Yêu Cho Đến Cùng – Suy Niệm Thứ Năm Tuần Thánh


Yêu cho đến cùng

(Thứ 5 Tuần Thánh)

Nhân vật chính trong chiều Tiệc ly là Chúa Giêsu. Ngài đóng vai rất xuất sắc không chỉ bằng ngôn từ mà bằng cả hành động. Hành động gây chú ý và ngôn từ như lệnh truyền để thôi thúc những người hiện diện trong buổi chiều hôm ấy .

Tại sao Ngài lại rửa chân cho các môn đệ? Phêrô không bằng lòng trước hành động của Chúa Giêsu. Còn các môn đệ khác thì trố mắt nhìn và chắc có người giựt chân ra không để cho Chúa Giêsu thực hiện một việc mà các ông chưa từng nghĩ tới.

Nhưng hành động đó của Chúa Giêsu là cả một bài học được diễn tả trong suốt những năm tháng Ngài đi đây đó với các ông, để hôm nay ôn tập lại và kết thúc bài học tại đỉnh đồi Canvê.

Bài học đó là bài học yêu thương. Yêu như thế nào?

Tình yêu của Chúa Giêsu đối với người nghèo khổ và tội lỗi là tình yêu đem lại sự sống, một sự sống trọn vẹn chứ không phải sống chỉ bằng cơm bánh (sự sống của thân xác).

Khi thực hiện các phép lạ, Chúa Giêsu không quan tâm chính phép lạ mà nhằm dẫn con người đến một lãnh vực sâu xa hơn chính là con người được tôn trọng, được nối kết lại với nhau và với Thiên Chúa. “Anh cứ về nhà và kể lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh”[1]. Đó là lệnh truyền cho người bị quỷ ám được chữa khỏi. Chúa Giêsu đã lôi anh ra khỏi thế giới của sự dữ, khỏi sự thống trị của ác thần và muốn anh loan báo ân huệ đó cho nhiều người.

Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất[2], sự đói khát phần xác của đám đông đi theo Chúa thôi thúc ý thức phải được dưỡng nuôi. Việc nuôi dưỡng không khoán trắng cho Thiên Chúa mà cần có sự cộng tác của con người: Thầy ơi, cho nghỉ giải lao để kiếm gì ăn… và các ông mang bánh đi phân phối, và mọi người ăn no mà còn dư. Tình liên đới được đề cao.

Trong phép lạ chữa người phung hủi, con người không là vật ghê tởm, không là đồ bỏ đi, bị loại trừ, họ cần được yêu thương và có quyền được sống và cùng sống với nhau.

Hay trong câu chuyện Người nữ ngoại tình, chúng ta thấy: Ngài giải thoát người phụ nữ phạm tội ngoại tình khỏi bị ném đá với lời khuyên từ nay đừng phạm tội nữa. Những người lên án từ già đến trẻ rời xa hiện trường với tâm trạng tìm về với chính mình, biết mình có tội. Một chút thiện còn ngủ yên, như ngọn đèn leo loét, Chúa không dập tắt mà khơi dậy để những người muốn kết án người khác lại quay về kết án mình: họ rút lui không kết án người phụ nữ nữa. Một lúc Ngài đã lôi được tất cả đi vào thế giới của ơn cứu độ[3].

Chỉ bấy nhiêu gợi ý, chúng ta thấy chiều sâu của những việc Chúa Giêsu làm.

Trong buổi chiều đáng nhớ hôm ấy, chiều tiệc ly, Ngài hành động khác thường để lôi các môn đệ vào chính nẻo đường yêu thương của Ngài. Ai chưa khám phá ra sẽ cứ đặt câu hỏi mãi như Phêrô, như các tông đồ khác và như cả Duđa: tại sao Thầy lại rửa chân cho tôi?

Cũng buổi chiều đáng nhớ đó, cùng với hành động rửa chân diễn tả yêu thương, khiêm tốn phục vụ, Chúa Giêsu còn đưa các môn đệ đến đồi Canvê trước bằng việc hy sinh chính thân mình làm của ăn, làm gíá cứu chuộc: hãy cầm lấy ăn đi, uống đi chính thịt máu Thầy, là cả con người Thầy vì các con, vì cả nhân loại.

Việc để lại cho chúng ta Bí Tích Thánh Thể là dấu hiệu của tình yêu bền vững mà Thiên Chúa đã thể hiện trong buổi chiều hôm ấy (và hôm nay chúng ta cử hành cách đặc biệt, hằng ngày chúng ta cũng cử hành), Ngài muốn con người luôn khám phá ra tình yêu của Ngài, một tình yêu đến cùng, yêu cho dù nhiều lần bội phản như dân Do Thái ngày xưa, Ngài vẫn tha và bày ra nhiều cách để họ khám phá ra Thiên Chúa vẫn yêu thương.

Sự sai lầm của Duđa hay sự chối từ của Phêrô vẫn có ánh mắt đầy yêu thương của Chúa dõi theo, như thầm nhắc sai lầm rồi đấy! Cho nên không được phép tuyệt vọng. Nếu nhận ra tình yêu đến cùng của Thiên Chúa thì không phải thất vọng. Nếu thất vọng như Duđa là phạm đến Chúa Thánh Thần vì không tin Thiên Chúa bao dung tha thứ hoặc không thể tha thứ được.

Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông![4]

Phêrô hơn Duđa vì ông biết sai lầm của mình và sửa chữa. Và còn hơn thế nữa, ông dành quảng đời còn lại để chia sẻ kinh nghiệm của mình: thế nào là phản bội, thế nào là sửa sai. Con người trở nên vĩ đại hay không, là con cái Chúa hay không, chỉ cần bước qua làn ranh giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái tín trung và cái bội phản, giữa yêu thương và trù dập, giữa bao dung và thù hận.

Để đáp trả lại mối tình Thiên Chúa dành cho chúng ta, qua Đức Giêsu tự hiến trong Bí tích Thánh Thể, trên Thánh giá, mỗi chúng ta có trách nhiệm làm cho thế giới này biết đâu là cách sống đúng với phẩm giá của mình đã được yêu thương và cứu chuộc.

Thưa quí ông bà anh chị em,

Hiện nay, biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết, tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này – trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc[5], khiến nhiều người trong đó có cả tín hữu chúng ta bị chao đảo trước sự lựa chọn những giá trị trong cuộc sống. Nhiều người muốn từ chối, thậm chí không tin có sự hiện diện của Thiên Chúa và từ đó, thế giới dần dà vắng thân thiện; hận thù, bạo lực lên ngôi, tình thương thực sự trở thành như món đồ xa xỉ không cần thiết nữa.

Trước một xã hội như thế, là Kitô hữu, chúng ta không được thất vọng. Thất vọng là coi thường hoạt động của Chúa Thánh Thần. Hãy nỗ lực trong cách sống của mình để thuộc trọn vẹn về Chúa Kitô, như Mai Sen từ trên núi xuống chỉ còn 1 mình, dân ào ào quanh bò vàng, nhưng rồi tất cả đã sụp lạy và tuyên hứa: chỉ có Gia Vê là Chúa.

Để nên mẫu cho phong cách sống đúng, chúng ta hãy nhìn và xử với những người đang sống gần chúng ta nhất bằng phong cách của Chúa Giêsu: yêu thương và khiêm tốn phục vụ. Hãy thực thi lệnh truyền của Thầy Giêsu chí thánh: “Anh em hãy rửa chân cho nhau[6]. Nghĩa là chúng ta khiêm nhường nhìn nhận nhau là anh em và phục vụ nhau trong tình bác ái chân thành, dù người khác không cùng tôn giáo, khác ý thức hệ, khác nòi giống, thậm chí họ là kẻ thù. Tất cả loài người trước mặt Chúa đều là tội nhân, ấy thế mà Chúa vẫn yêu. Hà cứ gì mà chúng ta không yêu thương nhau? Cứ yêu và phục vụ cho dù theo cảm nghĩ thông thường và bộc trực, ta thấy không muốn và không dễ thực hiện. Càng yêu, càng phục vụ thì ta mới thấy phẩm giá của ta và của người khác. Không làm thế, ta đi ngược con đường Chúa dạy chúng ta trong buổi chiều tối hôm ấy trong nhà tiệc ly.

Cứ dùng đời ta trong môi trường sống của mình đáp trả cho đến cùng phong cách sống của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ khám phá ra biết bao điều thú vị của tình yêu, của bao dung tha thứ, của khiêm tốn và phục vụ.

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể luôn là động lực, nguồn sống cho mỗi chúng ta, tiếp tục thôi thúc chúng ta sống mãnh liệt ơn gọi của mình là tôn thờ Chúa và yêu thương nhau, để góp phần vào chương trình cứu độ thế giới mà chính Ngài đã đúc kết chiều tối tiệc ly và nhất là trên đỉnh đồi Canvê cũng như hằng ngày trong mọi Thánh lễ Giáo hội cử hành. Amen.

Linh mục Paul Maria Trần Quốc Việt

————–

[1] Lc 8,39

[2] Mt 14,13-21

[3] Ga 8,1-11

[4] Is 1,8

[5] Xem Ep 4,14

[6] Ga 1,14