Lược Sử Giáo Xứ An Ngãi Đông – Giáo Hạt Hoà Vang


LƯỢC SỬ GIÁO XỨ AN NGÃI ĐÔNG

Giáo xứ An Ngãi Đông tọa lạc trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 18 km về phía Tây, hướng Khu du lịch Bà Nà Hill – Núi Chúa, giáp ranh với quận Liên Chiểu, bên cạnh khu công nghiệp Hòa Khánh.

  1. Giai đoạn hình thành và phát triển giáo họ

An Ngãi Đông trước đây là một giáo họ trực thuộc giáo xứ An Ngãi, một giáo xứ kỳ cựu, có truyền thống đạo đức và có số giáo dân đông nhất nhì giáo phận Đà Nẵng hiện nay.

Vào quãng năm 1935 An Ngãi Đông được thành lập với một giáo khóm nhỏ bé với khoảng 15 gia đình giáo dân Công Giáo, chiếm tỷ lệ 1/3 dân số trong làng, đa số là lương dân. Cuộc sống đơn sơ, vất vả với nghề làm rẫy trồng chè, cấy lúa và lên rừng kiếm củi tìm kế sinh nhai. Nhưng với lòng yêu mến Chúa, giáo dân quyết tâm khai hoang một mảnh đất với diện tích khoảng 8 sào ta, được Chính Quyền thời lúc bấy giờ cấp giấy chứng nhận.

Sau đó, ngôi nhà nguyện được dựng lên với những vật liệu thô sơ bằng tre nứa, mái tranh, vách đất, với diện tích khoảng 32 mét vuông và được hoàn thành vào năm 1939.

Mặc dầu chỉ là ngôi nhà nguyện đơn sơ, nhưng giáo dân có nơi để cầu nguyện sau những ngày vất vả, được ủi an trong đời sống tinh thần. Hằng năm, cha cố khiêm làm Quản xứ An Ngãi đã đến dâng Lễ cho giáo khóm vào những dịp đặc biệt.

Năm 1946, do hoàn cảnh đất nước biến động bởi chiến tranh, giáo dân phải di tản khắp nơi để lánh nạn, nhà nguyện bị bỏ hoang, mái tranh bị mục nát, vách tường siêu vẹo đổ ngã, cỏ cây mọc um tùm bên trong. Khi giáo dân tản cư về, không có điều kiện để tu sửa, nên lại không có nơi đọc kinh cầu nguyện, tất cả phải về giáo xứ An Ngãi tham dự các giờ kinh và Thánh Lễ.

Năm 1948, cha Giuse Lê Văn Ấn, sau này là Giám Mục giáo phận Xuân Lộc, làm Quản xứ An Ngãi. Ngài đã khích lệ giáo dân đi quyên góp một số nơi trong giáo phận, để xây dựng lại ngôi nhà nguyện với diện tích 128 mét vuông.

Đến năm 1950 nhà nguyện được hoàn thành. Kể từ đây, giáo dân có ngôi nhà nguyện khang trang hơn để sớm tối cầu nguyện. Sau khi cha Giuse Lê Văn Ấn chuyển về Đà Nẵng, các cha Luy Huỳnh Nhẫn, cha Đaminh Chân Phận, cha Phê-rô Nguyễn Đức Mân, cha Phê-rô Trần Anh Tước, lần lượt được bổ nhiệm làm Quản xứ An Ngãi, các ngài tiếp tục chăm sóc đời sống thiêng liêng cho giáo họ.

Sau biến cố năm 1975, cha cố Tôma Trần Ngọc Huờn về coi sóc họ đạo. Từ đây nhà nguyện nhỏ bé An Ngãi Đông có thánh lễ hàng ngày. Chính ngài cũng cho xây dựng nhà xứ. Tuy nhỏ bé, đơn sơ,  những cũng có chỗ để cha nghỉ ngơi và thi hành mục vụ giáo họ. Ngài đã gắn bó với giáo họ gần 20 năm, cho đến năm 1997, khi lâm trọng bệnh, ngài phải về nghỉ dưỡng tại Tòa Giám Mục và qua đời ngày 20 tháng 7 năm 2004.

Tiếp nối công việc mục vụ của cha cố Tôma, cha Gioan Baotixita Trần Văn Đán được bổ nhiệm về giáo xứ An Ngãi, và ngài tiếp tục coi sóc giáo họ. Mỗi tuần giáo họ sẽ được một Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật.

Đầu năm 2000, khu công nghiệp Hoà Khánh phát triển mạnh, nhiều người từ các nơi về đây làm việc, An Ngãi Đông trở thành nơi công nhân công giáo qui tụ. Vì nhu cầu mục vụ, cha cố Gioakim Trần Kim Thượng, Quản xứ An Ngãi lúc bấy giờ, đã tôn tạo lại nhà nguyện, và cùng với các cha phó: Antôn Trương Gia Ninh, Đaminh Trần Công Danh, Giuse Nguyễn Văn Khang, các ngài thường xuyên đến dâng Lễ và chăm sóc mục vụ, giúp cho đời sống đức tin của giáo dân trong giáo họ mỗi ngày thêm vững vàng hơn.

Năm 2005, các cha thuộc tu hội thánh Vinh Sơn về phụ giúp An Ngãi, hai cha Phê-rô Trần Công Thạnh và Giuse Nguyễn Công Chính giúp mục vụ tại giáo xứ An Ngãi; đồng thời, các ngài cũng cộng tác với cha Quản xứ An Ngãi chăm lo cho giáo họ An Ngãi Đông mỗi ngày thêm lớn mạnh.

Năm 2008, nhu cầu mục vụ di dân mỗi ngày thêm rõ nét, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã nâng giáo họ An Ngãi Đông lên thành giáo họ biệt lập, và chọn nơi đây làm trung tâm Mục vụ di dân của Giáo Phận Đà Nẵng, ngài mời gọi và trao cho Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam chăm sóc mục vụ. Ngài cũng cho phép Dòng được thiết lập cộng đoàn tại đây để phục vụ giáo họ. Cha Antôn Đỗ Kim Trọng là người đầu tiên của Dòng được cử đến phục vụ.

  1. Giai đoạn phát triển giáo xứ

Ngày 08 tháng 9 năm 2013, trong Thánh Lễ Tạ Ơn mừng Sinh Nhật Đức Mẹ, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã long trọng công bố quyết định thành lập giáo xứ An Ngãi Đông và chọn Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ làm Lễ Bổn Mạng, nhằm nói lên tâm tình con thảo đối với Mẹ và ước mong được đặt giáo xứ dưới sự bảo trợ của Mẹ. Cũng trong Thánh Lễ, Cha Antôn Đỗ Kim Trọng được Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri bổ nhiệm làm Quản xứ tiên khởi.

Năm 2015 do tình trạng sức khỏe, cha An-tôn Đỗ Kim Trọng được trở về nhà Dòng dưỡng bệnh. Đáp lại thỉnh nguyện của cha Bề Trên Giám Tỉnh Giuse Phan Ngọc Trợ, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Hoàng Phong làm Quản xứ. Thấy được nhu cầu mục vụ cần phải có các cơ sở hạ tầng thích hợp để đào tạo và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho bà con giáo dân trong xứ, nhất là đào tạo Giáo Lý đức tin cho giới trẻ và thiếu nhi, cũng như nhu cầu mục vụ di dân, ngài đã bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà thờ và nhà mục vụ.

Ngày 10 tháng 6 năm 2019, ngôi nhà thờ và nhà mục vụ được hoàn thành với nghi thức cắt băng khánh thành và Thánh Lễ Tạ Ơn thật trang trọng. Có sự hiện diện của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng làm chủ sự, cùng với các cha trong và ngoài Giáo Phận và đông đảo các thành phần dân Chúa từ khắp các miền đến tham dự.

Cũng trong Thánh Lễ Tạ Ơn mừng ngày khánh thành nhà thờ mới, cha Đaminh Phạm Văn Tụ, được Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân bổ nhiệm làm Quản xứ thay cho cha Giuse Nguyễn Hoàng Phong, để ngài trở về nhà Dòng thi hành sứ vụ chuyên biệt.

Tiếp nối chương trình mục vụ của cha Giuse Nguyễn Hoàng Phong, ngài tiếp tục hoàn tất các công trình phụ; đồng thời tiếp tục củng cố các hội đoàn, nuôi dưỡng đời sống đức tin giáo dân và chăm sóc mục vụ di dân trong Giáo Phận.

Giáo xứ An Ngãi Đông sau một chặng đường dài lịch sử với nhiều biến động, khó khăn và thử thách như vàng được tôi luyện trong lửa. Mặc dầu các gia đình Công Giáo tăng trưởng chậm, chỉ với 164 gia đình và số giáo dân vỏn vẹn có 550 thành viên trong giáo xứ, nhưng với cơ cấu tổ chức nhân sự tương đối đầy đủ và chặt chẽ, gồm: 22 quý chức Hội Đồng Mục Vụ, 50 thành viên giới người cha, 110 thành viên giới người mẹ, 30 em giới trẻ, 134 em thiếu nhi các lớp, 43 hội viên Huynh Đoàn Thánh Thể, 14 Giáo Lý viên huynh trưởng, 20 em ca đoàn thiếu nhi, 17 em ca đoàn giới trẻ, 18 ca viên ca đoàn giáo xứ, cùng với 30 ca viên ca đoàn di dân mỗi tháng phục vụ một Thánh Lễ vào chiều Chúa Nhật.

Nhờ Thánh Lễ và những giờ chầu Thánh Thể mỗi ngày, giáo xứ An Ngãi Đông dần trở thành điểm qui tụ nhiều người muốn tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong thinh lặng, nhất là cho những tâm hồn sầu khổ đến gặp Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải, để tìm được sự bình và niềm hy vọng sau những bế tắc của phận người. Nhìn vào những thành quả tốt đẹp của mỗi chặng đường lịch sử, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa và nhận ra đây là quà tặng, ân ban của Chúa Thánh Thần, để mỗi người, mỗi gia đình hãy cố gắng sống tinh thần hiệp hành: Hiệp thông-tham gia và sứ vụ bằng những việc làm cụ thể mà Công Nghị của Giáo Phận, nơi qui tụ mọi thành phần dân Chúa quyết tâm thực hiện trong 5 năm tới: đó là duy trì giờ kinh tối thật sốt sáng nơi các gia đình, loan báo Tin Mừng bằng cách thăm viếng nhau và những anh chị em lương dân sống chung một ngôi làng với chúng ta, hầu “ làm cho mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” ( Ga 13,35 ).