Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – Năm A


CN 34 TN NĂM A

CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

22-11-2010

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Khánh Thọ, Dòng Phaolô

Giáo huấn số 51

Môi trường kỹ thuật số (tt)

Một tài liệu chuẩn bị trước Thượng Hội Đồng, được thực hiện bởi 300 bạn trẻ trên khắp thế giới, đã chỉ ra rằng “những mối tương quan trên mạng có thể trở thành phi nhân. Không gian kỹ thuật số làm ta mờ mắt không nhìn thấy tình trạng dễ tổn thương của người khác, và nó ngăn cản ta phản tỉnh. Truyền thông khiêu dâm, chẳng hạn, làm méo mó nhận thức của người trẻ về tính dục con người. Công nghệ được dùng theo cách này tạo ra một thực tế hàm hồ có tính đánh lừa. Không quan tâm đến phẩm giá của con người. Đối với nhiều người, việc chìm đắm trong thế giới ảo dẫn tới một kiểu “di cư kỹ thuật số”, nó làm cho người ta rút khỏi gia đình, rút khỏi các gia trị văn hóa và tôn giáo, để đi vào trong một thế giới của cô đơn và tự dò dẫm, kết quả là cảm thấy bị bật rễ ngay cả dù trong thực tế mình vẫn còn ở đó. Những lối sống mới và cuồng nhiệt của những người trẻ muốn khẳng định tính cách của mình ngày nay đang đương đầu với một thách đố mới: đó là việc tương tác với một thế giới thực và ảo mà họ bước vào một mình, dường như họ đặt chân đến một lục địa chưa được khám phá. Người trẻ hôm nay là những người trước hết phải thực hiện sự tổng hợp này giữa những gì là cá vị, những gì là riêng biệt của mỗi nền văn hóa, và những gì là phổ quát. Điều này có nghĩa họ phải tìm ra những cách thế để đi qua sự tiếp xúc ảo và tiến đến sự liên lạc tốt đẹp và lành mạnh (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 90).

—————–

CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

(Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-36)

Ai đến Vũng Tầu, nhất là người Công giáo, đều đến chiêm ngắm tượng Vua Giêsu đứng trên núi Tao Phùng. Tượng cao 32m. Phía trong bên vai tượng đủ chỗ cho 5,6 người đứng nhìn ra biển. Tượng được làm từ năm 1972. Đến năm 1975  đình lại. Năm 1992 được tiếp tục. Tháng 2-1994 thì hoàn thành.

Phần kỹ thuật bê tông do kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách; phần mỹ thuật do điêu khắc gia Văn Nhân cùng với 50 thợ lành nghề thi công. Điêu khắc gia Văn Nhân đã hoàn thành các bức phù điêu dang dở ở chân tượng. Vì tuổi cao, không đủ sức leo 800 bậc đá, nên ông ngồi dưới chân núi chỉ đạo các học trò làm việc từng ngày cho đến khi hoàn tất.

Tượng Vua Giêsu ở Vũng Tầu cao 32m, nhưng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở Brasil cao 38m. Ngày 7-7-2007, UB Văn Hóa Liên Hiệp Quốc tuyên bố 7 kỳ quan mới của thế giới. Tượng Vua Giêsu  ở nước Brasil là 1 trong 7 kỳ quan mới này. Tượng do nhà điêu khắc Silva Costa phác thảo. Nhà điêu khắc Paul Landowski người Pháp thực hiện trong vòng 5 năm. Tượng được khánh thành ngày 12-10-1931.

Tượng Vua Giêsu ở Brasil cũng chưa cao bằng tượng Vua Giêsu ở nước Balan. Tượng ở Balan cao 51m, nặng 30 tấn, tốn phí 1,45 triệu đôla, do linh mục Sylwester Zawadzki chủ xướng. Tượng bắt đầu khởi công từ năm 2008, và hoàn thành ngày 7-7-2010. Ngày 21-11-2010 là ngày khánh thành, ngày làm phép tượng. Ngày khánh thành tượng Vua Giêsu ở Balan cũng là ngày lễ Giêsu Vua.

Biết bao người làm vua chỉ làm hại dân hại nước. Khi còn sống có đúc tượng xây lăng, chết đi người ta cũng giật đổ, phá đi. Còn Vua Giêsu trái lại, ai cũng nhớ thương, trọng kính. Người ta đúc tượng, xây đền để tôn thờ, để cầu nguyện.

Ông Arnold Toynbee là sử gia nổi tiếng của nước Anh. Ông đã viết một bộ sách lịch sử rất là đồ sộ, cho đến nay chưa có ai viết được như ông. Bộ sách có tên là “LỊCH SỬ THẾ GIỚI”. Kết thúc bộ sách quí hiếm này, nhà sử học người Anh đã viết những dòng chữ đầy ngạc nhiên sau đây : “Khi chúng tôi bắt đầu công việc này, chúng tôi thấy mình như đang ngắm dòng người đông đảo diễn hành. Nhưng khi đòan diễn hành bước tới, thì tất cả bọn họ, từng người lần lượt ngã xuống bên vệ đường. Và bây giờ chỉ còn một bộ hành vẫn tồn tại và càng ngày càng lớn lên theo từng bước chân đi. Người bộ hành độc đáo ấy không ai khác là Chúa Giêsu Kitô”.

Chúng ta đọc ba bài đọc thánh lễ để biết lý do nào “chỉ còn một bộ hành vẫn tồn tại và càng ngày càng lớn lên theo từng bước chân đi

Bài đọc 1: Bđ1 đọc sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Sách “Các Sách Ngôn Sứ” năm 1996 của nhóm CGKPV giới thiệu ngôn sứ như sau: “Ê-dê-ki-en trong tiếng Híp-ri có nghĩa là ‘Thiên Chúa làm cho mạnh sức’. Ông là một tư tế. Bằng chứng là trong tác phẩm của ông tỏ ra chú trọng đến Đền Thờ, việc phụng tự theo Lề Luật, việc giữ ngày sa-bát, những nghi thức cần giữ để được trong sạch… Và với tư cách là tư tế, ông còn giải quyết những trường hợp khó khăn về luân lý…(trang 449).

“Trong tình cảnh nước mất nhà tan, ngôn sứ Giê-rê-mi-a có sứ mạng giảng cho người Ít-ra-en còn ở lại đất Pa-lét-tin biết đường lối của Thiên Chúa, cho họ biết những hình phạt và trách họ đã sống tồi tệ, đã bỏ đường lối của Thiên Chúa. Còn tại đất lưu đày, ngôn sứ Ê-dê-ki-en được Thiên Chúa gọi  để giữ cho niềm tin vào Thiên Chúa luôn sống động nơi những người Ít-ra-en phải sống kiếp lưu đày” (trang 448).

Đọc hai câu 15-16 trong bđ1, Thiên Chúa chính là ‘Chúa chiên nhân lành’ : “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ… Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-16).

Bài Tin Mừng : Sách ‘Bốn Sách Tin Mừng’ của nhóm CGKPV giải nghĩa BTM thánh lễ hôm nay như sau : “Chúa Giêsu kết thúc giáo huấn cánh chung bằng một dụ ngôn, mô tả chính cuộc Phán xét chung. Đoạn văn trình bày: vị Thẩm Phán tối cao ngự đến (cc 31-33); người tuyên án trên người lành (cc 34-40) và kẻ dữ (cc 41-45); sau cùng bản án được thi hành (c 46). Vị thẩm phán là chính Chúa Giê-su. Người sẽ xuất hiện với uy quyền và vinh quang của ‘Con Người’. Bản văn không nói đến, nhưng phải hiểu ngầm, chuyện tất cả mọi người sẽ sống lại trước, rồi chung thẩm mới diễn ra. Tất nhiên, người ta sẽ bị phán xét về tất cả cuộc đời, nhưng ở đây dụ ngôn chỉ đề cập tới những việc thương người, theo kiểu Cựu Ước thường kể (x. Is 58,7; G 22,6-9; Hc 7,55; v.v….), chứ không nhắc những việc khác thường có thể đã được thực hiện trên trần gian. Như thế, Chúa muốn cho thấy tầm quan trọng của điều răn yêu thương, điều răn mới của Chúa (Ga 13,34-35), được Người đưa lên ngang hàng với lòng mến Thiên Chúa, và thánh Phao-lô coi là bao gồm tất cả Lề Luật (Rm 13,9; 1Cr 13). Sự ngỡ ngàng của những người được tuyên công chỉ là một cách diễn tả niềm vui và lòng tri ân; nhưng đây cũng là cách đánh giá các việc thương người: Chúa Giê-su tự đồng hóa với những người đói khát, rách rưới, bệnh hoạn, tù đày … Cách nhấn mạnh lòng thương người trong dụ ngôn như thế, thiết tưởng không được làm cho chúng ta nghĩ lầm rằng trên đời này đức tin không cần thiết, chỉ cần thương người thôi. Sự thật thì không tin thì không thể tới gần Thiên Chúa (Dt 11,6), như chính Chúa Giê-su cũng quả quyết (Mt 10,32tt) (trang 113-114).

Qua BTM, Chúa là vua được nhắc nhớ, vì như cha Nguyễn Công Đoan viết : “Ai ngờ Đức Vua đang ngồi trên tòa vinh hiển phán xét cả thiên hạ, đã tự đồng hóa mình với người đói, người khát, người khách lạ, người trần truồng, người đau yếu, người tù…(Tự Đáy Lòng, Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 196).

Bài đọc 2 : Với bđ1 Chúa là Đấng chăn chiên nhân lành; với BTM Chúa đồng hóa  với những kẻ đói nghèo; với bđ2 Chúa là vua, vì Chúa hơn A-đam, đem lại sự sống. Thánh Phao-lô viết trong bđ2 : “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đói với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống ” (1Cr 16,21-22).

 Trong mục “Cánh Cửa Rộng Mở” của báo Catholic Digest có một câu chuyện rất cảm động về một chủng sinh. Anh lớn lên trong một gia đình Công giáo. Anh là một tín hữu rất mộ đạo và thường tham gia vào các công việc ở nhà thờ. Anh vào chủng viện để học làm linh mục.

Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, người chủng sinh đó đã bỏ chủng viện và gia nhập các cuộc biểu tình phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam. Không những thế, anh còn bỏ cả Giáo hội. Anh tìm cách chống lại đức tin và lý tưởng mà một thời anh đã ôm ấp. Càng ngày anh càng coi tôn giáo như là một kẻ thù. Gia đình anh rất buồn và họ đều mất hy vọng cứu vãn được anh.

Vào một ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm 1970, người thanh niên đó lái xe đi ngang qua một nhà thờ Công giáo. Anh nhận ra tên của linh mục mà anh kính trọng ghi trên tấm bảng trước cửa nhà thờ. Một cái gì đó đã thúc đẩy anh dừng xe lại và vào trong nhà thờ. Khi anh vừa bước vô thì nghi lễ suy tôn Thánh Giá cũng vừa bắt đầu. Anh ngồi xuống ở hàng ghế cuối hết và nhìn những người lên thờ lạy và hôn Thánh Giá. Trong khi ca đoàn hát câu : “Trong khi người ta đóng đinh Chúa tôi, bạn có ở đó không ?”, thì một sự đáng ghi nhớ đã xảy ra. Người chủng sinh bỏ đạo đã viết lại như sau : “Trong tâm hồn, tôi cảm thấy rất xúc động và tôi bắt đầu khóc. Cố gắng kìm hãm lại cảm xúc, tôi nhớ lại những năm trước đây khi còn là một chủng sinh sống trong sự bình an. Đức tin đơn sơ của những ngày tháng xa xưa đã bị phủ lấp và chìm sâu kín trong tâm hồn tôi bao năm qua, nay vụt bừng dậy. Một sức lực nội tại giục giã bắt tôi phải đứng lên, rời khỏi ghế đang ngồi và đến quì lạy trước Thánh Giá và hôn. Vị linh mục trong nhà thờ đã nhận ra tôi và đã đên ôm lấy tôi. Trong ngày đó, tôi lại được tái sinh trong đức tin Công giáo”.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp con nhìn thánh giá Chúa, nhận ra Chúa là Vua của con và là Đấng cứu độ của con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành