Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm B


CN 28 TN NĂM B

10-10-2021

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Chính Trạch

GIÁO HUẤN SỐ 26

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Ki-tô (tt)

Bằng việc cầu nguyện, chúng ta có thể thường xuyên kinh nghiệm sự gần gũi với Người, nhiều hơn bất cứ gì mà chúng ta có thể kinh nghiệm với một người khác. “Không còn là tôi sống, nhưng chính là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đừng tước mất khỏi tuổi trẻ các con tình bạn này. Các con có thể cảm nghiệm Người ở bên mình không chỉ khi các con cầu nguyện, nhưng là mọi nơi mọi lúc. Hãy thử kiếm Người, và các con có cái kinh nghiệm tuyệt vời là nhận ra rằng Người luôn luôn ở bên các con. Đây là điều mà các môn đệ trên đường Em-mau đã kinh nghiệm, khi họ đang buồn bã lê bước trên đường. Đức Giê-su đã “đến gần và cùng bước đi với họ” (Lc 24,25). Một vị thánh đã nhận định: “Ki-tô giáo không phải là một bộ sưu tập các chân lý để tin, các qui tắc để tuân theo, hay các cấm đoán. Nhìn theo cách ấy, nó làm ta nản lòng. Nhưng Ki-tô giáo là một Đấng yêu thương tôi vô hạn. Người kêu gọi tình yêu của tôi. Ki-tô giáo là Đức Ki-tô (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 156).

——————

CN 28 TN NĂM B

(Kn 7,7-11; Dt 4, 12-13; Mc 10,17-30)

Một ông già rất giầu có

Cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ. Cha viết trong tập sách ‘Hành Trình và Truyền Giáo’ của cha như sau: “Khi giáo dân tỉnh Qui Nhơn nghe tin Thấy An-rê tử đạo (26-7-1644), họ không chùn chân khi bị bắt mà còn thêm can đảm. Tôi giao việc quản trị giáo đoàn cho một giáo dân tên là Antôn Ngữ. Ông này nóng lòng sốt ruột muốn được triều thiên như An-rê, ông lên đường đến hỏi tôi xem phải làm gì trong trường hợp này. Tôi phái ông về ngay để ủy lạo giáo dân chuẩn bị chiến đấu bất cứ ở chỗ nào có de dọa bắt đạo.

Ông hớn hở ra về và thi hành cặn kẽ điều tôi răn bảo. Làm cho mọi giáo dân sửa soạn đặc biệt đón thù địch tấn công. Mấy ngày sau, quan trấn phái một quan tòa hình sự tới. Ông quan vào đây truyền cho giáo dân đến khai, nếu không khai mà bị khám phá thì sẽ bị trừng trị.

Tưởng lệnh này làm cho binh sĩ Chúa sợ hãi không ai dám ra khai, sợ bị phạt. Nhưng ông quan hết sức bỡ ngỡ, thấy giáo dân lũ lượt kéo đến để ghi danh. Trong chưa đầy một ngày đã có 700 và mỗi lúc mỗi còn người mới. Quan không dám đi xa hơn, vì nhận thấy cuộc lùng bắt này chẳng được lợi ích gì chỉ thêm bẽ bàng.

Ông muốn rút lui, nhưng thấy mình đã lấy danh dự mà làm thì liều chọn trong số đó 36 người bắt trói lại và điệu tới tỉnh Quảng Nam nơi có ông Nghè Bộ, thù nghịch đang chờ. Ông này cũng rất sửng sốt chẳng kém gì thuộc hạ mình, khi thấy toán 36 giáo dân ra trình diện và cương quyết không nhượng bộ tuy bị đe loi tra khảo.

Thế là ông cũng không đủ can đảm lấy khẩu cung, ông giao cho một người khác tra xem họ muốn sống hay nhất định chết. Tất cả đều đáp: chúng tôi muốn sống, nhưng sống muôn đời ngàn kiếp. Chúa đã hứa cho kẻ tin Người và để được sự sống này, chúng tôi vui lòng chết. Ông còn tra hỏi nhiều điều khác, nhưng chỉ nhận được những câu trả lời can đảm, làm cho ông thất vọng vì không sao làm cho giáo dân đổi quyết định.

Thế nhưng trong số 36 đầy tớ Chúa, có một Giu-đa hèn nhát chối bỏ. Đó là một ông già rất giầu có và rất quyền thế. Ông không can đảm như 35 đồng đạo. Họ rất buồn bực thấy người anh em, người bạn rời bỏ Thầy và Thủ trưởng, vì sợ chết và sợ mất của cải. (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, NXB, Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo TP Hồ Chí Minh, năm 1994, trang 152-154).

Cha Nguyễn Văn Trinh viết: “Năm 1664-1665 nhiều Nhật kiều Công giáo ở Hội An ‘quá khóa’ (chối đạo) làm gương mù cho khoảng 120 người Việt Công giáo giầu nhất ở Thanh Chiêm cũng bắt chước” (Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trang 154).

Lời Chúa trong các bài đọc thánh lễ hôm nay cũng cho biết của cải tiền bạc là chướng ngại trên đường về Nước Trời.

Bài đọc 1 (Kn 7,7-11): Sách Các Vua quyển thứ nhất kể: “Vua Sa-lô-môn đi Ghíp-ôn để tế lễ. Vua dâng 1000 lễ vật. Đang đêm Đức Chúa hiện ra phán với vua: “Ngươi cứ xin đi. Ta sẽ ban cho” …Vua thưa: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn hiểu biết lắng nghe…Chúa hài lòng vì vua đã xin điều đó. Thiên Chúa phán: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì nay Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi chẳng một ai sánh bằng, sau ngươi cũng chẳng có ai bì kịp” (1V 3,4-12).

Bđ1 là lời khen ngợi của vua Sa-lô-môn về Đức Khôn Ngoan. Chúng ta đọc một vài câu:

Đức Khôn Ngoan tôi đã quí trọng

còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.

Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan (Kn 7,8).

Đức Khôn Ngoan là gì mà quí trọng như thế?

Đức cha Lâm viết: “Khôn Ngoan chính là Thiên Chúa, là thần trí của Người, là sự sống của Người, không phải như một thực tại ở xa chúng ta, nhưng đang đến với chúng ta để làm cho chúng ta nên khôn ngoan hơn, tức là thánh thiện hơn và do đó   mới thật là sự khôn ngoan mà phụng vụ hôm nay mượn lời Sa-lô-môn khuyên nhủ chúng ta ao ước và cầu xin. Đừng quí gì hơn nó vì chỉ có nó là hạnh phúc đầy đủ cho chúng ta. Nếu muốn cụ thể hơn, chúng ta hãy nói rằng sự khôn ngoan mà chúng ta phải cầu xin chính là ơn cứu độ mà Đức Ki-tô đã mang đến, là chính Đức Giê-su là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã giáng sinh làm người (Lời Chúa Các Chú Giải Năm B, trang 440-441).

Bài Tin Mừng (Mc 10,17-30): Cha Hồ Thông dẫn giải BTM như sau: “Câu chuyện về người giầu có này được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm (Mt, Mc, Lc) tường thuật, bởi vì đây là dịp thuận tiện, là cơ hội dễ thấy mà Đức Giê-su lợi dụng để minh họa một bài học kiểu mẫu cho những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài. Cả ba đã cho bài trình thuật của mình tính cách xúc động và thống thiết, nét đặc trưng này rất dễ thấy tại Mác-cô.

Đức Giê-su vừa lên đường lên Giê-ru-sa-lem bằng cách băng qua thung lũng Gio-đan, thì có ‘một người chạy đến’. Thánh Mác-cô thích làm sinh động những bài trình thuật của mình bằng những động từ chuyển động; ở đây chi tiết này có giá trị của nó. Câu chuyện bắt đầu với sự hối hả và thiện chí của người này và kết thúc với thái độ tương phản sau cùng của anh: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Chúng ta có thể nói đây là câu chuyện kết thúc không có hậu (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, trang 241).

Đức cha Lâm thì viết: “Lời Đức Giê-su nói với chàng thanh niên có giá trị tổng quát và triệt để. Chúng ta phải ghi nhớ tính cách tuyệt đối này. Người ta không được cậy dựa gì ngoài Chúa. Của cải chỉ là một diện phải từ bỏ, tuy là diện khá quan trọng.

Nhưng vì sao thánh Mác-cô lại chú ý đến diện này? Phải chăng như lời Tin Mừng Lu-ca viết: “Biệt phái vẫn tham tiền”? (16,14). Hay là vì thời Mác-cô viết sách Tin Mừng, của cải đã trở thành vấn đề trong đời sống đạo? Tín hữu phải tự đồng hóa mình với hạng nghèo khổ được giảng trong Phúc Âm. Như vậy, sẽ không được giầu có sao? Và như vậy sẽ được gì?

Chúng ta có thể coi lời Phê-rô hỏi Chúa hôm nay như phản ảnh tâm lý và những thắc mắc này. Và chúng ta thấy câu trả lời thật khôn ngoan. Kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa vẫn có mọi sự ở đời này và cộng thêm sự bắt bớ. Đành rằng chỉ có Mác-cô thêm ‘sự bắt bớ’ vào câu trả lời của Chúa. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt của Hội Thánh thời Mác-cô. Nhưng ai cấm chúng ta suy nghĩ rằng: theo thánh nhân, môn đệ của Chúa ở đời này không tất nhiên phải biến mình trở thành ‘khố rách áo ôm’. Như mọi người họ vẫn có nhà để ở, áo để mặc, cơm để ăn, họ hàng bạn bè để tương giao… và còn hơn vì tình huynh đệ và tương trợ trong Hội Thánh, nhưng họ hãy có ‘như không có;, ‘hưởng như không hưởng’, vì họ phải sống mầu nhiệm thập giá Đức Ki-tô mà viễn tượng ‘bị bắt bớ; luôn nhắc nhớ người ta phải có tinh thần từ bỏ tuyệt đối vì Nước Trời. Và của cải là diện khó từ bỏ đến nỗi con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào được Nước Trời.

Các môn đệ của Đức Giê-su đã ngạc nhiên trước những đòi hỏi như vậy. Họ sợ ít người có thể vào được Nước Thiên Chúa. Đúng, với sức mình, với sự khôn ngoan của mình loài người không làm gì được đâu. Nhưng mọi sự đều là có thể chỉ trông cậy vào một mình Người mà thôi. Sa-lô-môn đã có thái độ như vậy trong bài sách Khôn Ngoan hôm nay… Còn chàng thanh niên kia, giống như các Biệt phái không muốn bỏ mọi sự và quan điểm của mình mà theo Chúa và thi hành Lời của Người.

Bài đọc 2 (Dt 4, 12-13): Xử dụng của cải cho chính đáng đâu phải dễ. Đôi khi phải hy sinh. Phải “hy sinh đời bố” mới “để lại đời con” Lời Chúa trong bđ2 rất hiệu năng giúp chúng ta biết xử dụng của cải.

Lời Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lười…Tất cả đều phơi bày trước mắt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Hr 4,12). Nên chúng ta hãy tìm kiếm và lắng nghe Lời Chúa, như vua Sa-lô-môn trong bđ1.

Thánh vịnh 89,14:

Từ buổi mai, xin cho con được no say tình Chúa

Để ngày ngày được hơn hở vui ca

Xin ban tặng cho con niềm hoan hỷ

Bù lại những tháng năm

Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành