Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm B


CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – NĂM B

(2Sm 7,1…16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38)

20-12-2020

Bà Gio-an-na

Trong tập sách “Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt”, cha Đỗ Quang Chính đặt câu hỏi: “Ai trong vương tộc nhà Nguyễn là người đầu tiên theo đạo Đức Chúa Trời?” (trang 70). Trả lời được câu hỏi này, cũng là câu trả lời cho biết ai là người đầu tiên trong vương tộc nhà Nguyễn ở Quảng Nam có đạo?

Cha Đỗ Quang Chính trả lời: “Phải chăng là bà lớn Gio-an-na, được rửa tội khoảng năm 1620, mà người ta cho rằng bà là chị của chúa Nguyễn Phước Nguyên. Bà lớn Gioanna không ở kinh đô Đàng Trong, nhưng ở tại Thanh Chiêm (Phước Kiều). Nhà bà là nơi cha Pina tập họp dân chúng để dạy giáo lý. Bà hăng say nhiệt tình với đạo, và bà nói là ‘đạo Hoa Lang hơn hẳn các đạo trong nước’. Chính bà khuyên nhủ một người anh của bà lúc đó ở Hội An, đã 74 tuổi, chịu phép Thánh tẩy, do cha Pina đã đến tận nhà ông dạy giáo lý và rửa tội khoảng cuối năm 1620, sau đó cha rửa tội cho trên 30 người đã đến học giáo lý với cha cũng tại nhà ông anh của bà lớn Gioanna” (Sđd, trang 70-71).

Trang 21 của cuốn sách kể trên, cha Đỗ Quang Chính viết: “Các tu sĩ đến Cacciam (Kẻ Chàm), tức Thanh Chiêm, cũng gọi là Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 7 km về phía Tây, nơi quan trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ đặt bản doanh, cai trị suốt từ đèo Ải Vân xuống tận Qui Nhơn. Tại Quảng Nam dinh, quan trấn thủ cũng cho phép các Giêsu hữu (dòng Tên) làm một nhà nguyện và nhà ở, nhờ sự giúp đỡ của một bà rất quí phái. Bà này về sau được chịu phép rửa, thánh hiệu Gioanna. Chính trong nhà riêng, bà cũng lập “nhiều bàn thờ” và hằng cầu khẩn với “một Đức Chúa Trời đất”.

Cha Đỗ Quang Chính kể lại lời cha Gaspar Luis như sau: “Tại cư sở Hội An có một cha đến ‘triều đình’ (theo chúng tôi hiểu là Thanh Chiêm, tức thủ phủ của thế tử Nguyễn Phước Kỳ) dạy giáo lý tại nhà bà Gioanna ‘bằng tiếng bản xứ này’. Những người nghe cha giảng, nói là, bây giờ họ bắt đầu trở thành người thuộc về Đức Kirixitô và hiểu biết được sự thánh thiện của đạo này. Cha ấy là ai? Chúng tôi có lý mà cho rằng đích thực Francisco de Pina, bởi vì hai thầy người Nhật và cha Marques chưa biết tiếng Việt. Đàng khác trước khi làm phép rửa tội cho bà Gioanna, thì nhờ nói khá tiếng Việt và hiểu biết về thiên văn, cha Pina đã giải thích rành rẽ cho một Vnque (Ongue, Ông Nghè, tức là một vị tiến sĩ?) để trả lời cho tất cả những thắc mắc của ông về khoa Chiêm tinh. Pina còn nói trước về tháng, ngày, giờ chính xác xảy ra nguyệt thực, làm cho ông nghè này cùng các quan và cả vị trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ thán phục, nhất là khi các ông thấy những nhà chiêm tinh trong xứ nói sai” (sđd, trang 39-40).

Cha Đỗ Quang Chính còn cho biết: “Chính Pina chủ động trong việc lập cư sở Thanh Chiêm. Pina viết trong thư năm 1622-1623 cho bề trên ở Áo Môn như sau:” Năm ngoái con đã biên thư cho cha, thưa cha đáng kính, con đã mua hai nhà của mẹ bà Gioanna ở Cacham, mỗi nhà gồm ba gian, một nhà dành cho chúng ta ở, nhà kia làm nhà nguyện. Mục đích của con là cần cái gì đó (nhà) thuộc quyền chúng ta tại một nơi rất quan trọng của Vương quốc này, để chúng ta có thể dâng lễ misa tại đó, và tiếp tục vun trồng cùng phát triển nhóm bổn đạo ở đây {…}. Tại mỗi nhà phải có ít nhất ba {thanh niên} giúp chúng ta công việc trong nhà, và cũng phải dành thời giờ cho những người đó vừa học chữ của họ, vừa học chữ của chúng ta” (sđd, trang 68).

Bà Gioanna còn có lòng quảng đại. Cha Chính kể: “Vào mùa thu năm đó (1617) thiếu mưa, nông dân Quảng Nam không làm nông được. Theo cha Borri thì các onsaif (ông sãi) liền nhóm họp để tìm cho ra lý do làm phật lòng thần thánh. Theo các onsaif, chính vì các thầy đạo Hoa Lang đến đây giảng dạy một tà giáo, nên Trời, Phật mới giáng họa cho vùng này. Vì thế, dân chúng cùng các onsaif đến trình với trấn thủ Quảng Nam dinh là Nguyễn Phước Kỳ, thế tử của Nguyễn Phước Nguyên. Trấn thủ không tin nhận lý do trên đây, nhưng sợ dân chúng gây rối loạn, nên đành ra lệnh cho các cha tạm rút về Áo Môn, chờ hết nạn hạn hán sẽ trở lại, dù trấn thủ rất qúi trọng các cha

 Tầu buôn Bồ Đào Nha chở các cha vừa ra khơi thì bị gió ngược phải quay lại bờ. Dân chúng ngăn cản không cho các cha vào ở trong nhà tại Cửa Hàn, nhưng phải ở trên bãi biển chịu nóng bức khổ sở. Trong khi ấy, người ta mời được pháp sư nổi tiếng là vị chân tu, làm lễ cầu đảo. Vị pháp sư lên một ngọn núi gần đó, sau khi khấn vái với những nghi thức cầu đảo quen thuộc, ông dậm mạnh chân trên đất ba lần, một lát sau mây mù giăng khắp, nhỏ được một vài giọt mưa, không đủ thấm đất cho dân làm ruộng. Dân chúng bực bội đi phóng hỏa nhà thờ ở Cửa Hàn, làm cho các cha ở bãi biển rơi lệ mà chẳng cách nào cứu chữa được. Không rõ các Giêsu hữu phải sống cơ cực trên bãi biển bao lâu; chỉ biết nhờ có bà Gioanna ở Thanh Chiêm cùng bổn đạo đến thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ” (sđd trang 50-51).

Công chúa Ngọc Liên

Ngọc Liên là công chúa của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên, quan trấn Quảng Nam. Bà là trưởng nữ kết hôn với tướng Nguyễn Phước Vinh. Ngọc Liên có ba em gái: Ngọc Vạn kết hôn với vua Chey Chettâ II (Cam Bốt); Ngọc Hoa (Khoa?) là vợ của Nhật kiều Sataro, cũng gọi là Nguyễn Taro, hiệu Hiển Hùng; Ngọc Đỉnh thành hôn với tướng Nguyễn Cửu Kiều, quan trấn Quảng Bình.

Ngọc Liên được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức vương thái phi, có lẽ được rửa tội năm 1636 do cha Buzomi, mang thánh hiệu Maria Mađalêna. Chồng bà làm trấn thủ Trấn Biên dinh (Phú Yên) từ năm 1629-1643, tuy không theo đạo, nhưng lại “ước mong mọi người dưới quyền cai trị của ông theo ‘Đạo Hoa lang’.

Ngọc Liên rất nhiệt tình với Đạo, có một nhà nguyện riêng trong dinh của bà và anh chị em bổn đạo có thể tới cầu nguyện. Năm 1641, cha Rhodes (Đắc Lộ) ở trong dinh của tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh Tẩy cho 90 người, trong số này có Thầy Anrê Phú Yên.

Từ năm 1643, Ngọc Liên theo chồng về cư ngụ tại Thành Chiêm, bà vẫn một lòng với Đạo, hăng say giới thiệu Tin Mừng, kể cả sau khi tướng Vinh qua đời năm 1645. Ngọc Liên công chúa lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương), lo cho những người nghèo khổ, neo đơn, cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng Đàng Trong. Đến năm 1645, bà cũng có dịp gặp gỡ và giúp đỡ 4 nữ tu Clara cùng hai cha dòng Phanxicô là Antonio de Puerto và Antonio de Santa Maria Caballero (tất cả là người Tây Ban Nha), đi tầu từ Áo Môn về Manila, bị gió bão trôi giạt vào Quảng Nam. Khi cha Metelle Saccano đến Đáng Trong năm 1646, bà cũng lén lút từ Thành Chiêm lên Cửa Hàn gặp cha vào ban đêm.

Ông Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên còn kể thêm vài cử chỉ đẹp của bà: “Mỗi ngày bà Ngọc Liên gởi một món quà để tặng, đến thăm thường xuyên và còn cho con gái của bà đến ở với các nữ tu (Tây Ban Nha)” (Hồng Nhuệ, Tường Trình Về Đàng Trong 1645, trang 120).

Về công chúa Ngọc Liên thì một tài liệu sau này cho biết vào cuối năm 1663, bà bị bắt cùng với một số đông giáo dân tỉnh Quảng Nam. Trong số 100 người, tất cả đều chối đạo trừ 5 phụ nữ trong đó có bà Maria, 4 người là thường dân thì bị voi dày, còn bà vì thuộc huyết thống nhà chúa nên người ta nhốt bà để cho bà chết đói chết khát trong khám nhiều ngày, nhưng rồi vì khát quá bà đã xin gặp quan trấn và bà đã chối đạo…Đầu tháng 2-1665, khi gặp cha Louis Chevreuil MEP, bà đã xưng tội, nhưng bị cha phạt vạ không được rước lễ ngay. Không rõ Ngọc Liên qua đời năm nào. Năm 1674 bà còn sống và vẫn dạy giáo lý (Lm Đỗ Quang Chính SJ, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 73-74)

Bà Gio-an-na và công Chúa Ngọc Liên noi gương Đức Mẹ “xin vâng” trong việc “cưu mang Đấng Cứu Thế” trong bài Tin Mừng Chúa nhật cuối Mùa Vọng hôm nay.

Bài đọc 1: Bđ1 đọc sách Sa-mu-en quyển hai. Cha Nguyễn Ngọc Rao OP kể lại câu chuyện trong bđ1 như sau: “Bên cạnh hoàng cung được xây cất nguy nga trong nội thành Xi-on là Hòm Bia Giao Ước, nơi Đức Chúa hiện diện vô hình giữa dân Người, được đặt trong một cái lều giữa một khu đất rộng. Một con người đạo đức như vua Đa-vít thì luôn luôn bận tâm làm sao cho nhà Gia-cóp biết tôn thờ Đấng Bảo trợ dân tộc là chính Thiên Chúa vĩnh cửu cho xứng đáng, (Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước, trang 168).

Vua nói với ngôn sứ Na-than: “Tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn hòm bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải”. Ngôn sứ thưa với vua: “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện”.

Đức Chúa từ chối ngôi nhà mà vua Đa-vít có ý xây dựng làm nơi đặt Hòm bia thánh. Lý do là từ lâu, Đức Chúa vẫn nay đây mai đó trong một cái lều. Chúa không hề đòi phải xây cho Chúa một thánh điện bằng gỗ bá hương… xem ra Người muốn tiếp tục lề thói thời sa mạc” (Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước, trang 169).

Thiết tưởng ở đây chúng ta thêm sách Sử Biên Niên để thấy lý do. Khi về già, chính vua nói cho thái tử Sa-lô-môn: “Con ơi, cha đã định xây một ngôi nhà kính danh Đức Chúa. Nhưng có lời Đức Chúa phán với cha rằng: ‘Ngươi đã đổ máu nhiều và đã nhiều phen giao chiến, nên sẽ không được xây nhà kính danh Ta. Trước mặt ta, ngươi đã làm cho đất thấm đầy những máu’” (1Sbn 22,7-8).

Trong phần sau của sứ điệp, ngôn sứ Na-than đem đến cho vua một tin vui khác thường: Đức Chúa ban cho dòng dõi vua một ân huệ cao quí tuyệt vời: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi trước mặt Ta, ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi”. Hẳn là vua Đa-vít rất ngỡ ngàng khi đón nhận mặc khải này. Liền đó vua đã vào Đền Thánh ngồi chầu trước nhan Đức Chúa để bộc lộ tâm tình với Người (2Sm 7,18-29).

Ân huệ cao quí đó là Đấng Thiên Sai, “Đấng được xức dầu của Đức Chúa” (2 Sm 1,14), Tân Ước dành từ này cho Đức Chúa Giê-su dưới dạng tiếng Hy Lạp là “Ki-tô”, Christos (sđd trang 171).

Bài Tin Mừng:  trong tập sách quay rônêô “Tin Mừng Dẫn Giải Giáng Sinh” của nhóm Trao Đổi viết về câu chuyện “Truyền Tin” như sau: “Thánh Luca không có ý kể lại những biến cố lịch sử cách khách quan như ta quan niệm ngày nay, khi ngài viết về trình thuật truyền tin. Đây là một bài suy ngắm sâu sắc về ngày vĩ đại, quan trọng, nhưng âm thầm: ngày Thiên Chúa sai vị Cứu Tinh mà dân Do Thái trông đợi bao năm. Lịch sử dân Thiên Chúa từ đời tổ phụ Áp-ra-ham đã chứng kiến những việc lạ lùng Thiên Chúa làm. Biến cố nhập thể của Thiên Chúa vào cung lòng một trinh nữ (nghĩa là lòng đã chết đối với xã hội) là chóp đỉnh của những chuỗi sự lạ lùng đó.

Từ cung lòng trinh bất lực đó Thiên Chúa đã cho Đứa Con đầu lòng của dân mới ra đời. Dân này không căn cứ vào dòng họ xác thịt như dân cũ nữa, nhưng căn cứ vào ân huệ của Thánh Thần. Đứa Con đầu lòng không sinh ra bởi một nguyên nhân xác thịt, vì thế không lệ thuộc vào bất cứ dòng họ nào. Ngài chỉ lệ thuộc vào Thánh Linh.

Maria là thụ tạo đầy Thánh Linh, nên đã là người tiên khởi đón vị khai sáng của dân tộc mới này. Maria trong thâm ý của Luca thay thế nữ tử Sion, đại diện cho dân mới. Hội Thánh cũng như Maria chịu nhiều đau khổ, khinh chê, bắt bớ, nhưng chính sự bắt bớ ấy làm Thiên Chúa đoái thương và cho nẩy ra sức mạnh (Sđd, trang 80).

Bài đọc 2:  Đây là “Vinh Tụng Ca” thánh Phaolô viết kết thúc thư Rôma. Sách “Tân Ước” 1994 của nhóm CGKPV dẫn giải câu “giữ kín từ ngàn xưa” như sau: “Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải trong thời gian qua lịch sử Ít-ra-en; các ngôn sứ đã loan báo, nhưng người ta không thể hiểu được kế hoạch ấy. Đức Giê-su đã đến và cho người ta  thấy. Các tông đồ loan báo sứ điệp cứu độ ấy” (trang 656).

Kết luận: Thư Do Thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiếu cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2).

Lạy Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê-Phú Yên, xin giúp chúng con sửa soạn tâm hồn thành hang đá cho Chúa giáng sinh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành