư tại giáo phận Đà Nẵng. Đại hội Di dân lần thứ I được tổ chức sau đó, và vào ngày Chúa Nhật 13/10/2019, đại hội di dân lần thứ II đã được tổ chức tại Giáo xứ An Ngãi Đông

Nghi thức khai mạc đại hội được cử hành lúc 14 giờ 00; liền sau đó, Cha Ph.X. Nguyễn Minh Thiệu (Dòng Don Bosco) đã chia sẻ với anh chị em di dân một đề tài thiết thực về những thuận lợi và khó khăn, những điều đạt được và mất mát của anh chị em di dân, khi phải xa quê hương, xa gia đình thân yêu đến một nơi ở mới để học tập và tìm kiếm việc làm. Thêm vào đó, còn có một số lãnh vực mà Giáo Hội luôn quan tâm để chăm sóc các tín hữu di dân về đời sống tinh thần, nhân bản và phẩm giá của con người theo chuẩn mực Ki-tô Giáo. Cha Phanxico cũng đề cập đến phương diện chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường sống và làm việc được bao gồm trong việc mục vụ cho người di dân tại các Giáo Hội địa phương và cũng luôn tận tình quan tâm cho con em của người di dân, Cha Phanxicô đồng thời mời gọi chính anh chị em di dân cũng hãy tích cực tham gia các hoạt động tông đồ bác ái yêu thương với anh chị em chung quanh nơi mình đang sống và làm việc theo khả năng của mỗi người.

Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận đã đã đến gặp gỡ, chia sẻ với cộng đoàn hiện diện về Sứ điệp Di dân năm 2019 của Đức Thánh Cha: “mời gọi Người tín hữu bao dung đón tiếp, bác ái bảo vệ, thăng tiến và tạo điều kiện hội nhập cho anh chị ẹm di dân”. Đức Cha đã cắt nghĩa và giải đáp một số vấn đề liên quan đến cuộc sống di dân lập nghiệp mà anh chị em đang thao thức và đối diện. Đức Cha cũng nhắc đến sự quan tâm của các chính quyền và  tổ chức dân sự quốc tế (Liên Hiệp Quốc) cho khoảng hơn 243 triệu di dân và tỵ nạn trên toàn thế giới. để có thể giúp họ ổn đình cuộc sống tại những nơi ở mới để có thể được bảo đảm về an nình, chính trị, kinh tế, giáo dục và cả đời sống tôn giáo, dân sinh, v.v… Đức Cha Giuse cũng nói đến ý muốn và hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các giáo hội địa phương quan tâm chăm sóc mục vụ nhiều hơn cho những anh chị em di dân và cả người tỵ nạn, tạm cư khi ý thức rằng đây thực sự là những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bất kể lý do tạm cư của họ (người tỵ nạn, tìm nơi tạm dung) đang sống và tìm kiếm cơ hội học tập, sinh kế hoặc bất cứ lý do gì khác. Tất cả đều xứng đáng và cần được Giáo Hội quan tâm nâng đỡ, đặc biệt trong đời sống tinh thần, tôn giáo để họ được thường xuyên lãnh nhận các bí tích. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng: không ai bị loại trừ khỏi xã hội, dù là công dân thường trú hoặc là người mới đến.

Đức Cha Giuse cũng đã mong muốn anh chị em di dân bày tỏ tình thần và nỗ lực hội nhập thực sự vào mình đến tá túc, làm việc bằng cách tích cực tham gia sinh hoạt và chung sức xây dựng Giáo Hội địa phương (Đà Nẵng) như là một quê hương  khác của mình, trong cùng một đức tin, một phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em, như được xác định trong Hiến Chế về Giáo Hội: tất cả tín hữu bình đẳng với nhau, về phẩm giá và hành động để xây dựng Thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô.

Sau phần sinh hoạt cộng đồng với các thuyết trình, hội thảo và huấn từ của Đức Giám mục giáo phận, Thánh lễ đồng tế do Đức Cha Giuse chủ sự cùng với Cha Giám Tỉnh – Tỉnh Dòng Thánh Thể tại Việt Nam và quý Cha đang hiện diện thực sự là cao điểm của ngày Đại hội. Cuối thánh lễ, như thông lệ là nghi thức Sai Đi, trước khi bắt đầu chương trình văn nghệ, tuy mang tính “cây nhà lá vườn” nhưng thực sự đặc sắc với sự góp mặt của các nhóm Di dân tại Giáo phận Đà Nẵng và được hỗ trợ đáng quý của một số ca sĩ Công Giáo đến từ Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Hiện nay, Ủy ban Mục vụ Di dân tại giáo phận Đà Nẵng do Cha Đa-minh Phạm Văn Tụ (Dòng Thánh Thể), Quản xứ Giáo xứ An Ngãi Đông chính thức đặc trách. Cha Đa-minh đã thông tin rằng, tại 11 giáo xứ trong toàn giáo phận Đà Nẵng (Chính Tòa, Hòa Khánh, An Ngãi Đông, Cẩm Lệ, Hội An, Gia Phước, An Thượng, Thanh Bình, Hòa Minh, Hòa Cường và Đông Vinh) đã quy tụ thành các nhóm anh chị em di dân, bao gồm các anh em đi làm việc và sinh viên đi học. Các thành viên ban Mục vụ Di dân giáo phận đã có dịp đến thăm và chia sẻ Lời Chúa tại một số gia đình và nhà trọ của anh chị em, đề xuất và tạo một vài hoạt đông quy tụ và liên đới như: hành hương, thiện nguyện hoặc một vài cử hành phụng vụ, bí tích dành riêng cho anh chị em di dân trong các Mùa Phụng vụ trong năm.

Thêm nữa, một vài thao thức và dự phóng cũng được Cha Đa-minh cùng với ban Mục vụ Di dân đề xuất và hoạch định để trong tương lai có được những chương trình lớn mạnh hơn như: nâng đỡ và liên kết với các nhà tuyển dụng, công ty; giới thiệu việc làm, hoặc những quan tâm về công bằng, về tiền lương và bảo hiểm giữa người sử dụng lao động và công nhân lao động. Cha Đặc trách mục vụ di dân cũng quan tâm đến vấn đề môi trường nhà ở và phòng trọ, đảm bảo một mức độ cho phép về môi trường và an sinh xã hội, vấn đề chăm sóc y tế và giáo dục, v.v… trong một điều kiện chính trị xã hội đa dạng và phức tạp, nhiều hạn chế khiến Giáo Hội chưa phát huy hết khả năng và sở trường trong các lãnh vực công cộng: y tế, giáo dục và công bằng xã hội…

Ban MVTT/GP & Tôma Trương Văn Ân (ghi chép & hình ảnh)

 
Failed to get data. Error:
Invalid album ID.