Lễ Hiển Linh – Năm B


LỄ HIỂN LINH

(Is 60.1-6; Ep 3,2-3.5-6; Mt 2,1-12)

Bài của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô

Sách “Thời Thơ Ấu Của Đức Giê-su Na-da-rét”, Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô viết : “Tại Giê-ru-sa-lem ngôi sao dẫn đường vụt tắt. Sau khi các nhà chiêm tinh gặp gỡ Lời Chúa thì ngôi sao lại xuất hiện và chiếu sáng, soi đường dẫn lối cho họ đi…

Họ vào nhà thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người (Mt 2,11)… Câu này khiến chúng ta ngạc nhiên vì không nhắc đến thánh Giu-se, là điểm qui chiếu mà thánh Mát-thêu mô tả trong Tin Mừng thời thơ ấu…Rất có thể Gnilka có lý khi cho rằng Mát-thêu dùng điều náy để nhắc đến việc Chúa Giê-su sinh ra từ một trinh nữ và Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa.

Đứng trước Hài Nhi mới sinh, các nhà chiêm tinh thi hành việc thờ lạy Người. Điều này chỉ dành cho một vị vua và là Thiên Chúa mà thôi. Từ đó cũng lý giải những lễ vật mà các nhà chiêm tinh dâng tặng. Chúng không phải là những món quà bình thường…. Những món quà này bộc lộ tính chất thờ phượng : chân nhận vương quyền của Đấng được dâng tặng. Vàng và nhũ hương, cũng được đề cập đến trong I-sai-a 60,6 như những lễ vật dân Ít-ra-en dâng cho Thiên Chúa.

Truyền thống Giáo Hội diễn giải ý nghĩa của ba lễ vật này liên hệ đến ba chiều kích của mầu nhiệm Chúa Ki-tô : vàng ám chỉ đến vương quyền của Chúa Giê-su, trầm hương với ý nghĩa  Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa và một dược liên hệ đến mầu nhiệm vượt qua của Người.

Quả vậy, trong Tin Mừng thánh Gio-an, trầm hương xuất hiện sau cái chết của Chúa Giê-su : thánh Gio-an tường thuật rằng Ni-cô-đê-mô lấy một dược trộn lẫn trầm hương để xức lên xác Chúa (x.Ga 19,39). Như vậy mầu nhiệm Thánh Giá và được tiên báo cách huyền nhiệm trong việc các nhà chiêm tinh thờ lạy Người. Việc xức trầm hương là một cố gắng chống lại sự chết, sự hủy hoại đạt đến cánh chung. Vào buổi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần khi các phụ nữ hối hả chạy ra ngôi mộ Chúa để xức dầu bởi vì ngày lễ Vướt Qua đang đến gần, họ không thể làm sớm hơn được trong buổi chiều ngay sau khi Chúa chịu đóng đinh. Nhưng khi Chúa Giê-su sống lại, Người không cần đến trầm hương như là công cụ chống lại cái chết, bởi vỉ sự sống của chính Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết.

(Phạm Đình Phước chuyển ngữ, NXB Hồng Đức 2012, trang 102-104).

———————————————–

LỄ HIỂN LINH

Trong cái chết của thầy giảng Anrê có kể rằng : trước khi bắt thầy Anrê, ông tổng trấn Quảng Nam đã bắt một ông già cũng có tên là Anrê. Khi xét xử thì ông chỉ lên án thầy Anrê, còn ông già Anrê thì ông tha. Ông tổng trấn nói với cha Đắc Lộ : “Đối với ông lão, ông tha chết, vì thương hại các con cái của ông lão” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, T.I, trang 89).

Ông già Anrê là ông Anrê Sơn. Ông được rửa tội năm 1584. Ông là ông trùm của xóm đạo Thanh Chiêm, Phước Kiều ngày nay. Ông là nhà nho uyên bác. Ông có 2 người con tên là Emmanuel và Louis. Louis là linh mục Louis Đoan, linh mục Việt Nam thứ ba, chịu chức năm 1676. Ba cha con ông già Anrê Sơn đã dịch sách Kinh Thánh phần Ngũ Thư thành 4000 câu thơ bằng tiếng Việt (Đinh Trọng Uyên, Đinh Bá Truyền, Dinh Trấn Thanh Chiêm, 2010, trang 96-97).

Năm 1627 cha Đắc Lộ được sai ra Đàng Ngoài (Miền Bắc) giảng đạo. Ba năm sau năm 1630 cha bị đuổi ra khỏi Đàng Ngoài. Trong số những người theo đạo có công chúa Catarina, chị của Trịnh Tráng. Bà đã làm thơ bằng tiếng Việt kể lại từ việc Thiên Chúa sáng thế đến Chúa Giêsu xuống thế (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 132-133).

BTM : Để biết Chúa, Kinh Thánh hay giáo lý là yếu tố quan trọng. Thánh Giê-rô-ni-mô nói : “Nếu không đọc Kinh Thánh thì không biết Chúa, cũng giống như không biết những chữ cái ABC thì không biết đọc chữ

Ngôi sao dẫn các nhà chiêm tinh đến thủ đô Giê-ru-sa-lem rồi biến đi. Các ông phải vào hỏi vua Hê-rô-đê. Vua Hê-rô-đê hỏi các thượng tế và kinh sư. Họ trả lời : “Tại Be-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Be-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi  vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,5).

Sau khi được lời Kinh Thánh xác thực, ngôi sao lại xuất hiện dẫn các nhà chiêm tinh tới Be-lem. Như thế, nhờ Kinh Thánh các nhà chiêm tinh đã tìm thấy Chúa, đã được gặp Chúa.

Trong mọi nhà thờ ngày nay : một bên là bàn thờ Kinh Thánh, một bên là bàn thờ Thánh Thể.

Công đồng Va-ti-ca-nô II viết : “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống  từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”.

Ba năm 2017, 2018, 2019 là những năm “Mục Vụ Gia Đình”. Tông huấn “Niềm Vui Của Tình Yêu” số 8, Đức giáo hoàng Phan-xi-cô viết : “Thánh Kinh nói nhiều về gia đình, các thế hệ, các câu chuyện tình, và những khủng hoảng gia đình, từ trang đầu, ngay khi bước vào khung cảnh gia đình của Ađam và Eva, cùng với gánh nặng của bạo lực, có cả sức mạnh của sự sống vẫn tiếp tục (x.St 4), cho đến trang cuối nơi xuất hiện của tiệc cưới của Hôn thê và Con Chiên (Kh 21,2.9). Đức Giêsu mô tả hai ngôi nhà, một xây trên đá và một xây trên cát (x.Mt 7,24-27), tượng trưng cho bao tình huống gia đình, tạo nên bởi tự do của các thành viên sống trong đó, vì như một thi sĩ kia đã viết : ‘mỗi ngôi nhà đều là một trụ đèn. Giờ đây theo sự dẫn dắt của Thánh vịnh, chúng hãy bước vào một trong những ngôi nhà này qua một khúc hát ngày nay vẫn còn vang lên trong phụng vụ lễ cưới của Do Thái cũng như Kitô giáo

Ước gì gia đình chúng ta, nhất là khi bị khủng hoảng, đọc những câu chuyện gia đình trong Kinh Thánh, để lấy lại niềm vui, sự an ủi và sức mạnh (8-1-2017)

——————————————–

LỄ HIỂN LINH

Cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan, cha sở xứ Phúc Nhạc, Phát Diệm. Khi đi dâng lễ tại họ Đông Biên, cha bị bắt. Dầu đã 66 tuổi, quan Nam Định vẫn xử tàn nhẫn với cha. Ban đêm chân bị cùm, ban ngày bị xiềng, rồi bị tra tấn nhiều lần. Dầu đau đớn khổ sở, cha vẫn giữ vững đức tin. Cha không bước qua Thánh Giá chối đạo.

Quan nói : “Tôi muốn tha ông, chỉ mong ông bước qua thập giá”.

Cha tỏ bày lập trường : “Đã ba năm trong tù, tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Càng nghĩ tôi càng xác tín hơn, càng cương quyết giữ vững đức tin cho đến chết”.

Quan nói : “Thế ông không muốn sống à ?

Cha đáp : “Mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi con người có lý trí. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng, với người theo đạo Chúa, chết thân xác đời này, nhưng sẽ có sự sống đời đời trên thiên đàng. Do đó, chúng tôi không sợ chết vì đạo Chúa”.

Quan hỏi : “Ông tin có thiên đàng hả ? Ai bảo ông có thiên đàng ?

Cha trả lời : “Đó là chuyện đương nhiên. Như vua thường ban thưởng cho các trung thần, thì Chúa trời đất chẳng nhẽ không ban thưởng cho các tôi trung phục vụ cho đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó chúng tôi gọi là thiên đàng”.

Quan lại hỏi : “Nghe ông nói có lý, nhưng ai đã dạy ông biết có Thiên Chúa ?

Cha đáp : “Chẳng cần phải ai dạy. Chính trời đất vũ trụ là cuốn sách mở ra dạy ta bài học đó. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng sáng tạo và gìn giữ. Chúng tôi gọi Đấng Tạo Hóa là Đức Chúa Trời, và chúng tôi tôn thờ Người”.

Dùng bất cứ biện pháp nào cũng không làm lay chuyển đức tin của ông già 69 tuổi, quan Nam Định truyền điệu ngài ra pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định chém đầu. Ngày hồng phúc tử đạo của cha là ngày 28-4-1840 thời vua Minh Mạng.

BTM  : Cha Phao-lô Phạm Khắc Khoan nói với quan : “Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng sáng tạo và gìn giữ”. Các nhà chiêm tinh trong BTM thánh lễ trả lời vua Hê-rô-đê : “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đên bái lạy Người” (Mt 2,2).

Ông Diderot nhà triết học Pháp ở thế kỷ 18 nói : “Mắt và cánh của con bướm đủ đánh đổ một người không tin”.

Ngắm trời nhìn đất biết có Thiên Chúa; nhưng để biết Thiên Chúa là ai, phải đọc Kinh Thánh. Ngôi sao không dẫn các nhà chiêm tinh đến thẳng Be-lem. Đến Giê-ru-sa-lem ngôi sao biến đi, để các nhà chiêm tinh hỏi vua Hê-rô-đê. Vua Hê-rô-đê hỏi các thượng tế và kinh sư. Các thượng tế và kinh sư trả lời : “Tại Be-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Be-lem, miền đất Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, sẽ ra đời” (Mt 2,3-4).

Ngôi sao hiện ra và tiếp tục dẫn các nhà chiêm tinh tới hang đá Be-lem. Chúng ta đọc tiếp Lời Chúa thánh lễ Hiển Linh hôm nay.

Bđ1 : Các nhà chiêm tinh là những người ngoại giáo đi tìm Chúa. Ngôn sứ I-sai-a  vào thế kỷ 8 trước Chúa giáng sinh, đã nói tiên tri : “Giê-ru-sa-lem hỡi…Các dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3).

Bđ2 : Thấy dân ngoại tìm biết Chúa, thánh Phao-lô sung sướng viết ở thư gửi các tín hữu Ê-phê-sô trong bđ2 : “Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).

         Việt Nam chúng ta được nghe Tin Mừng, được biết Chúa từ năm 1533. Lúc đó thừa sai I-ni-khu không biết tiếng Việt, nên không sinh hoa kết quả là bao. Phải đợi đến năm 1615, 82 năm sau, hai cha dòng Tên đến Đà Nẵng, Hội An rao giảng. Từ đó, Tin Mừng của Chúa lớn lên và sinh hoa kết trái cho tới ngày nay là 403 năm (1615-2018).

Trong Tông huấn “Niềm Vui Của Tình Yêu”, Đức giáo hoàng Phanxicô viết : “Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh rằng ‘Lời Chúa là nguồn mạch sự sống và linh đạo cho gia đình. Mọi mục vụ gia đình phải được đinh hình từ bên trong và huấn luyện các thành viên của Hội Thánh tại gia bằng việc đọc Kinh Thánh và cầu nguyện theo hướng dẫn của Hội Thánh. Lời Chúa không chỉ là Tin Mừng cho đời sống riêng tư của một cá nhân, mà còn là tiêu chuẩn đánh giá và là ánh sáng giúp phân định những thách đố khác nhau mà các đôi vợ chồng và gia đình gặp phải” (số 227, Lời Bảo Chúa Nhật 6 Thường niên, Lịch Giáo phận trang 42).

————————————————–

LỄ HIỂN LINH

Từ để gọi những người từ phương Đông đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu cũng chưa thống nhất. Các dịch giả Kinh Thánh Việt Nam vẫn còn dùng các từ khác nhau. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì gọi là “Các Nhà Chiêm Tinh”. Bản dịch Phụng vụ 1972 và cha Nguyễn Thế Thuấn gọi là “Các Đạo Sĩ”. Tất cả đều dịch từ tiếng Hylạp là “ma-gos”, “ma-gi”.

Theo ông Hê-rô-đô-tus, các Magi là một bộ lạc Ma-đi-an. Họ là một trong những thành phần dân chúng của đế quốc Ba Tư. Họ cố gắng lật đổ nhóm người Ba Tư để nắm chính quyền. Sau khi thất bại, họ từ bỏ tham vọng quyền hành chính trị, trở thành nhóm người tư tế, như nhóm Lêvi trong dân Ít-ra-en. Những người Magi trở thành thầy dạy các vua Ba Tư. Ở Ba Tư, người ta không được dâng hiến lễ vật, nếu không có thầy tư tế. Các Magi có tài về thuốc, về thiên văn và về triết học. Họ cũng biết giải thích các giấc mộng. Về sau từ  “magi” bị hạ thấp để chỉ về những người bói toán, đồng bóng …Tiên khởi họ là những người tốt, thánh thiện và biết đi tìm chân lý.

Có giai thoại đã cho rằng con số các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu là 12. Sau đó căn cứ theo ba lễ vật cho rằng có 3 vua thôi. Vì thế ngày xưa gọi là Lễ Ba Vua. Nay thì gọi là Lễ Hiển Linh. Người ta cũng cho biết ba vua tên là : Cas-par, Mel-thi-or và Bal-tha-sar. Vua Melthior già, tóc mầu nâu, râu dài, mang lễ vật vàng. Vua Caspar trẻ, không có râu, da đỏ, mang nhũ hương. Vua Balthasar da đen, râu lún phún, mang mộc dược.

BTM : Các nhà chiêm tinh đi tìm Chúa, nhờ nhìn thấy ngôi sao : “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,2).

Ngày xưa người ta tin rằng : khi một ngôi sao lạ xuất hiện là có một đấng vị vọng ra đời. Vua Alexandre của Hy Lạp hay vua Caesar của Rôma sinh ra, người ta cũng nói có sao lạ xuất hiện. Người Hy lạp gọi những người nổi tiếng là sao. Ngày nay cũng vậy, các tài tử nổi tiếng gọi là “minh tinh màn bạc” (ngôi sao sáng của sân khấu); các cầu thủ giỏi gọi là “siêu sao”. Trong nghề bói toán, người ta cũng xem “sao chiếu mệnh” để biết vận mạng con người. Người Do Thái cũng vậy, nên sách Dân Số có lời sấm của Ba-la-am : “Một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng chỗi dậy từ It-ra-en” (Ds 24,17).

Các nhà chiêm tinh theo ngôi sao lạ đi tìm. Ngôi sao lạ không đưa họ tới Belem, mà đưa họ tới Giêrusalem. Tới Giêrusalem, họ hỏi vua Hêrôđê : “Đức vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu” (Mt 2,2). Vua Hêrôđê đã hỏi các thượng tế và kinh sư . Họ trả lời : “Tại Belem, miền Giuđê” (2,5).  Các nhà chiêm tinh đã tới Belem, dâng lễ vật cho Chúa Hài Nhi : vàng, nhũ hương và một dược. Vàng ám chỉ đến vương quyền. Ngày xưa vua Việt Nam cũng mặc áo mầu vàng và cái gì của vua cũng là mầu vàng : ngai vàng. Nhũ hương ám chỉ đến chức tư tế. Một dược ám chỉ đến cuộc thương khó của Chúa, vì một dược dùng để tẩm liệm người chết.

Bđ1 : Các nhà chiêm tinh tìm đến Belem để thờ lạy Chúa thể hiện lời ngôn sứ  I-sai-a trong bài đọc 1 của thánh lễ : “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3). Người ta vẽ các nhà chiêm tinh đi lạc đà là lấy hứng ở câu nói cũng của ngôn sứ Isaia : “Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha : tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm huơng và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (60,6).

Mađian, Êpha và Sơva là những địa danh của miền Ả Rập. Tên Sơva nhắc đến biến cố bà Sơva đã tìm đến vua Salômôn, để học hỏi sự khôn ngoan, và dâng cúng mọi lễ vật qúi giá. Thật ra, ngôn sứ Isaia chỉ nói về dân Israel vào những năm 537-520. Dân vừa được vua Kyrô của Babylon cho trở về quê hương. Lòng hăng say buổi đầu dần dần tàn lụi. Họ đã nản lòng nhụt chí, khi nhìn đến mảnh đất quê hương bị các dân lân bang ngoại đạo đến ở, đặc biệt là miền Samari. Rồi cảnh thành phố Giêrusalem qua 50 năm lưu đày bị bỏ hoang, Đền thờ bị tàn phá bình địa. Công việc tái thiết cũng đầy vất vả khó khăn. Chính trong hoàn cảnh buồn chán đó, ngôn sứ Iasia đã cất tiếng, để an ủi và khích lệ họ : “Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu rọi” (60,1).

Sau những ngày đau thương khó khăn là những ngày huy hoàng vui sướng : “Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng dạ ngươi hớn hở tưng bừng, vì nguồn giầu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi” (60,5). Đền thờ Giêrusalem không chỉ có người Israel đến bái thờ Thiên Chúa, mà cả muôn dân muôn nước cũng sẽ đến bái thờ. Việc các nhà chiêm tinh, những người ngoại giáo, đến bái thờ Hài Nhi Giêsu là thể hiện lời ngôn sứ Isaia.

Bđ2 :  Trong thư Ê-phê-sô của thánh lễ hôm nay, việc Thiên Chúa tỏ cho dân ngoại biết Người, thánh Phaolô gọi là “kế hoạch ân sủng” : “Hẳn anh em đã được biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi” (Ep 3,2). Thiên Chúa ủy thác cho thánh Phaolô vì Thiên Chúa đã dành riêng ngài cho dân ngoại (Cv 9,15). Thánh Phaolô còn gọi là “Mầu nhiệm Đức Kitô” : “Người đã mặc khải để tôi biết mầu nhiệm Đức Kitô…Mầu nhiệm đó là : trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại đựoc thừa kế gia nghiệp với nguời Do Thái” (Ep 3,3.6).

Việc Thiên Chúa mặc khải cho dân ngoại biết Thiên Chúa, ngày nay ta gọi là “Hiển Linh”, nghĩa là Chúa Giêsu tỏ hiện thiên tính của Người cho các dân nước. Chính vì thế, chúng ta không còn gọi là Lễ Ba Vua, mà gọi là Lễ Hiển Linh.

Chúng có thể đưa ra câu hỏi : Thiên Chúa tỏ cho mọi người biết Chúa, vậy sao chỉ có một số ít ngưới biết Chúa, còn đa số chưa biết Chúa ? Có nhiều lý do, nhưng qua câu chuyện các nhà chiêm tinh thánh lễ hôm nay, có thể cho chúng ta biết một số lý do. Chuyện các nhà chiêm tinh tìm Chúa là một cuộc hành trình đức tin. Cuộc hành trình đức tin này gồm 2 giai đoạn :

1/ nhìn ngôi sao,

2/ nhờ sự chỉ dẫn Kinh Thánh.

Cuộc hành trình đức tin của mỗi người cũng thế. Trước hết là nhìn trời mây và vạn vật mà biết có Thiên Chúa. Sau đó nhờ Lời Chúa mà biết được Thiên Chúa là ai. Nếu không cần Lời Chúa thì ngôi sao cứ dẫn họ tới thẳng hang đá Belem, chứ  ghé qua vua Hêrôđê làm gì ?

Những người lương họ cũng biết Thiên Chúa, vì họ nhìn vũ trụ mà biết có “Ông Trời”. Nhưng họ chưa biết Chúa là ai, vì họ chưa được nghe và đọc Lời Chúa. Thánh Phaolô viết trong thư Rôma : “làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không đựơc nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ? Như có lời chép : Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” (Rm 10,14-15).

Như vậy, người Việt Nam tất cả đều biết Chúa, nhưng không đến thờ lạy Chúa, là vì họ chưa được nghe chúng ta rao giảng Lời Chúa.

     Năm nay Giáo hội Việt Nam mời gọi mọi người giáo dân ý thức và chăm lo cho việc truyền giáo. Lễ Hiển Linh hôm nay là cơ hội thuận tiện để chúng ta suy nghĩ, cầu nguyện và dấn thân trong việc truyền giáo ngay trong gia đình của mình (PH.4-1-2004).

Lời Bảo số 12 của Lịch Giáo Phận in lại lời Tông Huấn “Niềm Vui Của Tình Yêu” số 228 như sau : “Có thể là một trong hai người phối ngẫu chưa rửa tội, hoặc không muốn sống những cam kết của đức tin. Trong trường hợp đó, ước nguyện của người kia muốn sống và triển nở trong đời sống Kitô hữu gặp phải sự thờ ơ của vợ hoặc chồng, có khi cũng đau đớn. Tuy nhiên, có thể tìm ra một vài giá trị chung để chia sẻ và nhiệt tình vun đắp. Dù sao, yêu người phối ngẫu không phải là tín hữu, làm cho người ấy hạnh phúc, xoa dịu những nỗi đau và chia sẻ cuộc sống với người ấy, đó quả thực là một con đường nên thánh. Đàng khác, tình yêu là một quà tặng của Thiên Chúa, và ở đâu tình yêu lan tỏa ở đó người ta sẽ cảm thấy có sức mạnh biến đổi, bằng những cách đôi khi hết sức nhiệm mầu, thậm chí đến mức “một người chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và một người vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ chồng (1Cr 7,15)” (7-1-2018).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành