Giáo Xứ Tam Tòa Đà Nẵng Cử Hành Nghi Lễ Tế Rước Chúc Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


GIÁO XỨ TAM TÒA ĐÀ NẴNG CỬ HÀNH NGHI LỄ TẾ RƯỚC CHÚC VINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Rôma, lúc 9 giờ sáng ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 vị Chân phước Tử Đạo Việt Nam và ấn định lễ nhớ trong lịch phụng vụ Rôma vào ngày 24 tháng 11 hằng năm với tên gọi lễ ”Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc và Các Bạn tử đạo”. Trong số 117 vị hiển thánh Tử Đạo, có 2 vị có liên hệ với giáo xứ Tam Tòa là: (1) Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng, sinh năm 1808 tại làng Kẻ Lái cũng gọi là Lý Nhơn, Tam Tòa tỉnh Quảng Bình, tử đạo năm 1861 khi đang làm Trùm họ Tam Tòa; và (2) Thánh Linh mục Gioan Đoàn Thanh Hoan, sinh năm 1798 tại làng Kim Long, huyện Huơng Trà tỉnh Thừa Thiên, thuộc giáo phận Huế và bị bắt dịp lễ Hiển Linh, khi Ngài tới họ Sáo Bùn, Mỹ Hội (tiền thân của giáo xứ Tam Tòa), trọ nhà ông Trùm Phượng để giải tội và dâng lễ cho giáo dân thì bị một người ngoại giáo biết, bí mật tố cáo với quan án Đồng Hới. nên quan cho lệnh quân đến bao vây truy bắt, và tử đạo cùng ngày với Thánh Matthêu Phượng. Nhờ mối liên hệ thân thiết với 2 vị Thánh Tử Đạo từ cố hương Tam Tòa (Đồng Hới, Quảng Bình) cùng với lòng sùng mộ các vị Thánh Chứng Nhân Đức Tin Việt Nam, nên hằng năm vào đêm vọng (23/11) lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11), cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Tam Tòa Đà Nẵng vẫn cử hành một nghi lễ á bí tích Tế và Kiệu rước Thánh Tích bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt. Đây là một chuỗi cử hành gồm các nghi thức: (a) Tế chúc vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam; (b) kiệu rước tôn vinh Thánh tích 2 thánh Gioan Hoan và Matthêu Phượng từ đền Thánh Phêrô về Nhà Thờ giáo xứ; (c) hát mừng và chầu Phép Lành Thánh Thể mừng kính các Thánh. Cũng lưu ý thêm, nghi lễ Tế được cử hành trọng thể với những phần thức tế tự theo truyền thống bao gồm phần Tiến lễ vật với 2 nghi thức Hành sơ hiến tế và Hành sơ hiến lễ trước khi vị Chủ tế khởi đọc Tấu Văn. Bài văn tế là một tác phẩm văn chương viết theo thể thơ vừa tha thiết nhưng cũng rất trầm hùng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ dân Chúa của giáo xứ Tam Tòa. Tham gia với nhân sự đọc chúc văn, kiệu rước là đội trống thanh niên trong trang phục truyền thống Việt Nam.

Tại giáo xứ Tam Tòa Đà Nẵng, thánh tích của 2 vị Thánh Tử Đạo Matthêu Phượng và Gioan Hoan được lưu giữ cẩn trọng tại khu đền Thánh Phêrô thuộc giáo họ Maria Nữ Vương. Nhiều ngày trước dịp Tế Rước tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, một ban tế tự và những thành viên liên hệ đã được quy tụ và tập luyện cẩn thận. Các bậc trưởng thượng trong giáo xứ và những con cháu Thánh Matthêu Phượng đã nghiêm túc và tận tâm lưu truyền những nghi thức của cử hành Tế Rước hằng năm; nhờ đó, những thế hệ tiếp nối đã dần thay thế các bậc trưởng thượng để đảm nhận các vai trò trong tiến trình cử hành. Từ chập tối 23/11/2016, cộng đoàn dân Chúa Tam Tòa đã tề tựu tại đền thánh Phê-rô để khởi sự nghi thức Tế Rước vọng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Sau phần kinh nguyện và lời dẫn lược ghi công đức của các vị anh hùng chứng nhân đức tin, một hồi trống chiêng rền vang khởi đầu cho phần Tế tự khi người dẫn xướng cất cao giọng mời : “Các chấp sự trụ vị” để 2 vị chiêng trống đến ghế, ca đoàn và ban tế sẵn sàng; tiếp đó là lời mời ”Khai chinh cổ” với 3 hồi 9 tiếng chiêng trống giòn giã ngân vang trước khi lời mời “Chánh tế, phụ tế, độc chúc tự vị” để 4 nhân sự phụ trách tiến lên tế đàn. Một vài hành động tiền tế khác cũng được cung xướng: “Nhạc sinh khởi nhạc” (ca đoàn hát), rồi “Chánh tế, dữ chấp sự giã, các nghệ quản tẩy sở” (ban tế tự đi thanh tẩy) với “Quán tẩy” (chánh tế rửa tay) “Thuê cân” (lau tay) cùng với các nghi thức cần thiết “Củ soát tế vật” (xem xét lễ tế…) “Chủ tế, phụ tế viên, tựu vị” (chánh tế & phụ tế về lại chỗ) để bước qua phần thứ hai dâng lễ vật với lời xướng “Hành sơ hiến tế” (lễ tế đầu). Lúc này, các bồi tế thắp hương mang ra cho phụ tế, rồi lui đứng sau phụ tế để thực hiện nghi lễ “Phần hương” (đưa hương cho chủ tế) và vị chủ tế “Thượng hương” (đưa hương cao lên), “Tiến hương” (bước lên cắm hương); trước khi đoàn tế được mời “Chủ viên tựu vị” (lui về chỗ) thực hiện việc dâng hương với những cử điệu “Bái quỵ” (quỳ xuống)3 lần “Bái (lạy) – Hưng (ngước lên) và sau đó “Bình thân” (đứng lên)

Sau nghi thức trang trọng dâng lễ vật và niệm hương, khi lời mời “Đôc Văn Chúc” được khởi xướng cùng với các động tác trang trọng được tôn xướng “Nghệ đôc chúc vị” (Phụ tế đi lấy bài văn chúc trao cho chủ tế coi – người độc chúc tiến lên) để tiếp nối “Phần chúc” (đưa cho người đọc) cùng với  lời xướng cho động tác “Đại quỵ” (quỳ)“Khởi tấu văn” cho vị Chánh Tế bắt đầu ngâm ngợi những lời văn chúc tha thiết và trầm lắng. Chen vào cuối mỗi đoạn văn chúc là từng hồi hoặc những tiếng trống chiêng nhịp nhàng như âm vang của những tâm tình cảm mến. Kết thúc phần tuyên đọc chúc văn (Tế) là nghi thức cúc cung tứ bái (4 lần bái lạy) trước khi Lễ Tất. Ba hồi 9 tiếng chiêng trống rền vang, mọi thành phần dân Chúa tay cầm nến cháy sáng di chuyển theo hàng ngũ đoàn thể bắt đầu cuộc kiệu rước theo sau Thánh giá và đèn hầu. Cuối đoàn rước là kiệu Thánh Tích của các Thánh Tử Đạo Việt Nam được đoàn tế hộ tống nhẹ nhàng bước đi theo những nhịp trống trầm hùng, tiếng cầu kinh và ca hát âm vang của cộng đoàn, từ đài Thánh Phêrô qua kiệt Cống Lớn, tiến ra đường Trần Cao Vân về nhà thờ giáo xứ. Hai bên đường kiệu rước, những giáo dân không tham gia lễ Tế đứng thông công bên những sạp hàng quán của khu buôn bán thị tứ. Tới nhà thờ, sau khi bàn thờ các Thánh Tử Đạo an vị, đoàn thiếu nhi dâng kính vũ khúc tôn vinh trước khi cộng đoàn chung lời kinh nguyện các  Thánh Tử Đạo Việt Nam’’Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là con thảo của Cha trên trời, là thành phần trung kiên của Hội Thánh…’’

Một nét đẹp sáng của hội nhập văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trang trọng cử hành hằng năm trong ngày Giỗ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cám ơn các đấng tiên nhân đã đem tinh hoa thuận hòa hiếu đạo vào thâm nhập vào các cử hành phụng vụ Kitô giáo, để con cháu thanh thản và nhiệt tâm duy trì lòng kính thờ Thiên Chúa và thảo kính các bậc tiên nhân. Nghi Lễ Tế Vọng tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng đã được cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tam Tòa và những anh chị em lương dân chung chia niềm vui, qua những nghi thức bái lạy, cung bậc tế xướng và lễ phẩm hoa quả hương trầm cung tiến quen thuộc với tâm thức dân Việt ’’uống nước nhớ nguồn’’!

Pr. Hoàng Gia Thành & Pr. Nguyễn Toàn – Ban MVTT/GP