Mồng Một Tết Nhâm Dần – Cầu Bình An Cho Năm Mới


MỒNG MỘT TẾT NHÂM DẦN

(Ds 6,22-27; 1Tx 5,16-26; Mt 5,1-10)

  1. Ba ngày năm mới, ngay từ năm đầu tiên (1627) đến truyền giáo, cha Đắc Lộ đã để ý thánh hoá, hiến dâng ba ngày đó để tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngày một kính Chúa Cha, Đấng dựng nên và quan phòng vũ trụ; ngày hai kính Chúa Con xuống thế làm người để cứu nhân loại đã sa ngã; ngày ba kính Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa. Cây nêu được thay thế bằng cây Thánh Giá, và hình cung nỏ trừ tà được thay thế bằng những hình thập giá ở trên của nhà (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở VN,t.I, trang 117)
  2. Một vị quan lớn , tên là ông già ‘Diệu’. Tuy chưa được phép rửa tội, vì còn vướng trở vấn đề trong gia đình, nhưng tỏ ra rất mộ đạo. Ngày Tết năm đó, vào mồng một tháng 2 năm 1669, thay vì trồng cây nêu, ông đã trồng cây Thánh Giá (Nguyễn Hồng, sđd, trang 149).
  3. Cọp Trong Đời Truyền Giáo

Đức Cha Cuenot Thể sai người lên Cao Nguyên truyền giáo. Tháng 2-1842, phái đoàn đầu tiên do hai cha Michel và Duclos và 14 thầy từ Phú yên đi lên Phú Bổn. Phái đoàn bị bắt giải về Phú Yên và Huế. Từ năm 1843-1846 Đức Cha chuẩn bị cho phái đoàn thứ hai đem Chúa lên Cao Nguyên. Lần này Đức Cha giao cho một thầy Việt Nam, tên là Do. Thầy vừa từ chủng viện Pinăng (Mã Lai) về, sau khi ở đó 9 năm: 7 năm chủng sinh, 2 năm phụ tá gỉảng viên. Các vị giám đốc chủng viện đã hết lời khen ngợi thày Do qua các phiếu điểm. Đức tính nổi bật của thày là lòng tin cậy tuyệt đối vào Chúa quan phòng. Thày lên đường theo ngả An Sơn – Đà Nẵng, không đi theo ngả Phú Yên nhiều cọp. Thày vận quần áo rách rưới. Thầy xin vào giúp việc cho một lái buôn người Kinh ở An Sơn. Ông đặt thày làm đầu bếp. Trong việc trao đổi hàng hóa với người Thượng thày đã biết tiếng Thượng. Thầy về Gò Thị báo cáo cho Đức Cha. Cuộc đời truyền giáo của thày đủ mọi khốn khổ do đường xá, thời tiết, thú dữ và con người. Thày nói : “Cọp và voi sẽ thương xót chúng ta hơn là những anh em đồng loại của chúng ta”. (P.Douriboure, Lửa Thiêng Tây Nguyên, trang 25).

  1. Tết Việt xưa dưới mắt người Âu

 (Dân trí) – Có lẽ người Việt đã có tục ăn Tết Nguyên đán từ thời Hùng Vương qua truyền thuyết bánh chưng, bánh dầy. Các sử liệu để lại quá ít ỏi chỉ cho chúng ta phỏng đoán điều đó mà thôi. Tết, ngoài ý nghĩa lễ hội văn hóa còn là thời điểm các cổ tục được biểu hiện rõ nét nhất. Nhiều vị khách nước ngoài, với các lý do khác nhau, đã đến những vùng miền nước Việt từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX như  Alexandre  de  Rhodes, Leopold Cadière,  Jean Boptiste Tavernier, Gabrielle-Maud Candler Vassal, William Dampier…  Các nhà truyền giáo phương Tây, các thương nhân, nhà du lịch, khi đến nước ta đã viết lại các hồi ký, du ký về sinh hoạt của người Việt. Họ chứng kiến người Việt ăn, vui, chơi Tết với những nét độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc nên đã ghi chép lại. Các ghi chép của họ tường thuật cụ thể về Tết của người Việt. Cũng có trường hợp tác giả lưu trú ở nước ta nhiều hơn một năm, không mô tả riêng về lễ hội đầu năm này nhưng qua các trang “tường trình” đã giúp khắc họa lại khung cảnh Tết, cùng các phong tục xưa trong dịp Tết của người Việt. Tết và phong tục ngày Tết được ghi chép qua các tư liệu của người nước ngoài  là những trang ký ức mang màu sắc hoài niệm của những ngày xa xưa nhưng không kém phần thú vị.

Những ngày vui Tết giúp chúng ta cảm nhận tình Chúa, tình người qua những năm tháng trong đời và Lời Chúa.

Bài đọc 1 (Ds 6,22-27) : Sách Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV viết : “Ở đây dân chúng giữ luật thanh sạch, nên Đức Chúa đáp lại tấm lòng tinh tuyền của họ mà ban phúc lành cho họ (trang 251). Thánh Phanxicô At-si-di rất thich bản văn này.

Bài Tin Mừng (Mt 5,1-10) : Đức giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI viết về ‘Các Lời Chúc Phúc’: “Các lời chúc phúc là gì ? Các lời này nằm trong một truyền thống xa xưa của các sứ điệp Cựu Ước, như chúng ta thấy trong Thánh Vịnh thứ nhất song song với đoạn Gr 17,7-8 : ‘Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa’. Đó là những lời hứa, đồng thời cũng để phân biệt các quan niệm và trở thành lời hướng lộ. Khung cảnh như thánh Lu-ca đưa ra cho bài giảng trên núi, làm nổi bật đặc biệt các lời chúc phúc của Đức Giê-su: ‘Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ’. Từng phần lời chúc phúc xuất phát từ cái nhìn vào các môn đệ: chúng diễn tả thực trạng cụ thể của các môn đệ Đức Giê-su: họ là những người nghèo, người đói, người khóc, bị thù hận và bị bách hại (Lc 6,20-23). Đây là cách đánh giá các môn đệ theo cái nhìn thực tế, nhưng cũng mang tinh thần học – những người bước theo Đức Giê-su và từ nay họp thành gia đình của Ngưới.

Đức Giê-su nhìn các môn đệ trong hoàn cảnh thật bi đát, nhưng hoàn cảnh này lại trở thành lời chúc phúc, nếu cái nhìn này xuất phát từ Cha. Đối với cộng đoàn môn đệ của Đức Giê-su, những lời chúc phúc xem ra là những điều nghịch lý – các tiêu chuẩn giá trị của trần gian đều bị lật đổ, một khi mọi sự được nhìn trong viễn cảnh đúng đắn của chúng, tức là từ bậc thang giá trị của Thiên Chúa, khác hẳn cách đánh giá của trần gian. Những người theo tiêu chuẩn của trần gian, bị xem như những người nghèo đói và bị loại, lại là những người thực sự  hạnh phúc và được chúc phúc; họ được phép vui mừng và phấn khởi cho các thương đau. Những lời chúc phúc là những lời hứa, trong đó hình ảnh mới mẻ của thế giới và của con người được Đức Giê-su khai mở, sẽ cho thấy ‘một sự thay đổi mọi giá trị’. Đó là những lời hứa thuộc cánh chung, nhưng cách diễn tả này không có nghĩa là niềm vui được loan báo bị đẩy vào một tương lai xa vời vô hạn hay hoàn toàn ở bên kia thế giới. Khi con người bắt đầu nhìn và sống từ Thiên Chúa, khi cùng đồng hành với Đức Giê-su, họ sẽ sống theo tiêu chuẩn mới, và điều thuộc về cánh chung, về điều sẽ đến, thực sự đang hiện diện với họ. Từ Đức Giê-su. niềm vui đến ngay trong khổ cực.

Những nghịch lý mà Đức Giê-su trình bày trong các lời chúc phúc, biểu lộ hoàn cảnh đích thực của các tín hữu trong thế giới, một hoàn cảnh mà thánh Phao-lô thường diễn tả, rút từ kinh nghiệm sống và đau khổ của một tông đồ: “Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thc chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thưc chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giầu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 6,8-10)…

Điều này càng rõ nét hơn nữa, nếu chúng ta nhìn cách trình bày các lời chúc phúc theo thánh Mát-thêu (Mt 5,3-12). Nếu ai cẩn thận đọc bản văn của thánh Mt, sẽ thấy các lời chúc phúc này như bản tiểu sử nội tâm của Đức Giê-su, như tự dạng của Người. Người là Đấng không có nơi gối đầu (Mt8,20), là kẻ nghèo khó thật sự  nên có thể nói về chính mình ‘Hãy đến với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11,29). Người thật khiêm nhường, Người có tâm hồn thanh khiết, vì thế luôn nhìn ngắm Thiên Chúa. Người là Đấng tạo lập bình an, theo ý định của Thiên Chúa. Người trở thành Đấng chịu đau khổ. Các lời chúc phúc phản ánh mầu nhiệm Chúa Ki-tô, mời gọi chúng ta đi vào sự hiệp thông với Người (Nguyễn Văn Trinh chuyển ngữ, Đức Giê-su Thành Nazareth, trang 110-118).

Bài đọc 2 (1Tx 5,16-26) : Sách Kinh Thánh ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ của hai anh em linh mục Bernard và Louis Hurault viết: “Năm 50, thánh Phao-lô đến Thê-xa-lô-ni-ca, một thành phố lớn và là thủ phủ của miền Ma-kê-đô-ni-a (Cv 17,1). Tại thành phố này, thánh Phao-lô bị người Do Thái chối từ, nên ngài quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành lập được tại đây một cộng đoàn. Nhưng mới được 3 tháng, thì người Do Thái đã tụ tập gây náo loạn buộc ngài phải ra đi (Cv 17,10-11). Các tín hữu tân tòng này rồi đây sẽ ra sao ? Vì họ chỉ được thánh Phao-lô dạy dỗ về các vấn đề căn bản của đời sống Ki-tô hữu. Không an tâm, thánh Phao-lô xin ông Ti-mô-thê ra đi củng cố giáo đoàn non trẻ đó. Ông Ti-mô-thê lạc quan trở về. Thánh Phao-lô yên tâm và đã gửi cho họ bức thư này vào đầu năm 51.

Tết là ngày xum họp, ngày gặp gỡ người sống và kẻ chết, ngày cầu chúc. Lời kết của thư thánh Phao-lô trong bđ2 thật là quí : “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giê-su Ki-tô” (1Tx 5,16-17).

 Cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung

là căn nguyên và cùng đích vạn vật

trong giờ phút giao thừa này

chúng con hướng tâm hồn lên Chúa46

Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con

một năm dồi dào phúc lộc,

và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh

Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành