Bài 8: Ảnh Lòng Chúa Thương Xót Đặt Giữa Bàn Thờ


BÀI 8 : ẢNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT ĐẶT GIỮA BÀN THỜ

 Nhiều giáo xứ đã đặt ảnh Lòng Chúa thương xót thật to ở giữa bàn thờ, đến nỗi khi nhìn lên cung thánh chỉ thấy bức ảnh đó đập vào mắt !

 Đọc bài giảng của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong ngày tôn kính Lòng Chúa Thương Xót (CN II Phục Sinh) chúng ta ghi nhận lời quả quyết : Lòng Chúa thương xót như là phương thế cứu vãn thế giới ngày nay.

Tất cả những lời nói, quy cách phụng vụ trên làm ta nhớ tới một trong những quy luật chính yếu của sứ mệnh dạy giáo lý là : cần lưu ý đến những dịp lập một lễ mới, công bố một tín điều mới, hay một trào lưu đạo đức nào đó… Sứ vụ dạy giáo lý là giúp cho người tín hữu đặt những cái “mới” đó vào tổng thể niềm tin từ ngàn năm của Giáo hội !

 Quả thực, như lỗ mũi trong bộ mặt con người quan hệ và đẹp, nhưng không thể vì thế mà phóng đại đến nỗi át cả các phần khác của khuôn mặt. Trong đời sống “tâm linh” cũng thế. Một đức tính tốt không thể trở thành gần như duy nhất ! Các chủ nghĩa cực đoan trong lịch sử nhân loại cũng bắt nguồn từ cách nhìn thiếu quân bình đó.

 Vậy “lòng Chúa thương xót” là gì trong cái nhìn tổng thể của niềm tin Kitô giáo ?

 Trước hết, chúng ta cần lưu ý đến vấn đề ngôn ngữ : chữ “mới”, “lời mới” nói về những cái cũ, những cái đã có từ lâu !

 Chúng ta thử so sánh : “Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu” với “Lễ kính Lòng Chúa thương xót” hay “Lễ Lòng Chúa thương xót” với nghi lễ ngày Thứ Năm, thứ Sáu tuần thánh !

 Chúng ta sẽ nghiệm ra điều mà các nhà Thần học Phụng vụ nói về những “lễ tư tưởng” và “lễ sự cố”. “Sự cố” là các sự việc xảy ra trong đời sống Chúa Giêsu : sinh nhật, phục sinh … “Lễ tư tưởng” như lễ Chúa Kitô Vua, lễ Lòng Thương Xót Chúa, v.v… Có khi “lễ tư tưởng” có vẻ rất “cụ thể” như Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Lễ Mình Máu Thánh Chúa.

 Nhưng lễ mừng sự việc xảy ra trong đời sống Chúa vẫn có một ý nghĩa rất sâu đậm như lễ thứ Năm Tuần Thánh Chúa lập Bí tích Thánh Thể so với lễ Mình Máu Thánh Chúa chẳng hạn ! Hoặc “lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu”, “lễ Lòng Chúa thương xót” so với thứ Sáu Tuần Thánh kính nhớ ngày Chúa chịu chết để cứu loài người chúng ta.

 Chúng ta cũng đừng quên các sự cố lịch sử cứu độ là nền tảng đức tin của Kitô giáo. Các tư tưởng suy luận thần học giúp ta hiểu biết các sự cố đó ngày một hơn. Lòng đạo đức đời mới, ngày nay gọi là “các tôn sùng đời mới” (Dévotions modernes) thường phát xuất từ những tư tưởng suy tư nói trên, nên thường có tính cách “phong trào” nhất thời, thay đổi tuỳ theo từng địa phương, nền văn hoá, và nhất là theo đà tiến triển của chính thần học.

Linh mục Antôn Trần Văn Trường