Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả


CN.12.B – 2018

LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

24-6-2018

Giáo Huấn

NIỀM VUI YÊU THƯƠNG

Thực tế hiện nay của gia đình số 42

 

Sự sút giảm dân số, do một não trạng chống lại việc có con, được hậu thuẫn bởi những chủ trương của thế giới về sức khỏe sinh sản, tạo ra không chỉ một tình trạng trong đó mối tương quan giữa các thế hệ không còn được bảo đảm, mà còn có mối nguy rằng, dần dà sự tụt giảm này sẽ dẫn đến kiệt quệ về kinh tế và mất hết hy vọng về tương lai. Sự phát triển công nghệ sinh học cũng có một tác động lớn trên tỉ lệ sinh sản. Thêm vào đó là những yếu tố khác như “công nghiệp hóa, cách mạng tình dục, nỗi sợ lạm phát dân số và những vấn đề kinh tế… Chủ nghĩa tiêu thụ cũng ngăn cản người ta sinh con, đơn giản vì họ muốn duy trì một sự tự do và một lối sống nào đó”. Lương tâm ngay thẳng của các vợ chồng vốn quảng đại trong việc chuyển thông sự sống vẫn có thể đưa họ đến chỗ hạn chế số con của mình, vì những lý do chính đáng, tuy nhiên cũng chính “vì phẩm giá lương tâm mà Giáo Hội mạnh mẽ phản bác sự can thiệp có tính áp đặt của nhà nước trong việc thúc đẩy ngừa thai, triệt sản và ngay cả phá thai”. Những biện pháp như thế không thể chấp nhận được ngay cả tại những nước có tỉ lệ sinh sản thấp một cách đáng ngại, người ta cũng thấy những chính trị gia hô hào điều này. Như các giám mục Hàn Quốc đã nói, đó là “hành động tự mâu thuẫn và chối bỏ bổn phận của mình” (Lm Lê Công Đức chuyển ngữ).

————————————————

CN.12.B

(Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80)

Chiều thứ ba ngày 19-6-2018 tại sân Nhà Thờ Chánh Tòa, trong Lễ Khai Mạc Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử đạo Việt Nam, Đức cha Giuse, giám mục giáo phận Đà Nẵng, đã mời gọi cộng đoàn : “Mỗi người cần nhìn lại lịch sử truyền bá đức tin đã để lại dấu son trong lịch sử và niềm tự hào của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh dũng đã dám sống mầu nhiệm, chấp nhận chết để mang lại nhiều hoa trái. Từ năm 1638 đến năm 1886 là cuộc bách hại kéo dài, Giáo Hội Việt Nam đã đóng góp cho gia sản Giáo Hội một sự nghiệp đức tin to lớn trong hơn 130 ngàn vị Tử Đạo, đã có 117 vị được tuyên phong Hiển Thánh để cho toàn thể thế giới tôn kính và noi gương anh dũng của các ngài, đồng thời để cho người Công Giáo Việt Nam là con cháu biết nối gót cha ông dám sống trong mọi hoàn cảnh, vẫn trung thành với Chúa và Giáo Hội, với đức tin bằng chính cuộc sống làm nhân chứng tình yêu của mình” (Mạng GP.Đà Nẵng).

Người ta không nhìn ra nhiệm vụ, lý tưởng của mỗi người sinh ra, nên người ta không muốn sinh con, triệt sản, phá thai…

Quan xử thánh Phaolô Bường khuyên thánh nhân bỏ đạo. Thánh Phaolô Bường trả lời : “Tôi đang đi đến đích của đời tôi”.

Thánh nhân sinh khoảng năm 1773 tại Phủ Cam Huế. Dòng tộc của Người có nhiều quan lớn trong triều vua Lê, nhà Nguyễn. Chính Người là quan thị vệ.

Năm 1831, Người được sai vào Quảng Nam dẹp giặc Đá Vách. Có người ghen ghét Người, tố cáo Người là Công giáo. Vua Minh Mạng hỏi :

Khi xong công tác, khanh có viếng chùa Non Nước không ?

Người đáp :

Vì hoàng thượng không truyền nên thần không đi. Hơn nữa chùa Non Nước không có giặc để đánh.

Vua hỏi tiếp :

Lệ thường dẹp giặc xong thì phải vô chùa lễ bái, sao khanh không đi ?

Người đáp :

Vì hạ thần theo đạo Công Giáo.

Vua Minh Mạng giận, hạ lệnh đánh 80 roi và giáng xuống làm lính.

Hơn 1 năm sau, cuối tháng 12-1832, vua ra chiếu cấm đạo và truyền những lính thị vệ là Công giáo phải khai tên tuổi. 12 lính Công Giáo khai tên và bị bắt giam.

Viên quan xử thánh Phaolô Tống Viết Bường khuyên :

      –    Ông không có tội gì ngoài tội theo đạo Công giáo, ông hãy bỏ đạo, hoàng thượng sẽ tha và hoàn lại cấp bậc cho ông.

Thánh nhân đáp :

Không, tôi đang đi đến đích của đời tôi, tôi không muốn lùi lại.

Ngày 23-10-1833 thánh nhân bị chém đầu tại nền nhà thờ Thợ Đúc (Lm Bùi Đức Sinh, Đạo Công Giáo Ở Việt Nam, T.II, tr.47).

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Gioan Tẩy Giả. Thánh Gioan Tẩy Giả có hai lễ : lễ hôm nay ngày 24-6 mừng sinh nhật của Người, và ngày 29-8 là lễ Người bị trảm quyết. Trong Giáo hội ít có vị thánh có hai lễ.

Thánh Gioan là con của thầy tư tế Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. 12 chi tộc dân Ít-ra-en có một chi tộc A-ha-ron lo việc tế tự. Đã sinh ra từ chi tộc Aharon đương nhiên là tư  tế. Chi tộc tư tế Aharon chia làm 24 nhánh. Ông Dacaria thuộc nhánh A-bi-a. Chỉ ba lễ trọng là lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều tất cả các tư tế đều được thi hành nhiệm vụ. Còn những ngày khác trong năm thì mỗi nhánh phục vụ hai lần, mỗi lần một tuần. Các tư tế quí trọng nhiệm vụ và chỉ mong đến tuần phục vụ. Đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời trong đời.

Có 24 ngàn tư tế, như thế mỗi nhánh khỏang độ 1000 tư tế. Các bổn phận trong nhánh đều do bốc thăm. Mỗi sáng và mỗi chiều lễ vật hy sinh dâng lên là để cầu cho Đất Nước. Của lễ hiến dâng là một con chiên đực, một tuổi, không vết khoang và tì ố. Cùng với thịt chiên là bột mì, dầu ô-liu và rượu nho. Trước khi dâng lễ vật ban sáng và sau khi dâng lễ vật ban chiều, hương được thắp trên bàn hương, để lễ vật tiến dâng lên Thiên Chúa được hương thơm bao phủ. Có thể có những tư tế trong đời không được phúc dâng hương. Nếu bắt thăm được thì đó là ngày trọng đại trong đời, ngày mơ ước và mong đợi.

Các tư tế tuyệt đối lập gia đình với những người con gái Do thái thuần chủng. Nếu lấy được người con gái trong dòng tộc Aharon thì tuyệt hơn. Bà Êlisabét thuộc chi tộc Aharon. Cuộc hôn nhân của ông Dacaria là lý tưởng.

Cuộc sống gia đình của tư tế Dacaria xem ra lý tưởng, song không thóat nỗi nhục nhằn đau khổ. Ông và bà Êlisabét không có con. Các kinh sư Do thái thường nói có 7 hạng người bị Thiên Chúa lọai bỏ, trên hết phải kể là hai hạng người sau đây : 1- Người không có gia đình, không có chồng hay không có vợ; 2- Người không có con. Không con là một lý do chắc chắn được phép ly dị. Trong ngày trọng đại được dâng hương, ông Dacaria chắc hẳn đã nghĩ đến thảm kịch của gia đình mình và đã cầu nguyện nhiều.

Trong khi tư tế dâng hương thì dân chúng tụ tập rất đông. Vinh hạnh cho vị tư tế sau buổi chiều hiến tế, vị tư tế tiến về phía dân chúng để chúc phúc. Dân chúng đã lấy làm lạ là ông Dacaria ở trong gian cung thánh khá lâu. Nay lại thấy ông không nói được và sắc mặt ông thay đổi, dân chúng đóan ông được sự lạ.

Sau tuần lễ dâng hương, về nhà, ông cho bà Êlisabét biết ơn Chúa ban cho ông bà có con, và ông bà cũng chia sẻ với đồng hương niềm vui  to lớn này. Đức Mẹ cũng đến chia vui, và giúp đỡ bà chị mình được mẹ tròn con vuông.

Quê hương của hai ông bà Dacaria và Êlisabét là làng A-in Ca-rin, cách thủ đô Giêrusalem 8 cây số. Khi Đức Mẹ đến như thánh Luca kể lại : “Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần kêu lớn tiếng và nói rằng : ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này.

Tại nước Do thái, sinh con trai là hạnh phúc và ngày đó là ngày trọng đại. Lúc người mẹ lâm bồn thì bạn bè và các nhạc công tự động kéo nhau đến nhà. Khi được loan báo đứa con ra đời là con trai, thì các nhạc công đánh đàn, ca hát và nhảy múa. Còn nếu sinh con gái thì họ không ca hát, đánh đàn và nhảy múa, mà vác đàn lủi thủi ra về. Đã có câu nói : “Sinh con trai thì cả vũ trụ vui mừng, sinh con gái thì cả vũ trụ u buồn”. Như vậy, ông Dacaria và bà Êlisabét sinh Gioan, đứa con trai đầu lòng và duy nhất, hẳn phải vui mừng gấp bội.

Đứa trẻ được đặt tên là Gioan. Đó là tên thiên thần đã loan báo. Gioan là tên viết tắt của tên Giê-hô-han-an có nghĩa là “Qùa tặng của Thiên Chúa”, hay có nghĩa là “Thiên Chúa dễ thương”. Trong sách Bốn Tin Mừng của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ viết : Gioan là yo-ho-khan-an, yo-ho-khan-an có nghĩa là Đức Chúa thương xót, ban ân huệ, ban ân sủng.

Còn chúng ta gọi là Gioan Tẩy Giả hay là Gioan Tiền Hô để nói lên sứ mạng, nhiệm vụ Chúa trao. Biệt hiệu Tẩy giả nghĩa là người rửa. Thánh Gioan đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu và dân chúng trong dòng sông Gióc-đan. Còn biệt hiệu Tiền Hô thì chính thánh Gioan đã nói : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” (Ga 1,23)

Đối với người Do thái, một đứa con ra đời có hai ý nghĩa : 1- Đó là đặc ân Thiên Chúa ban cho đôi vợ chồng. Vợ chồng phải cảm tạ Thiên Chúa; 2- Đó là trách nhiệm to lớn của cha mẹ và những người giáo dục. Vì thế thánh Luca ghi lại : “Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ? Tuy nhiên thánh Luca cũng viết : “Có bàn tay TC phù hộ em. Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen”.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đời ẩn tàng một sứ mạng, nhiệm vụ, bổn phận Chúa giao phó.

Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam giúp chúng ta chu toàn sứ mạng Chúa trao khi sinh ra trên đời.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành