Lễ Giáng Sinh


Lễ Giáng Sinh 2018

 

Các người chăn chiên đã ra về, cả ba vua cũng trở về quê hương của mình. Thánh Giuse và Đức Mẹ nghĩ rằng : không còn ai đến viếng thăm Chúa Hài Đồng. Hai ngài quét dọn hang đá, sửa soạn một chỗ trong hang cho sạch sẽ, ấm cúng, để Chúa Hài Đồng nằm ngủ.

Thánh Giuse ra ngoài hang tìm mấy cành củi, chất thành đống trước cửa hang để đốt cháy lấy hơi nóng sưởi ấm cho Chúa Hài Đồng. Mùa Đông năm nay lạnh khác lạ. Áo ấm, chăn mền không đủ để xua đi những cơn gió lạnh tạt vào hang.

Thánh Giuse trông thấy một bóng đen từ xa đang di chuyển về phía hang đá. Bóng tối khiến thánh Giuse không nhận ra đó là vật gì : người hay thú vật. Thánh Giuse trở lại hang nói với Đức Mẹ. Nghe thánh Giuse nói, Đức Mẹ cho là một tên trộm, tên cướp đêm đến ăn cướp.

Tiền bạc thì không có, chỉ còn mấy củ khoai để hai ông bà điểm tâm và bình sữa “cô gái Hà Lan” cho Chúa Hài Đồng uống. Đức Mẹ giấu kỹ nơi đống rơm. Đức Mẹ lo lắng nói với thánh Giuse : “Nếu tên ăn trộm tìm thấy, thì ngày mai lấy gì mà ăn !

Thánh Giuse bàn với Đức Mẹ : “Hai đứa mình xuống đứng ở cửa hang. Tên trộm tới thấy chúng mình quần áo rách rưới. Nó nghĩ chúng mình nghèo, chẳng có gì đáng giá để chúng lục soát. Chả nhẽ nó lấy đi mấy củ khoai và hộp sữa ?”.

Hai ông bà đứng đợi trước cửa hang. Bóng đen ngày một gần. Bóng đen tới. Đó là một bà già lưng còng, không làm sao đứng thẳng lên được. Bà già nói, mà đầu cứ cúi gầm xuống đất. Bà giới thiệu về mình với thánh Giuse và Đức Mẹ : “Thưa hai ngài, con là bà Evà, người đàn bà đầu tiên Chúa đã dựng nên. Xin hai ngài cho con được gặp Chúa Hài Đồng”.

Thánh Giuse và Đức Mẹ rất ngỡ ngàng, chẳng nói được lời nào với bà Evà. Để bà Evà được thỏa mãn, thánh Giuse và Đức Mẹ đỡ bà Evà trèo lên hang, để gặp Chúa Hài Đồng. Bà qùi gối xuống. Bà muốn ngẩng đầu cho thật cao để được chiêm ngắm Chúa Hài Đồng, nhưng không sao cất đầu lên được, lưng như muốn còng xuống thêm.

Sau khi vái chào Chúa Hài Đồng ba vái, bà lấy từ trong vạt áo ra một trái táo. Bà dâng cho Chúa Hài Đồng. Bà để trái táo vào đôi bàn tay bé bỏng của Chúa Hài Đồng. Rồi bà gục đầu xuống những cộng rơm khóc nức nở.

Lạ lùng thay, trước đây bà không sao ngẩng đầu nhìn được Chúa, lúc này bà đã ngẩng đầu lên được. Lưng bà đã hết còng. Trái táo trong đôi tay Chúa Hài Đồng biến thành trái địa cầu, có đủ mọi nước trên thế gian. Nước mắt bà biến thành những sợi giây bóng đèn lấp lánh. Chúa Hài Đồng nhìn bà và cười thật tươi. Nụ cười trên đôi môi của Chúa xóa đi hết nỗi buồn trong lòng bà. Bà cảm thấy chưa bao giờ tâm hồn được bình an bằng lúc này. Một niềm vui dạt dào kể sao cho xiết.

Bà cám ơn thánh Giuse và Đức Mẹ, rồi vái chào Chúa Hài Đồng ra về. Trên đường về, bà luôn nghe văng vẳng bên tai lời hát của thiên thần : “Vinh danh Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương !”. Bà nghĩ : mình là người đầu tiên phạm tội, làm Chúa phải sinh xuống trần, và bà cũng là người đầu tiên được Chúa thương tha thứ tội lỗi.

Tha thứ tội lỗi, đó là mục đích Chúa sinh ra đời. Khi hiện ra, thiên thần đã nói với thánh Giuse : “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1,21). Khi dâng thánh Gioan vào Đền Thờ, ông Dacaria đã chúc tụng Thiên Chúa : “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,68). Ông già Simêôn cũng sung sướng nói : “Mắt con đã thấy ơn cứu độ Ngài đã bày ra trước mặt muôn dân” (Lc 2,31).

Theo quan niệm của người Do Thái, những người chăn chiên và những người ngoại giáo là những người tội lỗi. Thế mà những người chăn chiên và ba vua là những người tội lỗi, lại là những người đầu tiên được gặp Chúa Hài Đồng.

Chúa xuống trần để tha thứ tội lỗi cho loài người.

Lễ Giáng sinh năm nay, tôi có gặp được Chúa Hài Đồng không ? Được hay không là do tôi có ăn năn thống hối, xa lánh tội lỗi hay không ? Ước gì ai trong gia đình chúng ta cũng cố gắng sửa mình, sống thánh thiện, để được gặp Chúa trong máng cỏ.

 

LỄ NỬA ĐÊM

Chúng ta không chỉ nhìn ngắm hang đá, xem hang đá năm nay có đẹp hơn năm ngoái, hay có đẹp hơn những nhà thờ khác không. Song chúng ta phải chiêm ngắm Chúa Giêsu nằm trong hang đá. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao Chúa Giêsu lại sinh ra đời ? Ngài sinh ra đời cả hơn 2000 năm, Ngài đã làm gì cho mỗi người chúng ta và cho đời ? Chẳng không thể hiểu được, nếu không có Lời Chúa trong thánh lễ Nửa Đêm hôm nay. Xin Lời Chúa soi dẫn chúng ta.

 Bài đọc 1  : Lời Chúa trong bđ1 được đọc trong sách ngôn sứ Isaia. Câu đầu tiên của bài đọc nói lên thảm cảnh quê hương đất nước của ngôn sứ Isaia, cả Israel miền Bắc lẫn Giuđa miền Nam.

Câu đầu tiên là : “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm” (Is 9,1). Qủa thật, dân của ông “đang lần bước giữa tối tăm”. Năm 732 trước CGS, vì Giuđa miền Nam không ủng hộ chống lại đế quốc Assyri, nên Israel miền Bắc liên minh với nước Aram tiến đánh Giuđa miền Nam. Vua Akháp, miền Nam cầu viện đế quốc Assyri. Thừa cơ hội, Assyri đem quân đánh và biến Israel miền Bắc thành một tỉnh của họ. Từ đó Galilê, miền Bắc, được gọi là “Galilê của dân ngoại” (Mt 4,15). Đến năm 721 Israel miền Bắc hoàn toàn bị Assyri xâm chiếm và bắt đi lưu đày.

Tuy cầu viện với Assyri để đánh miền Bắc, nhưng Giuđa miền Nam vẫn bị Assyri thôn tính. Thấy vậy, vua Akháp liên minh với Ai Cập để chống lại, nhưng đã thất bại, đến năm 587 thì bị xâm chiếm hoàn toàn và cũng bị lưu đày sang Babylon như miền Bắc trước đây.

Thấy các vua không còn tin tưởng vào Thiên Chúa cứu vớt, mà cứ chạy đi cầu cứu hết ngoại bang này tới ngoại bang khác, ngôn sứ Isaia can ngăn không được, thì đã tiên báo :  “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel” (7,14). Đó là dấu hiệu Thiên Chúa không bỏ rơi, nhưng Thiên Chúa sẽ ra tay cứu thoát, Thiên Chúa ở với con người mãi mãi : Emmanuel nghĩa là TC-ở-cùng-chúng-ta. Ngôn sứ Isaia còn lặp lại 2 lần nữa. Lần thứ hai là : “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5). Và lần thứ ba là : “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non” (11,1).

Bđ1 đêm nay là lời tiên báo lần thứ hai, đồng thời cũng là lần mô tả ngày đăng quang của Đấng Emmanuel. Theo quan niệm của người Ai Cập : ngày vua lên ngôi cũng là ngày sinh của vua. Tác giả của Thánh vịnh 2 cũng mô tả ngày đăng quang là ngày sinh : “Tân vương lên tiếng : ‘Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán bảo tôi rằng : ‘Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’” (Tv 2,7).

Ngày đăng quang của vua Ai Cập, tên của vua được xướng lên và kèm theo 5 danh hiệu. Còn vua Emmanuel chỉ có 4 danh hiệu : Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng Mãnh, Người Cha Muôn Thuở, Thủ Lãnh Hòa Bình (Is 9,5).  Ở bảo tàng viện London, qua các hiện vật trưng bày, người ta có thể thấy được sự độc ác và dã man của người Assyri. Vì thế, vua Emmanuel đến để “Ngài bẻ gẫy cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp… Mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị thiêu, làm mồi cho lửa” (9,3.4).

 

Bài Tin Mừng : “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta” mà ngôn sứ Isaia tiên báo chỉ thể hiện đầy đủ nơi Đức Giêsu nằm trong máng cỏ, như lời thiên thần loan báo cho các mục đồng : “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại cũng là niềm vui cho toàn dân : Hôm nay Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (Lc 2,10-11). Những hình ảnh mà thánh Luca mô tả trong câu chuyện Chúa giáng sinh hôm nay nói lên niềm vui lớn lao cho nhân loại.

Trước hết là hình ảnh “Hoàng đế Augúttô” : “Hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ” (Lc 2,1). Đó là hoàng đế Xêda Augúttô, một trong những hoàng đế nổi tiếng của đế quốc Rôma. Ông cai trị từ năm 30 trước CGS đến năm 14 sau CGS. Sau 3 năm lên ngôi, năm 27 trước CGS, thượng viện Rôma phong cho ông tước hiệu “Augúttô”, tiếng Hy Lạp là “Sebastos”, có nghĩa là “đáng được tôn thờ”. Qua tước hiệu Augúttô, ông là người mà đòi làm Thiên Chúa. Trong khi đó Đức Giêsu là Thiên Chúa lại tự hạ làm “một trẻ thơ bọc tả nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Chúa giáng sinh để “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng… mà nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51.52).

Hình ảnh thứ hai là “những người chăn chiên” : “Trong vùng ấy có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần đứng bên họ” (2,8). Theo quan niệm thời đó, những trẻ chăn chiên được liệt vào hạng trộm cắp, hạng người đứng bên lề xã hội. Chính những người bị xã hội bỏ rơi, Chúa lại thương yêu : “Tôi báo cho anh em một tin vui mừng trọng đại”. Ngay cả Đức Mẹ cũng chỉ là cô gái quê và thánh Giuse là bác thợ mộc, chẳng có một địa vị gì sang trọng trong xã hội: “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48).

Hình ảnh thứ ba là “Chiếu chỉ kiểm tra dân số” : “Hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số” (2,1). Kiểm tra dân số có hai mục đích : một là để thu thuế, hai là để thu quân, bắt lính. Năm thứ 6 sau CGS, người Do Thái đã nổi dậy chống lại cuộc kiểm tra và đã bị đàn áp đẫm máu. Chúa giáng sinh để bẻ gẫy ách thống trị, bóc lột và dập tắt lửa chiến tranh : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (2,14).

Hình ảnh thứ tư là Belem : “Ông Giuse từ thành Nadarét lên thành Belem…để khai tên” (2,4). Belem có nghĩa là “Nhà bánh”. Không những Chúa Giêsu dùng quyền năng để làm cho tâm hồn người ta trở nên thánh thiện, tốt đẹp, hầu  loài người sống hạnh phúc với nhau, mà tự bản thân Chúa Giêsu còn hy sinh để trở thành “bánh”, “Bánh Thánh Thể” để hằng ngày nuôi sống, trợ lực loài người sống tốt, sống đẹp.

Câu chuyện Giáng sinh như gồm 2 phần : phần đầu là hang đá bóng tối, đau khổ; phần hai là vinh quang chiếu tỏa, thiên thần ca hát. Đúng như  lời ngôn sứ  Isaia trong bđ1 : “Đoàn dân đang lần bước đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mùng” (Is 9,1-2).

 

Bài đọc 2 : Đêm nay Thiên Chúa thương loài người mà giáng trần, đêm nay Chúa Hài Nhi khó nghèo nằm trong máng cỏ, cốt để, như thánh Phaolô nói  : “đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,11).

Chúa Giáng sinh cốt  để giúp con người làm cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng nội tâm, cuộc cách mạng ngay từ bản thân mình.

***

Dù lễ Phục Sinh là lễ trọng nhất của đạo Công giáo, nhưng cũng không được trang trí lộng lẫy cho bằng lễ Giang Sinh. Lễ GS cũng là lễ vui nhất. Lễ GS không những làm cho người tin Chúa vui, mà còn làm cho người không tin Chúa cũng vui.

Hang đá, cây thông, ngôi sao, ông già Noen và các kiểu trang trí khác không chỉ ở trong nhà thờ, mà còn ở các đường phố, các cửa tiệm, cả các tư gia không tin Chúa.

Tại sao lễ Giáng Sinh làm cho người ta vui ?

Chúng ta hãy theo dõi các bài đọc Kinh Thánh trong đêm cực thánh này.

 

Bài đọc 1 : Những lời ngôn sứ I-sai-a trong bđ1 chan chứa niềm vui, vì những lời đó loan báo “một trẻ thơ chào đời để cứu ta” (Is 9,5). Nhìn cảnh mất nước nhà tan vào thời quân Ba Tư xâm chiếm và tàn phá vào thế kỷ 8 trươc CN, người Ít-ra-en nào mà chẳng tủi nhục, đau khổ. Song nghe những lời tiên báo này, mắt họ đã vơi  đi  những giọt lệ, và lòng họ đã nhảy múa vui mừng.

Bài Tin Mừng :  Ngôn sứ Isaia tiên báo “một trẻ thơ chào đời”. Trẻ thơ đó chính là Chúa Giêsu sinh hạ vào đêm nay.

Cám ơn thánh Luca đã kể lại câu chuyện Chúa sinh ra mà ai trong chúng ta cũng thuộc lòng. Câu chuyện được kể lại bằng chữ viết để đọc cho nhau nghe, được viết thành kịch để diễn cho nhau xem, được viết thành nhạc để hát cho vang trời. Xem những vở kịch, nghe những bài ca giáng sinh, dù lòng chúng ta có chai đá mấy cũng phải rộn ràng nao nức.

Thánh Luca kể : “Thời ấy, hòang đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (Lc 2,1). Thánh Luca đã nhắc đến ngày Chúa sinh ra vào thời  hòang đế Rôma Augúttô.

Như vậy, trước 8 thế kỷ, thời ngôn sư Isaia, dân Ítraen bị bóc lột đàn áp thế nào, thì dân Do Thái thời Chúa Giêsu cũng thế. Cứ 14 năm một lần, hòang đế Rôma truyền kiểm tra dân số, với hai mục đích : một là để bắt lính, hai là để bắt đóng thuế. Dân Do Thái không bị bắt đi lính, nhưng bị đóng thuế.

Hòang đế Rôma chẳng những bóc lột tài sản của cải, mà bóc lột cả con tim tấm lòng của dân Do Thái. Hòang đế Rôma tên chính thức là Xê-da, nhưng rồi đã kiêu ngạo, ông bắt quốc hội tôn ông là “Augúttô”, nghĩa là “đấng đáng được tôn thờ”. Ông không cho dân Do Thái thờ phượng Chúa nữa, mà bắt phải thờ phượng ông.

Chúa Giêsu đã sinh ra trong chính cái ngày “ai nấy về thành của mình mà khai tên tuổi” (2,3), ngày kiềm tra dân số, để chia sẻ nỗi nhục với quê hương và nỗi khổ đau với đồng bào.

Chúa đã sinh ra trong máng cỏ, vì “không tìm được chỗ trong nhà trọ” (2,7). Tinh thần hiếu khách của ngưoời Đông phương rất cao. Họ không còn chỗ đón tiếp, vì khách đi về qúa đông, nhưng họ sẵn sàng cung cấp thức ăn cho đòan vật và củi lửa để khách nấu ăn. Những ngọn đồi quanh Belem có những hang để chiên cừu đêm về nghỉ. Thánh Giuse và Đức Mẹ đã đến trú chân tại đó. Tại hang đá, Đức Mẹ “sinh con trai đầu lòng, lấy tả bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ” (2,7). Máng cỏ là chiếc máng đựng thức ăn cho đòan vật. Chúa Giêsu sinh ra để trở thành chiếc máng cỏ nuôi sống loài người.

Tã là một tấm khăn vuông bọc tòan thân, cả tay lẫn chân đứa bé. Bọc như thế, đứa bé không còn cựa quậy làm ngáng trở khi đi lại. Chúa Giêsu sinh ra bó gọn trong máng cỏ, và rồi chết cũng nằm bó gọn trong mộ đá, để cứu nhân độ thế.

Thiên thần báo tin cho các mục đồng : “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em… Người là Đức Kitô là Đức Chúa” (2,11).

Mục đồng là hạng người bị xã hội bỏ rơi. Chúng không tắm, người chúng bẩn thỉu, hôi hám. Công việc chăn chiên nay đây mai đó làm cho chúng không học được Luật và cũng không thể giữ Luật. Loài người đã bỏ rơi chúng, nhưng Chúa sinh ra đã nhớ đến chúng. Chúng là những người đầu tiên được loan báo tin vui Chúa giáng trần. Các mục đồng tượng trưng cho những con người xấu số, những con người đau khổ, những con người bị chê bỏ, những người tội lỗi. Chúa yêu thương họ trước hết, yêu thương họ nhiều nhất.

Bài đọc 2 : Thánh Phaolô trong bđ2 đã diễn tả lòng Chúa yêu thương qua những dòng chữ sau đây : “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thóat khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2,14).

Đấy lòng Chúa thương yêu lòai người đến thế, thì làm sao lòai người không vui ! Lễ Giáng Sinh là lễ vui nhất, vì là lễ của lòng Chúa thương yêu

LỄ RẠNG ĐÔNG

(Is 62,11-12; Tt 3,4-7; Lc 2,15-20)

Lời Chúa trong thánh lễ rạng đông sáng nay càng làm cho chúng ta thấm thía khẩu hiệu “Đức Kitô là Ánh Sáng muôn dân”. Câu khẩu hiệu, câu khẩu hiệu thức tỉnh cõi lòng mê ngủ của chúng ta về bổn phận làm con Chúa, làm bạn với đồng bào.

Bài đọc 1 : Đoạn sách chúng ta đọc trong thánh lễ sáng nay ở trong phần III của  Sách Isaia, được gọi là “Sách An Ủi”. Sách mô tả thời kỳ dân Do Thái thoát ách lưu đày Babylon, trở về xây dựng lại quê hương và Đền thờ Giêrusalem. “Thiếu nữ  Sion” là biểu tượng thành Giêrusalem. Ngôn sứ  Isaia viết : “Đây là lời Đức Chúa loan truyền cho khắp cùng cõi đất. Hãy nói với thiếu nữ Sion : Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới.” (Is 62,11).

Trong thời lưu đày ở Babylon, thành Gêrusalem bị phạt, bị làm tôi tớ nô lệ, nay là kẻ chiến thắng, là kẻ được thưởng công : “Kìa phần thưởng ngươi theo sát một bên, và thành tích đi ngay trước mặt” (62,11). Ngày xưa thành  bị bỏ hoang như cô gái ế chồng, nay trở thành “Cô gái đắt chồng, Thành không bị bỏ” (62,12). Đặc biệt là ngày xưa bị Thiên Chúa từ bỏ, không còn là dân của Đức Chúa, nay được trở nên “dân thánh” (62,12), dân riêng của Đức Chúa, là “những người được Thiên Chúa cứu chuộc” (62,12).

 

Bài Tin Mừng : Nhưng vẫn chưa vui bằng niềm vui Chúa giáng trần hôm nay. Còn niềm vui nào hơn khi chúng ta được đọc cảnh các mục đồng hối hả về Belem thờ lạy Chúa Hài Nhi mà thánh Luca kể trong bài Tin Mừng : “Khi các thiên sứ rời những người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau : ‘Nào ta sang Belem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho chúng ta biết” (Lc 2,15).

Trong tiếng Việt Nam là “để xem sự việc đã xảy ra”. Trong tiếng Hy Lạp là “lời”, “để xem lời đã xảy ra”. Còn trong tiếng Do Thái thì có 3 nghĩa : lời, sự việc và biến cố. Thánh Gioan trong lời tựa cũng gọi Chúa Giêsu là “Lời” : “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Nằm trong máng cỏ, Ngôi Lời đã không nói, Người im lặng. Nhưng chính khi Ngôi Lời nằm trong máng cỏ đã nói lên hết rồi, nói lên tất cả  lòng thương của Thiên Chúa, lòng thương đến nỗi chẳng có lời nào ở trần gian có thể diễn tả được.

 Khi tới nơi, các mục đồng không chỉ xem thấy Ngôi Lời nằm trong máng cỏ, mà còn thấy cả Đức Mẹ và thánh Giuse : “Họ liền hối hả ra đi và gặp thấy bà Maria, ông Giuse cùng với hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (2,16).

Dân thành Belem đã không thấy Hài Nhi và cũng đã không thấy cả Đức Mẹ và thánh Giuse. Vì thế Các Ngài phải đến hang chiên bò. Chỉ có những mục đồng, những người không coi chiên bò là vật dơ bẩn, tầm thường, phải xa tránh, đã sống cùng chiên cùng bò, thì mới thấy được Hài Nhi, Đức Mẹ và thánh Giuse ở trong hang chiên bò.

Tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ trước hết trong tình yêu gia đình. Những người chăn chiên đã yêu qúi chiên bò như con mình, nên đã thấy gia đình của Hài Nhi Giêsu. Những người chăn chiên luôn luôn phải xa nhà, xa gia đình, thiếu vắng tình cha tình mẹ, nên họ mới có thể thấy Đức Mẹ và thánh Giuse, những người cha người mẹ trong hang bò lừa.

Thiên Chúa cũng ở trong cả những gì thấp hèn. Những người chăn chiên thấp hèn, nên đã thấy Thiên Chúa trong những cái thấp hèn. Họ cũng là những người đã nếm nhục nuốt sầu, bị xã hội khinh chê, bị cộng đoàn loại bỏ, nay được Thiên Chúa yêu thương, nên họ không thể không nói ra. Đáng lý Đức Mẹ, thánh Giuse phải kể cho họ nghe điều kỳ diệu của lòng thương Thiên Chúa. Nhưng khi tai đã được nghe, mắt đã được thấy, thì họ đã mau miệng kể cho Các Ngài nghe : “Họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi” (2,17).

Thiên Chúa duới hình dáng Hài Nhi không nói không lời, để làm cho những  mục đồng được nói lên lời. Những mục đồng đã phải lang thang hết đồng cỏ này sang  đồng cỏ khác, chẳng bao giờ được học hành, được dạy dỗ, được học Luật để biết Thiên Chúa là ai, thế mà nay họ được biết Thiên Chúa, được biết Ngôi Lơi, thì làm sao họ không kể về Ngôi Lời cho Đức Mẹ và thánh Giuse nghe. Các mục đồng là những người đã hối hả ra đi “để xem Lời đã xảy ra” thì nay họ cũng mau miệng, tranh nhau “công bố Lời” cho thánh Giuse và Đức Mẹ. Không những họ kể cho Đức Mẹ và thánh Giuse, mà còn kể cho mọi người : “Vừa đi họ vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa và mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo” (2,20). Bài Tin Mùng chỉ có 5 câu,  mà các động từ về thông tin truyền thông được nhắc đến 8 lần : đã tỏ cho biết, kể, được nghe nói, nghe, nói cho biết, tôn vinh ca tụng, tai nghe mắt thấy, loan báo.

Nghe các mục đồng kể, Đức Mẹ đã “ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (2,19). Còn thánh Giuse thì sao ? Sách Tin Mừng của thánh Luca là sách viết về Đức Mẹ, Đức Mẹ là người tín hữu gương mẫu của mọi tín hữu. Hơn nữa thánh Giuse vẫn được mệnh danh là “người âm thầm”.  Các sách Tin Mừng không ghi lại một lời nào của thánh Giuse, chỉ ghi lại những việc làm. Nên thánh Luca cũng chỉ ghi lại những lời của Đức Mẹ.

Lễ Giáng sinh năm nay, chúng ta có cảm nhận được tình Chúa thương ta không ? Chúng ta hãy bắt chước các mục đồng “đã thấy thì cũng hãy kể lại, loan báo”.

***

Thiên thần bảo các mục đồng : “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người (Đấng Cứu Độ) là anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Khi các thiên thần đi về, thì các mục đồng hối hả đi Belem. Họ đã thấy Chúa nằm trong máng cỏ.

Tại sao Chúa xuống thế với hình dáng của một trẻ thơ nghèo hèn như vậy ? Thưa, chính là để âu yếm lôi kéo con người đến hưởng ơn cứu độ.

Nếu Chúa sinh ra trong một gia đình giầu có, thì người ta nói : trái đất đổi thay theo quyền lực của đồng tiền.

Nếu Chúa chọn sinh ra ở Rôma, một thành phố lớn nhất bấy giờ, thì người ta bảo trái đất đổi thay bằng quyền lực của chính trị, của trật tự xã hội.

Nếu Chúa sinh ra trong gia đình của một ông vua, thì người ta không dám đến, và người ta bảo quyền thế bao giờ cũng hơn.

Chúa sinh ra là “một trẻ thơ bọc tã”, người ta nhận ra chính bàn tay của Chúa, chính tình thương của Chúa mới làm thay đổi bộ mặt trái đất.

Cuộc sống có thiếu những nhu cầu cần thiết, thì mới là phương thế tốt nhất để loan báo ý Chúa.

Chúa có là “trẻ thơ bọc tã nằm trong máng cỏ”, thì Chúa mới lôi kéo được người giầu lẫn người nghèo , lôi kéo được người có học lẫn người thất học, lôi kéo được người quyền thế lẫn người dân thấp cổ bé miệng.

Nhất là Chúa có là “trẻ thơ bọc tã nằm trong máng cỏ”, thì Chúa mới đứng về phía người nghèo, đứng về phía người bị ruồng bỏ. Bản chất của Chúa là tình thương (1Ga 4,8). Người có tình thương là người yêu thương những người không có tình thương.

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đã dạy : “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ?Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế” (Lc 6,32-33).

Chúa là “trẻ thơ bọc tã nằm trong máng cỏ”, để Chúa yêu thương chúng con. Chúng con cám ơn Chúa. Amen.

LỄ BAN NGÀY

(Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18)

Bđ1 tác giả sách TM, chỉ có một mình thánh Mc – tác giả sách TM thứ hai – là không có nhập đề, ngài vào đề ngay với  câu chuyện thánh Gioan Tẩy giả đi rao giảng. Còn ba tác giả kia đều có nhập đề. Thánh Mt và thánh Luca nhập đề bằng cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu. Thánh Gioan nhập đề bằng một luận đề Ngôi Lời.

Các sách Tin Mừng đều gọi là Đức Giêsu, chỉ có sách TM thánh Gioan gọi là “Ngôi Lời”.

Thường người ta chỉ gọi một từ “Lời”, nghĩa là lời nói, như Lời Chúa. Riêng thánh Gioan gọi là “Ngôi Lời”. Lời không chỉ là lời nói của Chúa, mà là Đấng là Lời của Thiên Chúa.

Tại sao thánh Gioan lại gọi Chúa Giêsu là Ngôi Lời ?

1- Đối với người Do Thái, một lời nói không chỉ là một tiếng nói. Lời là một hiện hữu độc lập và làm được nhiều việc. Giáo sư John Paterson nói: “Đối với người Do Thái, lời rất sống động…Lời là một đơn vị nghị lực đầy sức mạnh. Lời bay như viên đạn tới đích”. Chính vì thế, người Do Thái ít dùng lời. Một bài diễn văn của người Do Thái ít hơn khỏang 10.000 từ. Còn một bài diễn văn của người Hy Lạp nhiều tới 20.000 từ.

2- Cả hàng 100 năm trước khi Chúa Giêsu sinh ra, tiếng Hípri, tiếng Do Thái cổ, ít người hiểu và dùng. Cựu Ước phải dịch sang tiếng Aram, giống như cha ông chúng ta ngày xưa đổi chữ Hoa thành chữ Nôm. Bản dịch chữ Aram gọi là bản Targum. Trong các hội đường, người Do Thái đọc bản tiếng Hipri, nhưng sau đó lại đọc bản Targum với tiếng Aram.

Bản Targum được hình thành trong thời người Do Thái yêu kính tính siêu việt của Thiên Chúa. Vì thế, những người sọan thảo bản Targum rất sợ lẫn lộn giữa tư tưởng con người với tư tưởng của Thiên Chúa. Bản Targum thay vì nói “Lời Chúa” thì nói “Chúa”.

3- “Lời” tiếng Hy Lạp là “Logos”, nhưng “Logos” không chỉ có nghĩa là “Lời”, mà còn có nghĩa là “Lý trí”. Đối với thánh Gioan, khi dùng từ “Logos” đều hàm hai nghĩa : “Lời Chúa” và “Lý Trí của Chúa”.

Đôi với người Hy Lạp, Logos nguyên lý trật tự. Vũ trụ có trật tự lớp lang để tồn tại là nhờ Logos.

Các nhà Khắc kỷ của Hy Lạp nói : “Cái gì giữ các ngôi sao luân chuyển ? Cái gì làm cho thủy triều lên xuống ? Cái gì làm cho ngày đêm không lẫn lộn với nhau ? Cái gì đem mùa màng đến đúng thời hạn ? Họ đáp : Tất cả được điều khiển bằng Logos của Thiên Chúa”.

Tóm lại, từ Do Thái đến Hy Lạp đều cho rằng Lời không chỉ là lời nói, mà còn là một đấng, một ngôi vị, một Thiên Chúa. Do Đó thánh Gioan đã dùng từ “Ngôi Lời” để chỉ về Chúa Giêsu, mà người Do Thái và người Hy Lạp đều hiểu.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Thân phận con người ai cũng đã cảm nghiệm. Đức Phật nói : “Đời là bể khổ”, nghĩa là đời rất khổ, cái khổ không thể đếm được, không thể đo được, giống như không ai đếm đo được nước biển.

Chính cái thân phận khổ đau của con người như thế mà Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên người phàm, để ở giữa chúng ta, để cứu chúng ta.

Chính thánh Gioan cũng nói : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16).

Chiêm ngắm Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ chính là chiêm ngắm  Chúa thương nhân lọai đến nỗi trở nên người phàm đau khổ như chúng ta.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành