Giáo Họ Biệt lập Chiêm Sơn Ngày Đáng Nhớ 14/7/2023


LƯỢC SỬ

GIÁO HỌ BIỆT LẬP CHIÊM SƠN

  1. ĐÔI NÉT VỀ LÀNG CHIÊM SƠN

Năm 1470, sau khi đại thắng quân Chiêm, vua Lê Thánh Tông ban hành chính sách chiêu dân lập ấp, khi ấy có 13 vị thuỷ tổ đến lập nên Trà Kiệu xã. Sau đó có nhiều đoàn di dân từ các tỉnh phía Bắc, cũng lần lượt kéo vào khai hoang vỡ hoá vùng đất Chiêm Thành bao la. Theo bước chân nam tiến, khi ấy cũng có một số đoàn di dân khác từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, đã đến vùng đất Chiêm Sơn và lập nên làng Chiêm Sơn, nay thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Làng Chiêm Sơn chuyên sống về nông nghiệp và đăc biệt nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa. Nhân gian ở đây có câu ca:

Chiêm Sơn là lụa mỹ miều
Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng

Nương dâu xanh thắm quê mình
Nắng lên Gò Nổi đượm tình thiết tha
Con tằm kéo kén cho ta
Tháng ngày cần mẫn làm ra lụa đời…

Thêm nữa, làng Chiêm Sơn đã rất phát triển và nổi tiếng vào thời kỳ các Chúa Nguyễn trấn thủ Quảng Nam, từ năm 1635 đến 1774, qua cuộc tình thơ mộng của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan với cô gái hái dâu Đoàn Thị Ngọc (1601-1661) (bà được tiến cung năm 16 tuổi và được phong là Đoàn Quí Phi). Đoàn Quí Phi người làng Chiêm Sơn, là con ông hàotrưởng Đoàn CôngNhạn và bà Võ ThịThành. Sau nay bà đãđược phong là Hiếu Chương Hoàng Hậu.Sau khi qua đời, bà được an táng tại lăng Vĩnh Diên, ngay tại khu vực làng Chiêm Sơn hiện nay.Nơi đây còn nổi tiếng với Dinh Bà Đá hay còn gọi là Dinh Bà Chiêm Sơn, theo tinh thần tín ngưỡng dân gian về thờMẫu.

Ngoài ra, Chiêm Sơn là điểm nối kết giữa Sư Tử Thành Trà Kiệu (Simhapura) với thung lũng tôn giáo ở Mỹ Sơn. Tại Chiêm Sơn hiện nay vẫn còn nhiều dấu tích của các triều đại Chăm-pa, có thể kể đến như: Gò Lồi, Triền Tranh, Gò Gạch của người Chiêm…

  1. GIÁO HỌ CHIÊM SƠN

Dựa vào lịch sử giáo xứ Trà Kiệu (có từ năm 1630) cũng như từ một số nguồn tư liệu khác, cho biết: đến năm 1741,dưới thời quản xứ Trà Kiệu của cha dòng Phan Sinh, Felipede la Conception, giáo xứ Trà Kiệu đã khai sinh ra giáo họChiêm Sơn (ngày trước vẫn gọi là họ lẻ Chiêm Sơn), trực thuộcgiáo xứ Trà Kiệu, giáo phận Qui Nhơn. Lúc này giáo họChiêm Sơn chỉ có khoảng 80 tín hữu. Theo bảng thống kê chung ngày 21-6-1747, do hội Thừa sai Truyền giáo Nướcngoài Paris (MEP) tổng kết về tình hình truyền giáo trongtỉnh Quảng Nam (In Provincia Cham), Hội Thừa sai MEP đã ghi nhận:“tại giáo xứ Trà Kiệu có 300 giáo dân và họ lẻ Chiêm Sơncó 80 giáo dân”. (theo “Linh Địa Trà Kiệu” của Jos.PCĐ vàMatheo LVT, trang 78).

Đến thời kỳ bắt đạo, nhất là dưới thời kỳ Văn Thân “bình Tây sát Tả”, vào các năm 1884-1885, giáo họ Chiêm Sơn cũng lao đao tan tác, giáo dân phần lớn chạy về tá túc ở Trà Kiệu. Sau cuộc bách hại của Văn Thân, bà con giáo dân Chiêm Sơn còn sống sót trở về quê sinh sống. Cố Nhơn, quản xứ Trà Kiệu, mới chạy vạy tìm cách giúp đỡ cho họ dần dần tạo lập lại cuộc sống, đồng thời tu sửa lại nhà thờ giáo họ Chiêm Sơn.

Năm 1902, cha Miễn được bài sai về Trà Kiệu để giúp cố Nhơn (Bruyère) thì cố Nhơn đã phái cha Miễn lên cư ngụ tại giáo họ Chiêm Sơn để chăm sóc mục vụ cho giáo dân tại đây, đồng thời giúp họ tạo lập lại cuộc sống. Đến ngày 31 tháng 7 năm 1907, cha Thung được Toà Giám mục Qui Nhơn, cử về Trà Kiệu thay cha Miễn, cố Nhơn cũng đưa lên làm mục vụ tại Chiêm Sơn, đến năm 1909 thì cha Thung thuyên chuyển đi xứ khác.

Năm 1940-1941, dưới thời cố Lực (Paul Valour) quảnxứ Trà Kiệu, có cốNhân (Gérard Gagnon), một linh mục thừa sai dòng Chúa Cứu Thế, được gởiđến Trà Kiệu để nghiên cứu về: tiếng Việt, địa dư, văn hóa, lịch sử… Cố Lực mới gởi cố Nhân lên cưtrú tại Chiêm Sơn để giúp công tác mục vụ cho giáo dân và làm công việc nghiên cứu cùng với một thầy tên là Trữ.

Thời kỳ chiến tranh (1945-1975), Chiêm Sơn ở giữa làn bom đạn nên dân chúng lại một lần nữa phải bỏ nhà cửa quê hương và tản cư đến những vùng an toàn. Sau năm 1975, bà con mới lần hồi trở về, chứng kiến ngôi nhà thờ bị bom đạn tàn phá chỉ còn lại hơn 1 nửa tháp chuông, bà con giáo dân lại chung tay xây dựng lại giáo họ.

Năm 1994, dưới thời quản xứ của cha Phaolô Mai Văn Tôn, ngài đã cho xây dựng lại nhà thờ Chiêm Sơn. Đến ngày 8-1-1995, Đức Giám mục F.X Nguyễn Quang Sách, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng, cùng các cha trong hạt Trà Kiệu, đã về giáo họ Chiêm Sơn dâng thánh lễ đại trào để tạ ơn Chúa và khánh thành ngôi thánh đường mới khang trang rộng rãi, nhờ công sức của cha Phaolo Mai Văn Tôn và anh chị em giáo dân Chiêm Sơn thực hiện.

Đến năm 2000 khi cha Anphong Nguyễn Hữu Long về quản xứ Trà Kiệu, ngài đã nhờ các sơ dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Trà Kiệu lên tập hát cho các em và thành lập ca đoàn giáo họ Chiêm Sơn. Năm 2002, cha quản xứ Anphong Nguyễn Hữu Long đã cho xây dựng nhà sinh hoạt, giáo lý. Năm 2009, cha Phaolô Đoàn Quang Dân, quản xứ Trà Kiệu, đã cho xây dựng thêm Núi đá Đức Mẹ, để cho anh chị em có nơi cầu nguyện cùng Đức Mẹ. Năm 2020 cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng đã cho xây dựng thêm Đền Thánh Giuse và chỉnh trang lại Núi đá Đức Mẹ.

  1. GIÁO HỌ PHÚ NHUẬN

Nằm ở phía cực Tây của huyện Duy Xuyên, từ Trà Kiệu lên khoảng gần 20km, là giáo họ Phú Nhuận. Dựa vào gia phả tộc Huỳnh của làng Phú Nhuận cho biết: các bậc tiền bối của họ đã theo Đạo từ cách đây 180 năm, tức là khoảng những năm 1840. Thời kỳ đó, các Cố Tây (linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris-MEP) đã từ Trà Kiệu lên mua 120 mẫu đất tại vùng Phú Nhuận để trồng lúa và hoa màu. Đây là vùng đất trù phú nên sản lượng lúa hằng năm đều rất cao. Cứ đến mùa, thuyền tấp nập chở lúa và hoa màu về Trà Kiệu. Để thuận lợi cho việc canh tác và trông giữ, nhiều gia đình giáo dân từ Trà Kiệu đã đi lên Phú Nhuận đem theo cả gia đình và dần lập nên một cộng đoàn giáo họ. Các Cố cho xây một nhà nguyện nhỏ để bà con lui tới đọc kinh và thỉnh thoảng có các cha lên dâng thánh lễ cho bà con giáo dân. Trận lụt lớn năm Thìn (1964) đã cuốn trôi tất cả sổ sách của giáo họ và sau thời kỳ chiến tranh tàn phá, các cơ sở vật chất khác cũng không còn. Hiện nay số ít bà con giáo dân tại đây, khoảng trên 100 nhân danh, vẫn sinh hoạt hằng tuần tại nhà nguyện nhỏ nằm trên đất của một nhà giáo dân. Giáo họ vẫn chưa có một cơ sở chính thức để dâng thánh lễ cũng như các sinh hoạt khác.

  1. GIÁO HỌ LA THÁP

Cũng giống như giáo họ Phú Nhuận, giáo họ La Tháp cũng được hình thành từ rất sớm, không rõ là năm nào nhưng chỉ biết là từ thời kỳ các Cố Tây, có đến 3 đời cố Tây làm cha sở và và 5 các cha Việt Nam từng phục vụ giáo xứ La Tháp. Khi ấy La Tháp còn là một giáo xứ lớn lên đến 2000 giáo dân, bao gồm nhà thờ giáo xứ tại La Tháp và nhà thờ giáo họ tại Lệ Bắc. Sau thời kỳ chiến tranh, cả 2 ngôi nhà thờ đều bị tàn phá và chỉ còn lại nền móng, sổ sách bị mất hoàn toàn và giáo dân di tản gần hết. Hiện nay, chỉ có khoảng 150 bà con giáo dân tại đây còn giữ đạo và hằng tuần tham dự thánh lễ tại nhà của một giáo dân. Giáo họ La Tháp cũng chưa có một cơ sở chính thức để sinh hoạt tôn giáo.

  1. KẾT LUẬN

Trải qua bao thăng trầm và những biến động của lịch sử, giáo họ Chiêm Sơn, Phú Nhuận và La Tháp đã có những thời kỳ bị tàn phá nặng nề và có những khi tưởng như đã bị xóa sổ, nhưng nhờ ơn Chúa và sự cầu bầu của Đức Mẹ Trà Kiệu, của thánh Cả Giuse quan thầy, các giáo họ vẫn âm thầm gìn giữ đức tin và phát triển cho đến ngày nay. Cho đến ngày 16/ 6/ 2023, Tòa Giám Mục đã quyết định tách giáo họ Chiêm Sơn ra khỏi giáo xứ Trà Kiệu để thành lập giáo họ biệt lập, bao gồm cả Giáo họ La Tháp và Phú Nhuận, tương lai sẽ trở thành một giáo xứ mới. Nếu tính cả 3 giáo họ thì con số giáo dân ở đây chỉ vỏn vẹn khoảng hơn 500 nhân danh, tuy nhiên, trải trên địa bàn rộng lớn với 5 xã phía Tây của huyện Duy Xuyên, đây sẽ là nơi thực sự đầy tiềm năng cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.

Đặc biệt hôm nay, thứ Sáu ngày 14/7/2023, một ngày đáng ghi nhớ,  Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận  đã về chủ sự Thánh Lễ tạ ơn thành lập Giáo họ biệt lập Chiêm Sơn và bổ nhiệm Cha Phêrô Trần Văn Thủy làm Quản nhiệm Tân Giáo họ Biệt lập này.

 Đây là một số hình ảnh của ngày trọng đại.

 
Failed to get data. Error:
Invalid album ID.