Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm B


CN.2.MC.B

(St 22,1-18; Rm 8,31-34; Mc 9,2-10)

Giáo huấn số 21 (Lịch GP trang 70)

Bí tích Hôn phối : Với đầy thương mến, tôi tha thiết kêu gọi tất cả các người mẹ tương lai : hãy vui mừng và đừng để bất cứ sự gì tước mất của bạn niềm vui thâm sâu của thiên chức làm mẹ. Đứa con của bạn xứng đáng có được niềm hạnh phúc của bạn. Đừng để những sợ hãi, lo lắng, những bình phẩm của người khác hay những vấn đề nào đó làm giảm đi niềm vui của bạn trong tư cách là phương tiện Thiên Chúa dùng để đem lại một sự sống mới cho thế giới này. Hãy chuẩn bị chính mình cho cuộc chào đời của đứa con, nhưng không quá lo lắng ám ảnh, và hãy kết hợp với lời ca ngợi của Đức Maria : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi, vì Ngài đã nhìn đến phận hèn tôi tớ của Ngài” (Lc 1,46-48). Hãy cố gắng cảm nghiệm niềm phấn khích thâm trầm này giữa tất cả bao ưu tư của bạn, và xin Chúa giữ gìn niềm vui của bạn, để bạn có thể chuyển thông niềm vui ấy cho đứa con của mình (NVGĐ, số 171)

———————————-

CN.2.MC.B

Nhà văn Pháp Victor Hugo nói : “Đầu đường thập giá, cuối đường vinh quang”. Câu nói đó đúng với mọi người, nhất là với những vị thánh trong Lời Chúa thánh lễ Chúa nhật II Mùa Chay hôm nay.

Bđ1 : Cuộc đời tổ phụ Áp-ra-ham trong bđ1 thật là đầu đường thập giá cuối đường vinh quang. Chúng ta nhìn lại cuộc đời của tổ phụ.

75 tuổi, Thiên Chúa gọi ông Áp-ra-ham từ thành phố Ur ở nước I-rắc ngày nay đến xứ Pa-lét-tin. Thiên Chúa hứa với ông : “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ ban phúc lành cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,2).

Thiên Chúa đưa ông ra ngoài và phán : “Nào, hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”. Người lại phán : “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó”  (St 15,5).

Sau 10 năm lập nghiệp ở đất Ca-na-an, bà Xa-ra, vợ ông, đã không sinh con cho ông. Bà có một nữ tỳ Ai-cập, tên là Ha-ga. Bà nói với ông : “Ông xem ; Đức Chúa đã ngăn cản tôi sinh con. Vậy xin ông đến với nữ tỳ của tôi, may ra nhờ nó, mà tôi có con. Ông nghe lời bà Xa-ra” (St 16,1-2). Năm ông 86 tuổi, cô Ha-ga sinh cho ông một đứa con trai và ông đặt tên là Ít-ma-ên (St 16,15-16), nghĩa là “Đức Chúa đã nghe thấu nỗi khổ của ngươi” (St 16,11).

Khi được 99 tuổi, Thiên Chúa hiện ra và phán : “Ngươi sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên của ngươi là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc. Ta sẽ cho ngươi sinh sôi nẩy nở” (St 17,5-6). Thiên Chúa phán tiếp : “Xa-rai, vợ ngươi, ngươi sẽ không gọi tên là Xa-rai nữa, vì tên nó là Xa-ra. Ta sẽ cho nó sinh sôi nẩy nở ra nhiều, thật nhiều” (St 17,15-16). Ông Áp-ra-ham cúi rạp xuống, ông cười và nghĩ bụng : “Trăm tuổi rồi mà còn có con được sao ? Xa-ra đã chín chục còn sinh đẻ gì nữa ?” (St 17,17).

Một ngày kia, có ba người hiện ra với ông Áp-ra-ham đang ngồi trước cửa lều ở cây sồi Mam-rê và bảo : “Sang năm tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra, vợ ông, sẽ có một con trai” (St 18,10). Bà Xa-ra đang ở cửa lều phía sau nghe được… Bà cười thầm và tự bảo : “Mình đã quá già cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông chủ của mình cũng già rồi!” (St 18,12).

Ông Áp-ra-ham được 100 tuổi khi I-sa-ác, con ông, sinh ra cho ông. Bà Xa-ra nói : “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những ai nghe biết sẽ cùng cười với tôi!” (St 21,6-7).

Rồi đến ngày Thiên Chúa lại bảo ông : “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-sa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia, mà dâng nó làm lễ toàn thiêu” (St 22,2).

Thằng anh là Ít-ma-en, đứa con của nữ tỳ Ha-ga sinh ra cho ông, ông nghe lời bà Xa-ra đã đuổi nó đi. Chỉ còn I-sa-ác, đứa con duy nhất, lại bị đem đi sát tế dâng cho Thiên Chúa. Thê thảm biết bao. Ông Áp-ra-ham không thắc mắc, ông vâng lời đem con đi sát tế. Trên đường đi, cậu I-sa-ác hỏi ông Áp-ra-ham : “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?” Ông đáp : “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu con ạ!”. Rồi cả hai lại tiếp tục đi (St 22,8).

Ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình. Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông và nói : “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó ! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa; đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc !” (St 22,10-12).

 Đường đời của ông Áp-ra-ham đầy thập giá. Có thập giá, ông mới là tổ phụ, là gương mẫu của những người tin.

BTM : Cuộc đời Chúa Giê-su cũng đầy thập giá. Chúa Giê-su đã tiên báo với các tông đồ về cuộc thương khó của Người : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Mc 8,31). Nghe nói thế, ông Phê-rô không thể chấp nhận được, ông kéo riêng Người ra và trách. Nhưng Đức Giê-su nói : “Xa-tan lui lại đằng sau Thầy” (Mc 8,33). Chúa Giê-su còn bảo : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).

Có thập giá mới có vinh quang. Câu chuyện Chúa biến hình hôm nay minh chứng điều đó.

Bđ2 : Thư thánh Phao-lô trong bđ2 bảo đảm với chúng ta : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh” (Rm 8,35-36).

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng “đầu đường thập giá, cuối đường vinh quang”. Được mật báo làng Quần Cống, Bùi Chu chứa chấp các đạo trưởng, quan Nam Định cho lính tới vây bắt.

Quân lính lục soát nhà cụ lý trưởng Đaminh Phạm Trọng Khảm, thấy ảnh tượng và đồ lễ. Cụ nhận là của cụ. Cụ mua về. Quan trói cụ và con trai cụ là Luca Phạm Trọng Thìn, áp giải về tỉnh Nam Định. Ngày 13-1-1859, khi bị dẫn ra pháp trường Bẩy Mẫu Nam Định để xử án, cụ nói với đồng bào : “Cha con chúng tôi hôm nay được lên nước thiên đàng” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, trang 379).

Xin Chúa giúp chúng con: Khi gặp thập giá, thì thiên đàng sẽ an ủi chúng con (1-3-2015).

—————————————————

CHÚA NHẬT II MC.B

Chúa nhật I Mùa Chay, Giáo hội cho chúng ta đọc bài Tin Mừng thuật lại cuộc cám dỗ của Chúa Giêsu, để chúng ta noi gương Chúa chiến thắng những cơn cám dỗ. Chúa nhật II hôm nay, qua cuộc biến hình trong bài Tin Mừng, Giáo hội muốn nói với chúng ta như lời cầu nguyện đầu lễ : “Để khi tâm hồn được thanh tẩy, chúng con hân hoan chiêm ngưỡng vinh quang Chúa”. Như thế, một khi vất vả để chiến thắng những cơn cám dỗ, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa.

 

Bài đọc 1 : Trước hết, trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nhìn lại niềm vui của ông Abraham khi vâng lời đem Isaác, con một, hiến dâng cho Thiên Chúa. Câu chuyện này được tác giả Thánh Kinh viết lại vào thế kỷ thứ VIII trước Chúa Giêsu giáng sinh, tức là lúc miền bắc Israel bị quân Assyri xâm chiếm và miền nam cũng sắp rơi vào tay quân Assyri. Trước thảm cảnh đó, dân chúng mất tin tưởng vào Thiên Chúa. Qua câu chuyện hiến dâng con mình của ông Abraham, tác giả muốn nói cho dân chúng biết rằng : qua những thử thách, những đau thương, Thiên Chúa sẽ đem lại niềm vui.

Thế nhưng, sao Thiên Chúa lại thử thách bằng việc giết chết trẻ em ?  Ở thành Ur của người Sumer không có chuyện giết trẻ em. Chỉ có ở Canaan, nơi ông theo lời Chúa bỏ quê hương đến, mới có tục lệ giết trẻ em. Người Canaan giết trẻ em vào hai dịp : một là vào những trường hợp đặc biệt, như khi bị tai ương hoạn nạn, ôn dịch hay sắp bị thất trận, để làm của lễ tạ tội xin thần thánh tha thứ; hai là vào dịp xây dựng, làm của lễ xin thần thánh chúc phúc chở che.

Song các em bị giết không phải là tuổi của Isáac, mà là tuổi rất nhỏ. Người ta khám phá ra những hài cốt của các em trong các lọ, các bình chôn ở đồng bằng Meggido : một nửa là mới sinh, một nửa chưa đầy 2 tuổi. Nhất là đạo Israel hoàn toàn bác bỏ tục giết trẻ em, vì các con trai đầu lòng đã được hiến dâng cho Thiên Chúa.

Vậy tại sao Thiên Chúa lại bảo ông Abraham đem con lên núi, để giết hiến dâng cho Thiên Chúa ? Đó chỉ là một cuộc thử thách lòng tin của ông. Nếu không, chả nhẽ Thiên Chúa thất hứa với lời hứa cho ông trở thành cha của các dân tộc ? Vì thế, câu chuyện hiến tế Isáac chỉ là câu chuyện Thiên Chúa thử thách lòng tin của ông Abraham.

Tác giả thuật chuyện đã làm nỗi bật lòng tin của ông Abraham, khi lặp lại 2 lần ông thân thưa : lần thứ nhất ông thưa “Dạ, con đây” khi Đức Chúa gọi ông; lần thứ hai ông thưa “Dạ con đây” khi thấy ông cầm dao giết Isáac. Ông như muốn nói với Isáac : vâng lời Chúa, chính cha sẽ giết con, chứ không phải ai khác. Khi thấy ông vững vàng trong thử thách, Thiên Chúa đã nói với ông : “ Ta lấy chính danh Ta mà thề : bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển”.

Ađam, ông tổ của loài người, vì đã đầu hàng thử thách, nên đã đem lại bất hạnh cho con cháu; còn ông Abraham, vì chịu đựng được thử thách, nên đã đem lại hạnh phúc cho con cháu. Thánh Phaolô đã tặng ông danh hiệu “cha của những người tin”.

Bài Tin Mừng : Câu chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nói lên niềm vui sau những gian nan thử thách. Các nhà Thánh Kinh cho rằng : viết lại câu chuyện này, thánh Máccô muốn khích lệ các tín hữu Rôma đang bị đau khổ và bị giết vì cuộc bách hại của các hoàng đế Rôma.

Cuộc biến hình của Chúa Giêsu, theo thánh Máccô, thì xảy ra “sáu ngày sau”, tức là sáu ngày sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó của Người, đến ngày thứ bảy Chúa biến hình vinh quang. Ngày thứ bảy cũng là ngày Chúa sống lại vinh quang.

Cuộc biến hình mô tả vinh quang của Chúa Giêsu qua nhiều hình ảnh.

– Trước hết là núi cao. Núi luôn luôn ám chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, như ông Môsê đã lên núi Sinai để gặp Thiên Chúa và Thiên Chúa giao cho ông hai bia đá ghi 10 giới răn; hay như ngôn sứ Êlia lên núi Hôrép để gặp gỡ Thiên Chúa.

– Thứ đến là y phục trắng tinh, y phục của thiên thần trong ngày phục sinh của Chúa (16,5), y phục của những người đã chiến thắng trong cuộc thử thách trong sách Khải huyền (3,5).

– Thứ ba là sự xuất hiện của hai ông Môsê và Êlia. Ông Môsê là biểu tượng của giới luật pháp, ông Êlia là biểu tượng của các ngôn sứ. Với sự hiện diện của hai ông, Chúa Giêsu là Đấng hoàn thành các lời Thiên Chúa hứa, đáp ứng những hy vọng của dân chúng. Tận mắt thấy vinh quang của Chúa Giêsu, ông Phêrô lên tiếng nói : “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Eâlia”. Lều nhắc đến Lễ Lều. Vào mùa thu, mùa hái nho, người Do thái dựng lều trong các vườn nho, với ước mong Đấng Thiên sai đến.

Thế nhưng, các tông đồ đâu có hiểu rằng : vinh quang của Chúa Giêsu chỉ đến trên Thánh giá. Nên Đức Chúa Cha phải nhắc nhở các ông : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”, nghĩa là Chúa Giêsu quả thật là Đấng Mêsia, Đấng Thiên sai, nhưng đồng thời Người cũng là Con yêu dấu tức là “người tôi tớ đau khổ”. Phải “vâng nghe lời Người” nghĩa là các tông đồ cũng phải đi theo con đường thập giá của Chúa Giêsu thì mới có vinh quang. Nhưng dễ gì các tông đồ hiểu được con đường đau thương khổ giá, cho nên, khi xuống núi, các ông hỏi nhau : “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì”?

 

Bài đọc 2 : Lá thư của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu ở Rôma. Ngài viết vào khoảng cuối hành trình truyền giáo thứ ba (53-58), tại Côrintô vào mùa đông năm 56-57. Khi cảm thấy trách nhiệm tông đồ của mình ở Đông phương sắp kết thúc, chỉ còn một việc phải làm là mang những gì đã lạc quyên được trao cho giáo đoàn Giêrusalem. Sau khi hoàn thành công tác, người dự tính sẽ đi Tây Ban Nha, và trên đường đi người sẽ ghé Rôma. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, người đã viết một bức thư gửi cho các tín hữu đang ở Rôma.

Năm 49, hoàng đế Rôma, Clauđiô, ra chiếu chỉ trục xuất các Kitô hữu ra khỏi Rôma. Ông A-qui-la và bà Pơ-rít-ca đã phải bỏ Rôma tới Côrintô. Nhờ đó, thánh Phaolô đã biết được hoàn cảnh khổ đau của các tín hữu Rôma. Trong đoạn thư chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô đã khích lệ họ vững tin, bởi vì, người viết : “Đến như Con Một Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta”.

Thánh Phaolô đã lấy lại hình ảnh ông Abraham tiến dâng con mình. Vì thế, người viết, “có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ?… Ai sẽ buộc tội ?… Ai sẽ kết án” ?

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng hiểu được vinh quang Chúa ban thật lớn lao, nên các ngài đã sẵn sàng chịu mọi đau khổ, sẵn sàng chết.

Cha Lê Bảo Tịnh nói với các quan : “Thân xác tôi đây, các ông muốn làm gì thì làm, tôi sẵn lòng không oán thù, nó chết đi, nhưng mai này sẽ sống lại vinh quang”.

Thày Nguyễn Đình Uyển nói với lý hình : “Hãy chém đi ! Đến ngày phán xét, tôi lại được cái đầu khác”.

Vào trong tù thăm mẹ, thấy áo mẹ đầm đìa máu me, cô gái út Anna Nụ đã khóc, nhưng thánh Anê Lê thị Thành nói : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc”.

Xin Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu được rằng : đầu đường thập giá, cuối đường vinh quang.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành