Chúa Nhật V TN Năm B


CN 5.TN.B

(G 7,1…7; 1Cr 9,16…23; Mc 1,29-39)

Giáo Huấn Số 3  (Lịch GP trang 26) :

Đồng hành trong những năm đầu đời hôn nhân : Tôi nhớ một điệp khúc nói rằng ‘nước ao tù thì hư thối’. Đó là những gì xảy ra khi cuộc sống tình yêu trong những năm đầu hôn nhân bị trì trệ, không còn phấn khích, không còn những ưu tư lành mạnh thúc đẩy tiến về phía trước. Các đôi bạn không được dừng lại vũ điệu mình đang bước hướng về phía trước bằng tình yêu trẻ trung ấy, vũ điệu với đôi mắt bỡ ngỡ ngập tràn hi vọng. Trong thời kì đính hôn và trong những năm đầu của hôn nhân, niềm hy vọng vốn là chất men xúc tác giúp cho đôi bạn nhìn xa hơn những mâu thuẫn, những xung đột, những bất tất, niềm hy vọng cho người ta thấy xa hơn. Và đây là điều làm chuyển động mọi kì vọng của đôi bạn để duy trì cuộc hành trình tăng trưởng. Chính niềm hi vọng mời gọi chúng ta sống trọn vẹn giây phút hiện tại, đặt trái tim mình vào cuộc sống gia đình, bởi vì cách tốt nhất để chuẩn bị và củng cố tương lai là sống tốt giây phút hiện tại (số 219).

Lời Giáo Huấn khuyên vượt qua những đau khổ trong gia đình. Lời Chúa trong thánh lễ cũng dạy như thế.

—————————–

CN 5.TN.B

Năm 1617 trời hạn hán, không có mưa, ruộng vườn khô cháy, các vị sư nghĩ rằng: vì dân chúng đi theo đạo mới, chùa chiền bỏ trống, nên Thần Phật giận dữ phạt không cho mưa. Họ xin quan Vĩnh Điện đuổi các cha đi. Quan Vĩnh Điện không tin, rất thương các cha, muốn các cha ở lại, nhưng để tránh tai họa, quan khuyên các cha tạm lánh về Macao. Tàu vừa ra khơi thì bị bão. Các cha phải trốn trong rừng, bị sốt rét, bệnh tật. May gặp được quan Qui Nhơn đưa về Qui Nhơn.

Cha Nguyễn Hồng thuật lại : “Vào tháng 7 năm 1618, quan phủ Qui Nhơn làm cho các cha một ngôi nhà gỗ rộng rãi ở Nước Mặn. Ông dùng voi đưa các cha từ phủ xuống ngôi nhà mới. Các cha được yên ổn tự do truyền giáo. Thỉnh thoảng ông lại sai gia nhân đầy tớ đem lúa gạo, thức ăn xuống cho các cha. Đôi khi ông còn đến thăm bàn chuyện tôn giáo với các cha. Ông còn sai hơn 1000 tráng đinh khiêng cột kèo làm sẵn, đến dựng cho các cha một ngôi nhà thờ, và chỉ trong một ngày là nhà thờ đã cất xong, với sự bỡ ngỡ thán phục của các cha…(Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 64-65).

Qua câu chuyện này, nhiều khi đau khổ, tai nạn trở thành niềm vui, hạnh phúc.

Bđ1 : Bđ1 đọc sách ông Gióp. Ông Gióp là người miền đất Út, miền đất Ê-đôm. Cuộc đời ông Gióp đau khổ như ông kêu than : “Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề” (G 7,3).

Thiên Chúa để Xatan cám dỗ ông.

Trước hết về tài sản: “Dân Sơ-va cướp bò lừa và giết đầy tớ”(G 1,14-15), “người Can-đê cướp lấy lạc đà và giết các đầy tớ” (G 1,17).

Thứ đến là con cái: “Một trận cuồng phong làm sập nhà đè chết con trai con gái” (G 1,19). Tài sản bị mất, con cái bị chết, ông Gióp xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi cũng trở về đó trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lấy đi, xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,20-21).

Sau cùng là thân xác ông: “Xa-tan hành hạ ông Gióp, khiến ông phải mắc chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân đến đỉnh đầu. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi. Bấy giờ vợ ông bảo : ‘Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!’. Nhưng ông Gióp đáp lại : ‘Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không đón nhận sao?’” (2,7-10).

Qua đau khổ, ông Gióp đã có những câu nói chứa đầy niềm tin: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi cũng trở về đó trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lấy đi, xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,20-21). Ông còn nói : Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không đón nhận sao?’” (2,7-10).

BTM : BTM nói đến một ngày hoạt động vất vả của Chúa Giê-su: sáng tới nhà ông Phê-rô chữa bệnh sốt rét cho mẹ vợ ông. Chiều đến chữa nhiều kẻ ốm đau, trừ nhiều quỉ. Sáng sớm thức dậy đi vào nơi hoang vắng cầu nguyện cũng bị đi tìm. Nhìn Chúa vất vả mới thấy lòng Chúa thương con người.

Bđ2 : Thánh Phao-lô cũng theo gương Chúa vất vả với mọi người. Thánh nhân viết cho giáo dân Cô-rin-tô trong bđ2 : “Tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được chia phần phúc của Tin Mừng” (1Cr 9,19-23).

Qua cuộc đời của ông Gióp, của Chúa Giê-su, của thánh Phao-lô, và của các cha giảng đạo ở Việt Nam: đau khổ, vất vả, thử thách sẽ trở thành hoa quả của niềm vui. Thánh Gia-cô-bê cũng viết : “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết : đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1,2-3), (8-2-2015).

————————————–

CN 5.TN.B

Thứ ba này là lễ Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, nước Pháp, vào năm 1858. Đồng thời cũng là ngày cầu nguyện cho các bệnh nhân.

Ngày 11-2-1858, cách nay đúng 145 năm, cô Benađétta, lúc đó 14 tuổi, cùng với hai em bé khác đi kiếm củi dọc theo bờ sông. Hai em sang bờ bên kia, còn cô Benađétta ở bên này bờ. Đức Mẹ đã hiện ra với cô. Cô kể lại biến cố Đức Mẹ hiện ra lần đầu trong 18 lần như sau :

Thình lình tôi nghe một tiếng động lớn, như tiếng sấm. Tôi nhìn sang phải sang trái, nhìn xuống cây cối ở bờ sông, tôi chẳng thấy gì. Tôi nghĩ là tôi lầm…, nhưng rồi tôi lại nghe thấy một tiếng động như lần trước. Tôi sợ hãi và đứng thẳng lên. Nhìn vào hang đá, tôi thấy một bụi hồng lung lay. Trong hang đá có đám mây mầu vàng. Sau đó xuất hiện một Bà trẻ, đẹp tuyệt vời, tôi chưa thấy ai đẹp như thế. Bà tiến ra đứng trên bụi hồng. Bà nhìn tôi mỉm cười. Bà ra hiệu bảo tôi tiến lại gần, giống như người mẹ gọi con. Mọi sợ hãi nơi tôi biến mất, song tôi có cảm  tưởng chẳng biết mình đứng ở đâu. Tôi lấy tay dụi dụi đôi mắt. Tôi nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt ra. Bà vẫn cười. Như một cái máy, chẳng chút suy nghĩ, tôi lấy chuỗi ra và qùi xuống. Bà gật đầu bằng lòng. Trong tay Bà cũng mang chuỗi. Chuỗi đeo bên tay phải. Bà để tôi lần chuỗi một mình. Tay Bà cũng lần chuỗi, nhưng không đọc kinh, chỉ khi kết thúc mỗi chục, Bà mới đọc kinh Sáng Danh với tôi”.

Lần hiện ra ngày 25-2, Đức Mẹ bảo cô Benađetta qùi xuống móc đất, bỏ vào miệng, để cầu nguyện và đền tội cho những người tội lỗi. Những người đi theo thấy vậy hét to : “Dơ bẩn ! dơ bẩn !” Đức mẹ bảo cô móc sâu thêm. Cô nghe tiếng róc rách, rồi một dòng nước vọt ra, chảy mãi cho đến ngày nay. Biết bao bệnh nhân đã đến uống, tắm và được khỏi bệnh. Bởi vậy Giáo hội đã lấy ngày Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức làm ngày cầu cho các bệnh nhân.

Các bài đọc Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật hôm nay cũng nói đến các bệnh nhân.

Trước hết là bài đọc 1 kể chuyện bệnh tật khổ đau của ông Gióp. Ông bị ghẻ lở đầy mình, phải ngồi trên đống tro, lấy mảnh sành gãi ngứa. Trước khi bị bệnh, ông còn bị mất hết tài sản, con cái. Ông bị vợ và bạn bè nguyền rủa. Đời ông cực khổ như người nô lệ, như người thợ làm công. Ông than thở : “Gia tài tôi là những tháng ngày vô vọng, số phận tôi là những đêm đau khổ ê chề”. Không phải chỉ có ông, mà mọi người đều khổ. Ông nói : “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ dịch sao ? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê”.

Bài Tin Mừng cũng nói đến việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà gia của thánh Phêrô và biết bao bệnh nhân khác. Người ta khổ đau chạy đến với Chúa, đến nỗi “cả thành xúm lại trước cửa” nhà thánh Phêrô. Chúa đi cầu nguyện, người ta vẫn kéo đến. Các tông đồ phải đi tìm và nói với Chúa : “Mọi người đang tìm Thầy”!

Ngày nay người ta vẫn khổ. Người ta chạy đến Đền thánh Giuse ở ngã tư Bẩy Hiền, đến Đức Mẹ Fatima ở Bình Triệu,  đến mộ cha Diệp ở Cà Mau …Đâu đâu cũng thấy đầy các bảng “tạ ơn”.

Thế nhưng đâu có phải ai cũng được cứu chữa. Các bệnh viện vẫn chật ních các bệnh nhân. Hai ba người phải nằm chung một giường. Những người đạo đức cũng bị bệnh. Những người nghèo không có tiền chạy thuốc chạy thầy cũng bị bệnh, chịu khổ đau năm này sang năm khác. Tại sao Chúa và các thánh không ra tay cứu giúp ? Tại sao Chúa vẫn cứ ngoảnh mặt làm ngơ ? Chúa từ bi và nhân hậu ở chỗ nào ? Đâu là ý nghĩa của khổ đau ?

Chúng ta trở lại câu chuyện ông Gióp. Khi ông mất hết của cải, ông nói : “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi. Xin chúc tụng Danh Đức Chúa” (1,21). Vợ ông bảo ông : “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!”, nhưng ông đáp lại : “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không đón nhận sao” (2,9-10) ? Trong bài đọc hôm nay, ông thưa với Chúa : “Lạy Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”.

Những lời ông Gióp nói mới chỉ biểu lộ tâm tình chấp nhận và phó thác vào Thiên Chúa, chứ chưa nói lên được ý nghĩa của khổ đau. Chúng ta phải trở lại bài Tin Mừng, để khám phá ra ý nghĩa của đau khổ.

Thánh Mác-cô kể lại việc Chúa Giêsu chữa bệnh sốt rét cho bà gia thánh Phêrô như sau : “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Từ “đỡ dậy”, “chỗi dậy” ám chỉ đến sự sống lại của Chúa. Chúa Giêsu phải chết trên thánh giá mới sống lại. Những tín hữu thời ấy đọc câu chuyện này trong ánh sáng mầu nhiệm thương khó và phục sinh của Chúa. Qua thập gía của Chúa, người ta nhận ra ý nghĩa của bệnh tật và đau khổ. Đau khổ không còn là sự than thân trách phận, mà là sự cứu thoát.

Chẳng những thánh giá đau khổ đem đến sự cứu thoát, mà còn đem đến sự phục vụ. Vì thế, thánh Mác-cô kể thêm : “Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”.

Qủa vậy, các thánh và biết bao người đạo đức đã dùng bệnh tật và khổ đau của đời mình để cứu thoát mình và phục vụ ngưới khác.

Người ta đã tìm thấy một mảnh giấy trong túi áo của một binh sĩ chết trên chiến trường. Mảnh giấy viết như sau :

Tôi đã cầu xin cho được khỏe mạnh, để làm nên những việc vĩ đại, thế mà Chúa lại bắt tôi yếu đuối, để tôi có thể làm những điều tốt hơn.

Tôi cầu xin cho được giầu có để sống hạnh phúc, thế mà Chúa lại để tôi nghèo khổ, hầu tôi được khôn ngoan hơn.

Tôi cầu xin nắm được quyền cao chức trọng để mọi người tán dương, thế mà tôi vẫn chịu cảnh thấp hèn, để tôi cảm thấy cần đến Chúa.

Tôi chẳng nhận được điều tôi xin, nhưng tôi lại nhận được điều tôi hy vọng. Mọi lời cầu xin không thốt ra lời lại được đáp trả, hầu như ngoài dự tính của tôi. Và như thế tôi được liệt vào sổ những người được Chúa chúc phúc nhiều nhất”.

Đau khổ có ý nghĩa cứu thoát và phục vụ, nên chúng ta mới hiểu được thánh Phaolô đã chịu mọi khổ đau để đi rao giảng Tin Mừng cứu thoát của Chúa. Ngài viết trong thư gửi tín hữu Côrintô trong bài đọc 2 hôm nay : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !…Tôi đã trở thành nô lệ…Tôi đã trở nên yếu đuối… Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người…”(9-2-2012)

        Bài đọc thêm :

Báo Tuổi Trẻ thứ bảy ngày 4-2-2006 đưa tin : Festival Tokyo Video lần thứ 28 ở Nhật đã trao giải thưởng xuất sắc cho hai phim của VN là “Vượt Dốc” và “Hương Hoa Giữa Đời Thường”. Phim “Vượt Dốc” kể chuyện cô Huỳnh Thị Xậm, 23 tuổi, ở xã Xà Phiêng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, hai tay bị liệt, nhưng cô đã dùng hai chân để viết chữ, chèo thuyền, thêu thùa, giúp mẹ nuôi 6 đứa em ăn học. Phim “Hương Hoa Giữa Đời Thường” kể đời sơ Mậu săn sóc những người bệnh cùi ở trại cùi Di Linh, Lâm Đồng.

Còn hình ảnh nào đẹp để nói lên ý nghĩa “cứu thóat và phục vụ” của đau khổ.

 

Thánh Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-ni sinh tại Vê-ni, nước Ý năm 1841. Là một sĩ quan tài ba, ngài chỉ huy pháo đài Cas-tel-nu-ô-vô. Khi bị kẻ thù đánh bại, ngài bị bắt, bị tù, bị xiềng xích. Trong tù ngài nhớ lại tội lỗi của mình. Đức Mẹ giúp ngài trốn thoát. Ngài quyết định dâng cuộc đời cho Chúa.

Ngài chịu chức linh mục năm 37 tuổi. Ngài lập cô nhi viện, nhà thương, nhà lưu trú cho các cô gái hoàn lương. Năm 1532, ngài lập dòng Các Tôi Tớ Người Nghèo.

Ngài nói với các hội viên trong dòng : “Chúa Kitô truyền anh em cảm nghiệm được sự nghèo khó, cảnh khốn cùng, sự bỏ rơi, sự mệt mói và sự nhục nhã. Tại sao ? Chỉ có Chúa biết mà thôi. Tuy nhiên có thể vì ba lý do :

1- Thứ nhất : Chúa muốn chúng ta vào số những con cái thân yêu của Chúa. Đó là cách Chúa đối xử với các bạn của Chúa, và làm cho các bạn nên thánh.

2- Thứ hai : Chúa đòi hỏi chúng ta hoàn toàn phó thác vào Ngài, chứ không vào một ai.

3- Thứ ba : Chúa thử thách chúng ta như vàng trong lửa. Nếu chúng ta kiên vững trong mọi thử thách, Chúa sẽ ban cho chúng ta bình an và nghỉ ngơi cả đời này lẫn đời sau.

Năm 1537 thánh Giê-rô-ni-mô E-mi-li-a-nô qua đời mớí 56 tuổi, vì săn sóc các bệnh nhân bị dịch. Năm 1928 Đức giáo hoàng Pi-ô XI đặt ngài làm bổn mạng các cô nhi viện.

Thánh nhân đã biến những đau khổ trở thành niềm vui cho những ai đau khổ (8-2-2009)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành